Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Cánh Diều Bay Về Mãi Đảo Xa

Cánh Diều Bay Về Mãi Đảo Xa

Em nằm đó một khung trời mơ ước
Cánh diều bay về mãi đảo xa
….

canh

Tôi chào đời trên một hòn đảo nhỏ có cái tên thơ mộng: Cù Lao Xanh. Nó cách thành phố biển Qui Nhơn hai giờ đi ca-nô máy. Nếu bạn đứng trên bờ biển hoặc một căn nhà cao tầng từ Qui Nhơn nhìn ra biển về hướng Đông Nam, cù lao Xanh nằm chơ vơ hiu quạnh giữa biển Đông rì rào sóng vỗ. Những ngày biển động, mưa mù giăng phủ thì hòn đảo này lạc mất trong tầm nhìn, và có lẽ những cư dân của thành phố biển cũng quên mất sự thực hữu của cụm đảo nhỏ với ba nghìn dân này. Quê hương tôi được nói đến trong câu ca dao của người miền Trung:

Bình Định có núi Vọng Phu
Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh.

Người ta gọi Cù Lao Xanh với hàm ý chỉ về những rừng cây xanh trên đảo, qua bao nhiêu năm vẫn sống mãi với thời gian nhìn ra những con sóng bạc đầu giữa biển trùng xanh biếc. Nó lặng lẽ, âm thầm mà mạnh mẽ trước những cơn bão biển như khẳng định một sức sống tiềm ẩn tự bao đời. Trên đảo của chúng tôi có một tháp hải đăng cao một trăm mười chín mét so với mặt nước biển, được người Pháp xây dựng từ năm 1889 và vẫn còn đến hôm nay. Nó có khả năng phát sáng đến hai mươi hải lý cho những con tàu trong khu vực muốn tìm đường về đất liền. (Sau này khi tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của mình, tôi mới thực sự thấy ngọn hải đăng này có ý nghĩa biết bao!). Ông nội của tôi là một nhân viên đã từng canh giữ tháp hải đăng này trong suốt cuộc đời. Tuổi ấu thơ của tôi đã trôi qua trên đảo với những kỷ niệm khó quên của một thời gian khổ. Ba tôi là thuyền viên, làm thuê trên một chiếc ghe đánh cá gần bờ. Mẹ tôi là thợ may áo quần phụ nữ, vì thế ngay từ nhỏ tôi đã quen với tiếng động lách cách của chiếc máy may mang lô-gô hình con bướm với dòng chữ Made in China. Có lẽ tôi mang gien di truyền của mẹ nên chỉ mới mười lăm tuổi tôi đã trở thành thợ may trên đảo (dĩ nhiên tôi chỉ ráp được những bộ quần áo bình thường của phụ nữ mà chưa có khả năng thiết kế hay cắt may). Vào lúc đó tôi cũng vừa học xong lớp chín trường làng.

Là một đứa con gái trưởng thành trong một gia đình không êm ả, tôi có những cá tính mạnh mẽ như một đứa con trai. Có lẽ vì tôi là chị cả của bốn đứa em trong gia đình, nên tự nhiên tôi trở thành cột trụ chống đỡ trong những việc như giặt quần áo, giữ em, làm trọng tài phân xử mỗi khi các em tôi gây chuyện. …

Cha tôi là một người đàn ông nghiện rượu. Cứ mỗi chiều về ông cùng với bạn bè trên đảo ngồi lại với nhau. Họ uống rượu Bàu Đá chung với các món hải sản tôm, cá bắt được trong ngày. Khi mặt trời đi ngủ cha tôi trở về nhà và đó là lúc mẹ và chị em chúng tôi phải hứng chịu những vô lý, ngang ngạnh của ông đổ xuống gia đình. Mẹ tôi vốn dĩ hiền lành nhưng rồi sức chịu đựng của bà có hạn. Và thế là cha mẹ tôi thường xuyên va chạm với nhau. Khi sự cãi vả được đẩy lên tới đỉnh điểm, thì những đồ đạc quí giá trong nhà cũng lần lượt bị cha tôi đập bể ném ra sân. Tôi lớn lên trong những đau khổ, nhọc nhằn của mẹ, bên cạnh một người cha vô tình, nát rượu và hung hãn. Trong hoàn cảnh gia đình như vậy, tôi có nằm mơ cũng không tưởng tượng là sau này tôi sẽ trở thành một thiếu nữ đoan trang, thùy mị!

cu-lao-xanh-quy-nhon1

Một buổi chiều đẹp trời kia có hai thanh niên xuất hiện trước cửa nhà tôi. Nhìn bộ dạng, y phục của họ tôi biết ngay là người mới đến đảo từ đất liền. Tôi hỏi:

– Các anh tìm nhà ai?

Hai chàng trai lịch sự:

– Chúng tôi là sinh viên đi du lịch đến đây. Chúng tôi có vài quyển sách muốn gởi tặng gia đình.

Họ để lại cho gia đình chúng tôi hai quyển sách nhỏ: “Kinh Thánh Tân Ước” và “Người Việt Nam Với Đạo Tin Lành”. Hai chàng trai có vẻ vội vã, và họ tiếp tục đi tới các nhà khác trên đảo. Tôi quay vào nhà, bắt đầu đọc các quyển sách vừa được tặng.

Hai quyển sách đó đã thay đổi cuộc đời tôi!

Không bao lâu sau đó, mẹ tôi ngỏ ý muốn tôi về Qui Nhơn học thêm nghề may. Tại Qui Nhơn tôi có một người dì ruột lấy chồng ở khu vực Cầu Hàm Tử. Mẹ nói rằng tôi có thể ở nhờ nhà của dì và đi học thêm các mẫu y phục khác kể cả âu phục nam giới.

Vậy là tôi tạm thời rời biển đảo quê hương về Qui Nhơn vào một buổi sáng mùa Thu của năm 1998. Năm ấy tôi mười sáu tuổi, ngước nhìn thành phố với ánh mắt ngỡ ngàng của một con bé từ quê lên tỉnh. Chính xác là một con bé với làn da rám nắng từ đảo về đất liền. Tôi hơi đen một chút, nhưng tôi nghĩ mình cũng không đến nỗi nào. Bằng chứng là đám bạn ở Cù Lao Xanh vẫn luôn miệng khen tôi là một cô gái duyên dáng với mái tóc đuôi gà được cột chặt tự nhiên bằng một sợi dây thun, khuôn mặt trái xoan trên đó có đôi mắt long lanh đượm vẻ u buồn.

Từ sự giới thiệu của người dì, tôi bắt đầu vào phụ việc và học may tại một tiệm may nam khá nổi tiếng trên đường Phan Bội Châu. Một vài buổi tối trong tuần và ngày Chủ Nhật tôi đạp xe đến nhà thờ Tin lành Qui Nhơn trên đường Hai Bà Trưng để học Kinh Thánh theo sự hướng dẫn từ trong quyển sách nhỏ “Người Việt Nam Với Đạo Tin Lành” mà tôi đã nhận được trước đây.

Niềm tin của tôi nơi Chúa lớn dần theo năm tháng qua Lời Chúa tôi học được trong nhà thờ. Sáu tháng sau đó tôi nhận thánh lễ báp-têm và tham gia vào ca đoàn của Ban thanh niên.

Thật không dễ dàng chút nào khi tôi khởi sự bước đi trong một đời sống mới. Mùa Giáng sinh năm đó tôi bước sang tuổi mười bảy. Mẹ tôi trước đây nói rằng: “Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu”. Tôi không bẻ gãy sừng trâu nào cả, nhưng tôi biết trong tôi cả một thế giới huyền nhiệm đang thay đổi. Về ngoại hình tôi đã bước sang một ngả rẽ mới, tôi giống một thiếu nữ hơn là một thiếu niên với các vòng đo trên cơ thể đang phát triển. Đặc biệt là Lời Chúa đã biến đổi những ý nghĩ của tôi về cuộc đời. Lúc này tôi thực sự cảm thấy thương yêu người cha nát rượu của mình, tôi bắt đầu cầu nguyện cho ông ấy nhận được sự cứu rỗi.

Trong khi sinh hoạt tại nhà thờ, có một thanh niên theo đuổi tôi. Anh ấy là Văn Chương, một công nhân của nhà máy đông lạnh trong thành phố đã tấn công tôi bằng những cánh thư tình vụng trộm. Văn Chương lớn hơn tôi năm tuổi, xuất thân trong một gia đình đạo dòng (ông bà, cha mẹ anh ấy là những người đầu tiên của hội thánh). Nhưng anh này rất ít khi xuất hiện ở nhà thờ. Mọi người chỉ thấy anh ta có mặt trong những dịp Lễ Giáng sinh và Phục sinh mà thôi. Thế nhưng từ khi tôi tham gia vào ca đoàn của Ban thanh niên thì chàng trai này lại siêng năng đi nhóm. Một buổi sáng kia sau khi tan lễ, Văn Chương bám sát theo và trao cho tôi một phong thư, trong đó có những dòng này:

“Gởi về Mỹ Loan!

Này cô bé có mái tóc đuôi gà
Đạp xe trên phố, phố đông người qua
Chờ anh với, nếu có lỡ ai cười
Thì anh sẽ nói tình cờ sánh đôi

Này cô bé có mái tóc đuôi gà
Đạp xe nhanh quá khiến anh hụt hơi
Chờ anh với, sắp tới ngã tư rồi
Thì xin em hãy chầm chậm mà thôi

…. Này cô bé, bé có biết chăng là
Vòng xe lăn bánh khiến anh ngẩn ngơ
Nào ai biết có những nỗi mong chờ.
Vì anh yêu mãi tóc em đuôi gà !!!

Tái bút: Từ khi có em trong nhà thờ, cuộc đời anh như thay đổi. Anh thích ngắm em mỗi lần em đứng hát chung với Ban thanh niên. Không biết phải nói gì với em, nên anh đành chép lại ca từ bài hát Tóc Em Đuôi Gà của Thế Hiển gởi tặng em. Văn Chương”.

toc

Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nhận được lá thư tỏ tình ngộ nghĩnh như thế. Tôi không nghĩ mái tóc nhà quê của tôi lại có khả năng quyến rũ Văn Chương đến như vậy! Tôi chỉ biết đến với Chúa và hỏi Ngài: “Lạy Chúa Jesus, con phải làm gì đây?” Từ chối hay tiếp nhận? Cách nào cũng khó cả. Tôi đến với chị trưởng ban thanh niên, nêu lên vấn đề của mình:

– Em nên làm gì với anh Văn Chương vào lúc này?

Chị Quách Ngọc Anh, trưởng ban thanh niên lắng nghe câu chuyện của tôi, rồi ôn tồn nói:

– Con trai tỏ tình với con gái là chuyện tự nhiên, nhưng chị thấy Văn Chương chưa xứng hợp với em vào lúc này. Cậu ấy chỉ là tín đồ Nô-ên, mặc dù gia đình là đạo dòng nhưng tư cách của cậu này cũng là vấn đề phải suy nghĩ. Chị cầu nguyện cho em gặp một người bạn trai phù hợp, người đó phải yêu mến Chúa thì cuộc đời em mới có thuận lợi để tiếp tục bước đi với Chúa.

Tôi ghi tạc những lời tư vấn từ chị Ngọc Anh. Dầu vậy để khước từ một anh chàng trồng cây si như Văn Chương cũng là một khó khăn cho tôi trong ba năm sống ở Qui Nhơn.

Rồi cũng đến ngày tôi trở về Cù Lao Xanh sau khi xong khóa học may. Tôi bước xuống cầu Hàm Tử, theo một chiếc ghe ba lốc máy của một người quen cũ trên đảo, vẫy tay chào tạm biệt Qui Nhơn với những dấu ấn khó phôi phai của ba năm học tập ở đây. Tạ ơn Chúa đã cứu tôi và Ngài ban cho tôi cơ hội học Lời Ngài tại thành phố biển. Ngoài kia là cù lao nhỏ với những hàng dừa và rừng cây xanh đang chờ đợi tôi trở về. Tôi tạm biệt bến Cảng với những con tàu viễn dương, tạm biệt bán đảo Hải Minh với những đêm trăng tròn xem hát tuồng! Hồi họp trở lại đảo với một sứ mạng mới ở phía trước: Làm chứng về Phúc Âm của Chúa Jesus Christ.

Cuộc sống thực sự khó khăn trắc trở với tôi vào lúc ấy. Mẹ tôi nhìn tôi trở về vừa mừng vừa lo. Chỉ mới có ba năm xa nhà mà tôi dường như đã thay đổi quá nhiều trong khi biển đảo vẫn như xưa. Ba tôi có vẻ như già hơn, tóc bạc nhiều, ốm đi một chút nhưng tính cách của ông thì “vũ như cẫn”, chiều nào cũng cầm chai rượu. Nghe mẹ nói, tuần lễ trước đó ông đòi ly dị với mẹ để đi Phan Thiết làm thuê trên một chiếc ghe lớn đánh bắt cá xa bờ. Các em tôi vẫn nheo nhóc trong căn nhà nhỏ. Con bé út Mỹ Linh năm ấy lên mười. Nó nhìn tôi tròn xoe mắt:

– Chị Mỹ Loan nhìn khác quá. Chị ăn mặc giống cô giáo của em ở bên Qui Nhơn qua.

– Ừ, chị không còn như ngày xưa nữa. Rồi em sẽ nghe chị kể chuyện thành phố biển.

Người đầu tiên tôi làm chứng về Phúc Âm của Chúa Jesus là mẹ tôi. Tôi nói từng lời với mẹ:

– Con đã tiếp nhận chúa Jesus Christ là Cứu Chúa của mình. Bây giờ Ngài là Chủ của cuộc đời con. Chúa đã giáng sinh cách đây hai ngàn lẻ một năm theo như tấm lịch trên tường nhà mình. Ngài đã sống với thân phận con người trên ba mươi ba năm. Trong ba năm cuối cùng Ngài đã giảng Tin Lành, đuổi quỉ, chữa bệnh và làm những phép lạ lớn lao. Rồi Ngài chịu chết trên thập tự giá, đền tội cho tất cả mọi người trong đó có mẹ và con để hoàn thành chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Ngày hôm nay, hễ ai tin nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền năng để trở nên con cái Đức Chúa Trời…

Mẹ tôi chăm chú lắng nghe, không phản đối cũng không tán thành. Tôi biết trong lòng mẹ đang suy nghĩ trước những điều quá mới mẻ tôi đã nói ra.

Không bỏ cuộc trước phản ứng im lặng của mẹ, tôi kiên trì cầu nguyện cho linh hồn của bà. Mười ngày sau đó mẹ tôi bằng lòng tiếp nhận Chúa, và các em tôi cũng vậy.

Cha tôi nổi trận lôi đình khi mẹ và các em tôi tin Chúa. Vốn đã có mối bất hòa từ lâu với mẹ, ông bỏ nhà ra đi vào Phan Thiết làm ăn chung với những người bạn và tìm kiếm một cuộc sống khác. Mãi đến khi bà nội qua đời ba năm sau đó, cha tôi về trong dịp lễ tang nhìn tôi hằn học:

– Cũng vì mày mà gia đình ra nông nỗi này, mày đã làm cho tao và mẹ mày phải phân ly.

Cha tôi qui hết mọi trách nhiệm gia đình lên đầu tôi. Ông ấy có lý tưởng riêng của mình! Sau lễ tang ông đi biền biệt và chưa một lần trở lại thăm gia đình.

Cũng trong năm đó, chúng tôi được người dì ở Qui Nhơn giúp đỡ tìm mua một căn nhà nhỏ, thế là mẹ và các chị em chúng tôi chuyển đến thành phố biển sinh sống. Nơi đây thuận tiện cho những sinh hoạt thuộc linh của gia đình chúng tôi.

Năm hai mươi bốn tuổi, tôi lập gia đình với một người trong hội thánh nhưng không phải là Văn Chương. Chúng tôi bước đi bên nhau trong tình yêu của Chúa và tập tành hầu việc Chúa theo ơn ban của Ngài.

Bây giờ đã bước qua tuổi ba mươi, sống yên bình tại thành phố biển.Thỉnh thoảng chúng tôi về thăm lại hòn đảo thân thương, gặp gỡ những người quen, làm chứng về Chúa Jesus Christ. Nhưng chưa có ai trên đảo sẵn lòng tiếp nhận Phúc Âm. Tôi cầu nguyện cùng Chúa: “Lạy Chúa Jesus, con muốn là một cánh chim đem Tin Mừng về lại quê hương, nhưng sau bao nhiêu năm con chỉ là một cánh chim cô đơn thất bại! Cầu Chúa dấy lên những thợ gieo, thợ gặt cho cánh đồng lúa của Ngài trên hòn đảo quê hương con.”

Tôi đang thả những cánh diều mơ ước về hòn đảo nhỏ. Tôi mơ thấy những gia đình trên đảo tiếp nhận ánh sáng của Phúc Âm, phòng nhóm cầu nguyện được xây dựng, các giáo sĩ đi vào đi ra trên đảo…

Có bạn nào đọc câu chuyện của tôi, hãy cho tôi một lời khuyên và một lời cầu nguyện!

MỸ LOAN   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn