Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Một Đời Sống Vâng Phục

Một Đời Sống Vâng Phục

Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, …, mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình. Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.       

                                                                                      Phi-líp 2:12-13

phil

Những ai không học tập vâng lời sẽ khó làm bất cứ điều gì hữu ích và lâu dài được. Và những ai không học cách tuân thủ nội quy sẽ khó có thể được lựa chọn để đề ra nội quy cho người khác. Oswald Chambers đã viết “Vâng lời trong 5 phút thì ích lợi hơn 10 năm học”, và Chúa Giê-su đồng ý điều đó. “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17). Một khao khát được biết và sẵn sàng vâng phục là yếu tố cơ bản đầu tiên để học biết lẽ thật và nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời. Không có sự thay thế nào khác ngoài sự vâng lời, giống như vị vua bất tuân Sau-lơ đã học được điều đó từ tiên tri Sa-mu-ên. Sa-mu-ên nói: “Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (I Sa-mu-ên 15:22). Khi quay lưng với ý chỉ của Đức Chúa Trời, Sau-lơ đã đánh mất ngôi vị và ngay cả mạng sống của mình. “Ta đến mau kíp; hãy giữ lấy điều ngươi có, hầu cho không ai cất lấy mão triều thiên của ngươi” (Khải Huyền 3:11).

Đức Chúa Trời đã tạo nên nhiều quy luật cơ bản trong vũ trụ này. Và nếu chúng ta tuân thủ những quy luật đó, chúng sẽ vận hành theo ý muốn chúng ta và giúp chúng ta thành công; còn nếu không, chúng sẽ chống lại chúng ta và thậm chí có thể hủy diệt chúng ta. Dù đó là nhà hóa học trong phòng thí nghiệm, bác sĩ phẫu thuật ở trong phòng mổ, hay là nhà du hành ở trong tàu vũ trụ, thì vâng theo những định luật cơ bản là bí quyết của sự thành công. Trong đời sống Cơ Đốc Nhân cũng vậy, có những đường lối chánh đáng (theo ý muốn Đức Chúa Trời) và những con đường sai lệch (theo tư dục chúng ta), và chúng ta phải lựa chọn. C.S Lewis đã nhắc nhở chúng ta rằng, tại phiên tòa phán quyết cuối cùng, số phận của chúng ta sẽ được xác định rõ ràng bởi việc chúng ta đã nói với Chúa “Xin ý Cha được nên” hay “Để ý tôi được thành” trong cuộc sống này.

Hai Yếu Tố Cơ Bản: Quyền Tể Trị Tối Cao Của Chúa và Trách Nhiệm Loài Người.

Từ lúc tạo dựng trời đất được chép trong sách Sáng Thế Ký 1 đến sự miêu tả về trời mới, đất mới ở Khải Huyền 21-22, Đức Chúa Trời của chúng ta đã bày tỏ quyền tối cao của Ngài trên muôn vật. Khi xưng Chúa là “Đấng Tối Cao” chúng ta đang đặt Chúa ở vị trí trên cả mọi vật và thừa nhận quyền tể trị hoàn toàn của Ngài trên mọi vật. Tác giả Thi Thiên 115 đã nhạo báng hình tượng và ca tụng sự vĩ đại không sao tả xiết của Đức Chúa Trời mà chúng ta đang thờ phượng. Ông đã viết: “Đức Chúa Trời chúng tôi ở trên các từng trời; Phàm điều gì vừa ý Ngài, thì Ngài đã làm” (Thi Thiên 115:3). Đức Chúa Trời chúng ta là Đấng toàn năng, toàn quyền, toàn tại, và Ngài có quyền làm bất cứ điều gì Ngài muốn mà không cần ai cố vấn hay tán thành. Ngài chính là “Vua muôn đời, không hề hư nát, không thấy được, tức là Đức Chúa Trời có một mà thôi!” (I Ti-mô-thê 1:17).

Thật là quan trọng để nhận thức rõ rằng, Chúa có quyền làm mọi điều Ngài muốn nơi Thiên Đàng, trên trái đất, và bên dưới đất. Ngài đã tạo dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài, điều đó có nghĩa là chúng ta có khả năng suy nghĩ, cảm nhận, quyết định, và hành động. Khi Chúa đặt tổ phụ đầu tiên của chúng ta ở trong vườn Ê-đen, Ngài đã nói với họ điều gì phải làm và điều gì không, sau đó Ngài để họ tự do trong sự cai quản và vui thỏa. Chúa của chúng ta rất tuyệt vời vì Ngài cho phép họ được tự do lựa chọn. Và nếu quyết định sai, họ sẽ nhận lấy hậu quả, nhưng Đức Chúa Trời vẫn có thể hoàn thành chương trình vĩ đại của Ngài. Nếu chúng ta không được Chúa giao cho trách nhiệm, chúng ta sẽ giống như những con rô-bốt (người máy). Khi ban cho chúng ta quyền tự do để lựa chọn, Chúa cho phép chúng ta học qua những kinh nghiệm, lớn lên trong sự hiểu biết, hình thành tính cách, cùng những khả năng, để yêu và vâng phục Ngài bởi vì chúng ta muốn, chứ không bởi vì chúng ta bị ép buộc. (Tôi sẽ nói nhiều hơn về sự tự do trong chương 14).

Đức Chúa Trời đã tạo dựng Thiên Đàng và trái đất mà không cần đến sự giúp đỡ của chúng ta, nhưng Ngài cho phép con người được dự phần với Ngài trong sự cai quản và làm trọn mục đích tốt lành của Ngài trên thế giới này. A-đam và Ê-va đã làm việc ở trong vườn. Cùng con trai họ Ca-in là nông dân và em mình A-bên là người chăn chiên. Quyền tể trị của Đức Chúa Trời và trách nhiệm của loài người đi đôi với nhau vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và lợi ích của loài người. Bởi vì “chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Phi-líp 2:13). Chúa rất vui khi những đứa trẻ của Ngài vâng phục Ngài với tình yêu cùng sự vui thỏa. “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui mừng làm theo ý muốn Chúa, Luật pháp Chúa ở trong lòng tôi” (Thi Thiên 40:8).

 

Psalms_40-8

Hai Con Người: A-đam và Chúa Giê-su.

Phân đoạn chủ đạo ở đây chính là Rô-ma 5:12-21, Phao-lô đã so sánh hai hình ảnh trái ngược là A-đam đầu tiên, đã bất tuân mạng lệnh Chúa khiến hết thảy mọi người đều mang nguyên tội trong mình, và A-đam cuối cùng, là Chúa Giê-su Christ (I Cô-rinh-tô 15:45), đã vâng phục để đem đến sự cứu rỗi cho thế giới hư mất này. Khi bạn đọc phân đoạn này, bạn thấy quen thuộc với bốn thế lực chính: sự cai trị của tội lỗi (Rô-ma 5:21) và do đó dẫn đến sự thống trị của cái chết (Rô-ma 5:14,17), vì “tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23), và bởi vì ân điển của Đức Chúa Trời cũng cai trị bởi Đức Chúa Giê-su Christ, là Chúa chúng ta (Rô-ma 5:21), hễ những ai tin nhận Đấng Christ sẽ nhờ Ngài “cai trị trong sự sống” mình. (Rô-ma 5:17). Vậy bạn có đang được Ngài cai trị?

Trong một khóa bồi linh tôi đã học biết rằng, Chúa Giê-su là Đấng Tiên Tri trên đất này, khi về trời Ngài trở nên một Thầy Tế Lễ. Và một ngày sắp đến Ngài sẽ trở lại và cai trị như một vị Vua. Thế nhưng tôi đã khám phá ra rằngngày hôm nay Chúa Giê-su Christ cũng là vị Vua và Thầy Tế Lễ! Theo Hê-bơ-rơ 6:20, Ngài là “Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đời đời, theo ban Mên-chi-xê-đéc.” (Bạn sẽ tìm thấy sự thật thú vị này được giải thích trong Hê-bơ-rơ 7-8). Những ai là con dân Chúa thì có Đức Thánh Linh là Đấng Cầu Thay ở trong lòng (Rô-ma 8:26-27) và Chúa Giê-su là Đấng Cầu Thay cho họ ở nơi Thiên Đàng (Hê-bơ-rơ 7:25). Sáng Thế Ký 14:18-24 giải nghĩa rằng, Mên-chi-xê-đéc vừa là vua vừa là thầy tế lễ. Tên ông có nghĩa là “Vua công bình” và ông là Vua Sa-lem, nghĩa là “bình an”. Chức vụ Vua, Thầy Tế Lễ cùng sự ban cho công bình và bình an được hiệp nhất trong một Đấng duy nhất đó là Đấng Christ, Ngài là Vua và Thầy Tế Lễ cũng là Đấng Công Bình và Bình An của chúng ta. (Thi-Thiên 85:10; Ê-sai 32:17-18; Rô-ma 5:1). A-đam đầu tiên đã bất tuân Đức Chúa Trời và mang tội lỗi, sự xung đột, cùng cái chết vào trong thế giới, nhưng Đức Chúa Giê-su Christ đã “vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:8) để mang sự công bình cùng bình an của sự cứu rỗi cho nhân loại.

Chúng ta hãy nghĩ đến Chúa Giê-su như một vị Vua. Ngài đã đến thế gian này và can đảm đương đầu với kẻ thù địch. Một mình Ngài đã đối mặt với Sa-tan trong đồng vắng và đắc thắng mọi cám dỗ (Ma-thi-ơ 4:1-11). Bởi vì Ngài đã đắc thắng, nên Chúa Giê-su có thể giúp chúng ta đánh bại mọi cám dỗ. Trải qua ba năm chức vụ, Chúa Giê-su đã vạch trần những lời nói dối của Sa-tan; giải cứu những ai đang ở dưới ách của Sa-tan về bệnh tật, nô lệ, những ngăn trở, thậm chí là cái chết; và trên thập tự giá, Ngài đã đánh bại nó một lần đủ cả (Giăng 12:31-32; Cô-lô-se 2:15). Qua sự chết của Ngài, sự Phục Sinh, và sự Thăng Thiên, Chúa Giê-su tuyên bố Ngài đã đắc thắng và chúng ta “nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần” (Rô-ma 8:37). Vua chúng ta được tôn cao ở nơi Thiên Đàng và làm cho chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Giê-su Christ (Ê-phê-sô 2:4-10). Quân lính của Hê-rốt đã nhạo báng địa vị làm Vua của Chúa chúng ta bằng việc choàng cho Ngài một cái áo điều, để một cái sậy trong tay hữu Ngài và bện một cái mão bằng gai mà đội trên đầu Ngài (Ma-thi-ơ 27:27-31). Nhưng trên Thiên Đàng ngày hôm nay, những sự chế nhạo và khinh thường đó đã trở nên sự tôn nghiêm và uy quyền! Chúa Giê-su Christ là Chúa và Ngài mặc lấy sự vinh quang, đội mão triều vinh hiển, và nắm trong tay “một quyền bính ngay thẳng” (Thi-Thiên 45:6). Ngài là “Đấng làm chứng thành tín, sinh đầu nhứt từ trong kẻ chết và làm Chúa của các vua trong thế gian!… và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài” (Khải Huyền 1:5-6). Quả thật là một đặc ân khi “Chúa thể nào thì chúng ta cũng thể ấy trong thế gian nầy” (I Giăng 4:17).

Con người A-đam đầu tiên đã trở nên như một kẻ trộm, hái lấy trái cấm, ăn và bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen. Nhưng Chúa Giê-su Christ, là A-đam cuối cùng, đã chịu treo trên thập tự giá, quay sang một tên trộm cướp và nói rằng, “Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” (Luca 23:43). Ha-lê-lu-gia, Ngài thật là Đấng Cứu Chuộc!

Hai Ý Muốn.

Chiến trường thuộc linh của một đời sống Cơ Đốc, đó chính là Đức Chúa Cha và thế gian (I Giăng 2:15-17), Đức Chúa Con và vua chúa của thế gian này (Giăng 12:31-33), cùng Đức Thánh Linh và những điều ưa muốn của xác thịt, là bản tính tội lỗi được di truyền từ A-đam (Ga-la-ti 5:16-26). Vấn đề cơ bản chính là ý muốn của Đức Chúa Trời: chúng ta có sẵn sàng đầu phục Đức Chúa Trời hay cùng với kẻ thù và bất tuân mạng lệnh Chúa? Thế gian nói rằng, “Nếu Đức Chúa Cha thật sự yêu ngươi, Ngài sẽ cho ngươi tận hưởng mọi ham muốn của thế gian này!” Ma quỷ sẽ nói rằng, “Đức Chúa Trời đã tạo nên ngươi với những ham muốn nhất định, tại sao phải gạt bỏ nó? Xét cho cùng, thì ngươi cũng chỉ là con người!” Những điều ưa thích của xác thịt đối nghịch với Đức Thánh Linh và muốn chúng ta phải sản sinh ra những việc làm của xác thịt, chứ không phải là bông trái của Thánh Linh.

Hầu hết những Cơ Đốc Nhân không đột ngột lao mình vào những tham muốn đời này; nhưng, họ buông mình trở lại nếp sống cũ một cách từ từ và đôi khi họ thậm chí không biết điều gì đang xảy ra. Đầu tiên họ làm bạn với thế gian (Gia-cơ 4:4) và dần dần họ bắt đầu bị “vẫn đục” (ô uế) bởi thế gian (Gia-cơ 1:27). Nếu họ không ăn năn và trở về với Chúa, họ sẽ yêu mến thế gian (I Giăng 2:15) và làm theo đời này (Rô-ma 12:2). Họ thỏa hiệp với thế gian khi xem thường lời cảnh báo của lời Đức Chúa Trời trong Thánh Kinh hay sự sửa phạt của Ngài (Hê-bơ-rơ 12:1-11), và ngày đến khi họ sẽ thấy chính mình bị án làm một với những người thế gian (I Cô-rinh-tô 11:32). Kinh Thánh ghi lại những kết cục bi thảm của những người tin Chúa “sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy.” (I Cô-rinh-tô 3:13-15). Tôi suy nghĩ đến Lót và gia đình của ông (Sáng Thế Ký 13:11-13; 19:1-29; II Phi-e-rơ 2:7-8), gia quyến và hết thảy phe Cô-rê (Dân Số Ký 16), Sam-sôn (Các Quan Xét 13-15), A-na-nia và Sa-phi-ra (Công Vụ 5), cùng Đê-ma (II Ti-mô-thê 4:10). Suốt những năm trong chức vụ, tôi đã hơn một lần rất đau lòng về những Cơ Đốc Nhân đã từng có lời làm chứng rất xúc động nhưng dần dần bị lôi cuốn trở về nếp sống cũ, và mỗi ngày tôi đã cầu nguyện cho chính bản thân mình, “Lạy Chúa, xin giúp con trung tín cho đến cuối cùng.”

p 119

Nuôi dưỡng một thái độ chống lại ý muốn của Đức Chúa Trời là bước đầu dẫn đến sự tuyệt vọng và bị đánh bại. Ý chỉ của Chúa không phải là xiềng xích (Thi Thiên 2:3) mà là sợi dây ràng buộc của tình yêu (Ô-sê 11:4). Ý chỉ của Ngài không phải là hàm khớp và dây cương (Thi Thiên 32:8-9) nhưng đó là sự huyền bí của tự do trong vui thỏa. “Tôi cũng sẽ bước đi thong dong, Vì đã tìm kiếm các giềng mối Chúa” (Thi Thiên 119:45). Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết ý muốn Chúa (Công Vụ 22:14), vâng theo ý muốn Ngài bằng tấm lòng của mình (Ê-phê-sô 6:6), hiểu rõ (Ê-phê-sô 5:7), và vui mừng trong ý muốn Ngài (Thi Thiên 40:8). Ý chỉ của Chúa không phải là một bữa tiệc buffet tối để chúng ta chọn những thứ chúng ta thích. Ý chỉ của Ngài là những món ăn giàu dưỡng chất được dọn sẵn đặc biệt cho chúng ta, và chúng ta phải nhận lấy nó. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Đồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công việc Ngài” (Giăng 4:34). Ý muốn của Đức Chúa Trời không phải là để trừng phạt nhưng là để nuôi dưỡng. Ý muốn của Đức Chúa Trời là bày tỏ tình yêu đến những đứa con yêu dấu của Ngài, là một lời mời gọi đến sự sống sung mãn và kết quả. “Mưu của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời, Ý tưởng của lòng Ngài còn đời này sang đời kia” (Thi Tiên 33:11). Ý muốn Ngài đến từ tấm lòng của Ngài.

Kế hoạch mà Đức Chúa Trời dành cho chúng ta đã được định trước khi chúng ta có thể nghĩ đến hay được sinh ra (Thi Thiên 139:13-16; Giê-rê-mi 1:5). Với tình yêu, Chúa đã trang bị cho chúng ta những công cụ cần thiết để phục vụ Ngài. Hơn thế nữa, Chúa đã chuẩn bị sẵn những công việc mà Ngài muốn chúng ta làm! “Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Giê-su Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10). Lời cầu nguyện của tôi là một ngày nào đó tôi có thể đứng trước mặt Cha và nói điều mà Chúa Giê-su đã nói trong lời cầu nguyện của Ngài: “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm” (Giăng 17:4). Cuộc sống chúng ta không phải là những sự tình cờ nhưng là sự xếp đặt một cách tuyệt vời, và nếu chúng ta vâng theo tiếng Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta làm trọn chức vụ mà Ngài đã giao phó cho chúng ta (II Ti-mô-thê 4:7-8).

Sự vâng phục được thúc đẩy bởi tình yêu mà chúng ta dành cho Chúa (Giăng 14:15,21; 15:10,14), cùng sự tôn quý và kính sợ Chúa. “Các ngươi phải theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi, kính sợ Ngài, gìn giữ các điều răn Ngài, vâng nghe tiếng phán Ngài, phục sự Ngài và tríu mến Ngài” (Phục Truyền 13:4). Nếu chúng ta nói với những người lạc mất rằng một ngày nào đó Đức Chúa Trời sẽ phán xét họ, và lời tuyên bố sau là có thật: nhưng Chúa sẽ xét đoán dân sự Ngài nếu họ vẫn ngoan cố không vâng phục Ngài! Thi Thiên 50:4 chép rằng, “Ngài kêu các từng trời trên cao, Và đất ở dưới đặng đoán xét dân sự Ngài.” Câu Kinh Thánh này được trích ở trong Hê-bơ-rơ 10:30 và cũng áp dụng cho những người tin Chúa ngày hôm nay. Có sự vui mừng khi chúng ta được hầu việc Chúa, nhưng chúng ta cũng nên lưu ý Thi Thiên 2:11: “Khá hầu việc Đức Giê-hô-va cách kính sợ; Và mừng rỡ cách run rẫy.”

Chúa Giê-su nói: “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17). Học giả người Hy Lạp gốc Anh Henry Alford đã dịch câu Kinh Thánh này như sau, “Nếu ai sẵn sàng làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, người ấy sẽ biết những điều ta dạy.” Một thái độ sẵn sàng đầu phục Cha là yếu tố đầu tiên để biết và làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không muốn bày tỏ ý muốn Chúa cho chúng ta để chúng ta đồng ý hay tán thành, nhưng là mệnh lệnh cho chúng ta vâng theo.

Hai Dân Tộc.

Chỉ duy nhất một dân tộc có lịch sử lâu đời nhất từ khi bắt đầu đến khi kết thúc đó chính là Y-sơ-ra-ên, và ngày hôm nay đó cũng là quốc gia duy nhất trên trái đất được Đức Chúa Trời lập giao ước cùng. Những người Mỹ yêu nước thích nghĩ rằng Hoa Kỳ là một “dân giao ước” bởi những tiền bối Cơ Đốc đi trước, nhưng đó không phải là sự thật. Chỉ có duy nhất một “dân giao ước” khác nữa trong thế giới ngày hôm nay đó chính là Hội Thánh, bởi vì Chúa đã lập một “giao ước mới” với những ai tin nhận Ngài (Ma-thi-ơ 26:26-29). Chúa Giê-su nói điều này rất rõ trong Ma-thi-ơ 21:43, “Bởi vậy, ta phán cùng các ngươi, nước Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi (Y-sơ-ra-ên), và cho một dân khác là dân sẽ có kết quả của nước đó (Hội Thánh).” Phi-e-rơ đã viết cho những Cơ Đốc Nhân ngày hôm nay, “Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 2:9). Hội Thánh chính là “dân thánh” đã được gọi để trở thành quốc gia của Phúc Âm.

          Chúa đã biệt riêng dân tộc Y-sơ-ra-ên để hoàn thành mục đích vĩ đại của Ngài: đó là làm bằng chứng về một Đấng sống và có thật, là nơi mà Đấng Cứu Thế của lời hứa được sinh ra (“sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến” Giăng 4:22), hình thành nên Hội Thánh đầu tiên, và viết nên Kinh Thánh. Chúa cũng biệt riêng Hội Thánh Chúa như là một dân tộc thánh để đến với các dân tộc khác. Y-sơ-ra-ên đã thất bại trong việc vâng lời Đức Chúa Trời và thay vào đó họ bắt chước những dân tộc tội lỗi xung quanh mình, chính vì vậy họ đã đánh mất những ơn phước mà Đức Chúa Trời dành cho. Hội Thánh ngày hôm nay không được làm theo đời này (Rô-ma 12:2) nhưng phải công bố và bày tỏ về Tin Lành của Chúa Giê-su Christ. Nếu chúng ta vâng theo Chúa, Ngài sẽ dùng chúng ta đến với những người xung quanh; nhưng nếu chúng ta thỏa hiệp với thế gian, Ngài sẽ không đáp lời cầu nguyện hay chúc phước cho chức vụ của chúng ta.

          Chúng ta là công dân ở trên trời (Phi-líp 3:20), tên của chúng ta được ghi trên thiên đàng (Lu-ca 10:20), và chúng ta là “những người kiều ngụ” tại thế gian này (I Phi-e-rơ 1:1). Một người lánh nạn thì rời khỏi quê hương, một người lang thang thì không có nhà, một người khách lạ thì xa quê hương, nhưng một người kiều ngụ thì luôn hướng về quê hương mình. Với quyền công dân 2 quốc tịch này buộc chúng ta phải nhìn thế gian với quan điểm của Thiên Đàng. “Vậy nếu anh em được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất” (Cô-lô-se 3:1-2). Nhưng nếu khi nào chúng ta bắt đầu nhìn những điều thuộc về Đấng Christ với cái nhìn của thế gian, chúng ta đã bước đi bước đầu tiên xa rời ơn phước mà Đức Chúa Trời muốn dành cho chúng ta.

          Là công dân của một nước thì sẽ nói tiếng của nước đó, tuân theo luật pháp của nước đó, và cố gắng làm cho đất nước mình được hãnh diện. Cũng giống như vậy, là công dân của Nước Trời, chúng ta không thể hổ thẹn khi nói về lẽ thật của Nước Trời, vâng theo luật pháp của Nước Trời, bảo vệ danh tiếng cho Nước Trời, và làm mọi thứ để mang lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời Ba Ngôi hiện đang ngự trị nơi Thiên Đàng.

          “Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình. Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Phi-líp 2:12-13).

          Chúng ta vâng lời Đức Chúa Trời và phục vụ Ngài bởi vì Ngài đã làm những việc lành trong chúng ta và qua chúng ta Ngài làm thành ý định của Ngài. Vâng phục ý muốn của Đức Chúa Trời không phải là một việc làm ngẫu nhiên hay vô nghĩa nhưng là một chức vụ thánh mà Chúa giao phó, và nếu tuân theo, chúng ta sẽ làm vinh hiển danh Đức Chúa Trời.

          “Ý Cha được nên, ở đất như trời!” (Ma-thi-ơ 6:10).

          “Tôi thưa rằng: Có tôi đây; xin hãy sai tôi” (Ê-sai 6:8).

 

Warren W. Wiersbe

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn