Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / VĂN HÓA VÀ ĐỜI SỐNG

VĂN HÓA VÀ ĐỜI SỐNG

Mục sư Nguyễn Văn Huệ

Cuộc cách mạng Khoa Học Kỹ Thuật phát triển không ngừng đã đem lại ích lợi cải thiện cho đời sống nhiều người. Khoa học Không Gian đang đưa những nhà thám hiểm lên các trạm không gian, đặt chân lên mặt trăng, rồi đưa phi thuyền lên sao Hỏa. Chúng ta không thể tưởng tượng tương lai thế giới sẽ ra sao. Nhưng mãi mãi con người vẫn có khát vọng tìm hiểu, khám phá và chinh phục thế giới. Với viễn vọng kính tối tân, con người đã ngắm nhìn được hình ảnh thế giới xa xôi, đã biết đến vũ trụ mênh mông với hàng hà sa số… tỷ tỷ ngôi sao… Mới đây tôi có nhìn thấy tấm hình trên một tạp chí Anh Ngữ, tấm hình chụp một thiên hà với vô số ngôi sao nằm sát nhau theo hình bầu dục giống như lòng bên trong của một bàn tay duỗi ra. Tạp chí vẽ một mủi tên chỉ vào một chấm nhỏ trong thiên hà đó. Tôi thấy một dòng chữ: “You are here!” (Bạn đang ở đây!). Đó là quả đất của chúng ta. Quả đất giữa thiên hà. Nhưng quả đất của chúng ta cũng chỉ giống một hạt cát li ti trong vũ trụ. Vũ trụ to lớn bao la còn con người nhỏ bé biết bao.

Ngày xưa khi nhìn ngắm lên bầu trời đầy sao, Vua Đa-vít đã nói: “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi 19:1). Và khi nghĩ đến thân phận con người mình, ông ngạc nhiên nói: “Khi tôi nhìn xem các từng trời là công việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt. Loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa thăm viếng nó? (Thi 8:3-4).

Có thể nói nước Mỹ là một nước tin Chúa, được Chúa nhớ đến và thăm viếng. Những người tỵ nạn di dân đến Mỹ cũng được Chúa ban phước. Hàng triệu người Việt và gia đình đang sống định cư tại nước Mỹ tạo thành cộng đồng dân Việt ổn định thành công hôm nay.

Giữa cộng đồng người Việt đang được định cư ở nước Mỹ, tôi thấy nhiều gia đình đã có tài sản và cuộc sống thành công không thua gì đời sống những người sống lâu năm ở Mỹ. Nhiều người Việt đã trở thành công dân Mỹ, ai nấy có công ăn việc làm, có con cháu thành đạt với những bằng cấp cao, các chức nghiệp và địa vị tốt trong xã hội. Có người đã lập Công Ty, Business riêng, có người được bầu làm Thị Trưởng, Dân Biểu. Sức mạnh lá phiếu người Việt đang được xã hội quan tâm.

Nước Mỹ đang đón nhận sinh viên từ các nước đến du học nhiều nhất trên thế giới. Nhiều gia đình giàu có ở các nước đã tìm cách đem tài sản, con cái trong gia đình đến sống ở Mỹ. Những sản phẩm “Made in USA” đang được ái mộ, thông dụng. Người di dân nào đến Mỹ cũng đều muốn được trở thành công dân nước Mỹ. Gia đình tôi có bà mẹ già 95 tuổi mới đây cũng đã thi đậu vào Quốc Tịch Mỹ và đang hưởng đầy đủ các phúc lợi như một công dân Mỹ. Sống được ở Mỹ nhiều người không muốn sống ở đâu khác. Nhiều người ở trên thế giới đang suy nghĩ đến “American Dream” (Giấc Mơ Nước Mỹ). Tại sao vậy? Tại vì người Mỹ tin Chúa, vâng theo Đạo Chúa và Chúa đang ban phước cho nước Mỹ. Nhưng an ninh nước Mỹ vẫn không thể bảo đảm an ninh cho bạn. Mỗi người Mỹ vẫn cần nhờ cậy Chúa, sống đẹp lòng Chúa; bạn và tôi cũng vậy. Chúng ta cần Chúa như cần hơi thở. Hy vọng bạn không quên sự thật nầy.

TÔI KINH NGHIỆM ĐỨC TIN CƠ-ĐỐC

Gia đình tôi được Hội Thánh Báp-tít Đức Tin ở Dallas, vốn là những tín hữu người Việt đến Mỹ trước từ 1975, bảo lãnh mời qua Mỹ phục vụ Hội Thánh. Đến nay được 18 năm qua. Tôi đã nghe nhiều, thấy nhiều và kinh nghiệm nhiều về đời sống ở Mỹ. Tôi được tiếp tục học, đọc sách, phục vụ và có cơ hội phát triển tài năng Chúa ban. Tôi nhớ trong mấy năm mới đến Mỹ, có lần tôi đã được Hội Đồng Thành Phố Dallas mời cầu nguyện khai mạc cho nhiệm kỳ phục vụ của họ. Có lần tôi được Đài Truyền Hình ABC mời phỏng vấn về quyết định của Tổng Thống Clinton nối lại bang giao với Việt Nam. Tôi được học bỗng toàn phần của một Hội Thánh người Đại Hàn để học chương trình nghiên cứu Kinh Thánh tại Đại Chủng Viện Thần Học Dallas (DTS) và tôi đã tốt nghiệp năm 1999. Cùng lúc vừa học vừa làm, tôi đã cùng các tín hữu Hội Thánh xây dựng được nhà thờ, hội trường, nhà sinh hoạt thanh niên. Tôi cũng tiếp tục xây dựng được Đặc san Hướng Đi, Hội Từ Thiện Hướng Đi và mới đây thành lập được Viện Đào Tạo Môn Đồ với chương trình Môn Đồ Hoá dành cho mọi tầng lớp tín hữu Việt Nam. Các tài liệu học hành đều được Việt Hoá thích hợp với mọi người muốn học. Bạn có thể bắt đầu bằng quyển sách giáo khoa: “Tôi Muốn Biết Chúa.”

Tôi suy nghĩ nếu tôi không được đi Mỹ và sống ở Mỹ, tôi sẽ không được tự do làm được những việc như tôi đang làm hôm nay, hợp với lý tưởng Cơ-đốc. Người Việt có tiềm năng to lớn để làm được nhiều việc lớn nếu được sống trong không khí tự do. Người Việt tha hương có cơ hội làm được nhiều việc tốt đẹp cho quê hương.

Mặc dầu trong thập niên qua, xã hội Mỹ có thay đổi hơn sau biến cố 9/11 khi Chúa có cách cảnh cáo nước Mỹ. Đời sống có bất tiện hơn khi chúng ta đi vào phi trường, an ninh được kiểm soát chặt hơn, nhưng nói chung mọi người đều vẫn được tự do, quyền con người được tôn trọng. Tự do là vốn quý của xã hội Mỹ. Xung quanh tôi, cuộc sống vẫn tiếp diễn bình an. Trẻ em vẫn được yêu quý, ưu tiên, yên tâm học hành, phụ nữ được tôn trọng, súc vật được mến chuộng, thiên nhiên được bảo vệ và người già cả được cấp dưỡng. Tôi chưa hề bị một người Cảnh Sát nào tra hỏi hay quấy rầy. Ngoài việc cẩn thận giữ gìn luật đi đường, tôi cảm thấy mình hoàn toàn được tự do đi lại, sinh sống. Tôi đang sống trong một xã hội tự do an ninh nhờ ảnh hưởng từ nền văn hóa Cơ-đốc. Hãy để ý trên đường chúng ta đi qua có bao nhiêu ngôi thánh đường lớn nhỏ? Có bao nhiêu người dân Mỹ đi thờ phượng Chúa hằng tuần? Mỗi năm người Mỹ vẫn giữ Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh, Lễ Mẹ, Lễ Cha, Lễ Tạ Ơn. Kinh Thánh vẫn được dịch mới và phát hành. Sách vở đủ loại đa dạng và dư dật. Thư viện không bị đóng cửa. Kiến thức con người luôn được nâng cao. Nền văn hóa Cơ-đốc khoan dung với tất cả các tín ngưỡng tôn giáo khác của người dân.

Khi suy nghĩ đến những gì mình và gia đình đang vui hưởng, tôi càng cảm ơn Chúa Giê-su Cơ-đốc vì chính nhờ Ngài và sự giáo huấn của Ngài mà thế giới chúng ta mới được như ngày nay. Kết quả nầy không phải tức thời mà thấy được nhưng là kết quả của một đời sống và đất nước tin cậy vâng lời Chúa. “Sau nầy con sẽ biết” vẫn là phương châm tin tưởng chờ đợi của tôi. Mỗi ngày tôi đọc Kinh Thánh, tôi cầu nguyện tôn vinh Chúa, tôi ngồi lắng nghe lời Chúa, tôi tin cậy Chúa. Và tôi được Chúa ban thưởng. Tôi kinh nghiệm sự bình an thật. Tôi có Chúa bình an trong đời sống. Không lạ gì khi gần đây tôi đọc tin thấy ở các nước Á Châu, Phi Châu, và các nước nghèo trên thế giới hiện nay có số người tin Chúa Giê-su Cơ-đốc càng ngày càng đông. Số người trở lại tin Chúa Giê-su giữa thế giới Hồi Giáo trong 15 năm qua đông hơn số người Hồi Giáo tin Chúa trong 15 thế kỷ qua. Chính Chúa Giê-su sống đang hiện ra với nhiều người qua khải tượng, qua chiêm bao. Theo thống kê của một tác giả, Tiến Sĩ James Denison, hiện mỗi ngày có thêm 82,000 người mới tin nhận Chúa ở các nước đang phát triển trên thế giới. Hiện trên thế giới đã có 1/3 nhân loại tin nhận Chúa, bước đi theo Đạo Chúa. Nhưng hai phần ba nhân loại vẫn chưa tin Chúa và chưa kêu cầu Chúa. Nhiều người vẫn chưa biết rằng tin theo Chúa sẽ được đổi đời. Từ tối qua sáng, từ mất đến còn, từ chết đến sống, từ thất vọng đến hy vọng, từ bất an đến bình an.

Khi suy nghĩ đến những người chưa tin Chúa, tôi cầu nguyện để họ nhìn thấy nhu cầu có Chúa trong đời sống mình là cấp thiết nhất và quan trọng nhất. Điều hiển nhiên đàng sau những hào nháng bên ngoài của xã hội văn minh, người không có Chúa trong lòng luôn cảm thấy bất an, vất vả, căng thẳng, vội vả và bận rộn hằng ngày chạy theo cuộc sống. Họ luôn cảm thấy cô đơn hơn, lo âu hơn, trống rỗng hơn và không thấy ý nghĩa của đời sống.

ĐỜI SỐNG CẦN CÓ VĂN HÓA

Mời bạn cùng tôi suy nghĩ và tìm hiểu thêm ý nghĩa của một đời sống có văn hóa.

Theo một từ điển tiếng Việt, “văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử và tiêu biểu cho trình độ mà xã hội đã đạt được trong từng giai đoạn về các mặt học vấn, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật, triết học, đạo đức, sản xuất…” (Từ Điển Hán Việt của Giáo Sư Nguyễn Lân). Văn hóa là những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử. Văn hóa là những hoạt động của con người nhằm thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần. Văn hóa là trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh. Theo tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc, văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc nầy khác với dân tộc kia. Văn hóa là tất cả những giá trị vật thể do con người sáng tạo ra trên nền của thế giới tự nhiên. Phát minh là quá trình tạo ra các yếu tố văn hóa mới. Chẳng hạn việc phát minh ra bóng đèn, máy nghe nhạc, điện thoại, máy bay, máy tính điện tử… có tác dụng rất lớn đến văn hóa và làm thay đổi cuộc sống của con người. (Trích WIKIPEDIA).

Là người Việt tha hương chúng ta hãy suy nghĩ đến việc lựa chọn lối sống theo nền văn hóa nào thích hợp nhất đối với đời sống chúng ta. Dù muốn hay không chúng ta cũng đang vui hưởng những thành quả văn minh của văn hóa Cơ-đốc. Chúng ta phải sống với nền văn hóa đang phát triển có giá trị hiện thực trên thế giới. Xem trái biết cây. Chúng ta cần tránh bớt những va chạm về văn hóa. Cũ hay mới. Đông Phương hay Tây Phương. Chúng ta có tự do. Chúng ta hãy sống tự do, mưu cầu hạnh phúc. Cũng nên nhớ có chân lý chúng ta mới có tự do thật.

VĂN HÓA THEO KINH THÁNH

Hãy cùng tôi suy nghĩ đến những giá trị của văn hóa Cơ-đốc. Đây là nền văn hóa có gốc rễ lâu đời nhất. Thế giới gọi đây là văn hóa Do Thái-Cơ-đốc (Judeo-Christian). Nền văn hóa Cơ-đốc lập nền tảng từ trên Kinh Thánh. Khi nói đến văn hóa Cơ-đốc là chúng ta nói đến những giá trị mà cả giới Cơ-đốc Giáo trên thế giới (bao gồm cả Công Giáo, Tin Lành, Chánh Thống Giáo) công nhận. Kinh Thánh là pho sách có giá trị nhất trên thế giới vì được in nhiều nhất, bán chạy nhất và được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới. Dân tộc Mỹ không quên những nhà lập quốc nước Mỹ đã xây dựng đất nước nầy trên những giá trị văn hóa theo Kinh Thánh. Cố Tổng Thống Ronald Reagan bình luận rằng, “Kinh Thánh chứa đựng tất cả các câu trả lời cho những vấn đề chúng ta đang đối diện.” Tổng Thống Reagan còn công bố năm 1983 là Year of the Bible (Năm 1983 là Năm Kinh Thánh). Còn Tổng Thống Abraham Lincoln thì gọi “Kinh Thánh là quà tặng tốt nhất Đức Chúa Trời từng ban cho loài người.” Tổng Thống Thomas Jefferson thì tuyên bố: “Tôi luôn nói rằng …. Những ai siêng năng đọc Kinh Thánh sẽ trở nên những công dân tốt hơn, và những người cha, người chồng tốt hơn.”

John Quincy Adams là Tổng Thống Mỹ. Ông đã chia sẻ những kinh nghiệm sau đây:

1. Hàng năm tôi đã thực hành và khiến việc đọc Kinh Thánh trở thành thói quen trong nhiều năm. – John Quincy Adams

2. Sự tôn kính của tôi dành cho Kinh Thánh lớn lao đến mức con cái tôi càng bắt đầu đọc nó sớm chừng nào thì tôi càng tin chắc rằng chúng sẽ trở thành những công dân hữu ích cho đất nước và những thành viên đáng tôn trọng của xã hội chừng ấy. – John Quincy Adams

3. Tôi nói với tư cách là một con người của đời nầy nói với những con người của đời nầy; tôi muốn rằng chúng ta hãy tra xem trong Kinh Thánh! Kinh Thánh là quyển sách dành cho mọi người, không phân biệt tuổi tác hay địa vị xã hội; không chỉ đọc qua một, hai, hay ba lần rồi để qua một bên, nhưng phải đọc từng phần nhỏ của một vài chương trong mỗi ngày, và chẳng nên bao giờ để cho điều nầy bị gián đọan, trừ phi có điều gì cần thiết hơn. – John Quincy Adams

ẢNH HƯỞNG TO LỚN VÀ BỀN BĨ NHẤT

Nền văn hóa Cơ-đốc rất to lớn, được tích lũy và ảnh hưởng trải qua rất nhiều đời, giống như một tảng băng đá cực lớn đang trôi trên đại dương. Người ta nói rằng 9 phần 10 của tảng băng là nằm dưới nước. Những gì chúng ta thấy để nhận biết tảng băng đang trôi trên mặt nước chỉ là 1 phần 10 của tảng băng đó. Ít người biết tảng băng không phải lúc nào cũng trôi theo luồng gió thổi. Thực ra, thật ngạc nhiên thay khi tảng băng thường trôi ngược với luồng gió thổi trên mặt biển. Tại sao vậy? Lý do là vì phần lớn tảng băng nằm dưới nước đang được điều khiển bởi dòng chảy mạnh mẽ của đại dương.

Ít người Việt biết rằng đàng sau nền văn hóa Cơ-đốc chúng ta đang thấy trên thế giới là sự vận hành của Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ. Con người quá nhỏ bé so với vũ trụ. Chúa của vũ trụ thật vĩ đại. Chúa đang điều khiển thế giới. Chúng ta cảm tạ Chúa vì Chúa vẫn còn thương xót loài người. Chúa không bỏ quên loài người. Chúa đối xử với nhân loại bằng ân điển chứ không phải bằng luật pháp. Ân điển là những ân ban Chúa cho trong khi chúng ta không phải là người xứng đáng nhận. Chúa thương xót chúng ta. Chúa vẫn bảo vệ chúng ta. Chúa có chương trình cho thế giới. Chúa cũng có chương trình cho mỗi một người trong chúng ta. Không một ai là xuất hiện tình cờ. Thế giới vẫn tiến tới theo hướng đi của Chúa vận hành dẫn đến tương lai.

NẾU DỒN DÂN SỐ THẾ GIỚI VÀO MỘT KHU LÀNG CÓ 100 NGƯỜI SỐNG, CHÚNG TA SẼ THẤY GIÁ TRỊ ƯU VIỆT CỦA NỀN VĂN HÓA CƠ-ĐỐC

-Có 57 người Á Châu

-21 người Âu Châu.

-14 người châu Mỹ.

-8 người Phi Châu.

-52 phụ nữ.

-48 đàn ông.

-Sáu người sở hữu 59% tài sản thế giới.

-80 người sống trong những ngôi nhà dưới tiêu chuẩn.

-70 người không biết đọc.

-50 người suy dinh dưỡng.

-Bao nhiêu người có trình độ Đại Học? -Một người.

-Bao nhiêu người có một computer? -Một người.

NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA VĂN HÓA CƠ-ĐỐC

Hãy cùng tôi nhắc đến một số biểu hiện của nền văn hóa Cơ-đốc đã đem lại kết quả mà chúng ta đang thấy chung quanh chúng ta.

– IN GOD WE TRUST (Chúng Tôi Tin Cậy Chúa). Đây là những chữ được khắc trên tòa nhà quốc hội Mỹ, được in trên đồng Mỹ Kim. Là National Motto của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

– SO HELP ME, GOD! (Xin Chúa giúp con!). Đây là lời kết của những bài diễn văn nhậm chức bởi những người trúng cử các chức vụ công quyền ở Mỹ.

– Mọi người sinh ra đều bình đẳng. “Mọi người được Đấng Tạo Hóa ban cho những quyền bất khả nhượng, trong số đó là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Mỗi cá nhân với thể xác và linh hồn là cao quý và đáng được tôn trọng.

– Lễ cầu nguyện. Tổng Thống Mỹ đến dự các lễ cầu nguyện ở khắp các nơi trong nước mỗi khi nước Mỹ gặp tai nạn (như khủng bố, thiên tai…). Cố Tổng Thống Abraham Lincoln đã chọn ngày 30 tháng 4 năm 1863 là Ngày Cầu Nguyện và Hạ Mình Toàn Quốc.

– Ngày lễ Tạ Ơn Chúa (Thanksgiving Day) tổ chức hằng năm trong cả nước. Trong ngày nầy người dân Mỹ trở về nhà thăm và sống chung vui với người thân của gia đình.

– Tinh thần yêu thương đón tiếp và giúp đỡ người tỵ nạn. Mỗi gia đình tỵ nạn đều được một gia đình hoặc một nhà thờ bảo trợ để sớm hội nhập với đời sống mới.

– Bảo hiểm Xã hội (Social Security). Duy trì những quyền lợi của xã hội mà mọi người dân được hưởng nhất là đàn bà, trẻ em, người lớn tuổi, người tàn tật, người mất khả năng lao động.

– Nghỉ ngày Chúa Nhật. Thường người dân Mỹ nghỉ cuối tuần vào ngày thứ bảy và ngày Chúa nhật. Trong ngày nầy người ta nghỉ ngơi, thờ phượng Chúa, giải trí, thể dục thể thao.

– Tôn trọng Chính quyền. Tôn trọng luật pháp. Giữ luật đi đường.

– Xây dựng Bệnh viện tốt nhứt đáp ứng nhu cầu chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho toàn dân.

– Giáo dục phổ thông bắt buộc (Tiểu Học và Trung Học).

– Phát triển nền giáo dục cộng đồng (Community College) và các Viện Đại Học.

– Tin tưởng và vâng giữ 10 Điều Răn.

– Yêu mến, ham đọc và làm theo Kinh Thánh.

– Kính Chúa Yêu Người.

– Hiếu kính cha mẹ. Đây là 1 trong 10 điều răn lớn do Chúa truyền.

– Kính trên nhường dưới.

– Kính già yêu trẻ.

– Coi người khác như tôn trọng hơn mình.

– Tôn trọng và cổ xuý tự do, nhân quyền.

– Tôn trọng các giá trị đạo đức của loài người.

– Tôn trọng và phát triển Khoa Học Tự Nhiên và Khoa Học Kỹ Thuật.

– Tôn trọng nhân tài và các sáng chế. Nghiên cứu và phát triển không ngừng.

– Bảo tồn thiên nhiên và các di sản văn hóa.

– Kính trọng Mục sư và các lãnh đạo Hội Thánh.

– Kính lão đắc thọ. Được phước sống lâu.

– Kính sợ Chúa và vâng phục các bậc cầm quyền.

– Xây dựng tinh thần làm việc gì cũng như làm cho Chúa.

– Làm cho người khác điều mình muốn người khác làm cho mình.

– Thích nói thật. Không thích nói dối.

– Thích làm việc thiện nguyện giúp người khác. Đóng góp chính cho các Hội Từ Thiện lớn nhất trên thế giới.

– Thích đọc sách báo. Thích dẫn con cái đến Thư Viện.

– Thích âm nhạc, ca hát. Tôn trọng bản quyền tác giả.

– Thích sáng tạo. Tôn quý bằng sáng chế.

– Thương người nghèo khó, tật nguyền, già cả.

– Tin tưởng ban cho là có phước hơn nhận lãnh.

– Tin tưởng gieo chi thì gặt nấy.

– Thường mở miệng xin lỗi, hoặc cám ơn.

– Thương người như thể thương thân.

– Giữ lời hứa.

– Giữ lòng thành thật.

– Giữ lương tâm thanh sạch.

– Ý thức và giữ các nét đẹp văn hóa, văn minh trong xã hội: làm việc thiện nguyện, đi đúng giờ, biết xếp hàng chờ đợi, giữ luật đi đường, không bóp còi inh ỏi, không tranh giành lấn lướt người khác, không chửi rủa, không đánh người…

Tất cả các lối sống và những giá trị đạo đức kể trên đều là do ảnh hưởng của nền văn hóa Cơ-đốc xây dựng nên. Hãy tưởng tượng thế giới mà không có văn hóa Cơ-đốc sẽ như thế nào?

VĂN HÓA CỦA ĐỨC TIN

Nước Mỹ ngay từ đầu ngày thành lập đã chọn xây dựng đất nước trên nền văn hóa Cơ-đốc. Đời sống văn hóa là kết quả của đời sống đức tin. Tàu Mayflower đến Mỹ năm 1620. Đây là nhóm người di dân đầu tiên từ Âu Châu đến nước Mỹ. Họ đi tìm tự do tôn giáo. Họ giải thích hành trình của họ nhắm mục đích tôn vinh Đức Chúa Trời và phát triển đức tin Cơ-đốc. Đức tin theo Thánh Kinh. Họ tin tưởng văn hóa Cơ-đốc. Họ bước đi theo mục đích mà Chúa chỉ đường. Ngay từ nhỏ, các trẻ em nước Mỹ được dạy học thuộc mục đích sau đây: “Mục đích của đời người là làm vinh hiển Danh Chúa và vui hưởng chính mình Ngài mãi mãi.” Đây là mục đích đời sống của mỗi người Mỹ áp dụng mãi cho đến hôm nay. Và đây chính là khởi điểm cho sự tồn tại và phát triển của nước Mỹ trong dòng lịch sử. Đức Chúa Trời luôn ban phước cho người tin Ngài.

Nước Mỹ được tồn tại, người tị nạn được tiếp đón, các dân tộc hiệp lại sống chung hoà bình, mọi người tôn trọng và giữ gìn quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đây là nền tảng của văn hóa Cơ-đốc. Văn hóa Cơ-đốc là văn hóa văn minh của thế giới. Một người dù đến từ bất cứ nền văn hóa nào, người đó cũng thấy mình có thể sống hoà hợp dễ dàng ở một nước có nền văn hóa Cơ-đốc. Nền văn hóa Cơ-đốc thích hợp với mọi người trên khắp thế giới.

VĂN HÓA CỦA MỐI LIÊN HỆ

Christianity-relationship-not-religion

Xây dựng văn hóa Cơ-đốc bắt đầu ở chỗ xây dựng một mối liên hệ. Not religion but relationship. Đó là mối liên hệ mật thiết giữa loài người và Đức Chúa Trời. Chúng ta liên hệ với Đức Chúa Trời bằng sự giao thông với Chúa Cơ-đốc, Con Một của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chép: “Chỉ có một Đức Chúa Trời và chỉ có một Đấng Trung Bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người là Đức Chúa Giê-su.” Chúng ta không thấy Đức Chúa Trời nhưng Ngài thấy chúng ta. Chúng ta thấy gần nhưng Chúa thấy xa. Đức Chúa Trời đã trở thành người qua Chúa Giê-su. Đức Chúa Trời có liên hệ rất gần với nhân loại chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta. Ngài đã đến thăm viếng chúng ta, Ngài chết thế tội cho chúng ta, Ngài chỉ đường đi lên thiên đàng cho chúng ta và Ngài hứa sẽ trở lại tiếp đón chúng ta. Văn hóa Cơ-đốc là văn hóa hy vọng. Sớm áp dụng văn hóa Cơ-đốc, chúng ta sẽ sớm thay đổi. Con em chúng ta được nhờ.

Nhưng Chúa tôn trọng quyền tự do quyết định của mỗi người chúng ta đến nỗi Ngài chỉ mời gọi và không ép buộc. Ngài đang mời gọi bạn: “Hãy đến xem, hãy theo ta, hãy học theo ta, hãy mang ách với ta, hãy cứ ở trong ta…” Giao thông với Chúa mỗi ngày giúp chúng ta sẽ trở nên giống như Chúa Cơ-đốc. Mỗi người tin Chúa được gọi là Cơ-đốc nhân. Mỗi Cơ-đốc nhân đều được Chúa biến đổi. Bạn đã trở thành Cơ-đốc nhân chưa? Hãy quyết định ngay hôm nay.

NẾU BẠN SỐNG ĐẾN 80 TUỔI…

Hãy suy nghĩ nếu tính đời sống bạn theo 16 giờ tỉnh táo trong ngày từ 6 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm nghĩa là đời sống của bạn bắt đầu lúc 6 giờ sáng và kết thúc vào 10 giờ tối.

-Nếu bạn 10 tuổi, thì bây giờ đang là 8 giờ sáng và bạn đã ăn điểm tâm xong.

-Nếu bạn 20 tuổi, thì bây giờ là 10 giờ sáng.

-Nếu bạn 30 tuổi, thì bây giờ là 12 giờ trưa.

-Nếu bạn 40 tuổi, thì bây giờ là 2 giờ chiều và bữa ăn trưa đã xong.

Đời sống bạn đã qua một nửa rồi.

-Nếu bạn 50 tuổi, thì bây giờ là 4 giờ chiều.

-Nếu bạn 60 tuổi, thì bây giờ là 6 giờ chiều và bữa ăn tối đang dọn ra.

-Nếu bạn 70 tuổi, thì bây giờ là 8 giờ tối, và bóng chiều đã buông.

-Nếu bạn 80 tuổi, thì bây giờ đã là 10 giờ tối và bạn đang chuẩn bị đi ngủ.

Bạn sắp mở mắt qua một thế giới khác và mở miệng cười khi gặp Chúa đang chờ bạn. Hoặc là bạn sẽ sực tỉnh, bàng hoàng, sững sốt, rồi khóc lóc đi vào chỗ tối tăm?

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ
VIETNAMESE MISSONARY INSTITUTE   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn