Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / CHỌN NGƯỜI LÃNH ĐẠO THUỘC LINH

CHỌN NGƯỜI LÃNH ĐẠO THUỘC LINH

Câu chuyện và bài học Cựu Ước hấp dẫn tôi luôn. Dù đó là câu chuyện của 1000 năm TC như thời vua Đa-vít cũng có những bài học sống động có thể áp dụng cho thời đại ngày nay.

da

Ngày nay hầu như nước nào cũng có Vua hay Tổng Thống, hay Chủ Tịch Nước. Nước Mỹ bầu Tổng Thống bốn năm một lần. Nước Trời cũng có Vua Trời và Ngài có luật pháp của Ngài cho Nước Trời. Chúa Giê-su bắt đầu chức vụ cứu người trên đất bằng cách loan báo: “Kỳ đã trọn, nước Trời đã đến gần, các ngươi hãy ăn năn và tin Tin Lành.” Thời gian thay đổi nhưng các nguyên tắc vẫn còn.

Vì Vua Trời là Đấng Tối Thượng nên chúng ta cần biết sự chỉ dẫn của Ngài khi chọn người làm vua ở trần thế nầy. Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời đang lập người nầy lên và phế bỏ người kia xuống. Chúa là Vua Trời. Ngài đang cai trị cả thế giới. Chữ chọn người làm vua ở đây có thể hiểu như là chọn người lãnh đạo trong vương quốc Chúa. Ngày nay Chúa đang chọn và đào tạo người cho vương quốc Ngài. Phao-lô hỏi: “Anh em há chẳng biết các thánh đồ sẽ phán xét thế gian sao?” (1 Cô-rinh-tô 6:2).

Trong bài học nầy, chúng ta sẽ suy nghĩ đến những tiêu chuẩn để Chúa chọn và dùng một người lãnh đạo. Làm sao để duy trì địa vị lãnh đạo bạn đang có hôm nay? Ai đang lãnh đạo bạn và bạn đang lãnh đạo ai? Hội Thánh Chúa đang cần thêm nhiều người lãnh đạo có tâm và có tầm. Có thể Chúa đang đào tạo bạn để trở nên người lãnh đạo Chúa muốn. Tôi nghĩ đến những nhà lãnh đạo như Môi-se, như Giô-suê, như Sa-mu-ên… và hôm nay mời bạn cùng tôi suy nghĩ đến cuộc đời của vua Đa-vít.

Đa-vít, con ông Gie-sê, (Kinh Thánh tiếng Việt dịch tên nầy là Y-sau) thuộc chi phái Giu-đa, là vị vua thứ hai của nước Israel, chứ không phải là vị vua thứ nhất. Trong lời chúc phước tiên tri của tộc trưởng Gia-cốp, chúng ta nghe ông tiên đoán trước rằng chi phái Giu-đa sẽ lên cầm quyền trên tất cả các chi phái của Israel. Xem Sáng Thế ký 49:8-12. Nhưng trong thời ông Sa-mu-ên lãnh đạo tinh thần, dân Israel đã không sẵn sàng chờ đợi thời điểm của Chúa và người Chúa chọn. Ông Sau-lơ thuộc chi phái Bên-gia-min, đã được chọn làm vị vua thứ nhất của Israel.  Dầu trước mắt mọi người Sau-lơ có đủ hết mọi tiêu chuẩn để làm nhà lãnh đạo, nhưng trước mắt của Chúa vua Sau-lơ là người thất bại.

Ngày nay chúng ta có thể học được nhiều bài học quý khi suy nghĩ đến gương để lại của những nhà lãnh đạo chính trị đầu tiên của dân Israel.

KHI DÂN CHÚNG BUỒN RẦU THAN THỞ VỀ TÌNH HÌNH

Khi dân Israel than thở trước gánh nặng người Ai-cập, Đức Chúa Trời sai Môi-se đến.

Khi dân chúng than thở trước sự áp bức của dân ngoại, Chúa sai đến các quan xét lãnh đạo.

Chúa chưa làm gì nếu Hội Thánh không cầu nguyện kêu la với Cha.

Nếu chúng ta chưa buồn rầu với hiện tình Hội Thánh thì Chúa chưa làm gì thay đổi Hội Thánh cả.

Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng: Ngươi buồn rầu về việc Sau-lơ cho đến chừng nào? Ta đã từ bỏ nó, hầu cho nó không còn làm vua trên Y-sơ-ra-ên nữa. Hãy đổ dầu đầy sừng của ngươi và đi. Ta sẽ sai ngươi đến Y-sai, người Bết-lê-hem; vì trong vòng các con trai người, ta đã chọn một người làm vua. Sa-mu-ên thưa rằng: Làm sao tôi đi đó được? Nếu Sau-lơ hay, thì sẽ giết tôi đi.

Xin hỏi Sa-mu-ên có quyền và có khả năng để lập vua và phế vua Israel không? Hãy suy nghĩ đến tâm tình của Sa-mu-ên, ông buồn rầu và không biết làm gì? Ông sợ uy quyền của vua Sau-lơ. Ông đã không làm gì được trước hiện tình đất nước.

saul

Dân Israel không theo chế độ quân chủ như các dân tộc xung quanh, mà là theo chế độ Thần chủ. Chính Đức Chúa Trời lập hay phế chức vụ lãnh đạo cao nhất của dân Israel. Hãy để ý Sa-mu-ên chỉ là công cụ Chúa dùng, Chúa dùng tay ông xức dầu cho người Chúa chọn. Chính Đức Thánh Linh cảm động, ban ân tứ lãnh đạo, quyền cai trị cho người Chúa xức dầu.

Hội Thánh Chúa xưa nay không giống tổ chức nào của thế gian. Chúa Thánh Linh vẫn tể trị Hội Thánh, Ngài có quyền lập hay phế người lãnh đạo Hội Thánh. Chúng ta phải hết sức khiêm nhường tìm biết ý Chúa. Sứ đồ Giăng khẳng định: “Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.” Đừng bắt chước thế gian, đửng làm theo thế gian.

Thật ra mọi giới cầm quyền xưa nay đều do Đức Chúa trời thiết lập mà chúng ta không biết. Viết cho Hội Thánh Rô-ma ở thủ đô Đế quốc La-mã, Phao-lô nói: “Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên ai chống cự quyền phép, tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối địch thì chuốc lấy sự phán xét vào mình.”

CHÚA CHỌN DÙNG NGƯỜI CÓ TẤM LÒNG ĐẸP LÒNG CHÚA

Dân Israel nhìn các dân tộc chung quanh và bắt chước dân ngoại. Dân Israel chọn một người để lãnh đạo họ thay thế cho ơn lãnh đạo của chính Đức Chúa Trời. Dân Israel chọn người lãnh đạo theo mắt thấy, theo kinh nghiệm cũ. Họ thấy Sau-lơ là một người Israel đẹp trai, cao lớn, có thân hình lực sĩ, oai phong. Ông mạnh và cao hơn dân chúng một cái đầu. Cả dân chúng và cả Tiên Tri Sa-mu-ên đều tôn trọng và kính phục Sau-lơ. Họ chọn và lập Sau-lơ lên làm vua Israel đầu tiên trong lịch sử lập quốc. Tiếc thay, đến năm thứ hai sau thời trị vì, vua Sau-lơ đã tỏ ra không xứng hợp với địa vị làm vua dân Israel nữa. Sa-mu-ên rất buồn rầu khi thấy Sau-lơ bị Chúa từ khước và biết Chúa muốn chọn một người khác để thay thế.

Sau-lơ là nhà lãnh đạo có quyền cao chức trọng nhưng ông đã không giữ được địa vị lãnh đạo của mình. Tại vì sao? Câu hỏi nầy liên quan đến tất cả những nhà lãnh đạo Hội Thánh ngày nay. Đây là câu hỏi Chúa dành cho tôi và bạn hôm nay. Làm sao để duy trì và phát triển chức vụ Chúa đang giao?

Tôi khám phá một điều căn bản đúng như lời Chúa dạy trong Châm ngôn 4:23, “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, Vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra.”

Khi Sa-mu-ên được Chúa sai đến nhà Gie-sê để xức dầu làm vua cho một người con trai của ông nầy, thì Sa-mu-ên rõ ràng cứ nghĩ vì vua Sau-lơ là người cao lớn oai phong nên vị vua tương lai được xức dầu cũng sẽ cao lớn oai phong như thế mới được.

“Khi chúng đến, Sa-mu-ên thấy Ê-li-áp, bèn thầm rằng: Quả hẳn, kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va đương ở trước mặt Ngài. Nhưng Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng: Chớ xem về bộ dạng và hình vóc cao lớn của nó, vì ta đã bỏ nó. Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (1 Sa-mu-ên 16:7).

Chúa cho chúng ta thấy tiêu chuẩn của Chúa khác hơn tiêu chuẩn của loài người, loài người chú ý đến bề ngoài, còn Chúa chú ý đến tình trạng của tấm lòng. Đây cũng là lý do thành công hay thất bại của cuộc đời những người trong cương vị lãnh đạo.

Đây chính là lý do Phao-lô đã nói đến trong Công Vụ 13:20-23, “Độ trong bốn trăm năm mươi năm; kế đó Ngài lập cho họ các quan đoán xét cho đến đời tiên tri Sa-mu-ên. Bấy giờ, dân đó xin một vị vua, nên Đức Chúa Trời ban Sau-lơ, con của Ki-sơ, về chi phái Bên-gia-min, trị họ trong bốn mươi năm; đoạn, Ngài bỏ vua đó, lại lập Đa-vít làm vua, mà làm chứng về người rằng: Ta đã tìm thấy Đa-vít con của Gie-sê, là người vừa lòng ta, người sẽ tuân theo mọi ý chỉ của ta.

Theo lời hứa, Đức Chúa Trời bèn bởi dòng dõi người mà dấy lên cho dân Y-sơ-ra-ên một Cứu Chúa, tức là Đức Chúa Giê-su.”

Rõ ràng là ý Chúa khác hơn ý người, đường lối Chúa khác hơn đường lối của chúng ta. Chúa tìm thấy các điều kiện cho người được chọn để làm vua và Ngài đã tìm thấy người đó trong Đa-vít. Người sẽ tuân theo mọi ý chỉ của Chúa là người Chúa chọn để làm vua.

Nên nhớ Đa-vít không phải là người hoàn toàn. Nhưng ông có ưu điểm vượt trội hơn người, nhưng ông là người hoàn toàn nương náu mình trong ơn thương xót của Chúa. Ông tin cậy Chúa hoàn toàn và có lòng tin đơn giản. Từ nhỏ đến lớn. Suốt cuộc đời ông. Ông là người dám đặt ý muốn của Chúa lên trên ý muốn của cá nhân. Ông là người biết đặt điều trước nhất lên trước nhất. Nói cách khác, đời sống Đa-vít là một đời sống vâng phục ý Trời hoàn toàn. Có khi ông phạm tội, và thất bại nhưng ông đã quay lại ăn năn và phó mình vào ơn thương xót của Chúa. Lòng của Đa-vít là lòng khiêm nhường của người quyết tâm sống đẹp lòng Chúa. Chính vì đó mà Chúa đã lập giao ước với ông đời đời.

Ta đã lập giao ước cùng kẻ được chọn của ta,
Ta đã thề cùng Đa-vít, kẻ tôi tớ ta, mà rằng:
Ta sẽ lập dòng-dõi ngươi đến mãi mãi,
Và dựng ngôi ngươi lên cho vững bền đến đời đời.

(Thi Thiên 89:3-4).

CHÚA ĐÀO TẠO NGƯỜI CHÚA DÙNG BẰNG KHỔ NẠN, KHÓ KHĂN

Đa-vít dù được chọn làm vua nhưng ông phài trải qua bao nhiêu khổ nạn, khó khăn trong hơn 10 năm. Ông Đa-vít được xức dầu năm 17 tuổi nhưng đến 30 tuổi mới chính thức làm vua. Vua Sau-lơ dù bị Chúa bỏ, Ngài vẫn cho ông ngồi trên ngai vàng cho đến 40 năm. Điều nầy thật lạ. Tôi suy nghĩ đến hai chữ “từ bỏ” và chữ “Chúa phó mặc.” Chúa nhẫn nại trước thời gian. Chúa biết sự đạo tạo nhân tài hữu dụng cần thời gian. Thời gian giúp chúng ta kinh nghiệm để làm xong việc Chúa giao. Chúa đào tạo Đa-vít trong việc chăn bầy nhỏ để ông có thể chăn dắt bầy lớn. Đa-vít đã đánh giết con sứ tử và con gấu đến phá bầy chiên nhỏ của ông và nhờ đó ông có thể giết được người khổng lồ Gô-li-át về sau.

NGƯỜI CHÚA DÙNG LUÔN BIẾT NGHỆ THUẬT CHỜ ĐỢI

Chúa không bao giờ vội vã. God is not in a hurry. Chúa có thời điểm của Ngài.

CHÚA DÙNG NGƯỜI THUỘC LINH, KHÔNG DÙNG NGƯỜI XÁC THỊT

CHÚA THẤY SỰ KHÁC NHAU GIỮA SAU-LƠ VÀ ĐA-VÍT

Hãy để ý vua Sau-lơ tưởng rằng Chúa nói giỡn khi Ngài bỏ ông và thay ông bằng người khác. Ông còn nghĩ sai khi tưởng rằng “xưa nay nhân định thắng Thiên cũng nhiều” bằng cách ra sức tiêu diệt người Chúa đã chọn để thế ông. Vua Sau-lơ không ngờ chính ông đã trở thành công cụ để đào tạo chức vụ cho vị vua tương lai của dân Israel. Trước hết, vua Sau-lơ đã triệu Đa-vít vào cung điện ở với ông để đàn hát, chọn ông làm phò mã, đưa Đa-vít đến gần hơn trong gia đình hoàng tộc, để tham gia chiến đấu trong quân đội, để học tập đời sống hoàng cung, để biết cách trị nước của triều đình. Sau-lơ không ngờ đã vô tình dành thời gian đào tạo, huấn luyện, chuẩn bị vị vua tương lai cho đất nước.

Có thể lắm trong năm đầu theo sau ngày xức dầu cho Đa-vít, chỉ có Sa-mu-ên và ông Gie-sê biết sự lựa chọn nầy. Trước mắt gia đình và dân chúng lúc bấy giờ, địa vị Đa-vít rất thấp kém vì ông phải lao nhọc làm việc tay chân của người chăn chiên cho gia đình. Nhưng đây là cách đào tạo của Chúa dành cho Đa-vít. Khổ nạn giúp chúng ta khiêm nhường. Thời bấy giờ chỉ có người đầy tớ trong gia đình mới phải làm việc chăn chiên, còn ở đây Đa-vít là con trai út trong gia đình có 8 người con trai thì một mình anh phải đi chăn chiên. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của Chúa, sự đào tạo của Chúa cho người được chọn làm vua đã bắt đầu rất nhỏ, rất ít.

“Ngài cũng chọn Đa-vít là tôi tớ Ngài,
Bắt người từ các chuồng chiên:
Ngài đem người khỏi bên các chiên cho bú,
Đặng người chăn giữ Gia-cốp, là dân sự Ngài,
Và Y-sơ-ra-ên, là cơ nghiệp Ngài.
Như vậy, người chăn giữ họ theo sự thanh liêm lòng người,
Và lấy sự khôn khéo tay mình mà dẫn dắt họ.”

Thi Thiên 78:70-71.

Ngày nay tôi học được bài học về cách lựa chọn và đào tạo người của Chúa. Chúa luôn luôn bắt đầu từ nhỏ đến lớn và từ ít đến nhiều. Chúa thích chọn người khiêm nhường để làm việc lớn. Tôi luôn luôn ngạc nhiên trước Chúa, trước thế giới do Chúa vận hành. Tôi suy nghĩ giữa Đa-vít với người con trai hoang đàng. Đa-vít bắt đầu rất khiêm nhường, người con đi hoang bắt đầu với gia tài rất lớn. Kết cuộc Đa-vít lên rất cao, còn người con hoang đàng trở lại rất nhỏ.

ra

Tôi suy nghĩ đến người “finish well” và những người “finish not well.” Hãy bắt đầu đẹp và kết thúc đẹp. Dù bắt đầu không đẹp nhưng chúng ta phải biết kết thúc tốt đẹp.

Trong thư 1 Cô-rinh-tô 1:26-29, Phao-lô đã ghi lại sự thực về những người Chúa chọn, những người bình thường như chúng ta:

“Hỡi anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng. Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh; Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời.”

Hãy để ý khi Thần của Chúa lìa khỏi Sau-lơ thì ác thần nhập vào ông, trong khi đó Thần của Chúa ngự trên Đa-vít và cảm động ông luôn từ ngày đó.

“Sa-mu-ên lấy sừng dầu, xức cho người ở giữa các anh người. Từ ngày đó về sau, Thần của Đức Giê-hô-va cảm động Đa-vít” (1Sa-mu-ên 16:13).

Kết quả thấy được trong đời sống người đầy dẫy Thánh Linh là người đó ca hát, làm thơ, viết tốt. Phân nửa các Thi Thiên được chọn lập trong Kinh Thánh là các tác phẩm cảm động, và biến đổi lòng người của vua Đa-vít.

Ngay từ khi còn trẻ Đa-vít đã tỏ ra những sắc thái đặc biệt của một người lãnh đạo xứng đáng. Khi vua Sau-lơ rơi vào tình trạng buồn thảm, chán nản và đi tìm người có thể giúp ông thoát cơn sầu thảm, buồn chán thì Đa-vít là người được chọn. Một cận thần của vua Sau-lơ đã có lời chứng thật quý về thanh niên Đa-vít,

“Một người trong vòng tôi tớ cất tiếng nói rằng: Nầy tôi đã thấy một con trai của Y-sai, người Bết-lê-hem; nó gảy đàn hay, một người chiến sĩ mạnh bạo, ăn nói khôn ngoan, và mặt mày tốt đẹp; Đức Giê-hô-va ở cùng người” (1 Sa-mu-ên 16:18).

Đây là người có tiếng tốt. Tốt cả trước mặt mọi người. Đa-vít là người có tài âm nhạc, (có năng khiếu âm nhạc), có tài ăn nói khôn ngoan (giỏi rành ngôn ngữ, văn chương), có tài chiến đấu mạnh mẽ (võ nghệ cao), mặt mày tốt đẹp (khỏe mạnh thể xác) và nhất là “Chúa ở cùng người.”

Điều kiện Chúa ở cùng người là tốt nhất, tối ưu, không có gì bằng.

Là một vị vua Đông Phương, Sau-lơ có đủ mọi đặc quyền, đặc lợi, nói là người dân phải vâng lời. Tiếc thay chỉ vì tấm lòng kiêu ngạo, thiếu khiêm nhường mà ông đã không giữ được ngai vàng. Sau-lơ luôn thù nghịch với Đa-vít còn Đa-vít thì không bao giờ muốn trả thù. Đa-vít có bao nhiêu cơ hội để giết Sau-lơ nhưng ông cương quyết không tra tay vào người Chúa xức dầu. Đối với Đa-vít, Sau-lơ là vua đương nhiệm.

Một điều khác mà tôi để ý là Đa-vít đã có ý chí tự lập ngay từ nhỏ, ông không chịu mặc áo giáp của Sau-lơ trao và chỉ muốn đắc thắng bởi đức tin. Đa-vít có phần riêng, và ông áp dụng phần riêng của mình để hiệp tác.

Một người có quyền lớn nhất là người sụp đổ nặng nhất. Giống như cây cổ thụ mà ngã xuống thì tiếng ngã vọng ra càng lớn. Chúa không vội để hạ người kiêu ngạo xuống, Chúa cũng không vội để nâng một người khiêm nhường lên. Chúa dùng nhiều thời gian để đào tạo người của Ngài. Tôi kinh nghiệm điều nầy trong cuộc đời của tôi. Càng già tôi càng kính sợ Chúa hơn vì Chúa vẫn là Vua muôn vua, Chúa muôn chúa. Ngài không hề thay đổi.

CHỈ NGƯỜI THUỘC LINH MỚI THẮNG ĐƯỢC NHỮNG TÊN KHỔNG LỒ TRONG DỜI SỐNG.

Đa-vít là người tin Chúa thật và ăn năn thật.

TẤM LÒNG ĐA-VÍT PHẢN ÁNH TẤM LÒNG CỦA CHÚA GIÊ-SU

CHÚA GIÊ-SU YÊU CHA VÀ HẾT SỨC MUỐN LÀM THEO Ý CHA. Chúng ta có yêu Chúa và hết sức muốn lam theo ý Chúa không?

Tấm lòng của một người ảnh hưởng đến đời sống người đó trên thế giới ngày hôm nay. Tấm lòng của một người cũng ảnh hưởng đến số phận của người đó trong tương lai.

Tôi nhớ lời Chúa dạy: “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra.” Hãy suy nghĩ đến tấm lòng của Đa-vít đối với chính mình, các anh em, con cái, gia đình, thân nhân và cả dân chúng. Đa-vít là một tấm gương lớn cho mỗi người chúng ta.

Hãy để ý đến thái độ của Đa-vít trước Sau-lơ là người ghen tị, luôn tìm mọi cách để tiêu diệt Đa-vít. Đa-vít đã không cố trả thù. Đa-vít đã không hề giơ tay ra làm hại Sau-lơ. Đa-vít luôn sống khiêm nhường và chờ đợi Chúa. Chúa có thời điểm tốt nhất. Hãy suy nghĩ đến năm 30 tuổi Đa-vít mới lên ngôi mặc dầu ông được Chúa xức đầu từ thời niên thiếu khoảng 15 hay 17 tuổi. God is not in a hurry! Chúa không vội vã!

Chính những Thi Thiên có giá trị hay nhất là những Thi Thiên được sáng tác trong lúc khó khăn nhất, đáng lo sợ nhất trong cuộc đời Đa-vít.

Hãy cùng tôi đọc hết cả Thi Thiên 23:

Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.
Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi
Dẫn tôi đến mé nước bình tịnh.
Ngài bổ lại linh hồn tôi,
Dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài.
Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết,
Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi:
Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi.
Chúa dọn bàn cho tôi
Trước mặt kẻ thù nghịch tôi;
Chúa xức dầu cho đầu tôi,
Chén tôi đầy tràn.
Quả thật, trọn đời tôi
Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi;
Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va
Cho đến lâu dài.

Hãy để ý những ngày trước khi Đa-vít lên ngôi vua.

-Đa-vít chiến thắng Gô-li-át.

-Đa-vít và bài ca của các thiếu nữ Do Thái.

-Tình bạn của Đa-vít và hoàng tử Giô-na-than.

-Những ngày Đa-vít chạy trốn sự truy đuổi của vua Sau-lơ.

-Ngày Đa-vít và đồng bọn bị cướp sạch và mất hết.

Hãy để ý đến Đa-vít trong cả những ngày khi ông làm vua Israel.

-Đa-vít đi nhà thờ để cầu nguyện.

-Đa-vít dâng tiền cho Chúa.

-Đa-vít chuẩn bị xây đền thờ cho Chúa.

-Đa-vít chạy trốn cuộc nổi loạn trong hoàng cung.

Với biết bao sự kiện và bài học của một đời người.

Hãy đế ý đến cuộc đời Đa-vít đối với cả nhân loại hôm nay.

MỘT NGƯỜI SỐNG ĐẸP LÒNG CHÚA là nhận xét của Chúa đối với một người.

MỘT NGƯỜI SỐNG ĐẸP LÒNG CHÚA là ước mơ tôi muốn Chúa nhận xét về tôi.

IN GOD WE TRUST là một khẩu hiệu hay nhất chúng ta có thể diễn tả về cuộc đời của vua Đa-vít.

IN GOD WE TRUST là nguyện vọng của tất cả những người tin Chúa, theo Chúa và hầu việc Chúa trên khắp thế giới hôm nay.

IN GOD WE TRUST hay CHÚNG TÔI THỜ TRỜI là khẩu hiệu tôi đang dùng để truyền bá Tin Lành cho người Việt Nam.

Để kết luận bài học nầy tôi xin hỏi bạn một câu hỏi: Bạn sẽ chọn ai là Vua trong đời sống mình?

Chúa Giê-su đã dạy:

“Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa.”

Chúa Giê-su có đang ngồi trên ngai lòng của tôi và của bạn hôm nay?

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

VIETNAMESE MISSIONARY INSTITUTE   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn