Giống như dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng khi xưa, có những người trong Hội Thánh chỉ bước đi bởi mắt thấy, họ luôn than trách và nhắc đi nhắc lại việc họ muốn “trở về Ê-díp-tô.” Ngoại trừ Giô-suê và Ca-lép, cả dòng dõi của những người Y-sơ-ra-ên không tin đó đã phải chết trong đồng vắng. Sau đó, Chúa đã dấy lên một dòng dõi mới và ban cho họ quyền năng để đắc thắng tại xứ Ca-na-an. Tôi e rằng đã có quá nhiều thế hệ phải lang thang trong đồng vắng nhiều năm trong sự vô tín trong khi họ đã có thể có được những điều Chúa hứa. Cảm ơn Chúa vì trong nhiều năm hầu việc Chúa cho các bạn thanh niên như là một nhân viên của tổ chức Youth For Christ International, chúng tôi đã phải làm việc khá nhiều và phải tự kiếm thêm trợ cấp cho mình như những nhà truyền giáo, và Chúa không bao giờ quên chúng tôi. Chúng tôi đã có những ngày biệt riêng ra cho sự cầu nguyện khi chúng tôi đóng cửa văn phòng và nhóm lại tại Hội Thánh địa phương để liên tục cầu nguyện. Tôi nhớ những buổi cầu nguyện thâu đêm tại hội nghị YFC và những hôm cầu nguyện đặc biệt khi xuất hiện các cuộc khủng hoảng không mong muốn. “Và sự thắng hơn thế gian, ấy là đức tin của chúng ta” (I Giăng 5:4).
Rô-ma 11:20 cho chúng ta biết chúng ta phải đứng vững trong đức tin, và I Tê-sa-lô-ni-ca 1:3 nói cho chúng ta biết phải hầu việc bởi đức tin. Làm sao chúng ta có thể đạt được mục tiêu khi chúng ta chạy mà không có mục đích? Chúng ta phải có đức tin để đứng vững và có đức tin để hầu việc. “Bởi đức tin, chúng ta biết” (Hê-bơ-rơ 11:3), và bởi đức tin chúng ta thấy được những thực tại vô hình của vương quốc Nước Trời (Hê-bơ-rơ 11:27). Vance Havner đã từng nói, “Bởi đức tin Môi-se đã thấy những điều không thấy được, chọn những điều bất diệt, và đã làm những điều bất khả thi” (Hê-bơ-rơ 11:23-29). Đó quả thật là một kỷ lục không tồi. Cảm tạ ơn Chúa vì tôi đã được rèn dũa tại trường Đại học và trường Thần học cùng những trải nghiệm trong chức vụ của tôi, nhưng nếu không có đức tin nơi Chúa thì có lẽ những điều quý giá đó sẽ trở nên gánh nặng cho tôi.
Đức tin lớn lên như thế nào?
Khi nói đến đức tin, Kinh Thánh cho chúng ta biết có ba trường hợp có thể xảy ra: chưa có đức tin (Mác 4:40), ít đức tin (Ma-thi-ơ 6:30; 8:26; 14:31; 16:8), và đức tin lớn (Ma-thi-ơ 8:10; Lu-ca 7:9). Thật thú vị khi người có “đức tin lớn” lại không phải là người Giu-đa! Còn “Ít đức tin” dường như là cụm từ mà Chúa thường gọi các môn đồ của Ngài. Chúa Giê-su đã dùng một đứa trẻ (Lu-ca 18:17) và một hột cải (Ma-thi-ơ 17:20) để minh họa sức tăng trưởng mạnh mẽ trong đời sống thuộc linh. Con trẻ tin cậy chúng ta ngay cả khi chúng đã trưởng thành và chúng ta không được xem thường lòng tin đó, nếu không, niềm tin đó sẽ bị tổn thương. Hột cải có sự sống trong nó, và khi được nuôi dưỡng nó sẽ lớn lên và kết trái.
Thánh Linh sử dụng chữ “đạo đức tin” (lời đức tin) (Rô-ma 10:8) để làm tăng thêm đức tin của chúng ta bởi vì “đức tin đến bởi sự người nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô-ma 10:17). Nhà truyền giáo Dwight L. Moody nói rằng, “Tôi đã từng nghĩ đến việc đóng quyển Kinh Thánh lại và cầu nguyện cho đức tin của mình, nhưng tôi nhận ra rằng đức tin tôi được lớn lên khi tôi suy gẫm lời Chúa.” Tôi đã từng nghe Hê-bơ-rơ 11 được gọi là “Tu viện Westminster đức tin”, nhưng tôi thắc mắc về tính chính xác của cái tên này. Tôi đã đến thăm tu viện Westminster vài lần và, ngoại trừ những du khách, thì mọi người ở đây dường như đang chết! Đức tin phải là một kinh nghiệm sống động! Tôi thấy Hê-bơ-rơ 11 giống như là “một tòa nhà vinh danh những anh hùng đức tin.” Những con người được đề cập đến trong đoạn này là những nhà quán quân Olympic, đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng chúng ta có thể tham gia vào cuộc đua và chiến thắng mặc cho những trở ngại ở phía trước.
Chính vì vậy, nếu chúng ta muốn lớn lên trong đức tin, chúng ta phải đầu tư thời gian vào việc đọc và học Kinh Thánh cũng như suy ngẫm vào điều mà Chúa muốn dạy chúng ta. Chúng ta nên so sánh các câu trong Kinh Thánh với nhau, ghi nhớ những câu Kinh Thánh và “nghiền ngẫm chúng” cho đến khi thuộc lòng chúng. Và chúng ta phải “tiêu hóa” lẽ thật đó bằng sự vâng lời để nó trở thành một phần sống động trong chúng ta. Và nếu làm được điều đó, đức tin chúng ta sẽ lớn lên.
Cầu nguyện cũng là một cách để gây dựng đức tin. Chúa Giê-su đã cầu nguyện để đức tin của Phi-e-rơ không bị thiếu thốn và ông sẽ hối cải để làm vững chí anh em mình (Lu-ca 22:31-34). Khi chúng ta thấy Chúa đáp lời cầu xin của chúng ta, chúng ta được khích lệ để dạn dĩ cầu nguyện và tin cậy nơi lời hứa của Đức Chúa Trời. Và khi đời sống cầu nguyện chúng ta bắt đầu trì trệ và chậm chạp, hãy kêu cầu Chúa. Trong Lu-ca 11:9, chúng ta có lời hứa, “Ta lại nói cùng các ngươi: Hãy xin, sẽ ban cho; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho.” Chúa không phải lặp đi lặp lại điều Ngài nói, bởi vì mỗi mạng lệnh mang một sự chúc phước cách đặc biệt. Hãy xin nhắc đến sự giàu có của Cha chúng ta, hãy tìm hàm ý về ý chỉ và chương trình của Cha, và hãy gõ cửa nói đến công việc của Cha. (Mở cửa trong Kinh Thánh tượng trưng cho cơ hội để sống phục vụ và tận hiến, như I Cô-rinh-rô 16:8-9). Chúng ta có quyền nhận lấy sự giàu có của Cha chúng ta miễn là chúng ta làm theo ý muốn Cha và hết sức làm công việc Cha giao phó, cho dù sự kêu gọi của chúng ta là gì.
Bằng việc đọc Kinh Thánh, những tiểu sử cùng những lời chứng của những anh hùng đức tin, tôi đã học được rằng, Cha chúng ta thích thử nghiệm và khổ luyện chúng ta để rèn luyện và trau dồi đức tin chúng ta trở nên toàn vẹn. Gia-cơ gọi điều này là “sự thử thách đức tin” (Gia-cơ 1:3). Một đức tin không được thử nghiệm thì không thể trông cậy được. Tôi không biết liệu có một đầy tớ Chúa nào được Đức Chúa Trời chúc phước một cách đặc biệt mà không phải trải qua những khó khăn cùng sự thử nghiệm – kể cả Chúa Giê-su yêu dấu của chúng ta. Ngài đã bảo với các môn đồ “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!” (Giăng 16:33). Không cần biết đến những người được họ chúc phước, nhiều tôi tớ được Đức Chúa Trời lựa chọn đã phải sống với những đau đớn tổn thương trong đời sống cá nhân mà vẫn tiếp tục hầu việc Chúa. Suốt nhiều năm hầu việc Chúa tự do, tôi có đặc ân được hầu việc Chúa với mọi người và đã ngạc nhiên kinh khủng về những “cái giằm xóc vào thịt” của họ – và họ ở xung quanh tôi.
Tôi nhớ đến một vị Mục sư đã đến thăm một tín đồ ở bệnh viện sau khi cô ấy trải qua một ca phẫu thuật hết sức phức tạp và đầy nguy hiểm. Cô ta hỏi ông, “Tại sao Chúa lại để tôi thế này?” Ông đáp lại cách nhẹ nhàng, “Ngài vẫn chưa hoàn thành chương trình của Ngài trên cô, Chúa vẫn còn đang thực hiện điều đó trên cô và cả trên tôi, và Ngài biết rõ điều mà Ngài đang làm.” Và cô ấy đã hiểu được điều đó. Khi đọc sách Gióp, các bạn thấy một người đầy kinh nghiệm và đưa ra những thắc mắc về Đức Chúa Trời, và rất ít trong số những câu hỏi đó được thỏa đáp. Nhưng Gióp đã khám phá ra rằng, những người con của Đức Chúa Trời không phải chỉ sống dựa vào những lời giải thích, nhưng là dựa vào lời hứa. “Nhưng Chúa biết con đường tôi đi; Khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng” (Gióp 23:10). Phi-e-rơ chắc hẳn đã rất rõ điều này khi ông viết, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót” (I Phi-e-rơ 4:12-13). Bị đối đãi theo cách mà Chúa Giê-su đã bị, đó rõ ràng là một đặc ân! Phao-lô đã gọi đó là “sự thông công thương khó của Ngài” (Phi-líp 3:10).
(Còn nữa)
Warren W. Wiersbe