Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / CHÚA JESUS THỰC SỰ LÀ AI?

CHÚA JESUS THỰC SỰ LÀ AI?

 merry-christmas-with-polygonal-background-and-lights_23-2147575830

jesus

MS Tiến sĩ Christian Le PhD

LỜI MỞ ĐẦU

Tôi được Chúa Thánh Linh cảm thúc, khích lệ tôi viết bài viết này để gởi cho anh chị em và độc giả thân thương trong và ngoài nước đọc, để đứng vững trong Lời Chúa, Chân lý Chúa, và đức tin vào Chúa Giêsu. Vì nhận thấy tà giáo, tiên tri giả đang nổi dậy và đang công bố christ giả, giêsu giả và họ đã phủ nhận thần tính hay thiên tính của Chúa Giêsu của Thánh Kinh là Thiên Chúa.

Bài viết nầy cũng vạch trần sự dạy dỗ sai của tà giáo, đặc biệt là Nhân chứng Giêhôva. Xin Chúa Thánh Linh mở mắt tâm linh họ ra để họ có thể nhìn thấy sự vĩ đại, oai nghi, và vinh quang của Chúa Giêsu để rồi họ quỳ gối lòng thờ phượng Ngài và phục vụ Ngài là Thiên Chúa, là Đức Chúa Trời tối cao, là Đấng Tạo Hóa của muôn vật muôn loài!

Chúa nói, “Hãy coi chừng, để không ai dẫn các ngươi đi lạc. Vì sẽ có nhiều người mạo danh Ta, đến, và nói rằng, ‘Ta là Ðấng Christ!’ Họ sẽ lừa gạt nhiều người” (Mat 24:4-5). “Vì các christ giả và các tiên tri giả sẽ nổi lên, làm những dấu kỳ phép lạ lớn để lừa dối, nếu có thể được, họ lừa gạt ngay cả những người được chọn” (Mat 24:24).

Cầu xin Chúa Thánh Linh xức dầu cho anh chị em và độc giả có lòng kiên nhẫn đọc, học, suy gẫm về Chúa Giêsu, để biết Chúa dấu yêu của mình nhiều hơn, biết Ngài một cách sâu sắc, kinh nghiệm Ngài một cách mật thiết, để đứng vững trong đức tin vào Ngài. Nếu có ai nói cho bạn nghe một Giêsu nào khác, mà không phải Chúa Giêsu của Thánh Kinh thì hãy cẩn thận!

Sứ đồ Phaolô viết cho Hội Thánh, “Vì nếu có ai đến rao giảng cho anh chị em một Giêsu khác với Ðức Chúa Giêsu chúng tôi rao giảng, hay giới thiệu đến anh chị em một linh khác với Ðức Thánh Linh anh chị em đã nhận lãnh, hay một tin mừng khác với Tin Mừng anh chị em đã tiếp nhận… Nếu ngay cả chúng tôi hay một thiên sứ nào từ trời rao giảng cho anh chị em một tin mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng cho anh chị em, thì người ấy đáng bị nguyền rủa! Như chúng tôi đã nói trước, và bây giờ tôi xin nhắc lại: Nếu ai rao giảng cho anh chị em một tin mừng nào khác với Tin Mừng anh chị em đã nhận, thì người ấy đáng bị nguyền rủa!” (2 Cô 11:4; Ga 1:8-9).

DANH CHÚA GIÊSU – DANH TRÊN MỌI DANH

Satan, ma quỷ, những kẻ cầm quyền và các thế lực của thế giơi tối tăm, cùng với quyền lực tâm linh gian ác trên các tầng trời, phải run sợ khi nghe đến Danh Giêsu!

Để khi nghe đến Danh của Đức Giêsu, mọi đầu gối trên trời dưới đất, bên dưới đất đều phải quỳ xuống, và mọi lưỡi phải tuyên xưng Chúa Cứu Thế Giêsu là Chúa mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha (Phi 2:10-11).

Danh của Chúa Giêsu (được viết khác nhau như sau: Giê-su, Giê-xu, Yêsu, Jêsus, hay Jesus), cũng được gọi là Jesus Christ, Giêsu Kitô hay Giêsu Cơ đốc. Tên Do Thái của Ngài là Yehoshua (יהושע – có nghĩa là “Thiên Chúa hay Đức Chúa Trời là Đấng Cứu Thế” trong tiếng Hêbơrơ), thường được gọi vắn tắt là Yeshua (ישוע). Đối với người đương thời, Giêsu còn được biết dưới tên Giêsu Người Nazarét. Từ “Christ, Kitô hay Cơ đốc” (tiếng Latinh: Christus; tiếng Hy Lạp: Χριστός Khristós.” Chữ Nho: 基督 Ji-du) là một danh hiệu của Chúa Giêsu, có nghĩa là “Người được xức dầu.” Trong Hồi giáo, Giêsu (tiếng Ả Rập: عيسى, chuyển tự là Isa). Tiếng Lào là ພຣະເຢຊູ, tiếng Pháp là Jésus Christ, tiếng Đức là Jesus Christus, và tiếng Anh là Jesus Christ.

Tôi được lớn lên trong một gia đình ngoại đạo. Khi còn nhỏ, tôi được cha mẹ gửi đến trường ‘St Joseph’ để học. Khi nhìn lại quá khứ, tôi thật cám ơn Thiên Chúa vì tôi được học tại trường nầy. Hai người thầy của tôi là Sr Pière và Sr Victor đã gieo những hạt giống tâm hồn về Đức Giêsu vào lòng tôi mà tôi không bao giờ quên được. Những hạt giống ấy đã trổ hoa nẩy nở trong tâm hồn tôi, cho đến ngày nay, cho đến khi tôi trưởng thành nhận biết Ngài, mời Ngài vào cuộc đời, kinh nghiệm Ngài một cách cá nhân trong linh hồn mình. Ấy cũng nhờ các giáo sĩ như MS Reginald Reimer, MS George Woods, và Cô Janice Saul đã từng phục vụ Chúa tại Việt Nam làm chứng cho tôi về Ngài. Qua đó, cuộc đời tôi được thay đổi lạ lùng từ trong ra, từ một thanh niên sống không hi vọng, nay tràn ngập niềm hy vọng phước hạnh, từ con người bất an, nay đầy sự bình an Thiên Chúa trong tâm hồn, từ một con người không biết gốc rễ cội nguồn mình, không biết mình thực sự là ai, nay đã kinh nghiệm được Đấng Tạo Hóa của mình là Người mà Thánh Kinh nói đến: “Vì trong Ngài, mọi vật trên trời và dưới đất đã được dựng nên, tức những vật thấy được và không thấy được, bất kể ngôi vua, hay tước chúa, hay lãnh tụ, hay các bậc cầm quyền, tất cả đều do Ngài tạo dựng và được tạo dựng cho Ngài. Chính Ngài là Đấng có trước muôn vật, và muôn vật tồn tại trong Ngài” (Cô 1:16).

NGƯỜI NẦY LÀ AI MÀ NGAY CẢ GIỎ VÀ BIỂN ĐỀU VÂNG LỆNH NGƯỜI?

Câu hỏi mà người đời thường hỏi, “Đức Giêsu là ai?” Hơn hai nghìn năm qua, một lần nọ khi Chúa Giêsu xuống thuyền, các môn đồ theo Ngài. Thình lình, một cơn bão mạnh nổi lên trên biển đến nỗi thuyền bị sóng đánh gần chìm. Nhưng Ngài đang ngủ. Các môn đệ đến đánh thức Ngài dậy và cầu cứu: “Chúa ơi, xin cứu chúng con! Chúng con sắp chết chìm!” Lập tức Chúa phán với họ: “Hỡi những người ít đức tin, sao các con sợ hãi?” Rồi Ngài đứng dậy quở gió và biển, chúng đều yên lặng. Các môn đệ rất kinh ngạc, hỏi nhau: “Người nầy là ai mà ngay cả gió và biển đều vâng lệnh người?” (Mat 8:23-27).

Câu hỏi ‘Đức Giêsu là ai?’ được giải đáp cho tâm hồn khát khao của tôi qua bài hát khi tôi mời Chúa Giêsu vào cuộc đời, “Ngài là ai mà triệu người khắp năm châu trần gian đã suy tôn làm Vua của đời mình? Ngài là ai mà mọi lòng có an vui tình thương nếu vâng theo lời Ngài đã khuyên răn? Ngài làm cho bao đau thương sẽ vơi đi nếu đến bên chân Ngài. Mọi lòng đói có bánh sống, nước suối cho hồn tàn héo. Ánh sáng soi nẻo tối tăm nơi vực sâu trong bóng đêm. Nhờ lời Ngài mà cuộc đời biết bao nhiêu tội nhân đã đổi thay còn đâu chuỗi ngày buồn. Lòng nhiều người đầy tuyệt vọng đã vui tươi tràn dâng hát suy tôn Giêsu Chúa yêu thương. Mọi giông tố hay chông gai sẽ tiêu tan nếu lắng nghe lời Ngài. Ðường tăm tối có ánh sáng nếu bước đi bằng lời sống. Chúa xót thương mỗi cánh chim đang lầm lạc nơi bến mê.”

DANH CHÚA GIÊSU GÂY TRANH CÃI

dis

Câu hỏi, “Chúa Giêsu là ai? là câu hỏi mà đã chia rẽ rất nhiều người trải qua các thời đại cho đến ngày nay, từ những người trí thức cho đến những người vô học.” Khi quý vị nói đến Ông Thiên, Ông Trời, Đức Chúa Trời, Thiên Chúa, Thượng Đế thì ít người cảm thấy khó chịu. Nhưng khi quý vị đề cập đến Chúa Giêsu, người ta thường muốn kết thúc cuộc đàm thoại. Danh Giêsu đã và đang gây ra biết bao tranh cãi cho đến ngày nay, đặc biệt là tại các đại học nổi tiếng trên thế giới giữa vòng những người vô thần, những người theo thuyết bất khả tri (không biết), những sinh viên ưu tú, những nhà trí thức, những nhà khoa học vô thần, và nhóm người trong xã hội được xem là tinh túy nhất hay quan trọng nhất bởi quyền lực, tài năng, và sự giàu có của họ.

David Hume là một nhà triết học và là một trong những nhà trí thức tinh túy và ưu tú vào thế kỷ 18. Hume có ảnh hưởng rất lớn giữa vòng các trường đại học dẫn đầu của Phương Tây cho đến ngày nay, đã từng công bố, “Nếu một cuốn sách chứa đựng điều gì mà vượt xa hơn khoa học thực nghiệm thì nên đốt đi. Hãy xem xét kỹ lưỡng mỗi cuốn sách trong thư viện. Nếu thư viện nào bao gồm những để tài như siêu hình học hay lý thuyết đạo đức thì hãy cho nó vào lửa. Vì nó không chứa đựng gì cả, chỉ là lời lẽ ngụy biện và ảo tưởng mà thôi.” Vì thế mà cái thế giới mà Hume muốn tạo nên không biết thiện ác là gì, cho nên đạo đức xã hội đã bị suy đồi xuống cấp. Con người trở nên giống như súc vật. Vì thế Lời Chúa phán với những người nầy, “Khốn cho kẻ gọi ác là thiện, thiện là ác” (Isai 5:20).

Ngày nay hơn bao giờ cả dường như mọi bài viết về Cơ Đốc Giáo trên mạng đều bị thành kiến. Mặc dù bằng chứng hay sự kiện có rõ ràng đầy thuyết phục đến đâu đi nữa, nếu vượt xa hơn những điều có thể biết được bởi khoa học thực nghiệm, đều bị tấn công như là phi lý. Vì thế mà Tiến sĩ Dallas Willard có lần trích dẫn Tín lý Duy vật như sau, “Chỉ có một thực tại, thế giới tự nhiên, và vật lý học là nhà tiên tri.”

Tại sao khi bạn nói đến Ông Thiên, Ông Trời, Đức Chúa Trời, Thiên Chúa hay Thượng Đế thì ít người cảm thấy khó chịu. Nhưng khi đề cập đến Chúa Giêsu, người ta thường muốn chấm dứt cuộc đàm thoại? Chúa Giêsu, Ngài khác như thế nào so với các giáo chủ trên thế giới. Tại sao danh xưng của Đức phật, Môhamết, Khổng tử, Dalai Lama không làm cho người ta khó chịu? Lý do, là vì những vị ấy không hề tự xưng mình là Đức Chúa Trời hay Thiên Chúa. Vì họ chỉ là những con người bằng xương bằng thịt mà thôi. Nhưng Chúa Giêsu lại khác, Ngài nhìn nhận chính Ngài là Giavê Đức Chúa Trời, là Đấng Hằng Hữu và số phận vĩnh cửu của nhân loại ở trong tay Ngài. Ấy là điều làm cho Ngài hoàn toàn khác biệt với các giáo chủ trên thế giới. Thánh Kinh mô tả Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết từ mồ mả kinh khiếp, thân thể Ngài không còn ở đó nữa. Sự sống lại của Ngài minh chứng rằng Ngài không phải là con người thường. Ngài chính là Đức Chúa Trời trong thân xác con người, như Ngài phán với dân Do Thái và các môn đệ Ngài ngày xưa và ngày nay, “Ta với Cha là một” và “Ai thấy Ta tức là thấy Cha” (Gi 10:30; 14:9). Đây là lời tuyên bố hết sức táo bạo, quyền năng nhất mà những người nghe Ngài đều kinh ngạc, vì lời Ngài phán dạy có uy quyền. Điều này biểu lộ Chúa Giêsu thực sự là ai!

Khi biện giải về Chúa Giêsu, Ngài là Đức Chúa Trời thì có người tin theo tà đạo cảm thấy vô cùng khó chịu và ngay cả tức giận vì họ không tin Chúa Giêsu là Đức Chúa Trời mà cho Ngài chỉ là Con Đức Chúa Trời, con người thường, và một vị thần mà thôi, dựa vào Thánh Kinh ‘New World Translation’ của họ, “Ngôi Lời là một vị thần” và bản tiếng Anh, “The Word was a god” (Gi 1:1). Còn trong những cuốn Thánh Kinh thuần túy trong bản tiếng Anh và tiếng Việt thì hầu hết Giăng 1:1 được dịch là, “Ngôi Lời là Đức Chúa Trời” và bản tiếng Anh, “The Word was God.” Hơn nữa họ cho Ngài là một thiên sứ được dựng nên. Nhưng Ngài không phải là một thiên sứ được dựng nên như họ giả thiết. Nói đúng hơn Ngài là Đấng Tạo Hóa của các thiên sứ (Cô 1:16). Vì họ đã cố tình phủ nhận thiên tính của Ngài cho nên họ tìm mọi cách biện giải, lý luận, giải thích về Chúa Giêsu với định kiến một cách xuyên tạc, bóp méo theo lôgíc của họ, ra khỏi văn mạch mà không lôgíc theo Thánh Kinh và theo sự dạy dỗ của Chúa Giêsu và chân lý Ngài, và họ đã dùng những câu Thánh Kinh về nhân tính Chúa chẳng hạn như (1 Ti 2:5; Phi 2:7; Gal 4:4; 1 Gi 4:2) để thuyết phục những người nhẹ dạ, dể bị lừa, dể tin, thiếu sự khôn ngoan hiểu biết về Lời Chúa, không đứng vững trong niềm tin, đi vào con đường hư vong.

Nếu Chúa Giêsu không phải là Đức Chúa Trời thì cái chết của Ngài không thể nào thanh toán vấn đề tội lỗi. Chỉ có cái chết của Đấng Hằng Hữu mới có thể cứu nhân loại khỏi tội. Nếu Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa thì Ngài không thể là Chúa Cứu Thế, là Đấng Mêsia, là Chiên Con của Đức Chúa Trời – Đấng cất đi tội lỗi của thế gian (Gi 1:29). Vì thế nếu không có sự phản ánh của Thánh Kinh về Chúa Giêsu và cho rằng Ngài không có thần tính sẽ dẫn đến một cái nhìn sai trật về sự cứu rỗi.

Điều quan trọng ở đây, Lời Chúa không chỉ phán dạy, “Ai tin Con có sự sống đời đời. Ai không chịu tin Con sẽ chẳng thấy sự sống đâu… (Gi 3:36). “Ai có Đức Chúa Con có sự sống. Ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống” (1 Gi 5:12). Nhưng chính Chúa Giêsu cũng phán, “Vậy Ta bảo các người rằng các người sẽ chết mất trong tội lỗi mình, vì nếu các người không chịu tin Ta là Đấng Hằng Hữu, thì các người sẽ chết mất trong tội lỗi mình!” (Gi 8:24). Chúa Giêsu khẳng định Ngài là Đấng Hằng Hữu, là Giavê Đức Chúa Trời mà ai không chịu tin Ngài là Đấng ấy thì sẽ chết mất trong tội lỗi.

NGƯỜI THEO TÀ GIÁO THƯỜNG HỎI, “NẾU ĐỨC GIÊSU LÀ THIÊN CHÚA, THÌ SAO NGÀI CẦU NGUYỆN VỚI CHÚA CHA TRONG GIĂNG 17?

Đây là điều hết sức quan trọng mà quý vị cần phải biết để nắm vững niềm tin của mình. Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha là vì Ngài là con người, ở dưới luật pháp (Galati 4:4), Ngài cần cầu nguyện với Chúa Cha. Thánh Kinh dạy rằng Chúa Giêsu là Đức Chúa Trời và Ngài cũng là người (Cô 2:9; Gi 8:58; Xuất 3:14). Chúa Giêsu có hai bản tính – thần tính (thiên tính) và nhân tính. Cho nên, Thánh Kinh có đề cập đến hai bản tính của Chúa Giêsu. Có người thì tập trung vào khía cạnh thần tính của Ngài. Có người thì tập trung vào khía cạnh nhân tính của Ngài. Nhân chứng Giêhôva thường phớt lờ hay thay đổi những đoạn Thánh Kinh nhấn mạnh về thần tính của Ngài và chỉ tập trung vào những đoạn Thánh Kinh mô tả nhân tính của Ngài. Ấy là sự lừa dối của ma quỷ. Họ bị ma quỷ lừa gạt. Họ tin lời ma quỷ. Lời Chúa dạy bảo Chúa Giêsu là Đức Chúa Trời trọn vẹn và con người trọn vẹn. Mặc dầu Ngài nhập thể làm người, nhưng Ngài không hề ngừng làm Thiên Chúa đời đời.

Cũng thế Thiên Chúa là Chúa Ba ngôi – mặc dù từ Ba ngôi không có trong Thánh Kinh, nhưng sự dạy dỗ về Chúa Ba ngôi thì quá rõ ràng trong Thánh Kinh. Thật vậy, Ba ngôi Thiên Chúa đã được mạc khải cách huyền nhiệm, rõ ràng, và đầy năng quyền trong Thánh Kinh. Chúa phán với môn đệ, “Tất cả thẩm quyền trên trời và dưới đất đã giao cho Ta. Vậy hãy đi làm cho mọi dân trở thành môn đồ Ta; hãy nhân danh Ðức Chúa Cha, Ðức Chúa Con, và Ðức Thánh Linh làm báptem cho họ, và dạy họ giữ tất cả những gì Ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế” (Mat 28:18-20). Ba Ngôi Thiên Chúa có nghĩa là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Linh đều là thần cả nhưng thân vị lại riêng biệt, nhưng không phải là ba chúa mà chỉ một Chúa mà thôi (Phục 6:4; Isai 44:6). Thân vị của Chúa Con cầu nguyện với thân vị Chúa Cha. Điều này có ý nghĩa vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là con người trọn vẹn cùng một lúc. Thật ra, Chúa Ba ngôi là một quan niệm khó để hiểu thấu vì chúng ta là con người hữu hạn cố gắng giải thích một Đức Chúa Trời vô hạn là Đấng vượt xa hơn sự hiểu biết của chúng ta. Đáng buồn thay, tà giáo thường khinh dể Chúa Ba ngôi và họ có thái độ mỉa mai, châm biếm, và chế nhạo Chúa Ba ngôi và tìm mọi cách xuyên tạc Lời Chúa, đưa đến sự hủy diệt cho chính mình.

jesus-takes-leave-goodsalt-rhpas0217

NẾU ĐỨC GIÊSU LÀ THIÊN CHÚA, THÌ TẠI SAO CHÚA GIÊSU NÓI CHÚA CHA VĨ ĐẠI HAY CAO TRỌNG HƠN NGÀI (Gi 14:28).

Chúa Giêsu nói điều này là vì vị trí của Ngài khác với Chúa Cha – nhưng không phải là bản tính của Ngài. Hêbơrơ 2:9 nói rằng Chúa Giêsu được đặt thấp hơn các thiên sứ một chút trong thời gian ngắn và Galati 4:4 thì nói, Ngài ở dưới luật pháp. Cho nên, là con người, Ngài ở trong vị trị thấp hơn Chúa Cha, nhưng không phải khác nhau trong bản tính. Điều này cũng có thể giải thích vì sao Ngài khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng đẹp lòng Ðức Chúa Trời và người ta (Lu 2:52).

Chẳng hạn khi so sánh, người chồng là đầu của gia đình và vợ thì không. Mặc dầu địa vị của họ khác nhau, người chồng có thẩm quyền hơn, nhưng bản tính của họ thì giống nhau. Trường hợp này áp dụng cho Chúa Giêsu. Bản tính của Ngài giống như bản tính của Chúa Cha, nhưng Ngài được Chúa Cha sai đến (Gi 6:44) và Ngài ở trong vị trí thấp hơn là vì Ngài đã nhập thể làm người và Ngài sống dưới luật pháp (Ga 4:4).

Nói một cách dể hiểu, là Chúa Con, Chúa Giêsu sẵng sàng vâng phục Chúa Cha. Khi ở trên đất, Chúa Giêsu vì là con người Ngài cũng phục tùng cũng vì những giới hạn nhân tính của Ngài (Phi 2:6).

TẠI SAO CHÚA GIÊSU NÓI VỚI VỊ QUAN GIÀU CÓ, “TẠI SAO NGƯƠI GỌI TA LÀ NHÂN LÀNH? CHẲNG CÓ AI NHÂN LÀNH NGOẠI TRỪ MỘT MÌNH ĐỨC CHÚA TRỜI?” TRONG LUCA (Lu 18:19).

Chúa Giêsu nói điều này là vì chỉ Đức Chúa Trời mà thôi là Đấng nhân lành cho nên Ngài là nhân lành. Khi Đức Giêsu nói điều đó, Ngài không nói là con người không thể làm điều lành trong cương vị làm người, nhưng sự nhân lành thật chỉ thuộc về Đức Chúa Trời. Chúa Giêsu là tiêu chuẩn về những sự nhân lành. Như vậy, chúng ta phải hỏi Nhân chứng Giêhôva, “Chúa Giêsu có phải là Đấng nhân lành hay không?” Dĩ nhiên, câu trả lời Ngài là Đấng nhân lành. Cho nên, khi Chúa Giêsu nói chỉ có một Đấng nhân lành, đó là Đức Chúa Trời, thì Ngài xác nhận thần tính của Ngài vì những điều Ngài làm là nhân lành.

TẠI SAO CHÚA GIÊSU NÓI NGÀI CÓ THỂ LÀM NHỮNG ĐIỀU MÀ NGÀI THẤY CHÚA CHA LÀM TRONG GIĂNG 5:19?

Chúa Giêsu nói điều này vì Ngài là Đức Chúa Trời trong thân xác con người, Ngài có khả năng làm điều mà Chúa Cha có thể làm. Con người thường hay thiên sứ có thể nói đúng như vậy. Nếu Chúa Giêsu là Ngôi hai của Ba ngôi Thiên Chúa, thì Ngài tất nhiên có thể làm bất cứ điều gì Chúa Cha có thể làm. Vi thế, Chúa Giêsu chính là Đức Chúa Trời.

Nhiều tháng qua khi theo dõi cuộc bút chiến biện luận sôi nổi về Chúa Giêsu và thần tính Ngài trên Facebook. Một đầy tớ Chúa là một học giả Thánh Kinh ở Mỹ mà tôi khâm phục, nói với tôi, “Chúng ta không có thời gian để tranh cãi với người đã cương quyết không tiếp nhận lẽ thật. Chúng ta chỉ cần rao giảng lẽ thật. Ở Mỹ, nhân viên ngân hàng chỉ cần học cho thật kỷ cách nhận biết tiền thật chứ không cần phải học hết các đặc tính của đủ loại tiền giả, vì không thể nào có thì giờ học cho hết.” Ông tiếp tục nói, “Tôi chỉ làm công việc trình bày lẽ thật. Tôi không muốn tốn thời gian cách vô ích với những người theo tà giáo. Những người đã mù thì dù có chiếu ánh sáng rực rỡ của mặt trời vào đôi mắt họ, họ cũng không thể nhận được một chút ánh sáng nào. Người theo tà đạo không biết phân biệt khi nào Thánh Kinh nói về Ngôi Lời trước khi nhập thế làm người, khi nào Thánh Kinh nói về con người xác thịt của Ngôi Lời, và khi nào Thánh Kinh nói về con người xác thịt của Ngôi Lời phục sinh từ trong sự chết, thay cho Ba Ngôi Thiên Chúa nắm quyền cai trị cơ nghiệp của Thiên Chúa. Chính vì thế mà người theo tà đạo không sao hiểu được rằng, Đức Chúa Giêsu Christ vừa hoàn toàn là Thiên Chúa vừa hoàn toàn là người.”

QUYỀN UY CỦA CHÚA GIÊSU DỰA VÀO THẦN TÍNH CỦA NGÀI

Càng đọc Lời Chúa trong các sách Phúc Âm bao nhiêu, tôi càng cảm thấy được thuyết phục bấy nhiêu về thẩm quyền tối cao của Chúa Giêsu và thần tính của Ngài, tôi nhận thức rằng Chúa Giêsu phán dạy như là Đức Chúa Trời. Chúa Giêsu có hơn cả uy quyền của một giáo sư khôn ngoan. Chúa bày tỏ quyền năng, quyền uy mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được.

Chẳng hạn, khi bàn đến thẩm quyền Đức Chúa Trời, chúng ta được Chúa Giêsu dạy dỗ về Ngài như sau: Chúa Giêsu tin Lời của Ngài có thẩm quyền như Lời Đức Chúa Trời. Ngài thường lặp lại câu, “Các ngươi nghe lời dạy cho người xưa rằng… Nhưng ta bảo các ngươi” (Mat 5:21-22). Hơn nữa, Chúa Giêsu không bao giờ nói, “Đức Chúa Trời phán,” như các nhà tiên tri thường nói. Nói đúng hơn, Ngài luôn nói, “Quả thật, Ta nói với các ngươi.” Ngài mạnh mẽ xác nhận và khẳng định, “Tất cả thẩm quyền trên trời, dưới đất đều giao cho Ta…” (Mat 28:18-19). Đức Chúa Trời ban cho Môse Mười Điều Răn, nhưng Chúa Giêsu phán, “Ta truyền cho các con một điều răn mới: ‘Các con hãy yêu thương nhau’” (Gi 13:34). Chúa Giêsu phán, “Vì thật, Ta nói với con, “Cho đến khi trời đất qua đi thì một chấm, một nét trong Kinh Luật cũng không qua đi cho đến khi mọi việc được hoàn thành” (Mat 5:18), nhưng sau đó Ngài phán trong Lời của Ngài, “Trời đất sẽ qua đi nhưng Lời Ta phán chẳng bao giơ qua đi” (Mat 24:35). Rõ ràng, Chúa Giêsu coi Lời phán của Ngài có cùng thẩm quyền với lời tuyên phán của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ hay phủ nhận điều Ngài nói. Ngài không bao giờ đoán hay nói với điều không chắc chắn. Ngài không bao giờ hiệu đính hay duyệt lại Lời Ngài nói. Ngài không bao giờ mâu thuẩn và xin lỗi vì những điều Ngài nói. Vì thế mà sự giảng dạy của Ngài có quyền uy và đã ảnh hưởng người nghe một cách sâu xa ngay cả tác giả của bài viết nầy cũng phải khâm phục về sự dạy dỗ đầy uy quyền của Ngài. Thính giả dường như thường phỏng đoán trong lòng, “Đây không phải là lời nói của một con người tầm thường.” Cho nên khi Chúa Giêsu giảng dạy tại thành Caphanaum thì dân chúng đều kinh ngạc về sự giảng dạy của Ngài, vì Lời Ngài dạy có uy quyền (Lu 4:32).

Vì lời Chúa dạy có uy quyền, vì thế mà Thánh Kinh khẳng định Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Hầu hết những môn đệ của Chúa Giêsu là những người Do Thái mộ đạo. Họ tin vào một Đức Chúa Trời đích thực có một không hai (Phục 6:4; Isai 44:6). Họ nhận biết Chúa Giêsu là Thiên Chúa Nhập thể. Một lần nọ, các môn đệ được Chúa Giêsu hỏi, ‘Các ngươi nói Ta là ai?’ thì Phêrơ lập tức trả lời, “Thầy là Ðấng Christ, Con Ðức Chúa Trời hằng sống.” Chúa Giêsu đáp lời và nói với ông, “Hỡi Simôn con Giôna, ngươi thật có phước, vì chẳng phải bởi thịt và máu đã bày tỏ cho ngươi biết điều nầy, nhưng là Cha Ta trên trời” (Mat 16:16).

Khi Chúa Giêsu nói với Mathê, một người bạn thân thiết của Ngài, “Anh của con sẽ sống lại,” thì nàng ta thưa với Ngài, “Con biết anh con sẽ sống lại trong cuộc phục sinh vào ngày cuối cùng.” Chúa Giêsu phán, “Ta là sự sống lại và sự sống. Ai tin Ta sẽ sống, mặc dù đã chết rồi. Còn ai đang sống mà tin Ta sẽ không bao giờ chết. Con có tin điều ấy không?” Mathê đáp, “Lạy Chúa, có, con tin rằng Ngài là Ðấng Christ, Con Ðức Chúa Trời, Ðấng phải đến thế gian” (Gi 11:23-27).

Chúa Giêsu luôn nói về chính Ngài như là ‘một với Giavê Đức Chúa Trời’ về bản chất và bản tính của Ngài. Ngài khẳng định, “Nếu các người biết Ta, thì các người cũng biết Cha Ta!” Ai thấy Ta là thấy Ðấng đã sai Ta (Gi 12:45). Ai ghét Ta cũng ghét Cha Ta (Gi 15:23). Ai không tôn kính Con là không tôn kính Cha, Ðấng đã sai Con đến (Gi 5:23).

QUYỀN UY ĐỂ THA TỘI MINH CHỨNG CHÚA GIÊSU LÀ THIÊN CHÚA

Chúa Giêsu tự cho mình bình đẳng với Đức Chúa Trời trong nhiều cách. Khi chúng ta đọc Tin Mừng của Thánh Mác chúng ta thấy Chúa Giêsu tuyên bố Ngài có thể tha tội. Khi Chúa Giêsu nhìn thấy lòng tin của họ, Ngài liền nói với người bại, “Hỡi con, tội lỗi con đã được tha” (Mác 2:5). Theo luật Do Thái, đây là điều mà chỉ có Đức Chúa Trời mới được làm, chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể tha thứ, có thẩm quyền tha thứ. Lúc ấy có mấy giáo sư Kinh Luật ngồi đó nghĩ thầm và lý luận trong lòng: “Tại sao người nầy dám lộng ngôn như thế? Ngoài Ðức Chúa Trời, không ai có quyền tha tội?” (Isai 43:25). Lập tức, Chúa Giêsu nhận biết ngay trong tâm linh mình họ đang lý luận thầm như vậy nên Ngài phán: “Tại sao các ông lý luận trong lòng như thế? Chúa Giêsu hỏi phải nói điều nào dễ hơn, ‘Tội lỗi của con đã được tha’ hay nói ‘Hãy đứng dậy vác cáng con mà đi.’ Nhưng để các ngươi biết, ‘Con Người có quyền tha tội trên thế gian,’ Ngài phán với người bại (Mác 2:6-10). Để chứng minh đặc quyền của Ngài như đặc quyền Đức Chúa Trời, Ngài chữa lành người bại. Thật ra không ai trên mặt đất nầy có thẩm quyền tha tội. Không ai có thể tha tội ngoại trừ Đức Chúa Trời là Đấng mà mọi người phạm tội cùng Ngài và chống lại Ngài. Khi Chúa Giêsu tha tội, như Ngài đã làm, Ngài đã không thực hiện đặc quyền con người. Vì không ai ngoài Đức Chúa Trời có thẩm quyền tha tội, việc ấy chứng tỏ Chúa Giêsu là Đức Chúa Trời vì Ngài đã tha tội.

Khi viết điều nầy làm tôi nhớ lại lời nói thật sâu sắc của MS Tiến sĩ AW Tozer, “Chúa Giêsu biết cái xấu tồi tệ nhất về bạn, tuy nhiên Ngài là Đấng yêu thương bạn nhiều nhất.” Và chính Ngài là Đấng có quyền uy tha tội cho những ai tin cậy Ngài với cuộc đời mình. Ân sủng Ngài thật vĩ đại và sâu sắc dành cho những người không xứng đáng nhận lãnh.

Một đặc quyền khác mà Chúa Giêsu xác nhận là quyền năng làm cho người chết sống lại và phán xử kẻ chết, Ngài khẳng định rằng, “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi, giờ sắp đến và bây giờ đã đến, khi người chết sẽ nghe tiếng Con Đức Chúa Trời, và ai nghe sẽ sống… Chớ ngạc nhiên về điều nầy, vì giờ đến, khi mọi kẻ trong mồ mả sẽ nghe tiếng Ngài và bước ra. Ai làm điều thiện sẽ sống lại để hưởng sự sống, và kẻ làm điều ác sẽ sống lại để chịu phán xét” (Gi 5:25,28-29). Ngài khẳng định rằng, “Như Cha làm cho người chết sống lại và ban sự sống cho họ thế nào, Con cũng sẽ ban sự sống cho bất cứ ai Con muốn thể ấy” (Gi 5:21). Nhưng Thánh Kinh Cựu Ước nói, “Chỉ Đức Chúa Trời mà thôi là Đấng ban sự sống, là Đấng phán xử duy nhất” (Phục 32:39,35). Chúa Giêsu cũng xác nhận Ngài được tôn kính như Đức Chúa Trời. Ngài khẳng định rằng mọi người phải “tôn kính Con như họ đã tôn kính Cha. Ai không tôn kính Con là không tôn kính Cha, Đấng đã sai Con đến” (Gi 5:23). Hơn nữa, Chúa Giêsu căn dặn môn đệ Ngài, “Hãy tin Đức Chúa Trời và hãy tin Ta nữa” (Gi 14:1). Nếu Chúa Giêsu không bình đẳng với Chúa Cha, đặt Ngài bình đẳng ngang hàng với Chúa Cha như đối tượng của đức tin của con người thì ấy là tội lộng ngôn.

Một luật sư nổi tiếng tại Hoa Kỳ trong bài nói chuyện về phiên tòa của Chúa Giêsu, lập luận rằng lời lộng ngôn báng bổ hay phạm thượng là lời buộc tội duy nhất chống lại Ngài trước tòa án Do Thái. Thật ra đây là tòa án bất hợp pháp vì họ đã xử Ngài vào lúc ban đêm. Người Do Thái nói với Ngài: “Ấy chẳng phải vì một việc lành mà chúng tôi ném đá ông đâu, nhưng vì ông lộng ngôn, và vì ông chỉ là người, mà lại tự tôn tự cho mình là Đức Chúa Trời” (Gi 10:33). Không chỉ thế thôi, Philát nhìn thấy lòng ganh tị và ghen ghét đến tận xương tủy của các nhà lãnh đạo tôn giáo đối với Chúa Giêsu và Thánh Kinh có ghi lại những lời nầy, “Vì Philát biết rõ do lòng ganh ghét mà họ đã nộp Ngài cho ông” (Mat 27:18).

re

CHÚA GIÊSU CHÍNH LÀ GIAVÊ ĐỨC CHÚA TRỜI

Trong tư tưởng và kinh nghiệm sống của người Do Thái thời bấy giờ, không gì làm cho họ vui sướng hơn là biết chính Giavê Đức Chúa Trời, nhìn xem vinh quang Ngài, để chiêm ngưỡng Ngài, tức là thấy ‘Giavê-Yahweh-I AM’ – Đấng Hằng Hữu là đũ rồi. Như xưa kia khi Chúa phán với Môsê, “Ta sẽ làm mọi điều con cầu xin, vì con làm Ta vui lòng và được ơn trước mặt Ta và vì Ta biết đích danh con.” Lập tức Môsê thưa với Chúa rằng, “Xin cho con được nhìn xem vinh quang Chúa” (Xuất 33:17-18). Môse không muốn gì hơn trong đời mà chỉ muốn biết Chúa, kinh nghiệm Chúa cách sâu sắc, có mối tương giao mật thiết với Chúa, và người muốn nhìn xem vinh quang Chúa, để chiêm ngưỡng Ngài. Còn bạn thì sao? Bạn có muốn biết Chúa, kinh nghiệm Chúa, và nhìn xem vinh quang Chúa để chiêm ngưỡng Ngài không? Cho nên Philíp là một môn đệ thân cận của Chúa Giêsu thay mặt cho các sứ đồ khác hỏi Ngài rằng, “Lạy Chúa, xin chỉ Cha cho chúng con thì chúng con mãn nguyện rồi.” Chúa lập tức đáp, “Hỡi Philíp, Ta đã ở với các ngươi khá lâu mà các ngươi vẫn chưa biết Ta sao? Ai thấy Ta tức là thấy Cha. Sao ngươi còn hỏi, ‘Xin chỉ Cha cho chúng con?’” (Gi 14:8-9). Có nghĩa là Chúa muốn khẳng định với môn đệ Ngài rằng để họ không còn nghi ngờ Ngài là ai nữa, “Ai thấy Ta tức là thấy chính Giavê Đức Chúa Trời. Sao ngươi còn hỏi, “Xin chỉ Giavê Đức Chúa Trời cho chúng con?” Chúa Giêsu nói một cách tuyệt đối và rõ ràng nhất chính Ngài là Giavê Đức Chúa Trời. Chính Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Hằng Hữu.

Một lần nọ Chúa Giêsu nói về Ngài cho người Do Thái biết Ngài là ai, “Thật vậy, Ta bảo các người: Trước khi có Abraham, Ta hằng hữu!” (Gi 8:58). Khi nghe vậy, người Do Thái hiểu ngay Chúa nói Ngài là ai vì Ngài nói với họ Ngài chính là Giavê Đức Chúa Trời (Giêhôva Đức Chúa Trời), là Đấng Hằng Hữu. Chúa Giêsu đã công bố thần tính của Ngài. Chúa không chỉ nói Ngài đã hiện hữu trước khi Abraham ra đời. Ngài cũng áp dụng Danh thánh của Giavê Đức Chúa Trời “YHWH-Yahweh” cho chính mình Ngài (Xuất 3:14; Giăng 1:1; 8:24,28). Chúa Giêsu nói với các nhà lãnh đạo Do Thái chân lý về chính Ngài, sự thật về Ngài, về sự tồn tại đời đời của Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, “Trước khi Abraham sinh ra, Ta đã hiện hữu.” Vì thế sau khi nghe vậy, họ liền lượm đá để ném chết Ngài, nhưng Ngài lánh đi và ra khỏi đền thờ (Gi 8:59). Từ “Ta hằng hữu,” tiếng Anh là “I AM.” Còn tiếng Hêbơrơ – Do Thái là “יהוה –YHWH – Yahweh” là Giavê Đức Chúa Trời (Giêhôva Đức Chúa Trời) và tiếng Việt là CHÚA Đức Chúa Trời hay Thiên Chúa.

Thưa độc giả! Khi Chúa Giêsu nói, “Trước khi có Abraham, Ta hằng hữu!” hay “Trước khi Abraham sinh ra, Ta đã hiện hữu” (Gi 8:58), và nếu các người không chịu tin Ta là Đấng Hằng Hữu, thì các người sẽ chết mất trong tội lỗi mình!” (Gi 4:24). Chúa Cứu Thế Giêsu không chỉ muốn nói với dân Do Thái Ngài chính là Giavê Đức Chúa Trời. Ngài muốn nói với mọi dân tộc trên thế giới, kể cả dân tộc Việt Nam, chính Ngài là Giavê Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa quyền năng của muôn vật muôn loài. Lời nói của Chúa, “Trước khi có Abraham, Ta hằng hữu!” là một trong những lời tuyên bố quyền năng nhất đã từng thốt ra từ miệng của Chúa Giêsu là Ngài đã hiện hữu, đã tồn tại trước khi ông Abraham sinh ra đời. Chúa Giêsu đã dứt khoát và tuyệt đối công bố thần tính của Ngài cho mọi người trên đất biết Ngài thật sự là ai! Chính Ngài là Giavê Đức Chúa Trời, là Thiên Chúa quyền năng độc nhất vô nhị! Ngoài Ngài, không có thần nào khác, chúa nào khác! (Isai 43:11).

Tà đạo đã lăng mạ, sĩ nhục, xúc phạm đến thiên tính và nhân cách của Chúa Giêsu vì họ cho Ngài là một vị thần thay vì Thiên Chúa tối cao. Nhưng Thánh Kinh lại mô tả Chúa Giêsu chính là hình ảnh đích xác, hữu hình, rõ ràng, thấy được của Thiên Chúa vô hình. Chính Chúa Giêsu là sự mạc khải toàn vẹn của Thiên Chúa cho nhân loại đang chết mất. Vì thế mà Chúa Giêsu giải thích cho Philíp ai muốn thấy Chúa Cha, thì hãy nhìn Ngài, “Ai thấy Ta là thấy Cha Ta.” Vì vậy, biết Chúa Giêsu là biết chính Thiên Chúa, và ngay cả sự tìm kiếm Thiên Chúa, chân lý hay lẽ thật, và thực tại đều chấm dứt trong Chúa Giêsu!

Thánh Kinh cho chúng ta thấy rất nhiều bằng chứng rõ ràng về thiên tính của Chúa Giêsu. Chúng ta thấy sự tương quan trong Cựu Ước khi nói đến Đức Chúa Trời và Tân Ước khi nói đến Đức Giêsu. Chẳng hạn, trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời toàn năng khẳng định, “Chúa Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo các tầng trời và là Đấng căng, trải rộng mặt đất” (Is 42:5). Còn trong Tân Ước, chúng ta thấy chính Chúa Giêsu là Đại lý của sự sáng tạo, “Mọi vật do Ngài tạo nên. Chẳng vật chi đã được tạo nên mà không bởi Ngài” (Gi 1:3; Côl 1:16). Trong Isai 43:11 Chúa khẳng định, “Ta, chính Ta là CHÚA. Ngoài Ta, không có một Đấng Cứu Rỗi nào khác.” Trong Tân Ước, Đức Giêsu được coi như là Đức Chúa Trời vĩ đại và Đấng Cứu Thế của chúng ta (Tít 2:13).

CHÚA GIÊSU LÀ CHÂN LÝ VÀ LÀ VUA CỦA NƯỚC THIÊN ĐÀNG

Thánh Kinh đã cho chúng ta thấy chân lý về Chúa Giêsu một cách diệu kỳ. Chúa Giêsu không chỉ tuyên bố Ngài từ Thiên Đàng đến, nhưng Ngài cũng dạy rằng chỉ một mình Ngài là Con Đường duy nhất dẫn chúng ta vào Thiên Đàng. Ngày nay có nhiều giáo sư tôn giáo và duy linh nói họ sẽ chỉ cho bạn đường đi vào Thiên Đàng, nhưng họ không tự cho mình là Con đường. Còn Giêsu thì lại khác, Ngài công bố Ngài chính là Con Đường dẫn đến sự sống đời đời ở Thiên Đàng như Ngài phán với các môn đệ Ngài rằng, “Ta là Con đường, Chân lý và Sự sống. Chẳng bới Ta thì không ai đến với Chúa Cha” (Gi 14:6). Lời Chúa Giêsu còn minh chứng Ngài đã là và là Đức Chúa Trời. Vì Thiên Đàng thuộc về Chúa và chỉ Đức Chúa Trời là Đấng quyết định cho phép ai vào Thiên Đàng và ai sẽ sống với Ngài mãi mãi ở tại đó.

Có người sẽ phản đối rằng những tôn giáo khác cũng có những đường đi khác đến Thiên Đàng mà. Nhưng Chúa Giêsu vạch trần những huyền thoại ấy bằng cách tuyên bố rằng chỉ một mình Ngài mà thôi là “Con Đường dẫn đến Nước Thiên Đàng.” Chỉ một mình Ngài là “Con Đường hẹp và duy nhất dẫn đến sự sống vĩnh hằng và tất cả những đường đi khác là đường rộng và đường đi ấy chỉ dẫn đến sự chết đời đời trong hỏa ngục.” Đáng buồn thay, ngày nay có các mục sư truyền đạo và nhà lãnh đạo tâm linh rất hổ thẹn về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài. Họ thật hèn nhát thiếu can đảm để dể dàng nói những điều Chúa Giêsu nói và tuyên bố Ngài là “Con Đường duy nhất” dẫn đến Nước Thiên Đàng vì Ngài là Vua của Nước Thiên Đàng. Khi báo chí ở Mỹ hỏi họ về Chúa Giêsu có phải là “Con Đường duy nhất” đi vào Thiên Đàng không? Thay vì dùng cơ hội hiếm có “để Chúa Giêsu tuyên bố và nói về Ngài qua họ” thì họ lại sợ người ta, cứng họng, miễn cưỡng, gắng gượng, không thoải mái, rụt rè và ngập ngừng, và ngay cả họ đã mâu thuẫn Chúa Giêsu và sự dạy dỗ sâu nhiệm của Ngài. Thật là ngu dại! Thật là ngu dại! Vì họ thiếu sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Lời Chúa nói, “Ai chinh phục được linh hồn người ta là người khôn ngoan và những người khôn ngoan sẽ rạng rỡ như ánh sáng trên bầu trời, và những ai dẫn đưa nhiều người đến sự công chính sẽ rực sáng như các vì sao đời đời mãi mãi” (Châm 11:30; Đan 12:3).

LỜI BIỆN GIẢI VÔ CÙNG CHÍ LÝ VÀ LÔGÍC CÚA CS LEWIS VỀ CHÚA GIÊSU

CS Lewis là Giáo sư văn chương rất lỗi lạc thuộc Đại học Oxford nổi tiếng. Một số học giả cho rằng ông là một nhà biện giải học đại tài và lừng danh. Trong những năm tháng của tuổi thiếu niên và thanh niên Lewis đã bác bỏ thuyết hữu thần – sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Sau đó Lewis trở thành nhà hữu thần nhìn nhận sự tồn tại của Đức Chúa Trời cũng nhờ sự ảnh hưởng sâu đậm của JRR Tolkien, tác giả của cuốn sách nổi tiếng – The Lord of the Ring. Vào một ngày nọ vào năm 1929, Lewis đầu phục Chúa và nhìn nhận Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời và ông đã quỳ gối cầu nguyện mời Chúa Giêsu vào cuộc đời mình và tin cậy Chúa Giêsu với cuộc đời mình từ ngày đó trở đi.

Gần đây tôi đọc qua lời biện giải rất lôgíc, chí lí, sâu sắc, và nổi tiếng của ông liên quan đến thiên tính của Cứu Chúa Giêsu – Người ông gọi là CHÚA, Đức Chúa Trời của ông. Lời biện giải sâu sắc ấy làm cho chúng ta phải kết luận rằng chúng ta chỉ còn lại ba giải đáp mà thôi: Giêsu là người điên, Giêsu là người nói dối hay là Giêsu là Chúa. Tôi tạm dịch lời biện giải ấy của ông như sau để độc giả suy ngẫm và sau khi suy ngẫm xong, bạn hãy chọn lựa cho chính mình vì chính Giêsu Người mà bạn phải đối diện, không chỉ trong đời nầy, và cả đời tới nữa và sự lựa chọn của bạn sẽ quyết định số phận vĩnh hằng của mình sau khi bạn tắt thở nhắm mắt lìa đời tạm nầy.

CS Lewis viết trong cuốn sách nổi tiếng của ông – Mere Christianity: “Ở đây tôi cố gắng ngăn chặn bất cứ ai nói điều thật ngu xuẩn mà người ta thường nói về Ngài, “Tôi sẵn sàng chấp nhận Giêsu như là một giáo sư đạo đức vĩ đại, nhưng tôi không chấp nhận Ngài tự cho mình là Đức Chúa Trời (Thiên Chúa).” Đó là một điều chúng ta không nên nói. Một người mà chỉ là một người thường mà nói những gì Giêsu nói, không phải là một giáo sư đạo đức vĩ đại. Người ấy là người điên (hay người mất trí), ngang hàng với người nói mình là trứng luộc, nếu không thì mình là Quỷ vương của Hỏa ngục. Bạn phải chọn lựa. Người nầy đã và đang là Con Đức Chúa Trời: nếu không thì là người điên khùng hay là cái gì tệ hơn đó nữa.” Lewis còn nói thêm, “Bạn có thể bịt miệng Ngài lại vì cho là người ngu dại, bạn có thể khạc nhổ vào mặt Ngài và giết chết Ngài đi như một con quỷ hay bạn có thể quỳ xuống chân Ngài và gọi Ngài là Chúa, là Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta đừng đưa ra bất cứ điều vô lý ngạo mạn nào liên quan đến Ngài là giáo sư nhân đạo vĩ đại. Ngài không để cho chúng ta làm điều đó. Ngài không có ý định đó.”

Nhiều người bị lừa dối vì cho rằng Chúa Giêsu chỉ là vị giáo sư nhân đạo tốt mà thôi và Ngài đến để làm gương cho chúng ta sống cuộc đời công chính và ngay thẳng. Nhưng dĩ nhiên, không một giáo sư đạo đức thường nào dám nói rằng định mệnh của thế giới loài người ở trong tay Ngài hay là loài người sẽ sống ở cõi vĩnh hằng trên Thiên đàng hay địa ngục tùy theo là họ có tin vào Ngài để nhận được sự cứu rỗi hay không (Gi 6:26-40). Đây không phải là một tấm gương đạo đức nhưng là một sự điên dại. Đối với Chúa Giêsu để thuyết phục loài người Ngài là Thiên Chúa (Gi 8:58) và là Cứu Chúa của nhân loại (Lu 19:10) khi Ngài thật không phải như điều Ngài nói thì ấy là hành động vô đạo đức tột đỉnh. Hay nói Chúa Giêsu chỉ là vị giáo sư đạo đức tốt và không gì hơn là vô nghĩa.

Đức Giêsu – Thiên Chúa vĩnh hằng, được sinh ra trong dương thế như một con người không chỉ gây ảnh hưởng đạo đức cho cả nhân loại, nhưng Ngài đã chết vì tội lỗi của nhân loại. Ngài xác nhận rằng Ngài đến thế gian là vì mục đích chịu khổ nạn và chết đi (Gi 12:27) và Ngài nhận thức rằng cái chết của Ngài là cái chết hi sinh mạng sống mình vì tội lỗi của nhân loại (Mat 26:26-28). Ngài đã mang gánh sứ mạng cao cả của Ngài với tính chất vô cùng nghiêm trọng, vì Ngài biết rằng không có Ngài, cả nhân loại chắc chắn sẽ bị chết mất và diệt vong (Mat 16:25; Giăng 3:16) và sống cuộc đời vĩnh hằng mà không có Thiên Chúa ở nơi thống khổ (Mat 10:28; 11:23; 23:33; 25:41; Lu 16:22-28).

ĐỊNH MỆNH ĐỜI ĐỜI CỦA CHÚNG TA TRONG TAY CHÚA GIÊSU

Anh chị em yêu dấu! Chúa Giêsu khẳng định Ngài là Thiên Chúa, Ngài là Đức Chúa Trời. Ngài không dành chỗ cho bất cứ lựa chọn nào khác. Cho nên có lần Chúa hỏi các môn đệ Ngài, “Còn các ngươi nói Ta là ai?” (Mat 16:15). Nếu Ngài là người nói dối thì Ngài cũng là một kẻ giả hình vì Ngài bảo những người tin theo Ngài sống trung thực với chân lý mà Ngài dạy dỗ họ với bất cứ giá nào và định mệnh của họ ở trong tay quyền năng của Ngài. “Nếu các người kiên trì trong đạo Ta dạy thì các người mới thật là môn đệ của Ta. Các người sẽ hiểu biết chân lý và chính chân lý đó sẽ giải phóng các người” (Gi 8:32). Vì Ngài là Chân lý, là Lẽ thật hay Sự thật thì tất cả sự dạy đỗ và lời nói uy quyền của Ngài là Chân lý. Một trong các môn đệ thân cận của Ngài là Sứ đồ Phêrơ là người đã từng sống với Ngài, ăn uống cùng Ngài, cùng đi với Ngài, ngồi dưới bệ chân Ngài học hỏi từ Ngài là vị Thầy khôn ngoan, thông thái, vĩ đại – Thầy của mọi thầy, giảng dạy chân lý của Ngài về Ngài cho người nghe và người nói về Ngài như sau, “Ngài không hề phạm tội, miệng Ngài không hề nói một lời gian dối” (1 Phê 2:22). Chúa Giêsu thật thánh khiết, thật công chính, thật liêm chính, thật tinh bạch, thật trong trắng, thật trong sáng. Trong miệng Ngài chẳng tìm được một lời dối trá nào cả! Miệng Ngài cũng không hề nói một lời gian dối!

CHÚA GIÊSU LÀ CHÂN LÝ VÀ CHÂN LÝ CHÍNH LÀ CHÚA GIÊSU

Khi Philát đang ngồi xử án, vợ ông gởi lời đến nói, “Xin đừng làm gì đụng đến người công chính đó, vì trong chiêm bao đêm qua, tôi đã khổ nhiều về người ấy” (Mat 27:19). Khi Philát hỏi Ngài, “Vậy ngươi là Vua sao?” Chúa Giêsu trả lời, “Chính người nói rằng Ta là Vua. Vì lý do đó Ta đã giáng sinh, và vì lý do đó Ta đến trong thế gian để làm chứng cho chân lý (lẽ thật hay sự thật). Ai thuộc về chân lý thì nghe lời Ta.” Philát hỏi Ngài, “Chân lý là gì?” Nói xong, Philát trở ra gặp người Do Thái và nói với họ, “Ta không tìm được lý do nào để buộc tội người nầy cả” (Gi 18:37-38). Thật vậy, Đấng đã tuyên bố và đang tuyên bố với cả nhân loại, “Ta là Chân lý.” Chân lý ấy là Con Người của Ngài. Chân lý ấy là Lẽ thật, là Sự thật mà Con Người Ngài không hề phạm tội, không hề nói một lời gian dối. Chính Philát cũng không tìm thấy Ngài có tội gì và cũng không tìm được lý do nào để buộc tội Ngài. Vì thế mà chỉ có Đấng vô tội mới có thể cứu chúng ta khỏi tội và ngày phán xét sắp tới. Đúng vậy, Ngài thật là Đấng Công Chính của chúng ta. Cho nên Sứ đồ Phaolô mới nói, “Trong khi chúng ta hoàn toàn bất lực, theo đúng thời điểm Ðấng Christ đã chết thay cho người có tội. Vì dễ gì có ai bằng lòng chết thay cho người công chính. Tuy thế vẫn có người chịu chết thay cho người lành. Nhưng Ðức Chúa Trời chứng tỏ tình yêu vĩ đại của Ngài đối với chúng ta trong khi chúng ta còn là người có tội, Ðấng Christ chịu chết vì chúng ta” (Rô 5:6-8). Đấng Christ chết thay cho chúng ta trong khi chúng ta còn là người có tội, trước khi chúng ta ăn năn. Ấy là tình yêu bao la vô biên của Thiên Chúa. Ấy là Tin Mừng cứu rỗi của Thiên Chúa!

CHÚA GIÊSU LÀ PHẢN ÁNH VINH QUANG CỦA THIÊN CHÚA

Thánh Kinh mạnh mẽ nói chân lý về Ngài, “Đức Chúa Con là phản ánh của vinh quang Đức Chúa Trời và là hình ảnh trung thực của bản thể Đức Chúa Trời. Đức Chúa Con duy trì muôn vật bằng lời quyền năng của Ngài. Sau khi tẩy sạch tội lỗi, Ngài ngồi bên phải Đấng Tối Cao trong nơi chí cao” (Hê 1:3).

Sau khi quý vị nghe lời biện giải rõ ràng về Chúa Giêsu – Ngài là ai! Và nếu quý vị thành thật hỏi tôi, “Chúa Giêsu thực sự là ai?” thì tôi xin khẳng định và tuyết đối trả lời với quý vị, “Chúa Giêsu chính là “Ảnh tự chụp” của Thiên Chúa, của Đức Chúa Trời tối cao! Nói theo ngôn ngữ hiện đại trong tiếng quốc tế là Anh ngữ, “Jesus is God’s selfie.”

Các bạn độc giả yêu dấu! Nếu bạn muốn được tha thứ, bạn phải đến với Chúa Giêsu là Đấng có quyền và thẩm quyền tha tội. Thiên Đàng thật ra không dành cho người tốt đâu. Thiên Đàng không dành cho người tự cho mình là công chính hay công bình, hay ăn hiền ở lành. Thiên Đàng chỉ dành cho những ai có Chúa Giêsu trong cuộc đời và tin cậy Ngài với cuộc đời mình. Thiên Đàng chỉ dành cho những người được Chúa Giêsu tha thứ mà thôi, vì Ngài là Đấng có thẩm quyền tha tội bạn. Ngoài Chúa Giêsu ra thì không có sự cứu rỗi, không có sự tha tội trong đấng nào khác mà có thẩm quyền tối cao tha tội cho con người tội lỗi như chúng ta và cứu chúng ta khỏi điều gian ác và sự phán xét sắp đến khi Ngài quang lâm.

images (3)

AI MUỐN CÓ SỰ SỐNG VĨNH CỬU THÌ HÃY ĐẾN VỚI ĐẤNG VĨNH HẰNG LÀ ĐẤNG BAN CHO SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

Nếu bạn muốn có sự sống vĩnh cửu, bạn cần phải đến với Chúa Cứu Thế Giêsu là Đấng gọi mình, “Ta là Sự Sống” và mời Ngài vào cuộc đời mình để làm Chúa làm Chủ làm Vua của đời mình. Chúa Giêsu là Đấng có lời của sự sống đời đời. Ngài có lời ban cho sự sống đời đời. Có một số người theo Chúa vì miếng ăn và cho Lời Ngài khó hiểu và họ đã lìa khỏi Ngài. Nhưng Simôn Phêrơ thưa với Ngài, “Lạy Chúa, chúng con sẽ theo ai? Ngài có lời của sự sống đời đời” (Gi 6:68).

Sứ đồ Giăng là nhân chứng về sự nhập thể làm người của Chúa Giêsu làm chứng rằng, “Trước khi sáng tạo vũ trụ đã có Ngôi Lời (Ngôi Lời là Chúa Cứu Thế Giêsu). Ngôi Lời đã hiện hữu với Đức Chúa Trời (ngay từ ban đầu Ngài đã ở cùng Đức Chúa Trời) (Gi 8:58), và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Có người dịch từ tiếng Anh ‘The Word’ là Lời, Ngôi Lời, Thiên Ngôn, Đạo. Ngôi Lời ở đây là Đấng vĩnh hằng, Đấng Christ vĩnh hằng (Gi 1:1-3), là Đấng Christ Nhập thể (Gi 1:4-5) trở nên Người, là Đấng Christ vinh quang (Gi 1:14-18).

Vì chủ đề của Phúc Âm Giăng cho biết Đấng Christ hay Chúa Cứu Thế Giêsu chính là Thiên Chúa vĩnh hằng hay Đức Chúa Trời đời đời Ngôi hai, cho nên Sứ đồ Giăng không bao gồm gia phả của Ngài như Mathiơ và Luca đã làm. Trong khi, theo quan điểm nhân tính của Chúa Giêsu thì Ngài có giả phả con người, còn trong quan điểm thần tính hay thiên tính của Ngài thì Ngài không có gia phả. Sứ đồ Giăng mượn từ ‘Ngôi Lời’ không chỉ đến từ ngữ vựng Cựu Ước, nhưng cũng có hàm ý triết học Hy lạp biểu thị nguồn gốc lý trí như ‘lý trí thiên thượng,’ ‘tâm trí,’ hay ngay cả ‘sự khôn ngoan.’ Tuy nhiên Sứ đồ Giăng thấm nhuần từ này hoàn toàn với ý nghĩa Cựu Ước và Cơ đốc mà nhờ Lời Chúa mà thế giới trở thành hiện thực (Sáng 1:3). Lời Chúa bày tỏ năng quyền trong sự sáng tạo, khôn ngoan, mạc khải, và cứu rỗi của Ngài (Thi 33:6; 107:20; Châm 8:27) và Lời ấy nói đến thân vị của Chúa Giêsu trong sự oai nghi vinh quang của Ngài và sự nhập thể của Ngài.

Ngài ở trong thế giới do chính Ngài sáng tạo nhưng thế giới không nhận biết Ngài. Ngài đã đến trong nước Ngài mà dân Ngài không nghênh tiếp. Nhưng những ai tiếp nhận Ngài, nghĩa là tin Danh Ngài, thì Ngài ban cho quyền trở nên con Đức Chúa Trời. Sứ đồ Giăng viết, “Ngôi Lời đã giáng thế làm người, cư ngụ giữa chúng ta, tràn đầy ân sủng và chân lý. Chúng tôi đã tận mắt chiêm ngưỡng vinh quang Ngài, là vinh quang của Con Một đến từ Cha” (Gi 1:1,10-12,14). Ngôi Lời đã hiện hữu với Đức Chúa Trời và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.

Sứ đồ Giăng muốn bày tỏ cho cả nhân loại biết Chúa Giêsu là Đức Chúa Trời trọn vẹn và là con người trọn vẹn. Mặc dầu Ngài nhập thể làm người, nhưng Ngài không hề ngừng làm Đức Chúa Trời hay Thiên Chúa đời đời vì Ngài là Đấng Vĩnh hằng, là Đấng Hằng hữu luôn tồn tại vì Ngài là Đấng Tạo Hóa, là Đấng Duy trì mọi điều trong vũ trụ nầy và là Nguồn của sự sống vĩnh hằng. Đây là ‘Chân lý về Chúa Giêsu và đây cũng là Nền tảng của mọi chân lý.’ Nếu chúng ta không thể tin hay không tin ‘Chân lý Căn bản nầy,’ chúng ta sẽ không đủ đức tin để tin cậy định mệnh vĩnh hằng của chúng ta vào Ngài. Do đó Sứ đồ Giăng viết Sách Phúc âm nầy để xây dựng đức tin và lòng tin của anh chị em nơi Chúa Cứu Thế Giêsu, để rồi chúng ta tin rằng Ngài thực sự là Con Đức Chúa Trời, và nhờ đức tin đó anh chị em có sự sống trong Danh Ngài (Gi 20:30-31). Anh chị em biết không? Số mệnh đời đời của nhân loại, của anh chị em độc giả ở trong tay quyền năng của Chúa Giêsu! Chúa Giêsu là Thẩm phán chủng thẩm và quyền phán xử thế gian ở trong tay Ngài. Khi Ngài ngự đến trong vinh quang và quyền năng cùng với tất cả các thiên sứ, Ngài sẽ ngồi trên ngai vinh quang để phán xử người sống và kẻ trên đất.

HÃY ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU HÔM NAY KHI TIM BẠN CÒN ĐẬP

Bạn yêu dấu! Đọc đến dòng chữ nầy, bạn nghĩ gì về Chúa Giêsu! Bạn hãy chọn lựa vì chính Giêsu Người mà bạn phải đối diện, không chỉ trong đời nầy, và cả đời tới nữa. Sự lựa chọn của bạn hôm nay ngay giờ phút nầy sẽ quyết định số phận vĩnh cửu của mình sau khi tim bạn ngừng đập, khi bạn tắt thở nhắm mắt lìa đời! Nếu bạn tin Chúa Giêsu, tin cậy Ngài với cuộc đời mình, giao cuộc đời mình cho Ngài, thì cuộc đời bạn sẽ không chấm dứt với cái chết đâu!

Có thể bạn đang bị thần đời nầy làm mù lòng và bạn đang theo tà đạo mà không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đức Chúa Trời, mà con tìm mọi cách lý luận biện giải theo ý của mình, đánh phá thiên tính của Ngài. Việc làm của bạn chỉ là vô ích mà thôi trước mặt Chúa. Hay qua bài viết nầy trong ánh sáng của Thánh Kinh, bạn được Thánh Linh thuyết phục mạnh mẽ. Con mắt tâm linh bạn được mở ra và bạn nhìn thấy sự thánh khiết và vinh quang của Chúa Giêsu như Isai trông thấy Ngài trong đền thờ, “Tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao cả, tôn quý. Thân áo Ngài đầy dẫy đền thờ. Phía trên ngai có các sêraphim đứng hầu. Mỗi sêraphim có sáu cánh, hai cánh che mặt, hai cánh che chân và hai cánh để bay. Các sêraphim gọi nhau và hô lên: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giavê Chúa Vạn quân! Khắp đất đầy dẫy vinh quang Ngài.” Tiếng tung hô ấy vang dội làm cho các trụ cửa nơi ngưỡng cửa rung chuyển, và đền thờ đầy dẫy khói. Tôi liền kêu lên: “Khốn nạn cho tôi! Tôi chết mất rồi! Vì tôi là người có môi ô uế ở giữa một dân có môi ô uế, vì mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giavê Chúa Vạn quân!” (Isai 6:1-5). Sứ đồ Giăng khẳng định, “Isai đã trông thấy vinh quang Chúa Giêsu” (Gi 12:41). Vì thế mà không gì là ngạc nhiên khi Chúa Giêsu thường được các môn đệ thờ phượng Ngài như Đức Chúa Trời, cũng như Đức Chúa Cha (Mat 2:11; 8:2; 9:18; 15:25; 28:9; Gi 9:38; Hê 1:6). Đức Giavê Chúa Vạn quân mà Isai trông thấy trong đền thờ, không ai khác, mà là chính Chúa Cứu Thế Giêsu!

Nếu bạn tin theo Chúa Giêsu cả cuộc đời mình, giao cuộc đời mình cho Ngài, bạn có hi vọng sẽ sống mãi với Ngài trong Nước Thiên Đàng. Tử thần không phải là sự cuối cùng của đời bạn. Một ngày, chắc chắn bộ óc bạn sẽ không còn làm việc, tim bạn sẽ ngừng đập và ấy là sự cuối cùng của thân thể bạn. Nhưng đây không phải là sự cuối cùng của cuộc đời bạn. Bạn được dựng nên trong hình ảnh Đức Chúa Trời. Bạn được dựng nên để sống mãi và sẽ còn lại mãi mãi trong cõi vĩnh hằng khi bạn hết lòng tin cậy Chúa Giêsu với cuộc đời minh.

Cầu xin Chúa Thánh Linh mạc khải, mỡ mắt bạn ra để nhìn thấy vinh quang Chúa Giêsu – Người mà đã yêu bạn, hi sinh mạng sống mình đỗ huyết ra trên cây thập tự hơn 2000 năm qua tại nước Do Thái để chết thế cho bạn. Mục đích chính của Chúa không phải đến thế gian để giải quyết những vấn đề kinh tế, chính trị, và xã hội của thế giới. Chúa đến để tha tội chúng ta. Vì chúng ta đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời. Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng tặng phẩm của Đức Chúa Trời là sự sống vĩnh phúc trong Chúa Cứu Thế Giêsu, Chúa chúng ta!

Sau khi đọc xong trang giấy này mà bạn say mê Chúa Giêsu, yêu mến Chúa Giêsu với cả trái tim, tâm hồn, và đam mê mình và hết lòng tin cậy Chúa Giêsu với cuộc đời mình, thì cuộc đời bạn sẽ không chấm dứt với cái chết đâu! Vì bạn sẽ sống mãi mãi với Ngài cả cõi vĩnh hằng trong Vương quốc của Ngài! Nơi mà không còn chết chóc, tang chế hay khóc than hay đau khổ nữa!

Bạn ơi! Hãy lắng nghe tiến phán thẩm quyền của Ngài để sống, “Ta đã chết, kìa nay Ta sống đời đời vô cùng. Ta cầm chìa khóa của Tử thần và Âm phủ. Ta là sự sống lại và sự sống. Ai tin Ta sẽ sống, mặc dù đã chết rồi. Còn ai đang sống mà tin Ta sẽ không bao giờ chết” (Khải 1:18; Gi 11:25).

AI KÊU CẦU DANH CHÚA GIÊSU SẼ ĐƯỢC CỨU!

Cầu xin Chúa quyền năng bảo vệ anh chị em và độc giả thân thương trong và ngoài nước!

LẠY CHÚA GIÊSU! XIN NGÀI SỚM QUANG LÂM!

MS Tiến sĩ Christian Le PhD

 

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn