Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Rửa Chân Cho Nhau

Rửa Chân Cho Nhau

MÔN ĐỒ LÀ MỘT NGƯỜI PHỤC VỤ

Chúa Jesus là một đầy tớ phục vụ, không phải là một ông chủ theo ý nghĩa của văn hóa con người. Điều này làm các môn đồ và chúng ta ngạc nhiên! Nhưng đó là một bài học quí giá. “Ngài đến cùng Si-môn Phi-e-rơ, thì người thưa rằng: Chúa ôi, chính Chúa lại rửa chân cho tôi sao?” (Giăng 13:6). Sự nhấn mạnh ở câu này là: “chính Chúa” là ông Chủ bàn tiệc lại rửa chân cho tôi? Một thân vị vĩ đại như Ngài là Đấng Christ, đấng Mê-si lại cúi xuống rửa chân cho tôi? Trước đó Phi-e-rơ là một trong những môn đồ đầu tiên đã thừa nhận chức vị siêu việt của thầy mình qua sự mặc khải thiên thượng. Ông nhận thức rằng thầy của mình là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống đã đến trong thế gian qua thân xác của một con người. Phi-e-rơ biết Chúa Jesus là Đấng sẽ trở thành Vua của muôn vua, Chúa của muôn chúa. Sự trị vì và vinh quang của Ngài là tuyệt đỉnh. Vì vậy ông muốn ngăn trở Chúa thực hiện công việc của một đầy tớ là rửa chân cho người khác.

apostle-peter-biography
Chúa giải thích cho Phi-e-rơ trong câu 7, “Hiện nay ngươi chẳng biết sự ta làm; nhưng về sau sẽ biết”. Phi-e-rơ đã biết về Chúa, nhưng còn nhiều điều khác của Chúa ông vẫn chưa hiểu biết đủ. Ông chưa hiểu được rằng con người chỉ có thể được cứu thông qua Con của Đức Chúa Trời mà đã trở nên một đầy tớ phục vụ. Với tư cách là một người phục vụ (đầy tớ của Đức Giê-hô-va), Chúa Jesus đã vâng phục Đức Chúa Trời và trở nên Cứu Chúa của mọi người.
Khi Phi-e-rơ đưa ra lời quyết đoán, “Chúa sẽ chẳng rửa chân tôi bao giờ!” Chúa Jesus đã trả lời như thế nào? “Nếu ta không rửa cho ngươi, ngươi chẳng có phần chi với ta hết”. Phi-e-rơ bắt đầu hiểu ra vấn đề, lời thỉnh cầu tiếp theo sau đó của ông cho chúng ta thấy tấm lòng vị sứ đồ này đói khát được hiệp nhất với Đấng Christ. Ông muốn cùng tham gia với Chúa trong sự cứu chuộc và sự cai trị. Vì thế Phi-re-rơ thưa với Chúa, “Lạy Chúa, chẳng những rửa chân mà thôi, lại cũng rửa tay và đầu nữa!” Câu này có thể hiểu là Phi-e-rơ muốn Chúa tắm gội luôn cho ông từ chân tới đầu.
Trong câu 10, Chúa dạy: “Ai đã tắm rồi, chỉ cần rửa chân, thì được sạch cả”. Chúng ta liên hệ câu này với lời dạy của sứ đồ Phao-lô trong Tít 3:5-6, “không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa về sự lại sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh, mà Ngài đã rải ra trên chúng ta cách dư dật bởi Đức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa chúng ta”. Như vậy chúng ta có thể hiểu là Chúa Jesus đã tự hạ mình xuống thấp trong thân phận của một đầy tớ để rửa chân (làm sạch) cho các môn đồ. Chúa Jesus đã đến, và qua sự chết của Ngài trên thập giá – Ngài trở thành Cứu Chúa cho mọi người. Chúng ta được cứu chỉ trong Chúa Jesus là Đấng đã xưng công bình cho chúng ta và được đổi mới bởi Đức Thánh Linh. Để thực hiện ơn cứu rỗi đó, Đấng Christ đã đi con đường của một đầy tớ vâng phục Đức Chúa Trời cách trọn vẹn trong mọi hành động.

sal
Trong 1 Giăng 1:9, “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” Một người chỉ được tha tội và được làm sạch mọi sự bất nghĩa khi người đó xưng tội với Đức Chúa Trời. Chúa Jesus rửa chân cho các môn đồ là ý nghĩa hình bóng họ được làm sạch mọi điều gian ác. Thông điệp mà Chúa muốn dạy Phi-e-rơ và các môn đồ trong Giăng đoạn 13: Phi-e-rơ cần phải trở nên như một đầy tớ sẵn sàng cúi xuống rửa chân cho người khác trong cuộc đời lữ khách trên đất. Hành động này thực sự có nhiều ý nghĩa thuộc linh! Phi-e-rơ không thể đáp ứng cho những nhu cầu thuộc linh của người khác trừ phi vị sứ đồ này trở nên một đầy tớ – người phục vụ.
Công việc của một đầy tớ là yếu tố cần thiết để đáp ứng cho nhu cầu của mọi người. Và Chúa Jesus đã lấy chính Ngài làm một mô hình mẫu cho chúng ta.
Bây giờ chúng ta đi đến câu 12, sau khi Chúa rửa chân cho các môn đồ, Ngài hỏi, “Các ngươi có hiểu điều ta đã làm cho các ngươi chăng?” Câu trả lời của các môn đồ là một sự yên lặng. Trong lòng các môn đồ đang bối rối với những suy nghĩ cá nhân. Họ ngỡ ngàng trước bài học Chúa muốn truyền đạt. Có thể là họ đã bị một cú sốc, khi nhìn thấy vị thầy mà họ đi theo lại cúi xuống rửa chân cho họ! Vì vậy họ đã không thể trả lời câu hỏi Chúa đưa ra ở đây. Chúa Jesus giải thích, “Các ngươi gọi ta bằng Thầy bằng Chúa; các ngươi nói phải, vì ta thật vậy. Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau (có nghĩa là các ngươi phải đặt chính mình trong cương vị của một đầy tớ)”. Những lời tiếp theo của Chúa không quá khó hiểu cho các môn đồ, “ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi…. đầy tớ chẳng lớn hơn chủ mình, sứ giả cũng chẳng lớn hơn kẻ sai mình. Ví bằng các ngươi biết những sự nầy, thì có phước, miễn là các ngươi làm theo.” Các môn đồ lúc đó và chúng ta ngày nay có thực sự thấy rõ bài học này!
Các môn đồ ham muốn một địa vị cao trọng và vinh hiển trong vương quốc khi Chúa Jesus trị vì. Còn Chúa mong đợi họ được tôn trọng và vinh hiển khi họ hạ mình xuống phục vụ người khác với tư cách của một đầy tớ trong danh của Ngài.
Môn đồ là một người phục vụ, không chỉ phục vụ Chúa Jesus Christ nhưng cũng phục vụ cho tất cả các tín hữu trong cộng đồng Cơ đốc. Môn đồ là đầy tớ cho tất cả những người mà Đức Chúa Trời yêu mến và vì họ Con Ngài – Chúa Jesus đã hy sinh. Đây là bài học cho sứ đồ Phi-e-rơ, nó trở thành nền tảng khi ông viết thư tín thứ nhất chương năm. Vị sứ đồ khuyên các trưởng lão:
“Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm”. Mặc dù các trưởng lão là những người có trách nhiệm và uy quyền trên bầy chiên, tuy nhiên họ không thể tự đặt mình vào vị trí nổi bật, nhưng phải làm gương tốt cho cả bầy – phục vụ bầy chiên trong tư cách của một đầy tớ. Trách nhiệm của họ là phục vụ. Trong câu 5, Phi-e-rơ viết, “Cũng khuyên bọn trẻ tuổi, hãy phục theo các trưởng lão. Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường”. Chữ “trang sức hay mặc lấy” trong câu 5 là chữ được dùng trong Giăng 13:5, “Kế đó, Ngài đổ nước vào chậu, và rửa chân cho môn đồ, lại lấy khăn mình đã vấn mà lau chân cho.” Cụm từ lấy khăn mình đã vấn tương đương với từ trang sức hay mặc lấy. Như vậy có thể thấy rằng khi Phi-e-rơ viết thư cho các trưởng lão ông đã nhớ lại hình ảnh của thầy mình trong Giăng đoạn 13. Vị sứ đồ đã chia sẻ lại bài học ông đã nhận lãnh từ người thầy siêu việt của mình. Một môn đồ thật sự là một người phục vụ cho những ai đang có những nhu cầu chính đáng.

images
Trong Giăng 13, chúng ta dễ dàng nhìn thấy Đấng Christ đã đặt chính Ngài trong cương vị của một đầy tớ, bởi vì Ngài biết Ngài là ai, con đường nào Ngài phải đi và đi tới đâu. “Đức Chúa Jêsus biết rằng Cha đã giao phó mọi sự trong tay mình, và mình đã từ Đức Chúa Trời đến, cũng sẽ về với Đức Chúa Trời, nên đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình…” Đức Chúa Jesus không tính toan, cân nhắc khi hành động như một người phục vụ sẽ làm giảm đi chức vụ của Ngài. Ngài đặt chính mình trong chỗ đứng của một người đầy tớ, điều này sẽ là một thách thức cho tất cả các môn đồ khi họ muốn đạt được sự tôn trọng trước mặt Đức Chúa Trời.

Có một nghịch lý là ngày nay nhiều người trong cộng đồng Cơ đốc muốn làm cho chính mình nổi bật trong cương vị của một người lãnh đạo. Bài học môn đồ là một người phục vụ chỉ có thể thành hiện thực khi một người nhận ra anh ta phải học tập và làm theo phong cách của Đấng Christ. Đặt chính chúng ta trong cương vị của một đầy tớ là đòi hỏi từ nơi Chúa cho tất cả những ai muốn trở nên môn đồ thật.
Phục vụ trong tình yêu là bằng chứng cho một môn đồ. “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.” (Giăng 13:35) Hay nói một cách khác tình yêu được thể hiện ra bên ngoài qua sự phục vụ. Câu hỏi thường được mọi người sử dụng: “Tôi có thể làm gì để giúp đỡ bạn?” Và cách giúp đỡ cụ thể nhất là hãy đặt chính mình trong tư cách của một người đầy tớ để phụng sự tha nhân.
“Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi (ta đặt chính mình trong vị trí của một người phục vụ) thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau. Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm (các ngươi cũng phải đặt chính mình trong cương vị của một đầy tớ) như ta đã làm cho các ngươi.”
Một người có thể được cứu, nhưng không phải là một đầy tớ. Nhưng một người không thể là môn đồ khi anh ta không phải là một đầy tớ.

 

(Còn nữa)

J.DWIGHT PENTECOST

Translated by Tuong Vi   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn