Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / CÀ-PHÊ SỮA ĐÁ TRÊN BỜ SÔNG GIANH

CÀ-PHÊ SỮA ĐÁ TRÊN BỜ SÔNG GIANH

“Con sẽ bị chết ở nơi đây, ngay trong trại giam này!” Cô gái nói và cất tiếng khóc hu hu trong khu thăm viếng của trại.

“Hãy bình tĩnh cháu gái! Nào, hãy bình tâm lại! Nhìn vào chú và nói tiếp cho chú nghe chuyện gì đã xảy ra.” Tôi nói nhỏ, cố động viên chấn tĩnh cháu gái. Bà xã của tôi thì đã như biết trước sự việc cho nên tay đã moi ra mấy chiếc khăn giấy để cho cô gái lau mặt.

“Cháu nói cho chú nghe những gì đã xảy ra với cháu.”

“Con ngu quá! Con đã phá hết gia sản, phá hết tất cả mọi niềm hy vọng của ba mẹ con!” Cô gái chỉ nói được đến thế và tiếng khóc tiếp tục vang ra.  Nghe tiếng khóc, tiếng thống hối của một cô gái, mọi người trong khu thăm viếng của trại giam bỗng nhiên đều chú ý nhìn vào chúng tôi.

ca

Hai vợ chồng tôi thì ngồi im lặng, cố chờ đợi cho khoảnh khắc của xúc động được nhấn xuống, để cô gái có thể kể tiếp về cuộc hành trình trong cơ cực.

“Người ta quảng cáo trên báo Việt là có nhà cho thuê…” Cô gái nói về cảm xúc khi đọc tờ quảng cáo, và nguồn vui khi nghe chủ nhà bảo sẽ sẵn sàng giúp đỡ cho những người mới đến đây du học. Thoạt nhìn thấy căn nhà có vẻ sạch đẹp, giá cả phải chăng, mấy cô gái đã quyết định cùng vài người khác cùng hoàn cảnh thuê để ở và cùng nhau học hành.

“Họ bảo rằng: chúng con là du học sinh cho nên có thể đi làm khoảng hai mươi tiếng để kiếm thêm tiền giúp gia đình. Vì tất cả những đứa trẻ trong nhóm chúng con đều muốn muốn giúp cho cha mẹ bớt gánh nặng về tài chính khi đi du học…” Cô gái kể thêm về những lời đường mật khiến cho cô bị xa vào con đường mà cô không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải đi qua.

Những kẻ đầu nậu bảo với cô cô rằng, vì cô còn trẻ tuổi dưới vị thành niên, cho nên không cần phải đi làm ở đâu xa, nếu cô thật sự chịu khó, thật sự muốn giúp cha mẹ thì cứ việc ở nhà, giúp họ nấu nướng, giặt rũ, quét dọn trong nhà và tưới những cây cảnh dưới tầng trệt trong căn nhà cho họ. Làm được như vậy thì sẽ có tiền. Tiền! Mấy ai trong thời trẻ tuổi nghe thấy cụm từ này mà không bị cái lực hấp dẫn ấy khiến lòng xao xuyến? Cô gái mới chân ướt chân ráo đến nơi đây, chưa biết gì về cạm bẫy của xứ sở tự do, cho nên khi nghe thấy có người trong cộng đồng, ăn cơm kiểu Việt, nói tiếng Việt sẵn sàng giúp đỡ thì cũng dễ xiêu lòng.

Chỉ nói đến đó và cô cô khóc hu hu ngất ngất. Khoảnh khắc của xúc động rồi cũng trôi qua, tiếng híc híc không còn cô gái nói tiếp.

“Khi con xuống tầng dưới của căn nhà lấy nước tưới những cây xanh trong nhà, con nấu ăn và chăm sóc nhà cửa. Con không hề biết cây trong nhà là cây gì. Có một lần con gặp người chủ cho thuê nhà và tò mò hỏi về loại cây, thì con chỉ nghe rằng: ‘Đừng tò mò, cứ trông coi nhà cửa, cháu sẽ có tiền…’

“Con đâu có ngờ khi con ăn và ở trong căn nhà đó được mấy tuần thì cảnh sát ập đến và bắt con. Những người cảnh sát có vũ trang, họ có đầy đủ tất cả những bằng chứng trong bao nhiêu cuốn phim mà họ đã quay phim, họ chụp ảnh… Họ có toàn bộ những cảnh con ăn ngủ và làm việc trong căn nhà như tưới cây, nấu nướng, ăn uống cười đùa… Con đã bị bắt, bị tống vào trại giam này hơn sáu tháng rồi…” Tiếng hu hu hu của cô gái lại vang lên, và cô khóc một cách thật xúc động.

“Con sẽ chết trong này! Con sẽ chết trong tù mất thôi! Con không biết sẽ phải làm gì. Con không dám nhìn vào mặt ai nữa. Con cũng không cả dám nói chuyện và nhìn vào ba mẹ con.” Cô gái nói và thổn thức.

Vợ chồng tôi chỉ ngồi lặng lẽ lắng nghe bởi vì cô muốn nói ra những cái đau của mình. Kinh nghiệm và khảo cứu cho hay, ngôn ngữ chỉ có thể bày tỏ được già nửa những gì mà chúng ta muốn biểu lộ. Cử chỉ của con người có thể nói lên nhiều hơn, chỉ khi người ta biết lắng nghe và quan sát kỹ để nhận ra.

Có chút thẩm quyền nên chúng tôi yêu cầu những nhân viên trong trại giam đưa cho cô cô những tờ giấy để cô có thể vẽ và viết lên tâm sự của mình. Vì vẽ tranh, viết nhật ký luôn luôn là cách bày tỏ cảm xúc và suy tư của mỗi con người khi họ có chút yên tĩnh. Có lẽ bà Elizabeth Cuber-Ross đã thành danh khi cho những đứa trẻ trong độ tuổi không thể nói rõ tâm tình của mình bằng lời, bà đã khích lệ chúng vẽ tranh và bà Elizabeth đã kiên trì hỏi chúng thông ngôn, hay nêu lên tâm tình của những bản vẽ. Bao nhiêu những thầm kín của cõi lòng đã chuyển thành những câu chuyện mà đám trẻ có thể truyền đạt cách rất tự nhiên và bà Elizabeth đã bỗng nhiên có thể đi sâu hơn vào trong tâm hồn của đám trẻ để khám phá cái thế giới bên trong. Bà ta đã giúp các em giải quyết những bí tắc, những ẩn trắc trong tâm hồn.

Giao nhiệm vụ vẽ tranh cho cô gái mà không giải thích mục đích, rồi chúng tôi ra về. Trước khi chia tay cô cô trong trại giam, chúng tôi cũng không quên căn dặn rằng cuối tuần sau cả hai vợ chồng chúng tôi sẽ vào thăm, và sẽ chiêm ngưỡng tác phẩm đầu tay của cô trong những ngày bị giam trong trại.

Một tuần đã trôi qua. Chúng tôi vào thăm cô gái như đã hẹn.  Cô có vẻ đỡ sốc hơn, tỉnh táo chìa ra cho xem bức hoạ mà cô đã tốn khá nhiều công phu để vẽ. Đó là một chậu hoa rất tươi. Nhìn qua bức tranh tôi thật ấn tượng nhưng không ngộ nhận mà hỏi để cô giải  cho chúng tôi biết toàn cảnh bức tranh. Tôi muốn biết là tại sao cô lại vẽ cả chậu hoa thay vì chỉ một bông hoa. Lý do tại sao cô lại tô màu tươi thắm cho những bông hoa bằng màu tím, màu hồng và đâu đó cả màu đen…

Cô mỉm cười, cái cười hiếm thấy trên khuôn mặt của cô cô bị giam cầm một cách oan uổng. “Mười mấy năm trong đời con chưa bao giờ giúp gì được cho ba mẹ của con. Nay ba mẹ con đã bán gần hết gia sản để cho con đi du học. Họ ước mong con sẽ chớp lấy cơ hội và phát huy tối đa để thành người, thành danh trong tương lai. Màu hồng là ước vọng của ba mẹ cho con: màu tím là những gì con muốn hướng tới, còn cái màu đen là cảnh hôm nay con đang trong trại này…” Cô gái nói và ngập ngừng nhìn vào chúng tôi như dò hỏi. Chúng tôi thì vẫn cứ lặng im chờ đợi cô nói tiếp câu chuyện của cuộc đời.

“Nhưng con đã vô tình phá hết tất cả gia sản của ba mẹ con. Con ân hận! Con chưa bao giờ mua cho ba mẹ con  một bông hoa nào. Hôm nay con vẽ chậu hoa này là để tặng cho cô chú.”

“Cảm ơn cháu! Nhưng tại sao lại tặng cho cô chú mà không để dành, mai này cháu sẽ tặng cho ba mẹ của cháu?”

Cô gái nghe hỏi như vậy thì lại sụt sùi. “Tại vì ba mẹ của con đang ở rất xa. Con đã vắng bóng cha mẹ… Cô chú hôm nay đang là ba mẹ tinh thần của con rồi…”

Chúng tôi cảm ơn cô gái và cả hai lại tiếp tục lắng nghe những dòng tâm sự. Chúng tôi nghe để  ghi nhớ và không ngừng trao đổi với nhau về những gì mà cô đã thổ lộ trong những chuyến vào thăm. Cả hai chúng tôi đều nhận định. Ít ra thì cô gái cũng nhận ra những việc mà cô đã làm là mạo hiểm và sai lệch với những chỉ dẫn của bố mẹ. Tự trong tâm hồn cô cảm thấy ân hận vì đã không tuân thủ lời khuyên của người bảo hộ. Ít ra là cô gái cũng đã nhận biết ra rằng lỗi lầm của mình là đã tự biến mình thành đứa con tiêu xài phung phí gia sản, mồ hôi và nước mắt của cha mẹ của cô. Điều làm chúng tôi mừng là dù trong hoàn cảnh thật éo le, nhưng cô gái không lên án, không nói đến hận thù với những người đã cố tình hại cô. Con người có tâm tình thích hướng thượng sẽ bỗng dưng bày tỏ tính cao thượng và câu chuyện của cô phần nào làm cho chúng tôi vui thêm.

*

Chúng tôi là những con người theo chân Cứu Chúa. Là nhân chứng của Ngài. Nhiệm vụ của người làm chứng là chân thành với những gì mà mình mắt thấy tai nghe. Tâm hồn của những nhân chứng là nhận ra Chúa sử dụng đời chúng ta thành chất xúc tác, tạo nên những  thay đổi trong cuộc đời. Chúng tôi muốn cô gái có thể tin tưởng để nói ra những nỗi đau trong tâm hồn non trẻ của mình để Cứu Chúa giúp rịt vết thương lòng.

Sau những lần vào thăm cô gái chúng tôi đã khá nhiều lần thổ lộ cùng nhau về chức vụ hoà giải mà Chúa đã ban cho chúng tôi. “Cô gái đang sống trong nỗi lo sợ! Bằng cách nào đây để cô có thể được hoà giải với cha mẹ của cô ta? Chỉ khi cô ta được tự tin là khi cô ta sẽ không cảm thấy tuyệt vọng.” Bà xã của tôi đề xướng thêm.

“Anh sẽ về thăm quê trong thời gian ngắn. Theo em, anh nên quá bộ vào tận quê hương của cô gái và làm người đem hoà giải cho ba mẹ của cô ta.”

Để gia tăng quyền lực của lời nói, bà xã tôi còn nêu thêm. “Em sẽ đặt vé máy bay cho anh đi Quảng Bình…” Cá nhân tôi khi được nghe bà xã đặt vé cho đi, thì dù có đến bất kể nơi nào, dù xa lạ, vẫn sẵn sàng giơ cả hai tay đồng ý.

Trước khi đi, chúng tôi cũng báo cho cô gái hay rằng tôi sẽ về quê, sẽ quá bộ vào tận quê hương của cô để thăm hỏi và động viên ba mẹ vượt qua những nỗi đau. “Trong thời gian ngắn nữa chú sẽ về Việt Nam thăm gia đình và thăm các Hội Thánh. Cháu có muốn chú về thăm quê hương của cháu hay không?” Tôi hỏi và cho cô cô biết về chuyến đi Việt Nam của tôi để cô gái có cơ hội nhìn vào đời một cách khách quan hơn thay vì nhìn vào đời bằng cảm xúc, và lo cho những thất bại của mình.

“Ôi nếu có chú về thăm ba mẹ cháu thì hay quá!”

“Cháu có muốn gửi quà gì về cho ba mẹ cháu hay không?”

“Cháu đang trong tù và không có gì có thể gọi là giá trị để gửi quà cho ba mẹ được.”

“Cháu có thể về phòng và trong tuần này, trong thời gian tới, cháu hãy cố gắng vẽ một bức tranh, hay nhiều bức tranh… Cháu sẽ chọn xem những bức tranh nào đẹp nhất, ý nghĩa nhất thì cháu gửi về cho ba mẹ. Chú sẽ đích thân vào tận nhà cháu để trao quà tặng này.”

Trong cả thời gian ấy cô gái loay hoay vẽ ra những bức tranh, cô chọn một bức đẹp nhất, có hoa hồng, hoa thược dược, hoa mào gà cùng vài bông hoa huệ vươn cao. Bức tranh khá đẹp theo tiêu chuẩn không chuyên nghiệp của cô gái và cô ta khấp khởi quyết định nhờ tôi chuyển bức tranh này cho ba mẹ của mình.

Chuyến đi về quê hương của cô gái với mục đích đem sự hoà giải của Chúa cho gia đình nhà kia đã vượt qua những tưởng tượng, sự chuẩn bị của chúng tôi.

*

Quê hương của cô gái nằm ngay trên bờ Sông Gianh. Bao nhiêu người còn nhớ về dòng sông Gianh? Bao nhiêu người biết về những con người trực tiếp sống  trên dòng sông lịch sử này? Người học lịch sử chắc cũng chỉ biết qua sách vở, nhưng sách vở thì lại viết rất ít về những con người đang sống trong lưu vực của dòng Sông Gianh, con sông lớn cấp thứ bậc của Việt Nam.

Con sông này nắm một phần khá quan trọng trong việc dựng nên nước Việt Nam hiện đại. Chính nơi đây đã từng là địa điểm mà những lãnh chúa trong lịch sử, những người lãnh đạo của đất nước đã chia quốc gia ra làm hai miền. Sông Gianh là nơi mà dòng lịch sử Việt Nam đã có cả một thời gian cắt đôi đất nước. Lưu vực Sông Gianh cũng là nơi mang lại cho lịch sử Việt Nam khá nhiều những tên tuổi.

Sáng nay tôi ngồi nghe người dân trong ngôi làng trên bờ Sông Gianh nói chuyện bên tách cà-phê đậm đặc rất Quảng Bình. Người nói chuyện với tôi hôm nay là một cụ ông đã hơn tám chục tuổi. Cụ ngồi nói chuyện về quê hương của mình một cách say mê. Có lẽ, trong bao nhiêu năm qua, chưa có ai hỏi và ghi chép những câu nói của cụ một cách tỉ mỉ như tôi, do đó ông cụ như càng như được thổi vào luồng khí hứng khởi. Cụ nói nhiều hơn, rõ hơn với những người đang ngồi đối diện với cụ.

Cụ ông lấy tay nâng cốc cà phê sữa đá mà nhấm nháp. Cà-phê của vùng sông nước Quảng Bình  này có cách pha khá đặc biệt nên ngon và đậm đặc hương vị nơi đây. Nhưng ngon hơn, và lý thú hơn có thể nói vẫn là câu chuyện về sự hình thành của ngôi làng có tên là Tân Mỹ mà cụ ông đang hứng thú kể lại.

Làng Tân Mỹ trong bản đồ du lịch còn có cái tên độc đáo hơn, Cửu Đỉnh. Phải là nơi của những con người mà vua chúa tin dùng để trú ngụ và chấn giữ mới có thể có được cái danh Cửu Đỉnh trong đó. Đồn biên phòng được xây dựng nằm ngay trên mũi của Cửu Đỉnh. Cụ ông nói chuyện rất tự tin. Hình như cụ biết rõ ta là truyền nhân của những con người trong cái thủa mang gươm đi mở cõi năm xưa.

“Làng này có nhiều đặc điểm mà ‘cha’ sẽ không thể tìm ra ở bất cứ nơi nào ở Việt Nam…” Ông cụ ở cái  tuổi gần tám mươi này nói chuyện với tôi, mặc dù tôi là người còn khá trẻ tuổi, nhưng ông cứ một mực phải gọi tôi là ‘cha’ vì biết tôi là Mục sư trong Hội Thánh và tôi đã tốn khá nhiều nước bọt để ngăn cản ông cụ không nên xưng hô với tôi như vậy. Nhưng tôi cũng đành chịu thua vì ông cụ cứ khăng khăng gọi tôi như vậy và bắt tôi phải đón nhận cái chức danh này.

Với chất giọng Quảng Bình, mới nghe thì khó hiểu cho nên tôi lại càng phải chú tâm lắng nghe cẩn thận hơn. Tôi không muốn bị đánh mất bài học lịch sử sống động của miền quê này. Người mới đến, mới tiếp xúc với những người bản xứ đất Quảng Bình, nếu không chú tâm, chắc sẽ không hiểu hết vì giọng nói của họ có chút khó nghe hơn. Khi không chú tâm lắng nghe đẽ đánh mất sự am tường về một mảnh đất lịch sử. Ít ai có thể biết về xuất xứ của quê hương ông nhưng khi nghe ông kể chuyện tôi càng nhận ra thêm, rằng lẽ ra ông và mọi người nơi đây không nói giọng Quảng Bình mà phải nói tiếng Nam Định mới đúng hơn.

dai-ly-ve-may-bay-tai-quang-binh-01

Tổ tiên của làng Tân Mỹ là một quận công có tên Nguyễn Phù Quốc. Nghe cái tên thôi cũng tưởng tượng ra con người và nhiệm vụ của ông. Năm xưa tướng quân Nguyễn Phù Quốc là đô đốc hải quân của nhà Trần đem quân đi đánh giặc. Sau khi dẹp xong giặc dã, Nguyễn Phù Quốc đã cho quân trở về lại quê hương miền bắc. Chính khi rút quân về theo đường biển mà quận công Nguyễn Phù Quốc mới ghé thăm và khám phá ra cả một vùng phì nhiêu của lưu vực Sông Gianh. Trên cao về phía tây thì có những dãy núi đá vôi sừng sững và rừng cây phủ kín hai bên bờ sông, mà bên dưới là đồng bằng phì nhiêu mầu mỡ. Đây là một khu vực đồng bằng rộng lớn, dưới sông thì đầy tôm cá, trên bờ là cả một lưu vực bao la cho con người cày cấy. Nhìn thấy cảnh sông nước và ruộng đồng mà nhà chiến lược Nguyễn Phù Quốc nhận biết, nơi đây phải là vùng đất cần có chủ. Ông không tìm được ai có tầm nhìn như vậy, và ông tự bản thân mình đem hoài bão trở thành hiện thực. Đoàn quân thắng trận về đến Nam Định, thay vì ở lại quê hương để hưởng phước lộc của nhà vua, Nguyễn Phù Quốc đã trình thư, nêu ý kiến cùng quốc vương và xin phép đem theo cả dòng họ Nguyễn ở Nam Định vào định cư nơi cửa Sông Gianh và ở đây ông đã cùng mọi người thân, phá rừng lập ấp, mở mang bờ cõi. Nguyễn Phù Quốc bỗng nhiên ông trở thành tổ phụ của toàn khu vực này, trên nền làng Tân Mỹ danh của ông vẫn con lưu lại. Ước gì tôi có thời gian để truy cứu gia phả và biết thêm có phải Nguyễn Hữu Cảnh, danh tướng lập nên đất Sài gòn-Gia Định có phải là cháu con của nhà Nguyễn Phù Quốc hay không.

Ngoài dòng sông sơn thủy hữu tình, thì Tân Mỹ còn có một độc đáo khác, đó là nguồn nước ngọt rất dồi dào. Cái đặc biệt của nguồn nước ngọt này là mặc dù xung quanh toàn vùng dẫu bị nhiễm mặn, nhưng dưới nền làng là cả một mỏ nước ngọt dư sức cung cấp cho cả làng. Người dân nơi đây còn có nguồn thu nhập từ nước ngọt để bán cho tầu bè thương thuyền cần nước ngọt vào mua.

“Nhiều người ở đây làm giầu vì họ có dịch vụ bán nước.” Cụ ông nói và cười cách hóm hỉnh. Ông cụ còn vui hơn, sảng khoái hơn khi nhìn thấy tôi nhận ra cái hóm hỉnh và cách chơi chữ rất ‘bắc kỳ’ này.

Làng Tân Mỹ đều theo đạo Công Giáo. Theo cụ ông thì Tân Mỹ cũng là nơi mà Công Giáo do linh mục, Lục Lộ (Alexander de-rhode,) đã đến và truyền giảng Phúc Âm cho mọi người ở đây. Có lẽ ông cụ người Công Giáo này cũng như bao nhiêu người trong thế gian, ai ai cũng có một niềm tự hào về miền quê của mình.

Sông Gianh khu vực làng Tân Mỹ chảy ra biển nước trong xanh thật là êm đềm. Câu chuyện quanh ly cà-phê giữa chủ và khách càng lúc càng thêm sâu đậm. Nhìn ông cụ gần tám mươi nhâm nhi cà-phê mà tôi bỗng nhiên chợt nhớ. Đâu cần phải là ngày xưa thời nào đó xa xôi, chỉ cách đây năm chục năm thì ở đây có ai được uống cà-phê và biết thưởng thức hương vị của cà-phê là gì? Cà-phê là loại ẩm thực mà chính người Pháp đã có công đem đến và ảnh hưởng đến ẩm thực của người Việt. Ngay cả người Pháp cũng bị ai đó mang cà-phê đến và ảnh hưởng ẩm thực của họ, vì cà-phê xuất phát từ rừng núi Ê-thi-o-pia.

Không cần biết là đã ai mang cà-phê đến nơi đây nhưng những người miền quê của Nguyễn Phù Quốc đã nhanh nhẹn học hỏi,  cập nhật, và họ đã phát huy tối đa để làm cho cà-phê không phải chỉ ngon mà nó còn mang vẻ đậm đặc hơn cả cà-phê Sài gòn, Nha Trang, hay Hà Nội, Hải Phòng… Hậu duệ của Nguyễn Phù Quốc đã bôn ba khắp nơi trên thế giới, họ đã đi xa hơn những gì mà người sáng lập ra quê hương này mơ tưởng. Cha ông của họ đã dám rời Nam Định để vào đây, có nghĩa là, tổ phụ của vùng đất này đã dám biến tư duy thành hành động. Họ biết nghe theo tiếng gọi của con tim và bước đến với hành động, họ dám ra đi về vùng đất mới.

Nhưng quê hương của Nguyễn Phù Quốc có thể làm hơn với những gì mà hạt giống của Phúc Âm đã được gieo vào trong lòng người dân nơi đây? Chắc có lẽ câu hỏi này cũng phải dành riêng cho người ở Cửu Đỉnh trả lời. Chợt nghe, cứ tưởng lịch sử đã đi qua rất lâu, nhưng với Đấng làm chủ thời gian thì lịch sử quả thật là rất ngắn. Áp-ra ham năm xưa ra đi và mãi bốn trăm năm sau người Do Thái mới được trở về với miền đất hứa. Nguyễn Phù Quốc đến đây, trải qua mười tám đời Quận Công, và những công thần nơi đây đã đến với Chúa và nhận ra vùng đất đầy hứa hẹn này.

Hôm nay ngồi ở đây trên bờ sông của lịch sử với tách cà-phê mà tâm trí tôi như chạy nhanh về với dĩ vãng của quê hương. Không phải cụ ông Nguyễn Phù Quốc đã là một quận công được vua nhà Trần tin dùng? Không phải vùng đất Nam Định của ông là nơi ông có thể an nghỉ với những thành công? Không phải trên quê hương đó là nơi chôn nhau cắt rốn của mình? Không phải đó là nơi mà ông có thể lưu danh muôn thủa là một võ tướng được triều đình tin dùng?

Ông đã có tất cả nhưng có lẽ ông cũng như Áp-ra-ham năm xưa bỗng nhiên như nghe lời Chúa gọi mà ra đi để tìm một thành phố, một thành phố không phải chỉ cho hậu duệ có đất đai cày cấy mà là một thành phố của hy vọng cho mãi mãi sau này. Làng Tân Mỹ, trong danh sách lịch sử quốc gia thì không mấy khi nhắc đến, nhưng với Chúa, với những con người nơi đây thì sự đến và định cư nơi này vẫn là một sự quyết định đúng đắn của một con người dám bước ra để đến với những vùng đất mới.

Họ không muốn trở thành tốt mà là tốt nhất. Phải chăng lời Chúa hứa trong Thi Thiên 8 khi bảo rằng con người chỉ đứng sau mỗi Cứu Chúa mà thôi, ta chỉ “second best” sau Đức Chúa Trời. Và sau Ngài, ta còn cao hơn, vượt xa hơn cả những thần, những tượng, những gì của tôn giáo loài người. Khi chúng ta dám bước ra và hành trình cùng Chúa là khi biết đứng nép sau bóng toàn năng của Ngài để rồi chinh phục thế gian cho Ngài như lời Ngài phán bảo (Sáng Thế Ký 1:28.)

Làng Tân Mỹ và Cửu Đỉnh nay đã là tiền đồ, nhưng cái nguy hiểm nhất của tiền đồ đó là nó đã trở thành một dải cát kết tủa, một con người  mở cõi năm xưa chỉ còn nằm trong ý nghĩ, con cháu đã không còn cái khí thế của một Nguyễn Phù Quốc sẵn sàng ra đi mở nước.

Con cháu và hậu duệ của những con người có hiếu phải là những con người không chỉ nắm bắt được tâm trí của người đi mở cõi mà là những con người dám bước ra khỏi những suy nghĩ quẩn quanh của một vùng miền mà ta là hậu duệ, có gia sản để có thể hưởng thụ.

Năm xưa tiền nhân ở đây đã đi mở đất để làm rạng danh tổ tiên thì hôm nay con cháu đã có được cái tâm của Cứu Chúa, sẽ mở mang cho dân tộc với một nền văn hóa của Cứu Chúa. Mấy triệu người đang ở hải ngoại, bao nhiêu những con người đang có tâm hồn, họ là những người tốt, nhưng nếu chỉ tốt không thôi vẫn chưa đủ, không bao giờ hoàn toàn tốt trước mặt Chúa, mà con người chỉ tốt khi dám bước đi theo Ngài. Bởi vì người tốt như Áp-ra-ham đã vượt qua cái tốt trần phàm mà đến với cái tốt là trung tín theo lời Chúa gọi và cái tốt của ông đã được mệnh danh, Thánh Kinh gọi ông là ‘bạn của Đức Chúa Trời’. Ông chỉ là bạn của Chúa khi ông cứ tiếp tục vận hành cùng Chúa vì Ngài là đấng đồng hành cùng ông.

Giòng sông Gianh đang cuốn nước trôi suôi, con sông dài với 155 Km, Linh Giang là tên gọi xưa kia của nó mà năm 1672 đã làm nơi đặt danh giới giữa hai miền, chúa Nguyễn chiếm cứ phía đàng trong và chúa Trịnh cát cứ phía đằng ngoài. Nơi đây cũng là nơi mà Phúc Âm của Chúa đã đến với người dân Việt, cái tên Thiên Chúa Giáo đã được ấn định nơi đây.

Trong sách và trong bản đồ của người Việt không mấy nơi muốn ghi tên của Thiên Chúa Giáo, nhưng dù con người muốn xóa, muốn thay đổi thì nỗ lực của họ vẫn chỉ vô nghĩa bởi vì nếu Phúc Âm là của con người nặn ra, không có thần quyền thì La Mã với sức mạnh phi thường của một đế quốc năm xưa với những cuộc đàn áp đẫm máu đã có thể xoá sổ ảnh hưởng của Phúc Âm của Chúa. Nhưng không! Vì Phúc Âm là sự mặc khải của Đức Chúa Trời do vậy, Phúc Âm không sợ bất  kể một thế lực nào. Thế lực là của thế gian để áp chế những gì của thế gian. Quyền năng của Đức Chúa Trời là để ảnh hưởng tất cả mọi thế lực.

Giòng sông Gianh vẫn luôn luôn chảy, nước từ dãy Trường Sơn vẫn trôi theo con sông, và nguồn nước ngọt vẫn luôn luôn dồi dào cho người dân bơm lên để dùng, nhưng Phúc Âm có còn chảy ra từ Cứu Chúa đi vào lòng người hay không, hay Phúc Âm của Cứu Chúa đã bị phong tỏa bởi phong tục, tập quán và những bộ óc tôn giáo đã ép dòng chảy của Phúc Âm trở thành thứ tồn đọng? Câu hỏi này người Tân Mỹ sẽ phải trả lời.

Như cà-phê chưa bao giờ là văn hoá ẩm thực nơi đây. Nhưng người Tân Mỹ đã học tập và cập nhật, họ cập nhật rất nhanh những gì của thế gian nhưng liệu họ có cập nhật những gì của Thiên Chúa hay không? Đây cũng là câu hỏi mà người dân Tân Mỹ không thể không đáp trả. Phúc Âm cũng đã đến nơi đây liệu người ta có học hỏi và áp dụng chỉ dẫn của Chúa trong Thánh Kinh, như cách mà họ đã vận dụng cho những ly cà-phê sữa đá, thành sảm phẩm đậm đặc trong cách uống của người Tân  Mỹ trên bờ Sông Gianh? Mạch nước ngầm thơm ngọt dưới nền của làng Tân Mỹ có phải là biểu tượng mà Cứu Chúa năm xưa đã nói cùng người Do Thái, trong Tin Lành Giăng 7:38-39

Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy. Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ Đức Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển.

Cũng như cá nhân tôi đã nghe về Sông Gianh, nghe về Quảng Bình, nghe nhiều và đọc nhiều nhưng chỉ khi đến đây, được tiếp cận với những con người và biết thêm những gì mà trước đây tôi chỉ nghe qua ai đó, hay học giả nào đó. Người ta nghe về Chúa và không ở trong Ngài để Thánh Linh của Chúa soi sáng cho cuộc sống thì người dân Tân Mỹ cũng như mạch nước ngầm của Tân Mỹ cứ mãi mãi chảy mà không ai biết sử dụng. Nước ngầm Tân Mỹ cứ tuôn tràn và biểu tượng của Cứu Chúa và Thánh Linh của Ngài cũng sẽ tuôn tràn để làm thỏa cái khát của mọi người nơi đây. Biết đâu một ngày nào đó, mọi người ở muôn nơi lại chẳng đổ về Tân Mỹ để tận hưởng nguồn phước từ trong Cứu Chúa như họ đang đỗ về đây để thưởng thức mạch nước ngầm đang ngày đêm không ngừng chảy. Liệu dòng Linh Giang như trong sách vẫn gọi có thể là nơi mà nhiều người, muôn người chưa biết rõ cội nguồn của thuộc linh đến đây và nhận ra, trong Chúa, mới thật là dòng Linh Giang cho mọi thời đại.

Cô gái hôm qua nay đã trở thành con gái cưng của gia đình tôi, và là của nhà Chúa. Sự quay trở lại với Chúa và biết rõ năng quyền của Phúc Âm, qua Đấng Thánh Linh là một cuộc cách mạng trong tâm linh của cô. Cô ta không sống cho cái vỏ của tôn giáo như năm xưa, mặc dù bên ngoài, vẫn con người bình thường ấy, nhưng trong tâm linh, cô đã được Cứu Chúa làm mới lại để cô mãi mãi thuộc về Ngài. Một con én tuy không thể làm nên mùa xuân, nhưng sự hiện diện của nó cũng là sự báo hiệu cho một mùa xuân đang tới.

UÔNG NGUYỄN   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn