Thứ Năm , 23 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / CON ĐƯỜNG CỦA NỘI

CON ĐƯỜNG CỦA NỘI

con duong

Tôi, một người xa quê khá lâu. Nhưng tôi không thể không nhớ về quê hương. Nhất là khi gặp ai đó là đồng hương, họ nhắc đến mảnh đất mà tôi đã được sinh ra và được sống bên ông nội một thời. Tôi nhớ khu vườn nội tôi, có bờ tre bao bọc, với những hàng cau cao vút đung đưa lúc chiều về. Tôi nhớ mấy đám ruộng nhà nội lúc lúa đã chín vàng. Bởi vì, vào lúc nầy, nội tôi thường nhờ những con gặt quen biết trong làng đến giúp nội thu hoạch, rồi sau đó nội cần mẫn phơi cho thật khô, giê thật sạch lúa lép trước khi cất giữ để ăn dần cho tới ngày giáp hạt vụ sau. Tôi còn nhớ, trước khi cất lúa vào những cái ghè to, nội lựa phần lúa tốt nhứt, đẹp nhứt, đong ra một phần mười hoa quả đầu mùa, rồi để trong một cái bao, cột lại cẩn thận, đợi đến Chúa Nhật, nội đem dâng vào nhà Chúa. Đó là thói quen của nội mỗi khi thu hoạch mùa màng mà không bao giờ nội quên. Còn một việc, tôi nhớ, nội tôi thường làm, đó là đong một thúng lúa mới để sẵn rồi gọi mẹ tôi đi xay cho thật trắng đem về nấu một nồi cơm mới, nội cầu nguyện cảm tạ Chúa, rồi cả nhà cùng ăn với những thức ăn đã đươc nội sắm trước. Đó là bữa ăn tạ ơn Chúa về cơm gạo mới Chúa ban cho. Ôi! cơm mới đầu mùa thơm ngon đến làm sao! Thật đúng như người xưa đã nói: “Miếng ngon nhớ lâu”. Vụ lúa mới hôm nay lại về, nỗi nhớ xa xưa thầm nhắc nhở. Nhưng, đã hơn mười mấy năm qua rồi không còn nội, nội đã về bên Chúa yêu thương tự lâu rồi, nên tất cả giờ chỉ còn trong ký ức của tôi mà thôi. Nhớ nội da diết nội ơi!

pathway-to-village-rural-area-countryside-north-vietnam-nam-dinh-march-55766510

Nội tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông nghiệp, quen sống cảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau, quen lũy tre làng xanh mướt, đan xen làn khói rạ lượn lờ, huyền ảo tha thẩn lên trời khi nắng sớm, lúc chiều buông. Mặc dù, nội đã đi xa, nhưng tôi không thể nào quên nội. Tôi nhớ nhiều kỷ niệm về nội. Có những kỷ niệm hãy còn theo tôi, có thể suốt cuộc đời. Vì, so với những người cháu của nội, tôi có thế là người diễm phúc hơn. Bởi từ những ngày tôi còn bé thơ, ba mẹ tôi vất vả, đi sớm, về tối, nên tôi thường quanh quẩn bên nội. Từ đó, cứ sau những bữa cơm chiều, nội thường kể cho tôi nghe những câu chuyện hay từ Kinh Thánh, chuyện lịch sử… rồi chuyện về gia thế của nội. Chẳng hạn: ”Nội là con trưởng nam trong gia đình, cháu đích tôn của một dòng tộc lớn nhất nhì trong làng. Nội được gia đình quan tâm, cho ăn học để sau nầy có đủ khả năng kế thế gia nghiệp và dòng tộc. Khi trong làng có việc nọ, việc kia… nội được đứng vào căn trung (giữa) của nhà làng trông rất “hoách”. Nội lớn lên trong gia đình phong kiến và tín ngưỡng Phật giáo. Nên chi, nội phải lập gia đình với người tương xứng “môn đăng hộ đối”. Còn bà nội, nội kể: “Bà đã về với Chúa lúc tuổi 40. Lúc đó, ba mẹ mầy chưa lấy nhau đâu và mầy cũng chưa có đâu nhé.” Sau nầy, tôi được biết thêm bà nội là người họ Huỳnh, làng Cẩm Miên. Bà rất chịu khó, hay lam hay làm, thương người và đặc biệt là sống tươm tất, sạch sẽ.

Cuộc đời của nội tôi, được gia đình toan tính trước và không thể có sự đổi thay nào khác. Một gia đình trung nông, từng có người làm công trong nhà, nội chỉ là người coi ngó công việc. Vậy mà, không thể ngờ được. Điều không thể đến lại đến. Nội kể: “Một hôm nọ, mẹ của nội lâm bịnh, gia đình chạy chữa đó đây vẫn không khỏi, bà qua đời. Sau đó, gia đình bắt đầu tuột dốc như chiếc xe khi xuống dốc bị đứt phanh.”

Thời gian trôi qua… Những năm 1955-1957, đạo Tin Lành được truyền đến, việc bố đạo, làm chứng từ các đầy tớ Chúa, các con cái Chúa lan rộng. Cùng thời điểm ấy, đạo Chúa lần truyền đến quê tôi như một luồng gió mới, thu hút khá nhiều người trong thời bấy giờ tin nhận Chúa. Nội tôi, một người con, người cháu được giáo dục để nối nghiệp gia đình, gánh việc gia tộc và nội cũng là người thấm nhiễm tư tưởng Phong kiến và Phật giáo. Một con người như thế đâu dễ gì đổi dạ thay lòng khi đứng trước một vấn đề niềm tin có thể nói hoàn toàn mới lạ lúc bấy giờ ở quê hương tôi. “Dù đui mà giữ đạo nhà.” (Nguyễn Đình Chiểu). Nội quyết tâm giữ đạo truyền thống thờ cúng ông bà. Ngày tháng lần qua… Rồi một hôm, nội tôi  được mời đi nghe ông thầy đạo Tin Lành cắt nghĩa Giáo lý của đạo tại nhà nhóm với người em của nội (tôi gọi là nội chú). Nội tôi đi nghe thử bọn Tin Lành nó nói cái gì để nếu có dịp thì bắt bẻ chơi? Nhưng rồi, viêc gì đến đã đến. Nội tôi tin Chúa. Chuyện khó tin nhưng có thật đã xảy ra. Một sự lưa chọn thật quá bất ngờ. Phao-lô (Sau-lơ), đến Đa-mách làm nhiệm vụ, điều không định trước đối với ông, ông được gặp Chúa. Chúa bắt phục, một cái thai sinh non nhưng về sau lại hầu việc Chúa nhiều hơn. Nội tôi được gặp Chúa. Chúa bắt phục thật sự, một cái thai sinh non nữa được sinh ra trong nhà của Chúa. Nhưng đối với gia đình nội khi ấy, nội bị gia đình coi như đứa con hư đốn, lầm đường lạc lối, là đồ bỏ đi. Nội kể:” Ngày nội tin Chúa, nội phải đối diện với sự chê bai, chống đối từ trong gia đình, họ tộc, anh em từ hai bên gia đình. Chỉ có bà nội khi ấy, ai nói gì thì nói, bà chỉ nói một câu: “Chắc tại mình theo Tin Lành.” Vì không chịu đựng nổi sự chống đối, chế giễu của bà con, gia tộc và làng xóm, người em của nội, người đã từng dẫn nội đi nghe giảng Tin Lành không thể tiếp tục đi theo Chúa được nữa.  Riêng với nội: “Hướng cố gia, tôi quay về, lòng quyết tách đường mê” (Thánh ca số 168). Nội quyết tâm theo Chúa, quyết tâm đi theo con đường mình đã chọn, bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu, chống đối của mọi người.

Một mình, một hoài bão, nội tôi không những chỉ sống với đức tin, nội tiến lên một bước mới: chia sẻ niềm tin với mọi người khi có cơ hội. Nội kể: “Môt hôm, có người bà con nhờ nội làm công. Khi đến giờ ăn nửa buổi, thức ăn vừa dọn xong, nội liền cúi đầu cầu nguyện lớn tiếng cảm ơn Chúa về thức ăn Chúa cho. Khi nội vừa cầu nguyện xong, người chủ nói: “Dượng Hai ơi, dượng phải cảm ơn tôi, vợ tôi mới phải chứ! Sao lại cảm ơn Chúa? Dượng ni thiệt kỳ ghê! Không im lặng, nội trả lời ngay: Anh ơi! Tôi cảm ơn Chúa vì Chúa cho tôi có sức khỏe tôi mới đi làm được cho anh chị  bữa nay và tôi mới được ăn bữa ăn nầy. Nếu tôi đau, nằm ở nhà, chắc gì anh chị đem cho tôi ăn đâu!?” Mọi người làm thinh. Còn nội thì thầm tạ ơn Chúa vì có thêm một cơ hội tuyên xưng danh Chúa.

Ông Trời quả thật là Đấng hằng quan tâm, chăm sóc những người tin thờ Ngài và Ngài tể trị mọi việc. Năm 1957, một đợt di dân vào Nam diễn ra. Khi ấy, đồng bào một số nơi tại miền Trung dắt nhau đi lập nghiệp. Dạo ấy, nội tôi bỏ lại mọi sự kể cả quyền cháu đích tôn – hưởng đất hương hỏa và nhà cửa… Nội đến nơi Chúa muốn nội đến, để tại nơi đó nội được gây dựng đức tin, vững bước trên con đường nội đã chọn. Nội kể: “Năm đầu đến khu di dân lập nghiệp, hai, ba gia đình sống với nhau trong một mái nhà, được hưởng phụ cấp tạm thời một thời gian, cũng tại đây, lần lượt nội phát hiện ra một vài gia đình đã tin Chúa. Vậy là cùng nhau hiệp thành điểm nhóm và cứ mỗi chiều Chúa nhật có chừng hơn tiếng đồng hồ cùng thờ phượng Chúa với nhau vui vẻ, phước hạnh lắm cháu ạ.” Nhưng, sau đó độ một năm gia đình nội được chuyển đến một khu mới cùng với một số gia đình khác. Khi đến đó lại có một số gia đình cùng quê tin Chúa. Đến nơi nầy, cả một chặng đường nội trải qua. Nội gặp thử thách. Nội kể: “Một người con gái trong gia đình (tôi gọi là cô Ba) chỉ tích tắc sau một cơn đau, qua đời về với Chúa thật đột ngột. Nội buồn lắm!” Nhờ sự an ủi của Chúa và các con cái Chúa, nội và cả gia đình vượt qua được nỗi đau ấy.

Một thời gian sau, nhà nhóm tạm thời được cất lên. Lúc đó, chưa có chỗ để gia đình thầy quản nhiệm ở nên phải ở nhờ tại gia đình tín hữu. Nội tôi xung phong đón nhận gia đình tôi tớ Chúa về ở. Nội kể: “Gia đình nội dành riêng cho gia đình tôi tớ Chúa một ngăn nhà để ở cho tới khi quyên góp công của làm xong được tư thất cho tôi tớ Chúa”. Đức tin nội tiệm tiến mỗi ngày, nội kề vai sát cánh với gia đinh tôi tớ Chúa, phục vụ, mở mang công việc Chúa, phát triển Hội thánh. Rồi nội đứng vào Ban Chấp sự, nội dâng thì giờ đi ra thăm viếng, làm chứng, mời gọi nhiều người tin Chúa để cùng đi con đường như nội đã đi.

Bất chợt, chiến tranh bùng nổ. Chuyện kẻ ở, người đi là điều không tránh khỏi khi cuộc chiến càng ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Trong những ngày như thế, nội đưa cả gia đình về quê thăm lại bà con vì hơn sáu năm dài không tin tức. Vườn xưa, nhà cũ của nội không còn, mọi người thân như già đi rất nhiều… cảnh vât nhiều đổi thay. Sự về thăm của nội không được nhiều người để ý, quan tâm, bà con dòng tộc như xem thường, vì xem nội như người lầm đường lạc lối. Nhưng nội vẫn thấy như bình thường, thậm chí vui mừng nữa là đằng khác. Vì giờ đây, nội đã bước vững vàng, chắc nịch trên con đường của nội, nếu không muốn nói là không còn ai đủ mạnh để quật ngã nội khỏi con đường đức tin mà nội đang đi.

Hết những ngày thăm quê, nội muốn đưa gia đình trở lại nhưng không thể được vì nhiều tuyến đường đã bị cắt đứt. Hơn nữa, bom mìn không lường trước được trên đường đi. Tiến không tiện, thoái không yên. Thật lưỡng nan. Gần cả năm chờ đợi, mong trông tin tức từ những anh em tín hữu, từ quản nhiệm Hội thánh… tất cả đều không thể. Nội đành ở lại quê nhà. Nơi mà nội từ đó ra đi. Vậy là, mọi thứ nội đã gầy dựng do sự vùa giúp, ban ơn của Chúa đều bỏ lại, nghe đâu, bom đạn hủy phá sạch sành sanh sau đó một thời gian ngắn. Bấy giờ, tại quê nhà, nội như phải làm lại tất cả từ đầu trong sự ban cho của Chúa. Thử thách lại đến, nội kể: “Một người con trai 7 tuổi (tôi gọi là chú) lại qua đời, về với Chúa. Lúc nầy nội buồn lắm cháu ạ!” Con đường của nội đi còn dài nên chắc còn nhiều khúc quanh phải vượt. Nỗi buồn cũ chừng như vừa lắng, nội lại vấn lên đầu vành khăn tang người vợ của nội ra đi đường đột, không kịp một lời từ biệt. Nội kể: “Hôm ấy, trời mùa hè, lúc tờ mờ sáng, nội khoan thai trên đường về nhà sau một đêm đi công việc, những ngọn lúa non đang còn đẫm hơi sương. Nội nghe một tiếng nổ lớn. Lúc bấy giờ trong ruột nội thấy bần thần, nội bắt đầu vừa đi, vừa chạy. Vừa tới đuôi xóm, một người trong xóm nói với nội: “Chị Hai (bà nội tôi) vấp phải mìn, chết rồi anh Hai ơi! Nội lặng người như chết kêu lên: “Ôi! Chúa ơi! Xin thương xót con và gia đình con!” Phải chăng, sự thử thách đức tin mà Thánh Gia-cơ đã luận trong đọan 1 câu 2 – 4 như dành cho nội hay sao? Con đường nội tôi chọn đi chưa kết thúc và do đó nội tôi lại hãy còn trong nhiều thử thách nữa. Bao người lại tiếp tục xem nội tôi như đồ ôn dịch, rác rến… Nhưng, nội tôi vẫn “Đi từng bước, bước bước đi… theo gót Giê-su trọn đường.” (Thánh ca số 291). Thêm nữa, nội còn găp sự bắt bớ, dọa nạt… dầu vậy, lòng nội vẫn không chút nao sờn trong đức tin. Thật, nói như nhà văn Phan Khôi: “Làm chi cũng chẳng làm chi / Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao.”…

Ngày nay, nếu có những ai là con dân của Chúa có dịp ra Bắc, vào Nam, chú ý sẽ thấy cột cây số 975 trên Quốc lộ 1A – Đấy là điểm tìm đến quê của nội tôi – làng Ngọc Phô nhỏ bé mà dễ thương, cái nét dễ thương một cách thật … nhà quê. Từ cột cây số nầy, đi vào hướng Sài Gòn độ chừng một quãng ngắn sẽ thấy một ngôi nhà thờ Tin Lành, nơi mà nội tôi đã sinh hoạt thờ phượng Chúa mấy chục năm trong đời, cho đến ngày nội về với Chúa trên Thiên đàng. Tôi có thể dám nói rằng: nội là người hùng đức tin của tôi, của Hội thánh quê nhà của tôi. Nội đã làm những việc chưa có ai làm, nói những lời chưa ai dám nói vì công việc của nhà Chúa giữa lúc Hội thánh gặp nhiều khó khăn, sóng gió nhất.

Nhiều khi tôi thầm hỏi. Nội! Sao mà nội giỏi đến thế? Chúa đã chọn nội? Hay nội đã chọn Chúa? Để rồi, trọn cuộc đời của nội dù phải trải qua bao nhiêu sóng gió, bão bùng… nội không hề chùn chân, tẻ bước trên con đường nội chọn – con đường đức tin đặt nơi Chúa Giê-su mà nội vô cùng yêu quý, yêu quý nhất trên đời.

Ngày nội tôi về nước Đức Chúa Trời, Nội không để lại môt phần tài sản nào cho con cháu cả. Nội chỉ để lại CON ĐƯỜNG CỦA NỘI đã chọn và kèm theo đó là một lời dặn dò quý báu từ trong trái tim của nội: “Hãy tiếp tục đi CON ĐƯỜNG CỦA NỘI nghe cháu yêu của nội”.

Giờ đây, ôn lai quãng đời trôi qua của nội tôi, tôi không làm sao hình dung hết được những gì mà nội tôi đã sống, đã phó dâng, đã phục vụ Chúa khi mà nội tôi đã chọn cho mình một con đường. Dù giờ đây, tôi không biết hết những gì nội ưu tiên cho Chúa. Nhưng tôi tin chắc chắn công khó của nội đi trên con đường nội chọn là không vô ích – nội đương mỉm cười nhìn Chúa và trông về chúng con, những hậu tự của nội đương nguyện hứa với Chúa và với nội trung tín dìu nhau đi với Chúa trên CON ĐƯỜNG CỦA NỘI đã chọn cho đến cuối cùng. Bởi vì, con đường đó là con đường phước hạnh duy nhất, không có con đường nào khác. Kinh Thánh trong Ê-sai 35 câu 8-10 có chép về con đường đó:

“Tại đó sẽ có một đại lộ,

Một con đường gọi là đường thánh.

Người ô uế sẽ không được đi qua,

Nhưng những người đi trên đường ấy

Dù khờ dại cũng không lầm lạc.

Tại đó không có sư tử,

Thú dữ cũng không lên trên đường ấy

Người ta không thấy chúng ở đó.

Những người được giải cứu sẽ đi con đường đó.

Những người được cứu chuộc của CHÚA sẽ trở về,

Đi vào Si-ôn trong tiếng hát.

Niềm vui mừng vĩnh cửu sẽ ở trên đầu họ;

Họ đầy niềm hân hoan, vui mừng;

Buồn rầu và than thở sẽ trốn mất. (BDM – 2002)

Nội ơi! Con xin tri ân nội – người đã phải trả giá để chọn con đường sự sống để lại cho con cháu, hậu tự của nội hôm nay và mãi mãi về sau noi theo…

Cảm ơn nội vô vàn, hỡi nội kính yêu của con!
                                                                                         PHONG HUY   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn