Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / TỪ NAY XIN XA LÌA BẢN NGÃ

TỪ NAY XIN XA LÌA BẢN NGÃ

Sydney_Australia

“Ai là người trong nhóm hôm nay muốn tin nhận Chúa Giê-su là Cứu Chúa của mình xin đứng lên?”

Người hỏi là một vị Mục sư còn khá trẻ, ông ta đang mới ở tuổi hơn ba mươi. Ông hỏi và quay sang nhìn hết lượt mọi người trong nhóm trông đợi sự đáp lại. Đây là một Hội Thánh rất nhỏ, mới thành lập được vài tháng mà thành viên đa số là người tị nạn hoặc người mới di dân đến đây.

Một cậu trai trẻ người Việt mới đến Úc vài tháng trước đây ngồi trong Hội Thánh nghe hỏi như vậy, và không ngần ngại đứng lên đáp lại lời mời gọi. Cậu ta lặng lẽ đứng đó để chờ xem ông Mục sư trẻ này sẽ làm gì với mình.

“Cậu muốn đón nhận Chúa Giê-su là Cứu Chúa của đời mình hôm nay đúng không?”

“Vâng! Tôi muốn nhận biết Ngài.”

“Vậy cậu hãy giơ hai tay lên và lặp lại theo tôi những lời này…”

Nghe vị Mục sư nói vậy mà người thanh niên đó nhăn mặt tự hỏi: “Lặp lại theo ông… tại sao?” Nhưng lúc này không phải là thời điểm để tranh cãi, hoặc nêu thắc mắc. Cậu ta từ từ quay mặt nhìn quanh mọi người trong nhóm và bắt gặp bao nhiêu con mắt thân thương đều tập trung đổ dồn về phía mình.  Khoảnh khắc bẽn lẽn và trột dạ, cậu ta suy nghĩ.

“Ồ ta đang làm gì đây? Tôi muốn đón nhận Giê-su là Cứu Chúa mà! Tại sao tôi phải lặp lại lời của ông Mục sư này? Sao kỳ lạ vậy?” Nhiều câu hỏi được đặt ra trong tâm trí của một con người từng trải trong đời.

“Nhưng thôi ta hãy cứ lắng nghe, hãy làm theo lời của ông Mục sư trẻ này, biết đâu ta chẳng tìm ra câu trả lời mà mình đã quá bận lòng từ bấy lâu nay.” Cậu ta tự khuyên mình, rồi ngoan ngoãn nhắm nghiền đôi mắt, giơ hai cánh tay lên mà lặp theo lời của vị Mục sư.

“Tạ ơn Chúa, hôm nay con xin đến với Ngài, đón nhận Ngài là bạn, là Cha, là đấng Cứu Chuộc của đời con… Con xin ăn năn… Xin Ngài tha thứ cho tội lỗi… và từ nay trở đi con sẽ chỉ tôn thờ và phục vụ mỗi Ngài mà thôi.” Cậu ta lặp lại lời của vị Mục sư một cách máy móc. Mãi sau này trong cuộc hành trình với Chúa theo đức tin, cậu ta mới biết đó là cầu nguyện tuyên xưng đức tin. Lời tuyên xưng ban đầu có thể ngượng ngịu, lơ lớ không rõ ràng như của một đứa trẻ bắt đầu tập nói, tập gọi ‘bố/mẹ’ lần đầu tiên.

Lời cầu nguyện rất đơn giản như vậy, khiến cậu thanh niên đó cũng chẳng có gì biểu lộ trong cảm xúc vui hơn hay phấn chí hơn.

“Chỉ có vậy thôi sao?” Cậu ta tự hỏi. Vì trong tâm trí cậu ta chỉ muốn nhìn thấy phép lạ, hay ít ra cũng có một vài điều gì đó là dấu hiệu sẽ mang đến cho cậu ta trong ngày hôm ấy. Nhưng không! Chẳng có gì xảy ra, cậu ta cảm thấy có chút gì thất vọng.

“Mình tưởng khi ông ta giảng về đức tin và phép lạ, vì hôm nay ông ta giảng về Chúa của phép lạ. Trong Thánh Kinh bảo rằng chỉ với vài con cá và mấy cái bánh mì mà Chúa có thể làm cho hàng ngàn người được ăn no. Ông ta giảng rất hùng hồn. Hôm nay tôi muốn nhìn thấy phép lạ. Nhưng chẳng có phép lạ nào cả… có chăng thì cũng chỉ là mấy lời lặp lại… Mà lời của con người xưa nay vẫn rất rẻ…” Tâm trí của cậu ta có vẻ bối rối nghi ngờ.

Cậu ta không bao giờ biết rằng, trên phương diện của con người và cảm xúc thì tất cả vẫn xảy ra bình thường như mọi ngày. Trái đất vẫn quay, bốn mùa vẫn xảy ra như thế, ngày và đêm vẫn cứ tiếp nối lẫn nhau… nan đề của cuộc sống mà cậu ta phải đối diện vẫn như mọi ngày. Nhưng những gì xảy ra trên trời, trong tâm linh thì cậu ta không biết: thiên sứ của Đức Chúa Trời đang hoan ca vì một người trở lại với Ngài.

***************************************

Sau buổi nhóm không khí của mọi người trong căn nhà ấy lại vui tươi phấn khích khác thường. Khi mọi người quay trở lại phía nhà bếp ăn  món mì Singapore do mấy người di dân từ xứ này thết đãi. Cậu ta bắt đầu nhận ra cái không khí phấn khích của toàn nhóm.

“Điều gì làm cho mọi người này hôm nay vui nhộn khác thường? Tại sao họ vui hơn, phấn khích hơn tất cả mọi Chúa Nhật khác?” Cậu ta ngạc nhiên.

“Hôm nay cậu đã đến với Chúa… và từ hôm nay cậu là anh em của tôi…” Vị Mục sư trẻ người da trắng kia vừa ăn mì  vừa nói chuyện cùng với cậu. Rồi mấy anh bạn Singapore cùng vợ con của họ cũng bước lại chúc mừng.

“Chúc mừng cậu! Hôm nay phải là ngày tái sinh của cậu!” Họ nói và cười trong chất giọng hân hoan.
Mấy người Newzealand, một bác sỹ người Anh cũng bước lại nói lời chúc mừng tương tự.

Cậu thanh niên người Việt kia càng gia tăng sự ngạc nhiên.

“Họ chúc mừng mình! Cái gì là tái sinh? Cái gì là anh em trong Chúa???” Trong tâm trí của cậu ta càng chất thêm nhiều câu hỏi nữa. Cậu ta đâu biết rằng: trong khoảnh khắc khiêm nhường trước vị Mục sư và tuyên xưng đức tin, cậu ta đã để cho ông là đại diện của Chúa dẫn dắt cậu tavào mối quan hệ với Ngài. Đây không phải khiêm nhường trước mặt vị Mục sư mà là ông Trời, đấng mà Mục sư phụng sự. Cậu ta cũng không biết rằng, mình đang khiêm cung cùng với Đấng mà cậu đã kêu cầu trong rừng thẳm năm xưa và Ngài đã đến giải cứu cậu. Trong lần khiêm nhường tuyên xưng đức tin ấy cậu ta đã trao cho ông Trời cơ sở để thay đổi cuộc đời.

*************************************

Những Chúa Nhật sau đó, cậu ta cứ trung tín, không kể nắng mưa hay bận rộn cậu ta tiếp tục đến sinh hoạt đều đặn và không bao giờ quên dành riêng ngày Chúa Nhật cho Chúa và cho anh em của Ngài. Cậu ta kết ước là sẽ học hỏi trong cộng đồng của những người có niềm tin vào Cứu Chúa để rồi đấng  Thánh Linh của Ngài cứ từ từ, cứ âm thầm làm công việc người chăn bầy cho cậu. Ngài khiến cậu ta như mầm non vươn lên, và trổ mã. Mục sư hướng dẫn cậu tuyên xưng đức tin đã từng là một nhà khoa học, ông chỉ cho cậu cách đọc Thánh Kinh có hệ thống, cách hành sử bằng đức tin trong gia đình Chúa như một tín hữu.

Dù nghiện rượu, nghiện thuốc lá đã khá lâu nhưng bây giờ cậu ta được khích lệ sống theo niềm tin và thực tập một cuộc sống mới trong Chúa. Cậu ta quan sát và nhìn thấy trong cộng đồng của những người biết Chúa này chẳng ai uống rượu, không ai hút thuốc và không ai chửi tục. Cậu ta rất muốn đoạn tuyệt với rượu chè bê tha, cậu muốn bỏ thói quen hút thuốc lá và tập diễn tả cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ lịch thiệp chứ không phải biểu lộ bằng ngôn ngữ thô bỉ. Càng gần Chúa, càng gần gũi anh em trong Hội Thánh cậu ta càng nhận thấy, “Sao mình có quá nhiều những thói hư chết người…” cái góc khuất trong tâm hồn như được lộn ra phơi bày trong ánh sáng và cậu ta quyết chí cùng Chúa, cùng anh em của Ngài, vượt qua những thói hư đó.

Là một con người đã quen quan sát sắt bén mọi thứ, cậu ta biết, những người anh em trong Chúa của cậu đều là những người di dân. Những người này dù có nghề nghiệp ổn định, có chỗ đứng trong xã hội, họ không giầu nhưng họ rất chân thành. Cách sống với Chúa, với đời của những người này khiến cậu ta ngưỡng mộ và khát thèm một lối sống đơn giản, và chân tình như họ.

Vào những ngày Chúa Nhật cậu ta quan sát mọi người dâng hiến cho rất nhiều những quỹ của Hội Thánh. Cậu ta nhìn vào trong cách làm việc của họ, những con người thành công trong Hội Thánh và nhận ra: “Ồ tất cả mọi việc trong Hội Thánh hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện, từ sự thiện chí của họ…”

Sau một thời gian sinh hoạt, thông công, cậu ta được quyền trông coi phần dâng hiến của Hội Thánh để rồi từ đây cậu ta nhận ra, Hội Thánh cần rất nhiều mọi thứ để có thể tự lập, tự cường trong chính cái xã hội đầy ‘sữa và mật’ này hay trong bất kể xã hội nào trên thế gian.

Trước đây khi Mục sư, hay những người lãnh đạo của Hội Thánh nói về dâng hiến cậu ta thường tự nhủ: “À, mấy anh kỹ sư người Singapore, các ông bà người New Zealand, ông Bác sỹ người Anh… họ thành công, có tiền dư dật thì họ dâng hiến, còn ta là người Việt Nam tị nạn… mới đến đây, còn nghèo, còn thiếu, gia đình ở Việt Nam đang rất cần ta… cho nên dâng hiến không phải là việc của ta.” Nhưng một thời gian sau cậu ta nhận ra: “Tại sao ta có tiền mua loại rượu đắt tiền để uống? Tại sao hằng tuần ta tốn vài chục đô-la để mua thuốc hút? Tại sao ta tốn khá nhiều tiền để mua đồ nhậu???’ Không cần phải là người giỏi môn toán, cậu ta cũng biết một khoản thu nhập rất lớn của mình là phục vụ cho những thói quen vô lợi.

“Nếu ta cứ tự biện minh mình còn nghèo, mà không thực hiện những gì Chúa dạy, thì bao giờ ta mới có thể sống vui, sống khoẻ như những người trong Hội Thánh?” Cậu ta thường tự hỏi, tự thách thức chính mình.

Ông Mục sư thì hằng tuần trong bài giảng đều nêu lên rằng, “Chúng ta được tạo nên theo hình thể của Đức Chúa Trời… có nghĩa là trong con mắt của Chúa không có sự phân chia giai cấp.” Ông ta lấy Thánh Kinh ra dẫn chứng. Từ thời sáng tạo (Sáng Thế Ký 1:26-28) và khi được cứu rỗi (Galati 3:26-29) để làm nền tảng. Mục sư thường nhắc mọi người trong Hội Thánh rằng: “Người ta nghèo hèn không phải là do Trời bất công, hay do Ngài thiên vị, người ta nghèo hèn là do ta bị thói quen ảnh hưởng dẫn đến ta bị nghèo từ trong tư duy, trong vô thức. Cái nghèo trong tư duy, trong vô thức dẫn ta đến với cách hành sử nghèo nàn trong thế gian… Nghèo trong tâm hồn dẫn đến ti tiện trong hành sử…”

Cậu thanh niên người Việt bị thách thức nặng. Cậu nhận ra: “Hằng tuần ta đổ xuống bồn cầu cả trăm đô-la vì rượu và đồ nhậu… cho khói thuốc, cộng thêm vài chục đô-la cho nhiên liệu để phục vụ những thói hư, rồi cả thời gian đắm đuối trong cái hư.” Hình như đâu đây trong tâm khảm của cậu có tiếng thì thầm. “Tiền và thời gian chi phí cho thói quen, thói hư nhiều hơn là tiền và thời gian đem ra để xây dựng cho cuộc đời…” Cậu thanh niên biết đó là lời cáo trách, sự thách thức mà cậu ta sẽ phải vươn lên, vượt qua những thói hư vô lợi đó.

Nhưng vượt qua thói quen, thói hư đã ngấm vào tận trong xương tủy, thói quen đó đã vào nằm ngủ ngon lành trong vô thức của một con người là một việc rất khó. Bỏ tiền vào trong quán rượu hay tủ thuốc lá thì dễ như đi ăn tiệc, nhưng bỏ tiền vào hộp dâng hiến của Hội Thánh thì sao mà khó đến đoạn  toát cả mồ hôi.

Trong một ngày Chúa Nhật nọ, trên đường về nhà cậu ta ngẫm nghĩ.

“Muốn bỏ rượu, muốn bỏ thuốc lá, muốn bỏ thói hư… Nếu không có tiền trong túi ta sẽ bỏ được. Ta sẽ bỏ vào trong cái hộp dâng hiến này những đồng tiền mà ta đã từng mua bia, mua rượu, mua thuốc lá… tạo ra những lãng phí. Ta sẽ cho tất cả những khoản lãng phí vô ích kia vào trong cái túi này để vinh danh Chúa. Ta sẽ hứa với Chúa, với cá nhân mình rằng: sẽ không uống rượu bia, không hút thuốc lá…” Và cậu ta nỗ lực cùng Chúa thực hiện.

ci

Thói quen, thói hư nói muốn bỏ thì dễ mà làm thì lại rất khó. Chủ nhân của những thói hư là con người, nếu họ để Chúa làm chủ, họ sẽ vượt qua. Bỏ tiền vào túi dâng hiến đã khó mà khi đi đâu đó mà ngửi thấy mùi thơm của rượu ngon, ngửi được mùi thuốc thơm do ai đó hút cậu ta thèm thuồng khiến nước dãi chảy ra tong tỏng. Khi bị ai đó chọc ghẹo, phản xạ tự nhiên cũng khiến cậu ta muốn xả ra cái ngôn ngữ thô bỉ để biểu lộ cảm xúc. Nhưng Đấng Thánh Linh nhắc nhở và lời cậu ta đã hứa khiến cho cậu ta  thường phải toát mồ hôi để ngăn chặn chính cái thói quen rất hư của mình.

********************************************

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, bằng sự cáo trách và sự khích lệ của Chúa, của các tín hữu trong Hội Thánh cùng nỗ lực của chính bản thân mình, cậu thanh niên hư đốn năm xưa đã trưởng thành. Chúa đã dẫn dắt cậu ta trở thành một người chăn bầy trong Hội Thánh mà ngày nào cậu ta tuyên xưng đức tin. Những người bạn tốt ngày xưa của cậu ta vẫn là thành viên tích cực trong Hội Thánh, họ là những giường cột, là niềm vui, nguồn khích lệ của cậu ta. Được làm người của Chúa là một thành công, nhưng trưởng thành trong Ngài luôn luôn là nguồn cảm hứng vì cậu ta biết mình đang nỗ lực làm vui lòng Cha trên trời của cậu. Đấng chủ tể của càn khôn, của lịch sử cũng không quên thỉnh thoảng mang cậu ta trở về nơi đã từng xuất phát để nhắc nhở rằng: Ngài hiện hữu, và thành công trong đời nhiều khi cũng là những cạm bẫy dễ trở thành cơ sở cho kiêu ngạo.

Hôm nọ cậu thanh niên năm xưa ở nhà trông coi hai người con để bà xã đi làm. Trong thời gian trông con, Chúa đã mang anh ta trở về với kỷ niệm hôm qua một cách không ngờ.

********************************************

“Bố, cái gì vậy đây hả bố?” Hai đứa trẻ con vừa vật nhau với người cha, chúng vừa khám phá ra những vết sẹo to tướng trên đùi, trên lưng, trên tay, trên cằm, trên cổ của ông thì chúng ngừng lại mà hỏi. Người cha đang vui cùng các con bỗng nghe thấy các con hỏi thì ông ta nhìn lại. Ông bắt gặp những cặp mắt long lanh của các con đang nhìn đăm đăm vào mình. Nghe các con hỏi, ông biết các con đang muốn khám phá những vết sẹo, dĩ vãng của mình và lịch sử của từng vết sẹo ấy.

“Là sẹo đấy các con!”

“Sẹo là gì? Tại sao lại có sẹo trên mình của bố? Tại sao bố có quá nhiều sẹo như vậy?” Hai đứa con nhao nhao hỏi.

Đứa con trai lớn hơn quay lại nói với em gái. “Mẹ không có sẹo, anh  không có sẹo, em cũng không có sẹo. Nhà mình chỉ mỗi bố có sẹo…”

Nghe các con xì xào ông bố ôn tồn giãi bày.

“Các con không biết đâu… mai này khi các con lớn, chịu khó học và đọc thì các con sẽ hiểu.” Người cha muốn chuyển câu chuyện sang một phương diện khác, vì khi nói về những vết sẹo là nói về những kỷ niệm mà các con của ông thì còn quá nhỏ để nhận biết kỷ niệm của những vết thương ngày xưa. Nhưng đứa con gái ít tuổi, mới học nói, nó lấy ngón tay nhỏ xíu mà xoa xoa vào một vết sẹo rất to bên chân phải của bố. Cặp mắt nâu long lanh rất dễ thương của nó nhìn vào mặt người cha mà hỏi.

“Có đau không bố?”

“Không! Không đau đâu, nó đã thành sẹo rồi…”

“Anh trai! Bố bảo không đau…” Nó nhoẻn miệng cười nói với người anh trai cũng đang ngồi đó.
“Bây giờ thì bố không còn đau nữa nhưng cách đây vài chục năm thì những chỗ này khi đụng vào sẽ đau lắm…”

“Vài chục năm, chắc là lâu lắm rồi! Ai làm bố bị thương? Chắc là đau lắm phải không bố?” Đứa con trai hỏi người cha bằng chất giọng ngây thơ.

Trong tâm hồn của tụi trẻ thì hai mươi năm, hay ba mươi năm đối với chúng là khoảng thời gian rất dài, nhưng với người mang những vết thương này thì hai mươi năm, hay lâu hơn, vẫn còn như mới xảy ra ngày hôm qua vậy. Mỗi vết sẹo trên cơ thể của ông là một câu chuyện. Câu chuyện của sự đối diện giữa cái sống và cái chết. Câu chuyện của máu đổ thịt rơi.

“Các con nhớ nhé!” Giọng của người cha ôn tồn nhắn nhủ các con.

“Nếu như Trời không ra tay cứu bố trong những năm tháng cùng cực nhất của đời, thì bố đã bị giết chết  tại núi rừng Campuchea, và chắc chắn sẽ không có các con!”

Hai cái đầu của đám trẻ thơ gật gật tỏ vẻ đồng ý.

“Các con không bao giờ quên rằng gia sản quý nhất mà bố có thể để lại cho các con là biết Chúa và có mối quan hệ với Ngài. Nếu Trời không sai phái những người biết Ngài đến tận nơi cùng khổ để cứu bố thì hôm nay không có bố, và không có các con.”

Những đôi mắt long lanh của hai đứa con lại nhìn lên người cha, chúng thật sự muốn nghe tiếp.

Người cha giải thích cho các con nhưng giọng của ông trùng xuống. Ai ai khi nghĩ về những đòn tra tấn mà không có cảm xúc ghê sợ khi nhớ lại thuở đau khổ cùng cực đó.

Hai đứa con trẻ ngồi im lắng nghe người cha nói chuyện. Nhưng nhìn khuôn mặt ngây thơ của các con, ông nhận ra: ông đang nói với các con rất ít tuổi mà chúng thì không thể hiểu nổi những gì là đau khổ của người lớn. Ông ngừng ngay lại. Tay ông nắm lấy thằng con trai sáu tuổi và đứa con gái ít tuổi hơn. Ông bê chúng lên, đặt chúng ngồi trên thân mình. Được ngồi trên ngực của người cha, hai đứa trả reo lên.

“Mình thắng rồi! Chúng ta thắng rồi… Chúng mình vật ngã bố… Chúng mình khỏe quá! Chúng mình ngồi trên bố!”

Người cha nằm dưới cho các con cưỡi lên trên thân thể mình, mặc cho chúng vui cười niềm vui của kẻ thắng trận. Hai đứa con hò reo, đứa nắm tai, đứa nắm tóc người cha, chúng la to hơn với nguồn vui thắng trận. Còn người cha thì ngay trong lúc đó tâm trí của ông lại nghĩ về một miền xa xôi.

“Không có Trời, không có Đấng Cứu Rỗi, không có những tôi tớ của Ngài vào tận trong tù để cứu mình thì hôm nay mình đã phơi xương trong rừng Campuchea, lấy đâu ra những giây phút vui vầy cùng gia đình, có vợ và có con…”

Đôi mắt của ông lại nhòa đi vì xúc động. Ông liên tưởng tới một Đấng vô hình, nhưng quá gần gũi, Đấng cho ông tất cả để hôm nay ông tôn thờ Ngài.

Đứa con gái nhạy cảm hơn, nhìn vào mặt của người cha, nó thấy nước mắt ông giàn giụa, nó ngừng chơi vì nó tưởng hai anh em nó làm cho bố đau mà chảy nước mắt.

“Bố khóc à?”

“Không phải.”

“Thế sao có nước mắt?”

“Con cứ chơi đi… Bố không đau đâu…”

Nói vậy và người cha xoay mình nằm sấp xuống cho các con cưỡi lên trên lưng. Bọn trẻ dễ hỏi mà mau quên. Người cha nọ cứ để mặc cho các con nhảy trên lưng mình, mặc kệ cho các con la ó: “Chúng mình đã thắng bố… Chúng mình đã thắng bố…”

Nghe những đứa con hò reo trên thân thể mình và ông nghĩ thêm. Nhiều lúc chính ông năm xưa khi còn trẻ tuổi, ông cũng đã từng thách thức thế gian, thách thức Đức Chúa Trời. Giờ đây ông bồng bế con mình trên lưng, trên bụng, nhưng những đứa trẻ thì không biết rằng: họ đang được người cha của mình ẵm bế, mà chúng lại nghĩ mình đã thắng.

Thế gian biết bao nhiêu kẻ tự cho là mình thắng, nhưng họ đâu có biết, Trời, người Cha kính yêu đã nhường cho họ chỉ để họ nhận biết Ngài. Đấng chủ tể của càn khôn đâu thèm tranh dành với những tạo vật nhỏ bé, yếu ớt nhưng ngang ngược can trường. Họ có thể đẩy Ngài, và ngay cả đóng đinh Ngài trên cây thập tự.

Ồ thì ra bản ngã là đây. Là những gì của đám hài nhi, khi không biết sự chu cấp của Đấng Tạo Hóa thì họ cho là mình có thể độc lập. Hài nhi không biết họ là những kẻ kiêu ngạo một cách ngớ ngẩn, và chỉ làm tất cả để làm sao cho mọi người biết rằng ta đã thắng Đức Chúa Trời.

Chăm sóc các con và quan sát chúng, ông nhìn xuống những vết sẹo phía trước thân thể, người cha trẻ tuổi nhìn lên, xúc động mà thưa cùng Đấng đã bao nhiêu năm qua ở cùng với mình mà thổ lộ.

images

“Chúa ạ, xin Ngài giúp con, để càng ngày con càng biết giảm thiểu bản ngã, để Ngài được vinh danh trong cuộc đời này của con.”

Từ nay xin xa lìa bản ngã.
Cái tôi kia mi hãy tránh xa ta.
Hết hoang đàng nay trở về với Chúa là Cha.
Huyết Chiên Con đã làm ta thay da đổi thịt.
Bản ngã ơi! Vì mi mà con  người bị hủy diệt.
Ma quỷ kia bám lấy tấm thân mi,
như sán lãi cố bám trong vị tùy,
nó bám chặt vào để thực thi bản ngã.

Thập Tự kia ta nhìn mà giục giã.
Chúa của ta treo bản ngã nơi ni!
Để cho ta nhận rõ ra thân vị
Cuộc đời nay là những bản thiên thi.

Ta sẽ sống, sẽ vui vầy cùng Cứu Chúa
Ta sẽ ca những bản nhạc lưu li
Ta sẽ để cho Đấng Thánh Linh dẫn dắt ta đi
Ngài hướng ta về nguyên thủy của bản quán.

UÔNG NGUYỄN   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn