Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / LỜI KHUYÊN CỦA TỶ PHÚ

LỜI KHUYÊN CỦA TỶ PHÚ

loi

Pratt Industry là một trong những công ty có môi trường làm việc tốt nhất, tiền lương công ty trả cho công nhân hậu hĩnh vào dạng bậc nhất trong quốc gia. Nhờ thu nhập đó mà gia đình chúng tôi thật sự được an cư lạc nghiệp. Nhưng dù là lương cao, môi trường làm việc tốt, song tôi vẫn luôn luôn nuôi ý nguyện đổi nghề. Có lẽ ý nguyện vươn lên này đã là động lực chính để khiến tôi ban ngày thì đi làm trong công ty nhưng đêm đến tôi vẫn trao con cái cho bà xã để vào trường học bán thời, học những bộ môn mà tôi yêu thích, đam mê.

Ngoài học thần đạo để củng cố đức tin và tìm hiểu thêm về những điều cần thiết để môn đồ hóa người của Chúa, tôi vẫn thích mình học thêm để trở thành một ký giả. Ở quốc gia này tôi được trao cho những cơ hội để vươn tới và tôi không bao giờ bỏ lỡ cơ hội. Nghề viết văn và làm báo thì phải biết cách phỏng vấn và phải có thủ thuật riêng để moi tin tức. Những vị giáo sư trong môn báo chí ở đây thường vui cười và bảo rằng: “Nếu đem so sánh nhà báo với những nhà hoạt động tình báo, thì hai nghề này không khác nhau là mấy. Trách nhiệm của họ là đều phải đi săn tìm tin tức. Họ đều phải nghiên cứu tin tức một cách có chiều sâu và hết sức nghiêm túc với những tin tức mà họ săn được. Vì phải săn tìm tin tức cho nên họ đều phải mạo hiểm ngay cả nguy đến tính mạng của mình. Hai người này chỉ khác nhau ở chỗ là: bên hoạt động tình báo thì giữ kín những tin tức đã khám phá, còn các nhà báo thì sau khi khám phá ra cơ sở của nguồn tin, anh ta phải công bố tin tức đó ra càng nhiều càng tốt.” Đám học viên chúng tôi thật sự đều gật đầu đồng tình trong cách so sánh này và cảm thấy trách nhiệm của người truy tìm tin tức cho những tờ báo có tên tuổi cũng cam nguy, cũng mạo hiểm khôn lường.

Khóa học báo chí của tôi nay đã đến lúc kết thúc. Để lấy bằng tốt nghiệp và được cấp thẻ là nhà báo, mỗi học viên của trường đều phải phỏng vấn một số những nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng để viết bài và nhận thù lao. Giáo sư của trường đã “xi-nhan” cho hay rằng họ đã thực sự là những cộng tác viên gạo cội của những tờ báo lớn trong quốc gia này, do đó họ cam đoan là sẽ giúp cho bất kể sinh viên nào của trường có bài viết xuất sắc là sẽ được đăng trên các tờ báo để dần dần gây tên tuổi trong nghề và để có thu nhập lấy nghề nuôi nghề.

Động lực của họ thật đơn giản là: ‘Tên tuổi của quý vị… và mỗi bài báo khoảng từ năm đến sáu trăm chữ khi được chọn đăng trên các tờ báo lớn, tác giả của bản tin sẽ nhận được khoảng thù lao từ năm trăm cho đến sáu trăm đô la.’ Ái chà! Nghe đến tên tuổi của mình nổi lên trong làng báo chí…  trong những trang tin và được nhiều người đọc…, cái tôi đã thổi lên to quá cỡ, lại thêm một khoản tiền thu nhập khá lớn như vậy thì học trò nào mà chẳng háo hức. Nhưng điều kiện đưa ra cho sinh viên cũng khá khắc nghiệt. Vì nghề nghiệp chưa có cho nên sinh viên phải thực tập bằng cách tìm người có tên tuổi để phỏng vấn. Các giáo sư cũng chỉ cho đôi chút mánh khoé của nghề:

“Người mà quý vị phỏng vấn cho bài báo không thể là người vô danh. Họ phải là những gương mặt nổi tiếng trong quốc gia, hay ít nhất là trong cộng đồng. Ví dụ như: các chính trị gia có tên tuổi, các nhà khoa học lỗi lạc, những tay du đãng khét tiếng, hay những nhà tôn giáo, hoặc những tay tài phiệt hoặc những cô đào có tên tuổi…”

AA040013

Háo hức trong lớp học là chuyện thường tình nhưng khi về đến nhà tôi cũng phải vỗ trán mà tự hỏi: “Mình sẽ phỏng vấn ai đây? Khó trả lời quá.” Công việc trong công ty thì bận rộn mà mình lại ở rất xa những khu có nhiều người nổi tiếng, những người gây ảnh hưởng trong xã hội. Trong khi đó trong cộng đồng người Việt của mình thì lại chẳng có ai là người nổi tiếng để khi nhắc tới tên là thiên hạ đã biết ngay đến tiếng tăm của họ. Tôi đã có bài viết về các chiến binh Gherkha người Nepal, nhưng chẳng có lẽ cứ khoe mãi mấy anh lính Gherkha. Tôi phải có thêm vài tít những người có tên tuổi khác. Tôi đang cố loay hoay tìm người vì thời gian không cho phép tôi kéo dài. Hạn chót đang sắp đến.

Phỏng vấn người nổi tiếng quả là một việc vô cùng khó khăn, bởi vì người nổi tiếng thì cái tôi của họ càng to hơn, cho nên họ thường chỉ trả lời cho những ký giả đã có tên tuổ trong làng báo chí. Rồi họ cũng có lòng tham rất lớn, cho nên  những cuộc phỏng vấn đối với họ cũng không thể miễn phí mà phải trả tiền hàng chục ngàn đô-la, nhất là phỏng vấn cho đài truyền hình. Và lại rất thích  dành riêng tâm sự của họ cho những tờ báo nổi tiếng để nâng cao tên tuổi. Khi ký giả viết thư gửi cho người nổi tiếng để yêu cầu họ tạo cơ hội cho một cuộc phỏng vấn thì họ thường xem hồ sơ của ký giả để biết rõ ký giả này thuộc loại nào, có tên tuổi cho các tờ báo chạy tít lớn ở những trang quan trọng hay không? Nếu ký giả có tên tuổi, thì họ sẽ cho thư ký nhắn tin đồng ý, còn những ký giả cho tờ lá cải địa phương, hay đám sinh viên choai choai mới ra trường, vô danh tiểu tốt như tôi, mà lại là anh di dân mới đến đây thì chỉ cómơ mới có thể đến gần được họ.

Tôi biết rất rõ thân phận mình chỉ là một người tỵ nạn mới định cư, vốn liếng  tiếng Anh chỉ là second language, khi viết bài phải nhờ vợ sửa lên sửa xuống mới dám gửi đi. Tuy vậy tôi vẫn không hề chán nản và thường nuôi hy vọng rằng Chúa của tôi sẽ cho mình có một cơ hội. Tôi luôn thầm cầu nguyện là Chúa sẽ cho tôi có dịp để gặp mọt người nổi tiếng, làm quen và rồi sẽ có được một cơ hội phỏng vấn đầy lý thú.

Hôm nay trong giờ làm việc, chiếc máy mà tôi phụ việc cũng đã hết nguyên vật liệu để cho nó tiếp tục sản xuất. Tất cả công nhân viên đều đang trong tình trạng lau trùi và bảo trì những cỗ máy mà họ vận hành. Bỗng nhiên tôi thấy ông chủ của công ty đang đi lững thững vào thăm phân xưởng, và ông ta đang tiến thẳng tới nơi tôi đang làm việc. Tôi cũng đã đọc rất nhiều về ông chủ này và biết rõ ông ta cũng là một người tỵ nạn đến quốc gia này ngay sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt. Ông ta đã được định cư khi ở cái tuổi hơn hai mươi, đvà ã tạo dựng nên sự nghiệp lẫy lừng hoàn toàn từ đôi bàn tay trắng. Chỉ sau bốn thập kỷ, từ một người tị nạn Ba Lan gốc Do Thái, ông ta đã trở thành tỷ phú, một trong bốn người giầu nhất quốc gia mà tôi đang định cư.

Thấy ông chủ đi lững thững song song cùng với một ông giám đốc của phân xưởng tiến lại chỗ tôi làm việc khoảng năm sáu mét, và họ đứng đó nói chuyện với nhau. Do máy thì đã ngừng vì hết nguyên liệu nên tôi đã nhận ra đấy là cơ hội ngàn vàng. Thời cơ thật hiếm có, trăm năm chỉ có một lần cho mình mà thôi! Nếu tôi không mạnh dạn chớp lấy, tiến tới giới thiệu về mình và mục đích tôi muốn gặp ông để phỏng vấn thì chắc chắn tôi sẽ không bao giờ có thêm cơ hội phỏng vấn ai nổi tiếng hơn con người này. Bụng bảo dạ, tôikhông ngần ngại bỏ cái chổi quét xuống vội vàng chạy lại lễ phép hỏi ông chủ.
“Thưa ông chủ! Tôi là nhân viên của Pratt Industry. Tôi đã làm ở đây gần mười năm. Tôi đã đọc rất nhiều về ông. Tôi rất chiêm ngưỡng về sự táo bạo và phương thức làm ăn dẫn đến thành công của ông. Thưa ông! Tôi đang học nghành báo chí và sắp sửa tốt nghiệp. Tôi sẽ phải phỏng vấn người nổi tiếng cho một bản tin của tôi. Hôm nay tôi có cơ hội gặp ông ở đây… Tôi thiết tha mong ông cho tôi cơ hội khoảng mười phút để tôi phỏng vấn ông.  Liệu ông có thể tạo cho tôi một cơ hội?”

Ông chủ và viên giám đốc thấy tôi chạy lại tự giới thiệu về mình và mạnh dạn đề xướng thẳng với ông ta về một cuộc phỏng vấn. Ông có vẻ lưỡng lự. Bởi vì ông ta biết rõ: phần lớn những  người làm việc cho công ty của ông là những người di dân thuộc thành phần lao động chân tay, họ chỉ biết tiếng Anh đơn giản với công việc trên sàn thôi chứ đâu có mấy người di dân tị nạn mà lại đòi leo lên địa vị của một ký giả.
Ông chủ ngừng lại. Ông nhìn tôi chằm chằm từ đầu cho đến chân bằng cặp mắt xanh đầy thông tuệ, quyết đoán và nghị lực. Sau đó ông ta quay sang nhìn vào vị giám đốc. Hai người đó nhìn nhau và rồi cả hai người cùng quay sang nhìn vào tôi. Thật ra lúc này tất cả ba người chúng tôi đều như bị sốc khi nhìn vào nhau.

“Cậu này làm ở đây lâu rồi hả?” Tỷ phú hỏi giám đốc.

“Vâng!  Cậu này làm ở đây khá lâu, cả gần mười năm.”

“Cậu ấy là nhân viên tốt đấy chứ?”

“Vâng!  Cậu ta là một trong những nhân viên uy tín nhất của công ty. Tôi chưa bao giờ phải than phiền về cậu ta… Cũng chính cậu này là người đầu tiên trong lịch sử của công ty viết đơn xin nghỉ Paternity Leave không lương. (Thường thường thì chỉ có phụ nữ nghỉ trong lúc sinh nở nghỉ Maternity Leave. Còn Paternity Leave là cách nghỉ của những ông bố khi ở nhà trông coi con cái cho bà xã đi làm.)

Ông tỷ phú nghe cách giám đốc nói như vậy và quay sang nhìn tôi mỉm cười. Ông ta nhìn tôi như muốn nhận thêm cái gì đó kỹ hơn, rồi nói lời khích lệ.

“Tiếng Anh của cậu khá tốt.” Và không cần phải qua trung gian của giám đốc ông ta nói thẳng ngay vào vấn đề.

“Cậu muốn phỏng vấn tôi hả?”

“Vâng! Ông làm ơn có thể cho tôi một cơ hội được chứ?” Tôi nói vồn vã bày tỏ nguồn vui ngay trong lời nói ấy.

“Dĩ nhiên là tôi sẽ cho cậu một cơ hội. Nhưng cậu muốn phỏng vấn tôi ở đâu?” Ông ta nói và cười.

Bị hỏi lại cách bất ngờ mà tôi không biết trả lời ra sao. Trong giây lát, tôi mạnh dạn đề xướng.

“Xin thưa! Nếu ông cho phép thì tôi sẽ phỏng vấn ông trong văn phòng giám đốc ở đây. Ông có thể làm ơn cho phép tôi phỏng vấn ông khi tôi nghỉ ăn bữa chiều được không ạ?”

“Cậu khỏi lo…!”

“Robert. Anh có thể tìm một người để làm thế chỗ cho cậu này trong vòng ba chục phút. Tôi muốn cho cậu ta có cơ hội để phỏng vấn tôi trong văn phòng của ông.”

Ngay tức khắc, Robert là vị giám đốc đã kiếm ra người thế chân và tôi sẽ được phỏng vấn tỷ phú ngay buổi chiều hôm đó.

Nghe ông chủ hào hiệp giải quyết việc cho tôi nhanh như vậy mà tôi nghẹn ngào. Tôi không thể nào ngờ được rằng sự mạnh dạn của mình lại có thể mở rộng cánh cửa cho tôi đến như thế. Cơ hội đến quá bất ngờ khiến tôi trở nên lo âu và lúng túng. Tôi bỗng nhiên loanh quanh mà như người bắc kỳ bảo: “Loanh quanh như chó làm chổi”. Tôi không biết phải chuẩn bị giấy tờ, bút và quần áo ra sao khi vào phòng của giám đốc thực hiện phỏng vấn ông tỷ phú, giấc mơ của mình.

Rồi cuối cùng tôi cũng vào đến văn phòng của giám đốc. Cô thư ký của công ty đã được giám đốc cho biết tin, cô ta cũng đứng dậy lăng xăng chuẩn bị tất cả mọi thứ cho tôi. Hằng ngày cô ta vẫn nhìn thấy tôi ra vào trong nhà ăn và chúng tôi chào hỏi nhau bình thường, nhưng hôm nay cô ta lại thấy tôi mang giấy bút đi theo ông chủ và được quyền sử dụng văn phòng để phỏng vấn chính ông tỷ phú khiến cô ta mắt tròn, mắt dẹt ngạc nhiên. Còn tôi cũng không thể nào tránh khỏi sự bẽn lẽn, bởi vì tôi vào phòng giám đốc, gặp tỷ phú mà lại ăn mặc sộc sệch, quần cộc, áo cộc, đi giầy bảo hộ lao động, tất cả đều ghi nhãn hiệu Visyboard to tướng của công ty. Tóc tai thì hết chỗ nói của một người từ sàn lao động bước lên…

Sau khi xếp sắp chỗ ngồi cho tôi và ông chủ, cô thư ký thay mặt ông chủ nói.

“Cậu có toàn quyền sử dụng toàn bộ nghiệp vụ của mình để phỏng vấn tỷ phú…” Nói xong cô ta cười ruồi chúc tôi may mắn và lui ra khỏi phòng.

Tôi lấy giấy bút ra để ngay ngắn trên bàn của giám đốc chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn. Vì sự việc xảy ra chớp nhoáng và không được chuẩn bị cho nên tôi không có máy chụp ảnh, không có máy quay phim, không có máy ghi âm, không có bất kể cái gì mang biểu tượng của giới chuyên nghiệp. Có lẽ ông tỷ phú cũng rất thích cái cách không chuyên nghiệp này.

Cuộc phỏng vấn bắt đầu và kết thúc khá tối đẹp đúng theo ý thi triển của tôi cho một bài viết khoảng năm trăm hoặc sáu trăm chữ. Tôi hớn hở vui mừng, rối rít cảm ơn ông chủ và đứng lên chuẩn bị đi ra để quay trở lại với công việc của một công nhân trong công ty. Tôi chuẩn bị bước ra khỏi phòng thì cũng là lúc ông tỷ phú cất cái giọng trầm trầm bảo tôi.

“Khoan hẵn! Cậu chưa thể bước ra khỏi văn phòng lúc này… Bây giờ đến lượt tôi muốn phỏng vấn lại cậu.” Nghe ông tỷ phú nói vậy mà tôi ngạc nhiên đứng im như Từ Hải chết đứng.

“Ông ta muốn phỏng vấn mình!” Nghe lời tỷ phú mời gọi, tôi ngồi xuống ngay chỗ cũ. Ông ta cúi nghiêng đầu về phía tôi, rồi chìa cánh tay phải ra vừa bắt tay tôi vừa nói.

“Mình tên là… Hãy cứ gọi tôi với cái tên như vậy. Cậu không cần phải gọi mình là ông chủ, hay Sir sủng gì cả. Cậu đang ngồi đối diện với tôi và hãy bình đẳng trao đổi với tôi ít điều nhé.”

Ông ta bắt đầu bằng cách hỏi thăm về quê hương, về vợ con và gia đình, về công ăn việc làm và cả chất vấn tại sao tôi đến đây định cư.  Ông ta tranh thủ hỏi thêm bao nhiêu những câu hỏi khác về công ty,  về cuộc đời và nguyện vọng của tôi… Có thể nói rằng: ông ta tự tin hơn tôi rất nhiều. Ông ta phỏng vấn tôi nhiều hơn, chi tiết hơn là tôi đã hỏi ông ta. Nếu có điểm gì khác biệt thì chỉ ở chỗ, tôi là kẻ ghi chép một cách tốc ký tất cả mọi chi tiết hòng ghi cho đúng với dữ kiện và mong kiếm được vài trăm đồng. Còn ông ấy thì chẳng ghi chép gì hết thảy, cho nên ông ta hỏi và cười cùng biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt thoải mái hơn tôi rất nhiều. Cách ông ta hỏi là để biết về thân phận, cuộc sống và nguyện vọng cho tương lai của tôi mà không phải hỏi để lấy dữ kiện và để viết một tít báo hòng kiếm ra tiền.  Với ông chủ này thì ngày nào cũng có hằng triệu đô-la chảy vào trong tài khoản của công ty.

Trước khi tạm biệt, ông ta cho tôi những lời khuyên chân thành mà tôi không bao giờ có thể quên trong cả cuộc hành trình trong đời.

“Này cậu!” Ông ta nhìn tôi và nói một cách thật chân thành. Cái chân thành bộc lộ từ lời nói đến cách mà ông nhìn như bố tôi vẫn thường nhìn khi muốn nói điều quan trọng với các con.

“Tôi biết chắc chắn cậu sẽ không làm nhân viên trong công ty này lâu nữa. Công ty này, dưới sàn làm việc kia, không phải là đất dụng võ của cậu.” Ông ta ngừng và như nói một điều tiên quyết, lối nói quyết đoán của một con người đã từ bàn tay trắng dựng nên đại sự nghiệp.

“Nhưng tôi tin rằng: cậu cũng sẽ không bao giờ nên hành nghề của một ký giả.” Nghe ông ta nói vậy mà tôi ngạc nhiên, lưỡng lự nhìn lại ông ta.

“Tôi đã cho cậu cơ hội, nhưng trong cả mười mấy phút cậu chả hỏi tôi câu nào làm tôi toát mồ hôi…”

Nghe ông ta nói thế mà tôi bỗng nhiên cảm thấy bẽn lẽn, vì tôi chỉ muốn biết ông làm giầu như thế nào, công ty của ông có ước chừng bao nhiêu tỷ!  Trong công ty của ông ta có bao nhiêu nhân công và mỗi năm ông chi cho các cơ cơ quan thiện nguyện như Đội Quân Cứu Rỗi, hay Vincent de-Paul bao nhiêu triệu đô-la. Tôi muốn phỏng vấn để viết cho người ta ngưỡng mộ ông, chứ tôi cũng không muốn hỏi mánh khoé hay bới móc chuyện đời tư của ông ta. Tôi biết rõ mình là nhân viên của công ty mà ông ta là chủ, hằng tuần tôi nhận được một khoảng lương hậu hĩnh để giúp củng cố tài chính của gia đình… Lời nhận định của một con người từng trải như ông ta đã nói với tôi như những gì mà Thiên Chúa muốn nhắn nhủ.

“Cậu có khuynh hướng của một nhà tư vấn hơn là một ký giả đi săn tin. Cậu có con mắt nhà nghề, biết đối nhân xử thế, nhưng không có cái đanh thép và cách hỏi láo xược của một kẻ săn tin cho các tờ báo ở đây. Cậu nên hãy nghe theo tiếng gọi của cõi lòng mình và hành nghề gì đó chứ không phải là ký giả.”

Tôi nghe ông ta nói và nhận định về mình khá chính xác, bởi vì viết thì dễ, dịch sách văn học thì dễ, ăn trộm tin tức của những tờ báo khác ra làm của mình thì dễ, nhưng phỏng vấn để moi tin tức và hỏi một cách máy móc, châm chọc, gây bức xúc cho người ta thì tôi không có được cái sự tự tin của những người làm báo chuyên nghiệp nơi đây. Có thể nói người Á Đông; khó có thể tìm ra những nhà báo xuất sắc khi thu thập tin tức, hay khi gặp những nhà lãnh đạo, người nổi tiếng mà không bị khớp, bởi vì ngôn ngữ và phong tục tập quán, ‘kính lão đắc thọ,’ ‘tầm sư trọng đạo’ của ta không cho phép được coi mình như ngang hàng với họ. Và khi không tự cho mình là ngang hàng thì không bao giờ có thể phỏng vấn tỷ phú, tổng trưởng hay các học giả một cách thoải mái được.

Nghe ông chủ nhận định chân thành về mình ngay sau cuộc phỏng vấn làm tôi càng thấm thía. Tôi còn đang mải miết trong suy tư của mình thì tiếng của ông ta lại nhắc nhở tôi.

“Tôi vừa nghe cậu bảo rằng đang cả học trong trường thần học… Cậu có một tâm tính rất tốt của người chăn bầy… Theo tôi thì cậu hãy nên theo đuổi làm Giáo sỹ hay Mục sư thì tốt nhất. Vì nghề này sẽ khiến cậu đắc dụng hơn cho đời… Tôi tặng tiền cho Đội Quân Cứu Rỗi hằng chục triệu đô-la mỗi năm và tôi đã gặp khá nhiều người thành công trong việc họ đang làm. Tôi mến mộ tổ chức này và những con người đang làm việc trong tổ chức này. Họ làm được những việc mà chúng tôi không thể làm được… Cậu làm nghề này tốt hơn… đừng theo nghề bạc bẽo của kẻ săn tin, viết báo.”

missionaries-at-work

Ông ta nhìn tôi trong cặp mắt xanh sâu thẳm và nói với chất giọng còn quả quyết hơn, để giúp tôi định hướng cho cuộc đời. “Cậu là người có tố chất khác thường. Cậu là nhân viên tốt như giám đốc Robert bảo vậy. Qua cuộc phỏng vấn hôm nay, cậu đã cho tôi thấy cậu có tâm hồn thật thà, chân thành. Cậu có cái tư chất của một tu sỹ…  Cậu đang học nghành này mà! Hãy trau dồi ngành này kỹ hơn vì cậu sẽ giúp người trong Hội Thánh hay trong hội đoàn đóng góp cho xã hội tốt hơn trên phương nhiều diện khác.”

Ngưỡng mộ con người của thành công, và những lời chân thành của ông ta, tôi về nhà viết thành bài rồi đưa cho bà xã biên tập lại giùm cho đúng văn phong. Tôi không quên tâm sự cùng người bạn đời về lời chân thành của tỷ phú để cả hai chúng tôi cùng suy nghĩ. À thì ra người ngoài phong tục và tập quán của mình có thể nhìn vào chúng ta một cách khách quan hơn.

Ông ta biết rõ: tôi thật sự đã liều mạng đến yêu cầu ông ta cho tôi có cơ hội để phỏng vấn, nhưng khi cơ hội tới thì lại bị khớp, và trong cái khớp này, tôi đã mất sự tự nhiên của một người làm chủ cuộc phỏng vấn. Không hiểu sao ông ta lại biết khá rõ về bản chất của người Á-đông, không thể ngang nhiên hỏi thóc mách hay làm cái gì đó gây tổn hại đến danh dự của ông ta là tỷ phú. Hẳn rằng ông ta đã đọc, hay ai đó đã nhắn nhủ cho ông ta biết, với người Á-đông, hễ cứ là người lớn tuổi, hay quan chức thành công vượt bậc thì khi gặp hay đối diện với những người lớn ấy tự nhiên cái bản tính do phong tục tạo nên là ta phải bày tỏ sự kính trọng và ngưỡng mộ họ. Nhiều khi vì mình kính trọng và ngưỡng mộ họ mà ta đã đánh mất đi tính sắc bén của suy tư. Ta quên mất họ cũng là những con người.

Tôi thật sự ngưỡng mộ tỷ phú, và lời khuyên chân thành mà ông đã dành cho tôi. Tôi cũng không bao giờ ngờ rằng chỉ một thời gian ngắn sau đó thì biến cố ngày 11 tháng 9 và lời khích lệ của thầy hiệu trưởng trong trường thần học dẫn đến những thay đổi trọng đại trong cuộc đời. Tôi đã nhận ra tiếng Chúa gọi và Ngài dẫn tôi đi trên con đường đã lập trình trước cho tôi thoả nguyện cõi lòng.

Cho đến khi rời hãng để đi vào chức vụ mình, tôi cũng vẫn thường cảm ơn những con người trong xã hội mà tôi đã gặp. Anh em, bạn bè trong Hội Thánh rồi các giáo sư, tiếng nói chân thành của họ đã giúp tôi biết thêm về mình, về nghiệp vụ, về ý chỉ của Chúa trong cuộc đời. Khi Chúa gọi vào chức vụ, không phải chỉ do tiếng Chúa phán cho lòng mình, mà Ngài còn khẳng định qua nhiều những con kênh, những phương tiện khác. Tôi thật sự chiêm ngưỡng tinh thần đại lượng và hào hoa của tỷ phú mà mình đã được ông trả lương để xây dựng gia đình khi chân ướt chân ráo trên quốc gia này. Và cũng chính ông nhìn ra cái mạnh và cái yếu của mình để tự lo hoàn thiện bản tính đó.

“Đi một đàng, học được một sàng khôn.” Cổ nhân bảo vậy. Học để có kiến thức là cấp bách nhằm trang bị cho cuộc hành trình trong đời, nhưng học để có sự tự tin trong cuộc sống, trong mối tương giao cùng Chúa lại càng quan trọng hơn, bởi vì khi tự tin ta có thể toát ra được hướng đi cho chính mình.

UÔNG NGUYỄN

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn