Có ai đó đã nói: “Đời con gái hay lặp lại đời mẹ”, Ly ngước mắt nhìn những ánh sao lấp lánh trên cao thầm ước đời mình sung sướng hơn đời mẹ.
Ly lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Mỹ Tho. Con gái miền Tây nổi tiếng với dáng cao, da trắng, tóc dài. Con gái nhà người ta thì được cưng chìu ăn trắng, mặc trơn nhưng nhà Ly thì khác. Ông bà Hài – ba má Ly chỉ cưng em trai của Ly thôi. Ông Hài nói:
– “Con gái trở giỏ lửa ra”, con gái là con của người ta. “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, tui chỉ cần một đứa con trai nối dõi tông đường là đủ rồi.
Bà Hài phụ họa:
– May mà tui sanh được thằng Thanh giỏi giang, thông minh cho ông…
Ly dừng chổi quét sân, tình cờ nghe được. Cô đã quen với tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu vào máu thịt của dòng họ hai bên nội ngoại nên không buồn nhiều. Chỉ một chút tủi hờn khiến cô nghe nghèn nghẹn trong lồng ngực.
Ly mê đọc truyện và thích đi học lắm. Những trang sách cuốn hút cô vào một thế giới tươi đẹp như những giấc mơ. Trưa nay, Ly đang chuẩn bị đến trường, ông Hài nghiêm giọng:
– Từ hôm nay không đi học nữa. Con gái học xong lớp chín được rồi. Ngày mai, con theo xe tới nhà chú Ba, chú sẽ tìm việc làm cho.
Ly cúi đầu lí nhí dạ rồi bước ra sau bếp ngó mông lung. Nhìn cây lá lung lay trong gió, cô liên tưởng đến cuộc đời của mẹ.
Ngày đó, mẹ Ly đẹp có tiếng trong thôn nên được mai mối về làm dâu nhà giàu. Công việc hàng ngày của bà rất nhàn hạ, chỉ chấm công và phát thức ăn, phát lúa cho tá điền. Những tưởng đời bà sẽ êm ả trôi xuôi như con nước ròng nhưng biến cố đau thương chợt đến. Một buổi tối, bà đi đám cưới người em họ về, không may giẫm phải mìn. Một chân của bà bị cưa, phải lắp chân giả. Người con gái xinh đẹp ngày nào bỗng què quặt, ốm yếu. Tánh tình bà thay đổi, nóng nảy và hay buồn giận vô cớ. Ngôi nhà ngày trước vang tiếng cười chỉ còn lại trong mơ. Từ khi ông bà nội mất, chú Út ăn chơi trác táng, của cải cũng không cánh mà bay. Cha mẹ Ly chỉ còn căn nhà nhỏ cũ kỹ và một mảnh vườn con.
**
Nhà chú Ba nằm sát biển, một căn nhà be bé thấp thoáng dưới những rặng dừa xinh xinh xõa tóc xuống làn nước xanh.
Nhờ xinh xắn, Ly được hợp tác xã chọn làm phục vụ ở cửa hàng giải khát ven biển. Buổi tối, Ly ngủ luôn ở cửa hàng, kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ. Nói cửa hàng cho oai chứ thực chất chỉ là một căn phòng dựng bằng cót lợp tôn để chứa bàn ghế, ly tách, chanh đường, cà – phê, nước ngọt và vài buồng dừa tươi xanh.
Tiếng sét ái tình đến với Ly nhanh hơn cá gặp nước với anh chàng lai Tây cao ráo chuyên ghé cửa hàng giao trà, cà – phê. Cô thôn nữ mới lớn như bị thôi miên bởi vẻ đẹp trai lãng tử của gã trai trẻ thành phố. Đêm đêm, Ly mơ màng nghĩ đến ngày chàng hoàng tử đẹp trai rước nàng Lọ Lem về lâu đài hạnh phúc. Đang mơ màng, Ly giật bắn mình khi nghe tiếng gõ lộp cộp vô cánh cửa cót. Ly choàng dậy, khoác vội chiếc áo len rồi hé cửa, ghé mắt nhìn. Lờ mờ trong ánh đèn vàng, hoàng tử Lai của Ly nhếch mép cười:
– Mở cửa cho anh vô đi, cô bé.
– Em sợ có người thấy, méc với chú thì chết. Anh về đi.
– Không sao đâu, anh ghé qua một chút thôi mà. Gió lạnh quá, cô bé ơi…
Ly mủi lòng mở cửa rộng ra một chút, anh chàng đẹp trai vội lách người vào. Những câu chuyện không đầu không đuôi cứ tiếp nối nhau bất tận với những tiếng cười khúc khích. Thời gian như dừng lại khi Tây nắm tay Ly và nói:
– Anh yêu em ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Lâng lâng như người say rượu, Ly vẫn cố lí nhí:
– Chú em khó lắm… Anh về đi. Mai mốt mình gặp lại.
Mai rồi mốt rồi ngày kia ngày nữa… Cứ thế, những câu chuyện không hồi kết được thay bằng những nụ hôn nồng cháy.
Chiều nay, trời bỗng nhiên mưa. Khách ra biển thưa thớt, cửa hàng nghỉ bán sớm. Mọi người lần lượt ra về. Ly đóng cửa, leo lên chiếc giường bố cuộn mình trong chăn. Cô nàng nhớ miên man ánh mắt, làn môi của anh chàng Tây. Đang chìm vào giấc mơ với tay trong tay cùng anh chàng đẹp trai dạo bước trong vườn hoa thơm cỏ lạ, Ly bỗng giật mình thức giấc. Ai đó đang giựt giựt chiếc mền con công. Ly muốn thét lên nhưng tay hắn đã bịt chặt miệng cô.
– Anh đây mà, anh Tây đây mà. Suỵt, suỵt…
Ly bàng hoàng:
– Sao anh vô được đây? Cửa chốt rồi mà…
Tây kéo Ly vô lòng:
– Nhằm nhò gì mấy cái cửa cót, anh hô biến một phát xong ngay. Anh gõ cửa hoài không thấy em mở. Sợ em trúng gió, anh đạp cửa vô luôn. Sáng mai, anh sửa lại cho cưng.
Ôm chặt lấy Ly, Tây thì thầm như rót mật vô tai:
– Anh nhớ em quá. Mình cưới nhau luôn tối nay nhé.
– Không, anh còn chưa cầu nguyện tin Chúa. Em thích làm cô dâu trong nhà thờ cơ. Em chỉ mới mười bảy tuổi. Em sợ chú rầy, sợ…
Ly chưa kịp nói xong, hắn đã khóa môi cô bằng nụ hôn nồng cháy. Hắn đè Ly xuống, chiếc giường nhỏ kêu răng rắc. Hắn ôm chặt Ly kéo xuống nền cát. Ly đẩy hắn ra nhưng hắn mạnh quá cứ ôm lấy cô như gọng kìm:
– Anh nhớ em, đội mưa xuống tận nơi “khỉ ho cò gáy” này. Cho anh nhé… Ngày mai, anh sẽ chở mẹ qua bàn chuyện cưới hỏi với chú.
Ly mềm nhũn như con chi chi, quên luôn lời dặn của mẹ, quên luôn hình ảnh cô dâu với chiếc lúp trắng lất phất bay trong giấc mơ xinh… Hắn như con trâu mộng, cứ thế đè Ly xuống cát. Ly chống cự yếu ớt rồi buông xuôi.
Tiếng hét đau đớn của người con gái chìm vào hư vô hòa cùng tiếng gió, tiếng sóng biển.
Tờ mờ sáng, Ly mặc nguyên bộ đồ ngủ, bước thẳng xuống biển. Một màu hồng loang loáng hòa tan với màu nước biển trong xanh. Những giọt nước mắt lã chã tuôn như những giọt mưa. “Biển ơi! Hãy rửa sạch những nhuốc nhơ của ta…”. Ly chợt tỉnh nhưng đã muộn màng.
Một ngày, hai ngày rồi ba ngày… Ly chờ đợi mòn mỏi, cồn cào cả ruột gan mà chẳng thấy bóng Tây đâu. Chiếc xe đạp Ly nhịn ăn, nhịn mặc trong sáu tháng để mua cũng biến mất cùng “hoàng tử trong mơ”. Lo lắng, buồn bã khiến Ly mất ăn, mất ngủ. Làn da trắng hồng như trứng gà bóc ngày nào trở nên xanh xao như tàu lá chuối.
Một buổi chiều, có người phụ nữ bụng bầu vượt mặt tìm tới cửa hàng. Chị ta vừa thở vừa nói với cô thu ngân:
– Tôi ở Hòn Rơm cách đây hơn ba chục cây số. Anh Tây chồng tôi đi hai tháng rồi không về. Chủ nhà trọ nói ảnh đã dọn đi cả tuần rồi. Họ chỉ ảnh hay bỏ cà phê ở đây…
Trời đất tối sầm trước mắt Ly. Cô gắng gượng bưng bê, dọn dẹp như cái máy. Chờ mọi người ra về, đóng kín cửa, Ly gục xuống cát gào khóc. Khóc đến khi mắt sưng húp, Ly đứng dậy thu xếp mấy bộ áo quần vô giỏ. Giở cánh cửa sổ bằng cót hướng ra biển, cô đứng suốt đêm như pho tượng, mắt nhìn lên bầu trời tối đen. Một ngôi sao lạc lõng cuối trời xa. Cô lẩm bẩm: “Ánh sao cô đơn giống như con. Chúa ơi! Xin tha tội cho con. Con phải đi đâu để quên hết mọi chuyện bây giờ??? Chúa ơi…”.
Sáng tinh mơ, Ly xách giỏ qua chào chú thím:
– Con về quê đây.
– Sao về gấp vậy con? Còn công việc…
– Dạ, con nhớ nhà quá. Chú nói dùm với hợp tác xã… Con cảm ơn chú thím.
Ly xách giỏ bỏ chạy như bay. Chú thím và mấy đứa em họ mở to mắt nhìn theo, không hiểu chuyện gì đã xảy ra với Ly.
***
Trốn chạy quá khứ tối tăm, Ly không về nhà, lên xe ra thẳng Đà Nẵng. Ly lang thang trên đường phố, định xin phụ việc ở mấy quán ăn hay quán nước. Ngang qua trường mầm non Hoa Mai, thấy tấm bảng treo tuyển bảo vệ ban đêm. Ly đánh bạo hỏi anh bảo vệ:
– Anh ơi! Em xin vô làm bảo vệ được không?
Gã bảo vệ nhìn Ly từ đầu đến chân như người ngoài hành tinh:
– Thiệt hay giỡn đó cô bé?
– Thiệt một trăm phần trăm. Anh giúp em nhen.
– Đẹp như em thì anh duyệt. Em ngồi ghế chờ chút. Để anh vô gặp chị hiệu trưởng hỏi trước cho.
Khoảng mười phút, gã bảo vệ hối hả đi ra, miệng cười toe toét:
– Nhớ thưởng cho Thắng này đó . Nói mẹ em là bạn cùng quê với mẹ anh ở Bến Tre nghe.
– Dạ, quê em cũng ở miền Tây. Cảm ơn anh!
Ly được nhận vô làm ở trường mầm dễ như trở bàn tay. Ban ngày, Ly phụ bếp. Buổi tối ngủ luôn trong trường làm nữ bảo vệ.
Sáu tháng sau, vừa tròn mười tám tuổi, Ly lên xe hoa. Đám cưới Ly đơn giản lắm. Chỉ có ba mẹ và thầy Truyền đạo từ quê ra cầu nguyện cho đôi trẻ. Khách mời là bạn bè làm trong trường mầm non và thực đơn chỉ có bánh kẹo, nước trà. Chú rể chẳng ai khác chính là anh bảo vệ. Ly mặc chiếc áo dài trắng thời học sinh, trên đầu cài vòng hoa trắng margaret do chú rể tự tay kết. Thêm chút môi son, chút má hồng thế là cô dâu xinh xắn như tiên nữ giáng trần.
Nhà chồng Ly hai đời làm nghề bán hột vịt lộn. Từ khi về làm dâu, Ly nghiễm nhiên nối nghiệp đời thứ ba. Ban ngày, Ly quanh quẩn giúp mẹ chồng công việc nhà. Chiều chiều, Thắng đi làm về phụ Ly khiêng bàn ghế, bếp than, nồi, trứng, rau dưa, muối tiêu và chiếc đèn hột vịt ra đầu hẻm. Khi thành phố đã ngủ và trên trời chỉ còn ánh sao đêm thao thức, Ly và chồng mới lục đục dọn dẹp hàng quán trở về.
Chúa nhật, vợ chồng Ly dậy sớm, ăn mặc tươm tất. Mẹ chồng Ly nhăn mặt:
– Đi đâu mà đẹp vậy?
– Dạ, tụi con đi nhà thờ.
– Dẹp, dẹp gấp, không đi đâu hết. Sáng nay đi chợ lấy hàng với tao.
Ly không dám cãi một lời, miễn cưỡng đi theo mẹ chồng nhưng lòng buồn rười rượi.
Tối đó, Ly thủ thỉ với chồng:
– Nhà mình đã có cô Ba chăm sóc mẹ. Vợ chồng mình ra riêng để được đi nhà thờ. Em hứa sẽ buôn bán phụ mẹ tiền chợ mỗi tháng. Mỗi tuần, em vui nhất là được đi nhóm với anh đó.
Ly ghé sát vô tai Thắng nũng nịu. Thắng ôm Ly nào lòng thì thầm:
– Được rồi, để anh tính.
****
Thắng và Ly hớn hở chuyển đồ đạc về căn nhà trọ nhỏ xinh. Sau một tuần bận rộn, Ly thích nhất buổi sáng Chúa nhật bình an trong nhà Chúa cùng Thắng hát Thánh ca và nghe giảng Phúc âm.
Những tưởng đời nàng sẽ êm ả “xuôi chèo mát mái” nào ngờ sóng gió bất ngờ ập đến. Một đêm khuya, Ly đang say giấc bỗng thấy cổ họng nghẹt cứng. Ly mở mắt bừng tỉnh, bàng hoàng tột độ khi nhận ra Thắng đang bóp cổ nàng. Cố hết sức bình sinh, Ly hất tay Thắng:
– Thắng! Anh sao vậy?
– Tao giết mày. Đồ nói láo. Ai cho mày chê tao vẽ xấu…
– Anh sao vậy Thắng ơi. Đừng làm em sợ.
Thắng cầm bức tranh cô gái Chăm chàng thức suốt ba đêm để vẽ, ánh mắt vô hồn, miệng lải nhải:
– Mày im đi đồ láo toét. Tao bóp cổ mày chết. Tao vẽ đẹp nhất.
Không kịp mang giày dép, Ly khóa cửa ngoài rồi lao thẳng ra đường. Nàng chân trần chạy bộ cả cây số, gõ cửa nhà mẹ chồng, vừa kể vừa khóc như mưa.
Nước mắt lưng tròng, bà Năm nghẹn ngào:
– Sao tôi khổ thế này? Con trai bịnh y như ba nó rồi. Trời ơi…
Tờ mờ sáng hôm sau, bà Năm tất tả cùng Ly đưa Thắng tới bệnh viện Hòa Khánh. Tay Thắng vẫn khư khư bức tranh cô gái Chăm đội chum.
Sau khi hỏi han vài câu, bác sĩ bảo cô y tá chích cho Thắng một mũi thuốc kèm theo lời hứa do Thắng đề nghị: “Phải gửi bức tranh Thắng vẽ đi thi với các họa sĩ quốc tế”.
Khoảng vài phút sau, Thắng ngấm thuốc, ngủ say như chết. Bác sĩ đưa Ly gói thuốc lớn, ân cần dặn dò:
– Nhớ cho bệnh nhân uống thuốc đều đặn. Đây là dạng tâm thần hoang tưởng, may mà gia đình đưa tới bệnh viện kịp thời. Anh Thắng có bảo hiểm y tế, được cấp thuốc miễn phí. Tuần sau, đưa Thắng đến tái khám nhé.
Suốt chuyến xe trở về nhà, Ly như người mất hồn, quá đau khổ đôi mắt của nàng ráo hoảnh không thể tuôn giọt lệ nào nữa. Đầu Ly hỏi đi hỏi lại mỗi một câu: “Sao việc này xảy ra với con? Cha ơi…”.
Từ khi bị bệnh, Thắng nghỉ làm bảo vệ. Chị em trong nhà thờ và hàng xóm thương hoàn cảnh của Ly, ai cũng tới mua giúp. Vịt lộn của nàng bán “đắt như tôm tươi”. Thấy Ly xinh đẹp, đảm đang, lắm bà mai dụ dỗ:
– Em trẻ đẹp rứa, oan uổng quá. Em bỏ chồng đi, chị giới thiệu một ông giàu có cho sướng tấm thân. Luật pháp cho li dị người tâm thần mà.
Ly từ tốn:
– Em không bỏ anh Thắng đâu. Lời Chúa dạy: Chỉ được phép li dị khi vợ hoặc chồng ngoại tình.
Ly nuốt nước mắt vào trong, sống mỗi ngày bằng đức tin. Mỗi khi buồn Ly lại cầu nguyện, đọc Kinh thánh, hát Thánh ca để thấy lòng bình an.
*****
Dù đời lắm gian truân, Ly vẫn trung tín với Chúa, hiếu thảo với cha mẹ và chung thủy với chồng. Hàng tháng, nàng đều gửi tiền phụ cấp cho mẹ chồng như đã hứa. Tết đến, nàng lại cùng chồng về miền Tây thăm cha mẹ. Lời cầu nguyện và đức tin đơn sơ của người vợ trẻ được Chúa vui nhậm. Sau ba năm cần mẫn buôn bán, nàng mua được căn nhà nho nhỏ. Bệnh tình của Thắng cũng đã thuyên giảm.
Tuần tới, ban Phụ nữ ở nhà thờ mời Ly làm chứng về đoạn đời đã qua của nàng. Ngồi bên cửa sổ soạn lời chứng, Ly ngước nhìn lên bầu trời đêm. Một ánh sao lấp lánh, cô đơn trên nền trời bao la khiến Ly cảm động viết lên lời thơ:
Con như sao lạc lẻ loi
Chúa như sao sáng tuyệt vời yêu thương
Dẫu con đau khổ lệ vương
Nhờ ơn Chúa cứu, thiên đường trong tâm.
DIÊN VĨ