CHỨC VỤ CỦA MÔN ĐỒ
Mác 6: 30-44
“Các sứ đồ nhóm lại cùng Đức Chúa Jêsus, thuật cho Ngài mọi điều mình đã làm và dạy. Ngài phán cùng sứ đồ rằng: Hãy đi tẻ ra trong nơi vắng vẻ, nghỉ ngơi một chút. Vì có kẻ đi người lại đông lắm, đến nỗi Ngài và sứ đồ không có thì giờ mà ăn. Vậy, Ngài và sứ đồ xuống thuyền đặng đi tẻ ra trong nơi vắng vẻ. Nhưng nhiều người thấy đi, thì nhìn biết; dân chúng từ khắp các thành đều chạy bộ đến nơi Chúa cùng sứ đồ vừa đi, và đã tới đó trước.
Bấy giờ Đức Chúa Jêsus ở thuyền bước ra, thấy đoàn dân đông lắm, thì Ngài động lòng thương xót đến, vì như chiên không có người chăn; Ngài bèn khởi sự dạy dỗ họ nhiều điều. Trời đã chiều, môn đồ tới gần Ngài mà thưa rằng: Chỗ nầy là vắng vẻ, và trời đã chiều rồi; xin cho dân chúng về, để họ đi các nơi nhà quê và các làng gần đây đặng mua đồ ăn. Ngài đáp rằng: Chính các ngươi phải cho họ ăn. Môn đồ thưa rằng: chúng tôi sẽ đi mua đến hai trăm đơ-ni-ê bánh để cho họ ăn hay sao? Ngài hỏi rằng: Các ngươi có bao nhiêu bánh? Hãy đi xem thử. Môn đồ xem xét rồi, thưa rằng: Năm cái bánh và hai con cá. Ngài bèn truyền cho môn đồ biểu chúng ngồi xuống hết thảy từng chòm trên cỏ xanh. Chúng ngồi xuống từng hàng, hàng thì một trăm, hàng thì năm chục. Đức Chúa Jêsus lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, tạ ơn, rồi bẻ bánh ra mà trao cho môn đồ, đặng phát cho đoàn dân; lại cũng chia hai con cá cho họ nữa. Ai nấy ăn no nê rồi; người ta lượm được mười hai giỏ đầy những miếng bánh và cá còn thừa lại. Vả, số những kẻ đã ăn chừng năm ngàn người.”
Để chuẩn bị cho tuyển dân nghe tin mừng về một Đấng Mê-si đã đến và sẽ hoàn thành sự cứu chuộc, Đức Chúa Jesus đã huấn luyện mười hai sứ đồ và các môn đồ đi ra công bố Phúc âm. Trong các sách Phúc âm, Chúa Jesus trao cho các sứ đồ một sứ điệp để rao giảng: “Hãy ăn năn vì nước thiên đàng đã đến gần.” Họ đã trung tín với sự ủy thác của Chúa trong lời giảng và trải nghiệm các phép lạ từ chính chức vụ của mình, giống như trước đó Chúa Jesus đã thực hiện. Các môn đồ đã rất hào hứng với những gì họ làm được. Họ trở về tường trình lại với Chúa Jesus về các mục vụ thành công của họ.
Chúa Jesus nhìn thấy những yếu tố thiếu sót của các môn đồ trong chức vụ. Họ cần được chỉ dẫn thêm để hoàn thiện các công tác. Sự lưu ý ở đây là: Các phép lạ họ thực hiện chỉ là phần được gia cố thêm vào lời giảng của họ. Một người bình thường có khuynh hướng đề cao các phép lạ. Và các môn đồ thì quan tâm đến quyền năng thiên thượng của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua họ. Sau khi đã trải nghiệm những điều kỳ diệu trong công tác, mười hai sứ đồ được Chúa Jesus đem ra nơi vắng vẻ để được huấn luyện thêm. Họ cần được trang bị những kỹ năng cần thiết cho công tác mục vụ tương lai, vì thầy của họ chuẩn bị kết thúc chức vụ trên đất. Họ sẽ là những đại sứ của vương quốc thiên đàng còn ở lại trần gian sau khi Chúa về trời.
Trong Phúc âm Giăng, vị sứ đồ cho chúng ta biết rằng Lễ vượt qua của người Do thái đang đến gần. Trong một ý nghĩa Lễ này là bài học nhắc nhở cho tuyển dân nhớ lại sự giải cứu của Đức Chúa Trời đối với họ trong quá khứ và từ đó hướng họ đến trông chờ một Đấng giải cứu tương lai. Trong buổi lễ này, Chúa Jesus đã giải thích cho các môn đồ về chức vụ mà họ đã được ủy thác.
Chúa Jesus bày tỏ rõ ràng về công tác mà các môn đồ phải làm. Đoàn dân đông đã tìm đến với Chúa để nghe những gì Ngài phán dạy. Sau khi nghe Chúa giảng, họ không thể trở về với cái bụng đói. Chúa truyền lệnh cho các môn đồ: “Chính các ngươi phải cho họ ăn”. Đây là công tác của họ. Phép lạ nuôi dưỡng năm ngàn người ăn từ năm cái bánh và hai con cá là bài học lớn cho các môn đồ và chúng ta ngày nay. Các môn đồ có trách nhiệm và nghĩa vụ đáp ứng nhu cầu thuộc linh và cả thuộc thể cho đoàn dân đông. Chức vụ của Chúa Jesus trên đất về căn bản là giảng dạy, nhưng bên cạnh những lời giảng là các phép lạ siêu nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu của con người để minh chứng cho chức vụ đầy quyền năng của Ngài. Bây giờ đến lượt các môn đồ, họ cũng phải làm như thầy của mình trong chức vụ của họ.
“Trời đã chiều, môn đồ tới gần Ngài mà thưa rằng: Chỗ nầy là vắng vẻ, và trời đã chiều rồi; xin cho dân chúng về, để họ đi các nơi nhà quê và các làng gần đây đặng mua đồ ăn.” Trong bối cảnh này, Chúa đã dạy cho các môn đồ một bài học thuộc linh sâu sắc. Phép lạ nuôi dưỡng năm ngàn người ăn không chỉ là đổ đầy thức ăn vào trong những cái bụng đói, nhưng là soi sáng hay đổ đầy tâm trí cho các môn đồ vốn chậm hiểu biết về công tác của họ. Chúa đã thực hiện một phép lạ vật lý để dạy dỗ các môn đồ một bài học thuộc linh về công tác thực sự của họ: chính họ phải đáp ứng nhu cầu vật lý cho đoàn dân đông, sau khi đoàn dân này được nghe Chúa giảng dạy.
Đoàn dân đông đến với Chúa, và họ thỏa lòng khi được nghe Lời Đức Chúa Trời. Họ vui hưởng thức ăn thuộc linh mà Chúa đã cung ứng, và dường như họ quên mất nhu cầu thuộc thể. Không có người nào trong vòng họ đến trình bày với các môn đồ: “Chúng tôi đang đói, và các anh sẽ cho chúng tôi ăn chứ?” Tại sao họ không làm điều này? Lý do là họ đã được thỏa mãn từ những lời dạy của Chúa, và hầu như họ quên mất đi nhu cầu vật lý là phải ăn một thứ gì đó. Chúng ta không quên trường hợp của Chúa khi Ngài dạy dỗ một người phụ nữ bên giếng Gia-cốp thuộc thành phố Si-kha. Lúc này các môn đồ quan tâm đến nhu cầu thuộc thể của Chúa, và họ đi vào làng gần đó để mua đồ ăn cho thầy của mình. Và khi họ trở lại, họ ngạc nhiên biết bao khi Chúa phán: “Ta có một thứ lương thực để nuôi mình mà các ngươi không biết…. Đồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai ta đến” (Giăng 4). Chúa Jesus đã chống đỡ được với nhu cầu vật lý về việc ăn uống, Ngài không nhớ tới tình trạng của dạ dày trong khi đang thi hành ý chỉ của Cha.
Các môn đồ bận tâm đến nhu cầu vật lý của mọi người chung quanh là lẽ đương nhiên. Trong Giăng 6, ghi lại câu chuyện Chúa hỏi Phi-líp về việc mua bánh cho đoàn dân đông đang đến cùng Ngài: “Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu, để cho dân nầy có mà ăn?” Phi-líp vốn là người địa phương nên chắc ông biết rõ chỗ nào có thể mua bánh. Phi-líp và các môn đồ nhìn đoàn dân đông, họ đang làm một phép tính trong đầu: Với số người đông như thế này, thì “hai trăm đơ-ni-ê bánh không đủ phát cho mỗi người một ít”. Các môn đồ đang đối diện một bài toán khó, giải pháp của họ đưa ra là cho dân chúng ra về để mặc họ tự lo liệu lấy. Rõ ràng là các môn đồ không có sẵn hay chuẩn bị từ trước phần ăn cho đoàn dân đông. Sự thoái thác của họ dường như có lý do chính đáng, nhưng Chúa phán cùng họ: “Chính các ngươi phải cho họ ăn” (Mác 6:37). Đây là trách nhiệm mà Chúa giao phó cho họ. Thực ra đây chính xác là mục vụ của họ. Bài học nào ở đây? Chúa muốn họ phải thừa nhận sự bất lực hoàn toàn của họ trước mạng lệnh của Ngài? Và khi con người nhìn nhận sự bất lực của mình thì đó là khởi điểm để Đức Chúa Trời hành động.
Một thực tế ở đây là các môn đồ không có trách nhiệm cung ứng thực phẩm cho đoàn dân đông. Chính đoàn dân đông phải tự lo liệu lấy. Nhưng điều gì sẽ xảy ra, nếu đám đông sau khi nghe lời Chúa trở về dọc đường bị mệt, đói và khát? Chúa Jesus nhìn thấy nhu cầu này, nên Ngài trao trách nhiệm cho các môn đồ: “Chính các ngươi phải cho họ ăn”.
Chú ý rằng, Chúa chúng ta không giao trách nhiệm cho các môn đồ cung cấp thực phẩm để nuôi dưỡng người nghèo trong thế giới này. Nhiều người ngày nay dùng đoạn Kinh Thánh này để đặt câu hỏi về vai trò của Hội thánh trong việc giúp đỡ lương thực cho những người người đang đói khát vật lý trên khắp thế giới. Chúa Jesus trong phần Kinh Thánh trên quan tâm đến nhu cầu của những người đói khát thuộc linh, mà họ đã dành trọn cả ngày để nghe Ngài giảng dạy. Một đám đông như vậy cần được đáp ứng cả nhu cầu thuộc thể, sau khi họ đã bày tỏ sự đói khát thuộc linh.
Chúa Jesus “thấy đoàn dân đông lắm, thì Ngài động lòng thương xót đến, vì như chiên không có người chăn”. Trong câu chuyện này Chúa muốn các môn đồ nhìn đoàn dân đông như một bầy chiên, mà họ là những người chăn chiên. Những con chiên không có khả năng tìm đến người chăn chiên để lấy được thực phẩm, nhưng người chăn phải dẫn chiên đến nơi có đồng cỏ xanh và suối nước. Người Pha-ri-si tự nhận mình là người chăn chiên trong tuyển dân Israel, nhưng họ để chiên đói khát và chết. Các môn đồ thật sự của Đấng Christ không thể như vậy.
(Còn nữa)
J.DWIGHT PENTECOST
Translated by Tuong Vi