Thứ Hai , 27 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / BÀN TAY CHA TÔI

BÀN TAY CHA TÔI

k tranh

Cuộc đời ba tôi xuất thân từ một gia đình thờ cúng ông bà và ông đã có một cái nhìn rất là khe khắc với đạo Tin Lành.  Ông không thích đạo Tin Lành và nghĩ rằng là người Việt Nam chúng ta không nên đi theo đạo của Mỹ.  Khi ông còn là một cậu học sinh của trường trung học, thì có một lần ông đã bắn đá lên nóc nhà thờ để xem những người trong nhà thờ chạy túa ra ngoài và ông cười khoái trá và rất là đắc ý với những việc làm của mình.  Ba tôi nghĩ đơn giản đó chỉ là một hành động phá phách thôi và không bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó ông lại là người đi rao giảng lời của Chúa cả…

Ba mẹ tôi lập gia đình vào năm 1968 và khoảng tháng 4 năm 1969 ba mẹ tôi có quen được hai ông bà giáo sĩ Mỹ, Dorothy và Herman Hayes.  Họ là những giáo sĩ Báp-tít tiên phong ở Việt Nam từ 1959 tại thành phố Cần Thơ.  Lúc đầu thì hai ông bà giáo sĩ chỉ dạy Kinh Thánh cho ông anh rể của ba tôi, dượng Ba của tôi, ở sát cạnh nhà.  Ba tôi, vì làm ở sở Mỹ, cho nên nghĩ rằng mình cũng nên qua để học với ông bà giáo sĩ.  Tiếng Anh mà ba tôi đã học ngày xưa là nói theo giọng của Ăng Lê, nhưng bởi vì làm cho sở Mỹ nên ông muốn qua để học giọng của người Mỹ.  Khi ông đến học tiếng Anh được một buổi, thì ông bà giáo sĩ đề nghị là nên đến nhà của ba tôi học một tuần một lần thì tốt hơn cho ông.  Ba tôi thật sự không muốn ông bà giáo sĩ đến nhà nhưng vì nể mặt và cũng muốn học cho lẹ hơn, nên ba tôi đã bằng lòng.  Ông bà giáo sĩ không dạy Anh văn bằng những sách vở thường mà họ đã dạy Anh văn qua sách Tin Lành Giăng.  Đây là lần đầu tiên ba tôi được làm quen với Kinh Thánh.  Ba tôi học là học vậy thôi chứ không bao giờ có ý định tin Chúa cả.

Sáu tháng sau thì ba tôi muốn đi thăm một người anh cô cậu ở quận Giòng Riềng ở Rạch Giá và có xin ông bà giáo sĩ cho nghỉ học một tuần.  Sau đó có một chuyện lạ đã xảy ra mà nó hoàn toàn thay đổi đời sống của ba tôi…

Khoảng sáu giờ chiều, ba tôi và người anh cô cậu mà ba tôi gọi là anh Tư, đã rũ nhau ăn nhậu cho vui sau lâu ngày không gặp.  Hai ông uống rượu trắng và ăn cá sặc trộn với bắp chuối mà vợ của bác Tư đã làm và hai ông ăn uống thật ngon lành và vui vẻ với nhau lắm.  Khi cả hai đã say ngà ngà thì tự nhiên bác Tư tôi chửi thề và thốt lên một câu:

Tao ghét mấy người Công Giáo.  Con nó ỉa nó cũng kêu chó mà nhà nó cháy nó cũng kêu chó.”

“Kìa, anh Tư, anh vừa nói cái câu gì vậy?”  ba tôi hỏi lại trong sự ngạc nhiên và hoàn toàn không hiểu bác Tư nói gì.  Bác Tư trả lời liền:

“Thì tao nói Chúa của nó đó…” câu nói nầy nó như là một bạt tai vào mặt của ba tôi.

Ngay lúc đó nước mắt của ba tôi ở đâu mà nó trào như nước suối đổ từ nguồn và đầu óc ông bắt đầu quay cuồng cuộng và run rẩy cả người.  Ba tôi không thể nào tiếp tục cầm cái ly rượu được nữa và phải từ từ để ly xuống.  Ba tôi cố gắng hết sức lấy lại bình tĩnh và hỏi bác Tư:

Anh Tư,” cổ họng ông nghẹn lại, “anh có biết Chúa là ai không, anh Tư?  Và câu trả lời đương nhiên là:  “Không, tao đâu biết Chúa là ai.

Lúc đó ba tôi mới nói hết cho bác Tư nghe về những gì ba tôi đã biết về Chúa qua sách Tin Lành Giăng mà ông đã học nơi ông bà giáo sĩ trong sáu tháng qua. Không biết bác Tư có hiểu hay có lắng nghe ba tôi nói cái gì không, hay là chỉ sửng sốt về những lời đã phát ra từ miệng ba tôi lúc đó.  Có lẽ bác Tư tôi nghĩ rằng là ba tôi sẽ khoái chí với câu nói đó và còn có thể chế giễu thêm hay còn thêm những lời châm biếm nữa.  Bác đâu có ngờ ba tôi lại bênh vực cho Chúa như vậy.  Sau đó ba tôi đứng dậy và nói với bác Tư rằng:

Bây giờ tôi biết là Chúa đã ở trong lòng tôi rồi.  Tôi không thể nào tiếp tục ngồi đây uống rượu với anh được nữa.  Anh cho phép cho tôi ra về ngay bây giờ.”

Và ba tôi đã bỏ quần áo vào trong va li và đi ra cửa.  Lúc đó là khoảng 7 giờ chiều…

Giờ đó thì đâu còn xe đò để đi ra Rạch Giá nữa, nhưng mà ba tôi đã nhất định đi.  Bác Tư rất là cố gắng để cản ba tôi nhưng không tài nào cản được.  Khi ba tôi xách va li đi ra cửa thì có một chiếc xe chở mía đi từ Giòng Riềng ra Rạch Giá đi ngang qua.  Ba tôi liền xin có giang về Cần Thơ, nhưng ông chủ xe nói ông không có đi Cần Thơ, nhưng có thể cho ba tôi quá giang đến Rạch Sỏi.  Ba tôi nói:

“Thôi được, ông cứ cho tôi đến Rạch Sỏi.”  “Rồi sẽ tính tiếp,” ba tôi suy nghĩ trong đầu.

Đến Rạch Sỏi ông chủ xe cho ba tôi xuống, nhưng ba tôi mới đứng có chừng mười lăm phút thì có một chiếc xe chở heo từ Rạch Giá qua Cần Thơ đi tới.  Ba tôi liền xin quá giang một lần nữa và ông lái xe nói là ở trong xe không còn chỗ; nhưng nếu ba tôi chịu đứng ở đằng sau xe với những con heo, thì ông sẽ cho ba tôi quá giang.

Heo thì hôi lắm,” ông nói rất ngại ngùng, “ông có dám đi không?”  Ba tôi nhìn đồng hồ, lúc đó cũng đã hơn tám giờ tối rồi.  “Dạ, ông cứ cho tôi đứng đằng sau với heo,” ba tôi đồng ý ngay.

k t 3

Khi lên xe rồi thì ba tôi thấy hối hận vô cùng vì nó quá hôi thối; nhưng ông cũng không biết làm sao nữa, phải chịu thôi.  Đúng là Chúa tạo lỗ mũi con người cũng ngộ, khi đứng trong xe chở heo khoảng mười lăm phút thì ba tôi thấy bắt đầu quen dần với mùi hôi và có thể chịu được cho đến khi đến Cần Thơ. Lúc đó là khoảng mười một giờ đêm…

Khi đến Cần Thơ, ba tôi kêu xe lôi chở ông đến thẳng nhà ông bà giáo sĩ liền.  Người ngoại quốc thì họ rất là cẩn thận; ban đêm họ đóng hết cửa kín mít, không cách nào vào được. Ba tôi bấm chuông khẩn thiết. Lúc đầu thì không thấy ai mở cửa, nhưng khoảng năm phút sau thì ba tôi nghe giọng hơi buồn ngủ của ông giáo sĩ:

Xin hỏi ai đó?” ông nói bằng tiếng Việt rất rành rẽ.  Ba tôi trả lời:

Dạ, Lành đây.”  Ông nhận ra tiếng của ba tôi và vội vàng chạy ra mở cửa và hỏi:  “Ủa, tôi tưởng con đã đi thăm người anh ở Giòng Riềng rồi mà?”

Khi ông mở cửa ra rồi thì hai đầu gối của ba tôi như bị lõng khớp, không đứng được nữa và ba tôi bật lên khóc nức nở như một đứa trẻ vậy.  Ông giáo sĩ hỏi tiếp:

“Lành, Lành, con làm sao vậy?  Con hãy bình tĩnh và nói trong nhà con có chuyện gì xảy ra?”  ba tôi quỵ xuống đất và nói:

“Trong nhà con không có chuyện gì xảy ra hết.  Hãy đưa con vô nhà rồi con sẽ kể hết cho ông bà giáo sĩ nghe.”

Ba tôi ráng hết sức lết vào nhà bằng hai đầu gối rồi thuật lại hết những chuyện đã xảy ra chiều hôm đó.  Ba tôi xin ông bà giáo sĩ cầu nguyện cho ông tin Chúa liền ngay lúc đó. Ôi, ba tôi không thể nào diễn tả được niềm vui sướng trong lòng của mình và sự vui mừng vô kể của ông bà giáo sĩ lúc đó.

“Một linh hồn quý hơn cả thế gian.” 

Sau đó cuộc đời ba tôi được thay đổi từ một người ghét Chúa thành một người yêu mến Chúa tha thiết. Từ một người chống đạo Tin Lành thành một người hầu việc Chúa.  Ba tôi hoàn toàn rời xa những bạn bè của ngày trước của ông và không ăn chơi hay rượu chè với họ nữa.  Từ đó trở về sau, cái ước mơ trong cuộc đời ông chỉ là hầu việc Ngài…

*

Sau năm 1975, các giáo sĩ đã phải trở về Mỹ hết, cho nên ba tôi ở lại tiếp tục công việc của các giáo sĩ và lo cho hội thánh tại Cần Thơ và gặp những sự chống đối của chính quyền dữ dội.  Vì ba tôi không có một cái nghề nên nhà nước bắt gia đình tôi phải đi kinh tế mới.  Cho nên, 1976, ba tôi có mua một chiếc xe ép nước mía để bán để khỏi phải đi vùng kinh tế mới.  Mùng một Tết năm đó, ba tôi không thể nào ở nhà để vui với gia đình được mà ông và cậu tôi phải kéo xe ra chợ bán nước mía cho đỡ buồn.

“Đức Giê-hô-va ôi! xin hãy thương xót tôi, vì tôi bị gian truân.  Con mắt tôi hao mòn vì cớ buồn rầu, linh hồn và thân thể tôi cũng vậy.”  Thi Thiên 31:9

Tết đến mà lòng của ba tôi buồn vô tận vì vận mạng đất nước đã đổi thay.  Ba tôi nhớ các giáo sĩ và hoàn cảnh bi đát của mình.  Lòng ba tôi tràn đầy sự buồn bã và chán chường.  Vì quá đau lòng khi suy nghĩ đến những điều đó, ba tôi sơ ý và đã đút bàn tay phải vào cái máy ép mía chung với những cây mía.  Mía mà nó còn ép ra nước, nói chi là bàn tay của ba tôi.  Ba tôi la hoảng lên thì cậu tôi đứng kế bên đã kịp thời tắt máy trước khi nó ăn luôn cánh tay của ông.  Mọi người xung quanh đó đã chạy đến để giúp ba tôi rút bàn tay ra.  Khi lấy ra được rồi, ông không màng chạy vào nhà thương dầu mọi người ở đó thúc đẩy ông.  Ông giơ bàn tay lên trời và nói trong lòng rằng:

“Chúa ôi!  Chúa biết con là người hầu việc Chúa, con đã hết lòng hy sinh cho công việc nhà Ngài.  Tại sao Chúa để cho bàn tay con như vầy?”

Ba tôi cứ đứng sững sờ, nhìn bàn tay dập nát của mình.  Ông bỏ mặc máu đang nhỏ từng giọt xuống đất và những tiếng kêu réo của những người xung quanh:

“Chạy vô nhà thương đi!  Chạy vô nhà thương đi…” Rồi từ từ những tiếng đó nó như những tiếng vang rồi nhỏ dần, nhỏ dần…

Lúc đó cậu tôi đã kêu xe lôi và vội vã đưa ba tôi đến nhà thương.  Khi vào nhà thương thì ông đã mê man.  Bác sĩ hỏi mẹ tôi là ba tôi làm gì mà cứ kêu Chúa dữ vậy?  Khi ba tôi tỉnh dậy thì nghe mẹ tôi thuật lại là lúc mê man ba tôi cứ nói:  “Chúa, sao Chúa lại bỏ con?”  Ba tôi nghĩ là Chúa không thương ông và đã bỏ ông rồi.  Cái đau đớn đó còn hơn cái đau của một bàn tay bị dập nát nữa.

“Ở trước mặt Ngài tôi tuôn đổ sự than thở tôi, bày tỏ sự gian nan tôi.”
Thi Thiên 142:2

Sau khi ra khỏi nhà thương một thời gian, năm 1977, thì ba tôi lại bị mời lên phường và họ buộc gia đình tôi phải đi kinh tế mới một lần nữa.  Lúc đó ba tôi mới đưa hồ sơ về bàn tay tật nguyền của mình cho họ xem.  Trong đó nhà thương đã xác định là bàn tay phải của ông hoàn toàn dập nát, xương đã gãy hết và không có động đậy các ngón tay được.  Khi họ xem hồ sơ xong thì họ nói:

“Thôi, ông muốn làm gì đó thì làm đi.  Ông không cần phải đi vùng kinh tế mới nữa.”  Bởi khi đi kinh tế mới thì phải làm ruộng, làm rẫy; mà nếu bàn tay ba tôi như vậy thì làm sao được?  Mà nhờ vậy nên ba tôi mới có thể ở lại để thực hiện được chuyến đi vượt biên vào tháng Tư năm 1979.  Vào tháng 12 năm 1979 thì gia đình tôi đã được định cư tại San Diego, California.

*

Sau khi đến Mỹ, các bác sĩ có lần nói là họ có thể giúp ba tôi mỗ lại bàn tay để sắp xếp xương và gân lại để ông có thể co giãn được nhiều hơn, nhưng ông từ chối.  Ba tôi muốn giữ bàn tay y như vậy để nó nhắc nhở ông về ơn lành của Chúa trong cuộc đời của ông.  Và nó cũng nhắc nhở ba tôi về bàn tay mang dấu đinh của Ngài cho tội lỗi của ông và tất cả nhân loại trên thập tự giá hơn hai ngàn năm trước.

Máu Ngài tuôn đổ vì gai
Tay Ngài đinh đóng vì ai, hỡi người?

Giờ đây, khi nhìn lại cuộc đời của ba tôi, Chúa đã dùng một tai nạn khủng khiếp cho bàn tay của ông để ông có thể đưa gia đình tôi qua đến bến bờ tự do. Chúa đã dùng cùng một bàn tay mà đã từng ném đá lên nóc nhà thờ chỉ cho thoả chí cuộc vui của mình và cùng một bàn tay đã từng nâng những ly rượu chỉ cho vui sướng cuộc đời này thành một bàn tay lái xe đưa người tỵ nạn đi xin tiền xã hội, cứu giúp những người nghèo khổ và mở mang và xây dựng nhà Chúa nhiều nơi.

Khi bàn tay lành thì làm điều xấu; nhưng khi bàn tay xấu, lại làm điều lành. Lạ nhỉ?  🙂 

Điều quan trọng hơn hết là qua bàn tay của ba tôi, tôi thấy được bàn tay của Người Cha của tôi ở trên trời luôn luôn nâng niu và dìu dắt chúng tôi trong chương trình kỳ diệu của Ngài. Ngài yêu thương chúng ta và luôn luôn có một chương tốt đẹp nhất cho chúng ta. Chỉ vì chúng ta nhiều khi không hiểu và đâm ra oán trách, hờn dỗi Chúa khi những tai nạn, khổ đau đến trong đời sống của chúng ta mà thôi. Cầu xin Chúa cho bạn và tôi biết sống trong tình yêu thương của Ngài luôn luôn và tin cậy Ngài tuyệt đối trong mọi nơi, mọi hoàn cảnh.

“Chúa có cánh tay quyền năng, bàn tay Chúa có sức mạnh, và tay hữu Chúa giơ cao lên.”  Thi Thiên 89:13 

 

k t 2

                                                                        THẢO NGUYÊN  

 

https://huongdionline.com/2015/11/14/nguoi-song-hau-vuot-bien/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn