Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Kết Bạn Với Chúa

Kết Bạn Với Chúa

Đức Chúa Trời kết bạn với người kính sợ Ngài. (Châm Ngôn 3:32 (NLT)

Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em. (Gia-cơ 4:8)

Gần Chúa bao nhiêu, đó là sự lựa chọn của bạn.

Giống như mọi tình bạn khác, bạn cần phải tích cực trau dồi tình bạn giữa bạn và Đức Chúa Trời. Tình bạn này không tình cờ phát sinh đâu. Phải có ước muốn, thời gian và năng lực. Nếu bạn muốn có một tình thân sâu đậm hơn, mật thiết hơn với Đức Chúa Trời, bạn phải học biết cách thành thật chia sẻ những vui buồn của bạn với Ngài, tin cậy nơi Ngài khi Ngài muốn bạn làm một điều gì đó, học biết coi trọng điều Chúa coi trọng, và mong muốn tình bạn của Ngài hơn mọi điều khác.

Tôi phải thành thật với Đức Chúa Trời. Viên gạch đầu tiên để xây dựng một tình bạn thân thiết hơn với Đức Chúa Trời chính là sự thành thật trọn vẹn – về những lỗi lầm và những vui buồn của bạn. Đức Chúa Trời không mong bạn hoàn hảo, nhưng Ngài đòi hỏi sự thành thật hoàn toàn. Không có một người bạn nào của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là trọn vẹn. Nếu phải trọn vẹn mới được làm bạn với Đức Chúa Trời, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ được làm bạn với Ngài. Đáng mừng thay, bởi ân điển của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su vẫn là “bạn với kẻ có tội.

Trong Kinh Thánh, những người bạn của Đức Chúa Trời rất chân thật về những vui buồn của họ; họ thường phàn nàn, phê bình, than thở và tranh biện với Đấng Tạo Hóa của mình. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không hề phiền lòng bởi sự thẳng thắn này; thật ra, Ngài khuyến khích điều đó.

Đức Chúa Trời cho phép Áp-ra-ham chất vấn và thỉnh cầu Ngài về việc phá hủy thành Sô-đôm. Áp-ra-ham thỉnh cầu Đức Chúa Trời đừng hủy diệt thành này, và thương lượng với Ngài từ năm mươi người công chính xuống còn mười người.

images

Đức Chúa Trời cũng kiên nhẫn lắng nghe những lời tố cáo của Đa-vít rằng Ngài bất công, phản bội, và bỏ rơi ông. Đức Chúa Trời đã không giết Giê-rê-mi khi ông nóí rằng Ngài đã lừa ông. Gióp được phép trút đổ nỗi cay đắng của mình khi ông chịu thử thách, và cuối cùng, Đức Chúa Trời đã bảo vệ Gióp vì ông chân thật, và Ngài quở trách những người bạn của Gióp vì họ không thật lòng. Đức Chúa Trời phán với họ: “Các ngươi đã không nói sự thật về Ta như Gióp… Gióp, người tâm phúc của Ta, sẽ cầu thay cho các ngươi và Ta sẽ nhậm lời người.

Trong một trường hợp đáng kinh ngạc về tình bạn khẳng khái, Đức Chúa Trời đã bày tỏ thẳng lòng chán bỏ của Ngài đối với dân Y-sơ-ra-ên vì họ bất tuân với Ngài. Ngài phán với Môi-se rằng Ngài sẽ giữ lời hứa ban cho người Y-sơ-ra-ên Đất Hứa, nhưng Ngài sẽ không đi với họ thêm một bước nào nữa trong đồng vắng! Đức Chúa Trời đã chán chường về họ, và Ngài nói rõ với Môi-se như vậy.

Môi-se, với tư cách một “người bạn” của Đức Chúa Trời, cũng đã đáp lời cách rất thẳng thắn: “Kìa, Chúa đã bảo tôi dẫn dân này đi mà Ngài không cho tôi biết Ngài sẽ sai ai đi với tôi…Nếu tôi thật được ơn đối với Ngài như vậy, hãy cho tôi biết kế hoạch của Ngài… Đừng quên rằng đây là dân sự CỦA NGÀI, trách nhiệm của Ngài… Nếu Ngài không có mặt tại đây và dẫn dắt, thì hãy hủy bỏ cuộc hành trình này đi! Làm sao mà tôi biết được rằng Ngài ở cùng tôi trong mọi sự này, ở với tôi và với dân sự Ngài? Ngài đi với chúng tôi hay không?… Chúa phán cùng Môi-se, “Thôi được. Theo như lời ngươi nói vậy; ta cũng sẽ làm điều này để ngươi biết rõ rằng ngươi thật được ơn với Ta.

Đức Chúa Trời có thể chịu được sự thẳng thắn, chân thật đó nơi bạn hay không? Chắc chắn là được! Tình bạn chân thật được xây dựng trên sự cởi mở. Điều có vẻ là táo bạo thì Đức Chúa Trời lại xem là chân thật, Đức Chúa Trời lắng nghe những lời chân thật từ những người bạn của Ngài; Ngài chán ngấy những lời sáo rỗng, rập khuôn, biết trước. Để làm bạn với Đức Chúa Trời, bạn phải chân thật với Ngài, chia sẻ vui buồn thật của bạn, chớ không phải những cảm xúc hay lời nói mà bạn tưởng là phải có.

Có thể bạn đang cần phải thổ lộ nỗi buồn giận hay oán hờn kín giấu về Đức Chúa Trời liên quan đến một số lĩnh vực nào đó trong cuộc sống mà bạn cảm thấy bất công hay thất vọng sâu xa. Chừng nào chúng ta đủ trưởng thành để hiểu rằng Đức Chúa Trời dùng mọi sự xảy đến vì lợi ích cho cuộc đời chúng ta, thì chúng ta vẫn còn cất giấu những oán giận Đức Chúa Trời về diện mạo, hoàn cảnh, những lời cầu nguyện chưa được nhậm, những nỗi đau quá khứ, và những điều khác nữa của chúng ta, những điều mà nếu chúng ta là Đức Chúa Trời chắc chúng ta sẽ thay đổi. Con người thường đổ lỗi cho Đức Chúa Trời về những nỗi đau mà người khác gây ra cho họ. Điều này tạo nên cái mà William Backus gọi là “vết rạn nứt bí mật giữa bạn và Đức Chúa Trời.”

Sự cay đắng là rào cản lớn nhất ngăn trở tình bạn với Đức Chúa Trời: Tại sao tôi lại muốn làm bạn của Đức Chúa Trời khi Ngài cho phép chuyện này xảy ra? Dĩ nhiên, phương thuốc điều trị là phải nhận thức rằng Đức Chúa Trời luôn luôn hành động vì lợi ích của bạn, thậm chí có khi nó gây đau đớn và bạn không hiểu được. Nhưng giải tỏa nỗi oán hờn và bày tỏ lòng buồn giận của bạn là bước đầu tiên để chữa lành. Giống như nhiều người khác trong Kinh Thánh, hãy thưa với Đức Chúa Trời cảm xúc thật của bạn.

Thật khích lệ khi biết rằng tất cả những bạn thiết của Đức Chúa Trời – Môi-se, Đa-vít, Áp-ra-ham, Gióp, và những người khác – có những cơn nghi ngờ. Nhưng thay vì che đậy sự nghi ngờ của mình bằng những lời tôn kính sáo rỗng, họ thẳng thắn xưng chúng ra cách công khai, cởi mở. Bày tỏ lòng nghi ngờ đôi khi lại là bước đầu tiên để tiến lên trên con đường dẫn đến sự thân mật với Đức Chúa Trời.

Tôi phải vâng lời Đức Chúa Trời với đức tin. Mỗi khi bạn tin cậy nơi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và làm điều Ngài bảo bạn làm, ngay khi cả bạn không hiểu, thì bạn đang trau dồi tình bạn của mình với Đức Chúa Trời. Thường thì chúng ta không nghĩ rằng sự vâng phục là một đặc tính của tình bạn, cái đó chỉ dành cho những mối quan hệ với cha mẹ, người chủ, hoặc một viên chức cao cấp hơn chớ không phải dành cho một người bạn. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói rõ sự vâng phục là một điều kiện để gần gũi với Đức Chúa Trời. Ngài phán: “Ví thử các ngươi làm theo điều Ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu Ta.

Trong những chương trước, tôi có nói rằng từ ngữ mà Chúa Giê-su dùng khi Ngài gọi chúng ta là “bạn hữu” có thể dùng để nói đến “những người bạn của nhà vua” trong hoàng cung. Dù những người bạn thân này có nhiều đặc quyền, họ vẫn phải tuân theo những mệnh lệnh của nhà vua. Chúng ta là những người bạn của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta không ngang hàng với Ngài. Ngài là người lãnh đạo yêu thương và chúng ta đi theo Ngài.

Chúng ta vâng phục Đức Chúa Trời, không phải vì bổn phận hoặc vì sợ hoặc bị ép buộc, bèn là vì chúng ta yêu Ngài và tin cậy rằng Ngài biết điều gì tốt nhất cho chúng ta. Chúng ta muốn đi theo Đấng Christ vì lòng biết ơn về những gì Ngài đã làm cho chúng ta, và chúng ta càng làm theo Ngài gần bao nhiêu thì tình bạn của chúng ta càng trở nên thắm thiết bấy nhiêu.

Những người không tin thường nghĩ các Cơ-đốc nhân vâng phục vì đó là nghĩa vụ, vì mặc cảm tội lỗi hoặc vì sợ bị trừng phạt, nhưng không phải như vậy. Bởi chúng ta đã được tha thứ và được tự do, nên chúng ta vâng phục vì tình yêu thương – và sự vâng phục của chúng ta đem lại niềm vui lớn! Chúa Giê-su bảo: “Như Cha đã yêu thương ta thể nào, ta cũng yêu thương các ngươi thế ấy; hãy cứ ở trong sự yêu thương của ta. Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài. Ta nói cùng các ngươi những điều đó, hầu cho sự vui mừng của ta ở trong các ngươi, và sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn.

Hãy lưu ý rằng Chúa Giê-su mong muốn chúng ta chỉ làm điều mà Ngài đã làm với Đức Chúa Cha. Mối tương giao của Ngài với Đức Chúa Cha là khuôn mẫu cho tình bạn của chúng ta với Ngài. Chúa Giê-su đã làm mọi điều Đức Chúa Cha bảo Ngài làm – vì tình yêu thương.

 

rick 1

RICK WARREN

Sống Theo Mục Đích   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn