“Ngài lại phán rằng: Hãy cẩn thận về điều mình nghe. Người ta sẽ đong cho các ngươi bằng lường các ngươi đã đong cho, và thêm vào đó nữa.” (Mác 4:24)
Trong những thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên, hầu hết mọi người không có bản sao của Kinh Thánh để đọc như chúng ta hôm nay. Tuy nhiên họ được nghe đọc Lời Chúa và hát các Thi thiên khi họ nhóm họp trong đền thờ hoặc nhà hội. Ngày nay chúng ta có nhiều thuận lợi hơn khi muốn đọc hay nghe lời Thánh Kinh. Có nhiều bản dịch Kinh Thánh khác nhau để chúng ta nghiên cứu và đối chiếu. Có những bản Kinh Thánh được ghi âm trên Ipad, Smartphone hay các thiết bị nghe nhìn khác. Nếu chúng ta muốn thì sẽ không bao giờ quá trễ để đọc Kinh Thánh một cách có hệ thống. Tuy nhiên ngày hôm nay nhiều người đọc tiểu thuyết, báo chí, xem TV hay làm những việc khác và không còn thời gian để đọc Kinh Thánh. Lời Chúa cảnh báo chúng ta phải cẩn thận về những gì mình xem và nghe mỗi ngày. Tại sao?
Những gì chúng ta chọn lựa để nghe sẽ bày tỏ chúng ta là ai? George H. Morrison, một nhà giảng đạo người Xcốt-len đã nói, “Con người nghe và rồi họ làm theo những gì họ nghe.” Khẩu vị của chúng ta sẽ xác định loại thực đơn chúng ta tìm đến. Nếu chúng ta thực sự nhận biết Chúa Jesus và bước theo Ngài, chúng ta sẽ ham thích bước đi trong lẽ thật giống như Chúa. Khi đó chúng ta sẽ dành thời gian để đọc Kinh Thánh. Chúng ta “vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va. Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.” (Thi 1:2). Chúa Jesus đã so sánh Đạo của Ngài với những hạt giống (Lu-ca 8:11). Những hạt giống ấy phải được gieo trồng và tưới nước thích hợp trước khi nó bén rễ vào lòng đất và sinh bông trái. Những người mở lòng và tâm trí của mình ra để tiếp nhận các hạt giống độc hại trong thế giới này sẽ đánh mất cơ hội để cho lẽ thật của Chúa phát triển. Vì vậy, “Hãy cẩn thận về điều mình nghe.” (Mác 4:24)
Những gì chúng ta chọn lựa để xem và nghe sẽ đem đến hệ quả là chúng ta nhận được hay đánh mất những giá trị nào đó. Trong Kinh Thánh từ “nghe” cũng có nghĩa là “vâng lời”. Chỉ đọc hoặc nghe Lời Chúa mà thôi thì không đủ. Chúng ta cần phải hiểu và vâng theo Lời Chúa. Nếu chúng ta áp dụng như thế, chúng ta sẽ lớn lên trong ân điển và trong sự thông biết Chúa. Nếu chúng ta dành thời gian cho việc nghiên cứu Kinh Thánh và áp dụng nó, Đức Chúa Trời chắc sẽ ban phước cho chúng ta tùy thuộc vào số lượng thời gian mà chúng ta dành cho Ngài. Chúng ta càng dành nhiều thời gian cho Lời Ngài, Đức Chúa Trời sẽ thêm lên cho chúng ta những phước hạnh trong lẽ thật. Nếu dành thời gian cho những điều vô nghĩa trong thế giới này, chúng ta sẽ đánh mất sự giàu có thuộc linh mà lẽ ra chúng ta có. Phao-lô khuyên Ti-mô-thê phải “tập tành sự tin kính.” (1 Tim. 4:7). Đức Chúa Trời tôn trọng và làm vinh hiển con cái của Ngài khi họ thực hành sự tin kính.
Những gì chúng ta chọn lựa để nghe và xem sẽ quyết định là chúng ta có điều gì để chia sẻ cho người khác. Nếu chúng ta đo lường số lượng thời gian chúng ta dành cho Chúa, Ngài cũng sẽ đo lường những phước hạnh ban cho chúng ta. Vấn đề này được tính theo tỉ lệ thuận. Chúng ta càng đo lường thời gian đọc, nghe và làm theo Lời Chúa càng nhiều, sự chúc phước càng được gia tăng trên chúng ta. Với tư cách là người giảng đạo, thầy giáo hay chứng nhân cho Chúa, chúng ta phải có nguồn dự trữ các phước ơn để chia sẻ cho người khác và đáp ứng đúng nhu cầu của họ. Qua sự thực hành siêng năng trong nếp sống tin kính, chúng ta từ chối sự khôn ngoan của thế gian và lời nói dối của ma quỉ. Nếu dân sự của Chúa tiếp nhận từ Ngài: sữa, bánh, mật ong và các loại đồ ăn thuộc linh khác, họ sẽ làm nên sự khác biệt trong đời sống và dâng vinh hiển về cho Đức Chúa Trời.
“Lòng kẻ biếng nhác mong ước, mà chẳng có chi hết;
Còn lòng người siêng năng sẽ được no nê.” (Châm. 13:4)
Warren W. Wiersbe
Translated by Tuong Vi