Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / Tình Cha

Tình Cha

Tình Cha

(Tặng con gái Lê Nguyễn Thục Hạnh)

Le Nguyen Ha Vy 

Family at sunset

Ba nén lệ để ngăn dòng cảm xúc
Con chào đời bằng hai tiếng o-oe
Mẹ đớn đau ba cúi mặt ngồi nghe
Ngoài ghế đợi tưởng như chừng tội lỗi

Hai tiếng khóc làm sao ba chịu nổi
Mưa bên ngoài chiều ấy gió mênh mông
Ba ôm con hơi ấm tỏa vào lòng
Nói sao hết mối tình phụ tử

Ba cúi xuống lần đầu hôn thục nữ
Con là đây hai giọt máu yêu thương
Mấy ngày qua mẹ thao thức bên giường
Ru con ngủ trên mi đầy nước mắt

Trời hôm nay chuyển sang mùa gió bấc
Rét run người nhưng đâu lạnh lòng ba
Mấy ngày rồi lo thực tập làm cha
Cơm nửa bữa áo quần thơm tã lót
Đêm ít ngủ nằm nghe mưa từng giọt…

(Đà-Nẵng mùa Đông 1981)

Le Nguyen Ha Vy

 

CON YÊU BỐ

Thơ ca nói về tình cha, tình mẹ thì khá nhiều và có nhiều bài rất hay. Mới đây, tôi được một người giới thiệu bài thơ “Tình cha” của Lê Nguyễn Hà Vỹ, tôi đọc và thấy ấn tượng với bài thơ nầy, nên xin viết vài dòng cảm nhận tản mạn để chia sẻ với bạn đọc gần xa cùng thưởng thức.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã bày tỏ cảm xúc của mình khi lần đầu được …lên chức cha. Một cảm xúc vừa lo sợ vừa sung sướng như đang trào dâng trong tâm hồn của tác giả khi nghe đứa con mới vừa cất tiếng khóc “o oe” chào đời. Để có được một đứa con chào đời đòi hỏi cả một sự hợp tác hết sức chặt chẽ và đầy tình cảm giữa hai vợ chồng. Theo quy luật của Tạo Hóa đã định, vợ chồng khi ăn ở với nhau thì sau một thời gian độ 9 tháng 10 ngày, sẽ cho ra đời những “tuyệt tác” của mình. Tuy nhiên, có không ít trường hợp vợ chồng chung sống với nhau trong nhiều năm tháng mà vẫn không sinh được con cái. Thường thì những cặp vợ chồng như thế rất đỗi buồn, cho dù cuộc sống của họ có giàu có đi chăng nữa. Kinh thánh dạy: “Kìa con cái là cơ nghiệp từ CHÚA ban. Bông trái từ lòng dạ là phần thưởng.” (Thánh Thi 127: 3 – BDM). Trong độ 9 tháng 10 ngày đó, người mẹ phải mang nặng đẻ đau, người cha thì phải lo làm lụng vất vả để lo cho đứa con sắp chào đời. Cho nên ông bà ta đã nói: “Công cha nặng lắm ai ơi/ Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.”

Hãy nghe tác giả bộc lộ cảm xúc đáng yêu ấy:

Ba nén lệ để ngăn dòng cảm xúc
Con chào đời bằng hai tiếng o oe
Mẹ đớn đau ba cúi mặt ngồi nghe
Ngoài ghế đợi tưởng như chừng tội lỗi.

Đọc những dòng thơ nầy, tự nhiên tôi lại nhớ lại quá khứ xa xăm cách đây 31 năm vào một ngày mùa hè, tôi cũng có cùng tâm trạng như tác giả, lòng bâng khuâng, lo lắng với biết bao hồi hộp với vui mừng khi chờ đợi vợ sinh đứa con trai đầu lòng. Và khi nghe con cất tiếng khóc “o oe” thì mình cười vui, sung sướng khôn tả. Thật không có niềm vui nào bằng niềm vui của vợ chồng khi Chúa cho sinh được con cái, nhất là sinh đứa con đầu lòng. Bây giờ con đã lớn khôn rồi, nhưng chúng tôi vẫn nhớ như in cảm giác hồi hộp lẫn vui mừng của vợ chồng lần đầu tiên Chúa ban cho có được đứa con.

Có những tiếng khóc làm cho ta lo sợ, đem đến cho ta nỗi buồn khôn nguôi, như khi ta mất đi người thân chẳng hạn, nhưng có những tiếng khóc làm cho ta phấn khởi, đem đến cho ta niềm vui bất tận, như tiếng khóc “o oe” khi có đứa con yêu dấu chào đời. Quả thật vậy, không có gì vui hơn khi vợ chồng được Chúa ban cho có được con cái, khi nghe con cái cất tiếng khóc chào đời:

Hai tiếng khóc làm sao ba chịu nổi
Mưa bên ngoài chiều ấy gió mênh mông
Ba ôm con hơi ấm tỏa vào lòng
Nói sao hết mối tình phụ tử.

Dù thời tiết mưa gió bên ngoài đem đến cái lạnh mênh mông, nhưng lòng ba vẫn ấm khi có con bên đời, khi có con trong đời. Tình phụ tử thật sâu đâm biết bao!

unnamed

Niềm vui của người cha càng thêm thắm đượm khi lần đầu tiên được hôn lên đứa con gái yêu của mình, vì đó là biểu tượng của sự thăng hoa của tình yêu giữa hai vợ chồng. Có thể nói niềm vui của người cha được tăng lên gấp bội khi nghe tiếng mẹ ru con bên giường. Khổ thơ tiếp theo mới cảm động làm sao:

Ba cúi xuống lần đầu hôn thục nữ
Con là đây hai giọt máu yêu thương
Mấy ngày qua mẹ thao thức bên giường
Ru con ngủ trên mi đầy nước mắt.

Lại một lần nữa ta lại thấy hình ảnh tiếng khóc xuất hiện ở đây: “Ru con ngủ trên mi đầy nước mắt”. “Nươc mắt” ở đây không phải nước mắt của nỗi buồn, không phải là nước mắt của sự đau đớn, mất mát, mà bèn là nước mắt của sự vui mừng, sung sướng của một người khi được làm thiên chức mà Tạo Hóa đã ban cho mình, ban cho những người nữ – Thiên chức làm mẹ.

Đọc đến câu thơ “Ru con ngủ trên mi đầy nước mắt”, tôi bỗng nhớ đến bài hát “Ca dao mẹ” của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn nói đến lời ru của mẹ với lời rất êm ái, cảm động:

“Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa võng buồn/ Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh lạy trời mưa tuôn/ Lạy trời mưa tuôn cho đất sợi mềm hạt mầm vun lên/ Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình/ Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn/ Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn/ Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân/ Một dòng sông trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người…”

Khổ thơ cuối của bài thơ, tác giả như muốn dồn hết tình cảm của người cha vào cho đứa con đầu lòng của mình qua việc chăm sóc cho đứa con gái yêu vừa mới chào đời bằng tất cả những gì mình có thể làm được:

Trời hôm nay chuyển sang mùa gió bấc
Rét run người nhưng đâu lạnh lòng ba
Mấy ngày rồi lo thực tập làm cha
Cơm nửa bữa áo quần thơm tã lót
Đêm ít ngủ nằm nghe mưa từng giọt…

Bằng cách dùng hình ảnh đối lập, hoàn cảnh bên ngoài với tấm lòng bên trong: “Trời hôm nay chuyển sang mùa gió bấc/ Rét run người nhưng đâu lạnh lòng ba”, tác giả đã thể hiện thành công tình cha dành cho con thật lớn và đáng trân trọng làm sao. Không hoàn cảnh nào có thể làm vơi nhẹ đi tình cảm của cha dành cho con được. Thật cảm động khi tác giả viết: “Mấy ngày rồi lo thực tập làm cha/ Cơm nửa bữa áo quần thơm tã lót”. Tình cha là đây. Công cha là đây: Bữa ăn cũng không trọn vẹn được. Dù là đang ăn, nhưng khi nghe con khóc, con cựa quậy là cha mẹ cũng phải bỏ bữa ăn giữa chừng để lo cho con cái đã, rồi mới tiếp tục bữa ăn. Có khi vài ba lần phải bỏ bữa ăn giữa chừng như thế thì cha mẹ cũng vui mừng chập nhận mà không hề ta thán lời nào.

Bài thơ kết thúc một cách thú vị, thú vị đến bất ngờ: “Đêm ít ngủ nằm nghe mưa từng giọt…”

Ta như thấy người đàn ông trong đêm khuya nằm không ngủ mà dõi theo bất cứ sự động tĩnh nào của hai mẹ con để có thể đến giúp đỡ, chăm sóc bất cứ lúc nào vợ con cần đến. Người cha đếm từng giọt mưa rơi như đếm từng giờ phút, từng ngày tháng để thấy con được lớn lên vậy.

Ông bà ta nói:

“Công cha nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta
Nên người con phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao
Đội ơn chín chữ cù lao
Sanh thành kể mấy non cao cho vừa”

Là người làm cha nên tôi thật vui khi đọc được bài thơ “Tình cha” nầy của Lê Nguyễn Hà Vỹ. Bài thơ tuy đơn sơ, mộc mạc, nhưng thật lắng đọng, vì nó bày tỏ được tình cảm của người cha dành cho con cái của mình một cách rõ ràng với những hình ảnh gần gũi, thân thương mà không một người làm cha nào mà không cảm nhận được.

Bài thơ đầy những giọt lệ, đầy những tiếng khóc, đầy những giọt nước mắt “Ba nén lệ để ngăn dòng cảm xúc/ Con chào đời bằng hai tiếng o oe”, “Hai tiếng khóc làm sao ba chịu nổi” và “Ru con ngủ trên mi đầy nước mắt”, nhưng không buồn bã, đau thương, vì đó là những giọt lệ, những tiếng khóc, những giọt nước mắt của niềm vui mừng, hạnh phúc của người cha khi có con được sinh ra trong cuộc đời.

Hạnh phúc thay cho những ai được làm cha làm mẹ! Cảm ơn Tạo Hóa đã ban hôn nhân cho con người, và qua hôn nhân, Ngài ban cho con người thiên chức làm cha, làm mẹ trong gia đình.

Nguyện Chúa ban ơn cho những bậc cha mẹ để làm trọn thiên chức cao quý mà Chúa đã ban cho hầu làm cho gia đình mình được phước khi biết sinh thành dưỡng dục con cái lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ. A men!

Mục sư Nguyễn  Đình  Liễu.

 

https://vietchristian.com

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn