Thứ Năm , 14 Tháng Mười Một 2024
Home / Giới thiệu sách / NIỀM TIN CỦA NGƯỜI VÔ THẦN?

NIỀM TIN CỦA NGƯỜI VÔ THẦN?

NIỀM TIN CỦA NGƯỜI VÔ THẦN
Nguyên tác: FAITH FOR THE NON-RELIGIOUS
Tác giả: Michael Green
🙂

images

Ban biên tập huongdionline giới thiệu với bạn đọc một tác phẩm biện giáo của Michael Green.  Qua từng chương sách, tác giả giúp chúng ta thấy rõ hơn về những chủ đề thần học. Sách này cũng rất hữu ích cho các sinh viên Trường Kinh Thánh và tất cả những ai quan tâm đến đề tài này.

 

MỤC LỤC
1. From the author – Tác giả giới thiệu
2. I’m not the religious sort – Tôi không phải người mộ đạo
3. You can’t believe in God these days – Thời nay bạn không thể tin vào Chúa
4. All religiouns lead to God – Mọi tôn giáo đều hướng đến Chúa
5. Jesus was just a good man – Giê-su chỉ là một người tốt mà thôi
6. It doesn’t matter what you believe, so long as you are sincere – Bạn tin gì không quan trọng, miễn là thành tâm
7. I do my best. No man can do more – Tôi đã làm điều tốt nhất, không ai làm hơn thế được
8. Nothing can alter the past – Quá khứ không thể thay đổi
9. When you are dead, you are dead! – Chết là hết
10. You can’t change human nature – Bản tính con người không thể thay đổi
11. To the reader – Gởi đến bạn đọc.
Further Reading – Đọc thêm

Christianity-relationship-not-religion
NIỀM TIN CỦA NGƯỜI VÔ THẦN
Chương 1.
Tâm tình của tác giả

Nếu tôi gọi chương này là “Lời nói đầu” hay “Lời tựa” chắc chắn các bạn sẽ bỏ qua phần này. Nhưng tôi muốn các bạn đọc phần này. Đây là một phần rất quan trọng, nó giúp chúng ta biết điều mà cuốn sách này muốn đề cập tới.
Một điểm đáng chú ý…
Trong những năm gần đây tôi đã có cơ hội được đến thăm nhiều quốc gia tại Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Bắc Mỹ và Úc Châu. Tôi đã tiếp xúc rất nhiều người với những hoàn cảnh, màu da và nền giáo dục khác nhau để tìm hiểu các quan điểm cơ bản của họ đối với cuộc sống. Có thể các bạn nghĩ rằng những quan điểm đó rất khác biệt về hầu hết các vấn đề thì đúng là như vậy. Nhưng có một chủ đề mà tất cả mọi người đều có một điểm chung đáng chú ý: Khi tìm hiểu con người nghĩ gì về bản chất con người và tôn giáo, nguồn gốc của con người cùng số mệnh, có thể có sự tha tội hoặc sự sống sau cái chết – người ta thường có xu hướng đưa ra cùng một câu trả lời, bất kể dù họ đến từ Paramatta hay ở Portsmouth. Thoạt tiên những điểm chung như vậy rất đáng khích lệ, khi mà Liên Hiệp Quốc hiếm khi đồng thuận về một điều nào đó thì thật là bất ngờ con người khắp thế giới lại có xu hướng suy nghĩ giống nhau trước những câu hỏi cơ bản về sự sống. Tuy nhiên, tôi lại không quá ấn tượng với sự đồng thuận hiển nhiên này.
… nhưng nông cạn
Một lý do mà nó nông cạn: Khi bắt đầu câu hỏi về tôn giáo, một người nào đó sẽ trả lời, “Ồ, mọi tôn giáo đều hướng đến Chúa”, chín phần mười là người đó hầu như chẳng biết gì về nền tảng tôn giáo của mình, cả những người khác cũng như vậy. Khi anh ta nói, “tôi không phải là người sùng đạo”,bạn có thể hoàn toàn tin chắc rằng anh ấy chưa hề tìm hiểu gì về việc có hay không những người sùng đạo, và nếu có thì họ là người như thế nào? Khi người ấy nói, “Chúa Giê-su chỉ là một giáo sư vĩ đại không hơn không kém”,thật là lạ khi anh ta chưa bao giờ kiểm chứng những lời phán của Chúa Giê-su, hay những bằng chứng cho những lời phán ấy. Khi bạn nghe một người nói, “tôi đã làm hết sức có thể – không ai có thể làm tốt hơn được”, một điều chúng ta có thể tin chắc là anh ấy chưa làm hết sức mình (ai trong chúng ta đã làm hết mình?), mặc dầu vậy anh ấy đã không trung thực để thừa nhận việc đó.
Vậy nên đó là lý do tôi không quá ấn tượng với những phản hồi thiếu suy nghĩ, vì nó thật rất nông cạn. Đơn giản họ cho thấy rằng con người nói chung chấp nhận không nghĩ đến những vấn đề thật sự quan trọng về sự sống và cái chết. “Tôi không có thời gian dành cho tôn giáo” là lời của một doanh nhân giàu có để ra một giờ đồng hồ mỗi ngày theo đuổi thị trường chứng khoán. Nhưng nếu thực sự có Đức Chúa Trời, nếu có thiên đàng, nếu có sự tha tội, thì đó thật là một thái độ thiển cận! Một người đầu tư khôn ngoan và cẩn thận vào cổ phần của mình trên sàn chứng khoán cũng có thể ngây thơ một cách tội nghiệp và kém cỏi khi đầu tư vào sự sống vĩnh hằng.
… và người chạy trốn thực tại
Còn có một lý do nữa khiến tôi không ấn tượng với những câu trả lời thông thường về tôn giáo đã nhận được ở tất cả những nơi tôi đến. Chúng không chỉ nông cạn, để lộ một sự thiếu suy nghĩ: nhưng chúng còn thểhiện một sự lẫn tránh, không sẵn sàng đối diện với những bằng chứng về Chúa. Khi hỏi về quan niệm cơ bản của sự sống, rất nhiều điều đã được phát biểu và có thể cô đọng lại trong những câu trả lời mà tôi sẽ khảo sát trong các chương sau. Điều đáng lo là nó không những nông cạn mà còn thiếu thành thật.
Câu phương châm “không quan trọng bạn tin gì miễn thành tâm là được” sẽchẳng bao giờ áp dụng vào một lĩnh vực nào khác ngoại trừ tôn giáo. Ngườinói lên phương châm ấy có thể nghĩ rằng mình đã thẳng thắn khi phát biểu một câu như vậy, nhưng thực chất anh ta không như vậy đâu. Ý của người đó là anh ta sẽ không chịu khó tìm hiểu lẽ thật Cơ Đốc Giáo hay bất kỳ tôn giáo nào cả – có thể bởi vì anh ta nghĩ nó không đủ quan trọng, có thể vì anh ta sợ sẽ bị vạch trần, hoặc bị thử thách, hoặc bị lôi kéo. Dù ý kiến của anh tanghe có vẻ tốt và phóng khoáng nhưng rất có thể trong tâm trí anh ta chỉ là một người lẩn trốn thực tại.
Các bạn thấy đấy, đó là lý do vì sao tôi không hài lòng với những điểm chung phổ biến về những niềm tin căn bản như vậy. Nó vẫn thể hiện sự thiếu suy nghĩ và tránh né. Đây chính là thuyết bất khả tri, không muốn tìm biết sự thật nếu câu trả lời cần phải chứng minh rõ ràng. Vậy ngay từ đầu quyển sách nhỏ này, tôi muốn yêu cầu các bạn phải có những ý tưởng khác biệt.
Kêu gọi sự trung thực…
Bạn sẽ đứng dậy khỏi đám đông và suy nghĩ cho chính mình? Bạn sẽ dũng cảm để nghiên cứu các bằng chứng về Chúa và tự hỏi mình rằng tôi cảm thấy thế nào về những giả định về Chúa và ý nghĩa của những giả định ấy, về sự sống và cái chết, điều mà bạn đã sống cùng với nó cho đến ngày hôm nay? Liệu những điều đó sẽ đem đến gánh nặng cuộc sống và tương lai của bạn? Sau cùng, đây chính là những vấn đề cơ bản. Sự khác biệt vô cùng to lớn giữa việc có hay không có Chúa; Ngài đã bày tỏ chính Ngài hay không; Ngài chấp nhận chúng ta hay không; chúng ta có một tương lai sau cái chết hay không? Nó đơn giản không phải để chúng ta tránh né, lặp lại những lời của ai đó như một con vẹt, và từ chối xem xét những bằng cớ đứng vững trước kiểm nghiệm thực tế. Kinh Thánh Cựu Ước có những câu rất sắc bén để nói về bản chất con người: “lấy sự nói dối làm nơi nương náu; mưa đá sẽ hủy diệt nơi ẩn náu bằng sự nói dối” (Ê-sai 28: 15, 17). Nơi ẩn náu của các bạn có giống như vậy?
Một trong những mánh lới quảng cáo của một công ty bảo hiểm nổi tiếng kia là hình một mái nhà với cụm từ “Nơi trú ẩn cho cuộc sống”. Bạn đã có một mái nhà để bảo vệ bạn khỏi những trận mưa đá? Kinh Thánh Tân Ước (Ma-thi-ơ 7:24) ghi lại sự đối lập giữa một người xây nhà trên đá và một người xây nhà trên cát: cả hai ngôi nhà đều hứng chịu mưa sa, gió lay và lũ lụt nhưng chỉ có ngôi nhà xây trên đá là có thể chịu nổi sự tấn công dữ dội. Phải chăng bạn đang xây nhà trên cát?
Tôi đã thu thập ở đây một số các giả định phổ biến nhất về những vấn đề quan trọng hàng đầu của cuộc sống. Có thể bạn sẽ nhận thấy mình có một hoặc vài điều nào đó. Rất tốt, vậy hãy bắt đầu với chương ấy ngay và xin bạn hãy tự hỏi có phải giả định được đưa ra có nền tảng vững vàng hay giả định đó là sai? Về phần tôi, tôi xin thành thật ngay từ đầu. Đối với tôi những giả định ấy thoạt nghe thì rất tốt, nhưng chúng đều không tốt. Chúng là những sự sai lầm nguy hiểm và không cung cấp một nền tảng đúng đắn cho cuộc sống. Còn bạn, bạn sẽ thành thật ngay từ đầu? Dù bạn “không phải là người sùng đạo” bạn vẫn có thể có một loại đức tin nào đó. Hãy gạt qua một bên những định kiến; hãy kiểm nghiệm các bằng chứng về Chúa; và hãy chuẩn bị cho sự thay đổi nếu bạn được thuyết phục rằng những giả định của bạn không vững vàng. Những vấn đề này thật sự quan trọng đối với tất cả chúng ta. Không có chỗ đứng cho những suy nghĩ nông cạn hay hành động lẫn tránh khi chúng ta cùng nhau kiểm chứng chúng.
Chương 2

TÔI KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI SÙNG ĐẠO

Người sùng đạo
“Không, thưa Mục sư, xin hãy đi và nói chuyện với người khác. Tôi e rằng tôi không phải là người sùng đạo.” Đó là điều rất thường nghe thấy từ nhiều người, và tôi cảm thông với họ. Cụm từ “người sùng đạo” gợi lên trong ta một cảm giác nào đó rùng mình, nữ tính và ướt át. Tôi nghĩ đến một doanh nhân đeo cà-vạt đen dự đám tang của một người đồng nghiệp. Anh ta cố gắng bắt chước “người sùng đạo” trong nửa giờ đồng hồ, và rồi anh ta vội vàng không kịp thở bước ra khỏi buổi lễ để châm một điếu thuốc lá và trở lại trạng thái bình thường. Tôi nghĩ đến một nhà thờ vùng quê với sáu người và một Mục sư, không kể một hai con dơi thường bay lượn bên trong, trong khi đó những người khác tụ tập ở quán rượu ven đường để tận hưởng buổi tối vui vẻ cùng nhau. Nhà thờ hả? Không phù hợp với họ đâu, xin cám ơn; họ không phải là những người sùng đạo. Một số người khác có thể khá hơn, tâm trí họ lạc hướng đến một giáo đường rộng lớn trong một dịp lễ nào đó: những người thổi kèn, rước nến, ban hợp xướng, những cây nến, và những bộ áo lễ đắt tiền. Buổi lễ được cử hành một cách hoàn hảo đến nỗi dường như không ai muốn nói: “Tôi không phải là người sùng đạo.”
Bây giờ hãy xem hai ví dụ rất khác nhau về “đạo.” Đầu tiên là trên sóng truyền thanh với chương trình lễ hằng ngày và một nhóm các ca sĩ giống như chuyên nghiệp: đạo phát qua sóng truyền thanh không hấp dẫn ngay cả lúc thuận lợi nhất. Một ví dụ khác tại một sân vận động lớn, một nhà truyền giáo đang kêu gọi người ta bước lên phía trước để được tư vấn: dường như đó đơn thuần chỉ là một trò chơi trên các cảm xúc tôn giáo – và “tôi không phải là người sùng đạo” trở thành câu nói trên cửa miệng của nhiều người.

Đạo đức giả
Tại sao chúng ta không ưa “loại người sùng đạo?” Đó chẳng phải là vì chúng ta đánh đồng tôn giáo với đạo đức giả hay sao? Có một lịch sử rất lâu dài về việc này. Trong thời tiên tri Ê-sai, thế kỷ thứ tám trước Chúa, người ta dâng lên Chúa đủ loại của lễ, nhưng tấm lòng của họ thì cách xa Chúa. Trong thời của Chúa Giê-su, nhờ vào sự đạo đức giả mà những thầy thông giáo và người Pha-ri-si được tiếng tốt. Chắc hẳn nhiều người trong số họ hoàn toàn thành thật. Tuy nhiên, một vài người cố cầu nguyện thật dài để người khác ấn tượng; họ khoa trương khi bố thí để người ta thấy họ thật rộng rãi; họ phô diễn kiến thức Kinh Thánh để làm người khác hổ thẹn. Bên ngoài thì tỏ ra mộ đạo nhưng bên trong thì mục nát, thật là một sự pha trộn đáng kinh tởm. Đức Chúa Giê-su đã lên án một số người theo Ngài vì họ cũng giả hình giống như vậy. Họ khiến Chúa nhớ đến những ngôi mộ tô trắng nổi bật trên các sườn đồi bên mặt nước xanh biếc của biển hồ Ga-li-lê. Những ngôi mộ bề ngoài trông thật đẹp, nhưng bên trong thì hôi hám bẩn thỉu, đầy sự thối rữa và xương người chết.
Mối liên hệ giữa tôn giáo và đạo đức giả đã không ngừng ở đó trong thế kỷ thứ nhất. Hãy nghĩ đến đạo đức giả trong những ngày rất “đạo” thời Victoria: sự đồi bại vô luân tràn lan, tình trạng bóc lột tồn tại song hành với việc tuân theo các lễ nghi tôn giáo một cách tỉ mỉ. Dù đúng hay sai, rất nhiều người nghi ngờ số lượng người tham dự lễ tại nhà thờ là đạo đức giả: họ là những người da trắng ở Rhodesia, Nam Phi, và tầng lớp trung lưu ở Hoa Kỳ. Phải chăng đây là một loại chính sách bảo hiểm để bảo vệ chế độ của chính quyền đương thời khỏi sự xâm nhập của người da màu và Chủ Nghĩa Xã Hội? Tôi không biết. Nhưng điều tôi biết đó là rất nhiều người quả quyết một cách mãnh liệt rằng họ không phải là người sùng đạo bởi vì họ ghét đạo đức giả, và họ cảm thấy nó gắn liền với tôn giáo theo một cách nào đó.

Ăn xin?
Liên hệ mật thiết với tôn giáo đó là sự xin xỏ. Không ai trong chúng ta thích gặp người ăn xin cả. Họ khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, quả thật chúng ta cảm thấy mình “bị bắt lấy.” Nhưng tôn giáo có tổ chức lại mang hình ảnh của người ăn xin. Bạn đã đi qua bao nhiêu nhà thờ với một ghi chú bên ngoài mời gọi bạn bảo vệ cho tòa nhà cổ ấy? Bao nhiêu thánh đường bạn đã bước vào có ghi chú bên trong cho bạn biết mỗi phút tốn bao nhiêu tiền để vận hành nó? Và rồi xuất hiện các chợ từ thiện, những trò chơi bingo, các buổi quyên tiền từ nhà này sang nhà khác, các chiến dịch, và tất cả các mẹo quảng cáo gây quỹ khác. Các nhà thờ luôn luôn dòm ngó túi tiền của bạn. Chúng ta thì rất cảnh giác với những ai để mắt đến túi tiền của mình. Nói cách dễ hiểu chúng ta không phải là người sùng đạo.
Tôi tiếp nhận tất cả những điều này. Thật vậy, đó là lý do vì sao ngay từ đầu tôi rất đồng cảm với những người nói rằng họ không phải là người sùng đạo. Tuy nhiên tôi nghĩ họ đã sai trong chuyện này.

Làm sáng tỏ.
Đầu tiên, tôi xin làm sáng tỏ những chống đối hợp lý về người sùng đạo như đã được nêu lên. Đúng là có rất nhiều điều không tốt đã được thực hiện mang danh tôn giáo. Vậy có những điều mang danh y học, nhưng nó không có nghĩa chúng ta không đi đến bác sĩ. Cũng có rất nhiều điều tốt được làm dưới danh tôn giáo: nhưng bấy nhiêu đó không khiến tôn giáo là đúng đắn. Chỉ có một câu hỏi đúng đắn cho người chính trực: tôn giáo có phản ánh chân thật về thế giới và con người? Nếu có, tôi sẽ cần tôn giáo, tuy nhiên rất nhiều điều xấu đã tìm chỗ trú ẩn dưới chiếc ô tôn giáo. Tôi chỉ muốn quăng ra ngoài mưa những điều xấu, chứ không muốn mở chiếc dù ra che cho nó.
Hoàn toàn đúng khi một số diễn đạt về tôn giáo rất gần với sự nôn mửa – xin luôn luôn nhớ rằng điều khiến người này buồn nôn lại là nguồn vui thích đối với người khác. Cá nhân tôi thường rất nhanh chán với các chương trình lễ của các nhà thờ lớn trên kênh truyền thông BBC. Những người khác thì cảm thấy khó chịu với những buổi cầu nguyện, các buổi truyền giảng lớn, hay các lễ Cầu Nguyện Buổi Sáng theo truyền thống của Anh Giáo. Tôi không hề nghi ngờ trong những người đi nhà thờ có nhiềuđiều không thành thực, và tôi cũng không hề nghi ngờ một số nhà truyền giáo cố gắng tạo áp lực tâm lý một cách bất chính. Nhưng một lần nữa, hãy quay lại với những sự thật căn bản về Chúa. Những điều ấy có thực sự xảy ra hay không? Chúa Giê-su có phải là Con Trời hay không? Ngài có sống lại từ cõi chết hay không? Nếu có, tôi có thể đủ sức để rộng mở lắng nghe những điễn đạt về tôn giáo mà tôi không thích chút nào. Nếu không thì toàn bộ những câu chuyện về Chúa chỉ là rác rưởi, đó chỉ là một dạngthoát ly thực tế mà tôi không có thời gian để tham gia.
Về sự giả hình và xin tiền, những điều này không nên giữ chân chúng ta lâu. Bởi vì có những đồng tiền giả, nhưng điều đó cũng không khiến bạn không sử dụng tiền thật chứ? Thật vậy, nếu không có tiền thật thì không ai lại bận tâm làm tiền giả cả. Vậy nên sự giả hình trong vòng những người theo đạo không phải là lý do để chúng ta bác bỏ đạo. Thay vào đó điều này nên ám chỉ rằng có một phiên bản thật và những bản sao giả. Hãy xem Chúa Giê-su trong các sách Phúc Âm. Trong Ngài không có chút đạo đức giả. Ngài là người đầu tiên lên án đạo đức giả trong những người khác. Và chính Chúa Giê-su là Đấng chúng ta thiết lập mối liên hệ. Bước đi theo Ngài có nghĩa là đi theo một người lên án đạo đức giả và không hề can dự vào việc đó. Chỉ vì một vài môn đệ của Ngài đã thất bại trong việc này, sẽ không làm bạn bỏ cuộc bước đi theo Ngài.
Về vấn đề thu nhận tiền, tôi nghĩ nhà thờ đáng nhận hình ảnh xấu của mình. Nhà thờ đã tạo nên một cảm tưởng lúc nào họ đi ra cũng vì tiền. Thay vào đó thà họ công bố họ đã tìm được kho báu vĩ đại trong Đức Chúa Giê-su Christ, và không giống như những kho báu khác, kho báu Chúa Giê-su là miễn phí. Chúa Giê-su luôn luôn khiến những người theo Ngài thấy rõ rằng bước vào Vương Quốc Đức Chúa Trời, hoặc Bữa Tiệc Chiên Con, hoặc mối quan hệ bằng hữu với chính Chúa (cả ba cùng nói về một điều) là hoàn toàn miễn phí, cho người da trắng và da đen, người Do Thái và người ngoại, kỵ nữ và những người Pha-ri-si. Miễn phí. Nhưng Ngài cũng dạy rằng cuộc sống trong Vương Quốc phải trả giá đắt. Bạn sẽ phải trả bằng tất cả những gì bạn có, cũng như Ngài đã phải trả giá tất cả những gì Ngài có. Chính vì vậy mà nhà thờ đúng khi nói với các tín hữu rằng họ nợ Đấng Christ rất nhiều thời gian, tiền bạc và tài năng. Nhà thờ sai khi đòi hỏi những người không phải là tín hữu tin kính của họ phải thực hiện những việc của một tín hữu tin kính. Sự rộng lòng chấp nhận của Đấng Christ đối với bất kỳ người nào đến với Ngài mới chính là thông điệp chủ yếu mà con người có thể hiểu được. Nếu họ không nghe được thông điệp ấy, đó không phải vì Đấng Christ đã thay đổi quan điểm của Ngài, mà vì Hội Thánh không trung tín với lời dạy và noi gương Ngài.
Vậy nếu vấn đề về tiền bạc này làm bạn khó chịu thì hãy quên nó đi. Đức Chúa Giê-su là Đấng mà chúng ta tìm kiếm. Và Ngài không bao giờ đi quyên góp từ những người ghé vào dự đám tang người lạ. Ngài không bao giờ đặt một thùng tiền bên ngoài nhà hội tại thành Na-xa-rét xin những người không phải là hội viên hỗ trợ tài chánh. Nếu Hội Thánh không noi theo gương Chúa Giê-su, rất nhiều điều tồi tệ sẽ đến. Đừng để những điều ấy ngăn cản bạn tìm kiếm Đấng năng quyền nhất thế gian này, đó chính là Đức Chúa Giê-su.
Tôi hy vọng là đã làm sáng tỏ những khuất mắt. Bây giờ tôi muốn hỏi một vài câu hỏi đúng vào vấn đề cho những ai đang giấu mình đằng sau câu nói “Tôi không phải là người sùng đạo.”

NGƯỜI SÙNG ĐẠO?
Đầu tiên tôi xin hỏi bạn, bạn có thể chân thành trả lời có hay không loại người sùng đạo? Đừng ngụy tạo thể loại người ấy bao gồm người có cung cách như đàn bà, người về hưu, và người đầu óc lẫn thẫn. Tôi có thể kể ra một số người trong nhà thờ của chúng ta, họ có thể là: thầy thuốc phụ khoa, công nhân nhà máy, quản lý thư viện, người làm vườn, chủ ga-ra, thợ xây, kiến trúc sư, kỹ sư, người đã tìm gặp Chúa trong tù, luật sư, nhà bác học nguyên tử, giảng viên đại học, người làm phúc lợi, hàng trăm sinh viên (đại đa số đang theo học các ngành khoa học), những người đến từ I-ran, Ấn Độ, Sri Lanka và Rhodesia, Nam Phi (da trắng và da đen) và Hoa Kỳ, Canada, Thụy Điển, Đức, Hồng Kông, Nhật Bản, Úc, Kenya, Uganda, Sudan, Nigeria… Họ có những điểm khác biệt trong quan điểm, hoàn cảnh sống, nền giáo dục, tính cách, tuổi tác, sở thích, tất cả mọi điều, sự khác biệt ấy lớn đến nỗi thật lố bịch nếu xếp tất cả họ vào một thể loại người sùng đạo. Những Cơ Đốc Nhân này không chỉ có một dạng: họ là tất cả mọi dạng người – người hướng ngoại và hướng nội, người mạnh mẽ và người yếu đuối, người lớn tuổi và trẻ tuổi, người da trắng và da đen. Họ rất khác biệt nhưng có một điểm chung thống nhất, và điểm chung ấy mạnh như thép: Đức tin nơi Chúa Giê-su Christ.
Đây là một ví dụ mà tôi nghĩ đến. Một vài ngày trước tôi nhận được một bức thư từ một nhà báo làm cho Tạp chí Thời đại. Người ấy kể cho tôi rằng anh nguyên là thủ quỹ của Hội Nhân Văn Oxford. Anh đã tin Chúa vào năm 1966 nhờ sự bắt phục của Chúa Thánh Linh, Đấng hiện diện trong đời sống người tiền nhiệm của tôi, quản nhiệm Nhà thờ St. Aldate. Hiện tại anh đang dấn thân vào công việc Chúa tại Hồng Kông, và anh không chỉ kinh nghiệm sự trưởng thành sâu sắc trong đời sống mình mà còn dẫn dắt một số lượng lớn những người khác đến với Đấng Christ, Đấng mà anh đã từng chối bỏ trong quá khứ nhưng hiện đang sống trong anh. Có thể nào bạn nói một người như vậy là hạng người sùng đạo? Có thể nào bạn nói những môn đồ đầu tiên của Chúa Giê-su là người sùng đạo? Có lẽ một người bí ẩn như Giăng là người như vậy, nhưng còn những tay đánh cá vạm vỡ và trung thành với lời thề như Anh-rê và Phi-e-rơ thì thể nào? Thế còn những chiến sĩ tranh đấu cho tự do như Giu-đa Ích-ca-ri-ốt và Si-môn Xê-lốt? Những người chỉ muốn gom về nhiều tiền như Ma-thi-ơ? Những tay nghiện rượu và đồng tính tại thành Cô-rinh-tô mà sau này đã trở thành Cơ đốc Nhân? Còn những tên trộm cắp và thuật sĩ tại thành Ê-phê-sô? Thật là lố bịch khi cho rằng những người theo Chúa Giê-su là hạng người sùng đạo.

Niềm tin phi tôn giáo
Xin đừng để việc bạn không ưa thích tôn giáo khiến bạn không đến với Chúa Giê-su. Theo một nghĩa thật sự thì Chúa Giê-su đến để phá bỏ tôn giáo. Dietrich Bonhoeffer, một người Đức tử đạo, đã không hề chơi chữ khi ông đưa ra thành ngữ “Cơ đốc Giáo phi tôn giáo”. Thành ngữ này mô tả chính xác bản chất của Cơ đốc Giáo. Nó không phải là sự nỗ lực của người có đời sống tốt để làm đẹp lòng Chúa và đạt được một chỗ ở trên thiên đàng. Nhưng đó chính là sự giáng sinh của Chúa trong tình yêu thương và Ngài đến trần gian để tìm kiếm những con người mà có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ tìm kiếm Ngài. Ngài dang rộng vòng tay với họ trên cây thập tự và nói: “Hãy đến với ta, chúng ta sẽ cùng chia sẻ sự sống.” Không phải là một tôn giáo, nhưng là một sự giải thoát. Đó là lý do những Cơ đốc Nhân đầu tiên lại rất thích nhấn mạnh rằng họ không có đền thờ, không có bàn thờ, không có thầy tế lễ trung gian. Họ không có một tôn giáo theo nghĩa thông thường được chấp nhận, vì vậy mà người La Mã gọi họ là “người vô thần”. Thay vào đó, họ có một Đấng biết rõ họ, yêu thương họ, và không bao giờ từ bỏ họ. Không gì có thể phân cách họ khỏi sự hiện diện yêu thương của Ngài.
Vậy lời cầu nguyện của Cơ đốc nhân không trở nên một nghi lễ nhưng là trò chuyện với một Người Bạn Lớn. Thờ phượng không phải là một lễ vào Chủ Nhật nhưng là sự tuôn tràn tình yêu và tôn thờ một cách tự nhiên đến với Đấng Cứu Rỗi từ dân sự của Ngài khi họ cùng nhau nhóm lại. Họ không cần giáo đường, bởi vì nơi nào có đôi ba người nhơn danh Chúa nhóm nhau lại thì Ngài ở giữa. Họ không cần các thầy tế lễ làm trung gian vì Chúa Giê-su đã mở một con đường trực tiếp và bình đẳng đến với sự hiện diện của Đức Chúa Trời cho mỗi một người trong số họ. Hiểu một cách đúng đắn, Cơ đốc Giáo là niềm tin không câu nệ nhất: nó không tách người thế tục khỏi người thiêng liêng, nhưng giữ chặt cả hai với nhau. Chúa quan tâm đến việc tôi làm trong công việc thường ngày cũng như những mục vụ trong các buổi lễ của nhà thờ.
Vâng, Cơ đốc Giáo dành cho người không theo tôn giáo. Không phải quá đáng khi nói nếu bạn theo đuổi tôn giáo, Cơ đốc Giáo sẽ rất khó đối với bạn, gần như là không thể. Bạn sẽ cảm thấy gần như không thể để trở thành Cơ đốc Nhân, bởi vì “tôn giáo” sẽ dẫn bạn theo hướng: bạn sẽ cảm thấy bằng cách nào đó mình tốt hơn và làm đẹp lòng Chúa hơn người hàng xóm không có đạo của bạn, và đó cũng là những gì mà các người Pha-ri-si suy nghĩ – và đó cũng là điều ngăn họ đến với Chúa Giê-su. Bạn cũng có thể cảm thấy gần như không thể trở thành một Cơ đốc Nhân bởi một lần nữa “tôn giáo” của bạn sẽ dẫn đi theo hướng: bạn sẽ cảm thấy rằng đời sống Cơ đốc Nhân phụ thuộc vào sự tuân theo tôn giáo chứ không phải vào Chúa. Bạn sẽ có khuynh hướng giữ một góc nhỏ tôn giáo trong cuộc sống bạn cho Chúa chứ không dành cho Ngài trọn vẹn đời sống. Bạn hẳn sẽ cảm thấy trở nên và sống như một Cơ đốc Nhân còn khó hơn rất nhiều một người không phải là “người sùng đạo”.

Vấn đề chân lý
Một vài câu hỏi khác dành cho những ai không theo đạo. Bạn có quan tâm đến chân lý? Đó là một vấn đề sống còn. Có phải tôi nghe bạn nói: “Dĩ nhiên tôi có quan tâm”? Tốt lắm, vậy bạn và Cơ đốc Nhân quan tâm đến cùng một vấn đề. Chúa Giê-su công bố: “Ta là chân lý.” Nói cách khác, Ngài tuyên bố Ngài là hiện thực tối thượng trong hình thể con người. Nếu bạn quan tâm đến điều gì là tối thượng và điều gì là chân thật thì bạn không thể vẫn giữ thái độ thờ ơ với Chúa Giê-su được. Bạn sẽ phải xác minh những tuyên bố của Ngài và gạt bỏ chúng đi vì không phải là sự thật theo quan điểm của bạn. Đây là điều bạn không thể làm nếu bạn vẫn tiếp tục quan tâm sâu sắc đến chân lý. Lúc đó bạn nhún vai nói, “Tôi không phải là người sùng đạo.”

Vấn đề dũng khí
Câu hỏi tiếp theo: bạn có đủ dũng khí cho sự tin quyết của bạn? Gần đây tôi đã gặp một người vô thần trong một nhóm thảo luận, một người có năng lực đang thực hiện nghiên cứu tiến sĩ ngành vật lý. Khi chúng tôi nói chuyện riêng với nhau sau buổi họp, tôi đã hỏi anh đã bao giờ anh đọc một trong số các sách Phúc Âm với tâm trạng cởi mở, sẵn sàng đáp lại với lời kêu gọi từ Đấng Christ khi anh bị bắt phục bởi những gì anh đọc. Câu trả lời của anh làm tôi rất bất ngờ, nhưng khi suy nghĩ kỹ tôi nhận ra nó có thể đúng cho rất nhiều người khác. Anh nói: “Tôi không dám.” Thật là một sự thừa nhận đáng chú ý! Đây là một người quen với việc đánh giá vật chất, đưa ra những nhận xét, cam kết với những lý thuyết vật lý trên nền tảng bằng chứng; vậy mà anh e sợ phải làm cùng một điều với Kinh Thánh Tân Ước trong trường hợp nó có thể thuyết phục anh và kéo anh về với Đấng Christ mà anh đang lẩn tránh. Chắc chắn, nếu anh ấy có đủ mạnh mẽ cho sự tin quyết vào niềm tin vô thần của mình, anh ấy hẳn phải sẵn lòng để đọc Sách Phúc Âm. Nó sẽ là tài liệu trực tiếp để anh ấy chế giễu những người khác tin Chúa. Nhưng không, anh ấy không có đủ dũng khí cho niềm tin của mình.
Câu hỏi tiếp theo cũng gần giống như vậy: bạn có dám đứng về thiểu số? Đức Chúa Giê-su căn dặn những môn đồ tiềm năng của Ngài hãy ngồi xuống và tính cái giá phải trả khi đi theo Ngài. Có phải họ đã được chuẩn bị để đứng về phía 10.000 người chống lại một lực lượng đối phương 20.000 người không? Nếu không, họ phải nhận hiệp ước hòa bình nhục nhã cho kẻ thua cuộc. Thật không dễ chịu chút nào khi thừa nhận mình sai về những vấn đề cơ bản của sự sống và cái chết. Không dễ để cùng tham gia với người bạn Cơ đốc bị khinh thường. Không dễ để nhận sự chế nhạo khi làm việc vì lòng trung thành với Đấng Christ. Không dễ để bạn chấp nhận Đấng Christ ảnh hưởng đến đạo đức của bạn. Dĩ nhiên là không dễ. Đức Chúa Giê-su không bao giờ nói điều đó là dễ dàng. Ngài phán rằng đi theo Ngài nghĩa là bước vào sự chết và kinh nghiệm sự sống. Chết với lối sống cũ, tiếp nhận đời sống mới, năng lực mới, những chuẩn mực mới từ Chúa. Tất cả những điều này đều rất khó. Nhiều người cải trang cho sự hèn nhát của họ bằng một câu nói thờ ơ, “Tôi không phải là người sùng đạo.” Nhưng sự hèn nhát vẫn còn đó. Giê-su ở Na-xa-rét này đã quá đòi hỏi, kiên quyết, yêu thương, chính trực đối với những ai thỏa hiệp, nhượng bộ, lười biếng và muốn đi theo đám đông.

Vấn đề trọn vẹn
Một câu hỏi khác tôi muốn hỏi những ai không quan tâm đến tôn giáo: bạn có muốn tìm sự trọn vẹn? Đức Chúa Giê-su mô tả Vương Quốc Đức Chúa Trời giống như việc tìm một kho báu. Hãy tưởng tượng một nông dân đang cày ruộng, ủ rũ, đơn điệu, chẳng một mong đợi đặc biệt nào. Và rồi lưỡi cày của anh đào trúng một chiếc hộp. Anh kiểm tra và kinh ngạc phát hiện chiếc hộp chứa đầy kim cương và hồng ngọc. Tim ai mà không đập nhanh khi phát hiện ra những điều như vậy chứ? Chúa Giê-su muốn ám chỉ rằng tìm thấy Vương Quốc Đức Chúa Trời cũng giống như vậy. Bởi vì Nước Chúa được đem đến cho chúng ta qua thân vị một vị vua; và vị vua đó chính là Chúa Giê-su. Thế thì thật sự Nước Chúa chẳng có gì liên can đến “tôn giáo”, những đòi hỏi và tuân theo giáo nghi.
Đời sống Cơ đốc Nhân liên quan đến mối quan hệ. Đầu tiên là sự phục hồi mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời; tiếp đến là sự phục hồi mối quan hệ của chúng ta với nhau, khi sự hòa hợp thiết yếu đem lại từ Đấng Christ được thể hiện ra bên ngoài. Mối quan hệ là một trong những điều quý giá nhất của cuộc sống. Song rất nhiều lần chúng bị làm hỏng bởi sự ích kỷ, định kiến chủng tộc, lòng đố kỵ, hoặc sự kiêu hãnh. Đức Chúa Giê-su Christ hiệp nhất mọi người và đem lại sự hòa hợp cho nơi nào có sự bất hòa; và nó có nghĩa là sự trọn vẹn ở mức độ sâu sắc nhất.
Tôi nhớ một em sinh viên bất hạnh hay e thẹn, em đã tìm được niềm tin nơi Đấng Christ trong ngày cuối tuần đầu tiên của ngày vào Đại học. Chỉ trong vòng sáu tuần lễ sau đó em được nở ra như một bông hoa và tạo mối quan hệ với những người khác bằng sự tự do vượt bậc. Tôi nhớ về một cặp vợ chồng khi hôn nhân của họ đã đi đến đỉnh điểm đổ vỡ, rồi thì cả hai đều tìm thấy niềm tin nơi Chúa Giê-su. Mối quan hệ mới với Đấng Christ đã đem họ lại gần với nhau hơn bao giờ hết, và hôn nhân của họ giờ đây vững mạnh và hạnh phúc. Tôi nhớ về một anh lính, bị kinh tởm bởi lòng tự cao tự đại và khiếm nhã, toàn bộ thái độ của anh đối với người khác được thay đổi triệt để khi anh bằng lòng để Chúa Giê-su Christ kiểm soát cuộc đời mình. Tôi nhớ về hai cậu học sinh không thể nào chịu đứng chung với nhau, cho đến khi cả hai tìm được Chúa trong cùng một kỳ trại: về sau các mối quan hệ được thay đổi trên một bình diện hoàn toàn mới (tôi làm chứng điều này vì tôi là một trong hai học sinh ấy).
Chính Đức Chúa Giê-su đã kéo lại những con người bị nhiều áp lực của thế giới chia cắt. Ngài hành động tại Bắc Ai-len để những tín hữu chân thật (trái ngược với “người sùng đạo” dù họ là người Tin Lành hay Công Giáo) vượt biên giới gặp nhau vào ban đêm để cầu nguyện cho nhau, giúp đỡ các quả phụ, và chăm sóc những người bị thương. Chúa hành động tại Trung Đông khi Ngài đem những người không thể hòa hợp về mặt chính trị, những người Ả-rập và người Do Thái, họp lại với nhau trong mối thông công Cơ đốc. Ngài hành động tại Nam Phi giữa những tín hữu da trắng và da đen: tôi đã tận mắt chứng kiến những cảnh đó. Nhưng tôi biết không một thế lực nào trên trái đất có thể làm điều tương tự. Thật vậy, Chúa Giê-su là bửu vật: vì Ngài đem đến sự trọn vẹn cho tất cả các mối quan hệ của chúng ta, khi chúng ta sẵn lòng để Chúa chữa lành mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời.
Vấn đề số mệnh
Một câu hỏi khác tôi muốn hỏi những ai không quan tâm đến tôn giáo: bạn có quan tâm đến tương lai của bạn? Ai mà không quan tâm chứ? Học vấn của chúng ta, những khát vọng, khả năng chuyên môn mà chúng ta theo đuổi, niềm khao khát được tiến cử tất cả đều phục vụ cho mục đích này – bảo đảm một tương lai tốt hơn. Nhưng khi chúng ta đã có chúng rồi thì sao? Đó chẳng phải là một sự trống rỗng ở đỉnh vinh quang sao? Tiền không làm ta thỏa mãn mãi mãi được, tình dục, danh tiếng hay điều gì khác cũng vậy. Và rất nhiều người khi đã ở đỉnh cao đều biết điều đó. Nữ diễn viên Raquel Welch đã thổ lộ cách chân thật trên tờ Daily Express ngày 31 tháng 10 năm 1972:
Tôi đã đạt được mọi thứ mình muốn, nhưng tôi hoàn toàn khổ sở… Tôi nghĩ thật là lạ vì tôi đã đạt được mọi thứ mà mình muốn khi còn nhỏ – giàu có, danh tiếng, và thành đạt trong sự nghiệp. Tôi có những đứa con thật xinh đẹp, và một đời sống tuyệt vời, song tôi hoàn toàn không hạnh phúc. Tôi nhận ra điều đó thật khủng khiếp khi một người có thể đạt được tất cả nhưng vẫn cảm thấy rất khổ sở.
Cuối cùng thì cuộc sống có ý nghĩa gì? Có phải chúng ta đang đi về hướng diệt vong, hay còn có một sự sống nào khác bên kia nấm mồ? Nếu bạn thực sự quan tâm đến tương lai mình, chắc chắn bạn không thể tránh cân nhắc đến vấn đề số mệnh sau cùng. Pascal đã diễn tả theo cách rất thú vị khi so sánh thế giới bên kia giống như một sự đánh cược: nếu bạn tin vào Đức Chúa Trời bạn không mất mát gì trong đời này, và có một lợi thế đáng cân nhắc ở đời sau. Nếu bạn không tin, nhưng thực tế là có một đời sau, bạn thật bất hạnh vô cùng! Hãy nghiêm túc với vấn đề này khi bạn ngoảnh mặt với một Đấng đã được chứng thực rõ ràng rằng Người đã bẻ gãy sự chết, và đã sống lại để nói cho chúng ta biết không những có một thế giới bên kia mà còn chỉ cho ta cách để đến đấy? Trong kinh doanh hay thương mại muốn gia tăng cái lợi trước mắt mà quên đi tăng giá trị vốn là một điều không tưởng. Song đó lại chính là những gì một người không nghĩ đến sự sống sau cái chết đang làm. Anh ấy nghĩ đến những mục tiêu trước mắt, và không kể đến sự thật là nguồn vốn của anh, sự sống, đang tụt giá về số không bất cứ khi nào có thể, trong khi nếu được đầu tư đúng đắn thì nó sẽ tăng giá trị theo cấp số nhân. Những Cơ đốc Nhân khẳng định niềm tin của mình không chỉ dựa trên những tài liệu được viết cách đây 2000 năm trước, nhưng dựa trên kinh nghiệm hiện có và vẫn tiếp tục xảy ra trên toàn thế giới, đó là Đức Chúa Giê-su ở Na-xa-rét đã bẻ gãy rào cản tột bực của vạn vật: sự chết. Bạn cho rằng điều này có thể đúng; hoặc có thể sai. Bạn phải quyết định sau khi kiểm nghiệm. Nhưng việc loại bỏ toàn bộ vấn đề mà nói rằng “tôi không phải là người sùng đạo” là điều hoàn toàn sai lầm nếu bạn nghiêm túc suy nghĩ về tương lai của bạn.

Niềm tin có hai mặt.
Đôi khi người ta nói rằng: “Tôi không phải là người sùng đạo” với một sự khao khát, thay vì họ nói: “Tôi ước gì có được niềm tin của bạn.” Câu trả lời của tôi rất đơn giản. Bạn có thể có niềm tin của tôi. Niềm tin không gì khác hơn lòng tin; và lòng tin sẽ không có giá trị nếu không có hai mặt. Thứ nhất, cần phải có bằng chứng tốt chứng minh sự đáng tin cậy; tiếp đến cần có sự cam kết thực sự. Chỉ đơn giản thế thôi. Bạn có niềm tin vào động cơ máy bay Boeing khi bạn đi trên một chuyến bay, đúng không? Điều đó có nghĩa là quan niệm của bạn cho rằng động cơ máy bay Boeing là đáng tin cậy; cũng có nghĩa là bạn bằng lòng giao phó chính mình cho sự đáng tin cậy của họ. Cơ đốc Giáocũng vậy. Đầu tiên bạn cần phải tin chắc rằng có một Đức Chúa Trời, Ngài quan tâm đến con người, Ngài đã bày tỏ chính Ngài qua Đức Chúa Giê-su Christ và bạn có thể có mối giao thông với Ngài. Kế đến bạn cần trao phó chính mình cho Đấng đáng tin cậy.
Trong những trang sau chúng ta sẽ xem xét những chủ đề khác nhau theo một tiến trình mà tôi hy vọng sẽ giúp bạn cảm nhận được sự đáng tin cậy của Đức Chúa Trời và cũng khích lệ bạn giao phó chính mình cho Ngài. Rồi thì bạn sẽ có niềm tin của tôi. Khi đó bạn sẽ có thể nói rằng: “Tôi không phải là người sùng đạo, nhưng tôi nghĩ tôi đã tìm được chìa khóa của vấn đề.”

Chương 3
Thời nay bạn không thể tin vào Chúa!
Chúa đã lỗi thời?
Mặc dù kết quả từ những cuộc thăm dò ý kiến cho thấy phần lớn người ở các nước Phương Tây tin vào Đức Chúa Trời (trội hơn ở các nước Phương Đông), thì điều đáng kinh ngạc là không thể biết được có bao nhiêu lần bạn nghe người khác chối bỏ Đấng Toàn Năng với câu nói: “Thời nay bạn không thể tin vào Chúa.”
Theo một ý nghĩa nào đó thì điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Chúng ta đang sống trong một thời đại rất bận rộn, và nhiều người trong chúng ta không có thời gian lẫn sở thích để tìm hiểu những chủ đề sâu sắc mà dường như không liên quan trực tiếp đến chúng ta. Nhưng sẽ ra sao nếu tồn tại một Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên chúng ta, yêu thương chúng ta, và sẽ xét đoán chúng ta? Nếu đó là sự thật, như Tiến sĩ Jowett, hiệu trưởng của một trường Đại học thuộc Đại học Oxford đã từng nói: “Không phải tôi nghĩ gì về Chúa, nhưng Chúa nghĩ gì về tôi đó mới là điều quan trọng.”
Một lần nữa, ý niệm về Chúa đã bị lạm dụng rất nhiều trong quá khứ khiến chúng ta có xu hướng tránh né nó. Đức Chúa Trời được khắc họa như một người trên bầu trời với một cây gậy lớn. Chúng ta được dạy phải sống tốt và làm điều đúng bởi vì Đức Chúa Trời sẽ xét đoán nếu chúng ta phạm tội. Ý muốn của Đức Chúa Trời trở nên một công cụ rất hữu ích để khiến người ta an phận thủ thường theo cách:
Người giàu sống trong lâu đài,
Kẻ nghèo gác ngoài cổng;
Chúa dựng nên người cao sang cùng người thấp hèn,
Và chỉ định phần đất của họ.
Toàn bộ chế độ xã hội và áp bức chủng tộc đều đặt nền móng trên quan niệm này về Chúa (Một lời trong bài Thánh ca “Vạn vật tươi sáng đẹp đẽ,” giờ đây đều bị bỏ quên). Thật vậy, ý muốn Chúa là một điều nào đó mà con người trong mọi thời đại có thể khẳng định chắc chắn khi họ gia nhập vào cuộc chiến tôn giáo, như là Thập Tự Chinh, hay là đàn áp tôn giáo, hoặc Tòa án dị giáo, để gán cho quan điểm của họ. Hơn thế nữa, Chúa được sử dụng như chiếc nút để lấp đầy những khe hở của kiến thức khoa học. Thậm chí Newton đã đặt ra định đề: Đức Chúa Trời giữ cho vũ trụ và các quy luật của nó hoạt động. Nhưng khi kiến thức khoa học gia tăng, các khoảng trống bị thu hẹp thì Chúa cũng bị thu hẹp.
Tất cả những lý do trên khiến Chúa trở nên lỗi thời. Tạp chí Thời đại từng đặt đầu đề trên trang bìa của họ số ra tháng Tư năm 1966: “Chúa đã chết!” Nhưng thật khó để biết chắc những việc như vậy. Có lẽ ¬¬¬¬xu hướng cũng quan trọng không kém lý do mà trong số ra tháng Mười hai năm 1969, đầu đề Tạp chí Thời đại lại đặt ra câu hỏi: “Phải chăng Chúa sống lại một lần nữa?” Cuối cùng thì bạn chẳng tìm thấy trong Kinh Thánh sự biện hộ nào cho các cuộc chiến tôn giáo hoặc các tòa án dị giáo. Bạn sẽ không thấy cuốn sách cẩm nang Cơ đốc này xác nhận rằng bạn nên làm điều tốt nếu không Đức Chúa Trời sẽ hình phạt vì lỗi lầm bạn gây ra. Không nơi nào trong Kinh Thánh dùng Chúa để lấp đầy sự thiếu sót tri thức của con người: thay vào đó, Ngài là nguồn, là Đấng duy trì và là mục đích của cả hoàn vũ, trong đó có con người và sự hiểu biết của họ. Có lẽ chúng ta cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn về lời tuyên bố: “ngày nay bạn không thể tin Chúa.” Điều gì thật đặc biệt trong thời hiện đại khiến chúng ta khó tin Chúa hơn thời của cha ông chúng ta?
Vấn đề khoa học.
Đầu tiên, đó là sự thành công đáng kinh ngạc của khoa học. Toàn bộ khuôn mặt của thế giới đã thay đổi trong vòng năm mươi năm qua. Khi cha tôi còn trẻ lúc đó chưa có xe ô tô, máy bay, và hầu hết người ta không bao giờ đi quá xa ngôi làng của họ. Sự phát triển của du hành vũ trụ, công nghệ hạt nhân, và mạng công nghệ thông tin thế giới đều xảy ra trong thời của ông. Không có gì lạ khi con người trở nên bối rối. Khoa học dường như đã chiến thắng. Không có gì lạ khi người ta đặt hết hy vọng của họ vào khoa học và vứt bỏ quan niệm về Chúa. Bá tước Richard Gregory đã viết trên văn bia của mình:
Ông tôi giảng niềm tin của Đấng Christ.
Cha tôi giảng niềm tin của chủ nghĩa xã hội.
Tôi giảng niềm tin của khoa học.
Trên thực tế, không có một cuộc chiến nào giữa niềm tin đúng đắn trong Chúa với những kết quả đảm bảo của khoa học. Cha đẻ của khoa học hiện đại như Kepler, Galileo, Copernicus và Bacon đều là những Cơ đốc Nhân sốt sắng trong Chúa. Họ nhận thấy sự bày tỏ của Chúa qua Kinh Thánh và trong thế giới tự nhiên như là phần bổ sung. Chẳng hạn như Kepler đã khẳng định: “Cái lưỡi của Chúa và ngón tay của Chúa không thể xung đột với nhau.” Phòng thí nghiệm Cavendish ở Cambridge đã khắc lên lối vào của họ: “Công việc Chúa thật tuyệt vời, được tìm thấy bởi những ai vui thích tại đó.” Và ngược lại với niềm tin của nhiều người, có một số lượng lớn những Cơ đốc Nhân tin kính giữa vòng những nhà khoa học hàng đầu trên thế giới.
Nhưng chẳng phải thuyết tiến hóa đã bác bỏ khả năng của một Đấng Tạo Hóa hay sao? Không chút nào. Thuyết tiến hóa nhằm giải thích những hình thái đa dạng của sự sống đã phát triển như thế nào qua hàng triệu năm từ những hình thái đơn giản. Niềm tin một Đấng Tạo Hóa nhằm giải thích ý thức vĩ đại đằng sau vật chất. Không có sự mâu thuẫn nào giữa hai điều trên cả. Điều đáng chú ý là ký thuật Kinh Thánh về câu chuyện Chúa sáng tạo cho chúng ta biết đôi điều về Đấng đã sáng tạo, và lý do Ngài làm như vậy. Nhưng Kinh Thánh không cho chúng ta biết việc đó diễn ra như thế nào. Điều mà Kinh Thánh nói đó là đằng sau tạo vật đó là Đấng Tạo Hóa, và chúng ta chỉ là “bụi đất,” và là một phần của thế giới vật lý, nhưng theo một nghĩa khác chúng ta được truyền “hơi sống” và được tạo dựng theo ảnh tượng của Đấng Tạo Hóa. Không một phát hiện nào trong lĩnh vực nghiên cứu sự phát triển của sự sống có thể bác bỏ tuyên bố trên. Nếu con người khám phá ra cách tạo dựng sự sống trong phòng thí nghiệm thì điều đó cũng không khiến Chúa bị phá sản. Đơn giản nó sẽ chỉ chứng minh rằng những bộ óc thông minh sử dụng vật chất (với vật chất sống thật để sao chép, một cách ngẫu nhiên) và sắp xếp chúng theo một cách đặc biệt, một tế bào nhỏ sự sống có thể được tồn tại. Nói cách khác, vật chất được sắp xếp bởi những khối óc thông minh có thể tạo ra sự sống. Đó chính là điều Cơ đốc Nhân luôn luôn tuyên bố về Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta tìm ra bí mật của sự sống, chúng ta sẽ chỉ nghĩ về những suy tư của Đấng Tạo Hóa mà thôi.
Không một phương pháp khoa học nào có thể chứng minh hoặc bác bỏ sự tồn tại của Chúa. Không gì đảm bảo, nhưng sự phỏng đoán căn bản của phương pháp khoa học xác nhận rõ ràng sự tồn tại của ý thức đằng sau vật chất. Hoàn toàn hiển nhiên đối với mọi câu hỏi khoa học rằng có sự trật tự và mục đích trong thế giới vật lý. Nếu thế giới nảy sinh từ sự tình cờ và hỗn loạn, vậy mục đích của nó là gì? Ngày nay có rất ít những người theo chủ nghĩa duy vật thuần khiết, bởi hoàn toàn hiển nhiên các quy luật phân tích vật lý và các nguyên tố hóa học không thể lý giải cho hành vi, lý lẽ, cảm xúc, sự ngạc nhiên, lời nói, đạo đức và hành vi thờ phượng của con người. “Có nhiều điều trên trời và dưới đất hơn triết học của chúng ta có thể tưởng tượng đến”. Những lời này của Shakespeare có thể thích hợp cho những ai cố gắng biến khoa học chủ nghĩa duy vật thành thẩm phán duy nhất của chân lý. Không gì trong tiến trình khoa học cần phải làm bối rối bất kỳ ai tin vào Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa. Thuyết tiến hóa lại càng không.
Vấn đề đau khổ bất hạnh
Thứ hai – sự đau khổ bất hạnh – vấn đề rất đỗi khiếp kinh. Không phải vấn đề này lớn hơn bao giờ hết, nhưng nó đang ngày càng lớn hơn. Những điều như vậy xuất hiện trong phòng khách mỗi tối trên TV. Có thể nào có Đức Chúa Trời nếu Ngài cho phép mọi sự đau đớn khốn khổ xảy ra trên trái đất này?
Trong lúc này tôi không muốn thu nhỏ vấn đề này lại. Nó thậm chí còn vượt xa hơn những tranh luận gay gắt nhất phản đối sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Nhưng hãy cứ cho rằng vấn đề về sự đau khổ khiến bạn chối bỏ sự tồn tại của Đức Chúa Trời để tưởng tượng rằng những quái vật đang thống trị số mệnh của chúng ta hoặc rằng những ngôi sao định đoạt sự may mắn của chúng ta, điều đó sẽ giúp ta như thế nào? Có thể bạn sẽ bỏ qua vấn đề cái ác cùng nỗi đau khổ (dù bạn vẫn phải sống với nó) nhưng bạn đã thay thế điều đó với một vấn đề còn lớn hơn nữa – làm thế nào bạn có được sự tử tế và lòng nhân đạo, tình yêu và sự vô vị kỷ, tính hòa nhã và hào hiệp trong một thế giới bị cai trị bởi một quái vật đáng khiếp sợ hoặc những ngôi sao hững hờ. Không, cách đó không giúp được gì.
Trên thực tế, hơn bất kỳ ai, Cơ đốc Nhân có một cái nhìn thấu đáo vào sự đau khổ bất hạnh, là vấn đề vẫn không thể giải quyết được (và nó vẫn còn chưa giải quyết được, bất kể bạn theo đuổi triết lý sống nào đi chăng nữa). Bởi Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời không lạ gì trước các nỗi đau. Ngài không khởi đầu thế giới này để rồi nhẫn tâm bỏ mặc chúng. Ngài không vui lòng làm chúng ta đau đớn và ham thích tra tấn chúng ta. Ngược lại. Ngài rất quan tâm đến sự đau đớn trong thể xác và tinh thần của con người trong thế giới, cái mà chính Ngài cũng bước vào một cách cá nhân. Ngài đã đến như một người ở giữa những con người. Ngài sống trong sự nghèo khổ và khó nhọc; Ngài biết đói và khát, từng trải đòn vọt và nỗi đau buồn, sợ hãi và thất vọng. Ngài kết thúc cuộc sống theo cách đau đớn nhất mà con người từng biết đến. Vậy đừng ai nói với tôi rằng Chúa không quan tâm đến con người! Xin đừng ai nói rằng ông chủ thì không quan tâm đến cuộc sống ở nhà xưởng như thế nào!
Xin hãy nhìn kỹ lên thập tự giá. Qua thập giá Đức Chúa Trời đã nói với con người rằng Ngài quan tâm đến nỗi đau. Ngài quan tâm một cách mạnh mẽ và không vị kỷ. Sự quan tâm đó lớn đến mức Ngài đã đến để chia sẻ nỗi đau. Ngài muôn đời là Đức Chúa Trời chịu đau khổ. Thập giá chỉ cho tôi biết rằng Đức Chúa Trời yêu thương tôi dù giữa cảnh đau khổ; dù mọi thứ trở nên đen tối vô vọng, Chúa Giê-su vẫn luôn là tình yêu thương lớn lao nhất từ Cha Thiên Thượng. Hơn thế nữa, qua cây thập tự tôi có thể mơ hồ nhận thấy một lẽ thật khác: Đức Chúa Trời sử dụng sự đau đớn. Ngài biến cái ác thành tốt lành. Bởi chính cái ác đã đóng đinh Chúa Giê-su. Song bởi cách Ngài tiếp nhận nó, Ngài đã chiến thắng cái ác; Chúa đã biến hận thù thành yêu thương cho ít nhất là những người đã bắt bớ Ngài. Ngài là mẫu mực của sự vô tội, tiếp nhận đau khổ không lời oán than. Mẫu mực ấy mãi từ đó đến nay đã truyền cảm hứng cho nhiều người và đã giúp cho những người như Giám mục Wilson. Với lòng dũng cảm, ông đã cảm hóa được tấm lòng của những người từng tra tấn ông tại một trại giam ở Nhật Bản trong Thế Chiến Thứ Hai.
Điều gì khiến cho sự chiến thắng đau khổ như vậy có thể xảy ra? Thập giá của Chúa Giê-su đơn thuần không phải là một khuôn mẫu để làm theo. Giữa nỗi đau đớn tột cùng, một người cần nhiều hơn một khuôn mẫu. Có một điều gì đó từ thập tự giá đã thanh tẩy Cơ đốc Nhân khỏi những hận thù, đau đớn. Ấy là sự chiến thắng. Vào ngày Thương khó đầu tiên Đức Chúa Giê-su đã chết với tiếng la của sự chiến thắng: chiến thắng sự đau đớn, hận thù, đau khổ, sự chết. Nhưng đó không phải là sự kết thúc. Ngài sống lại từ sự giam cầm lạnh lùng của mộ phần vào ngày thứ ba. Từ thời khắc đó trở đi, lịch sử đã sang trang. Cơ đốc Nhân là những người đã đặt niềm tin nơi Chúa, nhận biết Ngài, và đã bắt đầu nếm trải năng quyền Chúa phục sinh cùng sự sống đời đời.
Làm thế nào những Cơ đốc Nhân đầu tiên có thể vui mừng đương đầu với cái chết tại đấu trường trước những con thú hoang và đấu sĩ hoặc bị nướng trên giàn hỏa? Đơn giản bởi vì họ tin chắc rằng cái ác và sự đau đớn đã chịu một thất bại mang tính quyết định qua việc Chúa đã làm trên cây thập tự tại đồi Gô-gô-tha và sự sống lại. Thậm chí sự chết cũng là kẻ thù bị đánh bại. Vậy nên các tín hữu ấy đã đối diện với sự đau đớn không phải như là một điều xấu hoàn toàn, nhưng là một điều xấu đã bị chế ngự bởi Đức Chúa Trời, Đấng chịu đau khổ và đã chiến thắng; một điều xấu mà Chúa có thể sử dụng để kỷ luật các tín hữu, để rèn luyện họ, và để trang bị họ trở nên hữu ích, giống Chúa càng hơn. Đức Chúa Trời chịu đau khổ nhưng đã đắc thắng. Đấng vô tội nhưng mang lấy tội lỗi. Tại cây thập tự của Đấng Christ, Ngài đã tiết lộ về bộ phim tương lai của Ngài. Những Cơ đốc Nhân đầu tiên này có thể an tâm để Chúa bày tỏ trọn vẹn ý nghĩa của tất cả sự đau khổ mà họ chịu đựng trong đời sau, biết rằng đó sẽ là một sự giải thích sâu hơn về điều bí ẩn của thập tự giá: chính giữa dòng lịch sử, Đức Chúa Trời đã bày tỏ rằng Ngài quan tâm đến sự đau khổ, Ngài chia sẻ nó, và chiến thắng nó. Để chắc chắn, Cơ đốc Nhân không cần phải lo lắng rằng sự đau khổ trong thế giới này khiến cho niềm tin vào Đức Chúa Trời trở nên không thể trong thời nay. Chỉ duy niềm tin nơi Đức Chúa Trời, Đấng chịu khổ mới ngăn chặn chúng ta khỏi trở nên hoàn toàn nhẫn tâm hoặc bị mất trí vì tất cả những đau khổ đang đè nặng trên thế giới này.
Cuộc sống vô nghĩa
Thứ ba đó là vấn đề vô nghĩa. Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại giống như ngày nay khi có nhiều người tin rằng vào lúc cuối cùng thì sẽ không còn gì là quan trọng; chúng ta đến từ bụi đất thì cũng sẽ trở về với bụi đất. Không có Đức Chúa Trời, chẳng có ý nghĩa nào được gieo trong chúng ta; không có cõi vĩnh hằng, con người không thể chống cự với sự chết. Ý nghĩa biến mất khỏi cuộc sống. Nhiều tiền, nhiều lạc thú, vâng: nhưng xin đừng nói với tôi về ý nghĩa cuộc sống, bởi vì chẳng có ý nghĩa nào cả. Một họa sĩ nổi tiếng, Francis Bacon, đã viết:
Con người ngày nay nhận ra rằng họ là một sự tình cờ, rằng họ chỉ là một thực thể hoàn toàn vô dụng, rằng họ buộc phải gia nhập cuộc chơi nhưng không vì lý do nào cả. Các nghệ sĩ trước đây vẫn chịu tác động bởi những loại tôn giáo nào đó, điều mà bạn có thể nói rằng con người ngày nay đã thoát khỏi vì chính họ. Họ chỉ cố gắng đánh lừa chính mình trong chốc lát bằng cách kéo dài cuộc sống của mình – bằng cách mua một sự đồi bại nào đó từ các bác sĩ… Nghệ sĩ phải là người thực sự hiểu rõ cuộc chơi, như vậy họ mới có thể khiến cuộc sống thú vị hơn được.
Trong thực tế những gì nghệ sĩ đã làm đó là đem sự vô nghĩa nầy đến từng nhà, với mỗi tầng lớp trong xã hội. Nó thể hiện qua các bộ phim và nhạc Pop. Nó có mặt ở khắp nơi. Ví dụ như, hãy xem bài hát của David Crosby: “Giá mà tôi nhớ tên tôi” (If only I could remember my name):
Tôi tưởng đã gặp một người, người ấy biết một người có thể biết được chuyện gì đang xảy ra;
Tôi đã nhầm – đó chỉ là một người lạ mặt mà tôi biết.
Tôi tưởng đã tìm được ánh sáng dẫn lối tôi qua bóng đêm và màn tối;
Tôi đã nhầm – đó chỉ là những phản chiếu của một cái bóng mà tôi biết.
Tôi tưởng đã gặp được một người có vẻ như cuối cùng anh ấy biết được sự thật;
Tôi đã nhầm – đó chỉ là một cậu bé tươi cười dưới ánh nắng.
Chạy đến với tình dục dường như là một lối thoát khỏi sự vô nghĩa: nhưng không. Trích đoạn này từ một tiểu thuyết tình dục Trần như gió từ biển (Naked as the Wind from the Sea) là một điển hình:
Mọi người bối rối sau thảm họa giáng trên chúng ta. Chúng ta như những chú kiến bị lấy đi đống rơm: chúng ta chạy loạn lên như ong vỡ tổ với cọng rơm của mình và muốn xây lại một đống rơm mới. Nhưng họ đã cướp mất ý nghĩa của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là xoay sở với cọng rơm của mình theo cùng một cách…
Nếu bạn tiếp thu hết toàn bộ triết lý của sự vô nghĩa này, tất nhiên bạn sẽ không tìm thấy được ý nghĩa trong lời Chúa. Nhưng nó giống như trường hợp xem con gà và cái trứng, cái nào ra trước. Triết lý của sự vô nghĩa là nỗ lực của những người theo thuyết hiện sinh cố gắng xóa bỏ những hậu quả từ chủ nghĩa vô thần. Chối bỏ Đức Chúa Trời, và chờ xem liệu bạn có tìm thấy được ý nghĩa ở bất kỳ mọi điều nào khác không. Sự thật là bạn không thể.
Nhưng hãy thử cách khác. Sẽ ra sao nếu có Đức Chúa Trời? Vậy thế giới sẽ không chỉ đơn thuần là sự may mắn; nhưng đó là kết quả từ công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời. Con người không phải là rác rưởi, nhưng là đại diện của Đức Chúa Trời trên trái đất này. Lịch sử không phải là chuyện vớ vẩn, nhưng là câu chuyện của Đức Chúa Trời chiến đấu để bày tỏ qua tất cả những sự ngu ngốc rồ dại của con người. Cuộc sống không phải để hiểu đơn giản theo nghĩa “sáu mươi năm cuộc đời” nhưng là một nơi huấn luyện để ở với Đức Chúa Trời mãi mãi. Chúng ta không cần phải bị giằng xé giữa sự trật tự và mục đích rõ ràng trong tự nhiên với cảm giác thiếu mục đích, thiếu ý nghĩa, và lạc lõng mà con người hiện đại cảm thấy trong lòng. Chừng nào con người hiện đại quay về với Đấng Tạo Hóa của sự trật tự và mục đích trong tự nhiên, khi đó họ sẽ bắt đầu thấy sự trật tự trong chính cuộc sống mình, và cảm thấy mục đích trong mối liên kết với Đấng Tạo Hóa khi Ngài điều khiển thế giới.
Vấn đề chứng minh
Thứ tư đó là vấn đề chứng minh. “Bạn không thể chứng minh có Chúa.” Hoàn toàn đúng. Bạn không thể. Nhưng bạn cũng không thể chứng minh mẹ bạn yêu thương bạn. Thực ra, có rất ít điều mà bạn có thể chứng minh được, và chúng hoàn toàn không phải là điều thú vị trong cuộc sống. Chứng minh một điều nào đó có nghĩa là chỉ ra rằng điều đó không phải là điều nào khác, một dạng thức khẳng định chắc chắc. Bạn không thể chứng minh rằng mặt trời sẽ mọc vào ngày mai. Bạn không thể chứng minh rằng bạn đang sống. Bạn không thể chứng minh mối liên hệ nhân quả trong mỗi hành động của chúng ta. Bạn không thể chứng minh chính bạn của mười năm trước và bạn bây giờ là cùng một người. Triết gia David Hume đã cố chứng minh mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả, và chính mình ông trong thời điểm hiện tại là ông của mười năm về trước. Ông đã thất bại. Thất bại hoàn toàn.
Chứng minh chỉ sử dụng cho một số rất ít lĩnh vực triết học và toán học. Thậm chí cũng có những tranh cãi về các bằng chứng trong những lĩnh vực này. Phần lớn chúng ta có xu hướng dựa trên những bằng chứng có giá trị, nhưng lại không chứng minh. Mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả có bằng chứng rất giá trị. Có bằng chứng cho thấy mặt trời sẽ mọc vào ngày mai. Có lý do tốt để tôi tin rằng tôi trong hiện tại và mười năm về trước là cùng một người. Nhưng không có lý do nào để khẳng định mẹ tôi thực sự yêu tôi và bà ấy không vỗ béo tôi trước khi làm thịt tôi bằng một cốc trà có độc. Và có lý do rất tốt để tin vào Đức Chúa Trời. Lý do rất thuyết phục. Không phải là minh chứng mang tính quyết định, nhưng là lý do rất thuyết phục. Tôi xin chỉ ra những lý do chính vì sao chối bỏ sự tồn tại của một Đấng Tối Cao lại khó hơn là chấp nhận điều đó.
Sự tồn tại của trái đất. Hãy xem sự tồn tại của trái đất. Theo như hiểu biết của chúng ta hiện nay, trái đất là hành tinh duy nhất trong vũ trụ có sự sống. Điều gì giải thích cho thế giới của chúng ta? Dù đó là thuyết “Vụ nổ lớn – big bang” hoặc thuyết “Vạn Vật Bất Biến”, chúng ta có xu hướng hỏi tại sao nó lại như vậy? Trái đất này phải đến từ một nơi nào đó. Không có ích gì khi trả lời: “Nó chỉ là một trong những điều như vậy thôi.” Cũng không có ích gì khi gán mọi thứ cho sự ngẫu nhiên. Nếu thế giới này dựa vào sự ngẫu nhiên thì làm thế nào quy luật nhân quả có thể tồn tại trong từng ngóc ngách của cuộc sống? Ý tưởng cho rằng sự ngẫu nhiên tạo ra quy luật nhân quả thật không hợp lý chút nào! Và cũng thật vô lý khi biện luận thế giới được xây dựng trên luật nhân quả chính nó lại không có nguyên nhân. Huxley đã từng nói: “Mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả là điều quan trọng nhất trong bản tín điều của các nhà khoa học.” Nếu bạn suy nghĩ thấu đáo, chính khoa học dẫn bạn quay trở về niềm tin nơi Đấng Tạo Hóa.
Sự tồn tại của ý định (design). Hãy xem sự tồn tại của ý định. Thế giới tự nhiên ở mọi cấp độ đều minh chứng sự tồn tại của ý định. Hãy nghĩ đến cấu tạo giúp hội tụ hình ảnh của mắt, hệ thống ra-đa của dơi, bộ phận giữ thăng bằng của một con chim nhạn, cách một con chim trĩ ngụy trang tổ của nó. Hoặc hãy nghĩ đến sự hài hòa tuyệt đối của các quy luật vật lý. Hãy suy nghĩ đến sự thụ thai và sinh nở, thật tuyệt diệu! Bằng chứng về một Đấng Tạo Dựng Vĩ Đại hiện diện ở khắp mọi nơi. Thậm chí John Stuart Mill, một người mạnh mẽ chống đối Cơ Đốc Giáo, cuối đời cũng đã kết luận: “Lý lẽ ủng hộ sự tồn tại của ý định là không thể chối cãi. Thiên nhiên chứng thực cho Đấng Sáng Tạo của nó.” Chính Einstein cũng đã kể về “sự ngưỡng mộ khiêm cung của ông dành cho Vị Thần tối thượng vô biên, Đấng bày tỏ chính mình qua những chi tiết nhẹ nhàng để những khối óc mong manh của chúng ta có thể hiểu được.” Sau khi Einstein đề ra thuyết tương đối và được chấp nhận rộng rãi sau thí nghiệm của Michelson-Morley, cuộc thí nghiệm trên đã được thực hiện lại nhiều lần với những kết quả khác nhau. Dẫu vậy chẳng ai nghi ngờ gì về thuyết tương đối cả! (Ngay khi có kết quả sai số) mọi người đều cho rằng đó là lỗi khi thực hiện thí nghiệm, bởi vì thuyết này đã quá tốt, quá có lý, không thể sai được. Nói cách khác, chính các nhà vật lý cũng đang làm việc dựa trên giả định về sự tồn tại của ý định trong vũ trụ, bất kể bao nhiêu trong số những điều họ công bố là hoàn toàn dựa trên kết quả thực nghiệm.
Vậy nếu có ý định trong thế giới thì ý định đó đến từ đâu? Không phải từ chúng ta: chúng ta không đặt ra những quy luật trong tự nhiên hoặc phác thảo sự phát triển của phôi thai trong tử cung. Nó như thể có một Nhà Thiết Kế vô cùng khôn ngoan đang làm việc vậy.
Từ lâu Paley đã phát triển lý lẽ này qua câu chuyện chiếc đồng hồ. Lý lẽ của ông như vầy. “Bạn thấy chiếc đồng hồ này không? Từ xa xưa người ta từng tin rằng thợ làm đồng hồ làm nên nó. Vấu, bánh răng, mặt kính, và các con số đều mang lấy dấu vết của một thiết kế thông minh. Nhưng ngày nay chúng ta đã “vượt lên trên” những điều đó. Chúng ta biết rằng chiếc đồng hồ đã tiến hóa dần dần nên. Không hề có một ý định nào cho việc làm ra đồng hồ cả. Chọn lọc tự nhiên đã dần loại bỏ những chi tiết không liên quan đến một chiếc đồng hồ. Kim loại kết hợp thành một khối, mặt kính mọc lên che lại, các vấu phát triển dần dần, và cuối cùng là dây đeo mọc ra.” Không khó để ta nhận ra ý tưởng này thật lố bịch; người phát triển nó sẽ bị phớt lờ, nếu không thì cũng sẽ bị đưa ngay đến bệnh viện tâm thần!
Song cũng chính lý lẽ này những con người mất trí đã đặt cho thế giới của họ. Với lý lẽ đó họ cho rằng họ là người tiên phong và biết lẽ phải. Cũng vậy, giống như trường hợp chiếc đồng hồ, những bằng chứng của ý định trong thế giới bị gán cho tiến hóa mù cũng chẳng đem lại ý nghĩa nào hơn. Lý lẽ của Paley bị dân chúng công kích rằng Đức Chúa Trời không phải là thợ làm đồng hồ. Đúng, nhưng Paley chưa bao giờ nói Đức Chúa Trời là thợ làm đồng hồ. Đức Chúa Trời vĩ đại hơn cả một người thợ, nếu Ngài hoàn toàn là Đức Chúa Trời. Ngài chắc chắn không kém! Lý lẽ từ ý định là cực kỳ thuyết phục. Nói như Jean-Paul Sartre: “Thế giới này không phải là sản phẩm của Trí Thông Minh. Trong cái nhìn chăm chú của chúng ta, nó như một tờ giấy bất động… Con người là gì, chỉ là một vũng nước, sự tự do của họ đã chết?” Đồng ý với ý kiến trên cũng giống như bạn nhắm mắt lại trước một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất bày tỏ Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo, Đấng luôn bày tỏ chính mình với những bằng chứng. “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm” câu Kinh Thánh này vẫn luôn đúng: cũng như khẳng định của Kinh Thánh: Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: ‘Chẳng có Đức Chúa Trời.’
(Thi Thiên 19:1; 14:1)
Sự tồn tại của tính cách (personality). Hãy xem sự tồn tại của tính cách. Đây là một trong số những hiện tượng đáng chú ý nhất trên thế giới. Đó là sự khác biệt giữa một người và một đồ vật, giữa một người còn sống và một người đã chết, đó là một điều cơ bản trong cuộc sống. Trong trích dẫn của Sartre, khi phủ nhận thế giới được tạo dựng từ Trí Thông Minh, Sartre không chỉ lăng mạ Đấng tạo dựng nên ông mà còn lăng mạ chính năng lực suy luận của mình. Trong thực tế, điều ông nói có nghĩa là không có lý do gì để tin lời ông nói! Sự thật là chúng ta không phải đơn thuần là những con rô-bốt; chúng ta có điều hơn cả rô-bốt, đó là tính cách con người. Khi tóm gọn mọi sự vật hiện tượng trong cuộc sống thành những điều có thể đo lường được bằng khoa học, một số nhà lý luận bất đắc dĩ tin rằng họ đã đề ra một tín điều không chắc có thật cho chủ nghĩa duy vật.
Nói cách khác, những người khác chỉ đơn thuần là những giọt chất nguyên sinh: tôi cũng vậy. Tôi không có tương lai, không thực sự tồn tại. Tôi nghĩ rằng tôi là một thực thể có ý thức, có lý trí, một người có thể giao thiệp với những người khác giống như tôi. Nhưng không phải vậy. Khoa học không hề biết gì về lý trí và ý thức, tính cách và tính giao thiệp xã hội. Khoa học chỉ liên quan đến phân tử và từ tính, nguyên tố và dòng điện, những điều có thể đếm và đo lường được. Tôi không có chỗ đứng trong thứ ngôn ngữ như vậy, và nếu đó là thứ ngôn ngữ cơ bản của thế giới thực thì tôi không thể mô tả chính mình và sẽ đi đến kết luận rằng tôi không tồn tại. Không hợp lý cho lắm. Nhưng khả năng này thật đáng lo ngại. Nó gợi lên rằng tính cách của tôi không thể giải thích đơn giản dựa trên các thành tố vật lý được. Tôi giá trị hơn cả vật chất. Tôi cao quí hơn, nhưng làm sao có thể được điều đó nếu như không có Đức Chúa Trời? Sông có chảy cao hơn nguồn của nó không? Dĩ nhiên là không. Vậy theo quan điểm vô thần, làm sao chúng ta có được tính cách con người từ những chất vô cơ, những vật vô tri mà toàn cõi hoàn vũ được hợp thành? Không, sự tồn tại của tính cách con người lại là một điểm ấn tượng khác minh chứng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên con người theo ảnh tượng của Ngài. Điều này không có nghĩa là Đức Chúa Trời bị giới hạn trong những tính cách như chúng ta, nhưng nó có nghĩa là nguồn lực tối thượng cho sự tồn tại của chúng ta không thể kém hơn con người.
Sự tồn tại của giá trị. Hãy xem xét sự tồn tại của giá trị. Tất cả chúng ta đều có giá trị, nhưng thật khó để hiểu nó nếu không có Đức Chúa Trời. Xét cho cùng, bạn sẽ không kỳ vọng tìm được giá trị trong những phân tử! Vật chất không phải là nguồn gốc của đạo đức. Vậy nên con người vô thần thời hiện đại bối rối bởi vì giá trị của họ đặt ở nơi đâu. Điều đó thể hiện rõ trong bài hát The Seeker (Người đi tìm) của nhóm The Who: “Tôi có những giá trị, nhưng tôi không biết bằng cách nào hay là tại sao.” Chúng ta coi trọng sự sống – nhưng tại sao lại coi trọng nếu nó chỉ bắt nguồn sự sự ngẫu nhiên? Chúng ta coi trọng sự thật – nhưng tại sao lại coi trọng nếu không có một năng lực tối thượng? Chúng ta coi trọng lòng tốt – nhưng điều đó có ích gì trong một thế giới khởi nguồn từ sinh vật phù du? Chúng ta mê đắm cái đẹp – nhưng chẳng có điều gì đẹp cả, bởi mọi điều trong thế giới đều khởi nguyên từ hỗn tạp. Chúng ta coi trọng truyền thông – nhưng hoàn vũ thì lại im lặng. Vâng, chúng ta có những giá trị, nhưng những giá trị ấy không thích hợp với bức tranh về thế giới của những người vô thần, một thế giới khởi nguồn đơn thuần từ sự ngẫu nhiên, từ vật chất, và tốn hàng triệu năm để phát triển rộng lớn. Tại đây tôi không tìm được những kiến thức cơ bản để đánh giá cho giá trị.
Nhưng sẽ ra sao nếu có một Đức Chúa Trời Sáng Tạo? Sự sống sẽ có giá trị bởi đó là món quà tuyệt vời nhất của Ngài, kéo theo giá trị vô hạn của mỗi cá nhân. Sự thật trở nên quan trọng bởi vì đó là một khía cạnh của Đức Chúa Trời – năng quyền tối thượng. Cũng vậy, cái đẹp và lòng tốt là những “mặt” của Đức Chúa Trời, và mỗi hành động tốt hoặc mỗi cảnh tượng đẹp là một sự ám chỉ về nguồn cội tốt lành và đẹp đẽ phát ra chúng. Trên hết, chúng ta không sống trong một hành tinh tĩnh lặng: Đức Chúa Trời phán và bày tỏ chính Ngài, ít nhất ở một chừng mực nào đó, Ngài bày tỏ trong thế giới, trong thiết kế của nó, trong những giá trị, và trong con người. Khi chúng ta giao tiếp, những lời nói của chúng ta không phải là lời huyên thuyên vô giá trị, nhưng là một khả năng thiên phú, được ban cho chúng ta bởi chính Đấng Giao Tiếp Vĩ Đại. Đó là hai thái độ cơ bản đối với giá trị. Tôi biết điều nào ý nghĩa đối với tôi hơn. Triết gia tại Đại Học Oxford, John Lucas, đã phát triển lập luận của mình một cách đơn giản và rõ ràng:
Tôi muốn làm việc tốt. Nhưng tôi không thể làm việc tốt nếu như không có những giá trị bên ngoài không phụ thuộc vào tôi để đánh giá hành động của tôi. Tôi không thể muốn chỉ làm điều tôi muốn, hay là tôi đang phủ nhận bản chất lý trí trong tôi. Tôi phải muốn làm điều đáng làm, và điều đáng làm không phải là bởi vì tôi muốn làm, nhưng bởi vì (nó tồn tại) không phụ thuộc vào mong ước của tôi, dù tôi có muốn hay không.
Sự tồn tại của giá trị là một dấu hiệu chứng minh cho Đức Chúa Trời, điều khó có thể tránh né được.
Sự tồn tại của lương tâm. Hãy xem sự tồn tại của lương tâm. Đó là một dấu hiệu chứng minh cho Đức Chúa Trời. Lương tâm của bạn không biện luận. Nó như là một người ban phát luật pháp bên trong bạn, tha bổng cho bạn hoặc kết án bạn. Nó không nói rằng: “Hãy làm điều này vì bạn sẽ thoát khỏi khó khăn theo cách đó.” Nó chỉ nói rằng: “Hãy làm.” Lương tâm là dấu hiệu nổi bật nhất cho Đức Chúa Trời là Đấng làm nên nó. Dĩ nhiên nó không phải là tiếng nói trực tiếp và đơn giản của Chúa. Nó đã bị làm cho méo mó bởi rất nhiều điều: môi trường sống, sự hợp lý hóa của số đông, sự không vâng lời. Nhưng chắc chắn lương tâm không phải là áp lực xã hội. Xưa kia Newton và Wilberforce đã chiến đấu một cách hết mình để giành lấy sự tự do cho các nô lệ, và Martin Luther King bênh vực cho quyền lợi của người da đen, tất cả đều không đến từ bất kỳ áp lực xã hội nào. Họ hành động dưới nanh vuốt chống đối của xã hội, và như vậy điều đó luôn luôn xảy ra để đạo đức được tiến bộ.
Dù văn hóa nhân loại có đa dạng đến đâu thì vẫn có những điểm chung đáng chú ý về những giá trị thiết yếu mà lương tâm chỉ ra: giết người, trộm cắp, ngoại tình, dâm dục, khủng bố, ghen ghét, tất cả đều bị kết tội. Toàn thế giới đều đồng ý rằng hòa bình là đúng và chiến tranh là sai – dù ít người thực hiện điều đó. Và cũng chính lương tâm chỉ cho chúng ta phân biệt đúng sai, và chúng là người công bố điều đúng. C.S. Lewis đã tóm lại như thế này:
Nếu không có hệ đạo đức nào tốt hơn hệ đạo đức nào thì việc chọn giữa đạo đức văn minh và đạo đức của Đức Quốc Xã cũng không có khác biệt gì. Khi bạn nói hệ đạo đức này là tốt hơn hệ đạo đức khác, khi đó bạn đang đo lường chúng bằng một chuẩn mực nền tảng nhất.
Thậm chí Bertrand Russell khi còn trẻ đã từng đấu tranh quyết liệt chống lại sự khác biệt cơ bản giữa đúng và sai, vào lúc cuối đời đã nói: “yêu thương là đúng, ghen ghét là sai,” Nhưng bằng cách nào ông có được những chân lý đạo đức như vậy trong một thế giới không thờ trời? Nó không phải được thêm vào. Nếu loại bỏ khả năng có một Đấng sáng tạo, bạn không thể xác định những nguyên tắc của lương tâm trong một số các nguyên tử ngẫu nhiên, điều mà cả thế giới này đều có. Đạo đức, lương tâm, sự khác biệt giữa đúng và sai là dấu chỉ quan trọng cho một Đức Chúa Trời Đấng quan tâm đến điều gì là đúng, là tốt lành và chân thật. Ngài không phải là một thế lực mù lòa, không phải là một nhà thiết kế khó hiểu, nhưng Ngài là Đức Chúa Trời của con người, vì quan tâm đến điều gì là đúng nên Ngài đã tạo dựng nên một thước đo đạo đức trong mỗi tạo vật của Ngài.
Sự tồn tại của tôn giáo. Hãy xem sự tồn tại của tôn giáo. Con người là loại động vật biết thờ phượng. Thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, các triết gia Hy Lạp chế giễu tôn giáo và mời gọi mọi người hãy bỏ nó đi. Nhưng tôn giáo vẫn tiếp tục. Khắp mọi nơi trên thế giới đều như vậy. Người Nga đã chiến đấu chống lại tôn giáo sau Cách Mạng năm 1917. Họ đã thất bại. Một lần nữa họ đã cố gắng đàn áp bằng bạo lực dưới thời Stalin. Họ lại thất bại. Trung Quốc cũng cùng một hoàn cảnh. Người Trung Quốc theo tôn giáo của họ một cách dai dẳng. Họ không thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng họ thờ phượng điều họ muốn, thậm chí đó là điều thuộc về vật chất như sự giàu có về của cải vật chất hoặc một điều gì đó rất trừu tượng như ý tưởng phát triển.
Có một sự thật giúp phân biệt con người hiện tại với con người thuở ban sơ mới xuất hiện. Nó phân biệt con người với những sinh vật khác. Đó chính là con người là động vật biết thờ phượng. Bất cứ nơi đâu con người từng sinh sống đều để lại dấu tích về sự thờ phượng, trong nhiều hình thức khác nhau. Đây không phải là kết luận của một người ngoan đạo, nhưng đó là một sự thật quan sát được. Và xuyên suốt lịch sử kể cả thời tiền sử, khi con người tự lấy đi hành động thờ phượng thì họ trở nên suy sụp không tự chủ được. Rất nhiều người này nay suy sụp không tự chủ được, hoặc họ sẽ tìm được một trụ cột dễ dàng đạt được nhất để neo bản năng của họ vào đó. Đó là nguyên nhân của sự tang bốc các thần tượng. Đó là nguyên nhân của những đám đông chạy đến những ngôi sao truyền hình. Nếu một bản năng không được thể hiện ra bên ngoài, hoặc bạn phải chế ngự nó, bạn có thể sẽ điên cuồng và mất trí.
Kết luận trên không phải của một triết gia hay một tu sĩ, nhưng là của một nhà văn, Winston Graham, trong tác phẩm Người Cộng Sự Đang Ngủ (The Sleeping Partner). Ý kiến của ông là đúng phải không?
Khi kết hợp lại với nhau, có những sự thật không chỉ khiến việc tin Chúa là một điều hợp lý, mà quả thực còn khiến cho những lý lẽ rất khó để bác bỏ sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Những sự thật đó bày tỏ một Đức Chúa Trời tài giỏi, đủ tài giỏi để thiết kế nên những chòm sao và quy định sự phát triển của phôi thai. Những sự thật đó bày tỏ Chúa là nguồn của tính cách con người, và vì vậy Ngài hơn cả một con người và vượt quá những gì chúng ta có thể nghĩ về con người. Ngài là nguồn gốc đích thực của giá trị: sự sống, ngôn ngữ, sự thật, cái đẹp, lòng tốt, tất cả đều tìm thấy trong một mái nhà chung đó chính là Ngài. Ngài quan tâm đến điều nào là đúng đắn hay sai trái, đến nỗi Ngài đã ban cho mỗi người có một lương tâm. Ngài muốn chúng ta biết Ngài và thỏa vui trong Ngài, Ngài muốn chúng ta thờ phượng và sống trong mối tương giao với Ngài – đo đó mà bản năng tôn giáo có trong con người trên toàn thế giới từ cổ chí kim.
Mặc dầu vậy, Ngài vẫn là Đức Chúa Trời không được biết đến. Làm thế nào chúng ta có thể phám phá về Ngài? Có lẽ mọi tôn giáo đều dẫn đến Đức Chúa Trời. Hãy chứng thực điều đó trong chương tiếp theo.

Chương 4

Mọi Tôn Giáo Đều Hướng Về Chúa?

Một lý thuyết hấp dẫn
Mãi đến vài năm trở lại đây thì bộ môn tôn giáo học đối chiếu, một vấn đề còn khá mới lạ, mới được một số chuyên gia quan tâm. Giờ đây nó đã thay thế vị trí của thần học trong các trường đại học khắp các quốc gia phương Tây và đã có chỗ đứng vững vàng trong hoạt động hướng dẫn tôn giáo tại các trường trung học. Dĩ nhiên, lý do đó là chúng ta đều nhận thức rằng thế giới này giống như một ngôi làng hình địa cầu. Dòng chảy những người Châu Á, Ấn Độ, Ả Rập, Pakistan đổ vào Anh Quốc và Hoa Kỳ mang theo các tôn giáo của họ vào cửa nhà chúng ta. Chúng ta sẽ phản ứng ra sao với những niềm tin khác? Có lẽ chúng đều giống nhau. Có lẽ chúng đều là những con đường dẫn đến Đức Chúa Trời, và bạn sẽ phải chọn một con đường?
Quan điểm trên vô cùng hấp dẫn. Nó tránh phải lựa chọn giữa trắng và đen mà xem mọi thứ đều là màu xám. Về cơ bản nó là ý tưởng dung hòa, và sự dung hòa là một ưu điểm rất hợp thời. Nó khiêm tốn và không tạo nên tham vọng mạnh mẽ cho một tôn giáo của riêng ai. Nó dường như là một lẽ thường đáng ngưỡng mộ. Chúng ta lấy quan điểm của tất cả mọi người và cố gắng xây dựng một hình tượng chung về Đức Chúa Trời. Một số người cực kỳ nổi tiếng và các tổ chức đã chứng minh điều đó. Chẳng hạn như, Mahatma Gandhi được xem như vị thánh của Ấn Độ đã nói: “Cốt lõi của mọi tôn giáo chỉ có một, nhưng nó được bao bọc bởi những hình thức khác nhau… chân lý là tài sản độc nhất không thuộc về một kinh sách nào… Tôi không thể quy Chúa Giê-su là vị thần duy nhất. Ngài là một thần cũng giống như Krishna, Rama, Mohammed và Zoroaster.” Người thần bí của đạo Hindu, Ramakrishna đã từng nói chính ông là cùng một linh hồn của những người đã sinh ra trước đó như Rama, Krishna, Chúa Giê-su, và Phật. Trong ngôi đền riêng của mình Hoàng đế La Mã Severus muốn bảo vệ vận may của mình đã dựng lên không chỉ có tượng của các hoàng đế đáng kính mà còn những con người làm công việc kỳ diệu như Apolonius của Tyana, Đức Chúa Giê-su Christ, Abraham, và Orpheus! Một quan điểm rất hiện đại như bài hát của nhóm Quintessence nói rõ:
Giê-su, Phật, Môi-se, Gauranga,
Dẫn tôi thấm sâu vào biển yêu thương của người
Giê-su, Phật, Môi-se, Gauranga,
Tất cả đáng được tôn sùng.
Đó là một quan điểm rất phổ biến, tuy nhiên nó không đúng đắn vì hai lý do thuyết phục sau.
Phi lý
Thật là một ý tưởng cảm tính thú vị khi nghĩ rằng mọi tôn giáo đơn giản đều như nhau và chúng đều là những hình thức khác nhau của cùng một chủ đề. Nhưng không may chúng đều đi ngược lại với mọi chứng cớ. Làm thế nào mọi tôn giáo có thể dẫn ta đến Đức Chúa Trời khi chúng thật khác biệt với nhau? Chúa của đạo Hindu là số nhiều và không có thân vị. Chúa của đạo Hồi là số ít và có thân vị. Chúa của Cơ Đốc Giáo là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ. Vị thần của đạo Phật không có thân vị và không sáng tạo thế giới. Chắc chắn là bạn sẽ không tìm được một sự đối lập nào lớn hơn như vậy. Cơ Đốc Giáo dạy rằng Đức Chúa Trời không chỉ tha thứ tội lỗi cho con người nhưng Ngài còn ban sự cứu giúp siêu nhiên cho họ. Phật Giáo không có sự tha tội cũng như không có sự giúp đỡ siêu nhiên. Theo Phật Giáo, mục đích của mọi sự tồn tại đó là cõi niết bàn, sự diệt vong chỉ đạt được sau hơn 547 lần đầu thai. Mục đích của mọi sự tồn tại theo Cơ Đốc Giáo đó là biết Chúa và vui thỏa trong Ngài mãi mãi. Đạo Hindu sử dụng rất nhiều hình tượng minh họa, trong khi Do Thái Giáo cấm làm tượng chạm về Đức Chúa Trời. Hồi Giáo cho phép người nam lấy bốn vợ, trong khi Cơ Đốc Giáo chỉ có một. Có lẽ sự khác biệt lớn nhất nằm ở Kinh Thánh. Kinh Thánh khẳng định rằng không ai tự cứu lấy mình và có thể sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ngược lại, những kinh sách khác khẳng định nếu con người nỗ lực hết sức giữ những lời dạy trong đó thì họ sẽ được cứu rỗi, hoặc được đầu thai, hoặc trở nên trọn lành, hoặc tu thành chính quả. Hơn hết, sự đối lập này thể hiện rõ ràng nhất qua câu chuyện Người Con Trai Hoang Đàng kể lại theo quan điểm Phật Giáo. Đứa con trai hư trở về gặp cha, anh phải làm lụng vất vả nô dịch cho cha trong nhiều năm để trả hết những hành động sai trái của mình. Quy luật karma (nhân quả) là một thái cực hoàn toàn đối lập với ân điển (sự tha thứ không đòi hỏi một điều kiện nào dù bạn không xứng đáng để nhận).
Đến đây không phải tôi muốn đánh giá niềm tin của các tôn giáo khác nhau. Tôi chỉ muốn trình bày quan điểm cho rằng mọi tôn giáo đều hướng về một điểm là hoàn toàn bất hợp lý. Thật ngớ ngẩn khi cho rằng mọi con đường ở Chicago đều dẫn đến New York. Chẳng phải như vậy, và dù ngụy tạo điều đó là đúng cũng chẳng giúp ích được gì. Các con đường tỏa đi nhiều hướng hoàn toàn khác nhau. Diệt vong hoặc thiên đàng; tha thứ hoặc trả giá; một vị thần có thân vị hoặc một vị thần không có thân vị; sự cứu rỗi bởi đức tin hoặc bởi việc làm. Những sự đối lập trên không thể hòa hợp được.
Vấn đề đó là ngày nay sự dung hòa đã đến một mức độ mà nó không còn là đạo đức nữa nhưng là sự đồi bại. Nó là sự hững hờ đến phũ phàng đối với sự thật. Thật không phải là lòng tốt khi ta nói cho một người biết rằng quan điểm của họ cũng đúng giống như quan điểm của bất kỳ ai khác. Cơ bản chúng ta đang bộc lộ thái độ hoài nghi của mình, giống như việc chúng ta nói cho một người mù đang ngồi ở rìa một vách núi đá dựng đứng rằng: “Đi đường nào không quan trọng. Mọi con đường đều dẫn đến cùng một nơi.”
Mục sư Lesslie Newbigin tại thành phố Madras, Ấn Độ đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng sự khác biệt giữa Cơ Đốc Giáo và các niềm tin khác. Mục sư cần phải làm điều đó khi sống giữa nền văn hóa theo Hindu Giáo. Ông đã viết về vấn đề này trong cuốn sách rất nổi bật của mình, The Finality of Christ (Tính chất dứt khoát của Đấng Christ). Mục sư giữ vững quan điểm: ranh giới to lớn giữa các tôn giáo đó chính là quan điểm của họ đối với lịch sử. Hầu hết các tôn giáo đều xem nó như một chiếc bánh xe. “Chu kỳ sinh ra, lớn lên, suy yếu và qua đời có trong mọi thực vật, động vật, con người và các thể chế. Từ đó đưa ra giả thuyết về một bánh xe xoay vòng – luôn luôn chuyển động nhưng không bao giờ quay về chính nó.” Để thoát khỏi sự vô nghĩa là chuyển động lặp đi lặp lại, chiếc bánh xe cho ta một cách. Đó là cầm lấy tay quay và đi đến trục của chiếc bánh xe nơi mà tất cả đều nghỉ ngơi và bạn có thể quan sát chuyển động không ngừng mà không lo mình sẽ bị kéo vào vòng quay ấy. Đây là con đường của hầu hết các tôn giáo: “Bàn luận quanh vấn đề các ‘con đường’ khác nhau chỉ là vô nghĩa; vấn đề đó là những ai theo họ phải tìm được cách để đi đến trung tâm, là nơi không có chuyển động, không có thời gian, nơi mà mọi thứ đều yên lặng, và là nơi mà họ có thể hiểu được tất cả những chuyển động không ngừng làm nên lịch sử – hiểu được rằng nó chẳng đi đến đâu và không có ý nghĩa nào cả.”
Một biểu tượng lớn khác không phải là một chiếc bánh xe, nhưng là một con đường. Đây là quan điểm của Do Thái Giáo và Cơ Đốc Giáo.
Lịch sử là một cuộc hành trình, một cuộc hành hương. Chúng ta vẫn chưa thấy đích đến, nhưng chúng ta tin và đi tìm nó. Chuyển động mà chúng ta bị cuốn vào không phải là vô nghĩa; nó là chuyển động để đi đến đích. Đích đến… không phải là một thực tại vô hạn giấu sau sự đa dạng và thay đổi mà chúng ta trải nghiệm, nhưng nó là điều chúng ta vẫn chưa đạt được; nó nằm ở cuối con đường.
Đó chính là sự độc nhất mà Cơ Đốc Giáo khẳng định. Đức Chúa Trời can thiệp vào dòng lịch sử. Lịch sử của người Do Thái, sự giáng sinh của Đức Chúa Giê-su, thập tự giá, và sự sống lại là những sự kiện quan trọng trên con đường đó mà cuối đường là thiên đàng.
Cho rằng mọi tôn giáo đều hướng về Chúa không chỉ phi lý mà còn: Không thể xảy ra.

Chương 5
Giê-su Cũng Chỉ Là Một Vĩ Nhân
Thế hệ của chúng ta là thế hệ của sự tìm tòi. Chúng ta không cho bất cứ điều gì là tuyệt đối, và nếu có một quan niệm nào đó đã cũ thì rất có thể nó sẽ không còn đúng nữa! Chúng ta muốn điều đúng đắn trong hiện tại, thích hợp với hiện tại. Những giáo lý cũ xưa của Giáo Hội như vấn đề Đức Chúa Giê-su ở Na-xa-rét với thần tánh không còn làm chúng ta cảm thấy rạo rực nữa. Tuy nhiên chúng ta vẫn rất quan tâm đến Đức Chúa Giê-su. Những cuốn sách về Ngài vẫn tiếp tục được phát hành cách ồ ạt bất chấp giá giấy mực tăng cao. Các bản nhạc Rock Opera như Jesus Christ Superstar (Giê-su Christ Siêu Sao) và Godspell (Tin Lành) được xếp hạng cao nhất thế giới. Hiển nhiên Đức Chúa Giê-su đã không đánh mất sự thu hút của Ngài.
Khi hỏi tại sao dòng nhạc tôn giáo lại thịnh hành đến như vậy, nó nói gì về thế hệ của chúng ta? Diễn viên David Essex đóng vai Đức Chúa Giê-su trong vở Godspell đã trả lời: “Tôi nghĩ là có. Chúng ta đều trải qua một thời kỳ cố gắng tìm kiếm một trải nghiệm nào đó hoàn toàn mới lạ. Rất nhiều người lao đầu vào ma túy, nhiều người khác thì chọn các tôn giáo ở Phương Đông. Nhưng rồi nhận thấy những điều đó không đáp ứng nhu cầu của mình, chúng ta lại quay trở về với Cơ Đốc Giáo, nhưng theo một cách mới hơn. Chúng ta xem Đức Chúa Giê-su là một con người khác. Nếu bạn muốn, bạn có thể xem Chúa Giê-su như một nhân vật giống như Che Guevara (nhà cách mạng Mác-xít nổi tiếng của Argentina), nhưng không theo xu hướng chính trị.”
Tôi thấy điều này rất có ích. Trong bất kỳ khía cạnh nào, Đức Chúa Giê-su cũng đều là một vĩ nhân, một người nhân đức, một thầy giáo vĩ đại, một người tận tụy cách anh dũng. Nhưng những nhân vật nổi tiếng khác cũng giống như vậy. Khi nói “một con người khác” David Essex muốn đề cập đến những phẩm chất đặc biệt của Đức Chúa Giê-su. Hãy cùng tôi quay về với Kinh Thánh Tân Ước để nhìn thấy sự khác biệt đó và suy nghĩ xem liệu đáp án dễ dãi: “Đức Chúa Giê-su cũng chỉ là một vĩ nhân” có thuyết phục hay không.
Ngài có nhân cách khác biệt.
Nhân cách của Ngài khác biệt với bất kỳ con người nào từng sống trên đất. Nhân cách ấy đã ảnh hưởng sâu rộng đến cả thế giới trong hai ngàn năm qua kể từ khi Ngài bước đi trên con đường hẹp Na-xa-rét. Để kiểm chứng cho điều này, Mohammed và cả triết gia Socrates đều có những ảnh hưởng sâu đậm. Nhưng không ai sánh được với Đức Chúa Giê-su. Suốt hai thế kỷ qua Ngài đã giành được tình yêu, khối óc và lòng trung thành của tất cả mọi người, từ tá điền đến vua chúa, từ người khôn ngoan đến người thất học. Dù là bộ tộc Naga ở miền quê Ấn Độ, hay những người Masai hiếu chiến ở Kenya, những người da trắng và da đen ở Nam Phi và Hoa Kỳ, những người ở Fiji, Phần Lan, Singapore và Sebastapol, tất cả đều không có sự khác biệt. Cơ Đốc nhân có ở tất cả mọi nơi. Bất cứ nơi đâu sứ điệp của nhân vật Giê-su này được công bố đều có những con người mang những sắc tộc, văn hóa, bối cảnh sống và trí tuệ khác nhau đã từ bỏ con đường của họ để đi theo Ngài. Cũng có sự chống đối, thường là sự bắt bớ, kéo theo sự hy sinh và bị tẩy chay. Nhưng điều đó không ngăn người ta ngừng chống lại sự thu hút của Đức Chúa Giê-su.
Có lẽ bạn sẽ nói Lê-nin hoặc Mao Trạch Đông cũng có những đặc điểm trên. Hoặc ít nhất thì họ cũng gần như vậy. Những nhà lãnh đạo này có một số lượng rất đông người ủng hộ ở một nơi nào đó trên trái đất. Những người đi theo họ thường được giàu có, mức sống cao và đạt được mục đích mà họ mong muốn. Tuy nhiên những nhà lãnh đạo này chỉ thu hút một bộ phận dân chúng: Mao Trạch Đông đem lại hy vọng cho tầng lớp lao động bị áp bức, song ông không đem lại điều gì hơn ngoài sự sụp đổ của giai cấp tư sản. Ngược lại, Đức Chúa Giê-su đem lại hy vọng, công lý và tình yêu cho người nghèo, và Ngài cũng tìm đến với người giàu cùng người thất bại. Ngài thay đổi những con người ấy nhưng không đe dọa hay buộc họ phải chống đối lại tầng lớp của mình.
Hơn thế nữa, triết lý của Lê-nin hay Mao Trạch Đông cũng gặp nhiều sự đố kỵ và thù địch. Có rất nhiều điều sai trật trong việc đeo đuổi lý tưởng của họ, và đó là một sự thờ ơ đáng sợ đối với chân lý. Tìm đâu trong cả dòng lịch sử nhân loại một nhân vật có tầm ảnh hưởng và thu hút mọi người thuộc mọi thế hệ, mọi tầng lớp để biến đổi họ trở nên tốt hơn? Không ai ngoài Đức Chúa Giê-su. Một cuộc đời độc nhất, không có cuộc đời nào giống như vậy. Bạn có biết luận đề “One Solitary Life” (Cuộc Đời Độc Nhất) của một tác giả vô danh không? Sau đây là nội dung của nó:
Ngài sanh ra trong một ngôi làng tăm tối, là con của một nữ nông dân.
Ngài lớn lên trong một ngôi làng khác, tại đó Ngài làm việc trong một xưởng mộc cho đến khi Ngài ba mươi tuổi. Sau đó trong ba năm Ngài là nhà thuyết giáo lưu động.
Ngài chưa từng viết sách. Ngài chưa từng mở một văn phòng. Ngài chưa từng lập gia đình hay sở hữu một căn nhà. Ngài không được vào đại học. Ngài chưa từng đến một thành phố lớn. Ngài chưa từng đi xa hơn hai trăm kilomet khỏi nơi Ngài sanh ra. Ngài không làm một điều gì để người khác cho là vĩ đại.
Ngài không có bằng cấp hay giấy tờ chứng minh nào ngoài chính bản thân mình.
Khi chỉ mới ba mươi ba tuổi, công chúng bắt đầu chống đối Ngài. Bạn bè Ngài tháo chạy. Ngài bị nộp cho kẻ thù và chịu đựng sự phỉ báng của phiên tòa. Ngài bị treo trên thập tự giá giữa hai tên trộm. Khi Ngài dần chết đi, những kẻ hành quyết bắt thăm trang phục của Ngài – đó tài sản duy nhất Ngài có khi ở trên đất. Khi chết đi Ngài được chôn trong ngôi mộ cho mượn lại do lòng thương hại của một người bạn.
Thế kỷ mười chín đến rồi đi, ngày nay Ngài là nhân vật trung tâm của nhân loại, là lãnh đạo cho sự tiến bộ của con người. Dù lấy tất cả quân đội từng hành quân, tất cả tàu chiến của hải quân từng ra khơi, tất cả quốc hội từng ngồi lại, tất cả các vua từng thống trị, cũng không tác động đến trái đất này nhiều như cuộc đời độc nhất ấy.
Nếu Đức Chúa Giê-su chỉ là một người tốt thì tôi tự hỏi rằng điều gì khiến cuộc sống của Ngài khác biệt đến như vậy? David Essex gọi Ngài “giống như Che Guevara nhưng không có xu hướng chính trị.” Che là một nhân vật có nét tương đồng rất lớn… nhưng cũng có nhiều nét tương phản. Là con của một gia đình giàu có, Che là ông chủ ngân hàng có trình độ học vấn cao và cũng là một bác sĩ. Ông đã bỏ tất cả vì ích lợi của những người nghèo khó ở Bolivia. Giống như Đức Chúa Giê-su: “Mặc dù Che rất giàu có, nhưng vì các bạn ông đã trở nên nghèo…” Giống như Đức Chúa Giê-su, Che dẫn đầu một phong trào chống đối triệt để chế độ thối nát lúc bấy giờ. Giống như Đức Chúa Giê-su, ông bị phản bội và bị giết. Giống như Đức Chúa Giê-su, Che nhận được sự thán phục và cống hiến từ đông đảo những người theo ông trên toàn thế giới. Nhưng những điều giống nhau chỉ dừng lại ở đó.
Không như Che, Đức Chúa Giê-su không giảng dạy và thực hành sự thù địch và bạo lực chống lại kẻ thù. Ngược lại, Ngài dạy và bày tỏ tình yêu thương. Không giống như Che, Đức Chúa Giê-su không lập ra quân đội. Không giống như Che, Đức Chúa Giê-su không bị lừa gạt dẫn đến cái chết. Ngài đi đến cái chết bằng sự lựa chọn tự nguyện cao cả. Không giống như Che, Đức Chúa Giê-su không chết vĩnh viễn, ra đi mà không để lại gì ngoài những kỷ niệm và lý tưởng làm vui lòng những ai theo ông. Nhưng Đức Chúa Giê-su đã sống lại, chúng ta sẽ bàn đến trong chương 9. Và điều quan trọng đó là Cơ Đốc nhân tại Bolivia đã có một cuộc phấn hưng trong những năm gần đây, hơn 60.000 người quyết định từ bỏ bóng tối để bước ra thực tại, từ Che Guevara đến Đấng Christ. Bạn thấy đấy, trong Đức Chúa Giê-su có sự khác biệt rõ ràng.
Ngài dạy điều khác biệt.
Chưa ai từng dạy đạo lý giống như Ngài. Đó là kết luận của những người lính đến bắt Đức Chúa Giê-su. Người Pha-ri-si hỏi những người lính này tại sao họ không tuân lệnh, họ đã trả lời rằng: “Chẳng hề có ai đã nói như người này” (Giăng 7:46). Giăng, nhà truyền giáo đầu tiên đã nói: “Đức Chúa Giê-su đã dạy dỗ như một người có thẩm quyền, không như những người thầy đương thời.” Họ có thể xây dựng quan điểm của mình dựa trên vô vàn những kiến thức có từ trước – họ chỉ giống như những chú thích ở cuối trang trong các cuốn sách học thuật hiện đại về Đức Chúa Trời. Ngược lại, Đức Chúa Giê-su bắt đầu lời dạy của Ngài bằng một công thức rất khác biệt, một công thức mà không nền văn học nào có: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi.” “Ta” ở đây là ai mà phán với đầy thẩm quyền như vậy? Người này là ai mà nói nhiều về Vương Quốc Đức Chúa Trời đến như vậy? Và người này là ai mà có thể điềm tĩnh tuyên bố rằng Ngài đến để đem vương quốc ấy đến? “Luật pháp và các lời tiên tri có đến đời Giăng mà thôi,” Ngài từng phán như vậy. “Từ đó tin lành của nước Đức Chúa Trời được truyền ra.” Nói cách khác, người đi trước Ngài, Giăng Báp-tít, đánh dấu kết thúc của thời đại cũ: Đức Chúa Giê-su là khởi đầu cho thời đại mới.
Điều này giải thích cho tính khẩn cấp trong những ví dụ nổi bật của Ngài. Người nông dân sau khi gieo lúa và chăm sóc cho cánh đồng thì giờ đây anh phải thu hoạch mùa vụ: nếu anh để cho mùa thu hoạch trôi qua, anh sẽ đánh mất nông sản của mình. Người đam mê ngọc trai tìm được viên ngọc quý nhất mà anh từng nhìn thấy, hoặc người cuốc đất vô tình tìm được túi báu vật được chôn giấu trong cánh đồng – cả hai đã không để một giờ nào trôi qua: họ phải giành lấy nó dù họ có phải đánh cược cả gia tài của mình. Một ông chủ hào phóng đã mở rộng bữa tiệc cho tất cả mọi người; từ chối lời mời có thể là một thảm họa – nó có nghĩa là bạn bị đuổi ra khỏi bữa tiệc. Chắc chắn cả khu vực đều mong mỏi những lời giảng dạy giống như vậy. Chưa từng có điều gì trong lịch sử tôn giáo thế giới sánh bằng lời dạy của Ngài.
Bạn chỉ tìm được thông điệp trong lời dạy của Đức Chúa Giê-su bằng cách đối chiếu với Kinh Thánh Cựu Ước. Tôi không lầm đâu. Đức Chúa Giê-su dùng Kinh Thánh Cựu Ước như Kinh Thánh của chính Ngài. Đức Chúa Giê-su tin rằng Kinh Thánh Cựu Ước được Đức Chúa Trời hà hơi và vì thế nó dứt khoát dành cho Ngài và những ai nghe Ngài. Tuy nhiên Đức Chúa Giê-su vẫn có thể nêu ra những điểm đối lập với Kinh Thánh Cựu Ước. Điều đó không có nghĩa là đen chống lại trắng, nhưng là sự hoàn thành đối với lời hứa. “Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm trọn,” Đức Chúa Giê-su phán lời này trong Ma-thi-ơ 5:17. Ngài tiếp tục bày tỏ điều Ngài muốn nói: “Sự công bình của các ngươi phải trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo,” Đức Chúa Giê-su giải thích rằng nhiều người sùng đạo bày tỏ sự thành kính của họ để gây ấn tượng với người khác; họ bố thí để được người khác tán thưởng; và họ cầu nguyện để cho người khác thấy. Tuy nhiên lời cầu nguyện âm thầm, lòng hào phóng không ai biết đến, tấm lòng thành khẩn không phô trương là mệnh lệnh cho những người theo Chúa Giê-su.
Khi đề cập đến vấn đề giết người. “Các ngươi có nghe lời phán cho người xưa rằng: ‘Ngươi chớ giết ai; và rằng: Hễ ai giết người thì đáng bị tòa án xử đoán.’ Song ta phán cho các ngươi: Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa án xử đoán” (Ma-thi-ơ 5:21). Đức Chúa Giê-su không bác bỏ luật pháp Cựu Ước về tội ngộ sát. Ngài chỉ làm trọn ý định đằng sau luật pháp ấy qua việc bày tỏ rằng Đức Chúa Trời ghét bỏ ý nghĩ xấu xa trong cơn giận không được kiểm soát nhiều như hành động cay đắng giết người. Một lần nữa, Ngài dùng câu phương châm nổi tiếng trong Cựu Ước: “Mắt đền mắt, răng đền răng” và thêm rằng “song ta bảo các ngươi, ‘Đừng chống cự kẻ dữ’” (Ma-thi-ơ 5:38). Có phải Ngài phản đối nguyên tắc trong Cựu Ước? Không một chút nào. Ngài hiểu được nguyên tắc đằng sau những luật lệ đó (để hạn chế sự báo thù cho hành động sai) và làm trọn nguyên tắc ấy bằng tình yêu xóa tan thù hận.
Vấn đề tình yêu rất khó để làm trọn, thậm chí đối với những người bạn thương yêu. Cho nên Cựu Ước viết: “Ngươi phải yêu người lân cận mình,” và những người sao chép Kinh Thánh đã hăng hái thêm vào Cựu Ước: “ghét kẻ thù nghịch mình!” Đối với vấn đề này, Đức Chúa Giê-su đem lại một đạo lý mà không ai mơ tưởng đến được, một điều mới chưa từng có trong lịch sử, một đạo đức khó nhất và mạnh mẽ nhất trong thế giới ngày hôm nay: “Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, như Cha các ngươi trên trời đã làm” (Ma-thi-ơ 5:43).
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm, xin hãy tìm Bài Giảng Trên Núi trong Ma-thi-ơ 5:7. Nhưng vấn đề đã được làm rõ: dù Đức Chúa Giê-su dạy dỗ dựa trên sự bày tỏ của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước, nhưng Ngài dạy về sự làm trọn những điều đã được báo trước, là điều hoàn toàn mới, hoàn toàn dễ hiểu, rất sâu sắc và có liên hệ đến ngày hôm nay như vốn có từ buổi ban đầu.
Bây giờ tôi xin hỏi bạn: Điều nào trong lời dạy của Đức Chúa Giê-su không phải là chân lý? Bạn có thể tìm thấy điều nào là sai? Tại sao suốt nhiều thế kỷ qua, không một tiến bộ về đạo đức hay triết lý về cách hành xử giữa con người với nhau thể hiện sự tiến bộ hơn so với Con Người ở Na-xa-rét này? Đạo lý tuyệt vời của Con Người này từ đâu mà có? Ngài có câu trả lời: “Đạo lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến.” (Giăng 7:16). Ngài nói liệu có đúng không? Có phải Ngài đến từ Đức Chúa Trời? Phải chăng đây là câu trả lời khẳng định dứt khoát cho thẩm quyền, sự giản dị, sự sâu sắc và sự thu hút của Ngài trên toàn thế giới? Nếu bạn đáp: “Dĩ nhiên là không, Ngài chỉ là một người thầy rất ấn tượng mà thôi,” Khi ấy tôi xin hỏi bạn một vài câu.
Tại sao những người đương thời và những thế hệ tiếp theo sau ấn tượng về Đức Chúa Giê-su một cách hoàn toàn khác với những người thầy khác? Làm sao điều đó có thể khi Ngài chưa từng học đại học? Làm sao đạo lý của Ngài có thể phù hợp cho mọi người ở khắp nơi, không giống những người thầy vĩ đại khác như Socrates và Mohammed? Tại sao kể từ sau lời dạy của Ngài, không ai còn bịa ra những tiến bộ đạo đức vớ vẩn nữa? Điều gì trong tính di truyền hay môi trường sống có thể giải thích cho người thầy vĩ đại này và cũng giải thích cho sự thật đáng chú ý đó là chưa từng có ai vĩ đại hơn Ngài? Vâng, người thầy này có một điều gì đó khác biệt. Có lẽ sẽ không quá lạ khi Đức Chúa Giê-su đổi câu cổ ngữ Do Thái: “Khi đôi ba người chăm lo về Luật Pháp Chúa, vinh quang của Đức Chúa Trời chiếu sáng họ” và thay thế bằng câu: “Vì nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ” (Ma-thi-ơ 18:20). Có lẽ Ngài đã là một người khác biệt.
Ngài xử sự một cách khác biệt.
Nhiều lần Đức Chúa Giê-su nói với những người hoài nghi rằng họ không nên tin Ngài nếu như chưa nhìn thấy việc làm của Ngài. Ngài thường nói với họ: hành động của Ngài phải đúng với lời Ngài phán. Và thật vậy. Hoàn toàn đúng như thế. Cao cả thay là người đã kể về câu chuyện kẻ chăn chiên kiên trì đi tìm con chiên lạc mất vào ban đêm bất chấp mọi nguy hiểm. Nhưng vĩ đại thay là người đã sống và bày tỏ điều ấy: đó là tình yêu thương đối với Si-môn Phi-e-rơ thậm chí khi ông chối không biết Đức Chúa Giê-su và rời bỏ Ngài trong lúc cần thiết nhất. Thật tuyệt vời khi qua lời dạy của Đức Chúa Giê-su, chúng ta biết về tình yêu thương của Đức Chúa Cha là dành cho tất cả mọi người cho dù họ không xứng đáng; giống như mưa và nắng, tình yêu thương đó dành cho tất cả mọi người. Tình yêu thương đó còn vĩ đại hơn khi trong bữa tiệc bạn quyết định nhường chỗ yêu thích cho người mà bạn biết sắp phản bội mình, và rồi hôn người ấy trên đôi má khi người ấy hôn bạn! Lời dạy: “Phước cho những kẻ có lòng khó khăn” không khác với đời sống hạnh phúc trong cảnh nghèo khó, như Đức Chúa Giê-su đã từng sống. Lời dạy: “Hãy chúc phước cho kẻ thù nghịch” không khác với lời cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ” khi những tên lính bạo tàn treo thân thể đầy máu của Ngài trên cây thập tự. Đó là cách Đức Chúa Giê-su xử sự. Việc làm của Chúa hoàn toàn đúng với lời Ngài đã dạy.
Đó là điều mà chưa từng có ai làm được. Socrates, Plato, Môi-se, Khổng Tử, và trong thời hiện đại có Martin Luther King, Giáo Hoàng Giăng, hay Billy Graham, tất cả đều dạy những điều thật tuyệt vời và người ta bám vào từng lời dạy của họ. Dẫu vậy không ai trong số những vĩ nhân ấy thực sự thành công trong việc thực hành tất cả những gì họ dạy. Tất cả đều ý thức sự thất bại của mình. Thật vậy, ý thức về sự thất bại là một trong số những dấu hiệu chắc chắn nhất của một vĩ nhân – nhận biết mục tiêu vượt quá tầm với của mình, mục tiêu nằm xa hơn những gì có thể đạt được. Và một người càng vĩ đại thì họ càng khiêm nhường. Hãy nói với một người nào đó thật sự vĩ đại, người ấy sẽ cho bạn biết họ xấu hổ về những thất bại hay lỗi lầm của mình đến dường nào. Những thánh nhân nổi tiếng nhất luôn luôn là những người ý thức rõ rang về lỗi lầm của mình nhất.
Nhưng Đức Chúa Giê-su thì khác. Ngài dạy về những chuẩn mực cao nhất so với bất kỳ người thầy nào từng dạy, và Ngài làm theo những điều ấy. Ngài thật sự đã làm trọn những đạo lý đó. Tất cả mọi người biết Đức Chúa Giê-su đều khẳng định như thế. Điều bất ngờ là sự chống đối nhằm vào Đức Chúa Giê-su là vì sự vô tội của Ngài. Trong phiên tòa trước Phi-lát, ba lần vị thống đốc này tuyên bố Ngài vô tội. Vợ của Phi-lát cũng đã gửi một thông điệp vào phiên tòa với nội dung tương tự. Các lãnh đạo Do Thái không thể tìm một chứng cớ nào để kiện cáo Đức Chúa Giê-su. Và cuối cùng họ đã dồn Ngài đến con đường tự nhận Ngài là Đấng Mê-si-a để có thể kết án Ngài. Thậm chí tên phản bội Giu-đa cũng thừa nhận ông đã phản bội huyết vô tội. Hai tên cướp bị đóng đinh cùng với Đức Chúa Giê-su cũng nhận ra rằng Ngài không làm việc gì sai cả. Những tên lính đóng đinh Đức Chúa Giê-su cũng đã tuyên bố: “Người này vô tội.” Đó là những lời chứng rất hùng hồn từ phe đối lập. Đức Chúa Giê-su là một người khác biệt.
Có lẽ ấn tượng mạnh mẽ hơn đó là lời chứng từ những người bạn của Đức Chúa Giê-su. Khi càng biết rõ về một người, chúng ta càng ít có khuynh hướng chắc chắn về bất kỳ tuyên bố phóng đại nào đối với người đó bởi vì chúng ta biết người đó quá rõ. Nhưng trường hợp của Đức Chúa Giê-su thì khác. Sứ đồ Giăng rất thân thiết với Đức Chúa Giê-su. Song ông có thể gọi Đức Chúa Giê-su là: “Sự sáng nầy là sự sáng thật, khi đến thế gian soi sáng mọi người,” và khẳng định: “Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình… nhưng trong Ngài không có tội lỗi.” Sứ đồ Phi-e-rơ gọi Đức Chúa Giê-su là “Đấng công bình” đối lập với chúng ta là “kẻ không công bình.” Thật vậy, phẩm chất đời sống của Đức Chúa Giê-su cao đến nỗi có một lần sứ đồ Phi-e-rơ đã quỳ dưới chân Chúa và xin Ngài bước ra xa khỏi một một người tội lỗi như ông. Sứ đồ Phao-lô gọi Đức Chúa Giê-su là Đấng vô tội; trước giả sách Hê-bơ-rơ thì nói về Ngài là Đấng mà chúng ta cần: “thánh khiết, vô tội, không ô uế, biệt khỏi kẻ có tội.” Nói tóm lại, những trước giả sách Tân Ước quen thân hoặc biết rõ về Đức Chúa Giê-su đều thống nhất ở một điểm: đời sống của Ngài là hoàn hảo. Ngài như một phép màu về đạo đức. Đời sống của Ngài khác biệt với những con người khác, và làm phô bày sự yếu đuối của họ.
Đây chính là điều Đức Chúa Giê-su muốn bày tỏ qua hành động của Ngài. Chúng ta không bao giờ thấy Ngài phải xin lỗi điều gì. Chúng ta không bao giờ thấy Ngài thừa nhận đã làm sai một điều gì. Và Ngài cũng chính là người gay gắt lên án những người đạo đức giả! Có nhiều lúc chúng ta tìm hiểu sâu vào lời cầu nguyện của Đức Chúa Giê-su; tuy nhiên không bao giờ những lời cầu nguyện của Chúa mâu thuẫn với nhận thức về tình trạng tội lỗi. Ngài dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin tha sự vi phạm của chúng con,” nhưng đặc biệt Ngài không cần phải cầu nguyện như thế. Thật thú vị. Thật đặc biệt. Đây là một người có mức độ sáng suốt thuộc linh cao nhất, người có thể nói cùng Đức Chúa Cha rằng: “ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài” (Giăng 8: 29). Ngài là Đấng có thể khiến đám đông trở nên giận dữ vì tuyên bố rằng Ngài là Đấng ở cùng Đức Chúa Trời và hỏi họ với sự vô tội như một trẻ thơ: “Trong các ngươi có ai bắt ta thú tội được chăng?” (Giăng 8:46). Trong hai điều, tôi không biết điều nào nổi bật hơn: rằng Ngài có thể hỏi câu hỏi trên, hay Ngài không bị đám đông bắt tội!
Dù bạn nhìn theo cách nào thì đời sống đó vẫn là độc nhất. Trong số những người được liệt vào sử sách thì chỉ một mình Đức Chúa Giê-su đã đến với chúng ta như một tờ giấy trắng. Không gì có thể bôi nhọ được Chúa. Ngài không phạm phải một lỗi lầm nào. Có ai đã từng sống như vậy? Dù chỉ là một ngày? Vậy kết luận dễ dãi: “Đức Chúa Giê-su chỉ là một người thầy tốt” có đúng không? Không phải đó là một giả định nông cạn về một cuộc sống khác biệt đến kinh ngạc sao?
Ngài có năng lực khác biệt.
Bạn không thể tách rời Đức Chúa Giê-su với những phép lạ được. Những học giả trong suốt thế kỷ qua đã cố gắng vô tận để tìm kiếm một Đức Chúa Giê-su không có phép lạ. Cuối cùng họ phải thừa nhận sai lầm. Bởi vì mỗi một bằng chứng về Đức Chúa Giê-su cho thấy Ngài khác biệt với những con người khác: Đức Chúa Trời hành động qua Đức Chúa Giê-su theo cách mà chúng ta không thể nào hiểu được nếu cho rằng Ngài chỉ là một vĩ nhân. Những phép lạ bắt đầu từ khi Ngài sanh ra: theo sứ đồ Mác, Ngài là Con Trời; theo sứ đồ Giăng, Ngài là Lời của Đức Chúa Trời và là Đấng tạo hóa; và theo sứ đồ Giăng thì Ngài mang đầy đủ bản tánh của Đức Chúa Trời ba ngôi (tuy nhiên Ngài được “sinh ra từ người nữ”); theo sách Ma-thi-ơ và Lu-ca, Ngài là Đấng được sanh ra mà không phải từ một người cha trên đất. Các phép lạ tiếp tục khi Ngài thi hành chức vụ: phép lạ chữa lành, đuổi quỷ, phép lạ trên thiên nhiên (như việc hóa bánh cho đoàn dân đông và bước đi trên mặt biển), và phép lạ đáng kinh ngạc khiến La-xa-rơ sống lại, con trai của người đàn bà goá ở thành Na-in, và con gái Giai-ru. Cuối cùng, phép lạ lớn nhất đó là sự phục sinh của Ngài từ phần mộ – không phải là kéo dài cuộc sống nhưng là một cuộc sống mới mà người chết không hề có được.
Đó là lời chứng của Tân Ước: một con người Giê-su khác biệt, bởi năng quyền của Ngài. Trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp, ba sách Phúc Âm đầu tiên gọi những phép lạ này là “hành động năng quyền” (Acts of power). Nhưng Phúc Âm Giăng dùng từ “dấu hiệu” (Signs) để bày tỏ ý nghĩa thực sự của những phép lạ. Những dấu hiệu bày tỏ Đức Chúa Giê-su là ai. Những dấu hiệu bày tỏ Ngài có thể làm gì cho con người. Đấng có thể cung cấp thức ăn cho đoàn dân đông cũng có thể làm điều tương tự cho linh hồn khao khát. Đấng đã mở mắt cho người mù cũng có thể làm điều tương tự cho người bị mù lòa bởi kiêu hãnh và đố kỵ. Đấng khiến người chết sống lại có thể đem lại cuộc sống mới cho những ai chết về mặt tâm linh lẫn đạo đức. Những phép lạ không bao giờ xảy ra vì mong muốn ích kỷ hoặc để phô trương. Nó được thực hiện bởi lòng thương cảm của Đức Chúa Giê-su dành cho con người. Những phép lạ ấy nhằm chứng tỏ vương quốc của Đấng Mê-si-a mà người ta hằng chờ đợi đã bắt đầu, và cũng chứng tỏ rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng giải phóng cho con người bị bất kỳ xiềng xích nào trói buộc.
Ngày nay mọi người sẽ cười nhạo khi ai đó tin vào phép lạ. Những chuyện như vậy không thể nào xảy ra. Nhưng tại sao không? Quy luật tự nhiên không cấm các phép lạ! “Quy luật tự nhiên” là cái tên đơn giản mà chúng ta đặt ra cho một chuỗi những hiện tượng giống nhau có thể quan sát được; là cách mà những sự vật hiện tượng xảy ra. Nhưng nếu một trường hợp ngược lại được chứng thực rõ ràng, nhà khoa học sẽ mở rộng định nghĩa “quy luật” đó để nó bao hàm những hiện tượng giống nhau và ngoại lệ của quy luật. Trong trường hợp Đức Chúa Giê-su, có rất nhiều bằng chứng mạnh mẽ khẳng định rằng Ngài là trường hợp ngoại lệ của quy luật. Nếu cho rằng Ngài chỉ là một vĩ nhân thì những bằng chứng về Ngài thật là lạ và có lẽ là vô nghĩa. Nếu Ngài thật sự khác biệt, nếu Ngài thật sự là Đức Chúa Trời đến trong thân xác con người giới hạn để bày tỏ chính mình Ngài cho chúng ta được thấy – vậy thì có lẽ thật lạ thường hoặc thật vô nghĩa nếu Ngài không thực hiện phép lạ.
Bằng chứng cho mọi sự kiện của Đức Chúa Giê-su là quá rõ ràng, không chỉ có trong các trang Kinh Thánh Tân Ước nhưng bạn còn có thể tìm thấy trong các trang sách của Quadratus, một nhà biện giáo sớm nhất của Cơ Đốc Giáo:
Công việc của Đấng Cứu Chuộc chúng ta vẫn luôn hiện hữu (bởi vì chúng đều là thật): cụ thể là những người đã được chữa lành, những người đã sống lại từ cõi chết. Họ không chỉ được người ta thấy mình đã được chữa lành, được vực dậy từ cõi chết, nhưng họ vẫn còn tại đây. Và không chỉ đơn thuần là khi Đấng Cứu Chuộc còn tại thế, nhưng cả đến sau khi Ngài thăng thiên nữa. Họ tiếp tục sống trong một thời gian dài, đủ lâu để một vài người trong số họ vẫn còn sống với chúng ta ngày hôm nay.
Tôi cảm thấy rất thích thú với việc phân đoạn duy nhất còn tồn tại của Quadratus thành một văn bản giá trị để đưa ra những hàm ý và thành lập lẽ thật về các phép lạ. Nó bày tỏ những Cơ Đốc nhân đầu tiên đã tự tin xem những phép lạ của Đức Chúa Giê-su như là bằng chứng cho thấy Ngài hơn cả một người bình thường, Ngài khác biệt.
Ngoài ra cũng có những bằng chứng về phép lạ của Ngài từ các nguồn khác của người Do Thái và La Mã. Justin Martyr đã viết trong bài Biện Giáo (Apology) của mình khoảng năm 150 sau Công nguyên với lòng tin quyết rằng: “Những phép lạ Ngài làm cũng dễ khiến bạn bị thuyết phục sau hành động của Bôn-xơ Phi-lát.” Đối với người Do Thái cũng vậy. Các sách Phúc Âm thuật lại người Do Thái không thể nào chối bỏ những phép lạ của Đức Chúa Giê-su, họ chỉ còn một cách đó là quy những phép lạ trở thành công việc của ma quỷ. Trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chúng ta thấy những người Do Thái dùng tên Giê-su như là một câu thần chú hiệu nghiệm để đuổi quỷ. Về sau những trường hợp này nhiều đến mức những tác giả trong cuốn Mishnah (Bộ Luật Do Thái) phải cấm người Do Thái đuổi quỷ trong danh Đức Chúa Giê-su! Và Luận Văn Sanhedrin viết rằng Đức Chúa Giê-su “bị đóng đinh trên cây gỗ vào chiều ngày Lễ Vượt Qua bởi vì Ngài dùng ma thuật và dẫn dân Do Thái đi sai lạc” – đây là một văn bản nói rõ đến những phép lạ của Chúa.
Rõ ràng, con người này khác biệt.
Ngài làm trọn Kinh Thánh một cách khác biệt.
Ngài khác biệt một cách dễ thấy. Sự khác biệt của Ngài thu hút những môn đồ đầu tiên ngay trước mắt họ. Khác biệt đến nỗi họ đã viết lại như thế này: “Để cho ứng nghiệm lời của đấng tiên tri Ê-sai…” Đây là một chủ đề được lặp đi lặp lại trong Tân Ước. Đây là một điều rất đáng chú ý. Những người Do Thái đầu tiên trở thành môn đệ của Đức Chúa Giê-su đều là những người hết mực tôn kính Kinh Thánh Cựu Ước. Song hiển nhiên có những khía cạnh trong Kinh Thánh Cựu Ước không trọn vẹn đối với họ. Chẳng hạn như những câu Kinh Thánh nói về một ngày khi Đức Chúa Trời phán xét thế giới, hay những câu Kinh Thánh nói về dòng dõi vua Đa-vít sẽ cai trị đời đời. Những câu Kinh Thánh nói rằng tất cả mọi người đều được hưởng phước từ Áp-ra-ham, tổ phụ đức tin, người đã khởi nguồn đất nước Israel. Hay những phân đoạn nói về Con Người đến với Đức Chúa Trời và nhận lãnh vương quốc không bao giờ bị hủy diệt, cùng với năng quyền, vinh hiển và sự phán xét. Những câu Kinh Thánh nói về một tiên tri giống như Môi-se, nổi lên từ giữa con người, dạy những điều chưa từng có. Những đoạn Kinh Thánh đó nói về một Đầy Tớ của Chúa chịu đau khổ tột cùng và cuối cùng chịu lấy cái chết để cất tội lỗi thế gian đi. Những đoạn Kinh Thánh nói về Con Trời với phẩm chất ngang bằng với Đức Cha. Đấng đã đến để làm trọn vai trò của một tiên tri, một thầy tế lễ, và một vị vua muôn đời. Người sẽ được sinh ra trong dòng dõi vua Đa-vít, nhưng trong một gia đình thấp hèn và bị coi khinh. Ngài sẽ được sinh ra tại Bết-lê-hem. Ngài sẽ phục hồi sự sa ngã trong Israel và là Ánh Sáng của dân ngoại. Ngài sẽ nếm chịu sự khinh khi và chối bỏ từ chính những người mà Ngài đến để cứu họ thoát khỏi sự ích kỷ. Ngài sẽ chết giữa vòng kẻ ác, và được chôn trong phần mộ của một người giàu.
Nhưng đó không phải là kết thúc về Ngài. Ngài sẽ sống lại, và chương trình của Chúa sẽ thành công trong tay Ngài. Khi thấy mọi sự đã được trọn bởi sự đau đớn trong tâm linh mà Ngài chịu, Ngài sẽ lấy làm thỏa mãn. Bởi sự chết của mình, Ngài đã mở ra một giao ước giữa Đức Chúa Trời và con người; thật vậy, sự chết của Chúa đã mở ra một con đường cho những người tầm thường được Đức Thánh Linh đến và ngự trị trong đời sống của họ.
Tất cả những điều này được ứng nghiệm trong Đức Chúa Giê-su. Không phải chỉ một vài sự kiện, nhưng là tất cả. Những lời tiên tri được viết nhiều thế kỷ trước trong một quyển sách thánh được ứng nghiệm trong một nhân vật lịch sử, trong văn học thế giới không có một trường hợp nào giống như vậy. Điều đó làm kinh ngạc những môn đệ của Ngài, nhưng cũng thuyết phục họ. Họ đến để thấy Chúa, một thợ mộc thấp hèn ở Na-xa-rét, đã làm ứng nghiệm lời của những tiên tri trước đó. Ngài được sinh ra tại thành Bết-lê-hem trong dòng dõi vua Đa-vít. Đạo lý của Ngài minh chứng rằng Ngài là tiên tri giống như Môi-se. Ngài là Tôi Tớ chịu đau khổ của Đức Chúa Trời, sự đớn đau trên thập tự giá của Chúa đem lại sự tha tội cho tất cả những ai tin, giống như Áp-ra-ham đã tin vậy. Ngài là Đấng phục hồi số phận của Israel và mở rộng con đường đức tin cho dân ngoại. Ngài đã thành lập giao ước mới giữa Đức Chúa Trời và con người, được đóng ấn bởi huyết Ngài. Sự chết của Ngài là sinh tế tối cao, từ đó về sau không cần có chức tế lễ nữa – bởi khi dâng chính mình làm của tế lễ, Ngài đã phục hòa con người với Đức Chúa Trời một lần và mãi mãi. Ngài là nguồn vui mừng vĩnh cửu; dù bây giờ bị che giấu, nhưng sẽ là điều hiển nhiên trong khi Ngài đến để phán xét thế giới. Đức Thánh Linh đã hành động để biến đổi cuộc sống của những người theo Ngài.
Trong những thế kỷ sau đó, luận điểm về Đức Chúa Giê-su làm ứng nghiệm các lời tiên tri có một ảnh hưởng rất lớn. Rất nhiều người ngoại lỗi lạc đã tìm được niềm tin trong Đức Chúa Giê-su theo cách mà Ngài đã hoàn thành những lời tiên tri trong Kinh Thánh Cựu Ước – một quyển sách dường như cổ xưa hơn rất nhiều so với những quyển sách cao quý của họ như Homer và Plato. Và cho đến ngày nay cũng vậy. Giáo sư Moule, một trong những học giả Kinh Thánh Tân Ước hàng đầu đã nói:
Ý tưởng về một cá nhân “làm trọn” Kinh Thánh, một nhân vật trong lịch sử, một tên tội phạm bị kết án và ghét bỏ, người tuyên bố là viên đá nền tảng của cả một kiến trúc, và là mục đích của toàn bộ ý định từ Đức Chúa Trời, ý tưởng trên là hoàn toàn mới mẻ. Những hình ảnh bị phân tán và chia cắt trong niềm hy vọng của Israel, chính cộng đồng Cơ Đốc đã quy chúng lại thành một mối, tập trung vào một điểm. Những hình ảnh như “Mê-si-a,” “Đấng Christ,” “Con Trời,” Con Người,” “Tôi tớ chịu khổ,” và “Chúa” được xem như những thuật ngữ được sử dụng thay thế cho nhau, tất cả đều nói về một nhân vật, điều này là hoàn toàn mới mẻ (Hiện Tượng của Tân Ước – The Phenomenon of the New Testament, tr. 16).
Nhân vật đó thật sự khác biệt.
Khác biệt đến độ những tác giả Tân Ước đã quy cho Ngài những danh hiệu và công việc mà trong Kinh Thánh Cựu Ước chỉ dành riêng cho Đức Chúa Trời. Chẳng hạn như sách tiên tri Ê-sai (41:4; 44:6; 48:12) Đức Chúa Trời xưng Ngài là “Đầu tiên và Cuối cùng,” nhưng trong Tân Ước danh hiệu này được dùng cho Đức Chúa Giê-su (Khải Huyền 1:11; 2:8; 22:13). “Ta là” là một danh rất đặc biệt của Đức Chúa Trời (Yahweh thường được biết đến là Giê-hô-va) và người ta rất sợ phải nói ra danh ấy. Chính vì vậy mà người Do Thái sử dụng từ Adonai là Chúa để thay thế. Nhưng chúng ta thấy Đức Chúa Giê-su khẳng định Ngài là “ Đấng Ta là”; nhất là tuyên bố hùng hồn trong Giăng 8:58, “trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có ta.” Đến nỗi trong thời khắc quyết định trong phiên tòa xử án Đức Chúa Giê-su, khi hỏi Ngài có phải là Đấng Mê-si-a không, Đức Chúa Giê-su đã trả lời: “Ta chính phải đó; các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự giữa đám mây trên trời mà đến” (Mác 14:62). Đức Chúa Giê-su tuyên bố về bản tánh thiên thượng của Ngài khiến thầy tế lễ thượng phẩm và những cộng sự rất giận dữ.
Một lần nữa, trong Cựu Ước ai là Người chăn dắt dân sự của Chúa? Dĩ nhiên chính Đức Chúa Trời. Thi Thiên 23, chương Thi Thiên nổi tiếng nhất bắt đầu như sau: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi.” Nhưng Đức Chúa Giê-su điềm tĩnh sử dụng danh hiệu này cho chính Ngài: “Ta là người chăn hiền lành”; và trong những sách Tân Ước khác các trước giả như Phi-e-rơ và trước giả sách Hê-bơ-rơ nói về Đức Chúa Giê-su là “Đấng làm đầu các kẻ chăn” và “Đấng chăn chiên lớn.” Họ đang truyền tải một thông điệp. Có lẽ công việc lớn lao nhất của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước là sáng tạo thế giới. Khởi đầu Kinh Thánh viết: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất.” Nhưng Phao-lô nói: “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất… đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả” (Cô-lô-se 1:16). Hãy nghe Giăng tuyên bố: “Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài” (Giăng 1:3).
Rõ ràng, con người này khác biệt. Không một vĩ nhân nào làm thành tất cả những lời trong Kinh Thánh, nhưng công việc của Người này đã được ghi lại trước đó hàng ngàn năm. Có lẽ những người đương thời với Ngài đã đúng khi tin rằng Ngài là Đấng ở cùng Đức Chúa Trời.
Tuyên bố của Ngài khác biệt.
Nếu bạn đã từng đọc các sách Phúc Âm, rất có thể bạn sẽ ấn tượng mạnh bởi một tương phản nổi bật. Một mặt Đức Chúa Giê-su là một nhân vật khiêm nhường, không nghĩ đến bản thân mình, chữa lành người bệnh, dạy đạo lý cho dân chúng, kết bạn với những người bị ruồng bỏ. Ngài không phải là nhà thần học hàn lâm, nhưng là một thợ mộc giản dị với những lời nói đầy khôn ngoan và những minh họa gần gũi. Ngài không có tiền, không có nhà riêng, không được ai bầu cử, cũng không có quyền lợi. Mặt khác, Ngài tuyên bố những lời tuyệt vời nhất và rất nhiều lời tuyên bố gần như bất chợt, những lời nhận xét có vẻ bâng quơ.
Chẳng hạn như, Ngài được quyền để con người thờ phượng, đó là điều hiển nhiên, mặc dù sự thờ phượng đó chỉ dành cho Đức Chúa Trời. Khi Phi-e-rơ quỳ dưới chân Chúa trong sự tôn sùng sau một chuyến đánh cá và nói: “Lạy Chúa, xin ra khỏi tôi, vì tôi là người có tội” (Lu-ca 5:8), Đức Chúa Giê-su đã không làm gì để ngăn ông lại. Khi Thô-ma xấp mình dưới chân Chúa sau khi Ngài phục sinh, ông đã nói: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi” (Giăng 20:28), Đức Chúa Giê-su đã không quở trách ông – ngoài việc quở trách ông phải thấy mới tin. Không một vĩ nhân nào làm như vậy. Thật vậy, trong Tân Ước chúng ta có tấm gương của Phi-e-rơ và Phao-lô, khi họ được những người ngoại không hiểu biết thờ phượng, họ đã phản ứng một cách quyết liệt và nói rằng phải thờ phượng một mình Đức Chúa Trời mà thôi. Dường như đối với Đức Chúa Giê-su, sự thờ phượng từ phía con người là quyền được hưởng của Ngài.
Chúng ta hãy xem phản ứng của Ngài trước người nữ phạm tội tà dâm, hay câu chuyện một người đau bại (Giăng 8:1; Mác 2:1). Đức Chúa Giê-su phán: “Tội ngươi đã được tha.” Và trong trường hợp của người đau bại, Đức Chúa Giê-su chứng minh bằng một hành động thực tế – Đức Chúa Giê-su truyền lệnh, người đau bại bèn đứng dậy và đi! Vậy thì chúng ta hiểu gì về một tuyên bố như vậy? Những người Pha-ri-si biết rất rõ ai mới có thể tuyên bố như vậy. Họ bèn hỏi: “Người này là ai mà có quyền tha tội? Ngoài một mình Đức Chúa Trời, còn có ai tha tội được chăng?” Đó chính là vấn đề. Đức Chúa Giê-su đưa ra một tuyên bố ngầm ám chỉ công việc của Đức Chúa Trời đó là tha tội cho con người. Thật vậy, khi Ma-ri nhận tin con bà sẽ được đặt tên là Giê-su, vị thiên sứ đã giải thích rằng: “vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội.” Trong Cựu Ước (Thi Thiên 130: 8), việc tha thứ tội lỗi vốn dĩ đặc biệt chỉ dành riêng cho Đức Chúa Trời mà thôi. Tại đây, ngay từ khi Đức Chúa Giê-su được sanh ra, Ngài đã đảm nhận công việc đó. Hàm ý này là rõ ràng. Trong Đức Chúa Giê-su, chúng ta gặp một người hoàn toàn khác. Ngài không chỉ đơn thuần là một vĩ nhân.
Chúng ta hiểu gì về điều này? C.S. Lewis đã đặt ra một thử thách cho mọi người:
Không có điểm tương đồng trong những tôn giáo khác. Nếu bạn đến với Phật Tổ và hỏi: “Có phải ngài là con của Bramah không?” Ngài sẽ đáp: “Hỡi con trai, con vẫn đang mắc kẹt trong thung lũng ảo tưởng đó.” Nếu bạn đến với Socrates và hỏi: “Có phải ông là thần Zeus không?” ông sẽ cười bạn. Nếu bạn đến với Mohammed và hỏi: “Có phải ngài là thánh Allah không?” ông sẽ xé áo mình rồi xử trảm bạn. Nếu bạn hỏi Khổng Tử: “Có phải ngài đến từ thiên đàng không?” Tôi nghĩ có lẽ ông sẽ trả lời rằng: “Những nhận xét không hợp với tự nhiên đều là xấu xa.”
Người đàn ông này thật khác biệt. Ngài không chỉ là một người thầy vĩ đại.
Hãy nghe Lewis một lần nữa:
Điều Ngài nói thật rất khác với bất kỳ một người thầy nào từng nói. Những người khác nói rằng, “Điều này là đúng với tự nhiên. Đây là con đường mà bạn phải đi.” Nhưng Đức Chúa Giê-su nói rằng: “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống.” Ngài phán: “Chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha. Ai gìn giữ sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình thì sẽ tìm lại được.” Ngài phán: “Nếu ngươi hổ thẹn về ta, nếu khi nghe tiếng ta gọi mà ngươi quay đi, thì khi ta trở lại trong thân vị là Đức Chúa Trời cũng sẽ quay đi với ngươi. Nếu có điều gì khiến ngươi không đến được với Đức Chúa Trời và với ta, hãy bỏ điều đó đi. Nếu đó là đôi mắt thì hãy móc mà quăng đi. Nếu đó là đôi tay thì hãy chặt mà liệng nó cho xa ngươi đi. Nếu ngươi tự cho mình làm đầu thì sẽ làm chót. Ai đang mang gánh nặng thì hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Tất cả tội lỗi của các ngươi đã được xóa bỏ. Ta có thể làm điều đó. Ta là sự sống lại và sự sống. Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, ai tin ta chẳng hề khát. Và cuối cùng, đừng sợ hãi, ta đã thắng thế gian rồi. Đó chính là vấn đề.
Vâng, đó chính là vấn đề. Bạn nghĩ gì về điều này? Khi bạn hiểu biết về nhân cách, đạo lý, hành vi và phép lạ của Chúa, khi bạn biết về sự làm trọn lời tiên tri và những tuyên bố hùng hồn của Đức Chúa Giê-su, bạn sẽ nói gì? Ngài đã dự bị tất cả bằng một cái chết mà chưa ai từng thấy, và không như bất kỳ một người nào có trước và sau Ngài, Ngài phục sinh từ phần mộ. (Tôi sẽ nói về thập giá Chúa trong chương 8 và sự phục sinh của Ngài trong chương 9). Chính cái chết và sự sống lại của Ngài đã hoàn toàn thuyết phục những môn đồ đầu tiên rằng Ngài không ai khác hơn là Đức Chúa Trời. Sau-lơ của thành Tarsus đã viết: “Qua sự sống lại từ cõi chết một cách đầy năng quyền, Ngài được công bố là Con Đức Chúa Trời,” Sau-lơ là một người từng dũng cảm chống lại niềm tin Cơ Đốc, nhưng giờ đây qua sự chết và phục sinh của Đức Chúa Giê-su ông đã bị thuyết phục rằng những tuyên bố của Đức Chúa Giê-su là sự thật.
Bạn hãy xem xét kỹ lưỡng những bằng chứng mà tôi đưa ra trong chương này. Hãy đọc bất kỳ sách Phúc Âm nào với một tâm trí cởi mở và tìm tòi. Sau đó nếu bạn vẫn nói: “Đức Chúa Giê-su chỉ là một vĩ nhân,” lúc đó tôi sẽ nói: “Bạn không đùa chứ?” Đó là điều duy nhất mà Ngài không thể trở thành. Đó là điều mà những người đương thời không thể nghĩ về Chúa. Một số người kính sợ Ngài, số khác thì tin Ngài, hoặc cũng có những người đã đẩy Ngài vào cái chết. Dù phản ứng của họ ra sao thì cũng không có ai nói về Ngài một cách trịch thượng rằng: “Ông ấy thật là một thầy thuyết giáo tuyệt vời trong nhà hội ngày Sa-bát vừa qua. Nếu có thời gian bạn nên đến nghe thầy.” Đức Chúa Giê-su không bày tỏ Ngài là một tấm gương mẫu mực cho cả nhân loại, để khai sáng chúng ta. Ngài đến với chúng ta với cương vị còn hơn cả một con người, là chính Đức Chúa Trời, Ngài vội vã vì sự giải cứu cho chúng ta. Ngài kỳ vọng nơi chúng ta, và cũng ra lệnh cho chúng ta, không phải là sự ngưỡng mộ, nhưng là lòng trung thành, không phải là sự trịch thượng, nhưng là tấm lòng yêu kính của chúng ta. Ngài có thẩm quyền của Đức Chúa Trời toàn năng trên chúng ta. Và Ngài có thể thay đổi chúng ta theo bản tánh của Đức Chúa Trời toàn năng, một khi chúng ta dành chỗ cho Ngài sống đời sống mà Ngài ban cho chúng ta.
Bạn có biết bài thơ Đức Chúa Giê-su Christ (The Lord Jesus Christ) của Gordon Bailey không? Đây là những gì mà ông đã viết sau khi dành chỗ cho Đấng Christ trong cuộc sống của ông:
Khi Ngài phán
“Ta là đường đi”
Là Ngài đang tuyên bố
Chỉ duy Chúa dẫn đường
Người phàm đến với Thượng Thiên

Khi Ngài phán
“Ta là chân lý”
Là Ngài đang tuyên bố
Vũ trụ cùng những đặc quyền
Có khả năng bày tỏ
Thiên thượng đến thế nhân

Khi Ngài phán
“Ta là sự sống”
Là Ngài tuyên bố
Để được sự tồn tại đó
Sự hy sinh và được tìm kiếm
Con người và các thần

Ngài cũng tuyên bố
Một sự giáng sinh siêu nhiên,
Một cái chết không thể xảy ra, và
Một sự phục sinh kỳ diệu.

Những công bố của Ngài cho thấy
Hoặc là Ngài mất trí,
Xấu xa không thể bao che,
Hoặc duy nhất đúng là tất cả những gì mà Ngài đã phán tuyên!

Chương 6
BẠN TIN GÌ KHÔNG QUAN TRỌNG, MIỄN LÀ THÀNH TÂM?

Một quan niệm rất hấp dẫn, nhưng sai.
Rất nhiều người dường như tin vào quan niệm này. Dĩ nhiên đây là một quan điểm rất hấp dẫn để tin. Một mặt, nó thể hiện rõ ràng sự bao dung; và sự bao dung lại chính là ưu điểm giúp tránh được sự hoài nghi đang gặm nhấm trong thời đại của chúng ta. Nó nghe có vẻ như là một tín điều tự do và sáng tỏ bởi nó có nghĩa là tất cả mọi người đều chiến thắng cuộc đua; mọi người đều nhận được phần thưởng.
Còn có một lý do khác khiến quan điểm này hấp dẫn. Đó là nó xóa bỏ ngay tức khắc vấn đề của việc tìm kiếm lẽ thật, sự bối rối trước thách thức của lẽ thật. Và quan điểm này thật dễ chấp nhận. Rốt lại, ngày nay chúng ta quá bận rộn và không có thời gian để kiểm chứng tất cả sự khác biệt giữa những tôn giáo trên thế giới, và chúng ta cũng chẳng mong muốn bị lột trần cuộc sống của chính mình khi đối diện với lẽ thật.
Còn gì nữa, quan điểm cho rằng bạn tin gì không quan trọng, miễn là bạn thành tâm có một ưu điểm lớn khi lên tiếng cho sự tệ hại thầm kín của chúng ta đối với sự giả dối. Khi một người hay một quốc gia lớn tiếng tuyên bố một điều A nhưng lại làm một điều B thì đó là một tai họa. Một ví dụ điển hình cho sự giả dối này xảy ra không lâu về trước là trường hợp của vị vua quá cố Haile Selassie, quốc vương Ethiopia tham quyền cố vị. Một thời gian ngắn ông bị truất phế bởi quân đội Y-ta-li xâm lược vào năm 1935. Ông được phục hồi vào năm 1941 một phần nhờ vào sự giúp đỡ của Chính Phủ Nam Phi. Để đáp ơn, ông tuyên thệ mối liên hệ hữu nghị vĩnh viễn đối với họ, nhưng sau đó ông lại thành lập một tổ chức khác có tên: Tổ Chức Hiệp Nhất Châu Phi. Nhiều người cho rằng một trong những mục tiêu chính của tổ chức này là đánh đổ những cấu trúc xã hội đương thời của Châu Phi! Ông tự xưng là người giải phóng dân tộc, nhưng hai phần ba dân số của ông là giai cấp nông nô. Ông tuyên bố ủng hộ công lý và công bằng, nhưng ông và giới quý tộc nắm giữ phần lớn đất đai tốt nhất của quốc gia. Bất chấp mọi tuyên bố đầy yêu thương đối với dân tộc, ông bằng lòng với việc xuất một lượng lớn vàng ra nước ngoài, trong khi hàng trăm ngàn thần dân của ông phải chết vì đói hoặc vì bệnh dịch tả. Con người này không thành thật. Và ông ta đã bị lật đổ khỏi quyền lực. Điều đó khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ rằng việc ông bị phế truất là đúng đắn và hợp lý. Ta nói: “Đó là điều mà ông ấy đã gây ra,” bởi vì sự thành thật là một đức tính rất quan trọng, và dù rộng lượng đến đâu, chúng ta cũng không thể dung thứ cho một người hai mặt.
Một cá nhân không thành thật đã là tồi tệ. Nhưng cả một quốc gia giả dối lại còn tệ hại hơn. Vào buổi sáng đang khi viết chương sách này, tôi đã nghe trên Radio một số phần trích dẫn từ bài phát biểu của Pik Botha, đại sứ Nam Phi trước Liên Hiệp Quốc khi ông cố tránh né sự chống đối hướng vào Nam Phi từ cộng đồng thế giới . Ông khẳng định rằng quốc gia của ông không phân biệt đối xử dựa trên màu da, chủng tộc của một người. Tính vô liêm sỉ và hoàn toàn giả dối của tuyên bố này thật là hấp dẫn đối với những ai, trong đó có tôi, đang sống tại Nam Phi và mỗi ngày chứng kiến sự phân biệt đối xử dang diễn ra xung quanh. Nhưng còn những nước châu Phi khác đang theo sát Nam Phi về sự phân biệt chủng tộc cũng đang hiện diện tại Liên Hiệp Quốc thì sao? Phải chăng không có sự phân biệt chủng tộc tại Kenya giữa người Kikuyu và người Luo? Hoặc không có sự phân biệt chủng tộc khi người Tutsi tàn sát người Jutu tại Burundi? Hoặc những người châu Á tại Uganda bị tống đi một cách dã man chỉ vì màu da của họ? Sự giả dối bốc lên mùi hôi thối ở bất cứ nơi nào nó được tìm thấy.
Nhưng có lẽ loại giả dối tồi tệ nhất đó là không thành thật trong tôn giáo. Sự mục nát của giáo hội thuộc chế độ Nga Hoàng trong thế kỷ mười chín tại Nga, hoặc của giáo hội Cơ Đốc Ai Cập tại Ethiopia ngày nay là những dẫn chứng khiến ta hoàn toàn cảm thấy thất vọng. Trong thế kỷ vừa qua tại Anh Quốc, hàng ngàn lao động đi nhà thờ chỉ vì muốn giữ hòa khí với ông chủ của họ chứ không phải vì họ là Cơ Đốc Nhân. Chúng ta không có thời gian cho những việc không thành thật như thế. Và mỗi khi chúng ta nghe về việc một tổ chức nhà thờ đòi tiền thuế quá cao từ người nghèo, hoặc chuyện một linh mục bỏ trốn cùng một cô nhân viên quầy rượu, chúng ta cảm thấy mình bị lừa đảo và thất vọng.
Một số người nói rằng: “Không quan trọng một người tin gì, miễn là họ thật lòng.”
Tuy nhiên dù cho quan điểm này rất hấp dẫn, nó vẫn sẽ không có kết quả. Nếu bạn nói bạn tin vào điều này, tôi sẽ nghĩ rằng: “Chắc bạn đùa.” Có ba lý do thuyết phục tại sao tôi không tin quan niệm này.
Cuộc sống dạy chúng ta rằng thành tâm vẫn chưa đủ.
Một phút ngẫm nghĩ ta sẽ thấy đó là một phương châm thật đáng buồn cười! Chúng ta sẽ chẳng khi nào áp dụng nó vào những điều quan trọng, đúng không? Đối với vấn đề chính trị chẳng hạn. Nhà chính trị sẽ chấp nhận những gì nếu quan điểm không quan trọng, bạn tin gì mặc kệ miễn là bạn thành tâm? Điều đó sẽ phá hủy sự khác biệt giữa người theo chủ nghĩa Quân Chủ và Cộng Hòa, giữa người theo chủ nghĩa Cộng Sản và Tư Bản, giữa người theo chủ nghĩa Dân Tộc và Cấp Tiến. Theo quan điểm này thì không có cách gì để phê bình cuộc xâm lược của Nga đối với Tiệp Khắc. Theo quan điểm này thì bạn có thể biện minh cho sự tàn sát nhẫn tâm sáu triệu người Do Thái của Hitler khi theo đuổi chính sách dân tộc thượng đẳng thống trị – Herrenvolk! Không! Trong lĩnh vực chính trị bạn tin gì rất quan trọng.
Chúng ta sẽ chẳng bao giờ áp dụng luận điệu về sự chân thành là đủ đối với lĩnh vực kinh tế hoặc cho các kiểm chứng. Ai dám cho rằng bạn đầu tư tiền bạc vào công ty nào không quan trọng miễn là bạn thành thật tin rằng điều bạn đang làm là ổn? Ai sẽ cứ tin rằng không quan trọng bạn tin gì khi bạn viết một bài kiểm tra? Bạn có thể viết điều có nghĩa hoặc vô nghĩa; nó sẽ không khác biệt gì, miễn là bạn chân thành! Chúng ta đều biết rõ, bạn có thể rất chân thành và cũng rất sai.
Thật ra, bạn sẽ không bao giờ phải đi làm vào buổi sáng nếu bạn làm theo nguyên tắc về sự chân thành này: không quan trọng bạn tin một cách tha thiết như thế nào về hệ thống giao thông công cộng, bạn sẽ bỏ lỡ chuyến tàu hoặc không thể đến nơi bạn muốn đến nếu bạn không để ý đến thời gian biểu của hệ thống nhà tàu và cứ tiếp tục cho rằng tin gì không quan trọng miễn là thành tâm.
Ta hãy tạm ngưng suy ngẫm về vấn đề này trong chốc lát. Quan điểm mà chúng ta đang xem xét không chỉ hoàn toàn là lố bịch nhưng nó còn thật sự tàn nhẫn. Hãy thử nghĩ việc áp dụng quan điểm này để khuyên một người què khi nào cần băng qua đường: “Bạn tin gì về vận tốc và khi nào những chiếc xe sẽ chạy qua không quan trọng. Bạn chỉ cần tiếp tục chân thành tiến về phía trước băng qua bên kia đường, và bạn sẽ ổn thôi!” Dù quan điểm này ban đầu có vẻ tự do và thể hiện sự dung thứ, nhưng thực chất lại chứa nhiều điểm yếu và tàn nhẫn. Dưới lớp vỏ nhân đạo, phương châm này che dấu sự lãnh đạm đến nhẫn tâm đối với chân lý. Theo một phương diện nào đó, nó giống như một dạng tội phạm vậy.
Vâng, cuộc sống dạy cho ta một cách rõ ràng rằng những gì chúng ta tin thật sự quan trọng. Chúng ta cần phải chân thành với chính mình: chúng ta cần phải tin vào những điều đúng đắn.
THÀNH TÂM VẪN CHƯA ĐỦ
Kinh Thánh dạy chúng ta thành tâm vẫn chưa đủ.
Hiện tại, bạn có thể hoặc vẫn chưa thể sẵn sàng tin Kinh Thánh là thẩm quyền tối cao của Đức Chúa Trời. Nhưng chí ít bạn cũng phải công nhận rằng đó là quyển sách nổi bật nhất trên thế giới, đã đóng góp vào công cuộc thay đổi thế giới hướng đến điều tốt nhiều hơn bất kỳ quyển sách nào khác. Kinh Thánh đến nay vẫn là quyển sách bán chạy nhất thế giới, và được viết trong thời gian khoảng một ngàn năm trăm năm. Thật ra Kinh Thánh đáng để đọc và chia sẻ. Kinh Thánh cũng phản ánh tốt về quan điểm và sự khôn ngoan, bởi vì nó chứa đựng một khối lượng lớn kiến thức lịch sử và kinh nghiệm của nhân loại. Vậy Kinh Thánh nói gì về việc thành tâm có đủ hay không?
Đầu tiên, hãy nói đến Áp-ra-ham, tổ phụ của quốc gia Do Thái. Nếu bạn hỏi ông sự chân thành có đủ hay không? Ông sẽ trả lời: “Hoàn toàn không. Tôi đã sống một cách chân thành khi còn ở U-rơ thuộc xứ Canh Đê. Nhưng Đức Chúa Trời đã kêu gọi tôi ra khỏi đó. Tôi đã tin và vâng phục Ngài. Đức Chúa Trời hứa sẽ nuôi dưỡng gia đình tôi và hơn thế nữa, một dân tộc sẽ ra từ chính dòng dõi của tôi giữa lúc cả tôi và vợ đều đã quá già để sinh con. Tôi tin Ngài – và đây là Y-sác con tôi, bằng chứng cho bạn thấy niềm tin quan trọng đến thế nào. Thế đấy, trọn phần đời còn lại của tôi dựa trên sự tin chắc rằng những gì bạn tin là nền tảng cho những việc bạn làm và bạn là người như thế nào.” Những điều Áp-ra-ham đạt được trong tố chất về niềm tin của ông vào Đức Chúa Trời được tóm tắt một cách sinh động trong Hê-bơ-rơ 11:8-19 (Nếu bạn muốn tìm câu chuyện chi tiết hơn, hãy bắt đầu trong Sáng Thế Ký 14, có quá nhiều vấn đề để đề cập ở đây).
Nô-ê sẽ không bao giờ dễ dàng đồng ý rằng những gì bạn tin không quan trọng, miễn là bạn thành tâm. Chắc chắn những người xung quanh ông đều rất thành tâm tin rằng họ vẫn ổn. Nhưng sự thành tâm của Nô-ê lại là một lĩnh vực khác. Xuất phát niềm tin của Nô-ê đó là Đức Chúa Trời đã kêu gọi ông để xây dựng một con tàu lớn để ai bước vào bên trong con tàu sẽ được an toàn khỏi cơn nước lụt. Niềm tin dẫn đến hành động.
Na-a-man, vị tướng lãnh của Si-ri, là một người thành tâm cách nghiêm túc. Ông tin một cách thành khẩn rằng tiên tri Ê-li-sê sẽ bước ra với ông, và rồi “đứng gần đó mà cầu khẩn danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của người, lấy tay đưa qua đưa lại trên chỗ bịnh và chữa lành kẻ phung.” Ông tin một cách chân thành rằng nếu phải tắm ở một dòng sông thì cái mát mẻ và sạch sẽ của sông A-ba-na và Bạt-ba, hai dòng sông ở quê hương ông sẽ tốt hơn dòng sông Giô-đanh đầy bùn lầy của người Do Thái. Ông tin chân thành như vậy, nhưng ông đã sai. Nếu ông không thừa nhận điều đó và thay đổi thái độ, ông sẽ chẳng bao giờ được chữa lành.
Đêm định mệnh của dân Y-sơ-ra-ên khi họ sắp rời khỏi Ai-cập và vĩnh viễn trở thành một quốc gia cũng là một trường hợp minh chứng cho vấn đề này. Bạn sẽ kể lại câu chuyện ấy. Chỉ có những gia đình nào chịu hy sinh một chiên con và bôi huyết của con chiên đó trên thành cửa thì mới được tha khỏi cái chết của người con đầu lòng. Chỉ có họ mới rời khỏi Ai-cập mà không bị nguy hại gì. Nếu một người bố nào đó nói rằng: “Chuyện ngớ ngẩn bôi huyết lên thành cửa đó không quan trọng đâu. Hãy ngủ một giấc ngon lành cho hành trình ngày mai,” ông bố ấy có thể rất chân thành, nhưng ông đã sai, con đầu lòng của ông sẽ chết, và sẽ chẳng có miền đất hứa nào dành cho ông.
Quan điểm của Tân Ước cũng giống như vậy. Những người Pha-ri-si là những ví dụ điển hình cho những người sùng đạo nghĩ rằng họ vẫn ổn, nhưng thực ra thì không. Bôn-xơ Phi-lát dường như là một người lãnh đạo khá chân thành cho một tỉnh khó cai trị trong xứ Giu-đê: ông đã tin chắc rằng loại trừ Đức Chúa Giê-su là một việc đem lại lợi ích chung – nhưng ông đã sai. Sau-lơ người thành Tạt-sơ tin rằng ông đã hầu việc Chúa một cách đúng đắn khi vâng giữ luật pháp một cách tỉ mỉ và sốt sắng bắt bớ những người kêu cầu danh Chúa Jesus – nhưng ông đã nhận ra rằng nỗ lực chân thành đó chỉ là sự sai lầm vô phương cứu chữa. Sau-lơ, một kẻ công bình cuồng tín đi bắt bớ đã trở thành Phao-lô, một sứ đồ yêu thương, tận tụy. Đây là một ví dụ tuyệt vời cho sự thật rằng sự chân thành là không đủ. Những gì bạn tin rất quan trọng.
Đức Chúa Giê-su dạy rằng thành tâm vẫn chưa đủ.
Thật khó để tìm ra một người nào thành tâm hơn người trai trẻ giàu có. Nhưng chúng ta đọc thấy rằng anh quay đi một cách buồn bã, bởi vì anh không tin vào Đức Chúa Giê-su đủ để đặt Ngài lên thứ tự ưu tiên cao hơn là tiền bạc của anh.
Không ai từng thành tâm hơn những người Pha-ri-si. Họ rất tỉ mỉ trong sự thờ phượng, khó tính trong việc giữ sạch sẽ khỏi mọi ô uế, và tận tâm tuân giữ Luật pháp của Đức Chúa Trời. Họ rất thành tâm – nhưng họ đã sai. Đức Chúa Giê-xu đã mô tả chính những người Pha-ri-si đó như là một ổ rắn độc. Ngài nhận xét rằng chính họ là những người “không muốn đến cùng ta để được sự sống” (Giăng 5:40). Chân thành trong hành động, nhưng sai lầm trong niềm tin, Đức Chúa Giê-su đã nghiêm khắc kết tội những con người thành tâm và tận tụy này nhiều hơn những kẻ phản bội và các kỵ nữ mà những người Pha-ri-si này coi khinh. Những gì bạn tin thật sự quan trọng. Đến nỗi những người Do Thái với tấm lòng nóng nảy muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng một việc làm nào đó, đã đến hỏi Đức Chúa Giê-su: “Chúng tôi phải làm chi cho được làm công việc của Đức Chúa Trời?” Ngài đáp: “Các ngươi tin Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến, ấy đó là công việc Ngài” (Giăng 6:28).

Sự chân thành và niềm tin.
Không nơi nào trong các sách Phúc Âm, Đức Chúa Giê-su nhấn mạnh về tầm quan trọng tối thượng của niềm tin hơn câu Kinh Thánh nổi tiếng: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Phân đoạn này tiếp tục: “Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu; ai không tin thì đã bị đoán xét rồi, vì không tin đến danh Con một Đức Chúa Trời. Vả, sự đoán xét đó là như vầy: Sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa.” Bạn thấy đấy, chính Đức Chúa Trời chứ không phải sự chân thành là điều thật sự quan trọng nhất. Và Đức Chúa Trời thấy rằng con người đang hư mất, họ đang trên tiến trình bị suy bại hoàn toàn, bởi vì quá dễ để chân thành và sai lầm. Chính vì vậy mà Đức Chúa Trời đã hành động. Ngài đã ban Đức Chúa Giê-su là Đấng ở cùng Ngài nhưng khác biệt với Ngài – Con Một có lẽ là từ ngữ của con người mang tính tương tự tốt nhất để miêu tả. Đức Chúa Giê-xu đã sống và chết vì sự cứu rỗi một lần đủ cả cho chúng ta, và khiến chúng ta vui hưởng một đời sống mới, một đời sống vĩnh hằng.
Chỉ có một điều kiện duy nhất. Chúng ta được kêu gọi để tin! Đức Chúa Giê-su tiếp tục giải thích rằng con người sẽ không bị hư mất vì con đường xấu của họ, là đường mà ở một chừng mực nào đó chúng ta không thể thoát được. Chúng ta sẽ bị hư hoại nếu không tin vào Đấng đã đem đến sự chữa lành cho tình trạng đau yếu của chúng ta. Ánh sáng đã đến thế gian. Chiếc cầu quay về với Thượng Đế đã được lập nên. Tin hay chối bỏ là tùy thuộc vào chúng ta: chúng ta được chọn lựa, và chúng ta phải chịu trách nhiệm cho quyết định của chính mình. “Ai tin Ngài chẳng bị đoán xét đâu”. Đúng vậy, bởi có một Đấng đã gánh thay sự đoán xét ấy rồi. “Ai không tin thì đã bị đoán xét rồi,” không phải vì anh là một tội nhân (mặc dù anh quả là một tội nhân) nhưng anh bị đoán phạt bởi vì anh quá bảo thủ đến nỗi đã chối bỏ sự cứu giúp. Tôi nài xin quý vị, đừng phạm phải sai lầm dại dột dưới tuyên bố của sự khoan dung này. Nếu chỉ có một thuốc kháng sinh duy nhất cho căn bệnh của quý vị, thì ai nói rằng: “Không quan trọng bạn có dùng nó hay không, miễn là bạn thành tâm” là ngu ngốc chứ không phải là nhân hậu. Chúng ta đều mắc phải căn bệnh này. Nó đã tác động đến quá khứ của chúng ta, bám sát hiện tại và đe dọa đến tương lai của chúng ta.

Chương 7
Tôi đã làm điều tốt nhất, không ai làm hơn thế được

“Tôi Đã Làm Hết Sức. Không Ai Có Thể Làm Tốt Hơn”
Cơ Đốc Giáo là một tôn giáo đưa ra phương pháp giải cứu. Buồn thay đó cũng là lý do vì sao nó không được nhiều người ưa chuộng. Bởi nó đi vào cốt lõi bản chất con người và làm nên sự khác biệt. Nhưng khi con người tạm dừng cuộc đua sinh tồn trong giây lát để suy nghĩ về chính mình theo những tiêu chuẩn thông thường, họ thường nảy ra hai thái độ chính. Một là có cái nhìn lạc quan về bản chất con người và trong thực tế họ nói rằng: “Tôi đã làm hết sức. Chắc hẳn thế đã đủ tốt cho bất kỳ vị thần linh nào. Hai là tôi sẽ ổn thôi.” Những người khác bi quan hơn thì nói rằng: “Tốt xấu gì tôi cũng làm rồi. Không gì thay thế quá khứ được.” Chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng quan điểm: quan điểm lạc quan trong chương này, và quan điểm của người bi quan trong chương kế tiếp. Trong thực tế hai quan điểm này liên hệ rất gần với nhau. Cả hai đều là những phản ứng trái chiều đối với vấn đề tội lỗi.
Vấn đề tội lỗi
Dù bạn cứng rắn đến đâu, thì cũng sẽ có những lúc bạn cảm thấy mình bẩn thỉu, sa đọa, tội lỗi. Nó có thể đay nghiến bạn trong nhiều năm giống như trải nghiệm của một trong những tên cướp trong vụ cướp tàu hỏa khét tiếng nhất nước Anh vào năm 1963. Đó là Buster Edwards, người đã không chịu nổi cảm giác tội lỗi dằn vặt và cuối cùng đã tự ra đầu thú. Có thể cảm giác ấy chỉ đến với bạn trong một chốc lát, giống như trong thơ của Roger McGough, Hãy Đến Gần và Ngủ (Come Close and Sleep Now).
Một ngày nào đó
bạn khẽ nói
Tôi hạnh phúc
Vì tham dự vào bóng tối,
Bờ môi nên yếu đi,
Một khởi đầu mệt mỏi.
Hãy đến và ngủ
Vì bình minh lên
Khi một cảnh sát
Ngụy trang thành mặt trời
Lẻn bước vào phòng,
Và mẹ bạn
Cải trang thành những chú chim
Réo gọi từ những cành cây,
Bạn sẽ khoác lên chiếc áo tội lỗi
Và đôi giày của những lý tưởng cao xa đổ vỡ
Từ chối ly cà phê làm cho tỉnh táo
Bạn chạy về nhà tìm nơi trú ẩn
dù biết nó tạm thời.

Bài thơ này làm quan điểm trên trở nên sáng tỏ và cảm động. “Đôi giày với những lý tưởng cao xa đổ vỡ.” Chúng ta đều mang những đôi giày ấy. Chúng ta sẽ làm gì?
Vâng, điều hiển nhiên đó là hãy quên nó đi. Điều tồi tệ đã xảy ra, đau khổ cũng vô ích. Hãy quên nó đi. Nhưng không dễ thế đâu. Hơn phân nửa số giường bệnh tại Anh là của những bệnh nhân mắc một chứng lo âu nào đó. Con người đã đưa những phần không mong muốn trong tính cách đi sâu vào tiềm thức, và những khía cạnh đó không mất đi được; chúng tiếp tục quấy rầy chúng ta. Gần đây tôi đã tư vấn cho một số trường hợp mà những ức chế chính yếu đối với sự sợ hãi đã được gợi lại từ sâu trong tiềm thức, và một khi chúng được giải quyết, sự chữa lành toàn diện kịch tính xảy ra. Chúng ta là những sinh vật phức tạp, và giả vờ quên đi cảm giác tội lỗi trong quá khứ chẳng thể giải quyết được gì: nó đơn thuần chỉ đem lại phiền muộn trong tương lai.
Và thậm chí khi nó không gây phiền muộn, chúng ta vẫn sẽ đứng trên con đường sầu thảm. Thử tưởng tượng một người gây án sát nhân và chưa bị bắt; giả sử anh ấy cố gắng quên điều đó đi, và kiên quyết không làm điều tương tự lần nữa – điều gì sẽ xảy ra nếu ba mươi năm sau bằng chứng bị đưa ra ánh sáng, giống như những phạm nhân từng phục vụ Đức Quốc Xã? Câu trả lời rất đơn giản: người này là một tội nhân, dù người đó có cố gắng quên nó đi, dù người đó có cố gắng trong bao lâu, dù về sau người đó có cố gắng đi con đường ngay thẳng. Quên đi không phải là điều tốt, thậm chí là dưới ánh sáng công lý của con người.
Vậy Đức Chúa Trời sẽ làm gì đối với sai phạm của con người? Phải chăng Ngài nói rằng: “Thôi hãy quên nó đi?” Đó không phải là Đức Chúa Trời mà tôi đọc thấy trong Kinh Thánh! Một mặt tôi mong ước Ngài sẽ nói: bỏ qua thì quá dễ đối với ta và với con, tôi không chắc là như vậy. Nhưng suy nghĩ kỹ, tôi mừng vì Đức Chúa Trời không phải như vậy – nhẹ nhàng, yếu đuối, không có công lý, coi trắng là đen và đen là trắng trong khi chúng ta đều biết rõ là không đúng. Vâng, tôi vui mừng vì Đức Chúa Trời là thánh khiết và đối kháng với sự xấu xa của con người. Nếu không như thế thiên đàng sẽ trở thành địa ngục.
Vấn đề không phải ở chỗ tôi hy vọng gì về Đức Chúa Trời. Tôi không thể biết được nếu Ngài không bày tỏ chính Ngài. Quả thật Ngài đã bày tỏ cho tôi được biết. Ngài đã bày tỏ qua nhiều phương cách, ít nhất là trong Đức Chúa Giê-su Christ, như chúng ta đã thấy trong chương 5. Đức Chúa Giê-su đã dạy về sự phán xét của Đức Chúa Trời một cách nghiêm túc hơn bất kỳ tiên tri nào trong Cựu Ước từng dạy. Hãy nhớ rằng: chính Đức Chúa Giê-su đã dạy về hai con đường mà con người có thể đi: đường dẫn đến Đức Chúa Trời và đường kia là sự chết. Có hai nhóm người: lúa mì dành cho kho thóc; hoặc cỏ dại dành cho lửa. Có hai số phận chờ đợi con người: bên trong – bữa tiệc vui mừng; hoặc bên ngoài – nơi có khóc lóc và nghiến răng. Lời dạy của Đức Chúa Giê-su nhắm thẳng vào sự lạc quan dễ dãi của chúng ta khi nghĩ rằng Đức Chúa Trời là một người bạn tốt và sẽ không quá khó tính về những thành tựu của chúng ta. Bởi vì Ngài là tốt lành nên Ngài sẽ vô cùng khó tính. Ngài là Đức Chúa Trời thánh khiết đạo đức mà tâm trí của chúng ta không dễ dàng gì suy tưởng hết được về Ngài. Ngài quan tâm một cách sâu sắc đến sự khác biệt cốt lõi giữa đúng và sai, Ngài sẽ không giả vờ chấp nhận những điều có thật là không có thật. Ngài sẽ không xóa tội lỗi một cách ngẫu nhiên. Đức Chúa Trời Toàn Năng không nợ chúng ta sự tha thứ. Sự tha thứ không hề rẻ chút nào. Nó có cái giá của nó.

TÔI ĐÃ GIỮ MƯỜI ĐIỀU RĂN?

Tấm vé thông hành
Con người thuộc mọi thế hệ đều có một ý niệm mơ hồ về điều này. Sự tha thứ không bao giờ là rẻ tiền cả: nó đắt giá, và vì thế họ phải làm điều gì đó để trả giá mua nó. Trong một nghĩa rất thực, mọi tôn giáo đều bắt nguồn và đồng nhất ở điểm này. Con người phải làm điều gì đó, phải đạt được điều nào đó để chuộc lại lỗi lầm của họ, để khiến Đức Chúa Trời Toàn Năng ban ân điển cho họ. Khắp thế giới, mọi thế hệ, con người đã cố gắng để mua lấy tấm vé vào thiên đàng. Trên thực tế, có người nói rằng: “Tôi là một người tốt. Tôi đã làm hết sức. Rõ ràng như vậy là đủ?” Những công việc đó có thể theo cách máy móc như bánh xe cầu nguyện của người Tây Tạng – bánh xe kinh luân, hoặc theo cách của thuyết duy linh là thờ cúng tổ tiên, hoặc cách của người Cộng Sản là cung kính trước di ảnh Lê-nin, hoặc theo cách của Hồi Giáo là hành hương đến thánh địa Méc-ca. Ngoài ra còn có những cách thức đến từ Đông Phương như Bát Chính Đạo, hoặc sự hành xác để được đầu thai sang kiếp khác tốt hơn. Hoặc cũng có thể theo cách của người Phương Tây như nỗ lực nhiều hơn, cư xử tử tế, không bao giờ làm điều gì gây hại, cố gắng hết sức (và ai có thể làm hơn thế?)
Những nỗ lực để xác lập tên tuổi chính mình như trên lại phổ biến một cách khác thường trong nhà thờ. “Tôi đã được Báp-têm, được nhận lễ Thêm Sức (Confirmed), và lập gia đình trong Hội Thánh – và tôi cũng cho con đi học Trường Chúa Nhật. Tôi tham dự lễ Giáng Sinh – nghĩa là Giáng Sinh sẽ mất đi ý nghĩa nếu không đến nhà thờ và hát những bài thành ca, đúng không?” Theo những cách trên, chúng ta đang trả những phần phí bảo hiểm nhỏ cho những gì chúng ta hy vọng giành được một chính sách bảo hiểm lớn của nước thiên đàng!
Nhưng mặc cho quan điểm này có được yêu thích như thế nào, cho dù nó thịnh hành khắp thế giới, trong mỗi một hệ thống tôn giáo và cũng trong những người không theo tôn giáo, con đường này sẽ dẫn đến sự chết. Quan niệm này hoàn toàn lầm lạc. Tôi sẽ giải thích tại sao.
Một quan niệm nông cạn. Nó cho phép chúng ta dựa vào việc làm chứ không phải là thái độ. Nó thiển cận và bề ngoài một cách đáng ngại. Liệu quan điểm này sẽ làm hài lòng bất kỳ cha mẹ nào giàu lòng yêu thương nếu con của họ giữ gìn phòng ngủ và giày dép gọn gàng, sạch sẽ nhưng lại không bao giờ dành cho họ thời gian và một nụ hôn? Tất nhiên là họ sẽ không hài lòng. Nhưng chúng ta lại nghĩ rằng Cha trên trời sẽ tràn ngập niềm vui tiếp rước chúng ta khi chúng ta thậm chí còn không nói “Hello” với Ngài trong những năm trên đất mà lại tự mãn tuyên bố: “Tôi đã làm rất nhiều điều tốt. Tôi đã làm hết sức có thể. Không ai có thể làm hơn thế được?”
Hãy nghe Đức Chúa Giê-su phân tích về tình trạng của con người. Không hề có bề ngoài, thiển cận hoặc nông cạn. Ngài nói rằng: “vì từ bên trong, vì từ tâm hồn con người mà ra những ác tưởng, gian dâm, trộm cắp, sát nhân, ngoại tình, tham lam, độc ác, lừa dối, phóng đãng, ganh ghét, phỉ báng, kiêu căng, ngông cuồng” (Mác 7:21, 22). Dĩ nhiên chúng ta biết phải làm điều tốt. Nhưng điều đó không làm thay đổi bản tính tự nhiên trong con người chúng ta. Chúa Giê-su dạy: “Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay…” (Lu ca 11:13). Bạn không thể bỏ đi khối u ung thư bằng cách trang điểm thật nhiều và chạy đi giúp đỡ người khác. Bạn cần có một cuộc phẫu thuật. Làm việc lành đơn thuần chỉ xua đi lớp bụi đóng dưới tấm thảm. Nó là một biện pháp khắc phục rất nông cạn cho tình trạng của con người. Giáo sư Butterfield, nhà sử học nổi tiếng đã viết: “Điều cốt yếu đó là không được tin vào bản chất của con người. Niềm tin đó thật sự tai hại.”
Nếu từ chối lẽ thật về sự yếu đuối của con người, bạn sẽ luôn cảm thấy bối rối khi nghe những mẫu tin tức buổi tối nói về sự đồi bại của con người; bạn sẽ luôn bị khó xử về nạn phân biệt chủng tộc xảy ra ở khắp mọi nơi, về tình trạng bóc lột những người cô thế, về những người mạnh đàn áp những người yếu đuối, và về sự thất thường trong những hành động của bạn. Một người vô thần nổi tiếng cải đạo sang Cơ Đốc Giáo đã nói như sau: “Từ chối lẽ thật về tình trạng tội lỗi của con người, như những người theo chủ nghĩa duy lý cánh tả đang làm, là đồng nghĩa với việc thả nạn nhân vào sự lạc quan nông cạn, khiến họ tin rằng thời kỳ ngàn năm bình an không còn xa nữa và chờ đợi được giới thiệu bởi một cộng đồng được chữa trị bằng phân tâm học. Bởi vì chối bỏ lẽ thật về tội lỗi, những người cánh tả chúng ta luôn cảm thấy thất vọng.” Giáo sư C. E. M Joad đã viết như vậy sau cả một đời tự thuyết phục mình rằng ông là một người tốt từ trong tâm, và nếu ông là người tốt, ông sẽ không gặp nguy hại gì.
Sự thật là những việc tốt không thể thay thế cho chính con người chúng ta. Đó là lý do vì sao Đức Chúa Giê-su đã quở trách mạnh mẽ những người Pha-ri-si ngoan đạo, sống tốt bề ngoài. Chúng ta hoàn toàn có thể khoác vẻ bề ngoài tốt lành và ngoan đạo, nhưng lúc nào cũng cố tình lờ đi căn bệnh ở bên trong. Đức Chúa Giê-su Christ đòi hỏi một giải pháp triệt để hơn.
Một quan niệm không thể thực hiện được. Bạn và tôi không thể đến được thiên đàng nhờ vào việc lành bởi một lý do đơn giản: chúng không đủ tốt đối với Đức Chúa Trời.
“Cái gì?” bạn hỏi. “Tôi là một người tốt. Tôi đã giữ Mười Điều Răn.” Thật chứ? Tôi tự hỏi. Có thật bạn đã giữ điều răn thứ nhất trong Mười Điều Răn, đó là tôn Chúa lên vị trí thứ nhất trong đời sống bạn? Tôi thì không. Đức Chúa Giê-su phán rằng điều đó có nghĩa là yêu Đức Chúa Trời với tất cả tấm lòng, tâm trí, linh hồn và sức lực. Tôi tuyệt đối đã không bắt đầu giữ điều răn thứ nhất và lớn nhất đó. Tôi đã vi phạm điều răn đó mỗi ngày. Và đó không phải là một điểm khởi đầu đáng khích lệ khi tôi đối diện với Chúa để nói rằng tôi đã làm hết sức có thể và không thể nào làm tốt hơn được nữa.
Tôi nhìn xuống những điều răn tiếp theo. Tôi không được làm ảnh tượng về Đức Chúa Trời. Vâng, dĩ nhiên tôi không tạc tượng. Nhưng tôi có ý định nói rằng: “Tôi không thể tin vào một Đức Chúa Trời là Đấng như thế này…” hoặc “Đức Chúa Trời mà tôi tin là Đấng như thế kia…” Tôi đã suy nghĩ về Ngài theo hình ảnh của tôi, thay vì ngừng lại để tìm hiểu Ngài đã bày tỏ chính Ngài qua Kinh Thánh như thế nào.
Tôi không được lấy danh Đức Chúa Trời làm chơi? Tôi vi phạm điều đó mỗi ngày mà không nhận ra. Giữ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh, một ngày trong bảy ngày biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời, gia đình và nghỉ ngơi? Xin đừng khiến tôi phải cười. Hiếu kính cha mẹ? Không đời nào. Khi tôi còn nhỏ, tôi đã chống đối cha mẹ bằng mọi cách. Khi tôi lập gia đình, tôi ít quan tâm đến cha mẹ. Khi họ về già, tôi đưa họ vào viện dưỡng lão. Tôn kính họ là thế đấy!
Tôi cảm thấy khá hơn khi đọc đến điều răn cấm giết người. Tôi chưa hề phạm tội đó bao giờ. Nhưng chờ đã: chẳng phải Đức Chúa Giê-su đã từng phán về một người ghét anh em mình thì cũng đáng kinh tởm trước mặt Đức Chúa Trời giống như người chọn trút cơn giận của mình qua hành động giết người hay sao?
Điều răn về tội ngoại tình cũng tương tự như vậy. Tôi có thể chưa từng tham dự vào một bữa tiệc trao đổi vợ như những người khác từng tham gia. Thế nhưng còn những buổi khiêu vũ khi tâm trí tôi đã đi xa hơn trong những suy tưởng sai trật thì sao? Vậy còn những ý tưởng đầy dục vọng dậy lên trong đầu khi tôi nhìn một người phụ nữ đẹp? Vâng, Đức Chúa Giê-su đã đúng khi Ngài đặt những ý tưởng xấu xa ấy ngang bằng với sự yếu đuối trong bản chất con người dẫn đến hành động ngoại tình.
“Ngươi chớ trộm cướp.” Nhưng tôi e rằng tôi đã phạm điều này. Trộm đồ trong cửa hàng khi không ai nhìn thấy, trộm một chuyến đi miễn phí khi người bán vé xe buýt không để ý, trộm của Sở thu thuế bằng cách kê khai thu nhập không hoàn toàn chính xác; Vâng, nó đã xảy ra. Đối với điều răn không làm chứng dối chống lại người lân cận, đó là những gì mà tờ báo Ngày Chủ Nhật bán. Một bản tin bê bối, một chút phóng đại, một mẫu tin ai đó bị mưu sát, hoặc lăng-xê cho ai hơn người khác. Điều răn cuối cùng về sự ham muốn của cải của người khác, chống lại sự thèm muốn vô độ những gì không phải thuộc về mình – con người, cả xã hội của chúng ta đều được xây dựng trên sự thèm muốn! Bạn thèm muốn chiếc xe của người bên cạnh, vợ, máy giặt, tủ lạnh, ti-vi màu và những thứ khác của anh ta. Đừng làm bộ; cuộc sống được xây dựng trên sự thèm muốn. Vậy thì, xin bạn đừng quay đi và hãy nói cho tôi biết rằng bạn đã giữ đủ Mười Điều Răn và là một người đủ tuyệt vời, một người mà Đức Chúa Trời sẽ tự hào vì đã biết bạn. Bạn đã đánh mất số phận của mình. Và tôi cũng vậy.
MỘT QUAN ĐIỂM KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN

“Dù sao đi nữa tôi cũng sống theo lời dạy của Bài Giảng Trên Núi.” Tôi bất ngờ khi có nhiều người suy nghĩ như vậy. Tôi luôn cảm thấy họ chỉ đang đùa thôi. Những tiêu chuẩn của Bài Giảng Trên Núi khiến Mười Điều Răn trở nên như chuyện trẻ con. Bạn có đói khát sự công bình không? Bạn có nằm trong số những người có tấm lòng trong sạch, là những người sẽ được thấy Đức Chúa Trời không? Bạn có phải là người đem lại sự hòa thuận tại nhà và tại sở làm không? Bạn có chịu bị người khác cư xử bất công, thậm chí là bắt bớ vì lẽ phải không? Bạn có đi và làm hòa với người mà bạn ghét cay ghét đắng sự tinh quái của người đó trước khi bạn đến nhà thờ cùng với của lễ dâng hiến của bạn không? Bạn có đối xử bình đẳng trọn vẹn với mọi người mà bạn gặp, giống như Cha Thiên Thượng của bạn – Đấng ban mưa cho những người công bình lẫn những người không công bình?
“Đừng lo lắng về ngày mai: hãy tin Cha Thiên Thượng, Đấng chăm sóc cho hoa và chim,” theo như Bài Giảng Trên Núi. Bạn có thích điều đó không?” Đừng nói: ‘Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì?’ Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, và những điều đó bạn sẽ được cho thêm,”. Bạn có thích điều đó không? Không, dĩ nhiên là bạn không thích, và tôi cũng vậy. Vậy chúng ta sẽ phải rất cẩn thận khi khoe khoang rằng chúng ta sống theo Bài Giảng Trên Núi. Bởi Bài Giảng Trên Núi rút lại bằng một sự đảm bảo trịnh trọng rằng nếu chúng ta không vâng theo lời dạy của Đức Chúa Giê-su trong Bài Giảng này, chúng ta sẽ đối mặt với sự hư mất. Đức Chúa Giê-su phán: “Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên vầng đá. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá. Kẻ nào nghe lời ta phán đây, mà không làm theo, khác nào như người dại cất nhà mình trên đất cát. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy, thì bị sập, hư hại rất nhiều” (Ma-thi-ơ 7:24-27).
Vào ngày đó, sẽ chẳng có tác dụng gì khi nói rằng: “Lạy Chúa, tôi đã làm hết sức mình, thậm chí nhiều lần đến nhà thờ.” Bài Giảng cho chúng ta câu trả lời của Chúa: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng Ta rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa,’ thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?’ Khi ấy, Ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: ‘Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!’” (Ma-thi-ơ 7:21-23).
Có vẻ như đó là một hồi chuông báo tử cho mọi nỗ lực thanh minh của con người trước Đức Chúa Trời. Điều ấy không thể thực hiện được. “Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy,” theo sứ đồ Gia-cơ 2:10. Sau hết, nếu tôi đã lái xe quá tốc độ qui định, sẽ chẳng có ích gì nếu tôi nói tôi chưa bao giờ cướp ngân hàng và chưa bao giờ cướp của từ một cụ già. Tôi vi phạm tốc độ giao thông. Tôi gặp rắc rối. Đối với Chúa, tôi vi phạm luật lệ của Ngài hằng ngày, hằng giờ. Tôi gặp vấn đề lớn. Vậy thì đó sẽ là một lời biện hộ yếu ớt khi nói rằng: “Tôi đã làm hết sức.”
Thành thật mà nói, trước hết, tôi đã không làm hết sức. Thứ đến, cái tốt nhất của tôi vẫn chưa đủ đối với một Đức Chúa Trời chí thánh. Tôi cần một mức cao hơn thế rất nhiều để đáp ứng yêu cầu của Ngài. Tôi thấy rằng Kinh Thánh bày tỏ một cách chân thật về những cố gắng của tôi để thể hiện mình là tốt trước cái nhìn của Chúa. Kinh Thánh nói cho tôi biết rằng sự công bình của tôi (sự công bình của tôi, bạn chú ý nhé!) giống như chiếc áo rách bẩn thỉu, phương chi những điều tôi biết là không được tốt lắm. Điều đó ám chỉ rằng tôi đã nhìn vào những tấm gương bị bóp méo và đã có cái nhìn quá cao về những thành tích của bản thân nhưng lại quá xem nhẹ bản tánh và sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời. “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được? Ta, Đức Giê-hô-va, dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm” (Giê-rê-mi 17:9). Không, nếu đó là tiêu chuẩn, nếu đó là phần đặt cược thì tôi không thể chiến thắng cuộc chơi. Tôi bắt đầu thấy rằng điều tốt nhất của tôi không thể nào đủ tốt đối với Đức Chúa Trời.
Một quan niệm không thể chấp nhận được. Nếu thiên đàng là phần thưởng cho sự xứng đáng thì nơi đó sẽ thật kinh tởm. Nếu tôi đến được thiên đàng bởi tôi đã làm hết sức, dồn hết tâm sức và lập ra những tuyên bố của riêng tôi, bất chấp ai đó sẽ bị tổn thương trên con đường tôi theo đuổi mục đích thì điều đó thật không thể chấp nhận được. Nếu thiên đàng được đưa vào đầy những con người ve vẩy sự tốt lành đáng kinh của họ dưới mũi người khác, đó sẽ là địa ngục. Một bộ phim lần đầu ra mắt cũng đã đủ tệ, với những con người khoe mẽ những bộ cánh thật lộng lẫy vì đó là tất cả giá trị của họ. Có phải thiên đàng chỉ là một buổi ra mắt phim dài nhiều tập? Hãy bỏ ý nghĩ ấy đi!
Một lần nọ tôi nhìn thấy một bia mộ trong một ngôi nhà thờ cổ. Bia mộ cất giữ một cách đầy trang trọng quan điểm cho rằng tôi đã làm điều tốt nhất và Đức Chúa Trời phải hài lòng với điều đó. Bia mộ bày tỏ ý tưởng này thật đáng kinh tởm đến dường nào. Bia mộ của Quốc Vương Ethelred the Unready viết như sau:
Ta, Ethelred, quốc vương Albion (Đảo quốc Anh cổ) trong ngày kinh khiếp của sự phán xét, bởi sự cầu thay của các thánh, được xem là xứng đáng để được nhận vào nước thiên đàng. Ta đã đem lại cho Đức Chúa Trời Toàn Năng ba vùng đất để trở thành tu viện mãi mãi cho những thánh tử đạo.
Bia mộ để lộ thái độ kiêu ngạo theo đúng sắc thái của nó rằng “tôi đã làm hết sức. Ai có thể làm hơn được?” Thật là đáng tởm. Đức Chúa Trời sẽ không cho phép thiên đàng của Ngài bị làm cho lộn xộn bởi những con người tự mãn. Chính ý tưởng này thật bẩn thỉu.
Trong thực tế, Phao-lô đã viết như thế này cho những tín hữu rất tự mãn người Ga-la-ti: “Nếu anh em dựa vào sức riêng để đến với Đức Chúa Trời, anh em đã làm như vậy. Anh em đã ở dưới sự rủa sả mà Luật pháp Đức Chúa Trời đã thiết lập trên những ai vi phạm. Chẳng phải Cựu Ước đã viết: ‘Rủa sả cho những ai không giữ mọi điều được viết trong sách luật và làm theo?’ Anh em không thể tuyên bố rằng mình đã vâng lời như thế phải không? Vậy anh em đã ở dưới sự phán xét của Đức Chúa Trời.” Nói cách khác, không thể đến với Đức Chúa Trời nếu dựa trên những việc tốt của riêng mình được. Nhưng Phao-lô không chỉ dừng ở đó. Ông tiếp tục trong những câu tiếp theo để bày tỏ rằng, thậm chí nếu điều đó là có thể thì cũng không thể chấp nhận được. Nghĩa là nó giống như một người dí súng vào đầu Chúa và nói rằng: “Tôi đã làm những việc tốt ấy. Ngài phải cho tôi một chỗ trên thiên đàng mặc dù tôi chưa bao giờ nghĩ về Ngài và không yêu Ngài một chút nào.” Vậy Phao-lô tiếp tục: “Hiển nhiên không ai có thể đến được với Đức Chúa Trời chỉ bằng những việc tốt. Điều đó sẽ làm toàn bộ nguyên tắc về đức tin bị lờ đi. Cựu Ước nói khá rõ rằng một người được trở nên chấp nhận trước Chúa bởi tin Ngài, người đó vui hưởng cuộc sống với Ngài đời đời. Nhưng nỗ lực cá nhân không hề dính dáng tới thái độ tin cậy: nó đơn giản chỉ là vấn đề đạt được thành tựu mà thôi.”
Đây chỉ là lời diễn giải phỏng theo Ga-la-ti 3:10-12. Và nó dường như không thể cãi lại được. Nếu tôi dựa vào việc tốt của chính mình để thoát khỏi sự kết án từ Đức Chúa Trời, tôi sẽ thấy rằng điều đó là không thể, bởi vì tôi thất bại hết lần này đến lần khác; nhưng toàn bộ quan niệm này thật không thể chấp nhận được bởi vì nó khiến tôi kiêu ngạo, thậm chí không quan tâm đến niềm tin yêu thương mà tôi cần phải có đối với Cha trên trời của tôi.
Nói tóm lại, mọi nỗ lực để tôi được chấp nhận trước mặt Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ thất bại. Ngài là thánh khiết nhưng tôi thì không. Những việc tốt của tôi không thể bù đắp cho tấm lòng không thật thà và thái độ chống đối của tôi đối với một Đức Chúa Trời mà tôi đã cư xử không đúng đắn và dưới cái nhìn của Ngài tôi quá lo lắng để trốn thoát khỏi Ngài. Thật khó khăn và bẽ mặt khi phải thừa nhận điều này. Đó là lý do vì sao có rất nhiều người thích chọn ẩn mình dưới nơi trú ẩn vô dụng của quan niệm: “Tôi đã làm hết sức. Không ai làm hơn thế được.” Nhưng nếu chúng ta không có một nơi trú ẩn nào tốt hơn thì gió, mưa và mưa đá sẽ đến trong Ngày Phán Xét.
Tôi cần phải đứng vào vị trí của một người trẻ tuổi giàu có, người có tài năng và thông minh, một người tìm kiếm khoái lạc, là người đã chấp nhận sự thật không dễ chấp nhận và đã đến bên Đức Chúa Trời bằng cách của Đức Chúa Trời, không phải bằng sức riêng ông. Ông đã viết: “Lạy Chúa, Ngài đã đem tôi ra từ phía sau lưng của chính tôi là nơi mà lúc nào tôi cũng không phải nhìn thấy chính mình. Ngài đã đem tôi ra trước mặt tôi, để tôi có thể nhìn thấy mình hèn hạ như thế nào. Tôi đã thấy chính mình và kinh tởm.” Đó chính là Augustine, người về sau đã trở nên một nhà lãnh đạo Cơ Đốc nổi tiếng. Tôi tưởng rằng tất cả chúng ta đều cần phải bước lên con đường khiêm nhường ấy, nếu Đức Chúa Trời sẽ có thể làm bất cứ điều gì với chúng ta. Ngài không có chỗ cho những kẻ kiêu ngạo trong gia đình của Ngài. Chỉ có một điều kiện để bước vào; chỉ một mà thôi. Đó chính là thay đổi thái độ của chúng ta, bước xuống từ chỗ tự cao của mình, sẵn sàng tin cậy Chúa và con đường tha thứ của Ngài. Điều đó có nghĩa là gì, chúng ta sẽ xem trong chương kế tiếp.

Chương 8

Không Gì Có Thể Thay Đổi Quá Khứ

Chương này sẽ là sự đối chiếu của chương trước. Cả hai chương đều nói về phản ứng của con người đối với tội lỗi. Trong chương trước chúng ta đã nhìn vào những người mà họ mong rằng quá khứ sẽ biến mất, miễn là họ nỗ lực hết sức. Trong chương này chúng ta sẽ suy nghĩ về hạng người biết quá rõ rằng quá khứ không thể nào mất đi. Quá khứ vẫn còn đó. Không gì có thể thay đổi nó. Vết nhơ của quá khứ không thể rửa sạch được. Ta thường nghe ai đó than khóc về những chuyện tồi tệ xảy ra trong quá khứ rằng: “Tôi không thể nào tha thứ cho chính mình.” Giống như Lady Macbeth sau vụ án mạng, cứ mãi rửa tay, nhưng chúng ta biết quá rõ rằng dù có dùng tất cả nước hoa của Ả-rập cũng không thể nào loại bỏ mùi tanh của máu. Không gì có thể xóa bỏ quá khứ.
Vậy thì chính xác vấn đề của họ là ngược lại với nhóm người mà chúng ta đã xem xét trong chương trước. Tại đó những con người thành đạt tự tin nghĩ rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn: họ đã nỗ lực hết sức, vậy còn đòi hỏi điều gì ở họ cơ chứ? Nhưng ở đây, không gì có thể sửa chữa được quá khứ. Tuy nhiên có thể thật nghịch lý khi cả hai căn bệnh này đều có cùng một giải pháp. Giải pháp đó được tìm thấy ở một ngọn đồi phía xa xa bên ngoài bức tường thành Giê-ru-sa-lem.
Đức Chúa Giê-su trên cây thập tự.
Xin quý vị hãy cùng tôi tưởng tượng về khung cảnh nổi tiếng ấy. Đó là một ngày nghỉ lễ. Một đám đông hung dữ, cười đùa, xô đẩy nhau qua con đường chật hẹp của thành phố Giê-ru-sa-lem. Cuối cùng, chính quyền La-mã đã thông qua quyết định của Hội Đồng Do Thái, bản án đối với Giê-su người Na-xa-rét. Người sẽ bị xử tử hình theo án phạt dành cho những phạm nhân thuộc tầng lớp thấp hèn của những nước thuộc địa, đó là đóng đinh trên cây thập tự. Tốp quân lính chịu trách nhiệm thi hành án đi xuyên qua đám đông. Một trong ba phạm nhân mà tốp lính phải bảo vệ cẩn thận bị vấp ngã. Người ấy phải thức suốt đêm, không ăn uống, và đã phải trải qua nhiều phiên tòa liên tiếp. Người kiệt sức. Người ngã xuống dưới sức nặng của thanh gỗ mà người phải vác trên vai. Thiếu ngủ, thiếu thức ăn và bị mất nhiều máu từ tấm lưng đầy vết hằn do những lằn roi tra tấn của người La-mã. Người ngã quỵ, một tên lính bắt lấy một người đàn ông đang tình cờ đi ngang đó. “Anh kia, vác cây thập tự cho người này, mau lên.”
Toán thi hành án sớm kéo đến địa điểm phía bên ngoài tường thành, trong khi đó đám đông đứng xem cảnh tượng cái chết công khai của ba phạm nhân với những cảm xúc lẫn lộn. Những tên lính đào hố nhỏ để đặt cây thập tự vào. Những cây thập tự được đặt nằm trên mặt đất, ba phạm nhân nằm lên trên. Thế rồi những chiếc đinh sắt dài đóng xuyên qua mắt cá chân và cổ tay của những phạm nhân. Một vài năm về trước, xương của những người bị hành hình trên cây thập tự đã được khai quật ở Israel. Trước đó người ta chưa từng phát hiện ra những bộ xương như thế này. Những chiếc đinh được đóng xuyên qua hai xương cổ tay và xương mắt cá chân. Hãy nghĩ về sự đau đớn tột cùng mà họ đã phải trải qua. Chắc hẳn, hai tử tội bị hành hình cùng Đức Chúa Giê-su đã chửi rủa, văng tục và quằn quại. Thay vào đó, Đức Chúa Giê-su đã thốt ra lời cầu nguyện: “Lạy Cha, xin hãy tha thứ cho họ. Họ không biết việc mình làm.”
Rốt cuộc, việc kinh khiếp ấy cũng hoàn tất. Quân lính dựng từng cây thập tự lên và đặt vào hố đã đào trước đó. Những phạm nhân giờ đây phơi mình trước mọi ánh nhìn của đám đông, lơ lửng giữa trời và đất, sự đau đớn tột cùng về mặt thể xác, gắng gượng trong từng hơi thở. Họ bị treo trong sự đau đớn tận cùng, bị phơi dưới cái nóng, bị quấy rầy bởi những côn trùng bay quanh, cái chết từ từ đến với họ.
Nơi Đức Chúa Trời lìa bỏ.
Điều gì giải thích cho sự lôi cuốn của nhân vật trung tâm trên cây gỗ kia, người đã làm nhân loại băn khoăn suốt hai mươi thế kỷ qua? Đó không chỉ đơn thuần là sự đau đớn về thể xác mà còn là sự rùng rợn của cảnh tượng kinh hoàng. Có những người khác đã ra đi với cái chết đầy đau đớn, thậm chí còn khinh khiếp hơn. Hai tên cướp bị hành hình cùng Ngài cũng đã có cùng một cái chết đầy kinh hoàng. Không, sự đau đớn về thể xác không đưa chúng ta đến tâm điểm của những gì đã đạt được trên thập giá. Thú vị thay, các trước giả Phúc Âm dường như không hề mô tả gì về trải nghiệm đau thương của Ngài. “Tại đó họ đã đóng đinh Ngài trên cây thập tự,” đó là tất cả những gì họ đã viết, rất ít thông tin về sự đau đớn.
Cũng vậy, sự đau đớn về mặt tinh thần của Chúa cũng không khai thác hết điều huyền nhiệm của thập giá. Sự nhạo báng của các thầy tế lễ hẳn phải đụng đến lòng tự ái của Ngài: “Hắn đã cứu người khác nhưng lại không tự cứu mình được. Đấng Christ Vua Israel hãy xuống đây khỏi cây thập tự để chúng ta được thấy và tin.” Thật đau lòng khi nhìn thấy tất cả môn đồ của Ngài đều chạy trốn. Phải khiêm nhường biết bao để chịu phơi mình như một tội nhân – công trình cả đời của Ngài tiêu tan. Thật nhục nhã biết bao khi bị chối bỏ và bị đóng đinh trên cây thập tự bởi chính tuyển dân của Đức Chúa Trời, những con người mà Ngài đã đến để dạy dỗ và cứu rỗi. Sự đau đớn về mặt tinh thần đã làm lòng Ngài tan nát: nhưng những điều đó vẫn chưa khai phá được điều huyền nhiệm của thập tự giá ấy.
Sự tối tăm buông xuống, một sự tối tăm mới chớm, một sự tối tăm có thể cảm nhận được. Thật kỳ lạ, Thallus một sử gia ngoại giáo đã ghi lại sự kiện ấy, cho nên đây không phải là sự thổi phồng từ các sách Phúc Âm. Nhưng dù sao đó cũng là biểu trưng cho sự tối tăm phủ ngập Chúa Giê-su trong thời khắc quan trọng nhất của cuộc đời Ngài. Sự tối tăm bị chọc thủng bởi tiếng kêu lớn trong sự đau đớn, được chọn lọc từ Thi Thiên 22: “Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! sao Ngài lìa bỏ tôi?” Sự tối tăm chỉ có thể trùng với khung cảnh trong Vườn Ghết-sê-ma-nê vào đêm trước đó, khi Ngài đã đối diện với cái chết và những đòi hỏi của nó, Ngài đã đổ mồ hôi như những giọt máu trước viễn cảnh ấy. Tại sao một người toàn hảo lại phải cam chịu cảm giác bị bỏ rơi, bị Đức Chúa Trời lìa bỏ trong giờ khắc đỉnh điểm của Ngài?
Câu trả lời chung cho tất cả các trang sách Tân Ước là đây. Ngài cảm nhận sự lìa bỏ của Cha Thiên Thượng bởi lý do đơn giản là Ngài đã bị lìa bỏ. Như chúng ta đã thấy trong chương trước, Phao-lô làm rõ cho chúng ta rằng không ai đến được với Đức Chúa Trời nếu nhờ vào bộ áo công đức cá nhân. Bởi tất cả mọi người đều vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, tất cả đều chịu sự rủa sả, sự phán xét của luật pháp. Nhưng nếu bạn hỏi Phao-lô ý nghĩa tâm điểm của thập tự giá Đức Chúa Giê-su là gì, ông sẽ trả lời rằng: “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta.” Không thể tưởng tượng nổi – một người thánh khiết, một người toàn hảo, là Con Trời vô tội lại chịu chết trong chỗ đoán phạt, rủa sả. Nhưng đó là sự thật.
Là một người Do Thái, Phao-lô hiển nhiên biết về Cựu Ước. Ông biết rõ rằng trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký có nói kẻ nào bị treo trên cây gỗ thì bị xem là chịu sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Trước khi trở thành Cơ Đốc nhân, Phao-lô đã nghĩ có một lý do chính đáng tại sao Đức Chúa Giê-su không thể nào là Đấng Mê-si mà dân sự của Ngài hằng mong chờ; đó là vì Ngài không đơn thuần chết trong nơi tội lỗi, nhưng còn chết trong nơi rủa sả. Trên đường đi Đa-mách, Phao-lô đã gặp Đức Chúa Giê-su phục sinh. Quan điểm trước đó của ông bị tan vỡ. Ông nhận thấy rằng quả thật Đức Chúa Giê-su đã đối diện với sự chết của Ngài trong chỗ rủa sả, nhưng vì sự rủa sả của chúng ta mà Ngài vui gánh thay. Không nghi ngờ gì, Đức Chúa Giê-su đã phó dâng sự sống của Ngài trong sự vui lòng phục vụ bởi “Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” Khi Phao-lô đối diện với sự thay đổi vị trí lớn lao mà Đức Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta, ông không thể làm gì hơn. “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 5:21). Không nghi ngờ gì, Đức Chúa Giê-su đã cảm thấy bị Đức Chúa Trời lìa bỏ: Ngài đã bị lìa bỏ… Và đó là lý do để khiến chúng ta đến gần Ngài.

Ý NGHĨA THẬP TỰ GIÁ

Điều đó có nghĩa là gì?
Tân Ước cố gắng diễn giải tin tức tốt lành đến không ngờ này qua nhiều phép ẩn dụ. Điều tuyệt vời đó là Đức Chúa Trời chấp nhận trả nợ thay, cất bỏ những gánh nặng, cam chịu sự rủa sả, và mang lấy tội lỗi của chúng ta. Quả thật là tuyệt vời; nhưng điều đó đưa chúng ta đến tâm điểm đồi Gô-gô-tha. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Giê-su rất kiên định khi hướng về thành Giê-ru-sa-lem, trong khi Ngài hoàn toàn có thể dễ dàng rời đi nơi khác. Ngài đã định sẵn về sự chết của mình. Ngài biết rằng Ngài sẽ nhận số phận của Đầy Tớ Chịu Khổ mà đã được nói đến đầy sinh động qua các tiên tri thời Cựu Ước. Ngài biết rằng Chúa sẽ đặt trên Ngài những điều tội lỗi của hết thảy chúng ta. Ngài biết rằng Ngài sẽ mang lấy sự vi phạm của chúng ta. Ngài biết rằng những lằn roi Ngài chịu đem lại cho chúng ta sự bình an. Ngài biết rằng sự chết của Ngài sẽ là một sự hy sinh vì tội lỗi mà không có sự hy sinh nào trên thế gian có thể sánh bằng – Chúa ban sự sống của Ngài cho tội nhân. Ngài biết rằng “Con Người”, từ ngữ mà Ngài dùng để nói về chính mình, sẽ phó mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người trên cây thập tự. Ngài biết rằng sau khi tất cả những điều đó qua đi, Ngài sẽ nhìn thấy thành quả từ sự khó nhọc của Ngài và lấy làm thỏa mãn – cảm thấy rất đáng để hy sinh. Bởi Ngài sẽ lập nên một thỏa thuận mới giữa Đức Chúa Trời và con người: một giao ước mới.
Tất cả những giao ước khác trong lịch sử tôn giáo đều có hai bên, bên con người và bên Đức Chúa Trời. Vấn đề cũng chính là ở họ – con người luôn vi phạm giao ước về phía của họ! Nhưng sự giao ước mới này đem lại sự tha thứ tội lỗi. Nó không chỉ đảm bảo thỏa mãn về phía của Đức Chúa Trời nhưng cũng cho con người nữa. Trên thập giá, Ngài là con người toàn vẹn, phó dâng mạng sống mình cho những người khác: Ngài cũng là một Đức Chúa Trời toàn vẹn, bởi “Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài, chẳng kể tội lỗi cho loài người.” Một kế hoạch thiên thượng, được tỏ bày bằng sự tôn trọng và vinh hiển trong ngày Chúa Chịu Thương Khó.
Có lẽ chúng ta sẽ có cái nhìn tốt hơn nếu đứng từ khía cạnh của ba nhân vật hiện diện trong ngày ấy. Ta sẽ có ba bức tranh, ba lối ẩn dụ về những điều Đức Chúa Giê-su đã đem lại cho chúng ta trên cây gỗ; ba cách giúp chúng ta nhìn nhận rằng nếu chúng ta thậm chí không thể tha thứ cho chính mình vì những điều tồi tệ nào đó đã phạm phải trong quá khứ, Đức Chúa Trời vẫn có thể và sẽ tha thứ, và Ngài làm điều đó với công lý trọn vẹn và tình yêu vô bờ bến.
Cái nhìn của người chiến đấu vì tự do.
Có một nhân vật trong ngày Thương Khó đầu tiên đã hiểu một cách đầy sống động ý nghĩa thập giá của Đức Chúa Giê-su. Ông là một người chiến đấu vì tự do, bị bắt vì nổi dậy có vũ trang và phạm tội giết người. Bị giam cùng những tòng phạm, ông đang chờ đợi ngày hành quyết, vui vì đã đánh bại một vài tên lính La-mã, buồn vì đã không giúp giải cứu dân mình khỏi nanh vuốt người La-mã. Hãy tưởng tượng khi bình minh cuối cùng của đời ông bắt đầu ló dạng. Những bước đi dọc hành lang. Chìa khóa cắm vào trong ổ. Tóc gáy ông dựng đứng. Kế đến trong sự ngỡ ngàng, viên quan chỉ huy tháo dây xích khỏi chân tay ông và nói: “Ba-ra-ba, anh được tự do.” Ba-ra-ba nhìn viên chỉ huy đầy ngờ vực và cho rằng đó chỉ là một trò đùa. Nhưng không đùa tí nào. Ông đã nghe lệnh tha người đầy kỳ lạ của Phi-lát trong ngày Lễ Vượt Qua. Đầy choáng váng, ông gần như không thể lê bước khỏi chốn hành hình nơi những người bạn của ông sẽ chết bởi tội họ đã phạm vì đất nước của họ, và là nơi mà nhân vật Con Đức Chúa Cha lạ lùng này sẽ chết trên chính thập giá của Ba-ra-ba, tại chính vị trí của Ba-ra-ba. Lịch sử không ghi lại sau này ông đã trở nên thế nào. Nhưng điều chắc chắn là ông không thể nào quên được rằng Đức Chúa Giê-su đã thay thế cho hình phạt của ông. Sự chết của Đức Chúa Giê-su đã giải quyết hết mọi cáo trạng của ông để chúng sẽ không bao giờ bị đem ra nhằm chống lại ông một lần nào nữa. Chắn chắn không thể nào ông ngừng suy ngẫm rằng đúng ra người trên cây gỗ ấy phải là chính ông. “Ngài đã làm điều đó vì tôi.” Tôi có thể tưởng tượng ông thốt lên. “Ngài đã làm điều đó vì tôi.”
Sự trao đổi kỳ lạ ấy tạo nên một ấn tượng trong cộng đồng Cơ Đốc. Thánh Phi-e-rơ gần như chắc chắn là một nhân chứng trực tiếp tại khung cảnh ấy, lẩn mình trong đám đông để tránh sự thu hút từ những sự chú ý không mong muốn. Qua bức thư tín đầu tiên của mình, Phi-e-rơ kể rằng ông là “người chứng kiến sự đau đớn của Đấng Christ.” Sau khi chứng kiến Đức Chúa Giê-su vác thập tự giá đến nơi hành hình, ngã quỵ dưới sức nặng của cây gỗ, bị đóng đinh vào thập giá không mong muốn ấy, Phi-e-rơ đã viết cho những độc giả Cơ Đốc của ông những lời chắc chắn cần phải được diễn giải theo những gì đã nhìn thấy và cảm nhận trong ngày hôm đó. “Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em” ông viết. “Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình; Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ… nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh” (I Phi-e-rơ 2:23, 24). Hình ảnh của Người Đầy Tớ Chịu Thương Khó trong sách Ê-sai, về Đức Chúa Giê-su lảo đảo bước lên đồi Gô-gô-tha mang lấy những gánh nặng tội lỗi của Phi-e-rơ, về Đức Chúa Giê-su vô tội đứng vào thay cho chúng ta là những Ba-ra-ba đầy tội lỗi. Những hình ảnh ấy có thể đã đi vào tâm trí Phi-e-rơ khi ông viết thư tín này. Ông đã làm rõ về vấn đề trong chương tiếp theo (I Phi-e-rơ 3:18). “Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời.” Đó là lý do tại sao Đức Chúa Giê-su chết: Đấng công bình thay cho kẻ không công bình. Phi-e-rơ đã hiểu thập giá đó có nghĩa là gì.
Phao-lô cũng vậy. Một thông điệp đáng chú ý trong thư tín gửi các tín hữu tại Cô-lô-se, Phao-lô viết rằng Đức Chúa Trời đã tha thứ cho chúng ta hết thảy tội lỗi, đã bỏ đi những sai phạm chống lại chúng ta, cùng với những yêu cầu hợp pháp: Ngài đã xóa bỏ và đóng đinh nó trên cây thập tự. Thật là một sự hiểu biết vĩ đại về Gô-gô-tha! Một danh sách dài ghi những tội lỗi chống lại Ba-ra-ba, nhưng Đức Chúa Giê-su đã nhận lấy hết thảy khi Ngài chết thế chỗ của Ba-ra-ba trên thập giá. Cũng vậy một danh sách dài những tội lỗi chống lại Phao-lô; nhưng Đức Chúa Giê-su đã nhận lấy hết thảy khi Ngài chết thế chỗ Phao-lô, tại thập giá ấy. Phạm nhân khi bị kết án thường có một tờ cáo trạng ghi những tội danh và phải đeo nó vào cổ khi người ấy bước ra chốn hành hình; bảng cáo trạng này được đóng vào cây gỗ của người ấy. Phao-lô đã nhìn thấy Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh – không phải với cáo buộc đầy giễu cợt: “Vua dân Giu-đa,” nhưng đó chính là tội lỗi của ông và của chúng ta được đeo trên cổ Ngài. Đó là lý do mà Ngài chết. Để trả nợ cho chúng ta. Để xóa nợ chúng ta với chính Đức Chúa Trời mà chúng ta đã mắc lỗi. Ngài bỏ đi tất cả những sai phạm mà tôi đã viết lên để chống lại chính tôi, là những tội lỗi ngang ngạnh của tôi: và Ngài đã đóng đinh chúng trên thập giá Đấng Christ. Chúng sẽ không bao giờ được gợi lại để chống lại tôi, cũng giống như với Phao-lô, Phi-e-rơ và Ba-ra-ba.
Vì Đấng Christ đã chịu khổ một lần vì tội lỗi, Đấng công bình vì những kẻ không công bình, nên Ngài có thể đem chúng ta đến với Đức Chúa Trời. Đó là một khía cạnh ý nghĩa của thập giá. Nợ chúng ta được tha. Chúng đã được xóa bỏ. Điều đó có nghĩa là chúng sẽ không bao giờ bị gợi lên chống lại chúng ta một lần nào nữa. Bởi Đức Chúa Trời trong Đấng Christ đã trả giá đến tận từng xu, thậm chí nó đã đưa Ngài đến thập giá đầy đắng cay. Không một việc làm nào của chúng ta có thể thay thế được tội lỗi trong quá khứ. Nhưng hành động rộng rãi lớn lao của Chúa đã biến đổi mọi thứ.
LỜI TUYÊN XƯNG CỦA VIÊN SĨ QUAN THI HÀNH ÁN

Cái nhìn của người sĩ quan thi hành án
Có một nhân vật đáng thú vị khác tại thập giá. Chúng ta không biết tên của ông, nhưng ông đã để lại một dấu ấn đối với cộng đồng Cơ-đốc vì câu chuyện của ông được kể đến trong cả ba sách Phúc Âm. Ông là viên quan chỉ huy toán lính thi hành án. Hơn bất kỳ ai, ông có cái nhìn cận cảnh nhất về sự kiện đầy kinh hãi này. Ông nhìn thấy Đức Chúa Giê-su chịu đau đớn trong dáng vẻ nghiêm trang. Ông chú ý thấy Đức Chúa Giê-su hoàn toàn lo lắng cho những người khác: những tên lính đóng đinh Ngài, người mẹ đã sinh ra Ngài, và hai tội phạm bị đóng đinh cùng với Ngài. Ông đã nghe những thầy tế lễ nhạo báng Đức Chúa Giê-su; ông đã thấy đám đông chế giễu Ngài. Ông đã cảm thấy sự tối tăm đầy huyền bí; ông đã nghe tiếng kêu lớn của Chúa khi Ngài chết. Và ông đã bật lên một lời xưng nhận đức tin với người mà ông vừa mới hành hình. “Thật người này là Con Đức Chúa Trời,” đó là điều mà Ma-thi-ơ và Mác đã ghi lại. Ký thuật của Lu-ca lại mang vẻ chủ quan một cách sắc bén hơn: “Thật người này là người công bình.” Có thể ông đã nói cả hai điều trên, tin chắc rằng Đức Chúa Giê-su không chỉ là người vô tội nhưng ông còn tin vào mỹ đức công bình tuyệt đối của Ngài.
Chúng ta không thể chắc chắn ý nghĩa những lời viên quan người La-mã muốn nói về “Con Đức Chúa Trời.” Đó là một trong những danh xưng mà các Đế Vương đương thời rất muốn được người ta biết đến: vậy ít nhất đó là một sự xưng nhận thú vị của lòng trung thành đối với một người bị đóng đinh. Nhưng chúng ta dường như không thể ngờ rằng các trước giả Phúc Âm muốn chúng ta nhìn xa hơn về lời tuyên xưng đó. Đó là sự xưng nhận đức tin Cơ Đốc nguyên thủy: Đức Chúa Giê-su Christ là Con Đức Chúa Trời và là Đấng Cứu Rỗi. Đây là một người thi hành án trong vụ án Đức Chúa Giê-su đã nhận ra: Ngài là con đường cho con người quay về với Đức Chúa Trời!
Tôi nghĩ chúng ta có thể khá chắc chắn rằng lời diễn giải này là đúng đắn. Ngay trong những câu Kinh Thánh sau đó, các trước giả sách Phúc Âm đã làm một điều kỳ lạ nhưng đầy thận trọng. Đầu tiên, họ ghi lại sự chết của Đức Chúa Giê-su: “Đức Chúa Giê-su trút linh hồn.” Rồi thì họ đưa ra một thông tin liên quan: “Màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên chí dưới.” Sau đó họ quay trở lại với đồi Gô-gô-tha kể cho chúng ta lời xưng nhận đức tin của viên sĩ quan La-mã. Những trước giả Phúc Âm muốn truyền tải điều gì ở đây?
Không khó để khám phá thông điệp ấy nếu chúng ta nhắc lại bức màn trong đền thờ dùng để làm gì. Nó dùng để ngăn cản người ta xâm nhập vào nơi chí thánh của đền thờ. Không ai được bước vào nơi “Chí Thánh” trừ thầy tế lễ thượng phẩm, mỗi năm một lần, vào ngày Lễ Chuộc Tội. Sau đó thầy tế lễ thượng phẩm sẽ làm nghi thức chuộc tội cho chính ông và cho dân sự bằng việc giết một con vật dâng lên bàn thờ. Tấm màn có nghĩa là sự ngăn cản: Đức Chúa Trời là thánh, nhưng con người thì không. Đó là một phương tiện trực quan để truyền tải một thông điệp đơn giản rằng: Đức Chúa Trời quá thánh khiết không thể cho những con người tội lỗi như bạn và tôi được bước vào diện kiến Ngài. Nó báo hiệu “Ở lại bên ngoài.”
Nhưng khi Đức Chúa Giê-su chết trên thập giá, bức màn trong đền thờ bị xé: đó là công việc của Đức Chúa Trời, và có thể dưới tác động của trận động đất mà Josephus, nhà Sử học người Do Thái đã ghi lại xảy ra trong khoảng thời gian đó làm lay động những cây đà đỡ của đền thờ. Nhưng dù sự việc đã xảy ra như thế nào thì thông điệp ở đây là rất rõ ràng và vĩ đại đối với các trước giả Phúc Âm. Nó báo hiệu “Hãy vào.” Có nghĩa là Đức Chúa Trời, là thầy tế lễ thượng phẩm tối cao, đã thực hiện sự chuộc tội cao nhất không phải cho chính Ngài (Ngài không có điều gì để chuộc lỗi) nhưng cho những con người trong thế gian lạc mất. Nó có nghĩa là những ai tin Ngài có thể được kéo lại gần với Đức Chúa Trời mà không phải sợ hãi rằng họ bị loại bỏ. Và hãy suy nghĩ về con đường đến với ngôi thi ân được nói đến trong Tân Ước.
“Nhưng trong Đức Chúa Jesus Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết Đấng Christ mà được gần rồi,” Phao-lô viết trong thư gửi các tín hữu tại Ê-phê-sô (2:13); và “nhờ Ngài mà chúng ta [những người Do Thái và dân ngoại] cả hai đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh” (2:18). Trong thư gửi các tín hữu Rô-ma, Phao-lô xúc động trước sự tha bổng tuyệt diệu qua việc Đức Chúa Giê-su làm trên thập giá. “Được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jesus Christ chúng ta,” ông nói: “là Đấng đã làm cho chúng ta… vào trong ơn nầy” (5:1, 2a). Và tác giả thư tín Hê-bơ-rơ đã viết một cách bóng bảy nhưng rất năng quyền rằng: “Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào nơi rất thánh, bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài…” (10:19).
Nhờ thân thể của Chúa hy sinh vì chúng ta trên thập giá, con đường đến với sự hiện diện của Đức Chúa Trời trở nên hiện hữu: cái màn bị xé đôi. Và thay vì một người mỗi năm một lần đến kỳ dâng của lễ – lặp lại hằng năm – thì bây giờ chúng ta có thể đến trước ngôi thi ân bất cứ lúc nào. Quyền được đến với sự hiện diện thánh của Đức Chúa Trời không giới hạn cho tất cả những ai tin vào Đấng đã chết và sống lại. Sự chết của Chúa Giê-su có nghĩa là con người được đến gần Đức Chúa Trời. Và chúng ta thấy viên sĩ quan La mã đã không chần chừ nhận lấy cơ hội đó. Ông có trách nhiệm phải “thi hành vụ án” của Đức Chúa Giê-su, và ông đã tuyên xưng đức tin trong hoàn cảnh đó.
Chúng ta nhìn thấy chính mình trong viên quan ấy, cũng giống như nhìn thấy chính mình trong Ba-ra-ba. Sự chết của Đức Chúa Giê-su đã trả số nợ của chúng ta và có nghĩa là chúng ta được tiến thẳng đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời mà không sợ hãi, biết rằng những rào cản đã bị phá bỏ, tội lỗi đã được chuộc, sự dơ bẩn đã được rửa sạch bởi sự chết của Đức Chúa Giê-su là Đấng Cứu Rỗi. Và đây là tin tức tốt lành cho những tấm lòng lo lắng mà không một nghiên cứu tâm thần học nào có thể phân tích được.

Chương 9

CHẾT LÀ HẾT?

Bertrand Russell từng nói: “Tôi tin rằng khi chết tôi sẽ bị thối rửa”. Không gì phải tranh cãi. Hiển nhiên đó là điều đúng. Nhưng đó có phải là toàn bộ sự thật? Có phải “tôi” thật sự sẽ biến mất?

Một câu hỏi lôi cuốn.
Cứ mỗi mấy năm lại có một tờ nhật báo chính thức hoặc các báo ra ngày Chúa Nhật đề cập đến vấn đề này. Họ phát hành một loạt bài có những tựa đề như “Sự sống sau cái chết – Điều huyền bí vĩ đại”. Các công ty bảo hiểm tận dụng cơ hội này với ngập tràn những lời quảng cáo đại loại: Nơi Ẩn Náu Của Cuộc Sống. Câu hỏi về một sự sống bên kia phần mộ đã thu hút con người từ thuở sơ khai của lịch sử nhân loại. Tôi nhớ đã từng đến một trong những ngôi mộ cổ nhất còn tồn tại ở Byblos, Li-ban. Những bộ xương được chôn cất có tư thế rất gợi mở. Đầu gối được xếp lại dưới cằm, và chúng được cho vào một cái lu đất giống như một quả trứng. Nói cách khác, những người trong thời đại xa xưa ấy đã ấp ủ hy vọng về một sự sống mới sẽ nảy nở từ quả trứng của sự chết. Họ hy vọng rằng sau khi một người chết đi, bằng một cách nào đó họ sẽ sống lại.
Trong một lần đến Ý, tôi còn nhớ mình đã phấn khích như thế nào khi thấy người La Mã bận tâm về chủ đề này. Có rất nhiều tranh ghép mảnh về chủ đề cái chết và thế giới bên kia tại Pompeii, một thành phố của nước Ý bị thiêu hủy hoàn toàn sau lần núi lửa Vesuvius phun trào vào năm 79 sau Công Nguyên. Nhiều bức tranh về những bộ xương đang nắm lấy những chiếc hủ trên tay, những bức tranh về cái chết với nhiều khung cảnh khác nhau, và một bức tranh đáng nhớ về chim phượng hoàng, một loài chim huyền bí được cho rằng sẽ sống lại nếu đốt trên giàn hỏa thiêu. Bên dưới bức tranh, tác giả đã viết: “Phượng hoàng, ngươi may mắn làm sao!”
Bạn chết khi bạn không còn thở, đúng là như vậy. Câu chuyện đến đó là chấm dứt. Không ai sống lại sau khi chết. Nhưng có phải đối với bạn thế đã là hết? Hay đâu đó còn có một sự sống nào khác? Đó là một câu hỏi rất thú vị.
Tuy nhiên có một khía cạnh khác của câu hỏi này.

Một câu hỏi mang tính đe dọa.
Nếu có một cuộc sống bên kia cái chết, vậy nó sẽ như thế nào? Nếu chết là hết đã đủ đau buồn, thì chết không phải là hết sẽ còn tệ hơn. Epicurus, một triết gia thiên hướng khoái lạc người Hy Lạp rất lâu về trước đã nói: “Điều con người sợ hãi không phải sự chết là hủy diệt, nhưng là điều ngược lại.” Vâng, trong bài thơ của ông tựa đề Chết đã mô tả chính xác xúc cảm đó:
Không sợ hãi cũng chẳng hy vọng
Một động vật đang chết đi.
Một người chờ đợi cái kết của đời mình
Sợ hãi và hy vọng mọi điều.
Sẽ ra sao nếu chúng ta đều phải giải trình về cuộc sống mà chúng ta đã trải qua? Sẽ ra sao nếu giống như Tân Ước đã nói: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét”? Hãy bỏ suy nghĩ ấy đi, nó quá khủng khiếp! Tuy nhiên điều đó là công bằng phải không? Như thế mới xứng đáng với sự tự do của chúng ta. Chúng ta đều biết rõ rằng tự do và giải trình là hai mặt của một đồng xu. Một sinh viên dường như hoàn toàn có sự tự do: nhưng sẽ đến một ngày anh ta phải giải trình về mình trong bài thi cuối khóa. Một kiến trúc sư được tự do thiết kế và xây dựng căn nhà. Nhưng đến cuối ngày, anh phải báo cáo lại với người chủ của mình. Vậy sẽ ra sao nếu sự sống cũng giống như vậy? Sẽ ra sao nếu đó là sự thật khi: “mỗi một người trong chúng ta đều phải giải trình về chính mình trước Đức Chúa Trời”?
Sẽ ra sao nếu câu chuyện Đức Chúa Giê-su kể về người giàu có dại dột là sự thật? Một người đã sống như thể đời sống này là tất cả; ông biến thành công, tiền bạc, của cải thành những thần tượng của mình, và bỏ Chúa ra ngoài. Và rồi một đêm ông qua đời. Đức Chúa Trời phán cùng ông: “Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?” Một câu chuyện đầy ám ảnh, rất phù hợp cho thế hệ quá thiên về vật chất của chúng ta ngày nay. Có thể nào Đức Chúa Giê-su đã nói đúng không? Nếu có, thật không vui chút nào khi nghe Đức Chúa Trời phán với bạn rằng: “Hỡi kẻ dại”. Không lâu về trước tôi thấy một quảng cáo bảo hiểm nhân thọ khuyên bạn hãy đầu tư vào công ty đó. Quảng cáo kết thúc bằng một câu đầy mỉa mai: “Hãy để những ai nghĩ rằng họ sẽ sống mãi tự lo cho mình.” Sẽ ra sao nếu chúng ta phải sống phụ thuộc – và không thể tự lo cho mình?
Sẽ ra sao nếu những điều trong câu chuyện của Đức Chúa Giê-su về người giàu và La-xa-rơ là sự thật? Sẽ ra sao nếu có một thế giới bên kia và chúng ta phải giải trình về những việc làm của mình trên đời này? Vì ích kỷ, chúng ta nhẫn tâm coi thường nhu cầu của La-xa-rơ, người ở ngay trước cửa nhà, đó là chưa kể đến một nửa dân số thế giới đang sống trong tình trạng nghèo ngặt bởi chính sách kinh tế mà các quốc gia đang theo đuổi. Sẽ ra sao nếu trong ngày đó chúng ta sẽ bị phán xét vì cách mà chúng ta đã đối xử với người tài xế da màu, người thu nhặt rác, hay một người già trong một bệnh viện địa phương? Dĩ nhiên, sự thành kiến – trong đó có phân biệt chủng tộc – có hai mặt của nó. Gần đây, một lãnh đạo Cơ Đốc người da đen đã thách thức những tín hữu da đen của mình như vầy: “Trong ngày phán xét, Chúa sẽ nói với chúng ta: “Tại sao con không giảng Phúc Âm cho tất cả những người da trắng tội nghiệp đang lạc mất trong giàu có và tham vọng?” Sẽ ra sao nếu một điều không mấy thú vị như thế cuối cùng hóa ra lại là sự thật?
“À,” bạn nói, “đó hoàn toàn chỉ là suy đoán mà thôi. Làm sao có thể biết chắc được?”
Một Câu Hỏi Có Thể Trả Lời
Ta chỉ có thể biết được liệu có tồn tại thế giới bên kia hay không chỉ khi có một ai đó trở về đem theo nguồn thông tin đáng tin cậy. Và trên lý thuyết, điều đó là không thể. Người chết không thể sống lại. Khi bạn chết là “hết phim”. Nhưng điều này dẫn chúng ta đến tâm điểm của tuyên bố Cơ Đốc. Tách biệt khỏi mọi tôn giáo khác trên thế giới, Cơ Đốc Giáo mạnh dạng tuyên bố rằng chúng ta có thể biết được về thế giới bên kia, chúng ta có thể biết cách đến đó, chúng ta có thể biết được điều gì đang chờ đợi chúng ta, tất cả bởi một lý do đơn giản và đầy thuyết phục – chính Đức Chúa Giê-xu Christ, Đấng chịu đóng đinh trên thập tự giá, đã sống lại từ phần mộ.
Thoạt tiên, đây là một tuyên bố hết sức phi lý. Không thể nào là sự thật được. Hoặc có thể không? Dĩ nhiên, chỉ có một cách duy nhất để biết được liệu có sự sống sau cái chết hay không. Đó chính là có một ai đó đã chết và sống lại để kể cho chúng ta biết. Tôi nghĩ rằng nó giống như việc du hành vũ trụ vậy. Mặt trăng đã thu hút con người từ thời thượng cổ. Có hay không có sự sống trên mặt trăng đầy huyền bí kia? Có những gì ở phần mặt trăng mà chúng ta không thể nhìn thấy được? Không ai có thể nói được, dù điều đó không ngăn người ta lập ra rất nhiều suy đoán. Không ai nói được điều gì cho đến khi Neil Armstrong, người đầu tiên bước chân lên mặt trăng, đã quay trở lại trái đất để kể cho chúng ta. Không những thế, anh còn mở đường cho những phi hành gia sau này.

Tuyên bố của người Cơ Đốc.
Đó chính là cách xem xét tuyên bố của người Cơ Đốc về sự sống sau cái chết. Chúng tôi chỉ tin duy nhất vào Đức Chúa Giê-xu ở Na-xa-rét, Đấng đã trở lại từ phần mộ để chứng tỏ cho chúng tôi rằng Ngài đã chiến thắng kẻ thù cuối cùng và khiến chúng tôi bước theo dấu chân của Ngài. Dĩ nhiên chúng tôi biết rằng người chết không sống lại khỏi phần mộ của họ. Chúng tôi biết rằng không có một thể loại khoa học nào nói người chết có thể sống lại. Chúng tôi không phải ngây thơ: chúng tôi biết tuyên bố này làm cho sự tưởng tượng bị chùn lại. Nhưng chúng tôi tin vào tuyên bố Cơ Đốc, và dựa trên những bằng chứng thuyết phục. Tôi sẽ trình bày cho các bạn một số bằng chứng sau đây.
Tuy nhiên trước hết hãy làm rõ một điều. Chúng tôi không tuyên bố điều này về bác Tom, bác Dick, hay bác Harry nào cả. Chúng tôi xác nhận đó là sự thật cho một con người duy nhất, một con người rất đặc biệt, là Đấng hơn cả một con người, Đấng chiến đấu với các thế lực sự chết. Chúng ta đã đọc thấy trong Phúc âm Giăng chương 5 những lý do mạnh mẽ chứng minh Đức Chúa Giê-xu không chỉ là con người nhưng Ngài là Đức Chúa Trời. Vậy làm sao chúng ta có thể nghĩ một cách giáo điều rằng Ngài không thể sống lại từ phần mộ? Chúng ta đã thấy rằng Ngài đã sống một đời sống toàn hảo. Vậy làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng một đời sống không bước vào tội lỗi lại không thể chiến thắng sự chết? Chúng ta không có một ai khác để so sánh với Ngài. Đức Chúa Giê-xu đã đặt toàn bộ uy tín của Ngài vào sự khẳng định Ngài sẽ “làm một Giô-na” đối với những người đương thời, nghĩa là giống như Giô-na đã trở lại sau ba ngày “chết” trong bụng cá, chính Ngài cũng sẽ sống lại từ trong tay sự chết (Ma-thi-ơ 12:39-41). Vậy hãy gạt qua một bên định kiến: “Điều đó là không thể” và hãy cân nhắc xem dựa vào tất cả những bằng chứng, điều đó thật đã xảy ra đối với duy nhất một Đức Chúa Giê-xu hay không. Nếu Ngài là người toàn hảo, nếu Ngài hơn cả một con người, thì chúng ta không thể nào không cân nhắc được.
Tôi đã xem xét các bằng chứng về Đức Chúa Giê-xu qua một số thông tin chi tiết trong cuốn sách nhỏ Đấng Sống (Man Alive). Có thể bạn sẽ quan tâm đến những vấn đề trong sách. Tuy nhiên đây là năm điểm cần quan tâm khi ta suy ngẫm về những sự kiện trong ngày Thứ Sáu Thương Khó đầu tiên ấy.
Ngài đã chết.
Một cái chết thật sự. Án tử hình của người La Mã dứt khoát là rõ ràng. Trên thực tế, chính viên quan chịu trách nhiệm thi hành án có thể bị tử hình nếu ông không thực hiện công việc một cách hiệu quả. Trong trường hợp của Đức Chúa Giê-xu, toán lính thi hành án thấy Ngài đã chết rồi nên đã không phiền đánh gãy chân Ngài (một phương pháp man rợ để chắc chắn những con người tội nghiệp bị treo trên thập giá không hồi phục trở lại và không còn thở). Nhưng để chắc chắn lần cuối, họ đã lấy giáo đâm vào sườn Ngài, và theo lời một nhân chứng tại hiện trường đã nói: “máu và nước” chảy ra (Giăng 19:34). Đây là một chi tiết khá thú vị và đáng chú ý bởi vì tác giả không hề biết ý nghĩa y khoa của hiện tượng trên. Tuy nhiên bất kỳ bác sĩ nào ngày nay đều sẽ nói rằng sự phân ly của máu thành cục và huyết thanh là dấu hiệu chắc chắn nhất về sự chết. Đó là những gì sứ đồ Giăng đã thuật lại, mặc dù ông chỉ lấy làm lạ về sự việc đó mà không hiểu đó là gì. Nhưng chi tiết này cho ta một bằng chứng tích cực rằng Đức Chúa Giê-xu đã chết.
Nếu cần thêm thông tin, chúng ta vẫn có được: không chỉ viên quan thi hành án đã báo cáo cho lãnh đạo của mình rằng công việc đã hoàn thành (và ông biết thế nào là người chết – bởi ông đã hành hình rất nhiều người rồi), nhưng chính Phi-lát đã cho phép Giô-sép người A-ri-ma-thê đến lấy xác Ngài (Giăng 19:38). Một chi tiết thú vị khác, theo như nguyên ngữ tiếng Hy Lạp, từ ngữ sử dụng để chỉ về “thân thể” Đức Chúa Giê-xu đó là từ “xác”: một từ không bao giờ được dùng để chỉ một người sống, nó luôn luôn chỉ dùng cho người chết mà thôi.
Vâng, Đức Chúa Giê-xu đã chết. Vậy bất kỳ “thuyết bất tỉnh” nào cho rằng Đức Chúa Giê-xu phục hồi từ thử thách kinh hoàng của Ngài và lẻn ra khỏi phần mộ lạnh giá là hoàn toàn không đáng tin cậy. Đơn giản bởi vì điều đó không thể xảy ra. Dẫu vậy những người không tin có xu hướng chối bỏ sự dạy dỗ rõ ràng của các trước giả Tân Ước (mặc dù chúng đều dựa trên những nhân chứng trực tiếp), họ phải vin vào những giả thuyết cho rằng Đức Chúa Giê-xu không thật sự chết. Các bạn sẽ thấy từ thuở xa xưa đã xuất hiện những giả thuyết này, chẳng hạn như Celsus ở thế kỷ thứ hai. Là một người chống đối mạnh mẽ Cơ Đốc Giáo, ông lý giải sự phục sinh của Đức Chúa Giê-xu bằng cách cho rằng Ngài được Ma-ri Ma-đơ-len chăm sóc và phục hồi sức khỏe trở lại. Bốn mươi ngày sau thì vết thương đã vượt quá sức chịu đựng của Ngài. Ngài đã được chôn một cách bí mật, nhưng sau đó Ngài đã nhóm họp với các môn đồ của mình và biến mất vào một đám mây trên chóp núi!?
Những lý giải nghèo nàn như vậy vẫn còn được dựng lên cho đến ngày nay, cụ thể gần đây trong tác phẩm Âm Mưu Lễ Vượt Qua (The Passover Plot) của Hugh Schonfield. Chúng thất bại ngay từ bằng chứng chắc chắn rằng Đức Chúa Giê-xu thật đã chết. Chúng cũng cực kỳ không chắc chắn ở khía cạnh tâm lý. Nếu các môn đồ biết rằng Đức Chúa Giê-xu không sống lại từ phần mộ nhưng đã chết một cách nhục nhã, liệu họ có đi khắp thế giới công bố Ngài đã sống lại với thái độ vui mừng mà người ngoài tưởng rằng họ đang bị say, và với sự kiên trì dù chịu cảnh tù đày, đau đớn, và sự chết cũng không thể nào ngăn họ lại? Bạn đừng để mình bị lôi kéo vào một trò lừa bịp!
Ngôi Mộ Trống
Ngôi mộ trống. Ngôi mộ thật sự trống không trong buổi sáng Phục Sinh đầu tiên. Không ai có thể đưa ra một lời lý giải đáng tin cậy, ngoại trừ những lời chứng thống nhất với nhau trong từng dòng chữ của Kinh Thánh Tân Ước lý giải rằng ngôi mộ trống bởi vì Đức Chúa Giê-xu đã chiến thắng sự chết và sống lại.
Dĩ nhiên, người ta đã thử giải thích sự việc này khác đi. Một giáo sư lỗi lạc cho rằng, khi bình minh vừa ló dạng, Ma-ri và những người khác đã đến nhầm ngôi mộ! Chúng ta sẽ hỏi, vậy có phải sau đó bà không tìm lại ngôi mộ của Chúa? Liệu Giô-sép người A-ri-ma-thê không biết vị trí ngôi mộ của chính ông, là nơi ông đã nhường lại cho Đức Chúa Giê-xu? Một giả thuyết thô thiển khác được lập lên vào cuối thế kỷ thứ hai, ít nhất cũng có một chút khôi hài về sự kiện này. Giả thuyết đó cho rằng người làm vườn là người duy nhất đóng vai trong mọi cuộc đối thoại về sự sống lại của Đức Chúa Giê-xu. Ông đã chán ngấy những khách tham quan đi lộp cộp quanh ngôi mộ, giẫm lên những cây con mà ông đã trồng, cho nên ông đã dời xác Chúa và chôn ở một nơi khác! Một sự giải thích duy lý khác về ngôi mộ trống xuất hiện trong chính Kinh Thánh Tân Ước. Những người Do Thái bối rối đã hối lộ những quân lính canh chừng ngôi mộ phải phải giải thích về sự mất tích xác Đức Chúa Giê-xu rằng trong khi họ đang ngủ thì các môn đồ của Ngài đã đến và trộm xác Ngài (Ma-thi-ơ 28:11-15).
Mặc dầu vậy những nỗ lực giải thích khác đi về ngôi mộ trống với giả định cho rằng ai đó trộm xác Chúa đã nhanh chóng thất bại với luận điểm đơn giản của họ. Chỉ có hai nhóm người quan tâm đến điều gì đã xảy ra với xác vị thầy bị tử hình này: những người theo Ngài và kẻ thù của Ngài. Những ghi chép đều cho chúng ta thấy rằng những người theo Ngài không hề biết Ngài sẽ sống lại; họ không hề trông mong điều gì như vậy cả. Ngược lại, họ đau buồn phân rẽ ra như những ban nhạc mà hy vọng của họ bị tan vỡ bởi cái chết của người lãnh đạo. Trong đạo Do Thái không hề có một sự trông mong nào nơi tiên tri hay thầy của họ sẽ quay trở về từ phần mộ, nhưng có một niềm hy vọng nơi sự sống lại vào Ngày Cuối Cùng. Các môn đệ của Chúa đã không trông chờ vào sự sống lại của Ngài. Hơn thế nữa, nếu họ có thể nhẹ nhàng lấy đi xác Chúa (dù có bảo vệ canh gác cẩn thận), họ hầu như chắc chắn không được chuẩn bị để chết cho sự gian trá của họ: cũng như tất cả mọi người trên thế giới trong mọi thế hệ kể từ đó đến bây giờ tin chắc rằng Đức Chúa Giê-xu sống lại.
Nhưng nếu không phải là các môn đệ đã trộm xác Chúa, vậy phe đối lập đã làm gì? Họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc hành hình Chúa. Và giờ đây sự việc đã xảy đến. Điều cuối cùng mà họ có thể làm đó là thêm màu sắc vào mỗi cuộc nói chuyện về sự sống lại bằng cách dời xác Chúa một cách lén lút. Họ đã đưa Ngài đến nơi mà họ muốn. Chúng ta có thể chắc chắn rằng họ đã dành mọi nỗ lực để giữ Ngài ở đó – vì vậy mà có niêm phong và lính gác ở cửa mộ. Việc cho rằng hoặc những người Giu-đa hoặc những người La-mã đã dời xác Chúa là một cách tránh né lố bịch để không phải thừa nhận phục sinh là sự thật. Nếu họ đã trót dại đến như vậy thì họ chỉ cần tạo ra một cái xác của Đức Chúa Giê-xu để nghiền nát phong trào mới mẻ này chỉ bằng một cú đánh khi các môn đệ của Ngài tuyên bố Ngài đã sống lại. Song đây là điều không ai có thể thực hiện được. Họ cố gắng khiến các sứ đồ im lặng, giam vào ngục, tra tấn và giết các sứ đồ. Nhưng các nỗ lực đó đều thất bại bởi vì Đức Chúa Giê-xu đã sống lại với những bằng chứng không thể nào dập tắt.
Bạn có để ý chi tiết chứng thực thú vị trong ký thuật của sứ đồ Giăng về việc Đức Chúa Giê-xu sống lại không? Ông đã viết một cách đơn sơ việc Phi-e-rơ và một môn đồ được Chúa yêu vội chạy đến ngôi mộ để tận mắt chứng kiến sau khi Ma-ri đem tin tức bất ngờ Đức Chúa Giê-xu đã sống lại. Khi đến nơi, họ dừng lại nhìn vào trong, và thấy vải mà trước đó quấn quanh người Chúa được quấn lại với những hương liệu (cách chôn của người Phương Đông), bỏ dưới đất… nhưng không có người ở trong. Họ thấy khăn xếp mà trước đó quấn đầu Chúa “chẳng ở cùng một chỗ với vải, nhưng cuốn lại để riêng ra một nơi khác” (Giăng 20:7). Tại thời điểm này, họ thấy và tin. Tại sao?
Bởi vì điều đó đã quá rõ ràng đối với họ, thân thể của Đức Chúa Giê-xu đã vượt lên khỏi vải liệm, giống như một con bướm chui ra khỏi cái kén: và khăn quấn đầu được để riêng một bên, giống như chiếc nắp đậy của cái kén khi con bướm chui ra. Nhân đây, sự việc này có liên quan đến quan điểm thời hiện đại cho rằng sự phục sinh của Đức Chúa Giê-xu là thật theo một cách nào đó nhưng không phải về mặt vật lý. Đối với tôi điều đó giống như việc có một chiếc bánh và việc ăn nó vậy. Đúng là các Cơ Đốc nhân không bao giờ tin rằng sự phục sinh của Đức Chúa Giê-xu đơn thuần chỉ là hồi phục lại từ thân xác đã chết. Kinh Thánh Tân Ước tuyên bố rằng Ngài sống lại trong một thể chất mới. Giống như loài bướm vậy. Con bướm không chui ra khỏi cái kén mà không có gì thay đổi so với lúc nó bắt đầu ở trong cái kén. Không, nó được biến đổi thành một dạng sống mới. Con sâu bướm không còn bò chậm chạp đầy đau đớn mỗi khi nó muốn đi đâu nữa. Giờ đây nó có thể nhẹ nhàng lướt gió một cách thanh tao đầy tự tin. Nó được giải phóng vào một thực thể khác trong sự sống mới của nó. Nhưng chắc chắn đây là cùng một con côn trùng, mặc dù sự thay đổi xảy ra qua giấc ngủ dài trong cái kén của nó.
Đức Chúa Giê-xu cũng vậy. Ngôi mộ trống không phải là để Đức Chúa Giê-xu được ra ngoài, nhưng là để những người khác thấy rằng Ngài đã thật sự sống lại. Ngôi mộ trống và những tấm vải liệm là những biểu tượng minh chứng cho lẽ thật Đức Chúa Giê-xu, Con người, đã trở thành Đấng Christ, là Chúa phục sinh. Vị tiên tri viết sách Khải Huyền đã ca ngợi rằng: Ngài “cầm chìa khóa của sự chết và Âm phủ” (1:18). Ngài thật đã chết. Nhưng ngôi mộ trống là vì sự chết không thể cầm giữ Ngài. Và theo lời Phi-e-rơ đã giảng trong ngày lễ Ngũ Tuần đầu tiên, đó là sự ứng nghiệm lời tiên tri hàng trăm năm trước:
Bởi chưng vua Đa-vít có nói về Người rằng: “…Vì Chúa sẽ chẳng để linh hồn tôi nơi Âm phủ, và chẳng cho Đấng Thánh của Ngài hư nát đâu. Chúa đã cho tôi biết đường sự sống… Hỡi anh em, ta thật có thể nói cách vững vàng với anh em về tổ Đa-vít rằng người đã chết và chôn rồi, ngày nay mồ mả người còn ở giữa chúng ta. Nhưng, vì người là đấng tiên tri… thì người đã thấy trước và nói trước về sự sống lại của Đấng Christ rằng: Ngài chẳng bị để nơi Âm phủ, và xác thịt Ngài chẳng thấy sự hư nát. Đức Chúa Jêsus nầy, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, và chúng ta thảy đều làm chứng về sự đó.”

HỘI THÁNH ĐƯỢC THÀNH LẬP
Hội Thánh được thành lập. Trong một nghiên cứu thú vị nhưng không kém phần sắc bén, Hiện Tượng Của Giao Ước Mới (The Phenomenon of the New Testament), Giáo sư C. F. D. Moule đã chỉ ra một điều rất đáng chú ý về Cơ Đốc Giáo. Cơ Đốc Giáo hoàn toàn không thêm gì vào Do Thái Giáo, không thêm bất cứ điều gì – ngoại trừ sự xác quyết rằng Chúa Giê-xu đã sống lại từ cõi chết! Dĩ nhiên tất cả những Cơ Đốc Nhân ban đầu đều là những người Do Thái trung thành. Họ đều đến nhà hội để thờ phượng. Họ đọc và tin vào Kinh Thánh Do Thái. Luân thường đạo lý của họ dựa trên Kinh Thánh Cựu Ước. Duy một điều khiến tôn giáo mới này nổ ra. Đó là sự xác quyết chính Đức Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Rỗi từ Đức Chúa Trời mà người Do Thái hằng chờ đợi, được dự ngôn trong Kinh Thánh Cựu Ước, được thể hiện bằng hình bóng qua tất cả những nghi thức tế lễ của người Do Thái. Ngài chính là Đấng sẽ đến; sự phục sinh của Ngài từ cõi chết đã minh chứng cho điều đó (Rô-ma 1:4). Không ai khác làm được như vậy. Đức Chúa Giê-xu là duy nhất. Chắc chắn ít nhất họ đã gọi Ngài là “CHÚA” danh xưng thường chỉ dành cho Đức Chúa Trời toàn năng trong Kinh Thánh Cựu Ước.
Với một tuyên bố đầy kỳ lạ, Hội Thánh ấy đã lan rộng qua toàn bộ Đế Quốc La Mã trong ba trăm năm. Đó là một câu chuyện hoàn toàn lý thú về cách mạng hòa bình mà không đâu trong lịch sử nhân loại có trường hợp tương tự. Nó xảy ra bởi vì Cơ Đốc Nhân có thể nói với những người không tin rằng: “Đức Chúa Giê-xu không chỉ chết vì bạn, nhưng Ngài hiện sống. Bạn có thể gặp Ngài và tự mình khám phá lẽ thật mà chúng tôi đang nói đến.” Đã có những người thật sự khám phá cho chính họ. Và Hội Thánh, được sinh ra từ phần mộ của Ngày Phục Sinh, bắt đầu lan tỏa.
Hội Thánh đó có ba đặc điểm. Bạn sẽ bắt gặp những đặc điểm này ở bất cứ nơi đâu. Những Cơ Đốc Nhân này có một ngày đặc biệt: Chúa Nhật; một nghi lễ kết nạp đặc biệt: phép Báp-têm; và một bữa ăn đặc biệt: Tiệc Thánh. Điều thú vị về những điều đó là đây: mỗi một điều trên đều bắt nguồn từ sự phục sinh của Đức Chúa Giê-xu. Chúa Nhật, được gọi là “Ngày của Chúa” trong Khải Huyền 1:10, có một cái tên đáng chú ý bởi vì đây là ngày đầu tiên của tuần lễ, ngày mà Đức Chúa Giê-xu sống lại từ phần mộ. Từ thời thượng cổ, những người Do Thái đã giữ ngày thứ bảy trong tuần lễ là ngày thánh. Nó gợi nhớ về công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời được hoàn thành. Thật vậy, sự tuân giữ này được quy định trong Mười Điều Răn, và vẫn là một trong số những đặc điểm nổi bậc nhất của quốc gia Do Thái. Tuy nhiên, đối với những người Do Thái biết rằng Đức Chúa Giê-xu đã sống lại, họ có đủ lý do để cho rằng tạo vật mới của Đức Chúa Trời trong sự phục sinh của Đấng Christ thậm chí đáng ghi nhớ hơn và quan trọng hơn công cuộc sáng tạo thế giới của Ngài lần đầu tiên. Đó là một điều rất ý nghĩa để thay đổi ngày nghỉ sau hằng ngàn năm. Thật sự phục sinh của Chúa ít nhất đã khơi nguồn nên điều này.
Tiếp đến là Phép Báp-têm của Cơ Đốc Giáo. Bạn đi xuống một dòng sông, ăn năn tội lỗi của mình và xưng nhận đức tin trong Đức Chúa Giê-xu là Chúa và Đấng Cứu Rỗi. Bạn được nhấn chìm trong nước. Rồi bạn leo lên phía bên kia bờ. Điều đó có nghĩa là gì? Đơn giản là như thế này: bạn là một môn đồ, đã được kết nối với Chúa là Đấng đã đi xuống chỗ tối tăm của dòng sông sự chết và đi lên về phía bên kia. Đây là nghi thức kết nạp mà chúng ta không thể tìm thấy ý nghĩa nếu không có sự phục sinh của Đức Chúa Giê-xu.
Điều tương tự đối với Tiệc Thánh, như tên gọi mà họ đặt cho nghi lễ này. Bữa ăn đơn giản giữa bánh và rượu nho được chia sẻ bởi nhưng Cơ Đốc Nhân để tưởng nhớ về thân thể của Đức Chúa Giê-xu (như chiếc bánh) đã bị tan vỡ vì họ, và huyết của Ngài tuôn ra (như rượu nho) vì họ. Một hình ảnh khá dễ hiểu. Tuy nhiên khi những trước giả Tân Ước nói về bữa ăn này như một cơ hội vui mừng hoan hỉ, chúng ta có thể thấy rằng nó được mô tả hơn cả một bữa ăn để tưởng nhớ một vị anh hùng đã ra đi. Họ tin rằng Chúa là Đấng đã chết và sống lại và là Đấng đang hiện diện giữa vòng họ. Sự chết đã bị chinh phục, và Đấng Chiến Thắng ở cùng họ trong năng quyền phục sinh của Ngài.
Phép Báp-têm, Tiệc Thánh, ngày Chúa Nhật, tất cả đều chỉ về sự phục sinh của Đức Chúa Giê-xu từ phần mộ. Chúng đóng vai trò như một bàn đạp – bàn đạp duy nhất – cho toàn bộ quả tên lửa mang tên Cơ Đốc Giáo được phóng lên trong thế giới cổ xưa.
Chúa hiện ra. Điều hoàn toàn đáng tin cậy. Đối với rất nhiều người. Thánh Phao-lô viết ra danh sách một vài người trong số họ trong I Cô-rinh-tô 15, một bức thư mà ông đã viết trong khoảng hai mươi năm sau khi Chúa sống lại, thời gian mà rất nhiều nhân chứng vẫn còn sống. Điều kỳ lạ đó là ông không đề cập đến việc Đức Chúa Giê-xu hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len, mặc dù tất cả các sách Phúc Âm đều nói rõ rằng bà là người đầu tiên chứng kiến sự phục sinh của Đức Chúa Giê-su. Có lẽ lý do là vì phụ nữ không được xem là một nhân chứng thích hợp cả đối với luật pháp người Do Thái lẫn dân ngoại. Nhân đây, nếu Cơ Đốc Nhân bịa ra câu chuyện ngôi mộ trống, liệu họ có ngu muội đến mức quy sự phát hiện ngôi mộ trống và nhìn thấy Đức Chúa Giê-xu lần đầu tiên cho một người nữ, là người mà lời chứng không có giá trị pháp lý? Riêng sự việc này đã nói lên rất nhiều điều cho tính chân thật của câu chuyện phục sinh. Mặc dù có rất nhiều người nam sau này đã nhìn thấy Chúa, nhưng người đầu tiên Ngài hiện ra lại là một người phụ nữ bị xem thường. Theo một cách nào đó, đây là một nét đặc trưng của Ngài.
Hãy xem qua danh sách mà Phao-lô liệt kê cho chúng ta trong I Cô-rinh-tô 15. Phao-lô nói với các tín hữu thành Cô-rinh-tô: “trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh” – nhân đây việc sử dụng từ “dạy dỗ” và “nhận lãnh” theo nghĩa đen có nghĩa là truyền lại đúng những sự việc được được ủy quyền. Ông đã dạy lại điều gì? “Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh thánh; và Ngài đã hiện ra…” Cho ai? Đầu tiên trong danh sách ông đề cập đến Phi-e-rơ, người đã chối Chúa. Rồi đến mười hai sứ đồ, có thể đoán được ngoại trừ Giu-đa (đã chết) và Thô-ma (vắng mặt). Sau đó trong một lần Ngài hiện ra cho hơn năm trăm Cơ Đốc Nhân, có lẽ tại xứ Ga-li-lê là nơi đa số những người theo Ngài sinh sống. “Phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống,” Phao-lô nói thêm, như thể muốn nói rằng: bạn có thể đi và hỏi về sự phục sinh với những người ấy nếu bạn muốn. Đức Chúa Giê-xu hiện ra với Gia-cơ là em Ngài. Chúa hiện ra cho tất cả những sứ đồ, có lẽ lần này có cả Thô-ma. Ngài cũng hiện ra cho Phao-lô. Vậy cả thảy bao gồm: những người nữ, những người đánh cá, một người anh em đa nghi, một kẻ thù người Pha-ri-si cuồng tín, và năm trăm người bình thường khác.

Cuộc Sống Họ Được Thay Đổi
Bất kỳ thuyết ảo giác nào có thể che đậy những sự hiện ra ấy không? Ảo giác có xu hướng xuất hiện ở một số loại người – nhưng không có loại nào được liệt kê ở đây. Ảo giác có xu hướng gắn liền với mong ước hoàn thành – không một điều nào như vậy xảy ra ở đây. Ảo giác có xu hướng tái diễn. Sự hiện ra của Chúa kết thúc sau bốn mươi ngày và không xuất hiện trở lại. Ảo giác thuộc về thế giới bệnh tật – và thật khó để giữ vững lập trường cho rằng những giáo sĩ đầu tiên có bệnh tật gì khi họ giảng về sự khỏe mạnh trọn vẹn và sự cứu rỗi mà Đấng Mê-si phục sinh đã ban cho họ. Không, sự hiện ra của Đấng Christ không có điểm tương đồng nào với lịch sử tôn giáo của nhân loại. Bạn không thể tìm thấy một người nào khác, với sự đa dạng to lớn của con người lại càng không. Và cũng chẳng có ý nghĩa khi cho rằng đó chỉ là những sự hiện thấy chủ quan. Ít nhất một trong số những sứ đồ, Phao-lô, là người quen với những sự hiện thấy, ông rất tự hào về điều đó, và rất chắc chắn rằng sự hiện ra của Đấng Sống không phải là một sự hiện thấy (I Cô-rinh-tô 9:1; II Cô-rinh-tô 12:1). Nhưng đó là thật.
Cuộc sống họ được thay đổi… Đây luôn luôn là minh chứng mạnh mẽ nhất cho lẽ thật về sự phục sinh. Những ai tuyên bố có mối liên hệ với Đấng Christ phục sinh đều được biến đổi cuộc sống. Hãy nghĩ về danh sách mà chúng ta vừa nói đến. Phi-e-rơ được từng là một người hèn nhát, người đã chối và từ bỏ thầy của mình khi khủng hoảng kéo đến, ông được biến đổi trở nên một con người cứng rắn, ảnh hưởng của ông không bị lung lay bởi đe dọa, tù đày, hoặc án tử hình. Hãy nghĩ về mười hai sứ đồ, họ đều được biến đổi từ những con người thất bại thành một lực lượng thực hiện nhiệm vụ bởi sự phục sinh: họ là một số ít những câu chuyện “ăn năn trở về” vĩ đại nhất thế giới. Năm trăm người được biến đổi từ một đám đông nhốn nháo thành một Hội Thánh. Tất cả những sứ đồ, trong đó có Thô-ma, đi từ không tin đến đức tin nóng cháy. Gia-cơ, em Chúa Giê-su, bất ngờ được biến đổi trở nên một Cơ Đốc Nhân, và hơn thế nữa, là người lãnh đạo Hội Thánh Giê-ru-sa-lem, một bước ngoặt vĩ đại. Điều gì lý giải cho điều đó? Đơn giản: “Ngài hiện ra cho Gia-cơ.” Và có lẽ đáng kinh ngạc nhất đó là sự thay đổi của Sau-lơ thành Tạt-sơ, một người bắt bớ cố chấp và hung dữ, trở nên môn đồ tuyệt vời nhất mà Đức Chúa Giê-xu từng có. Lý do là gì? Phao-lô tự bạch: “Rốt lại, sau những người ấy, Ngài cũng hiện ra cho tôi.”
… và nhiều cuộc đời vẫn tiếp tục được thay đổi. Nhưng câu chuyện ở thế kỷ đầu tiên đó chỉ là một nửa câu chuyện, mặc dù nó rất đáng chú ý. Mọi việc không diễn ra cùng một cách sau những ngày ấy, bởi vì không ai khác tận mắt nhìn thấy Chúa Sống. Tôi tưởng tượng rằng Đức Chúa Giê-xu bày tỏ chính Ngài một cách công khai cho các môn đồ, cho họ cảm nhận những dấu đinh nơi tay và chân, thậm chí ăn bữa cùng họ, để chứng tỏ với họ rằng Ngài vẫn là Đức Chúa Giê-xu mà họ quen biết. Song Ngài đi xuyên qua cánh cửa, biến mất khi họ vẫn còn đang nói chuyện với Ngài, và cuối cùng rời khỏi họ lần cuối trên Núi Ô-li-ve để thuyết phục họ rằng Ngài không phục sinh chỉ để sống thêm một quãng đời nữa, nhưng là một đời sống mới. Từ đó trở đi, Ngài không hiện ra cho họ thấy nữa. Nhưng bởi Đức Thánh Linh, Ngài không còn bị hạn chế trong thân thể vật lý hữu hạn nhưng sẽ ngự trong chính đời sống của dân sự Ngài, không phải chỉ ở bên họ như lúc Ngài còn sống trên thế giới này. Và đó là điều mà Ngài đã và đang làm kể từ đó. Vậy mặc dù chúng ta không thể nói như những nhân chứng đầu tiên: “Tôi đã thấy Chúa,” nhưng mỗi một Cơ Đốc Nhân thật có thể nói rằng: “Tôi biết Ngài. Ngài đã bước vào đời sống tôi. Ngài đã biến đổi cuộc đời tôi nhiều đến nỗi tôi không thể tin tôi đang lừa dối chính mình.” Theo nghĩa này, mỗi một Cơ Đốc Nhân là một nhân chứng cho sự phục sinh.
Đối với tôi, đây là minh chứng ấn tượng nhất về lẽ thật Đức Chúa Giê-xu là Đấng Sống. Tôi đã quan sát đời sống của những Cơ Đốc Nhân trong gần một năm, và khám phá họ trở nên khác biệt – khác biệt với chính tôi, và khác biệt với họ ngày trước. Một ngày nọ khi tôi đang thảo luận với một số nghiên cứu sinh cao học, bạn có thể tưởng tượng rất nhiều sự chống đối dành cho Cơ Đốc Giáo nổ ra. Và rồi một người theo thuyết bất khả tri nói đơn giản thế này: “Tôi biết chắc hẳn phải có một điều gì đó bởi vì sự khác biệt xảy ra trong người bạn của tôi.”
Công việc biến đổi đời sống của Đấng Sống Giê-xu vẫn tiếp diễn ngày hôm nay, và đó là lời chứng đầy năng quyền cho lẽ thật Ngài thật sống lại và đang sống. Tôi đã trở thành một Cơ Đốc Nhân đủ lâu để chắc chắn rằng tôi không lừa dối chính mình. Tôi đã chứng kiến sự biến đổi của Đấng Christ đụng chạm một cách rõ ràng đến những con người cần được yêu thương, như những tù nhân lâu năm, những người đam mê cờ bạc và những người nghiện rượu, những người nghiện ma túy và những gái điếm. Tôi bị lay động bởi cách Ngài thay đổi thái độ và tính cách trong những con người bình thường khác. Tôi nhớ về một vận động viên tài giỏi mà tôi quen biết trong sáu tháng. Anh cũng có một sự nghiệp chính trị chói lọi trước mắt. Anh có tham vọng mãnh liệt. Nhưng giờ đây anh khá chắc chắn rằng những trận đấu của mình được sử dụng như là tài năng từ Đức Chúa Trời, và sự nghiệp chính trị của anh nằm trong tay Đấng Chủ Tể và được dùng cho sự vinh hiển của Ngài, không phải để thỏa mãn tham vọng cá nhân anh. Điều đáng chú ý đó là sự bình an, sự nhẹ nhàng đến với anh khi anh cho phép Đấng Sống cai quản đời sống mình. Những người bạn của anh cũng thấy điều này.
Hoặc tôi nhớ đến một sinh viên Đại Học Oxford mà tôi quen cũng trong thời gian đó. Tôi gặp cô ấy lần đầu trong nhà thờ, khi cô ấy phải đấu tranh với Đấng Christ mà trước đó cô tin là có thật. Đó là một cuộc chiến dai dẳng và đầy nước mắt. Cuối cùng cô đã bị khuất phục. Giờ đây cô không chỉ là một con người rất khác, hòa nhã hơn, cởi mở hơn, suy nghĩ thấu đáo về người khác hơn, nhưng cô sẽ từ bỏ hai tuần nghỉ phép của mình để tham gia vào một sứ mệnh chia sẻ với những người khác điều mà cô đã khám phá được.

Chương 10

BẢN CHẤT CON NGƯỜI KHÔNG THỂ THAY ĐỔI

Rốt cuộc thì bản chất con người không thể nào thay đổi. Đó là lý do vì sao những năm đầu tiên của những cột mốc thời gian đời người thật quan trọng. Sự ảnh hưởng của gia đình và nhà trường, những năm đầu đại học hoặc trong sở làm thường có khuynh hướng hình thành nên tính cách chính của chúng ta. Chúng sẽ thay đổi đến một chừng mực nào đó khi có những cơ hội mới, áp lực mới, trách nhiệm (hoặc ít trách nhiệm), và tuổi tác. Nhưng một khi định hướng cuộc sống và tính cách của con người được hình thành, bạn sẽ không thấy tính cách và thái độ của họ thay đổi nhanh chóng một cách thường xuyên. Những năm tháng cưới nhau đủ để khiến các cặp đôi dễ dàng đoán được chính xác một cách đau đớn phản ứng, hoặc thậm chí lời nói của người kia trong một trường hợp nào đó. Hoặc hãy nghĩ về một tù nhân mãn hạn để rồi quay trở lại đó lần nữa với cùng một tội danh. Trong sáng nay, tôi đã nghe qua Radio câu chuyện về một người bị kết tội vì bán những sản phẩm được cho là do những người mù sản xuất nhằm đem lại lợi ích cho hắn. Hắn đã được thả ra khỏi tù, và hiện là giám đốc của một công ty chuyên bán sản phẩm được những tù nhân lớn tuổi sản xuất nhằm đem lợi ích cho công ty! Cái nết đánh chết không chừa. Tre non dễ uốn, hay chó con có thể dạy theo cách mà bạn muốn. Nhưng nếu cố uốn cong một cây tre già; huấn luyện một con chó năm tuổi, bạn sẽ sớm thất vọng thôi.
Solzhenitsyn, nhà văn, nhà viết kịch của Liên Bang Nga đã đưa ra vấn đề với bút pháp quen thuộc của mình: “Bản chất con người thay đổi không nhanh hơn bộ mặt địa lý của trái đất.” Thật vậy, sự mỉa mai và bi kịch của cuộc sống hiện đại là đây: Chúng ta đã thống trị được môi trường sống, nhưng không thể tạo ra sức mạnh tương đương để thống trị chính mình. Chúng ta có thể thay đổi môi trường nhưng không thể thay đổi con người. Dĩ nhiên là dù đã cố gắng hết sức.
Đâu là giải pháp khả thi?
Tự do chính trị và xã hội là phương pháp rất được ưa chuộng. Hãy vứt bỏ chế độ thuộc địa rồi tất cả sẽ ổn thôi. Chắc chắn không có tranh cãi gì về kết quả đã đạt được như mong đợi. Trong thời điểm này, chính sự tự do của Ấn Độ đang bị cắt xén thậm chí nhiều hơn khi họ sống dưới triều đại của Hoàng Gia. Ni-giê-ri-a dường như là một quốc gia lý tưởng cho việc chuyển tiếp từ chế độ thuộc địa sang tự do trong hòa bình – nhưng sau đó phải hứng chịu cuộc nội chiến tàn khốc về vấn đề chủng tộc và tài chánh. Họ không thể thoát khỏi chế độ thiết quân luật để chuyển sang nền dân chủ, và sau đó truất quyền người đứng đầu nhà nước, trong khi tham nhũng tiếp tục leo thang không kiểm soát. Bạn có cảm thấy: “Chúng ta không làm những điều đó ở Phương Tây không?” Không? Nhưng hãy nghĩ về những lời hứa của các đảng phái chính trị khi họ vận động tranh cử, và nhìn lại những lời hứa đó cũ nát tả tơi như thế nào chỉ trong một năm sau đó.
Tự do chính trị không thay đổi được bản chất con người, kể cả tính dễ dãi đối với tự do của xã hội cũng vậy. Bertrand Russel, một trong số những người tán thành nhất sự dễ dãi trong thế hệ của ông, đã phát biểu với niềm xúc cảm về những đứa con của mình trong cuối đời: “Để những đứa con ra đi tự do là thiết lập một vương quyền khiếp sợ.” Và đó chính là điều đang xảy ra ở rất nhiều trường học ngày nay.
Nhân lên những ví dụ này chỉ càng làm ta thêm mệt nhọc. Về vấn đề suy đồi đạo đức, những giải pháp của các bậc phụ huynh bao gồm giáo dục, hệ thống phúc lợi xã hội, và các phương thuốc tâm lý. Không một phương pháp nào nêu trên có thể giúp gì nhiều hơn ngoài một tác động rất nhỏ nhoi vào vấn đề cơ bản đó là thay đổi bản chất con người. Giáo dục thì mỗi ngày một mất định hướng, ngành tham vấn cũng vậy. Đến nỗi phương pháp này cho phép người ta tìm giải pháp từ trong chính họ; nhưng sẽ không hữu ích khi người đó thấy chính họ là ngục tù của mình. Không hơn gì giáo dục, liệu pháp tâm lý cũng không thể truyền thêm bất cứ nguyên tố mới nào vào bản chất con người. Song con người vẫn đói khát sự thay đổi. Trong một năm, nhiều triệu bảng Anh được chi trả cho thuốc ngừa thai, thuốc ngủ, và những loại thuốc như vậy để giải tỏa căng thẳng, trầm cảm, và mất ngủ. Hàng trăm ngàn người chết mỗi năm vì tác hại của hai loại thuốc giảm đau phổ biến nhất là rượu và thuốc lá.
Phúc lợi xã hội không thể nhổ tận gốc những vấn đề của con người. Thật ra, theo một cách nào đó nó càng kích thích cho vấn đề thêm mưng mủ. Tôi biết những người thất nghiệp không chịu làm việc trở lại bởi vì được nhận nhiều tiền hơn từ quỹ thất nghiệp và an sinh xã hội. Tôi biết có những sinh viên xem việc nhận phúc lợi xã hội là quyền lợi mà họ hiển nhiên có, để rồi phung phí thì giờ ở trường đại học, thay vì sống có trách nhiệm đối với số tiền ấy như là một quyền lợi mà những người khác phải đóng vào mới có được. Và sẽ không đủ lời để liệt kê hết những trường hợp gian lận, tham nhũng, mánh lới, và bạo hành dưới chế độ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Những điều này thuyết phục hầu hết chúng ta rằng dù có bao nhiêu lợi ích thu được từ phúc lợi của chủ nghĩa xã hội, thì nó cũng không thể làm được một điều: thay đổi bản chất con người.
Trên thực tế vấn đề này thật khó chữa. Hãy nhìn vào tầng lớp lao động bất hạnh trên thế giới vì những chính sách hám lợi đối địch với tầng lớp lao động và thiếu thõa mãn trong công việc. Hãy nhìn vào rất nhiều gia đình bất hạnh, bởi vì những thanh gươm ích kỷ. Hãy nhìn vào những mối quan hệ căng thẳng giữa những quốc gia, vì chính sách thù địch căm ghét và đe dọa. Hãy nhìn vào hiện trạng môi trường khi con người không ngừng theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn mà chẳng mảy may quan tâm đến thế hệ tương lai. Dù bạn nhìn đi đâu cũng sẽ thấy cảnh tàn phá do “bệnh dịch của con người”. Chúng ta đều bị nó đầu độc. Chúng ta không bị bắt ép phải học để làm điều sai, dẫu rằng chúng ta đã phải học, một cách chậm chạp và đầy đau đớn, để làm điều đúng. Trộm cắp và dối trá, hò hét đòi lối riêng của mình, thù ghét và dục vọng, tham lam và ích kỷ, những điều đó không phải là sản phẩm mà chúng ta thu nạp vào. Nhưng chúng mọc lên ở đây, trong bạn và tôi. Và chúng mọc lên như cỏ dại trong vườn, sinh sôi một cách ngoan cố: không cần trồng, không cần nước, không cần chăm sóc – trong khi các cây hoa thì lại cần phải được nâng niu và chăm sóc bằng sự chăm lo yêu thương một cách nhẹ nhàng nếu muốn chúng sống sót, chưa kể đến việc muốn chúng ra hoa.
Bệnh dịch của con người giống như đám cỏ dại phiền phức trong vườn. Bạn càng nhổ chúng, dường như chúng lại càng mọc thêm nhiều. Nếu một phần nhỏ rễ cây còn sót lại trong đất, chúng sẽ nhanh chóng sản sinh ra một loại cỏ dại tươi tốt. Dường như không gì có thể xóa sạch chúng được. Bệnh dịch con người cũng vậy. Dường như không gì có thể xóa sạch chúng được, và vì thế chúng ta từ bỏ cố gắng và nói rằng: “Bản chất con người không thể thay đổi.”

Những giải pháp?

Dĩ nhiên, vẫn có một giải pháp nào đó khả dĩ. Phẫu thuật não chẳng hạn, nó thay đổi tính cách của bệnh nhân mà người đó không thể nhận ra được. Tẩy não có công hiệu đến mức người bị tẩy não có thể được huấn luyện để suy nghĩ giống như người huấn luyện. Và có lẽ tai họa cũng là một phương cách. Có những trường hợp khi một người thân trong gia đình qua đời, hoặc khi một cuộc tình tan vỡ đã thay đổi một cách rõ rệt tính cách và cách nhìn nhận cuộc sống của một con người. Tuy nhiên một cách tự nhiên, tai họa, tẩy não và phẫu thuật não, chúng ta đều xếp cả ba điều trên vào hạng những điều xấu. Việc chữa trị còn kinh khủng hơn cả căn bệnh. Nếu bản chất con người chỉ có thể được thay đổi bởi những cuộc phẫu thuật não với những con dao mổ, thuật tẩy não với những công cụ tra tấn tiên tiến, và những tai biến cá nhân, thì đó thật là một điều hãi hùng. Vì tất cả những mục đích thực tế, một lần nữa chúng ta có thể nói rằng: “Bản chất con người không thể thay đổi.”
Kết luận trên chẳng có gì mới lạ. Các nhà tư tưởng và nhà thơ trải các thời đại đều đã nhận ra điều đó. Herodotus, cha đẻ của ngành lịch sử, đã bình luận về vấn đề này. Plato, triết gia vĩ đại nhất từ trước đến nay, đã khám phá sự thật nan giải trên khi cố gắng giáo dục cho bạo chúa thành Syracuse. Dù sử dụng tất cả lý thuyết về giáo dục và những kỹ năng vượt trội, Plato đã thất bại thảm hại và chính nỗi đau thất bại ấy, ông đã bị ông hoàng trẻ khó ưa kia tống khứ. Ovid, một nhà văn, bị Hoàng đế Augustus trục xuất vì tư tưởng dâm dục, pha lẫn chủ nghĩa hiện thực và óc khôi hài khi viết: “Tôi thấy một con đường tốt hơn, và tôi ưng con đường ấy: song tôi chọn con đường tồi tệ nhất.” Những lời ấy được thánh Phao-lô, một người cùng thời với Ovid lặp lại. Phao-lô đã nói về tình trạng đáng thương của con người mà ông đang sống trong đó. “Tôi không hiểu gì về chính mình, bởi tôi rất muốn làm điều đúng, nhưng tôi không thể. Tôi làm điều mình không muốn, điều tôi ghét phải làm. Tôi… biết tôi hoàn toàn tồi tệ bởi bản chất tội lỗi khi xưa của tôi. Dù tôi xoay về hướng nào, tôi đều không thể khiến mình làm điều đúng. Tôi muốn nhưng tôi lại không thể. Tôi muốn làm điều tốt, nhưng khi tôi cố gắng không làm điều sai, tôi lại phạm phải nó…”
Phải chăng vị Rabbi trong thế kỷ đầu tiên này nói về chính bạn? Phải chăng đó cũng là điều bạn đang gặp phải? Đó là điều mà tôi gặp phải. Nếu phân tích của Phao-lô về bệnh dịch con người có sức thuyết phục đến thế, vậy thì không đáng để chúng ta lắng nghe tuyên bố trọng yếu của ông hay sao? Tuyên bố của ông đơn giản như vầy: có một giải pháp. Rằng ông đã tìm thấy, áp dụng và khám phá ra rằng giải pháp thật khiến thay đổi bản chất con người, nhưng theo một phương cách khác xa với những tác động hãi hùng của phẫu thuật não, tẩy não, hay những tai biến mà chúng ta đã nói đến. Như bạn có thể kỳ vọng từ người trước kia là đối thủ đáng gờm của Con Người thành Na-xa-rét mà sau này trở thành vị sứ đồ và là người giảng đạo lỗi lạc nhất của Ngài, giải pháp này hoàn toàn xoay quanh nhân vật Giê-su. Đến đây, tôi xin phép tóm tắt lại nhanh.
Giải pháp hữu hiệu?
Chúng ta đã đi qua câu hỏi có Đức Chúa Trời hay không, và câu trả lời thuyết phục đó chính là Đức Chúa Giê-su Christ. Ngài là hiện thân của Đức Chúa Trời không thấy được theo một cách mà chúng ta là con người có thể hiểu được. Ngài ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta có thể tiếp nhận được về Đức Chúa Trời. Ngài không chỉ là một người thánh thiện, Ngài chính là Đức Chúa Trời, đã kết nối bản chất của Ngài vào chúng ta, và có thể nói rằng Ngài đã vào tận trong bản chất trong mỗi con người để làm điều đó. Mọi tôn giáo đều hướng về một điều nào đó tốt hơn chính chúng ta. Tất cả đều cố gắng đi tìm chân lý. Tất cả đều sỡ hữu một vài nhân tố của sự sáng được lấy từ hình thái trọn vẹn và cuối cùng từ Sự sáng của thế gian, chính là Đức Chúa Giê-su Christ. Vậy, chính Đức Chúa Trời thỏa đáp một trong số những nhu cầu cơ bản của chúng ta, đó là biết về chính Ngài. Ngài đã đến để bày tỏ chính Ngài cho chúng ta.
Chúng ta còn có một nhu cầu cơ bản khác, đó là được xứng hợp với Đức Chúa Trời, Đấng đã bày tỏ bản chất yêu thương, tốt lành và ghét điều dữ qua Đức Chúa Giê-su. Nếu Đức Chúa Trời có bản chất như Đức Chúa Giê-su, thì xin nói thật rằng tôi không có bản chất giống như Ngài. Đó chính là vấn đề. Chúng ta đã xem xét vấn đề này trong chương 7. Không nhờ việc lành nào, không nhờ trả giá hay một hành động tôn giáo nào có thể bắt nhịp cầu cho hố sâu quá lớn giữa sự tốt lành của Đức Chúa Trời và điều xấu xa của tôi. Vấn đề nan giải này dẫn Đấng Christ đến thập tự giá. Ngài bị đưa đi một cách không thương xót đến nơi Ngài đã phó mạng cho chúng ta, nơi Ngài nhận lấy trách nhiệm cho mọi hành động xấu xa của con người trước mặt Đức Chúa Trời. Sự rộng lượng của Đức Chúa Trời đó là Đức Chúa Giê-su không chỉ đến để bày tỏ cho chúng ta biết Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã chết một cái chết đầy đau đớn để khiến chúng ta được xứng đáng và cho phép những ai được chuẩn bị để nói rằng: “Lạy Chúa xin thương xót tôi, một kẻ tội nhân” sẽ được hưởng mối liên hệ mật thiết với Ngài ngay trên đất này, và cũng trong đời sau (đây là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của sự phục sinh mà chúng ta đã xem xét trong chương 9).
Phao-lô đã viết tất cả những điều trên trong bức thư của ông được lưu giữ trong Kinh Thánh Tân Ước. Bởi đó mà ông vui mừng xúc động. Ông hoàn toàn được nâng lên trong sự kính yêu và hầu việc Đức Chúa Trời là Đấng đã mở đường cho ông. Nhưng còn một khía cạnh khác trong sự giải cứu trọn vẹn mà Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta, là điều khiến Phao-lô xúc động hơn bất kỳ điều nào khác. Đó chính là Đức Chúa Trời đã sắm sửa một cách để thay đổi bản chất con người.
Thánh Linh của Đức Chúa Giê-su.
Đức Chúa Trời không chỉ sẵn lòng bày tỏ chính Ngài và chết thế cho chúng ta. Nhưng Ngài cũng đến và sống trong chúng ta. Nếu điều này có vẻ ngớ ngẩn, xin hãy kiên nhẫn lắng nghe. Đôi khi trong cuộc sống chúng ta nói rằng: “Stalin có linh hồn của Hitler,” hoặc “Jimmy là một Don Juan chính hiệu.” Chúng ta muốn nói rằng những phẩm chất của Hitler hoặc Don Juan được sao chép lại trong Stalin hoặc Jimmy. Vâng, đó chính là ý nghĩa khi một Cơ Đốc Nhân nói rằng Thánh Linh của Đấng Christ sống trong người ấy. Có nghĩa rằng những đặc tính được tìm thấy trong Đấng Christ bắt đầu xuất hiện trong đời sống của những người theo Ngài. Phao-lô đã viết như sau: “Khi Đức Thánh Linh kiểm soát đời sống của chúng ta, Ngài sẽ sản sinh những bông trái trong chúng ta: yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ” (Ga-la-ti 5:22).
Nhưng Cơ Đốc Nhân muốn bày tỏ nhiều hơn thế. Chúng tôi muốn nói rằng Đức Chúa Giê-su Đấng đã chết và sống lại không phải đi vào lãng quên. Ngài là Đấng hiện hữu và đang hành động. Khi Ngài còn tại thế ở xứ Palestine, Ngài bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Nếu Ngài đang nói chuyện với tôi ở đây, thì Ngài không thể cùng một lúc gặp bạn ở chỗ khác được. Đó là những giới hạn của thân thể con người. Nhưng không lâu trước khi Ngài chịu chết, Đức Chúa Giê-su đã phán cùng các môn đồ rằng Ngài ra đi là để ích lợi cho họ; nếu Ngài không đi, Đức Thánh Linh sẽ không đến trên họ. Nhưng nếu Ngài đi, Ngài sẽ sai Đức Thánh Linh từ nơi Ngài đến khiến sự hiện diện của Ngài trở nên thực hữu đối với họ. Và đó chính là những gì họ đã trải nghiệm.
Tất cả điều đó bắt đầu vào ngày Lễ Ngũ Tuần, chỉ cách năm mươi ngày sau khi Đức Chúa Giê-su Christ chịu đóng đinh vào ngày Lễ Vượt Qua. Trước đó, rất nhiều trong số họ đã vô cùng sửng sốt khi nhìn thấy Đức Chúa Giê-su Christ phục sinh. Đấng Phục Sinh phán cùng họ rằng sự hiện ra của Ngài chỉ là tạm thời, và món quà vĩnh viễn đó là Đức Thánh Linh sẽ đến và ngự trong họ một cách cá nhân. Họ không hiểu những gì Ngài nói, mặc dù Kinh Thánh Cựu Ước đã nói về việc Đức Chúa Trời đặt Đức Thánh Linh trong lòng những ai theo Ngài để khiến họ biết và bước đi theo Ngài.
Nhưng sau trải nghiệm trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, họ đã biết một cách chắc chắn. Những trải nghiệm sống động với Đức Thánh Linh không chỉ ảnh hưởng đến họ từ bên ngoài, nhưng còn phát triển những bông trái tốt lành từ bản chất của Ngài trong mảnh đất đời sống cằn cỗi của họ. Thật vậy, họ như được sinh ra trong một chiều kích mới của sự sống, giống như bào thai phải gắng sức trong ngày chúng ra đời và hít hơi thở đầu tiên, hoặc giống như một người nữ trong ngày lấy chồng, hoặc như một ấu trùng trong ngày chúng biến thành một con chuồn chuồn. Thế giới tự nhiên thật đã chuẩn bị cho chúng ta lẽ thật về bản chất con người có thể được thay đổi nhờ năng quyền đổi mới của Đức Thánh Linh một khi chúng ta tiếp nhận Ngài vào đời sống mình. Nhận thức điều này khiến Cơ Đốc Nhân có lý do để vui mừng. Sau tiếng kêu thất bại đau lòng của Phao-lô về con người đơn độc mà chúng ta đã nói đến ở trên, giờ đây Cơ Đốc Nhân Phao-lô có thể tuyên bố cách đắc thắng: “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào chờ đợi những ai thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ. Vì năng quyền của Thánh Linh ban sự sống – và năng quyền này thuộc về tôi nhờ Đức Chúa Jêsus Christ – đã giải phóng tôi khỏi vòng lẩn quẩn xấu xa của tội lỗi và sự chết… Vậy giờ đây chúng ta có thể vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời nếu chúng ta được Đức Thánh Linh dắt dẫn và không còn vâng theo bản chất tội lỗi khi xưa ở trong chúng ta nữa” (Rô-ma 8:1).
Trong phần còn lại của chương này, tôi xin đi qua mười trường hợp thực tế, được rút ra từ trong Kinh Thánh Tân Ước hoặc những trải nghiệm trong hiện tại những việc Đức Thánh Linh có thể làm cho một người khi người ấy vâng theo Ngài.

Thay đổi thái độ

Đầu tiên, Đức Thánh Linh có thể thay đổi thái độ bên trong bạn. Tôi không thể chống lại những thành kiến vững chắc của mình. Nhưng Thánh Linh của Đấng đã dựng nên tôi và đã chết để hòa thuận tôi với Ngài thì có thể làm được. Tôi còn nhớ một giáo sĩ tốt bụng, Giám mục Don Jacobs, đã kể về một giấc mơ của ông không lâu sau khi bắt đầu làm việc giữa cộng đồng người châu Phi da đen trong khi ông là một người da trắng. Ông vẫn còn giữ một chút gì đó ảo tưởng về suy nghĩ người da trắng thì cao trọng hơn người da đen, và chẳng có gì trái tự nhiên, mục vụ của do đó ông bị ngăn trở. Trong giấc mơ, ông thấy mình đứng trước một dòng sông trong một ngày nóng bức, nơi mà những người địa phương đang tắm rửa. “Don, hãy đi tắm đi,” Đức Thánh Linh dường như nói với chính ông. Bản năng của ông đáp lại: “Không phải ở dưới đó với những người ấy, thưa Chúa. Con sẽ tắm ở phía thượng nguồn trên kia.” Và rồi trong giấc mơ ông thấy dòng sông này bắt nguồn từ thập giá tại Gô-gô-tha. Không có chỗ dành cho sự kiêu ngạo. Vậy ông vui vẻ ngâm mình trong dòng sông ấy, xuôi dòng cùng những anh em Phi Châu, và trong ngày hôm ấy Đức Thánh Linh phá vỡ tính kiêu ngạo bẩm sinh của ông. Từ đó về sau trong chức vụ yêu thương giữa cộng đồng người Phi Châu, không mảy may có một biểu hiện của sự kiêu ngạo nào trong cách cư xử của ông đối với họ. Ông trở nên một con người mới: chính thái độ của ông đã được thay đổi.
Lối sống được biến đổi.
Điều thứ hai, Thánh Linh của Đức Chúa Giê-xu có thể thay đổi toàn bộ lối sống của bạn. Có thể lối sống cũ được hoặc không được xã hội chấp nhận; nhưng nó cần được sửa đổi. Tôi nghĩ về hai người rất đáng kính, một là người mẹ của bốn đứa con và người còn lại là quan chức thành phố cấp cao. Tính gắt gỏng với các con, tính mất kiên nhẫn với những việc thường nhật, và tật ngồi lê đôi mách của ngươi mẹ đã được thay đổi triệt để: người ta tự hỏi điều gì đã xảy ra cho cô ấy. Thái độ của vị quan chức thành phố đối với cấp dưới được thay đổi: ngày trước hống hách, giờ đây rộng lượng; ngày trước yêu tiền bạc, và giờ đây coi sỡ hữu của mình là một sự ủy thác để sử dụng cho Chúa.
Nhưng tôi cũng nhớ về một người không thật đáng được coi trọng – một người đẩy xe trong bệnh viện đã tin nhận Chúa cũng cùng thời với hai người kia. Khi xưa ông đã phạm rất nhiều tội lỗi mà không ai biết. Vậy Đức Thánh Linh đã bắt ông làm điều gì? Đó là điều mà có thể ông không bao giờ mơ mình sẽ thực hiện: đi và trình báo các tội của mình với cảnh sát. Ông đến đồn cảnh sát nhận tội – và những người cảnh sát rất đỗi ngạc nhiên! Thánh Linh của Đấng Christ đã thay đổi lối sống của cả hai hạng người: những người “đáng kính” và những người “không thể chấp nhận được”.
Điều thú vị về sự biến đổi này đó là nó diễn ra hoàn toàn giống nhau dù là nam hay nữ. Thánh Linh của Đấng Phục sinh bắt đầu thay đổi cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn, và dần dần khiến họ trở nên giống Đấng Christ hơn. Điều đó đã xảy ra trong những ngày đầu của Hội Thánh. Hãy nhớ câu chuyện các môn đệ của Đức Chúa Giê-su muốn đốt cháy cả một ngôi làng của người Sa-ma-ri chỉ vì thái độ lạnh nhạt của họ trong những ngày cuối cùng chức vụ của Đức Chúa Giê-su. Một vài năm sau, khi họ đã được nhận lãnh Đức Thánh Linh vào đời sống, họ loan truyền phúc âm tình yêu thương và tha thứ cho chính những người Sa-ma-ri đó. Trong số những tín hữu đầu tiên thì các tín hữu tại thành Tê-sa-lô-ni-ca, những người bỏ thần tượng để thờ Đức Chúa Trời chân thật, đã bày tỏ sự biến đổi trong nếp sống: Phao-lô khen ngợi họ về sự lớn lên trong đức tin và tình yêu thương, thánh khiết thế chỗ cho dục vọng, khiêm nhường thế chỗ cho tính ngạo mạn cố hữu của người Ma-xê-đoan, và sự nhịn nhục của họ trong hoạn nạn và bắt bớ.
Năm ngoái tôi gặp một người theo chủ nghĩa duy linh giống như những người Tê-sa-lô-ni-ca. Ông là tù trưởng của bộ tộc Naga sống tại vùng núi ở Ấn Độ. Gần đây, rất nhiều người tại đó đã tin Chúa. Trước kia mục đích của ông đó là lấy được cái đầu của kẻ thù. Giờ đây mục đích của ông là trình bày cho chính kẻ thù của mình tình yêu thương của Đức Thánh Linh là Đấng đã thay đổi tâm tính của ông.

Phá vỡ những thói quen.
Thứ ba, Thánh Linh của Đức Chúa Giê-su có thể phá vỡ những thói quen lâu đời. Dĩ nhiên Ngài có thể làm được điều đó: Đức Chúa Giê-xu không bị giới hạn bởi những thói quen mà Ngài không thể kiểm soát được, và “nơi nào có Thánh Linh của Chúa, nơi đó có sự tự do.” Một người bạn của tôi đã từng ở trong nhiều trại cải tạo và nhà tù tại Anh Quốc vì tội trộm cắp ô tô. Anh tiếp nhận Chúa khi đang thi hành án trong một nhà tù và về sau không bao giờ quay trở lại đó nữa. Triết lý của anh lúc trước là “cứ đánh cắp dù đó là của ai” đã được thay đổi thành “ban cho dù đó là ai,” và giờ đây anh là một Mục sư thụ phong của Giáo Hội Anh Quốc. Anh không có nhiều tiền, nhưng anh thỏa lòng. Giống như Phao-lô ngày xưa, anh đã tìm thấy năng quyền ban cho sự sống của Thánh Linh Đức Chúa Giê-su có thể khiến anh tự do khỏi vòng lẩn quẩn của nếp sống xấu xa ngày trước.
Thói quen được biến đổi là một quy luật chứ không chỉ là một trường hợp ngoại lệ khi Thánh Linh của Đấng Christ ngự trong một người. Tôi nhớ một con bạc mê muội được giải phóng khỏi sự đam mê cờ bạc. Tôi nhớ về một con nghiện thuốc lá, biết rằng thói quen của mình có hại nhưng không thể thay đổi được, khi tiếp nhận Đức Thánh Linh vào đời sống thì khám phá năng quyền của Ngài có thể phá vỡ thói quen đó. Tôi nhớ về một người hiếm khi nào nói được một câu mà không kèm theo tiếng chửi thề, thói quen cố hữu đó bị phá vỡ bởi Thánh Linh của Đức Chúa Giê-su. Đức Thánh Linh không chỉ giúp những người nổi tiếng hoặc những người mang tội trọng. Với toàn bộ năng quyền của Đức Chúa Giê-su phục sinh, Đức Thánh Linh là món quà cho bạn.

Tình yêu thế chỗ hận thù.
Thứ tư, Thánh Linh của Đức Chúa Giê-su có thể thay thế hận thù bằng tình yêu thương. Thù hận là một trong hai cảm xúc mạnh mẽ nhất của con người, và tình yêu là điều còn lại. Dẫu trên một phương diện nào đó thì hai điều này rất gần với nhau – chẳng hạn như một người khi bị phụ tình thì có thể rất căm ghét người mà mình đã từng yêu – thật hiếm thấy có trường hợp nào ngược lại. Nhưng Thánh Linh của Đức Chúa Giê-su tạo nên một thói quen yêu thương. Tôi từng chứng kiến những gương mặt tràn đầy vui mừng và bình an từ những người Nam Phi da đen vì những anh em Cơ Đốc da trắng là sắc dân đàn áp họ. Tôi từng nhìn thấy tình yêu thương của Cơ Đốc Nhân người Biafra đối với Cơ Đốc Nhân người Nigeria trong và sau thời kỳ chiến tranh của hai quốc gia. Tôi đã thấy sự oán hận biến mất và sự quan tâm chăm sóc rộng rãi chiếu ra từ những Cơ Đốc Nhân Kenya dù bị chính những người đồng hương tra tấn trong cuộc khởi nghĩa trước đó. Tôi nhớ về tình yêu thương của các giáo sĩ cuối những năm 1950 trong nỗ lực truyền giáo cho bộ tộc hoang giã thời đồ đá Auca tại Nam Mỹ. Họ đã bị đâm đến chết như là một sự trả ơn. Vợ và chị em của các giáo sĩ ấy vẫn tiếp tục tận tâm với cùng một khải tượng và đã được nhìn thấy bông trái cho công việc của họ đó là đại đa số bộ tộc nhỏ bé này tiếp nhận Đức Chúa Giê-su. Mấy năm gần đây, một người đã từng giết một trong số các giáo sĩ đầu tiên đã đi cùng người vợ của giáo sĩ ấy đến Anh Quốc: cả hai người không chỉ dạy, nhưng còn chứng minh rằng Thánh Linh của Đức Chúa Giê-su đã thay thế lòng hận thù bằng tình yêu thương.
Tình yêu thương là điều tuyệt diệu nhất trên thế giới này. Chúng ta vô cùng cần đến nó trong hiện tại; và Thánh Linh của Đức Chúa Giê-xu có thể ban cho một cách không giới hạn. “Sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta” (Rô-ma 5:5).
Khai Sáng Tâm Trí

Điều thứ năm, Thánh Linh của Đức Chúa Giê-su có thể đổi mới tâm trí bạn. Trong mười lăm năm qua, mục vụ của tôi được dựa trên nền tảng thần học giáo dục. Tôi biết có những anh em bị đuổi khỏi trường lúc mười lăm tuổi vì thi rớt môn học. Tuy nhiên những người này không chỉ tự trang bị kiến thức cho chức vụ mục sư thụ phong, mà trong nhiều trường hợp còn lãnh được bằng cấp nữa. Khi Thánh Linh của Chúa cai quản đời sống của một con người, Ngài sẽ mở tất cả các cánh cửa, trong đó có cánh cửa của tâm trí. Tôi tin rằng Đức Thánh Linh làm tươi sáng khả năng trí tuệ của chúng ta, khiến chúng ta nhìn thấy lẽ thật theo cách mà khi trước chúng ta không thể thấy được. Khi nói như vậy, tôi không chỉ nói về lẽ thật thuộc linh như thể là một điều tồn tại. Tất cả lẽ thật đều là lẽ thật của Chúa, và khi Thánh Linh của lẽ thật bước vào linh hồn của một người, chắc hẳn chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu người ấy hiểu biết hơn về lẽ thật và kiến thức.
Tôi nhớ về một đồng nghiệp là nhân viên của trường đại học, người mà tôi đã dạy trong những năm trước đó. Anh bỏ học năm mười lăm tuổi và hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn vào trường cấp ba. Không lâu sau anh tiếp nhận Chúa và rồi anh lớn lên về mặt nhân cách, khả năng trí tuệ của anh cũng phát triển không kém. Anh tự học kiến thức cho đến hết bậc cấp ba, được nhận vào trường đại học, nhận một tấm bằng loại giỏi, tiếp tục chương trình thạc sĩ và tiến sĩ, và bây giờ là một nhà viết sách, giáo sư đại học, và mục sư trong một thành phố có dân trí cao. Có lẽ đây là trường hợp điển hình nhất mà tôi biết về công việc mà Đức Thánh Linh vẫn luôn hành động: mở những đôi mắt mù lòa để nhìn thấy lẽ thật.

Thánh Linh sự sống vẫn hằng làm tươi sáng nhận thức của chúng ta. Thánh Augustine đã nhận ra điều này. Trước đó ông chống cự với Thánh Linh của Chúa rất lâu, nhưng cuối cùng đã đầu hàng, và tâm trí cũng như tấm lòng của ông được thu hút và đổi mới nhờ Thánh Linh của Chúa. Điều này cũng có thể xảy ra với bạn. Bạn không hẳn sẽ trở thành một Augustine thứ hai, nhưng bạn sẽ thấy mình sáng suốt hơn, và khả năng đọc, hiểu và học hỏi được mở rộng hơn.
Đổi mới thân thể.
Thứ sáu, Đức Thánh Linh có thể thay đổi sức khỏe thân thể bạn. Tôi muốn trình bày cách thận trọng, bởi vì đã có rất nhiều tuyên bố sai lệch ở đây. Sự chữa lành ngay tức khắc thật là đáng ngờ, không kém gì hầu hết những sản phẩm “mì ăn liền” trong thế giới thiếu kiên nhẫn của chúng ta. Hơn thế nữa, rõ ràng Đức Thánh Linh không luôn luôn chữa lành thân thể. Thậm chí trong những ngày Đức Chúa Giê-su còn tại thế và thời các sứ đồ, không phải ai có bệnh cũng đều được chữa lành. Trong vài trường hợp, chúng ta được kể lại rằng bởi vì họ thiếu đức tin. Chính Phao-lô không được chữa khỏi vấn nạn mà ông gọi là “giằm xóc vào thịt,” và chúng ta đọc thấy Phao-lô từ giã Trô-phim khi người đang đau ốm ở lại thành Mi-lê, và Ti-mô-thê với chứng bệnh bao tử chưa được chữa lành. Mặc dầu vậy Chúa có năng quyền để chữa lành. Những trang sách Công vụ các sứ đồ, cũng như các thư tín, chất đầy những ví dụ về công tác chữa lành của Đức Thánh Linh khi một người tiếp nhận Ngài vào đời sống.
Vậy đây không phải là điều bạn mong chờ sao? Đức Chúa Trời là tác giả của mọi sự chữa lành, dù bằng “phép mầu” hoặc nhờ những công cụ y khoa bình thường. Liệu có quá bất ngờ hay không nếu Ngài đảm bảo chữa lành thân thể mà Ngài ngự vào? Sau hết, Kinh Thánh Tân Ước ghi rõ rằng không phải nhà thờ là nơi ta tìm thấy Đức Thánh Linh, nhưng chính trong các Cơ Đốc Nhân: “Thân thể anh em chính là đền thờ của Đức Thánh Linh.” Trên khắp thế giới, Cơ Đốc Nhân đang thức tỉnh với lẽ thật bị lãng quên từ lâu này, đó là Đức Thánh Linh có thể và thật sự chữa lành, không chỉ những bệnh tầm thường, mà kể cả những bệnh nan y như ung thư và mù lòa. Tôi đã từng cảm thấy khó chấp nhận điều này, và thậm chí còn viết một cách thận trọng chống lại điều này trong một cuốn sách trước, nhưng giờ đây khi gặp rất nhiều trường hợp được chữa lành khi họ tiếp nhận Đức Thánh Linh, tôi chỉ có thể đau buồn cho lòng bất tín của mình và vui mừng với công tác chữa lành mà Thánh Linh của Đức Chúa Trời thật đã hành động trong những trường hợp được cho là y khoa không thể chữa trị được.

Lương tâm được tẩy sạch.
Thứ bảy, Đức Thánh Linh có thể tẩy sạch lương tâm. Một phân đoạn rất hay trong thư tín Hê-bơ-rơ giải thích rằng huyết của Đức Chúa Giê-xu Christ, cách nói chỉ về sự chết chuộc tội lỗi nhân loại trên thập giá, khi được Đức Thánh Linh bôi trên một người, có thể tẩy sạch lương tâm. Đây là điều thật tuyệt vời. Một chuyên gia tâm thần học lỗi lạc đã nói rằng nếu những bệnh nhân tâm thần của ông được làm dịu lương tâm cáo trách và được đảm bảo về sự tha thứ, thì một nửa số giường bệnh của ông sẽ trống. Tôi nhớ về một người nữ mà tôi quen biết, lương tâm của cô bị cáo trách dữ dội vì đã ngủ cùng một người đàn ông đã có gia đình. Cô tơ tưởng rất nhiều đến người đàn ông ấy và không thể dừng lại được; mặc dù cô biết điều đó là sai. Rồi cô được nghe về Tin lành của Đức Chúa Giê-su, về tình yêu, sự tha thứ, và năng quyền biến đổi đời sống của Ngài. Cô đã dâng đời sống mình cho Chúa. Cô tuôn đổ tấm lòng mình trong sự xưng tội. Cô hoàn toàn tin chắc về sự tha thứ của Ngài, bởi vì “nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” Thánh Linh của Đức Chúa Trời không chỉ phá tan thói quen trong cô, nhưng cũng ban cho cô sự bảo đảm sâu bên trong tâm hồn rằng Đấng Christ đã trả giá cho tội lỗi của cô, và lương tâm của cô không còn cáo trách cô nữa. Một vài tuần sau, tôi cùng cô đi thăm viếng các bệnh nhân, chia sẻ cho họ về Đức Chúa Giê-su. Thật tuyệt vời khi nhìn thấy niềm vui, lòng tin, và sự thay đổi hiển lộ trong cuộc sống của cô. Thánh Linh của Đức Chúa Trời đảm bảo chúng ta thuộc về Ngài; Ngài làm chứng trong lòng chúng ta rằng Đức Chúa Trời đã tiếp nhận chúng ta vào trong gia đình của Ngài (Rô-ma 8:16). Quả thật đây là điều vô cùng quý báu.

Đời sống tính dục được biến đổi.
Thứ tám, Thánh Linh của Đức Chúa Giê-su có thể thay đổi đời sống tính dục của bạn. Đối với hầu hết chúng ta, đây là điều đòi hỏi phải được dọn dẹp sạch sẽ. Đó cũng là vấn đề của những Cơ Đốc Nhân đầu tiên. Phao-lô bày tỏ quan điểm rõ ràng đối với vấn đề này. Ông nói: “Chớ tự dối mình: Phàm những kẻ tà dâm, kẻ ngoại tình, kẻ đắm nam sắc… kẻ say sưa… đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu. Trước kia anh em ít nữa cũng có một đôi người như thế; nhưng nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ, và nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, thì anh em được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công bình rồi” (I Cô-rinh-tô 6:10, 11). Cuộc sống của những người vô luân tại thành Cô-rinh-tô ấy đã được biến đổi nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh bước vào đời sống họ và khiến họ được tự do. Ngày nay cũng thế.
Tôi nhớ một cô gái chống đối đạo Cơ Đốc một cách kịch liệt. Tôi khám phá lý do đó là cô đã ngủ cùng bạn trai mình và nhận ra điều đó không xứng hợp với nếp sống Cơ Đốc. Cô tái dâng đời sống mình cho Chúa và sẵn lòng không tiếp tục ngủ với bạn trai nữa cho đến khi lập gia đình. Tuy nhiên cô rất đỗi lo sợ phản ứng của người bạn trai sẽ như thế nào. Nhưng chính sự rộng lượng của Chúa đã bày tỏ cho người bạn trai của cô cũng giống như cách Ngài đã đối đãi với cô. Cách đó khoảng 65 km – không hề biết những gì đã xảy ra cho bạn gái của mình – người bạn trai đã mở lòng tiếp nhận Thánh Linh của Đấng Christ cai trị đời sống tình dục của mình: nhưng anh lo âu không biết bạn gái của mình sẽ nói gì đây! Bạn có thể tưởng tượng được niềm vui khi họ gặp nhau, và mối quan hệ của họ được tiếp tục và bước sang một chương mới. Tôi vẫn giữ bức thư thú vị của họ kề về niềm vui khôn xiết khi họ đầu phục và dâng mối quan hệ của mình cho Đức Thánh Linh cai trị và khám phá năng quyền đạo đức và niềm vui của sự kỷ luật bản thân mà Ngài mang đến cho họ.

Lần nữa, tôi nhớ về những trường hợp khi cuộc hôn nhân đứng trên bờ vực đổ vỡ; và rồi cả hai vợ chồng cùng tiếp nhận Đức Thánh Linh vào lòng. Kết quả thật bất ngờ. Họ không còn cảm thấy chán nhau, không còn ganh gổ với nhau nữa. Họ đã khám phá một mối quan hệ gắn kết mới, bền chắc hơn sự gắng kết về mặt thể chất, pháp lý và tâm lý là những điều trước kia không thể giữ họ lại với nhau.
Không lâu trước đây, tôi nhận một bức thư từ một người đồng tính. Anh đã nghe qua Phúc Âm nhưng từ chối không tin và đã đến sinh sống trong một căn hộ của những người đồng tính. Mặc dầu vậy, anh không thể quên được những gì anh đã nghe về Đức Chúa Giê-su và anh bắt đầu đọc Kinh Thánh Tân Ước. Những gì anh đã đọc, cùng với lời chứng của một Cơ Đốc Nhân mà anh tình cờ gặp được đã đem anh đến với Chúa. Anh đầu phục ham muốn tính dục của mình cho Chúa và từ đó anh có thể có một mối quan hệ khác giới bình thường theo luật tự nhiên. Giờ đây anh có một hôn nhân hạnh phúc. Tôi không biết liệu điều này có thể xảy ra cho mọi trường hợp đồng tính không. Rất có thể là không. Nhưng Thánh Linh Đức Chúa Trời có thể khiến một người có xu hướng quan hệ khác giới sống một cuộc sống độc thân trong sạch, cũng có thể khiến một người đồng tính không tiếp tục thỏa mãn ham muốn của mình. Đó là điều tôi rất chắc chắn.
Còn cuộc sống độc thân thì sao? Bạn có thể làm nhiều điều mà một người đã có gia đình không thể làm được. Hãy xem Phao-lô nói gì về những lợi điểm của việc sống độc thân trong I Cô-rinh-tô 7. Và hãy nhớ Đức Chúa Giê-su, người sống một đời sống quân bình nhất trên thế gian này, vẫn giữ đời sống độc thân – và sống trọn vẹn! Đừng tin vào chuyện hoang đường thời hiện đại cho rằng bất cứ ai cũng có thể sống bình thường và trọn vẹn mà không cần hoạt động tình dục. Phải có ơn kêu gọi đặc biệt để sống độc thân. Nếu Thánh Linh của Đức Chúa Trời kêu gọi bạn sống một đời độc thân, thì Ngài cũng sẽ làm trọn và làm cho bạn hài lòng với số phận của mình, và sẽ chẳng chọn điều gì khác nếu bạn có thể sống một lần nữa. Vâng, Đức Thánh Linh có thể và thật sự tạo nên sự khác biệt rõ rệt trong vấn đề xu hướng tính dục.

Giải cứu khỏi tuyệt vọng.
Thứ chín, Đức Thánh Linh có thể giúp bạn thoát khỏi tuyệt vọng. Có thể bạn không rơi vào trường hợp này, nhưng ngày nay có rất nhiều người đang gặp phải. Không chỉ tuyệt vọng với sự bất ổn về chính trị, nền công nghiệp, và đạo đức của thời đại chúng ta, nhưng nỗi tuyệt vọng sâu xa hơn đó là sống trong một thế giới dường như chỉ là sự tình cờ và không có mục đích. trong tác phẩm Ngẫu Nhiên hay Cần Thiết (Chance and Necessity) của mình, Jacques Monod đã viết một đoạn rất hay: “Số điểm của chúng ta tăng lên trong canh bạc Monte Carlo. Thật ngạc nhiên là người vừa mới kiếm được một triệu ở sòng bạc lại cảm thấy lạ lẫm và trống trãi?” Hay là như Camus đã viết trong tác phẩm Quốc Vương Caligula: “Điều không thể chấp nhận được đó là nhìn đời sống của một người khô cạn ý nghĩa, để được bảo rằng chẳng có lý do nào cho sự tiếp tục tồn tại. Một người không thể sống mà không có một lý do nào đó để sống.”
Đức Thánh Linh ban cho ta lý do để tồn tại, chính mục đích cuộc sống mà rất nhiều người có trí hiểu nhất trong thời hiện đại phải đau đớn thừa nhận rằng họ không có. Các trước giả Tân Ước đã nói về “niềm vui trong Đức Thánh Linh,” và họ bày tỏ điều đó trong chất lượng cuộc sống của họ. Chắc chắn họ có điều gì đó để hân hoan, và chúng ta cũng thế. Nếu Đấng Tạo hóa ban cho bạn những giá trị cao quý đến nỗi Ngài đã chết để hòa hợp bạn với chính Ngài và rồi ngự trị trong đời sống bạn, thì sự tồn tại của bạn hẳn phải rất giá trị và có mục đích. Một vài năm về trước, tôi còn nhớ đã rất ấn tượng khi đọc về niềm vui của những tù nhân ở Penang khi tin nhận Đức Chúa Giê-su Christ nhờ một Mục sư đến thăm trước khi họ bị hành hình, và chính họ đã viết một bức thư thật quý giá mà dẫu tôi đã trích dẫn bức thư này trong cuốn Đấng Sống (Man Alive), tôi nghĩ thật đáng để trích lại một lần nữa. Bức thư bày tỏ rõ ràng tình trạng khỏe mạnh, mục đích, niềm vui mà Đức Thánh Linh đem đến cho một cuộc sống, dẫu chính sự sống đó phải đối diện với sự kết thúc ngay lập tức khỏi thế giới loài người:
“Kính thưa Mục sư Khoo,
Chúng tôi xin cảm ơn Mục sư từ tận đáy lòng… vì tất cả những điều mà Mục sư đã làm cho chúng tôi. Ông là tất cả đối với chúng tôi trong lúc khó khăn hoạn nạn. Ông là bảng chỉ đường cho chúng tôi đến với thiên đàng của Đức Chúa Giê-su Christ. Ông đã dạy cho chúng tôi một đức tin vững chãi nơi Lời Chúa, dạy chúng tôi cầu nguyện với Ngài, và cầu xin sự tha thứ. Trong những tháng dài chịu đựng nỗi đau tinh thần… giờ đây chúng tôi đang đứng ở chính ranh giới của sự chết, tại bờ vực của cõi đời đời, ông đã hết lòng vì chúng tôi. Nhờ ông mà giờ đây chúng tôi đối diện với cái chết bằng sự dũng cảm và bình thản, vì chúng tôi tin chắc nơi lời hứa tha tội của Chúa bởi hành động đơn giản là đức tin và tiếp nhận. Chúng tôi biết rằng chỉ trong ba giờ rưỡi nữa thôi khi chúng tôi qua khỏi cảnh đời này, Chúa chúng tôi là Cứu Chúa Giê-su Christ sẽ chờ đợi với đôi tay rộng mở để dẫn đưa chúng tôi vào ngôi nhà mới trong nhà Cha… Từ những hơi thở cuối cùng, một lần nữa chúng tôi gửi đến ông lòng biết ơn bất tận – lòng biết ơn vượt hơn sự chết.”

Tôi nhớ về một người tôi đã gặp hôm nay. Anh là một người Rhodesian da đen, một thành viên dẫn đầu của Đại Hội Dân Tộc Phi. Anh tham gia cùng những chiến binh giành tự do ở bắc Rhodesia, đầy lòng căm thù những người da trắng, tràn ngập nỗi thất vọng về triển vọng của đất nước dưới sự thống trị của một phần tư triệu người da trắng đối với sáu triệu người da đen. Nhưng cuộc sống của anh được biến đổi nhờ năng quyền của Đức Chúa Giê-su Christ, thay đổi hận thù bằng yêu thương, và chống đối sự đàn áp bằng bạo động được thay thế bằng bất bạo động (nhưng vẫn giữ lòng nhiệt huyết). Anh không còn suy nghĩ dựa trên màu da và trả thù nữa. Anh có những người bạn thân da trắng là những người cũng đồng trung thành với Đấng Christ. Anh trở thành một tạo vật mới trong thân thể cũ. Anh được giải phóng. Anh không có một dấu vết nào trên vai, mặc dù năm lần bị Lực Lượng An Ninh cầm tù và bị đánh. Anh có một khải tượng rõ ràng về cuộc sống của mình sẽ được sắp đặt: xây dựng một xã hội mới ở Rhodesia, người da trắng và người da đen chung sống cùng nhau, trong năng quyền giải phóng của Đấng Christ, là Đấng đã cứu anh khỏi tuyệt vọng.
Tính cách được tinh luyện.
Thứ mười, Thánh Linh của Đức Chúa Giê-su có thể tạo nên một con người mới trong bạn. Các trang Kinh Thánh Tân Ước có đầy những ví dụ về Thánh Linh của Đức Chúa Giê-su biến đổi những tính cách khó biến đổi nhất khi người ấy mời Ngài ngự trị. Hãy nhớ về sự thay đổi của vị quan cấp cao người La-mã tên Sê-giút Phau-lút. Hãy nhớ về một người do dự thiếu can đảm và khoác lác như Si-môn Phi-e-rơ trong các sách Phúc Âm, người đã trở thành một hòn đá cho Hội Thánh ban đầu, không sợ hãi đối diện với sự chống đối, ngủ yên bình trước đêm bị hành hình: sự thay đổi đó là nhờ Đức Thánh Linh. Hãy nhớ về một người Ra-bi nghịch thù với Đức Chúa Giê-su như Sau-lơ ở thành Tạt-sơ, người đã được thay đổi và cải đạo vượt quá mọi sự nhận biết bởi Thánh Linh của Đấng mà ông đã từng bắt bớ và rồi trở lại trong sự yêu thương phục vụ.

Dẫu vậy, có lẽ không còn ví dụ nào đáng ghi nhận về cách mà Thánh Linh của Chúa tạo nên một con người mới hơn là câu chuyện trong chương sách nhỏ mà Phao-lô gửi cho Phi-lê-môn. Phi-lê-môn là một địa chủ giàu có, tiếp nhận Chúa thông qua mục vụ của Phao-lô. Ông có một nô lệ tên là Ô-nê-sim, người đã thừa cơ bỏ trốn đem theo một số tiền lớn của Phi-lê-môn. Có một trong số những sự trùng hợp hài hước mà Chúa dường như rất vui thích, Ô-nê-sim dừng chân tại cùng một nhà tù với Phao-lô! Bạn đoán được điều gì xảy ra tiếp theo rồi chứ. Phao-lô đã dắt đưa người nam này đến với Đấng Christ, và khi lương tâm của Ô-nê-sim bắt đầu cắn rứt. Anh có nên quay trở về với người chủ mà anh đã lấy cắp không? Vâng, nhưng Phi-lê-môn có thể sẽ giết anh, giống như những chủ nô khác thường làm với các nô lệ bỏ trốn. Chính vì vậy mà Phao-lô viết bức thư quý báu này cho người địa chủ Cơ Đốc về việc anh bỏ trốn và giờ đây đã là một nô lệ Cơ Đốc. Ông khen ngợi Ô-nê-sim không chỉ để Phi-lê-môn tha thứ, nhưng cũng để ông tôn trọng người đầy tớ như một người anh em và yêu thương anh như một Cơ Đốc Nhân.
Hãy nghĩ về cuộc cách mạng diễn ra bên trong hai nhân vật, Phi-lê-môn và Ô-nê-sim. Điều tình cờ bất ngờ đó là chúng ta có một lá thư tố cáo vào đúng khoảng thời gian này của một chủ nô có một nô lệ bỏ trốn. Tác giả nặc danh khích lệ người nhận hãy truy lùng tên nô lệ và giết anh ta đi. Nhưng Phi-lê-môn đã tha thứ, tôn trọng và yêu thương người nô lệ của mình như một người anh em! Đối với Ô-nê-sim, điều cuối cùng trên thế giới mà anh cần phải làm đó là quay trở về với người chủ mà mình đã bỏ trốn. Khi anh đã đến với Đấng Christ và bắt đầu được Đức Thánh Linh biến đổi, lương tâm của anh được đánh thức và anh được chuẩn bị để quay trở về. Điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng, bồi thường những gì anh đã lấy cắp, và tiếp tục sống như một nô lệ dưới trướng người chủ Phi-lê-môn. Trên thực tế, khi đọc thư của Phao-lô gửi cho Phi-lê-môn, chúng ta nhận ra một gợi ý rất rõ ràng đó là Phi-lê-môn sẽ thả và trả lại tự do cho đầy tớ của mình. Tôi đoán là ông đã làm như vậy. Và có lẽ chỉ là một sự trùng hợp, nhưng chúng ta thấy có một Mục sư trong khu vực đó tên là Ô-nê-sim hai mươi năm sau đó.
Người nô lệ bỏ trốn ấy nhắc tôi nhớ về một câu chuyện tương tự vào thời hiện đại. Tôi biết một người trong mục vụ trẻ mồ côi, nhưng không biết về năng quyền biến đổi đời sống của Đức Thánh Linh. Anh làm việc trong 5 năm mà không nhận được một kết quả nào, đầu hàng và rút khỏi mục vụ. Ông rời khỏi xã hội “thông thường.” Ông bắt đầu trở thành một tên du côn thất nghiệp, là nô lệ của phụ nữ, rượu bia, và thuốc lá. Ông là một nạn nhân của cuộc sống. Tôi có được niềm vui giới thiệu Đấng Christ với ông. Có một nhóm đã yêu thương, quan tâm và giúp đỡ ông trong những ngày đầu. Ông được huấn luyện trở lại ở Anh Quốc trước khi quay trở lại mục vụ nơi xa mà ông đã rời khỏi. Và Chúa đã cho ông những ân tứ cho chức vụ giáo sĩ cho những người sa cơ, những con nghiện ma túy, nghiện rượu và giới mại dâm, những cảnh đời mà ông biết rất rõ. Không cần phải nói, nô lệ của rượu bia và thuốc lá bị phá tan, và toàn bộ tính cách của ông được thay đổi.
Chúng ta có thể không phải là những nô lệ và trộm cướp như Ô-nê-sim. Chúng ta có thể không nằm trong vòng xiềng xích của rượu bia và tình dục như người bạn của tôi. Nhưng theo một nghĩa nào đó, chúng ta đều là những Ô-nê-sim. Chúng ta đều có những thói quen trói buộc mình. Chúng ta đã học cách sống với những thói quen đó để cảm thấy thoải mái với chúng, để tự bào chữa với điệp khúc: “Bản chất con người không thể thay đổi.” Thánh Linh của Đức Chúa Giê-su sẽ trả lời: “Đó là công việc của ta.”

Chương 11

Lời Nhắn Gởi

Nếu các bạn đã cùng tôi đi đến tận đây rồi, thì những điều này sẽ dẫn chúng ta tiếp tục đến đâu? Tôi đã bắt đầu quyển sách này với lời kêu gọi chúng ta hãy chân thành, bởi vì khi nói về Chúa chúng ta thường tránh né bằng những lời nói không mảy may nghĩ suy tựa một con vẹt. Tiếp theo chúng ta được xem qua một chuỗi các phản ứng thông thường khi nói về tôn giáo. Rõ ràng chúng ta không thể dùng lời biện luận vì tôi không phải là người theo đạo nên tôi không thể xem xét các bằng chứng về Chúa để bào chữa cho vấn đề của mình. Khi xem xét các bằng chứng, chúng ta được thuyết phục rằng đặt niềm tin vào Đức Chúa Trời dễ hơn là không tin, mặc dù trên thực tế ta phải công nhận không thể chứng minh nguồn gốc của con người hoặc của Chúa. Vấn đề càng trở nên sáng tỏ là mặc dù rất nhiều tôn giáo lưu giữ những lời dạy đúng đắn và có nhiều đời sống ấn tượng về việc thực hành theo những lời dạy đó, nhưng quan điểm cho rằng mọi tôn giáo đều hướng về Chúa thì thật là vô lý và không tưởng. Thật vậy, bản chất con người có những điều khiến họ không muốn khám phá về Chúa, thay vào đó họ cho rằng Ngài là điều bất khả tri, hoặc ít nhất là tránh xa Ngài: đến gần Chúa khiến họ cảm thấy không thoải mái vì cảm giác bị đòi hỏi khắt khe. Nhưng sự hiện diện gần gũi của Chúa dường như là điều mà chúng ta phải đối diện. Đức Chúa Giê-su khiến chúng ta phải đối diện với điều đó. Và sẽ không đúng khi liệt Đức Chúa Giê-su vào hàng những tiên tri vĩ đại hoặc những người tốt trên thế giới. Vấn đề nan giải khi xưa vẫn còn: Đức Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời hoặc Ngài không phải là người tốt. Không một “người tốt” nào lại đưa ra những tuyên bố như Ngài. Không một “người tốt” nào sống lại từ cõi chết.
Nếu chính Đức Chúa Trời đã đến để tìm chúng ta qua Đức Chúa Giê-su Christ, thì quan niệm “tin gì không quan trọng miễn là thành tâm” thật là một quan niệm sai lầm. Cũng vậy, quan niệm tôi đã cố gắng hết sức cũng sẽ chẳng đem lại kết quả gì cho bạn. Rõ ràng dù cố gắng hết sức nhưng vẫn là chưa đủ cho chúng ta, đó là chưa kể đến tiêu chuẩn của Chúa. Thậm chí nếu chúng ta giữ Mười Điều Răn và Bài Giảng Trên Núi cho đến cuối đời, thì điều đó cũng không thể thay thế hoặc xóa bỏ quá khứ xấu xa của mình được. Càng tìm hiểu về con người, tôi càng chắc chắn về lẽ thật mà Kinh Thánh đã tỏ bày: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa.” Mỗi người đều có một quá khứ nào đó đáng xấu hổ. Và không gì có thể thay thế được quá khứ: không gì, ngoại trừ sự chết của Đức Chúa Giê-su để khiến những con người tội lỗi như chúng ta được trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời. Nếu có một con đường nào khác, chắc chắn Đức Chúa Trời đã chọn con đường đó, thay vì ban Đức Chúa Giê-su đến trần gian để rồi Ngài phải chết một cái chết đầy đau đớn trên thập giá. Vậy thập tự giá chính là tâm điểm và cũng là biểu tượng đức tin của Cơ Đốc Giáo. Trên chính công cụ hành hình đầy dã man ấy, trận chiến quan trọng nhất trong lịch sử đã diễn ra và chiến thắng: Đấng Christ đã chịu chết vì tội lỗi con người, Đấng công bình chết vì người không công bình, để đem chúng ta về với Ngài.
Đó chưa phải là dấu chấm hết. Cơ Đốc Nhân không chỉ tưởng nhớ về sự chết của Đấng Christ với lòng biết ơn. Nhưng họ còn vui mừng trong mối liên hệ khắng khít cùng Chúa sống là Đấng đã phục sinh từ phần mộ và hiện đang sống. Sự phục sinh của Ngài quan trọng không kém sự chết của Ngài trên thập giá. Điều đó có nghĩa là có một sự sống sau cái chết. Điều đó có nghĩa rằng Đức Chúa Giê-su có thể đem chúng ta đến sự sống. Điều đó có nghĩa rằng sự chết chuộc tội của Ngài đủ để giải quyết tội lỗi nhân loại. Điều đó có nghĩa là sự hiện diện đắc thắng của Chúa có sẵn để chiến đấu lại sự xấu xa cố hữu trong dân sự của Ngài. Và đây là lúc Đức Thánh Linh bước vào. Như chúng ta đã đọc trong chương trước, Đức Thánh Linh được mô tả như “một con người khác” của Đức Chúa Giê-su, Đấng khiến Ngài trở nên thực hữu đối với những ai tin Chúa trên toàn thế giới và Đức Thánh Linh chính là Đấng đã ảnh hưởng thuộc tính của Đức Chúa Giê-su trong con người họ.
Đó là sự ban cho của Đức Chúa Trời, khi thật sự chúng ta không hề kêu cầu Ngài. Sự ban cho rộng rãi của Chúa thật vĩ đại. Vậy chúng ta cần phải làm gì với điều này? Tôi xin đề xuất một vài gợi ý đơn giản sau.
Đáp ứng.
Suy ngẫm về sự tuyệt vời này, điều Chúa đã làm không chỉ cho thế giới hoặc cho một người kế tiếp, nhưng dành cho chính bạn.
Ngài yêu bạn. Ngài tạo nên bạn. Ngài đã chết vì bạn. Ngài đang chờ đợi để đến và ngự trong đời sống bạn. Bạn cần Ngài tẩy thanh. Bạn cần Ngài tha thứ, cần Ngài hướng dẫn, cần sự vui mừng và năng quyền của Ngài, cũng như lòng can đảm trước sự chết. Những phẩm chất đó có sẵn cho bạn, nhưng chỉ trong Đức Chúa Giê-su.
Phải chăng đây là lúc bạn quỳ xuống và đáp ứng một cách cá nhân với tình yêu của Chúa? Thánh Kinh Tân Ước viết: “Sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời.” Bạn làm gì với một món quà? Bạn nhận lấy nó với đầy lòng biết ơn. Đức Chúa Giê-su cũng vậy. Ngài là món quà vĩ đại mà Đức Chúa Trời ban cho bạn: những món quà khác được gói lại trong Ngài. Xin đừng né tránh vấn đề bằng cách đợi cho đến khi bạn đủ tốt: bạn sẽ không bao giờ đủ tốt. Hãy chỉ đón nhận món quà với lòng biết ơn, có thể bằng những lời sau:
Lạy Chúa, con thật sự cảm kích trước sự bao dung của Ngài. Con không xứng đáng được điều đó. Nhưng con biết Chúa hiện diện trong cuộc sống, và con nhận biết rằng Ngài đến với thế giới này vì con qua Đức Chúa Giê-su Christ. Con tin Chúa chết vì tội lỗi của con và hiện đang sống qua Đức Thánh Linh ngự trị trong lòng con. Con biết Chúa muốn con góp phần trong công việc của Chúa cũng như giữa dân sự Ngài, và con được chuẩn bị để làm điều đó. Lạy Chúa, tại đây vào thời điểm này, bởi đức tin con xin nhận món quà Đức Chúa Giê-su một cách cá nhân. Xin đừng để con lui đi trong đức tin, và xin giúp con sống xứng đáng với ơn của Ngài bằng sức Chúa, dù cho hoàn cảnh tương lai sẽ như thế nào. Amen.
Viễn cảnh.
Khi bạn đã thực hiện bước đi quan trọng này, hãy kể lại cho một ai đó. Hãy viết cho tôi nếu bạn không biết ai có thể cùng đồng cảm để chia sẻ. Nhưng tốt hơn, hãy nói cho một người bạn Cơ Đốc hoặc nói cho gia đình. Họ sẽ rất vui và được khích lệ. Có thể họ đã từng cầu nguyện cho bạn – gần như lúc nào cũng có một người như vậy khi một người quyết định kết ước với Chúa (mẹ, bạn, đồng nghiệp)! Có hai lý do quan trọng để kể cho một ai đó. Một là bạn được đặt vào mối quan hệ với những người có thể giúp bạn trong những ngày đầu theo Chúa. Hai là nó giúp bạn giữ vững lập trường của mình. Kinh Thánh Tân Ước đòi hỏi điều này. “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu.” Dĩ nhiên, vào đúng lúc điều đó sẽ bao gồm “sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.” Nhưng bạn cũng có thể bắt đầu với Cơ Đốc Nhân trước, trước khi tiếp tục nói cho những người vô thần cứng lòng nhất rằng bạn đã đầu phục cuộc sống mình cho Đức Chúa Giê-su Christ! Dù trong tình huống nào bạn đều phải có tinh thần môn đồ cởi mở và không hổ thẹn. Những môn đồ bí mật sẽ không bao giờ tăng trưởng.
Kế đến, sẽ là một ý hay để đọc một điều gì đó là nền tảng thiết yếu cho đời sống Cơ Đốc, hay là một cái nhìn bao quát về đời sống ấy sẽ như thế nào. Nếu bạn không có thời gian, hãy đọc quyển sách nhỏ Trở nên Cơ Đốc Nhân (Being a Christian) của J. R. W.i Stott (Nhà xuất bản InterVarsity). Nếu bạn có nhiều thời gian hơn hãy đọc quyển Con Đường (The Way) của tác giả Godfrey Robinson và Stephen Winward, hoặc cuốn sách xuất bản gần đây của tôi là Đời Sống Mới, Nếp Sống Mới (New Life, New Lifestyle – Nhà xuất bản Intervarsity). Bằng cách này bạn sẽ nhanh chóng có được một vài ý niệm về việc bước đi cùng Đấng mà bạn tin cậy.
Điều thứ ba và cũng là điều quan trọng nhất đó là tham gia vào mối thông công Cơ Đốc. Mặc dù tồn tại những khuyết điểm, nhưng Hội Thánh là cần thiết. Đức Chúa Giê-xu không chỉ đến để cứu những con người khác nhau nhưng cũng viết chương sách đầu tiên về Vương Quốc Đức Chúa Trời ở trên đất. Và đó là một cộng đồng. Bạn không thể chối bỏ điều này. Từ giờ trở đi, cuộc sống của bạn sẽ gắn liền với Hội Thánh. Nơi nào không tinh sạch, hãy làm nơi ấy trong sạch. Nơi nào mệt mỏi, hãy phấn hưng nó. Nơi nào tốt, hãy đi theo. Nhưng điều bạn phải làm đó là tham gia vào Hội Thánh. Vậy nếu bạn chưa được báp-têm, đây là lúc để bạn tìm đến một Mục sư ở một Hội Thánh mạnh mẽ nào đó để giúp bạn chuẩn bị cho báp-têm. Nếu giáo phái của bạn thực hiện phép báp-têm cho con trẻ, có thể bạn đã được báp-têm rồi. Trong trường hợp đó, bạn cần xác quyết niềm tin của mình, hoặc cách tương đương để được là thành viên chính thức, như vậy bạn sẽ chịu phần trách nhiệm của mình trong hội chúng địa phương, tham gia vào lễ Tiệc Thánh, và làm chứng công khai về lòng trung thành của bạn nơi Đấng Christ.
Tiếp theo, tôi xin gửi đến bạn lời khuyên vô giá trong những ngày đầu theo Chúa. Bạn có người bạn tin Chúa nào mà bạn biết rõ không? Nếu có, người ấy có thể giúp bạn rất nhiều nếu gặp họ thường xuyên, không chỉ là quan hệ xã giao, nhưng còn để cùng đọc một vài câu Kinh Thánh, nói về những khó khăn, và học từ người ấy đời sống cầu nguyện. Trong một vài tháng, tôi đã có một cuộc gặp hằng tuần với một người bạn có nhu cầu như vậy, và kết quả thật là lớn.
Cuối cùng, hãy tham gia vào công việc Chúa. Dù đó là công việc gì miễn là bạn làm điều đó vì Chúa Giê-su và giúp người khác. Hãy cầu nguyện để bạn được Chúa hướng dẫn công tác mà bạn sẽ làm. Hãy làm hết mình. Đừng như con ong đực trong tổ ong Cơ Đốc, chỉ uống mật mà chẳng làm công việc gì. Làm công việc Chúa là phương cách tốt nhất để đạt đến sự trưởng thành trong đời sống Cơ đốc.
Vâng, đó là những lời nhắn gửi từ tác giả dành cho các bạn đọc. Tôi tin chắc rằng nếu bạn hứa nguyện với Chúa một cách thật sự và trọn lòng, bạn sẽ dừng nói những lời vô nghĩa mà có thể nó khiến bạn hài lòng cho đến thời điểm này (“Mọi tôn giáo đều hướng đến Chúa,” “Bạn tin gì không quan trọng, miễn là bạn thành tâm,” và những lời khác…) Thay vào đó, bạn sẽ bắt đầu phát ra những tiếng khóc đầu tiên như một đứa trẻ mới sanh trong Chúa khi Đức Thánh Linh hành động trong tấm lòng của bạn, giúp bạn thốt lên rằng: “Aba, lạy Cha.”

Translated by Vinh Hien
Edited by Tuong Vi
——— THE END———

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn