Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Từ người dốt nát thành người tri thức?

Từ người dốt nát thành người tri thức?

A.D. THE BIBLE CONTINUES -- "The Body Is Gone" Episode 102 -- Pictured: (l-r) Babou Ceesay as John, Adam Levy as Peter -- (Photo by: Joe Alblas/LightWorkers Media/NBC)

Từ người dốt nát không học thành người tri thức, giảng dạy, viết sách

Kinh Thánh: Công Vụ 4: 5-13

Câu gốc: Khi chúng thấy sự dạn dĩ của Phi-e-rơ và Giăng, biết rõ rằng ấy là người dốt nát không học, thì đều lấy làm lạ, lại nhận biết hai người từng ở với Đức Chúa Giê-su. Công vụ 4:13.

Dân chúng Do Thái kinh ngạc vì họ tưởng mình đã biết rõ Phi-e-rơ.

HỌ BIẾT PHI-E-RƠ LÀ NGƯỜI DỐT NÁT KHÔNG HỌC

Họ biết rõ ông là người bình dân, nhà quê, chuyên nghề đánh cá, không sống ở thành phố có trường học. Ông không được đào tạo chính quy và không có bằng cấp như các luật sư, các thầy tế lễ và người Pha-ri-si. Họ kết luận rằng ông là người dốt nát không học. Câu nầy có nghĩa gì? Tôi hiểu câu nầy có nghĩa ông Phi-e-rơ được xem là người không có thẩm quyển để giảng, để dạy, không đạt tiêu chuẩn của đời, của đạo. Bởi ông không học và chưa tốt nghiệp Đại Học Jerusalem, tại thủ đô như các nhà lãnh đạo giới cầm quyền trong Do Thái Giáo và trong xã hội. Có lẽ ông không thông thạo tiếng Hy Lạp, ông không có văn bằng. Giống như ngày nay chúng ta không biết viết tiếng Anh, chúng ta chưa tốt nghiệp Đại Chủng Viện. Nhưng nhận xét nầy không hoàn toàn đúng.

Người Do Thái nhìn bề ngoài, không nhìn bề trong. Người Do Thái chỉ chú tâm đến chuyện tạm thời. Họ có cái nhìn thuộc thể và không có cái nhìn thuộc linh. Thật ra ông Phi-e-rơ là người Do Thái và chắc chắn là ông đã học Ngũ Kinh Môi-se ngay từ nhỏ. Ông biết và thực hành lời Shema hằng ngày. Shema nghĩa là “Hỡi Israel, hãy nghe!” Đây là truyền thống Do Thái từ thời Môi-se khi Chúa truyền mỗi người Do Thái, trong gia đình và ngoài xã hội, đều lặp đi lặp lại tín điều về Đức Chúa Trời có một và thật. Đây là mệnh lệnh rất quan trọng đối với dân Do Thái và là nét đặc thù trong đời sống đạo của người Do Thái xưa nay.

Người Do Thái thờ Trời từ thời Môi-se có lời Shema và người Hồi Giáo sau nầy thờ Trời cũng có lời Shema. Người Hồi Giáo nói: “Có một Ông Trời là Allah và Ma-hô-mét là tiên tri của người.”

Đối với Đức Chúa Trời thì nội dung quan trọng hơn hình thức, tấm lòng quan trọng hơn miệng lưỡi.

Chúng ta cần học truyền thống nầy của người Do Thái để áp dụng cho gia đình và con em chúng ta ngày nay. Tôi ước gì mỗi người và mỗi gia đình người Việt Nam mỗi ngày đều nói: IN GOD WE TRUST hay JESUS IS THE LORD. Đây sẽ là lời Shema hằng ngày của chúng ta.

Mời quý vị cùng xem với tôi trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:1-9.

“Vả, nầy là điều răn, luật lệ và mạng lịnh mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã phán dặn ta dạy lại cho, để các ngươi làm theo nó trong xứ mà các ngươi sẽ đi vào nhận lấy; hầu cho ngươi kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, trọn đời, ngươi và con cháu ngươi vâng giữ các luật lệ và điều răn của Ngài mà ta truyền cho ngươi, để ngươi được sống lâu ngày. Hỡi Y-sơ-ra-ên, ngươi hãy nghe lấy và cẩn thận làm theo, hầu cho ngươi được phước và thêm lên nhiều trong xứ đượm sữa và mật, y như Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ ngươi đã phán hứa cùng ngươi.
Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai.
Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy. Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chỉ; cũng phải viết các lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi.”

deuteronomio-6-vs-1-7-e

HỌ BIẾT PHI-E-RƠ TỪNG HỌC VỚI CHÚA GIÊ-SU

Tôi tin rằng không ai muốn mình được gọi là người dốt. Muốn hết dốt mỗi người phải biết ham học và ham đọc. Là con cái Chúa chúng ta có sự thuận tiện lớn để diệt giặc dốt. Chúng ta có Kinh Thánh. Hãy yêu Kinh Thánh và đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Chúng ta có nhà thờ, hãy nghe giảng và thích nghe giảng. Tôi biết có một bà tín đồ Việt Nam kia dù không đến trường ngày nào nhưng nhờ lần mò tập đọc Kinh Thánh, bà đã trở thành người biết đọc, rồi biết viết, biết nói lưu loát.

Hãy cho người khác biết là họ nghĩ sai về chúng ta khi cho chúng ta là kẻ dốt nát không học. Chỉ có người thấy mình dốt mới ham học, nhất là học Kinh Thánh, nhờ đó họ mới thành người tri thức, có học. Chúng ta cần học cả đời. Người tự hào mình có bằng cấp Đại Học hay tốt nghiệp Trường Kinh Thánh nhưng không tiếp tục đọc và không tiếp tục học thì người đó sẽ nhanh chóng lỗi thời chẳng khác gì người dốt nát không học.

Đọc và học phải có thời gian. Phi-e-rơ và các sứ đồ đã liên tục ở với Chúa Giê-su trong 3 năm. Họ học cả lý thuyết lẫn thực hành, họ học sống đức tin qua kinh nghiệm. Họ biết quan sát, giải nghĩa và áp dụng. Người xưa có nói, “Trồng cây mất 10 năm, trồng người mất 100 năm.” Chúng ta cần thời gian để học. Chúa cần thời gian để biến đổi. Điều kiện Chúa đòi học trò của Ngài là phải trung tín theo học với Ngài. Chúng ta phải chịu khó nhìn xem Chúa và vâng lời Chúa. Trí óc chúng ta cần thời gian để tiêu hóa kiến thức, để suy nghĩ và biến kinh nghiệm thành tri thức, khôn ngoan. Chúa Giê-su kêu gọi: “Hãy học theo ta và mang ách của ta.”

Dân chúng Do Thái kể cả những nhà học thức đương thời vô cùng kinh ngạc về sứ điệp và quyền phép Trời ban cho ông Phi-e-rơ và họ khám phá thêm một điều quan trọng là ông đã từng ở với Chúa Giê-su. Học với ai mới là điều quan trọng. Cái Trường của Chúa Giê-su có thể gọi là Trường Ga-li-lê hay Viện Đào Tạo Môn Đồ.

Ngày nay ai cũng ngạc nhiên về đầu óc của người Do Thái. Quả họ là dân tuyển của Đức Chúa Trời. Trên thế giới dân Do Thái có khoảng 13 triệu người, nhưng họ là chủ nhân của 40% giải Nobel, họ có 1/3 tổng số triệu phú đang sống và làm việc ở Mỹ. Người Do Thái cũng có 20% Giáo sư tại các Viện Đại Học hàng đầu trên thế giới hiện nay.

HỌ KHÔNG BIẾT PHI-E-RƠ TRỞ THÀNH NGƯỜI VIẾT SÁCH

Từ các bài giảng và các thư tín của Phi-e-rơ, ta thấy ông là người tri thức và khôn ngoan. Chúa Giê-su đã biến đổi ông Phi-e-rơ. Trước hết, Ngài đổi tên của ông từ Simon thành Peter. Chữ Peter nghĩa là một hòn đá. Trong tiếng A-ram, chữ Peter là Sê-pha, cho nên Phi-e-rơ là người có 3 tên. Gần 50 lần Tân Ước gọi ông là Simon hay Simon Peter. Có lẽ hai tên gợi ý hai tính cách khác nhau của một người theo Chúa.  Chẳng những đổi tên, Chúa còn thay đổi bản tính của Phi-e-rơ. Đó là người cũ (Simon) dễ thất bại và người mới Peter chiến thắng. Như Simon, ông là đất sét, như Peter, ông được Chúa biến thành tảng đá. Chúa đã truyền cho Peter trách nhiệm phải làm vững mạnh anh em mình (Lu-ca 22:32) và chăn bầy của Chúa (Giăng 21:15-17 và 1 Peter 5:1-4).

Trong thư 1 Phi-e-rơ 5:12,  Phi-e-rơ tiết lộ, “Tôi cậy Sin-vanh, là kẻ tôi coi như một người anh em trung tín, viết mấy chữ nầy đặng khuyên anh em, và làm chứng với anh em rằng ấy là ơn thật của Đức Chúa Trời, anh em phải đứng vững trong đó.” Chữ Sin-vanh có thể hiểu như là Si-la. Peter đã dùng Sin-vanh như là thư ký ghi lại lời đọc hay là ghi ý nói ra thành lời của Peter. Peter là người góp phần và hiệp tác xây dựng Hội Thánh đầu tiên. Dầu viết lại sứ điệp của mình cách nào, chúng ta cũng thấy khi viết thư tín nầy được liệt vào kinh điển của Kinh Thánh, Peter đã là nhà lãnh đạo tri thức.

Tác giả Warren W. Wiersbe đã chia bố cục thư 1  Phi-e-rơ một cách rõ ràng và thứ tự. Chủ đề thư nầy là “Ân điển Chúa và hy vọng sống.”

I. ÂN ĐIỂN CHÚA VÀ SỰ CỨU RỖI (1:1-2:10).
a. Sống trong hy vọng (1:1-12).
b. Sống trong thánh khiết (1:13-21).
c. Sống trong hòa hiệp (1:22-2:10).

II. ÂN ĐIỂN CHÚA VÀ SỰ THUẬN PHỤC (2:11-3:12).
a. Thuận phục các bậc cầm quyền (2:11-17).
b. Thuận phục các bậc chủ nhân (2:18-25).
c. Thuận phục trong gia đình (3:1-7).
d. Thuận phục trong Hội Thánh (3:8-12).

III. ÂN ĐIỂN CHÚA VÀ SỰ CHỊU KHỔ (3:13-5:11).
a. Tôn Giê-su là Chúa Tể (3:13-22).
b. Tập có thái độ của Chúa (4:1-11).
c. Tôn vinh danh Chúa (4:12-19).
d. Trông đợi Chúa tái lâm (5:1-6).
e. Nương dựa ân điển Chúa (5:7-14).

Trong thư 2 Phi-e-rơ, tôi thấy tinh thần ham học và cầu tiến của Phi-e-rơ. Ông đã viết,

“Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến. Vì nếu các điều đó có đủ trong anh em và đầy dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đâu. Nhưng ai thiếu những điều đó, thì thành ra người cận thị, người mù; quên hẳn sự làm sạch tội mình ngày trước. 10 Vậy, hỡi anh em, hãy chú ý cho chắc chắn về sự Chúa kêu gọi và chọn lựa mình. Làm điều đó anh em sẽ không hề vấp ngã; 11 dường ấy, anh em sẽ được cho vào cách rộng rãi trong nước đời đời của Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa và Cứu Chúa của chúng ta.”

CHÚA THƯỜNG ĐÀO TẠO NGƯỜI HAM HỌC THÀNH NGƯỜI KHÔN NGOAN

Hãy xem lời chứng của Phao-lô trong Thư 1 Cô-rinh-tô 1:20-31.

Người khôn ngoan ở đâu? Thầy thông giáo ở đâu? Người biện luận đời nay ở đâu? Có phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra rồ dại không? 21 Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng rồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy. 22 Vả, đương khi người Giu-đa đòi phép lạ, người Gờ-réc tìm sự khôn ngoan, 23 thì chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ dại; 24 song le, về những người được gọi, bất luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. 25 Bởi vì sự rồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta, và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta.
26 Hỡi anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng. 27 Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh; 28 Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, 29 để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời.

Áp dụng…

Ngày nay Chúa cũng đang đào tạo chúng ta bằng lời Chúa và bằng Hội Thánh của Chúa. Môn đồ của Chúa Giê-su là người có học. Họ học với Chúa, họ học với Thánh Linh trong chính cuộc đời. Mới đây tôi có đọc một sách nhỏ của tác giả Max Lucado, trong đó ông có nhắc đến câu chuyện trong tiểu thuyết NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ của Văn Hào Pháp Victor Hugo. Câu chuyện thật cảm động về quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Linh. Đây là phép lạ Chúa làm trong Thánh Linh. Câu chuyện xảy ra trong cuộc đời của một người tù mới ra trại tên là Valjean. Ông này đã ở tù 19 năm và thời gian tù đã làm cho ông trở nên người chai đá, không sợ đời và bất cần đời. Ông đã đi bộ suốt 4 ngày trên vùng lạnh Alpine vào thế kỷ 19 miền đông nam nước Pháp và chỉ khám phá ra là không nhà nào tiếp ông, không quán nào cho ông ăn. Cuối cùng ông gõ cửa nhà một ông giám mục.

Ông giám mục tên Myriel 75 tuổi. Cuộc cách mạng ở Pháp đã làm cho gia đình ông mất hết những tài sản, đồ đạc quý giá và nhà ông chỉ còn lại mấy chén dĩa bằng bạc, cái son nấu xúp và hai cái giá đèn. Ông Valjean kể lại câu chuyện đời ông và tưởng ông Giám mục thế nào cũng đuổi ông đi. Nhưng ông giám mục là người tử tế. Ông mời người khách ngồi gần lò sưởi. Ông giám mục nói, “Anh không cần kể cho tôi về ông là ai, vì nhà nầy không phải của tôi mà là của Chúa Giê-su Christ.” Lát sau ông giám mục đưa người mới ra tù đến bàn ăn, nơi họ ăn xúp, bánh mì, trái vả cùng ăn bơ và rượu chát với bộ đồ ăn bằng bạc. Ông giám mục còn dẫn Valjean đến một giường ngủ. Nhưng dù được an ủi, Valjean vẫn không ngủ được. Bất chấp lòng tử tế của vị giám mục, Valjean đã không cưỡng được sự cám dỗ. Ông lén lấy các đồ dùng bằng bạc của vị giám mục, bỏ vào túi xách và ra khỏi nhà chạy đi lúc ban đêm.

Nhưng đi không xa, cảnh sát bắt được ông và đã dẫn ông đến nhà của vị giám mục.  Valjean biết mình có thể trở lại nhà tù suốt đời khi mình bị bắt lại và có chứng cớ  không chối được. Nhưng có một điều lạ lùng kỳ diệu đã xảy ra.  Trước khi người Cảnh sát giải thích tội ăn trộm, vị giám mục đã xen vào.

“Oh! Anh ở đây rồi! Tôi rất vui lại gặp anh. Anh đã bỏ quên cặp chân đèn. Cũng là đồ bạc chính cống đó… hãy mang theo luôn với những muỗng nĩa mà tôi đã tặng cho anh.”

Anh Valjean ngỡ ngàng. Vị giám mục đưa người Cảnh sát ra sân và trở lại nhà. Ông nói, “Anh Valjean ơi, anh không còn thuộc điều ác nhưng thuộc về điều thiện. Tôi đã mua linh hồn của anh từ chính anh. Tôi đã lấy lại từ những ý nghĩ và việc làm xấu xa và từ Linh Địa Ngục, và tôi đã dâng linh hồn anh cho Đức Chúa Trời.”

The-grace-of-god-is-with-you

Valjean có một sự lựa chọn: tin vào vị giám mục hay tin vào quá khứ. Valjean đã tin lời của vị giám mục. Sau nầy ông đã trở thành thị trưởng của một thành phố nhỏ. Ông đã xây dựng nên một công xưởng và tạo công ăn việc làm cho người nghèo. Ông thương xót một góa phụ và nuôi con gái bà ấy.

Tác giả kết luận: Ân điển Chúa đã thay đổi người tù. Hãy để ân điển Chúa biến đổi đời sống bạn.

Hôm nay và mãi mãi. Bởi vì Chúa của Phi-e-rơ cũng là Chúa của chúng ta. Ngài là Đấng hôm qua, ngày nay, cho đến đời đời không hề thay đổi.

mụcsuhue

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

Vietnamese Missionary Institute

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn