Thứ Năm , 23 Tháng Một 2025
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Đời Sống Tự Do

Đời Sống Tự Do

“Bấy giờ Ngài phán cùng những người Giu-đa đã tin Ngài, rằng: Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta; các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi” Giăng 8:31-32. 

images (1)

Mục đích của Đức Chúa Trời cho dân sự Ngài từ khi sáng thế chính là tự do, là điều mà Phao-lô gọi là “Sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:21). Ngày Chúa trở lại sẽ đến khi con dân Chúa có một thân thể vinh hiển và sống trong một thế giới mới đẹp tuyệt vời, và được giải phóng khỏi mọi hình thức hạn chế mà chúng ta đang phải cam chịu hiện nay. Nhưng ngay lúc này chúng ta có thể kinh nghiệm được sự tự do mà Chúa Giê-su Christ mang lại vì, “Vậy nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do” (Giăng 8:36).

Nhưng đầu tiên chúng ta phải suy xét câu hỏi “Tự do là gì?” Câu trả lời thường gặp là, “Tự do nghĩa là có thể làm mọi điều bạn muốn và những điều bạn không muốn thì không phải làm.” Một câu trả lời như vậy là một sai lầm nghiêm trọng. Làm những điều bạn muốn hay là không làm những điều bạn không muốn chính là hình thức xấu xa nhất của sự ích kỷ và bó buộc và cuối cùng sẽ dẫn đến hình thức tồn tại thấp hèn nhất. Đây là định nghĩa của tôi về tự do: “Tự do là cuộc sống được điều khiển bởi lẽ thật và thúc đẩy bởi tình yêu, để hầu việc Chúa và trưởng thành thuộc linh.” Hãy dừng lại và nghĩ về định nghĩa này một chút.

Tự Do Là Cuộc Sống….

Những tử thi, tượng cẩm thạch và những bộ xương không có tự do bởi chúng không có sự sống. Tôi ngưỡng mộ nghệ thuật làm tượng sáp ở bảo tàng Madame Tussaud’s Waxworks trên đường Marylebone Road ở Luân Đôn, nhưng không tượng sáp nào nói chuyện với tôi hay chìa tay ra bắt tay tôi. Những người vô tín không có sự tự do đích thực là bởi vì họ đã “chết vì lầm lỗi và tội ác mình.” (Ê-phê-sô 2:1). Những người này có thể theo một tôn giáo nào đó, nhưng Chúa gọi tôn giáo của họ là “các việc chết” bởi vì những người đang hướng dẫn họ chết về thuộc linh (Hê-bơ-rơ 6:1; 9:14). Khi Chúa Giê-su làm La-xa-rơ sống lại từ kẻ chết, Ngài đã ra lệnh “Hãy mở cho người, và để người đi” (Giăng 11:44), và họ cởi bỏ bộ vải liệm bốc mùi và mặc đồ cho La-xa-rơ như cho người một người còn sống.

Hàng triệu người khốn khổ là bởi họ có những điều kéo họ lại phía sau. Như chúng ta thấy trong chương 1, sự sống đời đời là một món quà chỉ có thể nhận được bằng cách tin Chúa Giê-su Christ. “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó” (Giăng 3:36). Câu nầy được viết bằng thì hiện tại, tức là ngay lúc này. Nhà thần học người Anh P.T. Forsyth đã đúng khi nói rằng: “Nhiệm vụ đầu tiên của mỗi linh hồn là tìm cho mình một chủ nhân chứ không phải là tìm tự do.”1

Nếu bạn muốn trở thành một vận động viên vĩ đại, bạn phải phục dưới quyền của một huấn luyện viên vĩ đại, tin tưởng người đó, và làm những gì người đó yêu cầu. Những nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà lãnh đạo vĩ đại cũng làm theo cách tương tự: tìm một người người chủ thực sự và làm theo. Chủ nhân vĩ đại nhất trong tất cả chính là Chúa Giê-su Christ, và sự tự do bắt đầu bằng việc đầu phục Ngài.

1. P.T. Forsyth, Positive Preaching and Modern Mind (New York: Eaton & Mains, 1907), 28.

Sống Tự Do Là Cuộc Sống Được Điều Khiển Bởi Lẽ Thật.

Cuộc sống phải được điều khiển bởi lẽ thật vì nếu nó được điều khiển bởi sự nghi ngờ hay lừa dối thì kết quả sẽ rất đau đớn. Chúa Giê-su là lẽ thật (Giăng 14:6), Đức Thánh Linh là lẽ thật (I Giăng 5:6), Kinh Thánh cũng là lẽ thật (Giăng 17:17), và Hội Thánh là “trụ và nền của lẽ thật” (I Ti-mô-thê 3:15). Nếu chúng ta cho phép Đức Thánh Linh dạy dỗ chúng ta về Chúa Giê-su qua Kinh Thánh, và nếu chúng ta là bạn hữu trong tình yêu thương với con dân Chúa, lẽ thật sẽ là một phần sống trong chúng ta và chúng ta sẽ bước đi trong lẽ thật (II Giăng 4). Lẽ thật của Đức Chúa Trời sẽ không chỉ báo cho chúng ta biết mà còn biến đổi chúng ta để chúng ta ngày càng giống Chúa Giê-su Christ hơn.

Ngày nay nhiều người được cho là trí thức phủ nhận việc có một lẽ thật như vậy. “Điều là lẽ thật với bạn không có nghĩa đó là lẽ thật với tôi,” họ phản đối. Nhưng Môi-se, những nhà tiên tri, Chúa Giê-su và những môn đồ của Ngài tất cả đều khẳng định rằng Chúa đã tỏ cho chúng ta lẽ thật của Ngài; và sự kinh nghiệm cá nhân về đức tin của các tín đồ qua nhiều thế kỷ đã xác nhận điều này. Thủ Tướng Anh, Winston Churchill, đã nói “Lẽ thật là không thể chối bỏ. Sự hoảng hốt có thể oán giận nó; sự ngu ngốc có thể chế nhạo nó; sự hiểm ác có thể bóp méo nó; nhưng lẽ thật vẫn ở đấy!” Quả thực thế, lẽ thật vẫn vậy! “Hỡi Đức Giê-hô-va, lời Ngài được vững lập đời đời trên trời” (Thi Thiên 119:89).

Nếu lẽ thật đo đếm được, thì cả những kẻ “trí thức” không tin kia cũng phải chấp nhận tuyệt đối về: foot và inch, mét và mi-li-mét, lít và ga-lông, li và dặm, pound và ounce. Nếu không có những tiêu chuẩn này chúng ta sẽ sống trong sự hỗn loạn tai hại. Dù một nhà thiên văn nhìn chằm chằm vào một thiên hà rộng lớn  bằng kính viễn vọng hay một bác sĩ chuyên ngành ung thư đang nhìn chăm chú vào một mẫu máu nhỏ xíu nhờ kính hiển vi thì cả hai đều dựa vào đó tuyệt đối. Giám mục Tân giáo Philips Brooks nói rằng, “Lẽ thật luôn luôn mạnh mẽ, dù trông có vẻ yếu ớt và sự lừa dối luôn luôn yếu ớt, dù trông có vẻ mạnh mẽ.”

Vẫn có sự tự do giả dối dựa trên những lời nói dối và dẫn đến tai họa và thất bại. Sứ đồ Phi-e-rơ đã cảnh báo chúng ta phải chống lại các giáo sư giả, những kẻ xâm nhập vào các Hội Thánh và trường học và đưa đến những ý tưởng trái lẽ với lời Chúa đã được Chúa hà hơi (II Phi-e-rơ 2). Trong suốt hơn 60 năm trong chức vụ, tôi đã thấy nhiều công việc Chúa bị tiêm nhiễm bởi những tà thuyết, gây chia rẽ, làm suy yếu, và dẫn đến sự chết. Phao-lô so sánh tà thuyết với men: chỉ cần cho một chút men vào bột nhào là nó sẽ làm cho cả đống bột dậy lên (Lu-ca 12:1; Ga-la-ti 5:9; I Cô-rinh-tô 5:6-8).

Sống Tự Do Là Cuộc Sống Được Điều Khiển Bởi Lẽ Thật Và Thúc Đẩy Bởi Tình Yêu Thương…

Bất cứ khi nào bạn thấy một người giận dữ, đầy lòng căm thù, hiểm ác, và khao khát trả thù, thì bạn sẽ thấy một người mất kiểm soát và phá hủy mọi thứ quý giá.Ai đó đã nói rằng cơn giận dữ giống như một loại a-xít nó phá bình đựng nhiều hơn cả người bị tạt a-xít. Nghệ sĩ hài người Mỹ Will Rogers đã cảnh báo chúng ta về những người không kiểm soát được cơn giận của mình thường phải hối hận sau đó.

“Hãy dẹp sự giận, và bỏ sự giận hoảng;

Chớ phiền lòng, vì điều đó chỉ gây ra việc ác.” (Thi Thiên 37:8).

“Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương.” (Ga-la-ti 5:22). Tôi thường kể cho các sinh viên thần học về I Cô-rinh-tô 13 rằng đoạn Kinh Thánh này không phải được viết để đọc tại đám cưới hay lễ tang mà là tại cuộc họp ban trị sự của Hội Thánh và tại hội đồng về công tác của giáo hội. Nhiều người tức giận vì họ không được làm theo ý mình và một vài người trong đó là thành viên của Hội Thánh. Nếu trái tim chúng ta đầy lòng yêu thương đến từ Chúa Thánh Linh, thì chúng ta có thể tuân theo lời Chúa trong Gia-cơ 1:19-20 “Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận; vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời.” Một cơn giận không chính đáng chính là vũ khí xấu xa của ma quỷ, và tất cả chúng ta cần tự chủ vì chúng ta được thúc đẩy bởi tình yêu.

Tình yêu thương giữa các Cơ Đốc Nhân chẳng phải là thứ mà chúng ta có thể sinh ra được. Nó chính là trái được sinh ra trong tâm hồn chúng ta khi chúng ta khiêm nhường, suy gẫm Kinh Thánh, cầu xin sự giúp đỡ từ Chúa, bước đi trong Thánh Linh mỗi ngày. Chúng ta sẽ bị thử thách bởi những điều con người nói và làm vì thế chúng ta sẽ bị xúi cho tức giận nhưng đó là lúc chúng ta phải nhìn lên Chúa vì “Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết.” (Phi-líp 4:5-7). Nếu chúng ta thấy chính mình bị xúi giục bởi những người như vậy chúng ta phải kiểm lại chính mình để xem liệu có điều gì Chúa muốn chúng ta từ bỏ không. Chúng ta không thể có sự tự do nhờ cơn tức giận mà chỉ có tự do khi được điều khiển bởi lẽ thật và chúng ta rất dễ bị lừa dối bởi chính mình! Hãy suy gẫm I Giăng 1:5-10 và Thi Thiên 139:23-24.

Dĩ nhiên, tình yêu thương của chúng ta dành cho người khác chính là cách bày tỏ tình yêu của chúng ta với Chúa. Đối với các tín hữu Cơ Đốc, yêu thương người khác nghĩa là đối đãi với họ theo cách Chúa đối đãi chúng ta. Lời cầu nguyện của Phao-lô cho các bạn hữu mình ở Phi-líp chính là một gương tốt cho chúng ta noi theo. “Lại, điều tôi xin trong khi cầu nguyện, ấy là lòng thương yêu của anh em càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu, để nghiệm thử những sự tốt lành hơn, hầu cho anh em được tinh sạch không chỗ trách được, cho đến ngày Đấng Christ, được đầy trái công bình đến bởi Đức Chúa Giê-su Christ, làm cho sáng danh và khen ngợi Đức Chúa Trời” (Phi-líp 1:9-11).

Tình yêu thương của Cơ Đốc Nhân không chỉ chan chứa hơn trong cuộc sống mà còn phải tăng trưởng trong sự thông biết và sự suy hiểu. Một tình yêu lãng mạn có thể mù quáng nhưng tình yêu thương của Cơ Đốc Nhân không hề mù. Chúng ta yêu thương nhau với đôi mắt mở lớn! Chúng ta phải phân biệt những thứ khác nhau để tình yêu thương và lẽ thật đi cùng nhau (Ê-phê-sô 4:15). Tình yêu thương không có lẽ thật chỉ là đạo đức giả và lẽ thật không tình yêu là tàn bạo và chúng ta phải cân bằng.

Bất cứ khi nào chúng ta phục vụ người khác, chúng ta làm thế không chỉ vì chúng ta yêu thương họ mà còn vì chúng ta yêu Chúa Giê-su. Phao-lô gọi là “lòng yêu dấu của Đức Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 1:8). “Quả thật, ta nói cùng các ngươi.”. Chúa Giê-su phán, “Hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy” (Ma-thi-ơ 25:40). Bất cứ khi nào chúng ta giúp đỡ các Cơ Đốc Nhân, chúng ta phải nhớ rằng Đấng Christ yêu thương họ và chết vì họ. Đấng Christ phải là trung tâm của tình yêu thương. Thêm vào đó dù chúng ta làm việc gì cho Chúa cũng phải mang lại vinh hiển cho Chúa bởi chúng ta muốn Đấng Christ được cả sáng (Phi-líp 1:20). Kính hiển vi làm cho vật nhỏ trở nên lớn và kính viễn vọng làm cho vật ở xa trở nên gần. Hầu hết những người hư mất nghĩ rằng Chúa Giê-su rất nhỏ bé, tầm thường –không quan trọng như môn thể thao yêu thích của họ hay một ngôi sao truyền hình – và ở rất rất xa, nhưng khi chúng ta làm sáng danh Chúa bằng sự phục vụ người khác, Đức Chúa Giê-su trở nên rất lớn và rất gần!

Sống Tự Do Là Cuộc Sống Được Điều Khiển Bởi Lẽ Thật Và Thúc Đẩy Bởi Tình Yêu Thương Dẫn Đến Sự Hầu Việc Chúa Và Tăng Trưởng Thuộc Linh. 

j 1

Chúng ta chỉ thực sự tự do khi chúng ta đặt Chúa Giê-su lên hàng đầu, những người khác xếp tiếp theo, và cuối cùng là chúng ta. Nếu chúng ta không cẩn thận thì cả việc chúng ta hầu việc Chúa cũng có thể bị chúng ta lợi dụng để tôn vinh chính mình chứ không phải là để làm vinh hiển danh Đức Chúa Cha trên Thiên đàng (Ma-thi-ơ 5:16). Nếu mọi người chỉ thấy chúng ta mà không thấy Chúa Giê-su tức là chúng ta thất bại. Nếu một đầy tớ Chúa khao khát tôn vinh danh Chúa, họ sẽ dành thời gian, không gian để Chúa được vinh hiển qua sự hầu việc trung tín (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:12-13), nhưng chúng ta không được tự tôn mình lên cao. Khi đang lái xe để đến giảng lời Chúa cho một hội nghị, tôi nghe một người giảng về đạo Chúa trong chương trình phát thanh qua đài nhưng cuối cùng tôi đã tắt đi. Ông ta nói rất ít về Chúa Giê-su nhưng lại nói quá nhiều về chính mình. Ông ta quên mất mối quan tâm của Giăng Báp-tít là, “Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống” (Giăng 3:30).

Sự tự do trong Chúa của chúng ta phải dẫn đến sự hầu việc Chúa đem lại vinh hiển cho Đấng Christ. Phi-e-rơ nói với chúng ta rằng chúng ta không được sử dụng sự tự do như một cái màn che dấu tội lỗi, nhưng dùng sự tự do để phục vụ Chúa (I Phi-e-rơ 2:16). Nếu sự hầu việc Chúa không giúp sinh ra sự tăng trưởng thuộc linh thì có gì đó đã sai. Tự nhiên chúng ta sẽ tở nên già yếu nhưng già yếu không có nghĩa là. Trưởng thành hay không là một việc khác. Sự trưởng thành của các đầy tớ Chúa có nhiều đặc điểm, đầu tiên làhọ hiểu về chính mình và chấp nhận mình. Tôi đã hầu việc Chúa cùng các Cơ Đốc Nhân là những người sống trên sự ảo tưởng và không thực tế. Họ nghĩ họ chắc chắn có phần thưởng nhưng không phải vậy, và điều này gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Tôi đã biết được từ rất sớm trong cuộc đời rằng tôi không phải là người giỏi về thể thao, nghệ thuật hay kỹ thuật nhưng tôi là một học trò giỏi, hiểu nhanh, biết kiên nhẫn lắng nghe và có khả năng diễn thuyết. Tôi tập trung vào những thế mạnh của mình, học cách chung sống cùng sự yếu kém của mình –một bộ óc khôi hài sẽ có ích –và bởi ân điển của Đức Chúa Trời tôi đã thành công trong việc tìm biết ý muốn Chúa trên cuộc đời tôi.

images (2)

Những người trưởng thành thuộc linh tự cải thiện mình. Họ không chấp nhận sự thoải mái dễ dàng trong cuộc sống mà chấp nhận thách thức và liên tục trưởng thành. Tôi biết một người khi còn ở trong trường tiểu học, anh cố tình thi rớt lớp 3 bởi vì anh không muốn lên lớp 4 và phải viết bằng bút mực! Tôi băn khoăn không biết làm thế nào anh có thể sử dụng được máy vi tính nhỉ! Tôi thích thái độ của Ca-lép “Vậy, hãy ban cho tôi núi nầy” (Giô-suê 14:12). Mỗi khi chấp nhận một nhiệm vụ, hãy chuẩn bị cho điều sắp xảy ra, nếu chúng ta muốn trả giá để tiếp tục. Xin hãy ban cho tôi núi này!

Với sự giúp đỡ của Chúa, người trưởng thành thuộc linh tự rèn luyện chính mình. Họ phục tùng chính quyền và kiên trì với nhiệm vụ được giao cho tới khi hoàn tất. Họ tránh xa những đường tắt tai hại và không tìm cớ bào chữa. (Nhà truyền giáo Billy Sunday đã nói rằng bào chữa là lớp da của những lý do được nhồi đầy bằng những lời nói dối.) Một ngày nào đó một người công nhân muốn ra lệnh thì anh phải học cách tuân lệnh trước. Đó chính là triết lý của Chúa chúng ta trong công việc; “Chủ nói với người rằng: Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi” (Ma-thi-ơ 25:21). Những công nhân được rèn luyện sẽ tiến lên từ chỗ làm được ít việc đến chỗ làm được nhiều việc, từ đầy tớ trở thành ông chủ và từ làm việc vất vả trở thành vui mừng –nếu họ trung tín.

Nói ngắn gọn, một đầy tớ trưởng thành sẽ trở nên ngày càng giống Chúa Giê-su Christ hơn. Trong suốt thời gian thi hành chức vụ trên đất, Ngài trung tín như một đầy tớ, được Cha chấp thuận và đầy dẫy Đức Thánh Linh. Ngài yêu thương những người mà Ngài chăm sóc. Ngài sẵn lòng chịu đau đớn, hy sinh, và chịu chết. Trong mọi sự, Ngài là tấm gương hoàn hảo cho mỗi đầy tớ, lãnh đạo và người chiến thắng. Ngài là Thầy tế lễ thượng phẩm của chúng ta trên Thiên đàng, Ngài chăm sóc chúng ta, ở trong chúng ta và hiểu thấu chúng ta đến nỗi Ngài làm cho chúng ta trở nên trọn vẹn và làm cho chúng ta hữu ích trong công việc Chúa.

Trong khi tôi nghiên cứu từ các thư tín cho tới sách Hê-bơ-rơ, tôi để ý đến 3 câu Kinh Thánh tương tự nhau, chúng đã dạy tôi một bài học quan trọng về sự trưởng thành tâm linh: dưới thời Cựu Ước, các thầy tế lễ không thể làm gì được trọn vẹn (Hê-bơ-rơ 7:11), luật pháp không làm chi được trọn (Hê-bơ-rơ 7:19) và của tế lễ không làm ai trọn lành (Hê-bơ-rơ 10:1). Dù các nhà giảng đạo, các thầy giáo và những nhà lãnh đạo tinh thần có giỏi đến đâu thì chỉ có Chúa Giê-su mới có thể giữ chúng ta đi theo ý muốn của Đức Chúa Trời và sinh ra sự trưởng thành thuộc linh. Dù cho chúng ta chấp nhận những quy định, những hệ thống luật lệ tôn giáo và cố gắng tuân giữ, chúng cũng không thể thay đổi chúng ta mà chỉ có Đức Thánh Linh mới có thể làm điều đó (II Cô-rinh-tô 3:18). Dù cho chúng ta có hy sinh và chịu đau đớn nhiều thế nào chăng nữa thì cũng chỉ bởi ân điển của Chúa mới có thể làm chúng ta giống Chúa Giê-su. Chúng ta không được biến đổi bởi chúng ta cầu nguyện nhiều, hoặc dâng tiền nhiều, hay tuân giữ nhiều luật lệ mà được biến đổi bởi đến với Thầy Tế Lễ Cả Thượng Phẩm tại ngôi ân điển và thờ phượng Ngài nên Ngài mới đáp ứng nhu cầu của chúng ta và chỉ Ngài mới có thể ban ân điển cho chúng ta. Cuộc sống tự do không phụ thuộc vào những thứ trên đất này mà phụ thuộc vào cội nguồn vinh hiển của Thiên đàng chính là điều mà Phao-lô gọi là “Sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Giê-su Christ.” (Phi-líp 4:19).

Bởi vì chúng ta muốn vâng phục Chúa Giê-su Christ và tuân giữ lời Ngài nên chúng ta được tự do.

Bởi vì chúng ta tin vào lẽ thật của Chúa và tuân giữ nó nên chúng ta được tự do.

Bởi vì chúng ta yêu mến Đấng Christ và chia sẻ tình yêu thương đó với người khác nên chúng ta được tự do.

“Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa” (Ga-li-ti 5:1).

Warren W. Wiersbe   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn