Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / CHÚNG TÔI TIN – chương 26

CHÚNG TÔI TIN – chương 26

CHÚNG TÔI TIN – chương 25

Từ năm 1933 -1945, Đức quốc xã dưới sự lãnh đạo của Adolf Hitler đã tiến hành khủng bố và tàn sát người Do Thái khắp Châu Âu. Mục tiêu của A. Hitler là xóa sổ người Do thái khỏi địa cầu. Hơn sáu triệu người Do thái đã bị giết trong cuộc đại tàn sát của A. Hitler.
Lúc bấy giờ có một nhóm nhỏ sinh viên học sinh Cơ đốc người Hà lan tìm cách cứu sống những người Do thái. Trong giai đoạn từ 1940-1945, nhóm này đã cứu được khoảng 800 người Do thái. Một số thành viên của nhóm đã bị sát hại vì nỗ lực cứu người Do thái.

“Cơ đốc giáo không phải là một tôn giáo, nhưng nó là một phong trào cách mạng thuộc linh chống lại quyền lực của sự tối tăm.”
Một Ra-bi (thầy dạy luật pháp) của người Do thái được cứu thoát khỏi chết trong cuộc tàn sát Holocaust hỏi một thiếu niên trong nhóm học sinh Hà Lan: “Em biết là em có thể bị sát hại khi tham gia bảo vệ người Do Thái chúng tôi. Động cơ nào thúc đẩy em làm việc đó?” Em học sinh trả lời: “Tôi muốn theo gương Chúa Jesus, là người sẵn sàng chết cho những người xa lạ và những kẻ ghét Ngài.” Vị Ra-bi nói: “Tôn giáo của em thực sự có ý nghĩa.” Em học sinh trả lời: “Cơ đốc giáo không phải là một tôn giáo, nhưng nó là một phong trào cách mạng thuộc linh chống lại quyền lực của sự tối tăm.”
Điều gì đã truyền cảm hứng cho những thanh niên trẻ tuổi kia sẵn sàng hy sinh chính bản thân vì sự sống của người Do Thái?


 

Đây là loạt bài học dành cho những người THỜ TRỜI gồm tất cả 30 chương. Huongdionline sẽ lần lượt giới thiệu những chương còn lại. 

Chương 26. KIÊN NHẨN

CÂU HỎI CHÌA KHÓA
Làm thế nào để Đức Chúa Trời giúp đỡ khi tôi đối diện với những khủng hoảng tinh thần?

Ý TƯỞNG CHÌA KHÓA
Tôi phải học tập chậm nóng giận và thực hành sự kiên nhẫn dưới những áp lực không thể tránh của đời sống.

CÂU CHÌA KHÓA
Kẻ nào chậm nóng giận có thông sáng lớn;
Nhưng ai hay nóng nảy tôn lên sự điên cuồng.
Châm ngôn 14:29
pro

HƯỚNG ĐI CỦA CHƯƠNG
Đức Chúa Trời gieo trồng những mỹ đức bên trong chúng ta như: tình yêu thương, sự vui mừng, bình an, tự chủ và hy vọng. Bây giờ chúng ta đi đến một mỹ đức khác thể hiện ra bên ngoài nhân cách mà người khác có thể nhìn thấy: tính kiên nhẫn.
Chúng ta thường mất kiên nhẫn và rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần khi đối diện với những hoàn cảnh không mong đợi. Khi nhìn thấy những người thân trong gia đình lựa chọn hay quyết định một vấn đề nào đó sai mà chúng ta không thể can thiệp, chúng ta đau khổ và thậm chí sinh bệnh. Thật khó khăn để giữ được bình tĩnh trong những tình huống như vậy.
Nếu chúng ta khao khát trở nên giống Chúa Giê-su nhiều hơn, chúng ta phải học cách để Đức Chúa Trời giúp đỡ ban cho sự kiên nhẫn khi chạm trán với những khủng hoảng.
Trong chương này chúng ta sẽ nghiên cứu những phần Kinh Thánh liên quan đến:
– TRỜI kiên nhẫn với chúng ta
– Trở nên người chậm nóng giận
– Chờ đợi câu trả lời cho sự cầu nguyện

ĐỨC CHÚA TRỜI KIÊN NHẪN VỚI CHÚNG TA
Trước tiên chúng ta học biết TRỜI là Đấng chậm nóng giận và đầy sự nhân từ.

Nhưng, Chúa ơi, Chúa là Đức Chúa Trời hay thương xót và làm ơn,
Chậm nóng giận, có sự nhân từ và sự chân thật dư dật
Thi thiên 86:15

Trong cả Kinh Thánh Đức Chúa Trời luôn tỏ ra kiên nhẫn với chúng ta. Trong thư tín thứ nhì của Phi-e-rơ, vị sứ đồ đã viết về “ngày của Chúa”, ngày đó sẽ đến cách bất ngờ cho những ai không chuẩn bị. Khi trông đợi ngày đó, thái độ của chúng ta sẽ là: “phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình an, không dấu vít, chẳng chỗ trách được. Lại phải nhìn biết rằng sự nhịn nhục lâu dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu chuộc anh em…”

3 Trước hết phải biết rằng, trong những ngày sau rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm chê, dùng lời giễu cợt, ở theo tình dục riêng của mình, 4 đến mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng thế. 5 Chúng nó có ý quên lửng đi rằng buổi xưa bởi lời Đức Chúa Trời có các từng trời và trái đất, đất ra từ nước và làm nên ở giữa nước, 6 thế gian bấy giờ cũng bị hủy phá như vậy, là bị chìm đắm bởi nước lụt. 7 Nhưng trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại, và để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán xét và hủy phá kẻ ác. 8 Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày. 9 Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.
10 Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.
11 Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào, 12 trong khi chờ đợi trông mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các từng trời sẽ bị đốt mà tiêu tán, các thể chất sẽ bị thiêu mà tan chảy đi! 13 Vả, theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công bình ăn ở. 14 Vậy nên, hỡi kẻ rất yêu dấu, vì anh em trông đợi những sự đó, thì phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình an, không dấu vít, chẳng chỗ trách được. 15 Lại phải nhìn biết rằng sự nhịn nhục lâu dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu chuộc anh em, cũng như Phao-lô, anh rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn ngoan được ban cho mình mà viết thư cho anh em vậy.
2 Phi-e-rơ 3:3-15
CÂU HỎI THẢO LUẬN
Trong khi Đức Chúa Trời bày tỏ sự kiên nhẫn là Ngài chờ đợi để cho mọi người có cơ hội ăn năn, chúng ta phải sống như thế nào? Tại sao?

TRỞ NÊN NGƯỜI CHẬM NÓNG GIẬN
Một trong những ý tưởng chủ yếu của mỹ đức kiên nhẫn là yên lặng một khoảng thời gian để trở nên người chậm nóng giận. “Chậm nóng giận” trong ngôn ngữ Hy Lạp liên quan đến dụng cụ đo nhiệt. Nếu nhiệt kế thuộc linh này được đặt nơi miệng, nó sẽ dễ dàng gia tăng nhiệt độ khi chúng ta gặp phải các tình huống dễ bị kích động. Nhưng khi trưởng thành trong ân điển của Chúa, chúng ta có thể kiểm soát cảm xúc và ngôn từ ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn không dự đoán trước.
Câu chuyện về Đa-vít và Sau-lơ minh họa cho trạng thái “chậm nóng giận” của Đa-vít. Nhưng với Sau-lơ thì ngược lại, vị vua đánh mất sự xức dầu này đã không kiểm soát được cơn giận và những cảm xúc ganh ghét của ông.
CÂU HỎI THẢO LUẬN
Đọc phần Kinh Thánh bên dưới và tìm kiếm những khuôn mẫu từ cuộc đời Đa-vít khi ông chậm nóng giận, kiên nhẫn chờ đợi ý chỉ của Đức Chúa Trời? Tại sao điều này là rất khó khăn cho nhiều người ngày hôm nay?

1 Đoạn, Đa-vít đi lên khỏi đó, ngụ tại trong đồn Ên-ghê-đi. 2 Khi Sau-lơ đuổi theo dân Phi-li-tin trở về rồi, có người đến nói cùng Sau-lơ rằng: Kìa, Đa-vít ở trong đồng vắng Ên-ghê-đi. 3 Sau-lơ bèn đem ba ngàn người chọn trong cả dân Y-sơ-ra-ên, kéo ra đi kiếm Đa-vít và những kẻ theo người cho đến các hòn đá của dê rừng. 4 Sau-lơ đi đến gần chuồng chiên ở trên đường. Tại đó có một hang đá; Sau-lơ bèn vào đó đặng đi tiện. Vả, Đa-vít và bọn theo người ở trong cùng hang. 5 Những kẻ theo Đa-vít nói cùng người rằng: Nầy là ngày mà Đức Giê-hô-va có phán cùng ông: Ta sẽ phó kẻ thù nghịch ngươi vào tay ngươi. Hãy xử người tùy ý ông. Nhưng Đa-vít đứng dậy, cắt trộm vạt áo tơi của Sau-lơ. 6 Đoạn, lòng người tự trách về điều mình đã cắt vạt áo tơi của vua. 7 Người nói cùng các kẻ theo mình rằng: Nguyện Đức Giê-hô-va chớ để ta phạm tội cùng chúa ta, là kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va, mà tra tay trên mình người, vì người là kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va. 8 Đa-vít nói những lời ấy quở trách các kẻ theo mình, mà ngăn cản chúng xông vào mình Sau-lơ. Sau-lơ đứng dậy, ra khỏi hang đá, và cứ đi đường mình.
9 Đoạn Đa-vít cũng chỗi dậy, đi ra khỏi hang đá, gọi Sau-lơ, mà nói rằng: Hỡi vua, chúa tôi! Sau-lơ ngó lại sau mình, thì Đa-vít cúi mặt xuống đất mà lạy. 10 Đa-vít nói cùng Sau-lơ rằng: Nhân sao vua nghe những lời của kẻ nói rằng: Đa-vít kiếm thế làm hại vua? 11 Kìa, hãy xem, chính mắt vua có thể thấy được rằng ngày nay, trong hang đá, Đức Giê-hô-va đã phó vua vào tay tôi. Có người biểu giết vua; nhưng tôi dung thứ cho vua, mà rằng: Ta không tra tay trên mình chúa ta, vì người là đấng chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va. 12 Vậy, cha ôi! Hãy xem cái vạt áo tơi cha mà tôi cầm trong tay; bởi vì tôi có vạt áo tơi của cha, mà không giết cha, thì nhân đó khá biết và nhận rằng nơi tôi chẳng có sự ác, hoặc sự phản nghịch, tôi chẳng có phạm tội gì với cha. Còn cha, lại săn mạng sống tôi để cất nó đi. Đức Giê-hô-va sẽ đoán xét cha và tôi, 13 Đức Giê-hô-va sẽ báo thù cha cho tôi, nhưng tôi không tra tay vào mình cha. 14 Như câu cổ ngữ nói: Sự ác do kẻ ác ra, nhưng tay tôi sẽ không đụng đến mình cha. 15 Vua Y-sơ-ra-ên kéo ra đánh ai? Cha đuổi theo ai? Một con chó chết! Một con bọ chét!

1 Sa-mu-ên 24:1-15

Sau-lơ trở về nhà nhưng trong lòng ông sự căm tức Đa-vít vẫn còn. Thời gian trôi qua, Sau-lơ cho phép cơn giận của mình nổi lên chống lại Đa-vít. Thêm một lần nữa Sau-lơ chỉ huy một đạo quân ba ngàn người truy tìm tiêu diệt Đa-vít.

1 Dân Xíp lại đến tìm Sau-lơ tại Ghi-bê-a, mà nói rằng: Đa-vít há chẳng ẩn tại trên gò Ha-ki-la, đối ngang đồng vắng sao? 2 Sau-lơ bèn chỗi dậy kéo ba ngàn tinh binh của Y-sơ-ra-ên, đi xuống đồng vắng Xíp đặng tìm Đa-vít. 3 Sau-lơ đóng trại trên gò Ha-ki-la, đối ngang đồng vắng, tại nơi đầu đường.
Đa-vít ở trong đồng vắng. Khi thấy Sau-lơ đến đuổi theo mình, 4 bèn sai kẻ do thám đi, và biết chắc rằng Sau-lơ đã đến. 5 Bấy giờ, Đa-vít chỗi dậy, đi đến tận nơi Sau-lơ hạ trại; người cũng thấy nơi ngủ của Sau-lơ và của Áp-ne, con trai Nê-rơ, là quan tổng binh của người. Sau-lơ ngủ tại đồn, có đạo binh đóng trại xung quanh mình.
6 Đa-vít cất tiếng nói cùng A-hi-mê-léc, người Hê-tít, và A-bi-sai, con trai của Xê-ru-gia, em của Giô-áp, rằng: Ai muốn đi cùng ta xuống dinh Sau-lơ? A-bi-sai đáp: Tôi sẽ đi xuống với ông.
7 Vậy, Đa-vít và A-bi-sai lúc ban đêm, vào giữa quân lính, thấy Sau-lơ đương ngủ, nằm trong đồn, cây giáo cặm dưới đất tại nơi đầu giường. Áp-ne và quân lính nằm ở xung quanh người. 8 A-bi-sai nói cùng Đa-vít rằng: Ngày nay Đức Chúa Trời đã phó kẻ thù nghịch ông vào tay ông. Xin cho phép tôi lấy giáo đâm người chỉ một cái mà cặm người xuống đất; chẳng cần phải đâm lại. 9 Nhưng Đa-vít bảo A-bi-sai rằng: Đừng giết người; ai có thế tra tay trên kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va mà không bị phạt? 10 Người tiếp rằng: Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống mà thề, Đức Giê-hô-va chắc sẽ đánh người, hoặc khi người đến kỳ định mà chết, hoặc khi người ra trận mà bị diệt vong. 11 Nguyện Đức Giê-hô-va giữ, chớ cho tôi tra tay vào kẻ chịu xức dầu của Ngài! Ta xin ngươi chỉ hãy lấy cây giáo nơi đầu giường người cùng cái bình nước, rồi chúng ta hãy đi. 12 Như vậy, Đa-vít lấy cây giáo và bình nước nơi đầu giường của Sau-lơ, rồi hai người đi. Không ai thấy hay là biết, và cũng chẳng ai tỉnh thức; hết thảy đều ngủ, vì Đức Giê-hô-va đã khiến sự ngủ mê giáng trên chúng.
13 Đoạn, Đa-vít sang qua bên kia, dừng lại tại trên chót núi, xa trại quân; có một khoảng xa cách nhau. 14 Người gọi quân lính với Áp-ne, con trai Nê-rơ, mà nói rằng: Áp-ne, ngươi chẳng đáp lời sao? Áp-ne đáp rằng: Ngươi là ai mà kêu la cùng vua? 15 Đa-vít đáp cùng Áp-ne rằng: Nào, ngươi há chẳng phải là một dõng sĩ sao? Trong Y-sơ-ra-ên ai bằng ngươi? Vậy, sao ngươi không canh giữ vua, là chúa của ngươi? Có kẻ trong dân sự đã đến muốn giết vua chúa ngươi. 16 Điều ngươi đã làm đó chẳng tốt đâu. Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống mà thề, ngươi đáng chết, vì không canh giữ chúa ngươi, là đấng chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va. Bây giờ, hãy xem thử, cây giáo của vua và bình nước nơi đầu giường vua ở đâu?
17 Sau-lơ nhận biết tiếng của Đa-vít, bèn nói rằng: Hỡi Đa-vít, con ta, có phải tiếng con chăng? Đa-vít thưa rằng: Hỡi vua chúa tôi, ấy là tiếng tôi. 18 Người tiếp: Cớ sao chúa đuổi theo tôi tớ chúa như vậy? Tôi có làm điều gì, và tay tôi đã phạm tội ác chi? 19 Bây giờ, xin vua hãy lắng nghe lời của tôi tớ vua. Nếu Đức Giê-hô-va xui giục vua hại tôi, nguyện Ngài nhậm mùi thơm của lễ, nhưng nếu là loài người, nguyện chúng bị rủa sả trước mặt Đức Giê-hô-va; vì ngày nay chúng đuổi tôi đi khỏi chỗ dành cho tôi trong sản nghiệp của Đức Giê-hô-va, và chúng nói rằng: Hãy đi, thờ tà thần. 20 Ôi! Nguyện huyết tôi chớ chảy ra trên đất cách xa mặt Đức Giê-hô-va; vì vua Y-sơ-ra-ên đã kéo ra đặng tìm một con bọ chét, như người ta đuổi theo chim đa đa trong núi vậy.
21 Bấy giờ, Sau-lơ nói: Ta có phạm tội; hỡi Đa-vít, con ta, hãy trở lại! Ta sẽ chẳng làm hại cho con nữa, vì ngày nay, con đã kính nể mạng sống ta. Thật, ta đã làm điên cuồng, phạm một lỗi rất trọng. 22 Đa-vít nói: Nầy là cây giáo của vua; hãy cho một gã trai trẻ của vua đi qua đây mà lấy đi. 23 Đức Giê-hô-va sẽ báo trả cho mọi người tùy theo sự công bình và trung tín của người; vì ngày nay Ngài đã phó vua vào tay tôi, mà tôi không khứng tra tay vào đấng chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va. 24 Ngày nay, tôi lấy mạng sống vua làm quí trọng thế nào, thì Đức Giê-hô-va cũng sẽ lấy mạng sống tôi làm quí trọng thể ấy, và giải cứu tôi khỏi các hoạn nạn. 25 Sau-lơ nói cùng Đa-vít rằng: Hỡi Đa-vít, con ta, nguyện con được phước! Quả thật, con sẽ làm công việc lớn lao và được thắng hơn. Đoạn, Đa-vít cứ đi lối mình, còn Sau-lơ trở về nơi người.
1 Sa-mu-ên 26:1-25

Sau đó Sau-lơ bị thương trong chiến trận với người Phi-li-tin và cuối cùng ông chết bằng chính lưỡi gươm của mình. Khi Đa-vít nhận được tin báo về cái chết của hai cha con Sau-lơ, ông đã than khóc cho vua của Israel thay vì ăn mừng khi kẻ tìm giết mạng sống ông bị chết.
Đa-vít phải học tập chờ đợi, chậm nóng giận và kiên nhẫn một thời gian dài trong sự truy sát của Sau-lơ trước khi Đức Chúa Trời thực thi kế hoạch của Ngài trên cuộc đời ông. Sa-lô-môn, con trai của Đa-vít tiếp quản ngôi vua sau khi cha qua đời. Ông là trước giả của sách Châm Ngôn với những lời khôn ngoan về tính cách chậm nóng giận.

1-Samuel-26-David-Sparing-Saul-by-CF-Vos

CÂU HỎI THẢO LUẬN
Đọc các phần Kinh Thánh bên dưới và suy nghĩ về 2 câu hỏi: 1/ Làm thế nào để kiên nhẫn trong khi đối diện với xung đột. 2/ Sự thiếu kiên nhẫn và tính hấp tấp vội vàng phát triển như thế nào?

Kẻ nào chậm nóng giận có thông sáng lớn;
Nhưng ai hay nóng nảy tôn lên sự điên cuồng.
Châm ngôn 14:29

Người hay giận gây điều đánh lộn;
Nhưng người chậm nóng giận làm nguôi cơn tranh cãi.
Châm ngôn 15:18

Người chậm nóng giận thắng hơn người dõng sĩ;
Và ai cai trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm lấy thành.
Châm ngôn 16:32

Sự khôn ngoan của người khiến cho người chậm nóng giận;
Và người lấy làm danh dự mà bỏ qua tội phạm.
Châm ngôn 19:11
Hằng chậm nóng giận mới khuyên được lòng của quan trưởng;
Còn lưỡi mềm dịu bẻ gãy các xương.
Châm ngôn 25:15
Trong Tân Ước, sứ đồ Gia-cơ cũng đưa ra những lời khuyên cho chúng ta trong các mối quan hệ với người khác. Ông cũng đề cập đến tính cách “chậm giận”.

19 Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận; 20 vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời.
Gia-cơ 1:19-20

CHỜ ĐỢI SỰ ĐÁP LỜI CẦU NGUYỆN
Chúng ta phải học tập kiên nhẫn chờ đợi sự đáp lời cầu nguyện của TRỜI trên những điều chúng ta cầu xin, đặc biệt là khi chúng ta muốn có sự giúp đỡ nhanh chóng. Đi qua những hoàn cảnh khó khăn sẽ hình thành khả năng kiên trì của chúng ta trước những áp lực. Người bị bệnh ba mươi tám năm tại ao Bê-tết-đa sau đây đã kiên trì chờ đợi cho đến khi TRỜI đáp lời cầu nguyện của ông.

1 Kế đó, có một ngày lễ của dân Giu-đa, Đức Chúa Jêsus lên thành Giê-ru-sa-lem, 2 Số là, tại thành Giê-ru-sa-lem, gần cửa Chiên, có một cái ao, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Bê-tết-đa, xung quanh ao có năm cái vòm cửa. 3 Những kẻ đau ốm, mù quáng, tàn tật, bại xuội nằm tại đó rất đông, (chờ khi nước động; 4 vì một thiên sứ thỉnh thoảng giáng xuống trong ao, làm cho nước động; lúc nước đã động rồi, ai xuống ao trước hết, bất kỳ mắc bịnh gì, cũng được lành).
5 Nơi đó, có một người bị bịnh đã được ba mươi tám năm. 6 Đức Chúa Jêsus thấy người nằm, biết rằng đau đã lâu ngày, thì phán: Ngươi có muốn lành chăng? 7 Người bịnh thưa rằng: Lạy Chúa, tôi chẳng có ai để quăng tôi xuống ao trong khi nước động; lúc tôi đi đến, thì kẻ khác đã xuống ao trước tôi rồi. 8 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy đứng dậy, vác giường ngươi và đi. 9 Tức thì người ấy được lành, vác giường mình và đi. Vả, bấy giờ là ngày Sa-bát.

10 Các người Giu-đa bèn nói với kẻ được chữa lành rằng: Nay là ngày Sa-bát, ngươi không phép mang giường mình đi. 11 Người trả lời rằng: Chính người đã chữa tôi được lành biểu tôi rằng: Hãy vác giường ngươi và đi. 12 Họ hỏi rằng: Người đã biểu ngươi: Hãy vác giường và đi, là ai? 13 Nhưng người đã được chữa lành không biết là ai: Vì Đức Chúa Jêsus đã lẩn trong đám đông tại chỗ đó. 14 Sau lại, Đức Chúa Jêsus gặp người đó trong đền thờ, bèn phán rằng: Kìa, ngươi đã lành rồi, đừng phạm tội nữa, e có sự gì càng xấu xa xảy đến cho ngươi chăng. 15 Người đó đi nói với các người Giu-đa rằng ấy là Đức Chúa Jêsus đã chữa lành cho mình.
Giăng 5:1-15
Câu trả lời của TRỜI đến và người bệnh được chữa lành, nhưng thỉnh thoảng sự chữa lành không xảy ra. Sứ đồ Phao-lô đã khám phá một kế hoạch khác của Đức Chúa Trời cho đời sống ông.
7 Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. 8 Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. 9 Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. 10 Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.
2 Cô-rin-tô 12:7-10
CÂU HỎI THẢO LUẬN
Bạn có thể lý giải tại sao người bệnh ba mươi tám năm trong câu chuyện trên được chữa lành, còn Phao-lô thì không? Làm thế nào để tin vào sự tốt lành của TRỜI, là Ngài ban cho sự kiên nhẫn trong những nỗi đau của chúng ta?
Hãy đánh giá sự kiên nhẫn của bạn theo thang điểm từ 1 đến 10? Bạn có tranh chiến nhiều hơn để kiên nhẫn với người khác khi đối diện với những xung đột? Trong chương này, ý tưởng chính yếu nào giúp đỡ bạn nhiều nhất?

ĐIỀU CHÚNG TA TIN
Mỗi hoàn cảnh chúng ta chạm trán đều khác nhau. Tuy nhiên chúng ta được kêu gọi để bày tỏ sự kiên nhẫn với người khác. Nó là một đức tính mà chúng ta phải trau dồi hằng ngày nhờ ơn Chúa.
Nuôi dưỡng và phát triển khả năng kiên nhẫn của chúng ta sẽ làm vui lòng Đức Chúa Trời – là Đấng kiên nhẫn với chúng ta. Bày tỏ sự kiên nhẫn sẽ tạo nên một ảnh hưởng tốt trong các mối quan hệ, nó mang sự vui mừng đến cho chính chúng ta và cộng đồng xung quanh. Khi tin cậy TRỜI và có lòng thương xót đối đãi với người khác theo như cách mà Ngài đối đãi với chúng ta, khi ấy chúng ta sẽ học biết nhiều hơn về tính cách chậm nóng giận và kiên nhẫn trước những áp lực của đời sống.

book

Translated by Tuong Vi   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn