Thứ Năm , 23 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / CHÚNG TA LÀM GÌ KHI MỘT NGƯỜI TIẾP NHẬN ĐẤNG CHRIST?

CHÚNG TA LÀM GÌ KHI MỘT NGƯỜI TIẾP NHẬN ĐẤNG CHRIST?

Nguyên tác: Share Jesus without fear
Chuyển ngữ: Tường Vi

share

Bài trước:

Nắm Lấy Những Cơ Hội

CÁC BÌNH LUẬN: 

Bill Fay đã cung ứng một phương cách thực tiễn, đơn giản, hợp lý để chia sẻ đức tin. Sự giảng dạy của Bill giống như thịt và khoai tây được dọn sẵn … và mời bạn thưởng thức! Đây cũng chính là lý do mà tôi thường mời Bill giảng dạy trong các Hội Thánh của tôi, dù đó là Texas, San Diego, hay California.

Tiến sĩ Jim Garlow, Mục sư quản nhiệm Hội Thánh Skyline Wesleyan, San Diego, California.

—————————————————–

 

Tôi chưa bao giờ biết bất cứ ai mà đem nhiều người về với Chúa và dạy người khác phương cách để làm điều đó giống như Bill.

Tiến sĩ Vernon Grounds, Giám Đốc Emeritus Denver Seminary.

—————————————————–

 

Bill Fay đã giúp cho thân thể Đấng Christ một mục vụ mạnh mẽ trong sứ điệp  Giới Thiệu Chúa Jesus mà Không Sợ Hãi. Tôi đã gặp nhiều người  đã bỏ cuộc không dám nói về Chúa nữa, nhưng rồi họ đã đứng lên chia sẻ Phúc Âm không hề sợ hãi sau khi đọc sứ điệp này. Trong tác phẩm của mình, Bill Fay và Linda Evans Shepherd đã nắm bắt tâm linh con người đằng sau mỗi sứ điệp. Nếu bạn thực sự quan tâm đến các bài học này bạn chắc sẽ dùng nó như một quyển sách gối đầu giường chứ không đơn thuần chỉ là một quyển sách để đọc. Chương “Chúng ta phải làm gì khi người khác tiếp nhận Đấng Christ” thì vượt ra ngoài khuôn khổ của một cẩm nang truyền giáo. Nếu bạn là người mới qui đạo thì sứ điệp này bảo đảm cho bạn trở thành chứng nhân với 100% kết quả.

Jimmy Kinnaird, Chuyên viên Chứng Đạo Cá nhân của Giáo hạt Báp tít Oklahoma.


images

CHÚNG TA LÀM GÌ KHI MỘT NGƯỜI  TIẾP NHẬN ĐẤNG CHRIST?

Khi tôi chia sẻ Phúc âm và có một ai đó tiếp nhận Đấng Christ. Tôi sẽ cố gắng xác nhận những gì vừa mới xảy ra. Tôi làm như thế bởi vì khi một người không hổ thẹn nói lên lời chứng về Phúc Âm, người đó đang đi bước đầu tiên trên con đường đức tin. Kinh Thánh dạy trong 1 Cô-rin-tô 12: 3, Không ai có thể nói Chúa Jesus là Đức Chúa Trời nếu không được cảm thúc bởi Đức Thánh Linh.
Vào một buổi tối kia tôi gọi một người bạn của tôi, Jerry. Anh ấy nói ngay trên điện thoại: Nè Bill. Tôi muốn anh gặp một người ở đây. Brenda có một vài tin tức rất vui ở đây.
Khi anh ấy trao điện thoại cho Brenda. Tôi mỉm cười lặng lẽ vì đoán được điều gì đang xảy ra. Tôi hỏi Brenda:
– Cô khỏe không?
Cô ấy trả lời:
– Tôi nghe không rõ vì ở đây ồn ào quá.
–  Tại sao ? Đang xảy ra việc gì thế?
–  Tôi vừa mới tiếp nhận Chúa Jesus.
– Việc đó cụ thể như thế nào?
–  Tôi cảm thấy đời sống trở nên trống vắng vô nghĩa mặc dù công việc và gia đình của tôi đều rất ổn định. Hôm nay người bạn gái của tôi tổ chức một buổi gặp mặt với Jerry. Anh ta đã yêu cầu tôi đọc lớn tiếng một số câu Kinh Thánh. Sau đó anh ta hỏi tôi: Câu này nói gì với bạn? Thế là tôi nhận ra một điều: Tôi cần Đấng Christ.
–  Tôi có thể hỏi cô vài câu hỏi được không?
Brenda cười:
– Anh cũng hỏi nữa sao?
–  Chúa đã trả giá cho bao nhiêu tội lỗi của cô?
–  Tất cả mọi tội lỗi.
–  Chúa còn nhớ bao nhiêu tội của cô?
–  Tôi cho là Chúa không còn nhớ nữa.
Tôi cười thích thú:
– Cô nói rất đúng. Bây giờ Chúa Jesus đang ở đâu?
–  Ngài sống trong lòng tôi.
Thật là những thời khắc đáng ghi nhớ! Brenda đã thực sự có một kết ước với Đấng Christ. Nhưng xin bạn lưu ý Jerry và tôi không để cho Brenda ra đi không cần chăm sóc. Bỏ rơi một tân tín hữu cũng giống như bỏ rơi một em bé trong trận bão tuyết vậy. Chúng tôi cần bảo đảm cho Brenda là cô ấy sẽ được chúng tôi tiếp tục hướng dẫn để tiến tới một đời sống sâu nhiệm trong mối tương giao với Đức Chúa Trời. Bước đầu tiên để giúp đỡ cho một người mới tin là hỏi những câu hỏi giống như tôi đã hỏi Brenda.

Những câu hỏi và lời hướng dẫn cho người mới tin
Chắc bạn còn nhớ, câu hỏi đầu tiên tôi thường hỏi là:

1. Đấng Christ đã trả giá cho bao nhiêu tội lỗi của bạn?
Tôi hỏi câu này bởi vì tôi muốn biết chắc là người đó có thực sự hiểu ơn cứu rỗi hay không. Dĩ nhiên nhận thức của họ và tôi phải giống nhau tại điểm này. I Giăng 2: 2 bày tỏ: Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa. Rõ ràng là Đấng Christ đã chết cho tất cả chúng ta và mọi tội lỗi chúng ta.
Khi tôi nghe câu trả lời: Tất cả tội lỗi của tôi. Tôi đi tới câu hỏi thứ hai:

2. Đấng Christ còn nhớ bao nhiêu tội của bạn?
Câu trả lời của người được hỏi thường là: Không nhớ. Có thể bạn sẽ muốn tôi nhắc nhở người tín hữu mới câu Kinh Thánh trong Hê-bơ-rơ 10:17, Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội lỗi gian ác của chúng nó nữa.
Thật là quan trọng khi tân tín hữu nhận ra chính anh ta đã là một tạo vật mới trong Đấng Christ. 2 Cô-rin-tô 5:17 nói, Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.

3. Bây giờ Đấng Christ sống ở đâu?
Câu trả lời chúng ta mong đợi là: Đấng Christ sống trong tôi. Ga-la-ti 2:20 nói, Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.
Đây là một ý niệm quan trọng. Chỗ này tôi muốn biết chắc những tín hữu mới hiểu họ có mối quan hệ cá nhân với Đấng Christ. Bây giờ tôi đi một bước khác.

i-3

4. Chúng ta hãy cầu nguyện
Tôi thích dạy cho tân tín hữu phương cách thưa chuyện cùng Đức Chúa Trời. Tôi nói với người đó: Anh hãy bắt đầu với câu “Lạy Cha thiên thượng” rồi sau đó nói với Chúa những gì có trong lòng anh. Và khi kết thúc đừng quên câu này: “Con cầu nguyện trong danh Chúa Jesus. Amen”
Tôi thường nghe những lời cầu nguyện kéo dài từ 10 giây đến 10 phút. Thời gian cầu nguyện dài hay ngắn không thành vấn đề. Điều quan trọng là tiến trình của đời sống cầu nguyện đã được bắt đầu.

5. Ai đã thường xuyên cầu nguyện cho bạn?
Tôi luôn luôn hỏi tân tín hữu câu này: Ai đã thường xuyên cầu nguyện cho bạn? Và tôi nhận thấy có đến 95% tân tín hữu trả lời: Người thường xuyên cầu nguyện cho tôi là: mẹ, cha, bà nội, bà ngoại, bạn hữu, các thành viên khác trong gia đình của tôi . . . Lúc này tôi hỏi câu tiếp theo:

6. Bạn có biết người thân của bạn đi nhà thờ nào?
Tôi hỏi câu này vì tôi muốn biết người thân của họ có đi đến một Hội Thánh mà ở đó các mục vụ giảng dạy có đặt nền tảng căn bản trên Lời Chúa hay không. Nếu tôi nghe được câu trả lời khiến tôi an tâm tôi sẽ nói:

7. Bạn có biết số điện thoại của người thân bạn hay không? Chúng ta sẽ gọi cho người ấy ngay bây giờ.
Nếu không có trở ngại nào cho việc gọi điện thoại. Tôi hỏi:
– Bạn có số điện thoại của người đó không?
– Vâng có.
Tôi gọi liền sau đó, thông báo cho người bên kia đầu giây biết người thân của họ đã cầu nguyện tin Chúa. Thân hữu của tôi thường nói với người phía bên kia trong khi mắt ngấn lệ như thế này:Tôi chợt có ý nghĩ là tôi sẽ gọi điện thoại và nói cho anh biết tôi vừa mới dâng nộp đời sống tôi cho Chúa Jesus Christ.
Thông thường người nhận điện thoại phía bên kia cũng tràn ngập vui mừng khi biết tin. Đây cũng chính là lý do tôi thường nhận được các cuộc điện thoại từ những tân tín hữu. Tôi cố gắng chuyển tiếp đi niềm vui mừng của tôi đến các chi thể khác trong thân thể Đấng Christ. Tôi muốn niềm vui của tôi cũng là của mọi người.
Thật quan trọng khi chia sẻ đức tin của mình cho người khác. Tôi khích lệ các tân tín hữu làm điều này. Rô-ma 10: 9 nói, Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu.
Chúa Jesus cũng phán dạy trong Lu-ca 9: 26, Vì nếu ai hổ thẹn về ta và lời ta, thì Con người sẽ hổ thẹn về họ, khi Ngài ngự trong sự vinh hiển của mình, của Cha, và của thiên sứ thánh mà đến.
Vì những lý do này, bạn phải nói cho người khác biết tin tức tốt lành về sự cứu rỗi của bạn. Bên cạnh đó bạn cũng sẽ có cảm giác dễ chịu khi chia sẻ những điều Chúa đã làm trong cuộc đời bạn.
Alan là một minh họa điển hình. Anh là một tân tín hữu được khích lệ phải chia sẻ đức tin của mình cho người khác. Khi anh trở thành Cơ đốc nhân, anh liền lập tức liên lạc với ba đứa con của anh. Anh nói chuyện với từng đứa một về đức tin của mình. Vài tuần lễ tiếp theo, sau một khóa học ngắn anh chia sẻ Phúc âm cho 12 người.
Con người này đã nắm lấy mọi cơ hội anh có được để chia sẻ Phúc Âm. Khi một người bạn gái gọi cho anh để nhờ anh cho lời khuyên về việc chuẩn bị ly dị với người chồng. Trong khi nói chuyện, anh chuyển hướng đề tài sang câu chuyện Phúc âm: Nhân tiện đây tôi xin phép hỏi chị một câu hỏi, chị có niềm tin nào cho đời sống tâm linh của chị?
Bằng việc chia sẻ đức tin anh ấy biết được người bạn nầy cũng là một Cơ đốc nhân. Anh ta liền khích lệ cô ấy phải bước đi đúng đắn với Lời Đức Chúa Trời.

8. Tôi có thể đưa bạn đến Hội Thánh?
Khi thân hữu của bạn tiếp nhận Chúa Jesus Christ làm Cứu Chúa, thì một trong những điều quan trọng là người đó cần phải gia nhập vào mối thông công với Hội Thánh của Chúa. Điều này không chỉ quan trọng cho thân thể của Đấng Christ mà còn là vì sự trưởng thành thuộc linh của chính người đó.
Tôi đã gặp Holly cách đây vài năm. Cô ấy đã tiếp nhận Chúa và tôi giới thiệu cô ấy đến với một Hội Thánh dưới sự điều hành của một mục sư mẫu mực. Nhưng chỉ vài tháng sau cô ấy điện thoại cho tôi bằng một giọng nói nghẹn ngào đầy nước mắt: Tôi gặp quá nhiều rắc rối.
Tôi gọi điện thoại tức thì cho mục sư của cô ta. Và chúng tôi cùng đến gặp Holly. Khi chúng tôi khích lệ và an ủi, cô ấy đã quay trở lại với Chúa Jesus.
Vài năm trước đây, tôi cũng nhìn thấy những khuôn mẫu sinh động khác từ một mục sư đã tạo nên sự khác biệt trong nếp sống của tân tín hữu. Vào một buổi sáng kia sau khi tôi giảng xong, Carlton đã đáp ứng với lời kêu gọi phải ăn năn, thay đổi. Tôi và người mục sư phụ trách không nhận ra anh ấy có mặt trong nhà thờ và đã dâng nộp đời sống mình cho Chúa Jesus Christ, bởi vì anh ấy đã đứng lẫn vào trong đám đông ăn năn tội làm thinh không nói phía trước tòa giảng.
Carlton đã đi những bước đầu tiên trong sự đầu phục mới không dễ dàng chút nào. Một buổi chiều kia người vợ hứa hôn của anh ta trông thấy anh đang nói chuyện với một cô gái khác. Cô này liền cởi bỏ chiếc nhẫn đính hôn trong sự giận hờn, tủi nhục.
Buổi tối hôm đó Carlton trở lại nhà thờ và thông báo cho mục sư: Tôi muốn bước đi trong sự hứa nguyện mới mẻ với Chúa Jesus, nhưng hôn thê của tôi đã tháo bỏ nhẫn đính hôn và lánh mặt tôi.

ch
Mục sư quản nhiệm giúp Carlton đánh giá vấn đề rõ ràng: Anh có thực sự chấp nhận ý muốn của Chúa trên cuộc đời anh. Nếu anh chọn ý muốn của Chúa anh phải bỏ đi tình trạng sống chung với hôn thê của anh.
Carlton tiếp nhận lời khuyên của mục sư và anh ra khỏi căn hộ mà trước đó là nơi anh sống chung với Gail mặc dù hai người chưa kết hôn. Mục sư quản nhiệm giúp anh tìm một chỗ ở mới và môn đồ hóa Carlton bằng sự cầu nguyện, học Kinh Thánh hằng tuần. Gail không thể làm gì được trong sự chọn lựa của Carlton. Nhưng trong tình huống này tấm lòng và cách sống của Carlton đã thay đổi. Sau đó chính Gail được nghe chia sẻ Phúc âm từ mục sư của Carlton và cô này cũng bằng lòng tiếp nhận Chúa. Thế là mục sư làm lễ kết hôn chính thức cho cặp này trong một buổi lễ đơn giản. Cả cô dâu và chú rễ đều tràn ngập niềm vui trong ngày cưới. Thực ra đó đó cũng là niềm vui khi cả hai đã bước theo Chúa trong sự vâng phục. Ngày hôm nay đôi vợ chồng này đã tiến lên những bước cao hơn với Chúa. Họ cùng đi ra chia sẻ Phúc âm cho nhiều người khác.
Mục sư quản nhiệm trong câu chuyện này là một gương mẫu tốt trong mục chăm sóc tân tín hữu. Thân hữu của bạn cũng cần được hỗ trợ từ thân thể Đấng Christ. Nếu bạn có người quen ở cùng khu vực, hãy gợi ý với họ: Tôi có thể đưa anh đến nhà thờ được không? Nếu câu trả lời là có, khi đó bạn phải chuẩn bị đón họ vào sáng chúa nhật và cùng đi nhà thờ với họ. Điều này sẽ giúp cho người quen của bạn không có cảm giác lạc lõng giữa vòng những người xa lạ. Hãy giới thiệu thân hữu của bạn cho mục sư phụ trách. Môn đồ hóa tân tín hữu theo cách này chính là một đặc ân Chúa dành cho bạn. Bạn có thể giúp đỡ và theo dõi sự trưởng thành của anh ta ngày càng sâu nhiệm trong đức tin.
Nếu thân hữu của bạn ở quá xa không thể cùng bạn đi nhóm chung trong Hội Thánh của bạn, bạn có thể hỏi: Anh cảm thấy dễ chịu trong một nhà thờ nhỏ hay lớn?
Ở chỗ nầy bạn phải chịu khó điều tra xem anh ấy thích kích thước của loại nhà thờ nào để có thể giới thiệu anh ta đến với một Hội Thánh phù hợp đặt nền tảng trên sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Bạn cũng nên giới thiệu cho thân hữu của bạn biết tên và số điện thoại của vị mục sư ở đó.
Thỉnh thoảng tôi giới thiệu một người đến với Đấng Christ khi tôi đang ở một thành phố khác. Trong trường hợp này tôi không có quen biết Cơ đốc nhân nào để giới thiệu tân tín hữu của tôi có thể đến với Hội Thánh tại nơi đó trong lần đầu tiên. Nhưng việc này vẫn có thể giải quyết được. Tôi có thể giúp anh ta tìm ra một Hội Thánh địa phương. Tôi sẽ đi theo cách này:
– Tôi xác định một Hội Thánh địa phương trong cùng khu vực có tân tín hữu đang sống mà tôi nghĩ là đáng tin cậy.
– Tôi điện thoại cho mục sư quản nhiệm, thông báo cho ông ta biết tên và số điện thoại của người này.
– Tôi yêu cầu mục sư gọi cho tân tín hữu của tôi. Tôi không quan tâm mục sư hay là người tân tín hữu của tôi gọi trước và cuộc gọi kéo dài bao lâu. Nhưng đang khi tôi nghe giọng nói của mục sư trên điện thoại, tôi sẽ yêu cầu ông ta hoặc một nhân viên nào đó của Hội Thánh được chỉ định để có thể liên lạc với tân tín hữu của tôi thường xuyên. Tôi sẽ yêu cầu mục sư quản nhiệm không chỉ gọi điện thoại nhưng cũng thông báo lịch sinh hoạt của nhà thờ cho người tín hữu mới, và đồng thời ông ta phải sắp xếp nhân viên lễ tân của Hội Thánh bắt tay chào mừng tín hữu tại tiền sảnh trong lần đầu tiên đến nhà thờ. Sau đó phải hướng dẫn tín hữu này ghi danh học Trường Chúa nhật và sinh hoạt theo nhóm tuổi. Tâm trí tôi chỉ bình an khi Hội Thánh địa phương làm được như thế cho người mà tôi giới thiệu đến.
– Một ngày sau đó tôi điện thoại cho mục sư để biết chắc rằng ông ta đã làm mọi việc rất tốt.
Các bạn đã thấy vấn đề này rõ ràng. Khi khoảng cách địa lý giữa bạn và tân tín hữu quá xa, bạn có thể linh động đi theo trình tự trên đây để giúp đỡ anh ta tìm đến một Hội Thánh địa phương phù hợp.

 

(Còn nữa)   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn