Trong đêm Chúa Cứu Thế giáng sinh, chúng ta nghe ban hát thiên thần ca bài thánh ca đầu tiên có mấy phiên khúc, “Sáng danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người Ngài thương.” Chúng ta đã suy nghĩ trước hết đến cõi trời và ý nghĩa của câu hát sáng danh Thiên Chúa trên trời. Bây giờ chúng ta cần suy nghĩ đến nhu cầu dưới đất với câu hát, “Bình an dưới thế cho người Ngài thương.” (Lu-ca 2:14). Bài hát thật đầy ý nghĩa.
Chữ bình an (peace) trong tiếng Do Thái là shalom. Chữ nầy còn có ý nghĩa sâu xa hơn là chuyện không có chiến tranh, không có khổ nạn. Khi hai người Do Thái chính cống gặp nhau, họ chào nhau bằng chữ Shalom và khi từ giã nhau họ cũng nói Shalom. Cùng với nghĩa bình an, chữ nầy còn mang theo ý khỏe mạnh, thịnh vượng, an toàn, hoàn tất, hòa hợp, và hoàn thành. Bình an là sống đầy đủ và thỏa lòng.
Lễ giáng sinh là lễ đầy màu sắc bình an. Thầy tế lễ Xa-cha ri nhìn thấy trong Hài Nhi thánh ánh sáng “soi dẫn chúng tôi đi đường bình an” (Lu-ca 1:78). Sự bình an cũng đụng đến sự chết bình an như cụ già Si-mê-ôn đã cầu, “Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi tớ Chúa được qua đời bình an” (Lu-ca 2:29). Con người muốn bình an, Chúa cũng muốn bình an cho cả thế giới.
Để có thể vui hưởng sự bình an Chúa ban cho tấm lòng và cho gia đình, xã hội, chúng ta nghe lại ý nghĩa những lời loan báo bình an được nói đến trong Kinh Thánh:
Lời loan báo bình an của các thiên sứ
Lời loan báo bình an của Chúa Giê-su
Lời loan báo bình an của đám đông
Lời loan báo bình an của vị tiên tri.
Lời loan báo bình an của các thiên sứ
Trong đêm thánh, trên trời cao có tiếng hát vang lừng, “Sáng danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Ngài thương.” Câu nầy có nhiều bản dịch khác nhau. Câu nầy có liên quan đến ân điển Chúa và dành cho tất cả mọi người nam nữ, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, lớn nhỏ… Ân điển là ơn ban của Trời dành cho người mặc dầu mọi người đều không xứng đáng.
Trước khi Chúa dựng con người, đàn ông rồi đàn bà, Ngài đã dựng nên các thiên sứ để thờ phượng và phục vụ Ngài, nhưng có một số vị thiên sứ đã nổi lên phản nghịch và đã bị đày xa khỏi thiên đàng (2 Phi-e-rơ 2:4; Giu-đe 6). Chúa Cứu Thế không đến thế gian để cứu các thiên sứ sa ngã đó (Hê-bơ-rơ 2:16) nhưng đế cứu loài người tội lỗi. Vậy mà các thiên sứ lại ca ngợi Đức Chúa Trời về ân điển của Ngài dành cho loài người.
Trong dòng lịch sử của loài người, chúng ta thấy “hòa bình dưới đất” không có nhiều, ngày nay hòa bình càng không nhiều. Trải qua các thế kỷ, người ta ước lượng rằng thế giới có ít hơn 10% thời gian hòa bình và hàng ngàn hiệp ước hòa bình đã được ký và đã bị các lãnh đạo quốc gia phá đổ.
Lời loan báo bình an của Chúa Giê-su
Chúa Giê-su hỏi, “Các người nghĩ ta đã đến để đem hòa bình cho quả đất?” (Lu-ca 12:51). Đây là những lời lạ lùng trên môi của Chúa Cứu Thế, và trước đó Ngài đã nói, như đã chép trong Ma-thi-ơ 10:34, khi Ngài thêm, “Ta đến không đem hòa bình, nhưng gươm giáo.” Lời tuyên bố nầy trong Ma-thi-ơ là một phần của bài giảng truyền lịnh khi Ngài sai mười hai sứ đồ ra đi phục vụ dân Do Thái. Ngài muốn các sứ đồ hãy cảnh báo những người theo đạo rằng họ phải trả giá để theo Ngài. Bài giảng sách Lu-ca thì cảnh giác tất cả các tín hữu ngày nay phải sẵn sàng cho sự va chạm nghiêm trọng trước ngày Chúa tái lâm.
Chúa Giê-su có thể được gọi là người gây chia rẽ lớn. Khi còn ở dưới thế, người ta đã chia rẽ ý kiến về Ngài là ai và Ngài đến để làm gì (Giăng 7: 43; 9:16; 10:19). Họ dễ dàng phân biệt dấu hiệu thời tiết nhưng không phân biệt được dấu hiệu của thời đại (Lu-ca 12:56). Đức Chúa Trời đã đến thăm chính giữa họ mà họ không nhận biết Ngài và không tiếp nhận Ngài (19: 41-44). Trên thế giới có hai hạng người: những người được cứu và những người bị hư mất. Người được cứu vì đã tin nhận Chúa Giê-su. Người bị hư mất gồm những người không nghe về Chúa hay cả những người đã nghe và khước từ Chúa Giê-su. Thế giới không có hòa bình, chúng ta có hy vọng gì không?
Lời loan báo bình an của đám đông
“Đáng ngợi khen Vua nhân danh Chúa mà đến! Bình an ở trên trời, và vinh hiển trên các nơi rất cao!” (Lu-ca 19:38). Đây không phải lời tuyên bố của các thiên sứ nhưng lại là của đám đông Do Thái nhân ngày thánh nhật. Họ tuyên bố, “Bình an ở trên trời.” Tại sao như vậy? Tại vì thiên đàng là nơi duy nhất biết đến bình an thật, và đó là vì công tác đã hoàn thành của Chúa Giê-su trên thập tự giá.”
Tại sao thế giới không có hòa bình? Tại vì dân chúng đã khước từ Chúa Cứu Thế và đã chống nghịch lại với Đức Chúa Trời. “Những điều chiến đấu tranh cạnh trong anh em bởi đâu mà đến? Há chẳng phải từ tình dục anh em vẫn hay tranh chiến trong quan thể mình sao?” (Gia-cơ 4:1). Dân chúng các nơi tranh chiến với nhau là vì họ đang có chiến tranh trong lòng, họ có chiến tranh trong lòng vì họ đang có chiến tranh với Đức Chúa Trời. Người Mỹ có câu nói rất hay là quả tim của mọi vấn đề là vấn đề của mọi quả tim. Sách Mác ghi lại lời Chúa Giê-su mô tả quả tim con người: “Hễ sự gì từ người ra, đó là sự làm dơ dáy người! Vì thật là tự trong, tự lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, tà dâm, tham lam, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt ganh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. Hết thảy những điều xấu ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ dáy người” (Mác 7:17-23). Kinh Thánh mô tả lòng người là gian dối nhất và vô phương cứu chữa (Giê-rê-mi 17:9).
Chúng ta hãy trở lại với lời loan báo nguyên thủy của các thiên sứ: “Sáng danh Thiên Chúa trên trời, hòa bình dưới thế cho người Ngài thương.” Đây không phải là lời cầu nguyện hay cầu chúc, đây là lời tuyên bố về một sự kiện. Đức Chúa Trời không cứu người ta vì họ làm việc gì đó đáng để được ơn với Trời nhưng là vì Chúa ban ơn trước cho họ trong Chúa Cứu thế để ai tin cậy Ngài thì được cứu rỗi. Thông điệp nầy dành cho tất cả mọi người, cả người Do Thái lẫn người ngoại bang.
Bởi vì Chúa Giê-su đã đến thế gian, đã sống một đời trọn vẹn, đã chết vì tội chúng ta, đã sống lại và đã thăng thiên về trời, nên thế gian đã làm hòa lại với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã có thể sai Con Ngài đến để phán xét thế gian, nhưng bởi ân điển của Ngài, Ngài đã sai Chúa Giê-su đến để tìm cứu các tội nhân (Giăng 3:17). Qua sự làm chứng của Hội Thánh, Đức Chúa Trời đang nài nỉ các tội nhân hãy tin cậy Con Một của Ngài để họ được làm hòa với Ngài. “Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và đã giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta. Vì chưng Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài, chẳng kể tội lỗi cho loài người, và đã phó đạo giảng hòa cho chúng tôi” (2 Cô-rinh-tô 5:18-19). “Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta” (Rô-ma 5:1). Có sự bình an trong lòng và trong đời sống của người tin Chúa bởi vì thiên đàng có bình an và Đức Chúa Trời của bình an đang dầy dẫy lòng chúng ta với “tất cả sự vui mừng và bình an … nhờ quyền phép của Đức Thánh Linh” (15:13). Trên thiên đàng có sự bình an là nhờ ân điển Chúa, vì ân điển và bình an đi đôi với nhau. Bạn có biết không trong 16 sách Tân Ước, chúng ta thấy lời cầu nguyện ân điển và bình an ở cùng anh em luôn mở đầu các sách.
Lời loan báo bình an của vị tiên tri
“Ngài sẽ được xưng là … Chúa Bình An” (Ê-sai 9:6). Một ngày kia trên khắp thế giới sẽ có hòa bình khi Giê-su Christ, Hoàng Tử Hòa Bình, trở lại và cai trị trên vương quốc của Ngài. “Quyền cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đa-vít và trên nước Ngài, đặng làm cho nước bền vững, và lập lên trong sự chánh trực công bình, từ nay cho đến đời đời. Thật, lòng sốt sắng của Đức Giê-hô-va vạn quân sẽ làm nên sự ấy!” (Ê-sai 9: 6). “Thần từ nơi cao được rải xuống khắp trên chúng ta, đồng vắng biến thành ruộng tốt, ruộng tốt được kể như rừng rậm. Công bình sẽ sanh ra bình an, trái của sự công bình sẽ là yên lặng và an ổn mãi mãi. Dân ta sẽ trú trong chỗ bình an, trong nhà yên ổn và nơi nghỉ lặng lẽ” (Ê-sai 32:15-18). “Ngài sẽ làm ra sự phán xét giữa nhiều dân, đoán định các nước mạnh nơi phương xa; và họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm; nước nầy chẳng giá gươm lên nghịch cùng nước khác, và cũng không tập sự chiến tranh nữa” (Mi-chê 4:3).
Ngày nay người tin Chúa đang vui hưởng sự bình an trong lòng ngay trên thế giới nầy vì sự bình an là một bông trái của Đức Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22). Và nếu chúng ta biết cầu nguyện và cảm tạ Chúa, thì sự bình an của Đức Chúa Trời sẽ cai trị lòng và ý tưởng chúng ta (Phi-líp 4:6-7). “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài” (Ê-sai 26:3).
Sau khi Chúa Giê-su phục sinh, Ngài đã đến gặp các môn đồ và chào họ, “Bình an cho các ngươi!” Rồi Ngài chỉ cho họ xem tay và sườn với dấu đinh (Giăng 20:19-20). Tại sao Ngài làm như vậy? Tại vì sự bình an chúng ta có được ngày nay là nhờ Chúa Giê-su đã trả giá đắc “bằng máu Ngài đã đổ ra trên thập tự giá” (Cô-lô-se 1:20). Nhưng rồi Chúa Giê-su lặp lại lời chào, “Bình an cho các ngươi… Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh” (Giăng 20:21-22). Đây là sự bình an của Đức Chúa Trời mà sứ đồ Phao-lô đã viết trong Phi-líp 4:6-7, và Chúa truyền đạt sự bình an nầy khi chúng ta bước đi trong Thánh Linh, khi chúng ta cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa.
Dầu chung quanh chúng ta thế giới có bất an, nhưng chúng ta không sợ, vì chúng ta đang có Chúa Bình An trong lòng. Hãy suy nghĩ đến câu nói của một nhà lãnh đạo, “Muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh.” Có lẽ vì đó mà hiện nay trên thế giới nước nào cũng đang để dành tiền cho ngân sách quốc phòng. Họ đua nhau vũ trang. Ngày nay người ta còn mang màu sắc tôn giáo để chiến tranh, để giết người khác không theo đạo của mình. Thế giới loài người thật bất an. Nhiều người đang bị Ma quỷ cầm tù, xui khiến mà không biết. Họ đã quên Ông Trời. Họ quên ngày phán xét. Nhiều người đang cần được giải thoát. Bạn có biết chính bạn đang cần được giải cứu linh hồn không? Tôi tin giảng Tin Lành để người có tội trở lại thờ Trời và được giải hòa với Trời là một giải pháp tốt nhất.
Thế giới chỉ có bình an khi lòng người có Chúa bình an. Bạn đang có Chúa ngự trong lòng mình chưa?
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ