Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Một Đời Sống No Đủ

Một Đời Sống No Đủ

“Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành” II Cô-rinh-tô 9:8. 

2-Corinthians-9-8-God-Is-Able-To-Make-Grace-Overflow-brown-copy

Hai từ luôn luôn và không bao giờ phải được sử dụng cẩn thận, đặc biệt là với các nhà văn, nhà truyền giáo, các cặp vợ chồng và cha mẹ. Nếu chúng ta dùng hai từ này cách bất cẩn, chúng ta sẽ gây đau khổ và làm tổn thương những người mà chúng ta đang cố gắng giúp đỡ. Cha mẹ là những người nói với con trẻ, “Con luôn làm phòng con bề bộn” có thể là một lời nói dối, bởi sẽ có lúc đứa trẻ đó xếp dọn phòng ngăn nắp và nên được khen ngợi vì điều đó. Người chồng hoặc người vợ nói “Con không bao giờ chú ý khi ba (mẹ) nói” thậm chí còn làm đứa trẻ ít chú ý hơn.

Nhưng Đức Chúa Trời có quyền sử dụng từ luôn luôn và không bao giờ, bởi Ngài biết mọi sự và Ngài giữ các bản ghi nhớ chính xác tuyệt đối. May mắn cho những người tin Chúa khi Ngài phán với chúng ta rằng: “Nhân ta sẽ tha sự gian ác của họ, Và không nhớ đến tội lỗi họ nữa” (Hê-bơ-rơ 8:12). Bất cứ lúc nào trong Lời Ngài, Ngài nói rằng luôn luôn hay không bao giờ, thì chúng ta phải luôn làm theo vì Chúa muốn chúng ta có đầy đủ mọi thứ liên quan đến đời sống Cơ Đốc Nhân và để hầu việc Chúa – và chúng ta có đủ. Đoạn trích trong Kinh Thánh của chúng ta viết rằng: “hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự” áp dụng cho tất cả những người tin Chúa.

Hãy xem lại một vài ơn phước chúng ta được ban cho để thấy chúng ta được đầy đủ về mọi điều.

Chúng Ta Luôn Luôn Được Thắng Trong Đấng Christ (II Cô-rinh-tô 2:14-17).

“Song tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài làm cho chúng tôi được thắng trong Đấng Christ luôn luôn” (II Cô-rinh-tô 2:14-17). Trong những câu 14-17 Phao-lô đã miêu tả về một cuộc diễu hành “chiến thắng” của người La Mã thời xưa và phiên bản ngày nay của chúng ta là cuộc diễu hành vinh danh người chiến thắng bằng băng giấy. Nếu một vị tướng tổng tư lệnh người La Mã giành thắng lợi trước kẻ thù trên đất nước ngoài, giết chết ít nhất 5000 lính của kẻ thù, giành được thuộc địa mới cho đế quốc La Mã, và bắt làm tù binh những sĩ quan của kẻ thù. Người đó được phong tước vinh danh chiến thắng của La Mã. Vị tướng tổng tư lệnh cưỡi một cỗ xe ngựa đặc biệt và được tung hô cùng với các sĩ quan của mình, nhưng kẻ thù bị bắt giữ thì bị đối xử như nô lệ. Các thầy tế lễ La Mã đốt hương trầm cho các vị thần của họ trong cuộc diễu hành, khi những chiến binh La Mã ngửi thấy mùi hương thơm này, nó sẽ nói với họ về sự sống. Nhưng nếu kẻ thù ngửi thấy mùi hương trầm, nó nói với họ về cái chết, bởi vì họ sẽ bị đem đến đấu trường đối mặt với những con sư tử đói. Đọc lại đoạn Kinh Thánh này và hãy để ý tới những điều này.

Chúa Giê-su Christ là Chúa chúng ta và là Đấng Cứu Thế đã rời khỏi Thiên đàng để tìm vùng đất nước ngoài (hành tinh Trái Đất) và ở nơi đây. Ngài đã có một chiến thắng tuyệt đối trước Sa-tan, tội lỗi, và sự chết. Mọi Cơ Đốc Nhân đang hành quân cùng Ngài và chia sẻ niềm vui chiến thắng của Ngài. Như tôi đã nói từ trước, chúng ta không chỉ chiến đấu giành chiến thắng mà còn chiến đấu vì Chúa Giê-su đã giành chiến thắng, chiến thắng vĩ đại mà Đức Chúa Giê-su đã thắng trong sự chết, sự phục sinh, sự thăng thiên. Ngài nhận biết chúng ta và Ngài ở với chúng ta!

Khi bạn đọc hai chương đầu tiên trong thư tín của Phao-lô viết, bạn khám phá ra rằng ông đã có những trải nghiệm khó khăn trong chức vụ của mình vào thời điểm tuyệt vọng trong cuộc đời. Tình trạng đáng buồn trong Hội Thánh Cô-rinh-tô đủ để làm ông tan nát trái tim. Bởi tình yêu ông dành cho họ, ông đã gửi họ một lá thư quở trách nghiêm khắc rằng ông đã trông đợi họ tuân giữ mạng lệnh của Chúa, và điều này làm ông phiền muộn. Dòng thủy triều ơn phước Chúa dường như đang xuống thấp, nhưng sau đó Đức Chúa Trời bắt đầu hành động. Phao-lô công bố sự đắc thắng của ông trong Đấng Christ và Chúa giúp ông vượt qua khó khăn. Chúa vẫn làm điều đó cho con dân của Ngài khi chúng ta gặp những vấn đề không thể chịu đựng được và đức tin của chúng ta được thử nghiệm. Chúng ta là những người lính của Đấng Christ (II Ti-mô-thê 2:3-4) và vị chỉ huy của chúng ta không bao giờ chịu thua.

Chúng Ta Luôn Luôn “Sống” Trong Đấng Christ (II Cô-rinh-tô 4:7-18).

Lúc này Phao-lô đã dùng ẩn dụ những người lính đang diễu hành trở thành những bình chậu trong nhà Chúa. Thân thể của chúng ta được làm bởi đất sét, bên trong là Đức Thánh Linh và chứa đựng hơi sống quí giá của chính Đức Chúa Trời. Phao-lô tuyên bố một số những nghịch lý tuyệt vời trong II Cô-rinh-tô 7-12: Mạnh mẽ trong sự yếu đuối, kiên định dù chịu sức ép dữ dội, túng thiếu nhưng không ngã lòng, bị đưa tới sự chết nhưng luôn kinh nghiệm đời sống dư dật trong Đấng Christ. Bởi ân điển Chúa và công việc của Thánh Linh, chúng ta đồng chết với Đấng Christ vậy nên chúng ta có thể đồng sống cùng Chúa. (Chúng ta sẽ xem Ga-la-ti 2:20 một lần nữa!). Dù gặp hoàn cảnh nào, Phao-lô biết rằng Chúa sẽ sử dụng họ để mang vinh hiển về cho Đấng Christ, và đó chính là tất cả mọi vấn đề. “Bởi chúng tôi là kẻ sống, vì cớ Đức Chúa Giê-su mà hằng bị nộp cho sự chết, hầu cho sự sống của Đức Chúa Giê-su cũng được tỏ ra trong xác thịt hay chết của chúng tôi” (II Cô-rinh-tô 4:11). Vậy điều này đem lại kết quả gì? Vậy thì sự chết làm trong chúng tôi, còn sự sống trong anh em (II Cô-rinh-tô 4:12).

Sau khi đổ khuôn làm bình gốm, người thợ gốm phải đưa khuôn vào lò nung để làm nó cứng lại, nếu không sẽ vô ích. Thật khó để tìm một người nam hoặc người nữ trong Kinh Thánh hay trong lịch sử Hội Thánh những người hầu việc Chúa Giê-su mà lại không phải chịu khổ vì Đấng Christ, và hình mẫu này vẫn được áp dụng cho tới ngày nay. Nếu chúng ta muốn được biết “quyền phép về sự sống lại của Ngài” chúng ta phải cùng chịu “thông công thương khó của Ngài” (Phi-líp 3:10).

bible-videos-peter-1426808-gallery

Chúng ta đồng chết với Đấng Christ nghĩa là để sự sống của Đức Chúa Giê-su cũng tỏ ra trong thân thể chúng ta. (II Cô-rinh-tô 4:10). Vợ chồng tôi đã được ơn hầu việc Chúa trong ba nhà thờ và hai hội truyền giáo, và trong cả 5 nơi tôi làm việc, chúng tôi đã kinh nghiệm phải bỏ mình đi để tận hưởng sự sống trong Đấng Christ. Có công mài sắt có ngày nên kim – một câu châm ngôn đã cũ nhưng đúng. Chúa Giê-su gọi đó là vác thập giá mình mà theo Ngài. Ngài cũng so sánh điều này với việc trồng một hạt lúa trong đất và nó phải chết đi thì mới kết quả nhiều. (Giăng 12:24-26).

Chúng Ta Có Thể Luôn Tin Cậy Vào Đấng Christ (II Cô-rinh-tô 5:6).

Phao-lô không chỉ đơn giản đối mặt với những thời khắc khó khăn; ông đã đối mặt với sự chết, đó là chủ đề của II Cô-rinh-tô 5:1-8. Sự chết là kẻ thù sau cùng của sự sống, nhưng sự sống đời đời mà chúng ta có được trong Đức Chúa Giê-su Christ không hề chết. Thể xác của con người được mô tả như một cái lều, và chết là thu lều và để nó lại, vì thế chúng ta có thể tiếp tục sống trong nhà đời đời đầy vinh hiển. Sự chết đối với Cơ Đốc Nhân không phải là kết thúc cuộc sống, mà là mở đầu cho một cuộc sống mới. Ngay giữa lúc khó khăn, Phao-lô dặn dò– nhưng ông dặn dò vì vinh hiển của Chúa! Khi chúng ta ở trong nhà là thân thể của mình thì không ở cùng Chúa nhưng khi rời khỏi thân thể hay chết này chúng ta được ở cùng Đấng Christ. “Vì chúng ta bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy” (II Cô-rinh-tô 5:7).

Chúng ta nhận được sự tin cậy này từ đâu mà có thể rũ bỏ nỗi sợ hãi sự chết và đem đến sự bảo đảm cho chúng ta trong nước Trời? Chúng ta nhận được điều này từ trong lời Chúa. Hãy bắt đầu với lời hứa của Đức Chúa Giê-su. “Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:2-3). Nếu chúng ta chết đi trước khi Chúa Giê-su trở lại, linh hồn của chúng ta sẽ ở Thiên đàng ở cùng với Đấng Christ. Nếu chúng ta sống khi Chúa Giê-su đến, chúng ta sẽ ngay lập tức được biến hóa và được cất lên cùng Ngài trong sự vinh hiển (Giăng 11:25-26; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18).

Nhưng còn có một nền móng khác cho sự tin cậy, và đó là giá rất cao mà Chúa Giê-su đã trả. Chúng ta thuộc về Ngài, vì Ngài đã chuộc chúng ta khi Ngài chết trên cây thập tự. “Vì Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta, là Đấng đã chết vì chúng ta, hầu cho chúng ta hoặc thức hoặc ngủ, đều được đồng sống với Ngài” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:9-10). Lý do thứ ba của sự tin cậy này là lời cầu nguyện của Đức Chúa Giê-su.  “Cha ôi, Con muốn Con ở đâu thì những kẻ Cha đã giao cho Con cũng ở đó với Con, để họ ngắm xem sự vinh hiển của Con, là vinh hiển Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu Con trước khi sáng thế” (Giăng 17:24). Đức Chúa Giê-su đã cầu nguyện cho dân sự Ngài được ở với Ngài trong nước Thiên đàng! Liệu Cha có thể từ chối trả lời một lời cầu nguyện của người Con yêu dấu của Ngài? Dĩ nhiên là không! Từ trong trái tim reo vui của mình, chúng ta có thể ngợi khen Đức Chúa Trời vì sự tin cậy mà chúng ta có trong Đấng Christ!

Chúng Ta Có Thể Luôn Được No Đủ Trong Đấng Christ.

“Ban ơn tứ” là chủ đề trong II Cô-rinh-tô đoạn 8 và đoạn 9 khi Phao-lô giục giã tín hữu ở Cô-rinh-tô chia sẻ tình yêu thương bằng cách dâng hiến cho các tín hữu ở Hội Thánh Giê-ru-sa-lem đang bị thiếu thốn. Trong II Cô-rinh-tô đoạn 9:6-9, ông so sánh các Cơ Đốc Nhân ở Hội Thánh Cô-rinh-tô với những nông dân đang gieo giống. Ông chỉ ra rằng sẽ không có mùa gặt nào cho tới khi hạt giống đầu tiên được gieo, và mùa gặt sẽ tương xứng với số lượng giống được gieo. Hạt giống tượng trưng cho số tiền chúng ta dâng lên Chúa để dùng cho người khác, và toàn bộ hoạt động này phải được thúc đẩy bởi ân điển. Nhưng sự đầu tư của chúng ta cho con dân Chúa và công việc Chúa được thúc đẩy bởi một lời hứa lạ lùng, “Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành” (II Cô-rinh-tô 9: 8).

Phao-lô bắt đầu với từ “mọi ân điển”! Chúa ban ân điển dư dật, vì Ngài là “Đức Chúa Trời của mọi ân sủng” (I Phi-e-rơ 5:10). Đời sống của Cơ Đốc Nhân bắt đầu với ơn cứu chuộc (Ê-phê-sô 2:8-9) và tiếp tục với ơn hầu việc (I Cô-rinh-tô 15:9-10), ơn hy sinh (II Cô-rinh-tô 8:1), ơn chịu khổ (II Cô-rinh-tô 12:1-9), ơn hát xướng (Cô-lô-se 3:16), ơn nói năng (Cô-lô-se 4:6), ơn gây dựng (II Ti-mô-thê 2:1-4) và ơn dạy dỗ (Tít 2:11-12). Ơn tứ là món quà nhận bởi đức tin và ơn tứ Chúa ban không bao giờ dứt. Ơn Chúa ban thật rời rộng!

Phao-lô tiếp tục khẳng định rằng ơn tứ luôn luôn có sẵn cho bất kỳ trường hợp cá nhân nào. Ông kinh nghiệm được ân tứ của Chúa ban không chỉ khi rao giảng mà còn cả lúc ở tù, khi chìm tàu và bị tấn công bởi đám đông, và cả khi hết tiền. Tôi thích cụm từ “all sufficiency” (đủ điều cần dùng) nó bao gồm đủ mọi thứ. Nếu chúng ta sống bởi ơn, thì phải được ơn trước mặt Chúa và chia sẻ với người khác! Trong II Cô-rinh-tô 2:16, Phao-lô hỏi rằng “Ai xứng đáng cho những sự này?” Câu trả lời trong II Cô-rinh-tô 3:5 “Tài năng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời.” Dù Chúa trao cho chúng ta nhiệm vụ nào chăng nữa, Ngài sẽ giúp chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ đó bởi Ngài luôn ban ơn cùng. Nhiều lần tôi từng nói với chính mình rằng, “Chúa ơi con không thể làm điều này.” Chúa phán cùng tôi rằng: Ngươi sẽ trở nên giống Môi-se và Giê-rê-mi! Sau khi hít một hơi sâu và tôi nói: “Xin lỗi Chúa. Xin Chúa ban thêm ơn cho con.” Và Ngài luôn làm thế!

Phao-lô cũng chia sẻ cả sự buồn phiền nhưng cuối cùng ông vui mừng trong Chúa vì đắc thắng buồn chán. Khi tôi đọc II Cô-rinh-tô 6:3-10 và khám phá ra những thử nghiệm mà Phao-lô đã kinh nghiệm, tôi thật kinh ngạc khi thấy ông vẫn còn sống. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng đã coi sóc Phao-lô cũng đang chăm sóc con cái Ngài ngày nay, Ngài thích dùng từ “always” (luôn luôn) Trong thực tế, Đức Chúa Giê-su đã dùng nó trong sứ điệp cuối cùng của Ngài giảng cho những môn đô của Ngài: “Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20).

Chúng Ta Luôn Vui Mừng Trong Đấng Christ (II Cô-rinh-tô 6:10).

Thật khó để hiểu hết mọi điều về đời sống của Cơ Đốc Nhân, bởi việc Chúa làm là vượt qua sự hiểu biết của con ngườivà “Vì chưng chúng ta hiểu biết chưa trọn vẹn” (I Cô-rinh-tô 13:9). Tuy nhiên, chúng ta có thể giải thích sự vui mừng lúc buồn phiền và hát xướng khi đang đau đớn, chúng ta không thể làm điều đó bằng sức riêng của mình trong khi bản thân mình là những kẻ đáng bị hủy diệt. Chúng ta không thể vui mừng trong tình cảnh của mình nhưng vẫn luôn vui mừng trong Chúa là Đấng Cứu Chuộc, vì biết rằng Ngài sẽ đến với chúng ta bằng tình yêu thương của Ngài (Thi Thiên 33:11). Với sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh, chúng ta có thể vừa hát vừa chảy nước mắt! Có thể có nỗi đau đớn trong thể xác nhưng sự vui mừng ở tận trong tim. “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi!” (Phi-líp 4:4).

Luôn Luôn? Đó là điều Phao-lô viết – luôn luôn. Nếu chúng ta đang cầu nguyện, sống trong lời Chúa, và giữ cho tai, mắt mở và trái tim mềm mại, chúng ta sẽ gặp trong cuộc sống những điều chúng ta có thể vui mừng, thậm chí là trong những ngày khó khăn nhất. Tại sao lại không bắt đầu với những điều quen thuộc, những sự kiện và con người, chúng ta thường thích được nhận lãnh? Sa-tan ghét người có trái tim vui mừng bởi vì những người hạnh phúc trong Chúa thường không dễ bị cám dỗ. Tại sao lại đùa giỡn với sự thay thế của ma quỷ trong khi chúng ta có thể tận hưởng “niềm vui thực” đến từ Đức Chúa Trời.

Đoạn Kinh Thánh của chúng ta (II Cô-rinh-tô 9:8) giải thích rõ lý do về sự đầy đủ trong Chúa là thứ mà chúng ta có “rời rộng nữa để làm các thứ việc lành”. Đức Chúa Trời giúp chúng ta để chúng ta có thể làm vinh hiển danh Ngài khi chúng ta đáp ứng nhu cầu của người khác. Cơ Đốc Nhân là những kênh đào chứ không phải là những hồ chứa; cách tốt nhất để chinh phục sự tham lam là ngợi khen Chúa và góp phần dâng hiến. Nếu không kinh nghiệm được sự vui mừng của việc ban cho, chúng ta sẽ không bao giờ có thể vui mừng trong Chúa cách hoàn toàn.

Bất cứ khi nào tôi nghe những người chưa tin Chúa sử dụng cụm từ “những người Tin Lành nghèo khó này,” tôi muốn hét lên rằng, “Chúng tôi là những Cơ Đốc Nhân giàu có nhất thế gian!” Và sự thực là vậy vì sự dư dật ân điển của Đức Chúa Trời ban cho (Ê-phê-sô 1:7). “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 4:19). Chúng ta được giàu có như Đức Chúa Giê-su vinh hiển bởi Ngài chia sẻ sự giàu có của Ngài với chúng ta. Đó là lý do vì sao đời sống của một Cơ Đốc Nhân là đời sống no đủ.

Warren W. Wiersbe

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn