Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / TỜ VÉ SỐ

TỜ VÉ SỐ

 TỜ VÉ SỐ

Tôi ngồi vào một góc cà phê nơi cuối chợ, chờ ông xã đến chở về, đây là thói quen của tôi mỗi khi đi chợ mua thức ăn cho gia đình. Cái khổ không biết chạy xe gắn máy đôi khi phiền toái vô cùng, có khi tôi phải ngồi chờ nửa tiếng đồng hồ vì anh bận làm việc gì đó ở nhà.

to ve

Tôi nhấp nháp muỗng cà phê mà sốt ruột nhìn quanh. Hôm nay quán vắng hơn mọi ngày. Mùa mưa nơi chợ huyện thường là vậy, chợ búa lưa thưa người, người ta tập trung vào mùa làm rẫy, làm vườn ít người đi chợ hơn. Tôi đang thơ thẩn thì có một thằng bé đến trước mặt tôi và chìa xấp vé số chào mời:

– Cô ơi, mua giúp con tờ vé số nha cô.

Tôi lắc đầu, thằng bé ngồi vào chiêc ghế đối diện tiếp tục nài nỉ:

-Cô ơi, sáng tới giờ con chưa bán được tờ nào, cô mở hàng giùm con đi cô.

Tôi rất bực mình mỗi khi bị “lực lượng “ bán vé số nài ép. Xã hội bây giờ mỗi ngày đều có đài xổ số, người  đặt mục tiêu vào sự cầu may nầy không thể nói hết, chỉ có người phát hành vé số mới biết con số chính xác mỗi ngày người ta đã bỏ vào cái mộng làm giàu vu vơ nầy bao nhiêu là tiền, tôi vốn không thích tham vọng ảo, lại thêm một điều quan trọng hơn tôi  là tín đồ Tin Lành, người Tin Lành chúng tôi không cờ bạc, người Tin Lành mà bỏ xấp vé số vào túi là một điều mất thể diện…sao sao ấy, không chấp nhận được.

Thấy tôi ngồi im không trả lời thằng bé vẫn nhìn vào mắt tôi, chờ đợi. Cái ánh mắt khẩn khoản mong đợi của thằng bé chợt làm tôi bối rối. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn mà, ánh mắt của thằng nhỏ nhìn tôi chợt làm trái tim tôi lay động một cảm giác thương hại. Nó chỉ độ mười hai, trạc con nhà mình mà phải tất tả chợ đời kiếm sống, có được học hành gì không? Cha mẹ làm gì mà cho con đi mưu sinh vào độ tuổi nầy?. Tôi hạ giọng cảm thông:

-Con à, cô không thích cờ bạc, con mời người khác đi.

Thằng bé không nhìn tôi nữa, nó cúi  mặt nhìn xuống bàn, có  nước từ ly đá loang ra, nó ví tay vào vẽ nghệch ngoạc cố che đậy một nỗi thất vọng nhưng trên mắt nó một giọt nước mắt đang chực chờ rơi xuống. Thằng bé con làm tôi cảm xúc, tôi chợt thấy se lòng, chắc hẳn thằng bé có nỗi niềm gì đó nên mới dễ dàng rơi lệ như vậy. Thông thường những tay bán vé số tuổi nầy cũng gan lì, giang hồ lắm do đời  sống đường phố tôi luyện chúng . Nhưng thằng bé nầy có vẻ hiền hoà thật thà hơn những đứa bán vé số khác. Tôi gạ hỏi:

-Con còn đi học không?

-Dạ còn

-Mẹ con làm gì, bộ mẹ nghèo lắm sao con đi bán vé số?

Nước mắt thằng bé rơi xuống bàn, nó không kềm nén được nữa, hình như lời hỏi thăm của tôi đã chạm vào một nỗi đau của thằng bé.

-Mẹ con bỏ nhà đi lâu rồi, con ở nhà với ba nhưng ba con bị câm, bây giờ ba đang bệnh nằm mấy ngày rồi không đi làm được, con muốn bán có tiền đi mua thuốc cảm cho ba con

Những lời của thằng bé làm lay động lòng tôi. Tôi mở ví lấy ra tời giấy bạc mười ngàn:

-Nè, cô cho con nhe.

Thằng bé bất ngờ vụt đứng lên từ chối:

-Con không có xin ăn đâu, con chỉ bán vé số thôi.

-Nhưng cô không thích mua vé số, vì mua số là cờ bạc, chắc gì trúng mà mua.

-Cô mua giùm con, tức là cô giúp đỡ cho con kiếm sống một cách tích cực, con sẽ cầu nguyện xin Chúa chúc phước cho cô, bởi lòng nhân ái của cô.

Thằng bé nói những câu làm tôi ngỡ ngàng.

-Sao con biết cầu nguyện Chúa chúc phước? Con cũng tin Chúa hả?

-Dạ, cô giáo con dạy, “Hãy cầu xin Chúa chúc phước cho người giúp đỡ mình”

-Con học ở đâu? Vì nếu con có học trong nhà thờ thì cô đã biết mặt con rồi.

Thằng bé nhìn tôi, ánh mắt sáng lên vui vẻ:

-Cô là con cái Chúa hả?

-Ờ, cô là tín đồ Tin lành, còn con, con học cầu nguyện ở đâu?

-Bọn trẻ bán vé số chúng con học lời chúa ở công viên, mỗi chiều chủ nhật cô giáo hẹn chúng con tới học lời Chúa và học hát ngợi khen. Lâu lâu cô sẽ cho chúng con một chuyến đi đến nhà thờ trên tỉnh dự nhóm vui lắm.

t mai

Khi kể về những điều nầy mắt thằng bé sáng ngời long lanh, nỗi buồn lúc nãy tan biến nhanh chóng. Tôi thầm ngưỡng mộ cô giáo mà thằng bé nhắc đến, cô đã làm được cái điều mà chúng tôi chưa làm đó là gom bó những đứa bé đứa bé đường phố lại và gieo vào trái tim chúng một niềm tin, một tình yêu, một sự hy vọng vào cuộc sống vĩnh hằng.

Thằng bé lại nhìn vào mắt tôi nài nỉ:

-Cô mua giúp con một tờ nhe cô, vì con cần tiền mua thuốc cho ba con liền bây giờ. Lời Chúa nói “Ai thương kẻ nghèo tức cho Đức Giê Hô Va vay mượn. Ngài sẽ báo lại việc ơn lành ấy lại cho người.”  (Châm 19:17).

Thằng bé con làm tôi mềm lòng.

-Rồi cô mua giúp con một tờ nhe.

Thằng bé hí hửng trao tôi tờ vé số rồi nhận mười ngàn đồng bạc bỏ vào túi áo cẩn thận. Nó cúi đầu chào  tôi kèm theo một câu:

-Con cám ơn cô, Xin Chúa ban phước cho cô.

Nói xong thằng bé chạy nhanh qua quầy thuốc tây đối diện quán cà phê, xác nhận tất cả những gì thằng bé trao đổi cùng tôi là thật. Tôi nhìn theo thằng bé lòng băn khoăn có phải bấy lâu nay mình sống quá luật pháp không?. Tôi nhìn tờ vé số, câu chuyện của thằng bé làm tôi không còn thấy ác cảm với tờ vé số nữa, vì đó là cách mưu sinh lương thiện dành cho kẻ khó nghèo, người tàn tật, nếu như mình vì sĩ diện mà bỏ qua những cơ hội để giúp đỡ một người khó nghèo thì liệu có đáng không? Có đúng theo tinh thần Chúa dạy không?

Gia cơ 2:15-16, “Ví thử có anh em,  chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hàng ngày, mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no,  nhưng không cho họ đồ cần dùng về  phần xác, thì có ích gì chăng?”

Chúng ta đang sống trong cái thời đại đầy dẫy sự nghi ngờ, có lắm lúc để cho sự nghi ngờ tràn ngập trong tâm trí mình, nó làm cho lòng ta chai sạn, không còn chỗ cho cảm xúc, không còn chỗ cho yêu thương, và lòng nhân ái bị chết khô trong tâm hồn ta tự khi nào ta cũng không hay biết.

Vẫn còn hơi thở trên đất mỗi ngày, Chúa vẫn muốn ta hãy yêu kẻ lân cận như yêu chính bản thân mình. Những hạt giống tình yêu có gieo ra, hoa lá tình yêu của Chúa đâm chồi kết tụ khắp mặt đất và người con người mới nhìn thấy được Chúa Giê-Su là Đấng hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi.

TUYẾT MAI

BANG CHUNG TOI THO TROI 2

Nhân vật trong truyện ngắn TỜ VÉ SỐ  là một em bé, tên trong khai sinh là Sơn Bảo Tâm, tên thường gọi là Trung Bình. Sinh năm 2004. Địa chỉ Đường Phạm Hùng, k7, P8 . TP Sóc Trăng.

Em là con của một người cha Câm điếc. Mẹ đã bỏ nhà đi từ khi em mới 4 tuổi.
Em lớn lên nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm. và cha em đem vào chùa để xin cơm ăn mỗi ngày. Vì sự thiếu thốn nên em bị suy dinh dưỡng, năm nay 13 tuổi nhưng em chỉ cao bằng bé 7,8 tuổi mà thôi.
Tôi gặp  em từ những năm em còn bé, đến năm em  9 tuổi thì em cầu nguyện tiếp nhận Chúa, và từ đó em theo tôi (tôi là người phụ trách GIA ĐÌNH HƯỚNG ĐI SÓC TRĂNG, một Hội Thánh thiếu nhi)
Tôi giúp em đi học tới lớp hai, biết đọc, biết viết thì em nghỉ học đi bán vé số để phụ giúp cha.
Gần một năm qua tôi có việc riêng gia đình phải lên Sài Gòn ở, em Bình ở lại quê nhà bơ vơ, nhà cửa đã mục nát không có chỗ trú mưa nên tôi phải mang em theo với mục đích giúp em đi học nghề cắt tóc để sau nầy về quê có nghề nghiệp sinh sống.
Châm ngôn 19:17,
” Ai thương xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê Hô Va vay mượn
 Ngài sẽ báo lại việc ơn lành ấy cho người.”
Xin thưa cùng Hội Từ Thiện Hướng Đi và con cái Chúa gần xa, tôi mong  chúng ta cùng chung tay góp sức để xây dựng cho em được một mái nhà , bày tỏ được tình yêu của Chúa qua hành động của mỗi chúng ta, và danh Chúa được nhiều người biết đến.
t m
Tuyết Mai

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn