Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / THANKSGIVING DAY

THANKSGIVING DAY

Lễ Tạ Ơn đầu tiên trên đất Mỹ

Tác giả: Mala Powers

“Follow the Year – A Family Celebration of Christian Holidays”

images (10)

Đã hàng ngàn năm qua, trên khắp năm châu, đàn ông, đàn bà và các trẻ em đã tụ tập với nhau để cùng dâng lên lời tạ ơn vào dịp thu hoạch mùa màng. Tinh thần tận tụy và biết ơn này cũng đã hiện diện trong ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên tại Mỹ châu. Câu chuyện của những người di dân Pilgrims, và trong dịp nào họ đã bắt đầu ngày lễ này thật là cảm động.

Giữa những cơn sóng dập vùi và bão tố trên biển cả ngoài khơi bờ biển vùng đông bắc Hoa Kỳ vào một ngày buốt giá 21 tháng 12 năm 1620, 18 người đàn ông đã là những người di dân đầu tiên từ chiếc thuyền mang tên Mayflower đặt chân lên một vùng đất sau này trở thành thành phố Plymouth, tiểu bang Massachussetts. Họ là những người Thanh Giáo từ thành phố Plymouth, vùng Devon, Anh Quốc sang Mỹ Châu để khỏi bị đàn áp  tôn giáo tại quê nhà.

Khoảng mười ngày sau thì phần lớn những người còn lại đã lên đất liền để bắt đầu xây dựng khu định cư của họ. Sau cùng thì họ đã đến được bến bờ tự do, là nơi mà họ có thể thờ phượng Chúa một cách tự do không bị đàn áp và bắt bớ. Cuộc hành trình của họ thật là dài và đầy giông tố. Chiếc thuyền thì vô cùng chật chội, thức ăn và nước uống thì vô cùng khan hiếm. Hầu hết những người này đều ốm yếu và bị nhiều tật bệnh hành hạ.

Trong những tháng đầu tiên trên đất mới, những người di dân này thật là khốn khổ bởi đói khát, bệnh tật và cái lạnh buốt xương của mùa đông ở vùng đông bắc Hoa Kỳ. Khi mùa xuân đến thì gần phân nửa số khoảng 100 người trên chiếc thuyền Mayflower đã chết, những người còn lại thì không còn đủ sức khỏe để bắt đầu trồng trọt hầu cho họ có thể sống sót qua một mùa đông nữa. Tương lai của nhóm di dân này thật là đen tối. Nhưng sự cầu nguyện hàng ngày với Đức Chúa Trời là một cách sống của những người này.

Và sự trả lời của Chúa cho những lời cầu nguyện của họ thật là bất ngờ. Một ngày vào giữa tháng ba, một người thổ dân da đỏ bước vào khu định cư và nói với những người này bằng chính tiếng của họ rằng, “Tôi tên là Samoset, xin kính chào các bạn.” Samoset, một người da đỏ Abaki từ vùng đất sau này là tiểu bang Maine, đã học tiếng Anh từ những người giao thương với bộ lạc của anh. Anh đã làm bạn với những người di dân này và sau đó đã đem thêm bạn của anh tên là Tisquantum, “Squanto” đến để giúp đỡ. Squanto cũng biết nói tiếng Anh và anh đã kể chuyện của anh cho các người Pilgrims nghe.

Vài năm trước đây, Squanto đã bị bắt cóc bởi một thuyền trưởng người Anh và bị đem về Anh Quốc. Tai đây anh được tiếp đãi tử tế song anh thường mơ ước được trở về quê hương. Sau nhiều chuyến phiêu lưu thì anh trở về châu Mỹ nhưng lại bị bắt cóc một lần nữa và lần này bị bán làm nô lệ tại Tây Ban Nha.

May mắn thay người chủ nô của anh lần này lại là những người Cơ Đốc Friars và họ đã dạy cho anh về Tin Lành của Chúa. Sau nhiều năm anh đã trở về lại vùng đông bắc nước Mỹ nhưng bộ lạc của anh ngày xưa đã bị hủy diệt hoàn toàn vì một cơn bệnh dịch.

Từ khi anh Squanto đến với những người di dân Pilgrims này, anh và họ không rời nhau nửa bước và anh đã hội nhập vào tôn giáo của họ. Anh dạy cho họ cách sống sót trong đồng không mông quạnh, cách trồng và xay bắp, cách trữ các trái cây dư dả trong mùa hè và cách săn bắt thú và câu cá. Chính anh cũng đã giúp cho nhóm người Pilgrims này đạt được một hiệp ước sống chung hòa bình với Trưởng bộ lạc da đỏ Wampanoag tên là Massassoit. Theo như William Bradford, một trong những thống đốc đầu tiên của vùng đất này, thì Squanto chính là “… một công cụ đặc biệt đến từ Chúa để giúp đỡ cho những người di dân này vượt qua cả những ước vọng của họ.”

Mùa thu ở vùng đông bắc Hoa Kỳ là một mùa thật đẹp và sự thu hoạch bắp đầu tiên của nhóm người di dân thật là dư dật. Trong tinh thần biết ơn Chúa, họ quyết định tổ chức một ngày Lễ Thu Hoạch của Lòng Biết Ơn và cử Squanto đi mời Trưởng bộ lạc Massassoit đến ăn mừng với họ.

Trong ngày lễ này vào năm 1621, thuộc địa nhỏ bé này gồm có khoảng 60 người đàn ông, đàn bà và trẻ con tụ họp lại để chào mừng khách của họ. Hãy tưởng tượng ra sự ngạc nhiên của họ khi Trưởng bộ lạc Massassoit đến, dắt theo khoảng 90 người da đỏ, mặc áo quần bằng da thú và lông con gà tây. Làm sao họ có thể có đủ thức ăn cho chừng này người được? Ông Massassoit bèn ra hiệu cho những người da đỏ, họ bèn xông vào rừng và trong chốc lát trở về với 5 con nai rừng. Thế là cả hai nhóm cùng nhau nướng thịt nai và ăn uống tưng bừng với nhau.

Ngày này ấm áp và nắng đẹp; ngoài thịt nai ra họ còn có thịt gà tây, vịt rừng và ngỗng; tôm hùm, lươn, sò hến và bắp nướng. Có nhiều quả man việt quất (cranberries), nước táo, maple syrup để chan lên những cái bánh bằng bắp do các bà nấu. Thật là một bữa tiệc ăn mừng mùa thu hoạch thành công và bữa tiệc này kéo dài đến ba ngày.

Ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên này được cho là được tổ chức vào tháng 10 và cho đến ngày nay ngày lễ Tạ Ơn ở Canada được tổ chức trong tháng 10. Những người Pilgrims ở vùng đông bắc và con cháu của họ ăn mừng ngày này vào những ngày khác nhau tùy theo năm. Vào năm 1863 Tổng Thống Abraham Lincoln công bố “Một ngày của Sự Tạ Ơn” nhằm ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng 11. Từ đó ngày này trở thành ngày lễ Tạ Ơn toàn quốc hàng năm tại Hoa Kỳ.

Tôi cầu nguyện rằng ngay từ hôm nay chúng ta sẽ chuẩn bị tấm lòng của chúng ta cho ngày lễ Tạ Ơn này. “Mỗi khi tôi nhớ đến anh em, thì cảm tạ Đức Chúa Trời tôi” Phi-líp 1:3.

Nguyễn Đức Tín phỏng dịch


Thanksgiving_01Lễ Tạ Ơn

Hằng năm vào cuối tháng 11, dân chúng Hoa Kỳ lại kỷ niệm Lễ Tạ Ơn.  Lễ Tạ Ơn được những di dân đầu tiên đến Hoa Kỳ tổ chức cách đây khoảng 400 năm. Những di dân đó là những tín hữu Tin Lành, họ quyết định mỗi năm biệt riêng ra một ngày để tạ ơn Chúa vì Chúa đã bao dung che chở họ giữa những khó khăn trong cuộc sống và đã ban cho họ cơ hội tự do thờ phượng Ngài. Truyền thống tốt đẹp đó theo thời gian đã được cả nước Mỹ công nhận và trở thành một ngày quốc lễ quan trọng tại Hoa Kỳ.

Bối Cảnh Lịch Sử

Giữa thế kỷ thứ 15, Âu Châu đang sống trong thời hoàng kim. Trong cuộc sống thịnh vượng vốn đã giàu có, việc khám phá ra những mỏ bạc tại Tyrol và tại nhiều nơi khác ở Âu Châu làm cho số lượng tiền bạc lưu hành tại Âu Châu ngày càng nhiều hơn. Tiền bạc dồi dào khiến giới quý tộc và cả giới trung lưu tại Âu Châu càng ăn chơi xa xỉ. Dân chúng Âu Châu ưa chuộng hàng hóa, phẩm vật, những của ngon vật lạ từ Ấn Độ, Viễn Đông và nhất là từ Trung Hoa xa xôi.

Khi ấy, mặc dầu Con Đường Tơ Lụa giữa Âu Châu và Trung Hoa đã được nối liền, nhưng sa mạc Gobi và những rặng núi cao chớn chở ở Trung Á khiến những đoàn thương buôn không thể nào cung ứng đủ nhu cầu hàng hóa, nhất là vải vóc, tơ lụa, hương liệu, cho dân chúng Âu Châu. Vì thế, các thương nhân Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã dong buồm ra khơi; những nhà hàng hải Âu Châu hy vọng sẽ tìm được một con đường đến Ấn Độ và Trung Hoa dễ dàng hơn qua mặt nước đại dương.

Năm 1487, Bartholomew Diaz đi vòng mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) tại Nam Phi đến Ấn Độ; và sau đó từ Ấn Độ trở về lại Âu Châu. Tuy nhiên tuyến đường đầy sóng gió này không mang lại nhiều triển vọng cho việc kinh doanh. Vùng biển nổi sóng quanh mũi Hảo Vọng đã làm cho nhiều nhà buôn khánh kiệt.

Vài năm sau, một thuyền trưởng người Ý tên là Christopher Columbus, quê tại Genoa, phục vụ cho triều đình Tây Ban Nha, đã thuyết phục Nữ hoàng Isabella trợ cấp tài chính để ông vượt biển tìm đường đến châu Á về hướng tây.  Ngày 3/8/1492, Columbus nhổ neo tại Palos. Hai tháng sau, ngày 12/10/1492, ông đặt chân đến quần đảo Watling, thuộc vùng biển Caribbean (Trung Mỹ). Columbus cho rằng đã đến được các quần đảo ngoài khơi Trung Hoa. Vài ngày sau, ông đổ bộ lên Cuba, vì nghĩ rằng đã đến đại lục Trung Hoa nên Columbus đã cử người đi triều kiến Thành Cát Tư Hãn.

Sau bốn chuyến vượt Đại Tây Dương, Columbus qua đời và ông vẫn tin rằng mình đã đến Á Châu. Những thổ dân đầu tiên mà ông gặp có nước da ngăm đen đã được gọi là người Indian vì Columbus và những người cùng đi cứ nghĩ rằng đó là người Ấn Độ (India).

Năm 1497, John Cabot, một nhà thám hiểm Anh đặt chân đến Bắc Mỹ. Vùng đất bao la trù phú này gần như không thấy bóng người. Đây đó có vài bộ lạc Da Đỏ đóng trại, những chú bò rừng nhởn nhơ gặm cỏ khắp nơi. Cuộc thám hiểm của John Cabot là sự kiện quan trọng giúp nước Anh trong những năm về sau công bố Bắc Mỹ là thuộc địa của Anh.

Sự kiện lịch sử quan trọng thứ hai liên quan đến việc những di dân đầu tiên đến Tân Thế Giới xảy ra 25 năm sau ngày Columbus tìm ra Châu Mỹ.   Ngày 31/10/1517 một linh mục người Đức tên là Martin Luther đã dán 95 Luận Đề trên cửa nhà thờ Wittenberg đề nghị các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo hãy sửa lại những sai lầm trong giáo hội. Không mấy ai vào lúc đó nghĩ rằng những luận đề trên của Martin Luther chính là khởi điểm của Phong Trào Cải Chánh và dẫn đến việc thành lập Giáo hội Tin Lành.  Tuy nhiên, Phong Trào Cải Chánh sau những khởi đầu tại Đức, Thụy Sĩ đã lan rộng sang nhiều quốc gia Âu Châu.

Trong thế kỷ 16, nhiều cuộc tranh giành quyền lực đã diễn ra tại Âu Châu.  Các nhà lãnh đạo Âu châu trong thời gian đó đã xem tôn giáo như là một phương tiện để giành ảnh hưởng chính trị; do đó dẫn đến việc các lãnh đạo địa phương hoặc quốc gia bày tỏ sự ủng hộ Tin Lành hoặc Công giáo.

Một sự kiện đáng lưu ý xảy ra vào năm 1534 tại Anh.  Sau những xung đột về chính trị, và đồng thời bất bình vì Giáo Hoàng không phê chuẩn cuộc hôn nhân cho ông và Anne Boleyn, vua Henry VIII của nước Anh đã quyết định tách Giáo hội Anh khỏi Công giáo và thành lập Anh Quốc giáo.   Vua Henry VIII tuyên bố Anh Quốc giáo không lệ thuộc vào sự điều khiển của Giáo Hoàng và vua tự xưng mình là lãnh đạo tối cao của Giáo hội Anh.

Những Di Dân Đầu Tiên tại Hoa Kỳ

Lịch sử cho thấy động cơ dẫn đến thành lập Anh Quốc giáo của vua Henry VIII là vì quyền lợi riêng của nhà vua và nước Anh chứ không phải vì muốn ủng hộ Phong Trào Cải Chánh.    Trên thực chất, nghi thức thờ phượng và quan điểm thần học của Anh Quốc giáo vào lúc đó vẫn còn mang nặng đặc điểm của Giáo hội Công giáo.

Một số tín hữu Tin Lành tại Anh muốn được thờ phượng Chúa cách thuần khiết (purity) dựa trên căn bản Thánh Kinh. Những tín hữu này không hoàn toàn đồng ý với nghi thức, tín lý và tổ chức của Anh Quốc giáo.   Vì quan điểm niềm tin thuần khiết đó, những người này đã được gọi là những người Puritan (Thanh giáo). Cộng đồng Puritan tin rằng Cơ Đốc nhân là những người được Chúa chọn.  Hội Thánh được thành lập từ những người được cứu và cần được hướng dẫn bởi chính Chúa.

Mặc dầu không tán đồng quan điểm của Anh Quốc giáo, đa số tín hữu Puritan vẫn sinh hoạt trong Anh Quốc giáo.  Nhóm tín hữu này hy vọng sẽ kêu gọi và dần dần sẽ cải cách những tồn tại về nghi thức thờ phượng và tín lý của Anh Quốc giáo.  Những tín hữu theo khuynh hướng này được gọi là những người Thanh giáo bất ly khai (non-separating Puritan).

Tuy nhiên trong những người Puritan, có một nhóm không hy vọng sẽ cải cách được Anh Quốc giáo, họ đã quyết định ly khai. Năm 1606, những người này tách ra thành lập một Hội Thánh tại Scrooby, và được gọi là nhóm Thanh giáo Ly Khai (Separatists Puritan).

Quyết định ly khai này khiến chính quyền Anh và các nhà lãnh đạo Anh Quốc giáo nổi giận. Nhóm Thanh giáo Ly Khai đã bị chính quyền Anh bách hại. Trước những khó khăn chất chồng, năm 1609, một số tín hữu Thanh giáo Ly Khai đã rời nước Anh đến Hòa Lan, một quốc gia ủng hộ Tin Lành, để được tự do thờ phượng Chúa.

Mười năm sau, một lần nữa những tín hữu Thanh giáo Ly Khai lại lên đường. Lúc đó, Hòa Lan đang có chiến tranh với Tây Ban Nha.  Viễn ảnh phải sống dưới sự cai trị của người Tây Ban Nha khiến các tín hữu Thanh giáo Ly Khai lo ngại. Lần này họ quyết định đi thật xa về phía tây, đến một vùng đất được mệnh danh là Tân Thế Giới.

Từ lúc còn sống tại Hòa Lan, các tín hữu Thanh giáo Ly Khai biết vào năm 1607 có 120 người Anh đã vượt Đại Tây Dương đến thành lập một cộng đồng cư dân tại Jamestown, vùng đất thuộc tiểu bang Virginia Hoa Kỳ ngày nay. Các tín hữu Thanh giáo Ly Khai biết đất đai tại Bắc Mỹ rất rộng.  Dù Bắc Mỹ là thuộc địa của Anh nhưng nơi đó thật sự chưa có chính quyền cai trị; do đó không ai bắt bớ họ trong vấn đề tín ngưỡng; như vậy họ có thể tự do sinh sống và thờ phượng Chúa theo ý nguyện tại vùng đất mới.  Những di dân này đã đến Hoa Kỳ vì lý do tôn giáo, do đó các sử gia đã gọi họ là những người đi hành hương (Pilgrim).

Tháng 9 năm 1620, tàu Mayflower gồm 121 người rời Âu Châu;  trong đó có 102 người là hành khách và số còn lại là thủy thủ đoàn.  Sau hai tháng vượt biển, ngày 9 tháng 11 năm 1620, tàu Mayflower cập bến Mỹ Châu. Ngay khi đặt chân đến vùng đất mới, những tín hữu Thanh giáo Ly Khai đã cũng nhau quỳ gối trên bờ biển cầu nguyện. Họ cùng đọc Thi Thiên 100 để cảm tạ Chúa. Sau nhiều năm tháng gian truân để giữ niềm tin, giờ đây họ đã đến vùng đất mới được bình an, họ được tự do thờ phượng Chúa. Nhớ đến quê nhà, họ đặt tên cho vùng đất mới là Tân Anh-cát-lợi (New England) và chỗ ở mới là Plymouth, tên một thị trấn tại Anh Quốc.

Sau đó, các di dân bắt tay vào việc xây dựng nơi trú ẩn qua mùa đông. Tuyết rơi phủ khắp mặt đất và núi rừng. Mặt biển ảm đạm mù sương, bầu trời mờ mịt nên thủy thủ đoàn tàu Mayflower cũng quyết định ở lại trú đông với họ.

Mùa đông ở Bắc Mỹ thật khắc nghiệt, kéo dài từ cuối tháng 12 đến hết tháng 3 năm sau. Sau mùa đông đầu tiên đó, lạnh giá đã vật ngã nhiều di dân.  Trong số 102 người đến nơi bình an giờ đây chỉ còn 55 người sống sót.

Tuy nhiên, khi mùa xuân đến, tin cậy nơi Chúa, 55 người còn sống này vẫn quyết định ở lại Tân Thế Giới. Họ tiễn thủy thủ đoàn chiếc tàu Mayflower trở về Âu Châu. Tàu Mayflower ra khơi không một hành khách trên tàu. Những người tỵ nạn tôn giáo này quyết định ở lại, chấp nhận đối đầu với cuộc sống cam go để được tự do thờ phượng Chúa và xây dựng cuộc sống mới.

Lễ Tạ Ơn

Giữa những khó khăn đó, Đức Chúa Trời chăm sóc họ.  Ngài sai người đến giúp họ. Tisquantum là một thổ dân Da Đỏ thuộc bộ lạc Wampanoag, đã có lần theo chân các nhà thám hiểm sang Anh, nên biết nói tiếng Anh. Tisquantum đã đến giúp những người di dân, hướng dẫn họ cách săn bắn, bắt cá, trồng bắp và trồng các loại rau. Những di dân gọi Tisquantum là Squanto.

Squanto là người phiên dịch và cũng là người đứng ra giúp thương thuyết với các lãnh tụ Da Đỏ cho những di dân có chỗ định cư. Sau đó, họ đã ký một thỏa ước giữa những người Thanh giáo và bộ lạc Da Đỏ Wampanoag. Thỏa ước này đã được tôn trọng 50 năm.

Mùa thu đến, những di dân thu hoạch vụ mùa đầu tiên thật sung túc. Họ có đủ lương thực dự trữ cho mùa đông và đủ sống cho đến vụ mùa năm sau. Vui mừng vì Chúa đã nhậm lời cầu nguyện ban cho thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu, dân chúng được mạnh khỏe, Thống đốc William Bradford quyết định công bố một ngày để tạ ơn Chúa. Những di dân cũng muốn dùng dịp này để cảm ơn những người Da Đỏ địa phương đã giúp họ trong những ngày mới đến định cư.

Mùa Thu năm 1621, lễ Tạ Ơn đầu tiên được cử hành. Sau thì giờ cầu nguyện, hát Thi Thiên tạ ơn Chúa, một bữa tiệc linh đình kéo dài trong ba ngày được tổ chức. Theo nhật ký của Edward Winslow, một trong số những di dân khi ấy thuật lại: thực khách bữa tiệc gồm có 90 người Da Đỏ, trong đó có vua Massasoyt và 50 người di dân. Đãi tiệc gồm có 4 phụ nữ Anh và 2 cô gái. Trên bàn ngoài những bánh làm từ bắp, khoai, đậu, còn có vịt trời, ngỗng trời và bốn chú gà tây rừng quay vàng rượm. Hai nhóm dân da trắng và da đỏ cùng chung vui. Những người Da Đỏ đáp lại lòng hiếu khách đã đi săn 5 con nai về tặng Thống đốc Bradford và những người di dân.

Mặc dầu lễ Tạ Ơn đầu tiên diễn ra vào tháng 11 năm 1621, tuy nhiên dựa vào truyền thống của người Puritan, các sử gia cho rằng ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên thật sự, có lẽ diễn ra vào ngày 30/6/1623 tức hai năm sau đó.

Theo các sử gia, căn cứ theo lời ký thuật của Edward Winslow, ngày lễ Tạ Ơn vào tháng 11/1621 chỉ là một ngày hội mùa. Vì nếu đúng theo truyền thống của người Puritan thì lễ Tạ Ơn là một thánh lễ, thường dành nhiều thì giờ cho việc kiêng ăn, cầu nguyện, sẽ không có yến tiệc linh đình.

Cũng theo các sử gia, sau vụ mùa đầu tiên kết quả, mùa màng của năm thứ hai thâu hoạch sa sút. Sau mùa đông thứ ba, khi xuân đến, những di dân bắt đầu tỉa bắp; nhưng hạn hán kéo dài từ tháng Năm, tháng Sáu và sắp sang tháng Bảy. Trước tình hình đó, những người di dân dự định dành trọn tháng Bảy cho sự kiêng ăn, cầu nguyện. Không chờ đến tháng Bảy, tất cả cùng đồng ý và bắt đầu hiệp lòng cầu xin Chúa.

Chiều ngày 30/6/1623, mây đen xuất hiện và trời đổ mưa. Dân chúng vui mừng tạ ơn Chúa và họ càng vui hơn khi Miles Standish báo cho biết đã trông thấy dấu hiệu của tàu Anne chở theo những anh em Thanh giáo Ly Khai còn sót lại tại Leiden, Hòa Lan sắp đến. Trước niềm vui đó, Thống Đốc Bradford công bố dành một ngày dâng lên Chúa lời tạ ơn. Và theo các sử gia, đó mới chính thật là ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên – ngày 30/6/1623.

Dù lễ Tạ Ơn đầu tiên diễn ra vào năm 1621 hay 1623, những người di dân này đã quyết định mỗi năm dành một ngày để tạ ơn Chúa. Các tín hữu này quyết định làm như vậy vì họ muốn vâng theo mạng lệnh Chúa truyền cho người Do Thái ngày xưa khi sắp vào Đất Hứa.  Chúa đã dạy rằng: Nếu họ trung tín tin cậy, thờ phượng Chúa, Chúa sẽ ban phước cho họ và cho dòng dõi họ cách sung mãn. Ngược lại, nếu họ chối bỏ Ngài, tương lai của họ nơi vùng đất mới sẽ trở thành bi đát. Đức tin và lòng kính sợ Chúa của những người lập quốc Hoa Kỳ đã là nguồn phước cho nước cộng hòa non trẻ được thành lập hơn 150 năm về sau.

Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên Ở Đâu?

Mặc dầu câu chuyện Lễ Tạ Ơn đầu tiên diễn ra tại Plymount, New England vào năm 1621 đã được ghi lại trong nhiều sách sử Hoa Kỳ, nhưng nhiều địa phương khác vẫn công bố xứ mình mới là nơi đầu tiên tổ chức Lễ Tạ Ơn Chúa. Một trong những địa phương đó là Boston.

Khi nhóm Thanh giáo Ly Khai rời Anh Quốc ra đi thì nhóm Thanh giáo Bất Ly Khai vẫn ở lại với hy vọng cải cách Giáo hội Anh. Năm 1625, đến lượt những người này bị vua Charles Đệ I bách hại; và do đó họ cũng phải bỏ nước ra đi. Nhóm người này đông, giàu và có tổ chức hơn nhóm Thanh giáo Ly Khai. Thành phần gồm cả dân biểu, mục sư và những người tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, như những người Thanh giáo Ly Khai, họ cũng chỉ là những người tỵ nạn nơi vùng đất mới.

Năm 1630, người Thanh giáo đến Charlestown. Sau đó họ thành lập thành phố Boston tại Massachusetts. Những người này tự nhận là tuyển dân Israel mới và được Chúa chọn đem đến Tân Thế Giới. Họ quyết định xây dựng một cộng đồng sinh hoạt dựa trên căn bản Thánh Kinh. Khi còn ở Anh, những người Thanh giáo không muốn chính quyền can thiệp vào giáo hội, nhưng tại Tân Thế Giới, họ chủ trương giáo hội phải có ảnh hưởng tốt trên chính quyền.

Một điều không may, những di dân Thanh giáo đầu tiên đổ bộ lên Massachusetts vào mùa hè, họ không kịp gieo trồng nên không đủ lương thực cho đến mùa thu năm sau. Trước tình hình đó, Thống Đốc John Winthrop cử thuyền trưởng Pierce lái tàu Lyon trở về Anh tìm mua thêm lương thực.

Tháng ngày trôi qua, thời gian dự định cho chiếc Lyon quay lại đã qua nhưng con tàu vẫn biệt tăm. Mùa đông năm đó những người di dân này phải leo lên cây lấy hạt dẻ của sóc để ăn. Họ cũng đi dọc theo bãi biển kiếm sò giữa mùa đông lạnh giá. Những người này không biết rằng chiếc Lyon trên đường về Anh Quốc bất ngờ gặp tàu buồm Ambrose bị nạn, nên phải kéo giúp tàu Ambrose về Bristol sửa chữa. Do đó, sứ mạng tiếp liệu lương thực bị chậm trễ.

Tháng 2 năm 1631, tình thế trở nên tuyệt vọng, Thống đốc Winthrop quyết định công bố ngày 22 tháng Hai sẽ dành thì giờ kiêng ăn cầu nguyện. Trong hoàn cảnh không có thức ăn thì việc kiêng ăn có vẻ dường như là một việc hài hước, nhưng những người Thanh giáo đã thành kính thực hiện.

Bình minh trên cảng Boston. Đúng vào sáng ngày 22/2/1631, ngày dự định lễ kiêng ăn cầu nguyện, chiếc Lyon cập bến Boston. Con tàu mang tiếp liệu và lương thực thật dồi dào. Trước tình hình đó, Thống đốc Winthrop quyết định đổi ngày kiêng ăn cầu nguyện thành ngày Lễ Tạ Ơn. Từ đó, những người Thanh giáo tại Boston cho rằng họ mới thực sự là những người đầu tiên tổ chức Lễ Tạ Ơn Chúa tại Bắc Mỹ.

Vài năm sau, các nhóm Thanh giáo khác đổ đến Boston ngày càng đông. Năm 1634 đã có mười ngàn dân tại Boston. Tại cộng đồng mới, những luật lệ đặt ra đều dựa trên căn bản Thánh Kinh. Những tín hữu Thanh giáo tin rằng Hội Thánh phải có ảnh hưởng tốt trên xã hội; họ chủ trương các mục sư phải được huấn luyện chu đáo, do đó họ quyết định thành lập trường đại học để đào tạo các mục sư. Harvard College ra đời vào năm 1636. Đây là tiền thân của Viện Đại Học Harvard ngày nay. Ngôi trường đó do những tín hữu Tin Lành đầu tiên đến Mỹ thành lập với mục đích đào tạo các mục sư.  Ngày nay, Harvard là trường đại học cổ nhất nước Mỹ và là một trong những viện đại học danh tiếng nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, không phải chỉ có Plymount và Boston, nhưng các thành phố khác như Maine, Virginia, Texas và Florida cũng công bố thành phố mình là nơi đầu tiên tổ chức Lễ Tạ Ơn. Dầu bắt đầu ở đâu, những cư dân đầu tiên đến Hoa Kỳ lập nghiệp đã thành kính nhận biết rằng cuộc đời và tương lai của xứ sở của họ đang ở trong sự quan phòng của Chúa. Họ tin cậy và dâng lên Chúa lòng biết ơn Ngài.

Độc Lập

Thời gian dần trôi, di dân đổ xô đến Bắc Mỹ càng đông. Họ xây dựng vùng đất này thành một khu vực trù phú. Chính phủ Anh vẫn kiểm soát xứ sở này và xem đây là một thuộc địa quan trọng của Anh Quốc.

happy-independence-day-usa-jpg

Sau 150 năm hợp tác chấp nhận sự cai trị của Anh, năm 1774 dân chúng tại Bắc Mỹ quyết định đòi độc lập. Họ bất mãn trước sưu cao thuế nặng do mẫu quốc Anh áp đặt trên thuộc địa và các sắc thuế này cứ tiếp tục gia tăng.

Lúc ấy, tại Mỹ đã có rất nhiều giáo phái Tin Lành. Khi tiếng súng đầu tiên của cuộc chiến tranh cách mạng nổ ra, những người từng được sinh trưởng và giáo dục tại Anh, và thuộc Anh Quốc giáo, đã rời thuộc địa Bắc Mỹ đi Canada, West Indian hoặc trở về Anh quốc. Trong khi ấy, các mục sư Giám Lý, Presbyterian, Congregational và các giáo phái Tin Lành khác vẫn ở lại thuộc địa. Họ giảng mạnh mẽ về ý thức độc lập, tự do trong các bài giảng nhân ngày Lễ Tạ Ơn.

Cuộc chiến tranh giành độc lập kéo dài từ năm 1773 đến năm 1783 kết thúc thành công. Năm 1793, tại Paris chính phủ Anh ký hòa ước và công nhận nền độc lập của Hoa Kỳ.

Năm 1789, George Washington, nguyên Tổng Tư Lệnh quân đội cách mạng, đắc cử và trở thành vị Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Khi ấy Elias Boudinot, đại biểu của tiểu bang New Jersey, đã đề nghị Tổng Thống George Washington dành một ngày tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho người Mỹ được độc lập, tự do; và cũng để cầu xin Chúa giúp họ xây dựng một quốc gia bình an và hạnh phúc. Tổng Thống George Washington chấp thuận đề nghị này nên công bố ngày 26/11/1789 là ngày Tạ Ơn trên toàn quốc Hoa Kỳ.

Thật ra, trước đó Lễ Tạ Ơn vẫn được tổ chức hằng năm, tuy nhiên lễ chỉ được tổ chức theo truyền thống của từng địa phương. Đây là lần đầu tiên, một ngày Lễ Tạ Ơn được chính thức tổ chức trên toàn quốc với mạng lệnh của vị nguyên thủ quốc gia.

Tổng Thống George Washington vốn là một tín hữu tin kính Chúa, thuộc Giáo hội Episcopal. Khi còn làm Tổng Tư Lệnh quân đội, George Washington đã ra lệnh cho bốn vị tuyên úy dưới quyền mình phải tổ chức lễ thờ phượng mỗi Chúa Nhật và Lễ Tạ Ơn hàng năm cho binh sĩ. Ông cho rằng sự thờ phượng Chúa sẽ giúp nâng cao đạo đức trong quân đội, đem lại niềm vui cho người lính, và sẽ giảm thiểu tình trạng say rượu và chưởi thề.

Khi trở thành nguyên thủ quốc gia, Tổng Thống George Washington đã hai lần công bố ngày Tạ Ơn trên toàn quốc. Khi vấn đề này được đem ra thảo luận tại Quốc Hội, một vài đại diện dân cử đã phản đối. Thomas Tucker, đại biểu của tiểu bang South Carolina, cho rằng: “Tại sao Tổng Thống lại ra lệnh cho người dân làm một điều mà có thể người dân không muốn làm? Hãy để việc đó cho các viên chức tiểu bang lo.”

Tuy nhiên, ý kiến của Thomas Tucker khi ấy đã không được các đồng viện tại quốc hội chấp thuận. Do đó, Tổng Thống George Washington đã công bố ngày Tạ Ơn trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Trong lời công bố, Tổng Thống George Washington viết: “Đây là ngày được tổ chức để công chúng cầu nguyện, tạ ơn bằng sự nhận biết với tấm lòng tri ân về rất nhiều ân huệ từ Đức Chúa Trời Toàn Năng.”

Trở Thành Quốc Lễ

letaon 2

Dầu Tổng Thống George Washington đã hai lần công bố ngày Tạ Ơn trên toàn quốc,Tổng Thống đã không tiến một bước xa hơn công bố ngày Tạ Ơn thành một quốc lễ hằng năm.  Suốt ba phần tư thế kỷ kế tiếp, Lễ Tạ Ơn vẫn được tổ chức mỗi năm nhưng chỉ dựa vào lòng tự nguyện và truyền thống chứ không phải là một ngày quốc lễ. Tại vài tiểu bang, các vị thống đốc thường kêu gọi dân chúng trong tiểu bang tổ chức Lễ Tạ Ơn thường xuyên hàng năm; tuy nhiên việc Lễ Tạ Ơn trở thành một ngày lễ trên toàn quốc Hoa Kỳ là nhờ công khó của một phụ nữ tên là Sarah Josepha Dale.

Sarah Josepha Dale chào đời vào năm 1788, trong một gia đình có 5 chị em. Cha bà là một cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh độc lập. Khi cha của Sarah qua đời, cả gia đình lâm vào cảnh túng thiếu. Vào thời đó, vai trò của phái nữ vẫn chưa được coi trọng; dầu vậy Sarah quyết định sẽ phụ giúp gia đình bằng ngòi viết của mình. Bà xuất bản một tiểu thuyết tựa đề Northwood, còn gọi là Life North and South. Sách viết về cuộc sống thôn dã tại New England so sánh với cuộc đời của những nông dân nô lệ tại phương Nam. Cuốn tiểu thuyết dành một chương mô tả ngày Lễ Tạ Ơn tại một gia đình ở miền quê New England, và Sarah Dale đã nhận xét rằng: “Lễ Tạ Ơn phải được coi trọng như lễ Độc Lập của quốc gia.”

Cuốn tiểu thuyết Northwood thành công đã đem đến cho Sarah Dale chức biên tập viên của tờ Ladies’ Magazine tại Boston. Ladies’ Magazine là một trong những tờ báo đầu tiên dành cho phụ nữ và Sarah là một trong những nữ biên tập viên đầu tiên. Năm 1837, Ladies’ Magazine sát nhập với tờ Lady’s Book tại Philadelphia trở thành Ladies’ Book & Magazine.

Dưới sự điều hành của Sarah J. Dale, hai mươi năm sau đó, tờ Ladies’ Book & Magazine đã trở thành thời thượng trong các gia đình Mỹ. Các nhà phê bình ngày nay đã so sánh ảnh hưởng của tờ Ladies’ Book & Magazine khi ấy bằng ảnh hưởng của các tờ báo Seventeen, Redbook, Good Housekeeping và Better Homes and Gardens ngày nay cộng lại.

Trong vị trí truyền thông thuận lợi như vậy, Sarah J. Dale quyết định vận động ngày Tạ Ơn trở thành quốc lễ tại Hoa Kỳ. Mỗi năm, cứ đến dịp ngày Tạ Ơn là bà lại cho đăng những vần thơ đặc sắc về Lễ Tạ Ơn. Bà hướng dẫn các nội trợ Mỹ cách thức nhồi gà tây, làm bánh pie. Bà chỉ họ cách nào để tổ chức lễ Tạ Ơn đầm ấm và biến nó thành một truyền thống tốt đẹp trong gia đình. Sarah J. Dale kêu gọi mọi gia đình tạ ơn Chúa.

Thêm vào đó, Sarah J. Dale luôn luôn đăng những truyện ngắn thật đặc sắc và cảm động quanh chủ đề lễ Tạ Ơn. Khi thì một cuộc đoàn viên của người con trai trong gia đình sau bao năm lưu lạc, tưởng đã mất tích giữa biển khơi nay lại quay về. Lúc thì chuyện của một người phiêu lưu trở về từ miền Viễn Tây hoang dã. Có khi, một cô gái gặp được tình yêu chân thật khi về thăm nhà vào dịp lễ Tạ Ơn. Khi khác chuyện một cậu trai thị thành hư hỏng chỉ biết được giá trị của tình thương khi gặp người anh em cô cậu của mình, … Hằng năm, những bài báo, những truyện ngắn của Sarah Dale đã được đọc giả trông ngóng mong chờ như những món quà ấm áp trong những ngày cuối thu.

Và mỗi năm, cứ đến Hè, bà Sarah Dale lại gởi thư cho các Thống Đốc tại Hoa Kỳ yêu cầu họ công bố kỷ niệm Lễ Tạ Ơn tại tiểu bang của mình và yêu cầu họ vận động tổ chức Lễ Tạ Ơn Chúa trên toàn nước Mỹ.

Sau 17 năm vận động kiên trì, đề nghị của Sarah Dale được sự ủng hộ khắp nơi. Cuối cùng, năm 1863 Tổng Thống Abraham Lincoln quyết định công bố Lễ Tạ Ơn là một quốc lễ của Hoa Kỳ, và tuyên bố toàn quốc sẽ kỷ niệm ngày lễ này vào thứ Năm cuối cùng của tháng Mười Một.

Hai Lễ Tạ Ơn

Tuy nhiên vào những năm 1939, 1940, và 1941, việc tổ chức Lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ đã bị xáo trôn.  Trong những năm đó, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt đã công bố thay vì tổ chức Lễ Tạ Ơn vào thứ Năm cuối tháng, Lễ Tạ Ơn đã được tổ chức vào thứ Năm tuần thứ ba của tháng Mười Một. Sự thay đổi này đã gây bất đồng và chia rẻ khắp nơi.  Nguyên nhân của sự xáo trộn đó như sau.

Sau những năm thịnh vượng, tháng 10 năm 1929, thị trường chứng khoán tại Hoa Kỳ sụp đổ. Sự kiện đó đem lại cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài cả chục năm. Khi ấy, một phần ba lực lượng lao động trên toàn nước Mỹ không có việc làm. Trước tình hình đó, dân chúng bầu chọn Franklin Delano Roosevelt, ứng cử viên của Đảng Dân Chủ, làm Tổng Thống Hoa Kỳ với sứ mạng cứu vãn nền kinh tế quốc gia. Sau khi đắc cử, Tổng Thống Roosevelt đã đưa ra nhiều dự án cải cách kinh tế quan trọng, giúp nước Mỹ dần dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế.

Sau 10 năm cố gắng, các kinh tế gia tiên đoán năm 1939 là năm cuối cùng của nạn suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, vào năm ấy, Lễ Tạ Ơn trùng vào ngày 30/11, chỉ còn 24 ngày là đến lễ Giáng Sinh. Đã từ lâu, tại khắp nước Mỹ có một thông lệ, qua Lễ Tạ Ơn là dân Mỹ bắt đầu mua sắm Giáng Sinh. Các thương gia của Retail Dry Goods Association tính rằng thời gian đến Giáng Sinh nếu trừ 4 ngày Chúa Nhật các tiệm buôn đóng cửa, chỉ còn có 20 ngày cho dân chúng mua sắm, như vậy doanh số bán lẻ trên toàn quốc sẽ giảm. Do đó họ đã yêu cầu Tổng Thống Roosevelt dời Lễ Tạ Ơn sớm hơn một tuần cho dân chúng có thêm thì giờ mua sắm Giáng Sinh.

Vì nghĩ rằng việc thay đổi ngày lễ sẽ góp phần cải thiện nền kinh tế quốc gia nên Tổng Thống Roosevelt đã chấp thuận. Tổng Thống công bố Lễ Tạ Ơn từ nay sẽ kỷ niệm sớm hơn một tuần. Quyết định của Tổng Thống Roosevelt gây bất bình và chia rẻ khắp nơi. Dù rằng các kinh tế gia của Retail Dry Goods Association tiên đoán kinh tế sẽ tăng thêm 10%, khoảng một tỷ đô-la, nhưng đa số dân chúng không đồng ý việc làm đó. Họ không chấp nhận quyết định chỉ vì lý do thương mại mà thay đổi truyền thống của quốc gia.

Tuy nhiên, một điều luật của Hoa Kỳ do Ogden Nash soạn thảo có ghi rằng: “Lễ Tạ Ơn, cũng như các đại sứ, thành viên hội đồng nội các, và các nhân viên chính phủ quan trọng, là do Tổng Thống quyết định.” Do đó, quyết định của Tổng Thống Roosevelt không thể thay đổi được.

Quyết định dời Lễ Tạ Ơn của Tổng Thống Roosevelt không chỉ là dịp cho phe đối lập Cộng Hòa chỉ trích, nhưng cũng gây bất mãn rất nhiều cho giới thể thao. Hằng năm tại Mỹ những trận football quan trọng thường được tổ chức vào dịp Lễ Tạ Ơn, bây giờ các trận tranh tài này diễn ra vào ngày thường, ai sẽ đi coi? Huấn luyện viên Bill Walton của đội Ouachita College tại Arkansas, nói rằng: “Nếu Tổng Thống can thiệp vào chuyện football thì tôi sẽ bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa.”

Những người kính sợ Chúa cũng bất đồng, nhưng có một nhận xét sâu sắc hơn. Thống Đốc Leverett Saltonstall của tiểu bang Massachusets nói rằng: “Không phải vì chuyện thể thao, cũng không phải vì chuyện mua sắm Giáng Sinh mà ngày Lễ Tạ Ơn được biệt riêng ra. Mục đích của ngày lễ này nhằm kêu gọi mọi người tri ân Đấng đã tạo dựng và bảo tồn quốc gia này.” Mục Sư Normal Vincent Peale, tại New York Marble Collegiate Church, sau này trở thành một nhà tư tưởng nổi tiếng, nhận xét: “Thật ra không có gì khác biệt nếu dành một ngày nào cho Lễ Tạ Ơn. Vấn đề được đặt ra ở đây là lý do dời một thánh lễ với một động cơ giúp việc bán hàng Giáng Sinh là không thể chấp nhận được. Nếu như vậy, chúng ta có thể dự đoán sang năm lễ Giáng Sinh có thể sẽ nhằm vào ngày 1/5 để ủng hộ Hội Chợ Thế Giới tại New York 1940.”

Trước quyết định thay đổi của Tổng Thống Franklin Roosevelt, Thị Trưởng Atlanta bất mãn công bố: Ngày 23/11/1939 là ngày “Frankgiving” và ngày 30/11/1939 là ngày Thanksgiving. Thị Trưởng George Leach của thành phố Minneapolis thì dung hòa hơn. Ông tuyên bố Lễ Tạ Ơn năm 1939 tại thành phố Minneapolis sẽ bắt đầu từ 12:01 am ngày 23/11 và kết thúc vào lúc 11:59 pm ngày 30/11. Trong tám ngày đó, dân chúng kỷ niệm Lễ Tạ Ơn vào lúc nào tùy lương tri hướng dẫn. Trong khi đó, một chủ tiệm buôn tại thị trấn Kokomo, Indiana đã chế diễu quyết định của Tổng Thống Roosevelt bằng cách treo quảng cáo rằng: “Bạn phải đi mua sắm ngay bây giờ vì không chừng ngày mai sẽ là lễ Giáng Sinh.”

Trong ba năm ấy, nước Mỹ kỷ niệm Lễ Tạ Ơn không được vui. Một số tiểu bang giữ Lễ Tạ Ơn theo lệnh Tổng Thống, một số thống đốc tiểu bang vẫn cho dân chúng giữ Lễ Tạ Ơn theo truyền thống, và một số tiểu bang giữ cả hai ngày Lễ Tạ Ơn.

Sau ba năm dời Lễ Tạ Ơn sớm, sự chống đối vẫn kéo dài. Các thống kê cho thấy hàng hóa bán cũng không tăng. Tổng Thống Roosevelt nhận khuyết điểm và quyết định dời Lễ Tạ Ơn trở lại như truyền thống. Trước khi chấm dứt nhiệm kỳ thứ hai, Tổng Thống Roosevelt cho biết đây là sai lầm duy nhất trong 8 năm đầu tiên làm Tổng Thống của ông. Sau đó, Tổng Thống Roosevelt lại tái đắc cử hai lần nữa. Ông trở thành vị Tổng Thống Hoa Kỳ duy nhất đắc cử bốn lần. Tuy nhiên sau đó, Tổng Thống Roosevelt đã qua đời trong khi chưa mãn nhiệm kỳ thứ tư.

Mặc dầu Tổng Thống Roosevelt đã quyết định trả ngày Lễ Tạ Ơn trở về theo truyền thống, Quốc Hội Hoa Kỳ vẫn lo lắng trong tương lai có thể một ai sẽ thay đổi nữa nên Quốc Hội đã thông qua một dự luật quyết định từ năm 1942 về sau Lễ Tạ Ơn sẽ được tổ chức vào thứ Năm tuần thứ tư của tháng Mười Một hàng năm và đó là một ngày cố định không ai thay đổi nữa.

Đây là một giải pháp trung dung giữa quyết định của hai vị Tổng Thống. Tổng Thống Abraham Lincoln chọn thứ Năm cuối tháng 11 và Tổng Thống Franklin D. Roosevelt chọn vào thứ Năm tuần thứ ba của tháng 11. Theo cách chọn của Quốc Hội, cứ 7 năm có 5 Lễ Tạ Ơn rơi vào thứ Năm tuần cuối tháng và 2 lần vào thứ Năm tuần áp chót của tháng 11. Tổng Thống Roosevelt đồng ý và phê chuẩn luật này vào ngày 26/11/1941.  Bộ luật đó vẫn còn hiệu lực cho tới ngày hôm nay.

Truyền Thống Lễ Tạ Ơn

Đoàn tụ gia đình

letaon

Tại Hoa Kỳ, Lễ Tạ Ơn là dịp cho mọi người trong gia đình gặp lại nhau. Vào dịp này, con cái thường về thăm cha mẹ, dù ở xa cả ngàn cây số cũng về. Nhiều trường đại học ngay từ thứ ba hoặc thứ tư đã chuẩn bị các chuyến xe bus để đưa các sinh viên ở xa ra phi trường. Các bến Amtrak, trạm xe bus, Greyhound, phi trường đầy ắp người. Đối với ngành hàng không, Lễ Tạ Ơn thường là lúc có đông hành khách nhất trong năm. Đối với những người làm cha mẹ, đến ngày Lễ Tạ Ơn mà con cái không về không gởi thiệp hỏi thăm thì đó là một nỗi buồn rất lớn.

Thờ Phượng Chúa Tại Nhà Thờ

Tại New England, nơi tổ chức Lễ Tạ Ơn đầu tiên, vào dịp Lễ Tạ Ơn bất luận trời nắng hay tuyết rơi, mọi người đều đến nhà thờ tạ ơn Chúa. Việc vắng mặt tại nhà Chúa vào ngày Lễ Tạ Ơn là việc không thể chấp nhận được.

Vào ngày hôm ấy, sân nhà thờ đầy ắp người. Rất nhiều khuôn mặt mới xuất hiện. Những chàng trai rời làng ngày nào giờ đây tay bồng thêm một đứa trẻ. Mấy đứa con chú, bác, cô cậu, bạn dì có dịp gặp nhau vui mừng tung tăng chạy khắp nơi. Vợ chồng con cái lần lượt vào trong nhà thờ cùng ngồi chung nhau một băng ghế. Tất cả háo hức khi Mục Sư bước vào và hội chúng khởi hát bài thánh ca đầu tiên. Thông thường ngay sau đó, Mục Sư đọc thông điệp tạ ơn Chúa của Thống Đốc tiểu bang. Mục Sư sẽ đại diện Hội Thánh cầu nguyện, và bài cầu nguyện thường rất dài. Cả hội chúng cùng đứng dậy trang nghiêm trước mặt Chúa. Mục Sư sẽ cầu nguyện nhắc lại lời tạ ơn về những ơn phước Chúa đã ban cho Hội Thánh trong năm qua.

Sau khi Hội Thánh ngồi xuống và hát ngợi khen Chúa thánh ca thứ ba, họ sẽ lắng nghe sứ điệp Lễ Tạ Ơn. Bài giảng vào dịp Tạ Ơn là một trong những bài giảng quan trọng nhất trong năm. Tại New England vào dịp này các mục sư thường giảng rất dài, khoảng hai tiếng đồng hồ. Sau đó, hội chúng đứng lên hát thánh ca ngợi khen Chúa. Sau lời cầu nguyện tạ ơn Chúa riêng từng người giữa hội chúng, mục sư cầu nguyện tất lễ.

Bữa Ăn Tối

Vào tối thứ Năm ngày Lễ Tạ Ơn, mỗi gia đình tại Mỹ thường tổ chức một bữa ăn thịnh soạn. Rời nhà thờ, cả gia đình về nhà dùng bữa tối chung với nhau. Để chuẩn bị cho bữa ăn này, các bà nội trợ ngày xưa đã cặm cụi làm việc từ cả tuần trước. Trên bàn luôn luôn có bắp, bột khoai tây, các loại bánh pie, rau, thịt heo muối, và dĩ nhiên không thể thiếu món gà tây quay để nhắc lại bốn chú gà tây rừng đã có mặt trong buổi Lễ Tạ Ơn đầu tiên tại nước Mỹ. Trong bữa ăn đó thỉnh thoảng có ngỗng hoặc vịt quay. Thức uống thường là nước táo và các loại nước trái cây.

Bắt đầu bữa ăn, mọi người thành kính cúi đầu, người cha trong gia đình dâng lên Chúa lời cầu nguyện tạ ơn. Sau đó, bà mẹ nhẹ nhàng cắt thịt gà tây phân phát cho cả gia đình, nhất là cho mấy đứa cháu từ xa mới về; đĩa nào đĩa nấy đầy tràn thức ăn. Cả gia đình dùng bữa chung với nhau thật vui vẻ.

Sau bữa ăn, cả gia đình lại quây quần với nhau, ngồi trên sofa hoặc dưới thảm. Những cuốn album cũ được lôi ra, mọi người xem và nhắc lại chuyện cũ. Mấy cháu nhỏ có thể đánh đàn, đọc thơ hoặc đọc Thi Thiên. Những người già có thể đi nghỉ. Mọi người uống trà, cà-phê và râm ran trò chuyện đến khuya.

Giúp Người Nghèo Khó

Trong niềm vui của sự bình an và sung túc, Lễ Tạ Ơn luôn là dịp để giúp người nghèo khó. Nhớ lại 47 người đã chết trong mùa Đông đầu tiên, các con cái Chúa luôn dùng dịp này để giúp những người nghèo khó. Nhiều nhà thờ thường tổ chức những bữa ăn nóng giúp những người vô gia cư trong thành phố. Có khi hàng tháng trước đó, hội thánh đặt những hộp quyên tiền, những thùng quyên thức ăn, quần áo ấm để giúp đỡ những người nghèo. Những thứ quyên góp được có thể dành cho những người nghèo trong thành phố, có khi được gói lại cẩn thận gởi đến những quốc gia nghèo xa xôi.

Tiếp Đón Lữ Khách & Di Dân

Khi dân Do Thái vào Đất Hứa, Chúa truyền cho họ phải đối xử tốt với những người ngoại quốc, trẻ mồ côi và người góa bụa. Những người di dân đầu tiên đã được những người Da Đỏ cứu giúp, do đó một trong những truyền thống của Lễ Tạ Ơn là giúp đỡ những kiều dân mới đến.

Hằng năm, Hoa Kỳ đón nhận hằng triệu người trên thế giới đến nhập cư. Số người nhập cư này nhiều hơn số cho phép nhập cư của tất cả các quốc gia trên thế giới cộng lại. Nếu những người nhập cư là những người tỵ nạn, những người này được trợ giúp một thời gian. Những luật lệ đó được ban hành dựa theo Lời Chúa trong Kinh Thánh và do sự thúc đẩy của những công dân là con cái Chúa.

Tóm Tắt

Hàng năm Lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ được kỷ niệm long trọng khắp nơi. Điều đáng tiếc, nhiều người đã quên mất ý nghĩa chính của ngày Lễ Tạ Ơn. Dĩ nhiên, ngày thứ Năm cuối tháng 11 không phải là ngày để xem những trận football hấp dẫn hay là ngày chuẩn bị mua sắm cho lễ Giáng Sinh, nhưng đó là ngày được biệt riêng ra để tạ ơn Chúa.

Gần 400 năm trôi qua, nhìn lại cuộc sống con cháu những thuyền nhân đầu tiên đổ bộ xuống Plymount, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời vẫn thành tín và đầy lòng nhân từ. Chúa đã ban cho các di dân đầu tiên những điều mà Ngài hứa trong Phục Truyền đoạn 28. Từ đức tin của những người lập quốc đó, Chúa đã ban phước cho quốc gia Hoa Kỳ, từ một vùng đất hoang vu trở thành một cường quốc hàng đầu trên thế giới. Thật vậy, sự tồn tại và phát triển của quốc gia Hoa Kỳ là một bằng chứng về sự thành tín và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời.  Theo lời hứa của Chúa trong Kinh Thánh, nếu chúng ta hết lòng tin cậy, tri ân và trung tín thờ phượng Chúa, phước hạnh của Chúa vẫn còn dư dật cho mỗi chúng ta.

Châu Thanh

Nguyệt San Linh Lực

 

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn