Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Một Đời Sống Kết Quả

Một Đời Sống Kết Quả

Một Đời Sống Kết Quả

“Chính Ta là cây nho, còn các con là nhánh; người nào cứ ở trong Ta và Ta trong người ấy thì chắc sẽ sinh nhiều quả, vì ngoài Ta các con không làm gì được.” Giăng 15:5

John-15-5-He-Who-Abide-In-Me-Bears-Much-Fruit-green-copy

Hãy đọc Giăng 15:1-17. Lời của Chúa chúng ta dành cho các môn đồ là một điềm báo: “Vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:5). Sau rốt, những người này thấy Ngài sau khi Ngài trở về bên Cha và họ muốn kết quả cho Chúa. Trong Bài Giảng Trên Núi, Ngài đã cảnh báo họ rằng muối mất mặn thì “vô tác dụng” (Ma-thi-ơ 5:13), và họ nghe Ngài phán rằng: “Con chẳng tự mình làm việc gì được” (Giăng 5:19). Chính trong phòng trên lầu cao Chúa đã giải thích với họ làm thế nào để có kết quả khi làm chứng về Chúa, và những nguyên tắc như Ngài đã hạ mình để phục vụ vẫn còn áp dụng cho đến ngày nay. 1

1. Một vài đoạn trong chương này được lấy từ quyển, 5 Secrets of Living(Wheaton, IL: Tyndale 1978).

Nếu Chúng Ta Muốn Trải Nghiệm Một Đời Sống Cơ Đốc Nhân Thực Thụ, Chúng Ta Phải Kết Quả Cho Chúa.

Những nguyên tắc khá quen thuộc như những thí dụ mà Chúa Giê-su đã dùng bởi vì gốc nho, nho, rượu là những điều quan trọng mật thiết với cuộc sống của người Do Thái. Một ly rượu và một miếng bánh mì cho bữa trưa của người lao động, và rượu thường xuất hiện trên bàn cùng với các món ăn khác. Chúa Giê-su đã từng quở một cây vả rằng nó không có quả và cũng chẳng có gì ngoài lá cả (Ma-thi-ơ 21:19).

Chúa đã để con dân Ngài ở lại trên đất và họ phải “kết quả và nhân số lượng lên nhiều” bằng cách đem nhiều người trở lại với Chúa. Phao-lô lo lắng khi thăm Rô-ma vì vậy ông “định hái ít nhiều trái” giữa vòng dân ngoại (Rô-ma 1:13). Phao-lô là một nhà truyền giáo Phúc Âm, và gánh nặng trong tim ông chính là đem nhiều người trở lại tin nhận Chúa, cả người Giu-đa và dân ngoại bang. “Còn không rao truyền Tin lành, thì khốn khó cho tôi thay!” (I Cô-rinh-tô 9:16). Vậy Hội Thánh ngày nay có chịu gánh nặng để đến với người bị hư mất không?

Đời sống nên thánh là một loại bông trái khác mà chúng ta phải mang lấy. Phao-lô khuyên dạy Hội Thánh Rô-ma, “Lấy sự nên thánh làm kết quả” (Rô-ma 6:22). Ông cũng thúc giục các tín hữu ở Cô-rinh-tô tiếp tục, “Hãy hoàn thành sự thánh hóa trong niềm kính sợ Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 7:1). Người Pha-ri-si có sự nên thánh giả tạo, một đức tin yếu ớt vô dụng với đời sống nên thánh. Đức Thánh Linh ngự trong mỗi tín hữu, và khi chúng ta bước đi trong Thánh Linh chúng ta có thể sinh ra bông trái Thánh Linh đó là, “Lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22-23). Hê-bơ-rơ 12:11 nói về “bông trái công bình.”

Sự rộng lượng là một bông trái tinh thần khác mà mọi tín hữu nên mang lấy. Người theo đạo Do Thái ở Pa-lét-tin là những người tuân thủ đạo đức nghiêm ngặt, và họ dựa vào điều đó. Phao-lô đem một của lễ đặc biệt từ các Hội Thánh của dân ngoại là những Hội Thánh mà ông đã lập nên. Ông liên tưởng của lễ này như là một “quả phước” (Rô-ma 15:28), và để nó tuôn chảy trong đời sống tinh thần của các Hội Thánh. Khi những người bảo vệ nhà thờ mở cửa để nhận của lễ ngày Chúa Nhật, họ đang thu hoạch bông trái trong đời sống tinh thần của những người thờ phượng Chúa. Của lễ ở đây chỉ là “bông trái” chứ không phải là “của cải tiền bạc.” Nó không đến từ tình cảm hời hợt hay sức ép của con người mà là từ tình yêu thương.

Khi chúng ta thực sự ngợi khen Chúa bởi Đức Thánh Linh đang làm việc trong đời sống chúng ta, đó là bông trái Thánh Linh. Hê-bơ-rơ 13:15 gọi nó là “dâng tế lễ bằng lời ngợi khen… nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra.” Những nhà lãnh đạo tôn giáo đã nghĩ ra nhiều cách để khuyến khích cộng đồng tôn giáo ca ngợi Chúa, nhưng sự sai trật nằm trong tâm của con người. Sự sống của Chúa không có ở trong tim họ và họ không sản sinh ra bông trái ngợi khen. Cũng sự phân tích như vậy áp dụng trên những nhà thờ có tinh thần phục vụ yếu. Phao-lô gọi kết quả của sự phục vụ Chúa là “bông trái của sự công khó” (Phi-líp 1:22).

Những tín đồ Cơ Đốc mà không sản sinh bông trái là giả tạo hay không thuộc về Đức Thánh Linh, và họ không kinh nghiệm một đời sống Cơ Đốc Nhân thực thụ!

Nếu Chúng Ta Muốn Kết Quả Cho Chúa, Chúng Ta Phải Ở Trong Chúa Giê-su Christ.

Bạn có thể sản xuất bóng chơi Golf hay ô-tô, nhưng bạn không thể sản xuất bông trái, bởi bông trái đến từ sự sống. Bông trái có hạt ở trong để sinh ra nhiều bông trái hơn. Trong vòng tròn thuộc linh, chúng ta nghe nhiều về “kết quả” nhưng “kết quả” không phải là bông trái. Một kế toán có thể lấy kết quả từ máy tính hay một bà nội trợ lấy kết quả từ máy rửa bát. Nhưng nó không giống với bông trái sinh ra từ việc làm của Đức Thánh Linh. Phao-lô khuyên nhủ chúng ta “Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình. Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Phi-líp 2:12-13). Chúa làm việc trong lòng mỗi người để chúng ta bày tỏ ra bên ngoài. Đức Chúa Giê-su phán với các môn đồ rằng Ngài làm việc trong lòng mỗi chúng ta qua Kinh Thánh (Giăng 15:3,7), bằng sự vâng lời của chúng ta (Giăng 15:10,14), bằng tình yêu thương anh em (Giăng 12,13) và qua lời cầu nguyện (Giăng 15:7,16).

Làm theo Đấng Christ vừa là quyền lợi và trách nhiệm. Sự hiệp một của chúng ta với Đấng Christ (Mối liên hệ giữa Con và Cha) được hoàn thành khi chúng ta tin Ngài là Đấng Cứu Thế và là Chúa, nhưng sự giao thiệp của chúng ta (Tình anh em trong Chúa) là sự kinh nghiệm từng hồi từng lúc, ngày này qua ngày khác. Điều đó nghĩa là chịu khuất phục bởi Đức Thánh Linh, được nuôi dưỡng bằng Lời Ngài, thờ phượng Chúa và phục vụ Ngài bất cứ nơi đâu. Đôi khi trong mối tương giao với Chúa xảy ra những vấn đề khó khăn và bầu trời tối đen.Gốc nho chỉ có thể sinh ra những trái tốt nhất khi chúng được tỉa sửa cẩn thận, và Chúa phải chặt bỏ khỏi chúng ta những điều cướp đi cả chất lượng và số lượng của sự ra hoa kết trái (Giăng 15:1-2). Chúa gần với chúng ta nhất khi Ngài tỉa sửa chúng ta. Quá trình này gây đau đớn nhưng nếu không làm vậy chúng ta sẽ không sinh bông trái.

Làm sao ta biết được khi nào chúng ta đang ở trong Chúa? Chỉ một điều này thôi, chúng ta đang sinh bông trái và làm vinh hiển danh Chúa. Những năng lực ẩn dấu trong Đấng Christ làm ta trưởng thành và dạy dỗ người khác một cách phi thường. Chúng ta có tình yêu, sự vui mừng trong tim mình và dâng lời ngợi khen, tạ ơn tới Cha mỗi khi chúng ta làm công việc của mình. Chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Trời trả lời lời cầu nguyện và chúng ta cảm biết sự hiện diện của Ngài ở trong chúng ta vào mỗi giờ phút khó khăn. Chúng ta thấy vui mừng được tận hiến khi ta phục vụ người khác. Nói cách ngắn gọn, chúng ta trở nên giống Đức Chúa Giê-su và tìm cách bày tỏ về Ngài với những người bị hư mất.

Những người vô tín và cố ý phạm tội để phá vỡ mối tương giao của chúng ta với Chúa. Khi điều đó xảy ra, chúng ta mất kiên nhẫn, ích kỷ, hay đòi hỏi, hay chỉ trích, và không kết quả – và chúng ta biết điều đó! Đó là khi chúng ta phải ở riêng với Chúa bằng cả tấm lòng và tâm hồn, ăn năn tội lỗi mình, và lập lại mối tương giao với Chúa. Hãy nhớ lại những lời hứa trong Kinh Thánh và đọc chúng lên như những liều thuốc bổ cho linh hồn mình. Hãy giữ vững tình anh em trong Chúa để nhờ Chúa sửa phạt và dạy dỗ chúng ta, bởi Cha yêu chúng ta nhiều đến mức Ngài sẽ không để chúng ta phá bỏ tình anh em trong Chúa, không đánh què chân chúng ta, và không phá hủy bông trái của chúng ta (Hê-bơ-rơ 12:1-17). Chúng ta hãy cầu nguyện như Vua Đa-vít:

“Xin hãy ban lại cho tôi niềm vui vẻ về sự cứu rỗi Chúa.

Xin giữ tôi vững mạnh qua ý muốn sẵn lòng” (Thi Thiên 51:12).

 

Nếu Chúng Ta Muốn Ở Trong Chúa, Chúng Ta Phải Tuân Giữ Mạng Lệnh Chúa.

Chúa đã soạn sẵn những nguyên tắc và quy luật dành cho tạo vật của Ngài, nếu chúng ta muốn thành công chúng ta phải tuân giữ chúng. Nếu những quy luật này không tồn tại, khoa học sẽ sụp đổ, và máy móc sử dụng trong cuộc sống sẽ ngừng hoạt động. Máy bay bay được là bởi vì chúng được thiết kế để tuân theo các quy luật của khí động học; xe ô tô chạy được là bởi động cơ của nó tuân theo quy luật của động cơ đốt bên trong; các loại thuốc chữa bệnh được là bởi chúng làm việc theo một số nguyên tắc của hệ tiêu hóa, tuần hoàn … trong cơ thể con người. Nhưng điều gì đúng trong thế giới khoa học thì cũng đúng trong thế giới tâm linh. Chúa Giê-su phán, “Nếu các con vâng giữ điều răn của Ngài, thì các con sẽ còn ở trong tình yêu của Ta” (Giăng 15:10). “Các con là bạn hữu của Ta nếu các con thi hành điều Ta truyền” (Giăng 15:14).  Nhảy xuống từ một tòa nhà chọc trời mà không tuân theo định luật về trọng lực là tự sát và bất tuân luật lệ của Đức Chúa Trời là tự tước bỏ quyền năng, khôn ngoan, và sự vui mừng mà Ngài muốn chúng ta được hưởng.

Thái độ của chúng ta đối với ý muốn của Đức Chúa Trời là phải vui mừng, yêu mến việc tuân giữ mạng lệnh của Chúa. Đây là điều mà Con đã thưa với Cha: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui mừng làm theo ý muốn Chúa, Luật pháp Chúa ở trong lòng tôi” (Thi Thiên 40:8; xem thêm Hê-bơ-rơ 10:5-9). Nếu tôi hình dung ý muốn Chúa như là hàm khớp và dây cương (Thi Thiên 32:9) hay là xiềng xích (Thi Thiên 2:3), tôi sẽ không bao giờ có được sự vui mừng và đắc thắng trong ý muốn của Ngài. Hãy nhớ rằng, ý muốn của Đức Chúa Trời đến từ lòng Ngài và thể hiện tình yêu của Ngài dành cho chúng ta (Thi Thiên 33:11). Bị tỉa sửa không phải là một trải nghiệm dễ chịu, nhưng chúng ta phải chấp nhận bởi chúng ta yêu Ngài và muốn làm đẹp lòng Ngài. Những lớp lá vô ích trong đời sống của chúng ta chỉ cản trở sự sinh bông kết trái làm vinh hiển danh Chúa.

Một vài Cơ Đốc Nhân che dấu những ý tưởng sai về ý Chúa. Họ nghĩ rằng ý Chúa sẽ chỉ áp dụng đối với “những điều quan trọng” như là chọn nghề nghiệp, hay tìm bạn đời; nhưng ý Chúa áp dụng với tất cả mọi phương diện của cuộc sống. Điều này không có nghĩa rằng chúng ta phải cầu nguyện về chuyện chọn cà vạt nào, hay mua xe màu nào, mà là thánh hóa những điều thông thường trong cuộc sống. Châm Ngôn 3:5-6 nói rằng: Chúng ta chớ nương cậy nơi sự thông sáng của mình, mà cũng không nói chúng ta phải loại bỏ nó. Chúa tạo ra chúng ta theo ảnh tượng của Ngài để chúng ta là tạo vật biết ý muốn Chúa. Sự hiểu biết và khôn ngoan luôn làm việc cùng nhau.

Trust-in-the-Lord-Pr-3-5-6

Nếu Chúng Ta Muốn Vâng Giữ Lời Ngài, Chúng Ta Phải Yêu Chúa.

Không có tình yêu thương, tuân giữ lời Ngài có thể trở thành gánh nặng đè bẹp chúng ta; nhưng với tình yêu thương, chúng ta vui mừng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. “Vì nầy là sự yêu mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ điều răn Ngài. Điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề” (I Giăng 5:3). Chúa Giê-su phán rằng, “Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta” (Giăng 15:10), và vì chúng ta ở trong tình yêu Chúa, chúng ta giữ các điều răn Ngài! Cách Gia-cốp tính về tình yêu của ông dành cho Ra-chên nhắc nhở chúng ta (Sáng Thế Ký 29:20). Nếu chúng ta tuân theo Chúa chỉ để trốn tránh sự trừng phạt hay để có phần thưởng, chúng ta sẽ không kinh nghiệm được đời sống của Cơ Đốc Nhân ở mức độ cao nhất. Sự phục vụ của chúng ta sẽ giống như bị hành hạ, không phải làm cho tốt đẹp hơn, và sự vui mừng trong Chúa cũng không thể bắt chúng ta làm việc. Tình yêu thương là lý do cao trọng nhất cho sự hy sinh và phục vụ (Giăng 15:13), và “Tình yêu thương chằng hề hư mất bao giờ” (I Cô-rinh-tô 13:8).

Tình yêu thương của Cơ Đốc Nhân là gì? Chúa Giê-su đã đãi chúng ta thể nào thì hãy đãi người khác như vậy. Tình yêu thương không chỉ là một cảm xúc đến rồi đi. Tình yêu thương là một hành động của ý muốn, nó sống một cách thong thả giống như Chúa Giê-su đã sống, dựa vào quyền năng của Đức Thánh Linh để chúng ta hành động. Tình yêu thương là sự làm trọn luật của Đức Chúa Trời (Rô-ma 15:8-10) và giải phóng chúng ta khỏi cách sống máy móc, tuân thủ luật pháp cách tuyệt đối của người Pha-ri-si. Tình yêu thương là một cách sống không phải là một mẹo nhỏ như tắt, mở máy tính. Trái đầu tiên của bông trái Đức Thánh Linh chính là tình yêu thương (Ga-la-ti 5:22), bởi vì nó được trồng sâu trong vùng đất màu mỡ của tình yêu nên những bông trái khác sẽ sinh sôi. Hãy đọc I Cô-rinh-tô 13 và Ga-la-ti 5:22-23 và xem chúng được so sánh với những bông trái khác. Đôi lúc Chúa đem đến cho chúng ta thử thách để “làm màu mỡ” cho khu vườn tình yêu của chúng ta, và chúng ta phải để Chúa làm điều đó. Giô-sép đặt tên một trong những con trai mình là Ma-na-se, nghĩa là “người hay quên” và nói rằng “Đức Chúa Trời đã làm cho ta quên điều cực nhọc, và cả nhà cha ta.” Người còn lại ông đặt tên là Ép-ra-im, nghĩa là “sự kết quả” (Sáng Thế Ký 41:51-53). Bởi đức tin và tình yêu của ông với Chúa, Giô-sép đã quên đi những thử thách mà ông trải qua và có một chức vụ đầy kết quả ở xứ Ê-díp-tô – và Chúa làm thành mọi điều ông ao ước.

 

Nếu Chúng Ta Muốn Yêu Chúa Giê-su Hơn, Chúng Ta Phải Biết Rõ Hơn Về Ngài.

Bây giờ bạn có thể thấy tiến trình một đời sống của Cơ Đốc Nhân kết quả.

Chúng ta càng hiểu về Chúa nhiều hơn, thì càng yêu Chúa hơn.

Chúng ta càng yêu Chúa hơn thì càng muốn vâng lời Chúa hơn.

Chúng ta càng vâng lời Chúa hơn thì càng dầm thắm ở trong Chúa hơn.

Chúng ta càng dầm thắm trong Chúa nhiều hơn thì càng sinh bông trái nhiều hơn.

Chúng ta càng sinh bông trái nhiều hơn thì càng kinh nghiệm phong phú về sự sống của Cơ Đốc Nhân hơn.

Chúng ta càng biết nhiều về người nào đó thì càng thấy khó mà yêu quý họ, nhưng chúng ta càng biết nhiều về Chúa Giê-su, thì chúng ta càng yêu Ngài hơn, dù Ngài ở cách chúng ta cả năm ánh sáng trong mọi việc. Ngài muốn kết tình bạn hữu trong Chúa với chúng ta! Đức Chúa Giê-su đụng vào người bị phung, ăn cùng bàn với người tội lỗi xấu xa, chào đón những người không nơi nương tựa và cuối cùng Ngài chết trên thập tự giá vì những tội nhân không đáng bị hư mất. Chúng ta không hoàn hảo, nhưng Ngài hoàn hảo. Chúng ta ích kỷ, nhưng Ngài không ích kỷ, Ngài từ bỏ chính mình và tất cả những gì Ngài sở hữu. Mục đích của Đức Chúa Trời cho đời sống của chúng ta chính là: làm chúng ta “Trở nên giống với Con Ngài” (Rô-ma 8:29). Điều này không có nghĩa là chúng ta dùng sức của minh cố gắng để giống Đấng Christ, mà chúng ta phải đầu phục Ngài và để Chúa Thánh Linh biến đổi chúng ta ngày càng trở nên giống Chúa hơn. Chúng ta kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa: “Đấng Christ sống trong tôi” (Ga-la-ti 2:20).

gal

Công việc của Đức Thánh Linh trong thế giới ngày nay gồm 2 phần; làm con người hư mất nhận biết tội lỗi cần có một Đấng Cứu Thế và biến đổi những người được cứu để họ trở nên giống Đấng Cứu Thế càng hơn. Hai chức vụ này đi song song với nhau, khi Hội Thánh càng giống Chúa Giê-su hơn thì thế gian hư mất sẽ thấy và nhận biết Ngài nhiều hơn. Chúng ta là muối của đất và muối làm con người khát. Chúng ta là ánh sáng của thế gian, và ánh sáng giúp con người thấy họ là ai (Ma-thi-ơ 5:13-16). Chúa đến với người bị hư mất qua cách con dân Chúa sống và làm việc như thế nào.

Làm thế nào để biết Chúa rõ hơn? Bằng cách bỏ thời gian cùng Ngài mỗi ngày nghiên cứu Kinh Thánh, cầu nguyện. Bằng tình bạn hữu với Ngài và con dân Chúa thường thờ phượng và hầu việc. Bằng cách quan sát những tạo vật xung quanh chúng ta và ngợi khen Ngài. Bằng cách khao khát tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa và cách Chúa dẫn dắt chúng ta. Đôi lúc chúng ta cần tránh xa sự cô đơn và liên tục biệt riêng thời gian để tương giao với Chúa. Khi chúng ta quá bận bịu và có nhiều điều lo toan, chúng ta thường có xu hướng xao lãng và không sinh lợi cho Chúa, và đó là khi Chúa nói với chúng ta hãy lui vào nơi thanh vắng và nghỉ ngơi một chút (Mác 6:31). Bất cứ khi nào mẹ ông John Wesley cảm thấy chìm trong áp lực vì bà phải chăm lo cho một gia đình lớn, bà ngồi xuống, cởi tạp dề ra và tĩnh nguyện. Việc này đưa mọi thứ trở lại như cũ. Tôi học được rằng thỉnh thoảng nên “tạm nghỉ để được phước” chính là nguồn gốc của sức mạnh và bình an đến từ Chúa. Bị giữ lại ở ngã tư bởi một đoàn tàu chậm? Xếp hàng khi thanh toán trong lúc một khách hàng tìm thẻ tín dụng? Chờ đợi trong nhà hàng khi bạn đến muộn? Đừng mất bình tĩnh và phàn nàn! Hãy làm trái tim yên nghỉ trước Chúa và nhờ ơn Chúa. Chúng ta đừng tốn thời gian khi làm những điều không quan trọng, mà hãy đầu tư thời gian vào cõi đời đời khi chúng ta tạm dừng và tĩnh nguyện.

Để biết Chúa Giê-su nhiều hơn, chúng ta cần yêu Chúa nhiều hơn, và việc này đem lại kết quả là ta yêu tội nhân nhiều hơn nên thế gian bớt tội. Chúng ta cũng yêu con dân Chúa nhiều hơn và khát khao đưa những người hư mất đến với Đấng Cứu Thế. Chúng ta sẽ yêu mến Lời của Chúa càng hơn và luôn tìm kiếm Chúa Giê-su trên mỗi trang Kinh Thánh.

Biết Chúa rõ hơn nghĩa là trở nên giống Chúa càng hơn. Chúng ta có thể thỉnh thoảng bị hiểu lầm bởi gia đình và bè bạn nhưng đừng ngại – Chúa hiểu điều đó và môn đồ Ngài cũng vậy.

Đức Chúa Giê-su hiểu chúng ta và chúng ta đang tấn tới trong sự thông biết Chúa, và đó mới là vấn đề chúng ta thật sự quan tâm.

Warren W. Wiersbe   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn