Bài trước:
UY QUYỀN VÀ MÔN ĐỒ
Lu-ca 14:16-27
“Nhưng Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Có người kia dọn tiệc lớn, mời nhiều người ăn. Khi đến giờ ăn, sai đầy tớ mình đi nói với những kẻ được mời rằng: Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi. Song họ đồng tình xin kiếu hết. Người thứ nhứt nói rằng: Tôi có mua một đám ruộng, cần phải đi coi; xin cho tôi kiếu. Kẻ khác rằng: Tôi có mua năm cặp bò, phải đi xem thử; xin cho tôi kiếu. Kẻ khác nữa rằng: Tôi mới cưới vợ, vậy tôi đi không được. Đầy tớ trở về, trình việc đó cho chủ mình. Chủ bèn nổi giận, biểu đầy tớ rằng: Hãy đi mau ra ngoài chợ, và các đường phố, đem những kẻ nghèo khó, tàn tật, đui, què vào đây. Sau lại đầy tớ trình rằng: Thưa chủ, điều chủ dạy, đã làm rồi, mà hãy còn thừa chỗ. Chủ nhà lại biểu rằng: Hãy ra ngoài đường và dọc hàng rào, gặp ai thì ép mời vào, cho được đầy nhà ta. Vì, ta nói cùng các ngươi, trong những kẻ đã mời trước, không có ai được nếm bữa tiệc của ta đâu.
Có đoàn dân đông cùng đi với Đức Chúa Jêsus; Ngài xây lại cùng họ mà phán rằng: Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta. Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta.”
Chúa Jesus giới thiệu chính Ngài là Vua và Cứu Chúa cho tuyển dân Israel. Ngài đòi hỏi những người đi theo Ngài phải thuận phục uy quyền của chính Ngài và Lời Ngài. Chúa kêu gọi, “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Mat. 11:28). “Hãy đến cùng ta” là hành động đức tin. Mạng lệnh của Chúa dành cho những người đến với Ngài: “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.” (c. 29-30). Một người không thể trở thành môn đồ cho đến khi anh ta thuận phục uy quyền của Đấng Christ và mang lấy ách của Ngài.
Tuyển dân Israel hiểu cả hai mệnh đề: “Hãy đến cùng ta” và “gánh lấy ách của ta”. Trong Lu-ca 14, Chúa đề cập đến sự đáp ứng của những người được mời đến dự tiệc. Chúng ta đọc câu 16-17, “Có người kia dọn tiệc lớn, mời nhiều người ăn. Khi đến giờ ăn, sai đầy tớ mình đi nói với những kẻ được mời rằng: Hãy đến, mọi sự đã sẵn rồi.” Không khó lắm để nhận ra người chủ bữa tiệc chính là Đấng Mê-si. Trong ví dụ này Chúa giới thiệu chính Ngài là người chủ chuẩn bị bàn tiệc. Mọi công tác chuẩn bị cho bữa tiệc đã xong. Bây giờ chỉ còn chờ thực khách tới. Nhưng tất cả khách mời “đồng tình xin kiếu hết”.
Bức tranh của tuyển dân ở đây là: họ được mời đến bàn tiệc nhưng tất cả đều từ chối. Mỗi người đều đưa ra những lý do chính đáng. Vì thế trong phần kết luận của câu chuyện này, Chúa Jesus phán một lời mang tính thách thức trong câu 26-27, “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta. Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta.” Ở đây Chúa đưa ra một cái giá phải trả để trở thành môn đồ thật sự. Đó là một người chỉ trở thành môn đồ khi anh ta không còn dành ưu tiên hàng đầu cho cha mẹ, anh chị em ruột thịt, và chính sự sống của mình. Anh ta phải “ghét” những điều thân yêu đó, khi ấy anh mới trở nên môn đồ.
Điều này dường như mâu thuẫn với kiến thức thần học của chúng ta? Đức Chúa Trời đã thiết lập hôn nhân cho tổ phụ loài người trong vườn Ê-đen, từ đó đơn vị gia đình được hình thành. Con cái phải hiếu kính cha mẹ, anh em yêu thương nhau. Sứ đồ Phao-lô dạy trong Êph. 5:25, “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh.” Vậy thì làm thế nào để người chồng có thể ghét vợ, cha mẹ, anh em… của mình? Làm thế nào để một người vợ trở nên môn đồ trong khi Phao-lô yêu cầu một người vợ phải thuận phục chồng mình trong mọi sự? Người vợ ấy có thể nào “ghét” chồng mình hay không?
Đức Chúa Trời đã thành lập phạm vi của uy quyền. Trong gia đình Chúa đã thiết lập người chồng – người cha là đầu của gia đình. Người vợ và các con phải vâng phục uy quyền của người chồng – người cha. Sự vâng phục trong gia đình sẽ không có cho đến khi các thành viên của gia đình vâng phục theo khuôn mẫu mà Đức Chúa Trời đã thiết kế. Tuy nhiên Đấng Christ đòi hỏi “ghét” trong nơi chốn của tình yêu. Điều này có nghĩa gì?
Theo cách sử dụng thành ngữ của người Israel, tình yêu và lòng căm ghét là những cảm xúc thuộc lĩnh cực của ý chí. Cụ thể là khi một người nam yêu thương một đối tượng nào đó thì anh ta tự đầu hàng và giao nộp ý chí của mình cho người đó. Điều ngược lại đối với lòng căm ghét có nghĩa là từ chối không giao nộp ý chí của mình cho một người khác. Những lời dạy của Đấng Christ trong Lu-ca 14:26, “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta.” không đề cập đến những cảm xúc bình thường của con người nhưng nó giải quyết vấn đề của ý chí. Chúa Jesus không tác động đến tình cảm của con người nhưng Ngài đang giải quyết vấn đề: phạm vi uy quyền trên đời sống của con người. Bạn đang giao nộp ý chí của mình cho ai? Đó là vấn đề!
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng ta quay trở về với Ma-la-chi 1:2-3, “Đức Giê-hô-va có phán: Ta yêu các ngươi; và các ngươi nói rằng: Chúa yêu chúng tôi ở đâu? Đức Giê-hô-va phán: Ê-sau há chẳng phải là anh Gia-cốp sao? Nhưng ta yêu Gia-cốp, mà ghét Ê-sau…” Đức Chúa Trời xác nhận Ngài yêu tuyển dân Israel. Chúng ta tự hỏi Ngài yêu tuyển dân ở đâu? Câu trả lời là: “ta yêu Gia-cốp, mà ghét Ê-sau”.
Để hiểu ý tưởng chính của lời tuyên bố này của Chúa, chúng ta cần quay trở về với lịch sử tuyển dân trong Sáng thế ký. Khi hai bé trai song sinh vẫn còn trong bụng mẹ, Đức Chúa Trời bày tỏ rằng Ngài chọn Gia-cốp để hoàn thành lời hứa của Ngài. Ngài đặt Ê-sau qua một bên. Đây không phải là vấn đề của cảm xúc hay tình cảm. Nó là vấn đề của ý chỉ Đức Chúa Trời trong việc toàn quyền kiểm soát, tể trị mọi biến cố xảy ra. Lời hứa của Chúa dành cho Áp-ra-ham và Y-sác được thực hiện thông qua Gia-cốp nhiều hơn là Ê-sau, mặc dù cả hai anh em song sinh này trở thành tổ phụ của hai dòng giống lớn. Ý chỉ và kế hoạch của Đức Chúa Trời là Ngài chọn Gia-cốp, yêu Gia-cốp mà ghét Ê-sau.
Khi Ma-la-chi hỏi, “Chúa yêu chúng tôi ở đâu?” Câu trả lời được tìm thấy là Chúa đặt đứa con đầu sang một bên và Ngài để cho đứa thứ hai đứng ở vị trí cao hơn. Lẽ thật này được nhấn mạnh khi sứ đồ Phao-lô viết Rô-ma 9, ông trích dẫn sách Ma-la-chi. “như có chép rằng: Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau” (Rôm. 9:13). Điều này được giải thích trong Rôm. 9:11, “Vì, khi hai con chưa sanh ra, chưa làm điều chi lành hay dữ – hầu cho được giữ vững ý chỉ Đức Chúa Trời, là ý định sẵn bởi sự kén chọn tự do của Ngài, chẳng cứ việc làm, nhưng cứ Đấng kêu gọi.” Chúa bày tỏ: Đứa lớn sẽ phục vụ đứa nhỏ. Bạn có chú ý là tình yêu dành cho Gia-cốp trong câu 13 thì liên quan đến mục đích của Đức Chúa Trời trong câu 11?
Khi một người cha Israel nhận nuôi một đứa con trong gia đình (vì ông ta và vợ không có con). Và đứa con được tuyển chọn để nhận nuôi này được người cha yêu mến, trong khi những đứa trẻ còn lại không được chọn để làm con nuôi được xem là bị ghét bỏ. Tình yêu khiến người cha đem đứa con được chọn vào trong gia đình làm người kế thừa. Sự lựa chọn này hoàn toàn là ý muốn của người cha. Người cha yêu đứa con được chọn và “ghét” những đứa còn lại không được chọn. Khi Chúa Jesus phán dạy trong Lu-ca 14:26, Ngài đòi hỏi người theo Ngài phải ghét cha mẹ, anh em, vợ con… trong ý nghĩa là người đó phải lựa chọn giữa uy quyền tối thượng, ý chỉ của Đức Chúa Trời và uy quyền của con người. Mặc dù Chúa đã thiết lập trật tự uy quyền trong gia đình, nhưng uy quyền đó phải ở dưới uy quyền tối cao của Ngài. Người cha có uy quyền trên con cái trong gia đình, vì ông ta nhận được uy quyền đó trong sự thuận phục uy quyền của Đức Chúa Trời. Người vợ thuận phục uy quyền của người chồng trong nhận thức rằng chính Đức Chúa Trời ban cho chồng mình có uy quyền đó. Nhưng có thể một số người đã làm suy yếu uy quyền tối thượng của Chúa Jesus Christ, và họ đặt uy quyền của con người lên trên Chúa. Trong trường hợp đó, người này không được kể là môn đồ của Chúa.
Chúng ta có thể chú giải Lu-ca 14:26 theo cách này? Chúa Jesus có ý nói, nếu một người đến theo Ngài mà không để lại một bên các uy quyền của con người và chọn Ngài làm uy quyền tối thượng, người đó không thể làm môn đồ Ngài. Chúa đang xử lý vấn đề uy quyền ở đây. Vấn đề trở nên sáng tỏ cho chúng ta: Trừ phi một người mang lấy ách chung với Chúa Jesus Christ – thuận phục uy quyền tối thượng, người đó không thể là môn đồ của Ngài.
Câu chuyện trong Lu-ca 14 đề cập đến ba hạng người cự tuyệt uy quyền tối thượng. Ba người này tiêu biểu cho những nhóm người bỏ cuộc không thể làm môn đồ Chúa. Người thứ nhất nói lời từ chối: “Tôi có mua một đám ruộng, cần phải đi coi; xin cho tôi kiếu.” Có thể xem người này như một nhà đầu cơ về địa ốc, ông ta tích trử của cải dưới đất. Đối với ông “đám ruộng” lớn hơn lời mời đến bàn tiệc. Lòng ham muốn vật chất của ông trổi hơn uy quyền của người chủ mời ông ta đến dự tiệc. Đơn giản là ông ta cự tuyệt uy quyền của người chủ bàn tiệc. Một người không thể ôm ấp những điều thuộc về vật chất mà đồng thời thuận phục uy quyền tối cao của Chúa.
Một người có thể thành công trong kinh doanh và là môn đồ thật của Chúa. Nhưng không thể nào một người đặt vật chất lên hàng đầu có thể gọi là môn đồ.
Nhiều người ngày hôm nay muốn trở nên môn đồ của Chúa, nhưng họ thất bại ở điếm này: vật chất, của cải, tiền bạc đối với họ là uy quyền tối thượng. Uy quyền của Chúa đối với họ chỉ đứng ở vị trí thứ hai.
Bây giờ chúng ta nghe lời từ chối của người thứ hai, “Tôi có mua năm cặp bò, phải đi xem thử; xin cho tôi kiếu.” Người này đã thành lập công việc kinh doanh của mình trên năm cặp bò – đó là số tiền anh ta đã đầu tư cho doanh nghiệp. Một sự đầu tư có cân nhắc và vấn đề sinh tử của anh ta nằm ở đó. Người đàn ông này có khác với người “mua đám ruộng”. Anh ta theo đuổi một công việc và mong đợi thành công với nó. Công việc của anh là khẩn cấp, nó cần thời gian, sức lực của anh, vì vậy anh ta không còn thời gian dành cho Chúa Jesus Christ. Anh ta đã cự tuyệt uy quyền tối thượng. Nhiều người ngày hôm nay đứng trước hai sự lựa chọn: thành công trong sự nghiệp riêng theo cách nhìn của thế giới hay trở thành người phục vụ Chúa Jesus Christ?
Người thứ ba nói gì? “Tôi mới cưới vợ, vậy tôi đi không được”. Người này đang vui hưởng một cuộc sống hôn nhân phước hạnh. Và hôn nhân là điều mà Chúa đã thiết lập cho con người. Nó là một món quà đến từ Chúa. Lý do rất chính đáng, nhưng người này thực ra đã từ chối uy quyền tối thượng của Chúa Jesus Christ. Đó là lý do Chúa phán trong câu 26, “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta.” Vấn đề của người này là anh ta đã để cho những mối quan hệ cá nhân trong gia đình chi phối, ảnh hưởng. Nó trở thành điều ưu tiên lớn nhất trong cuộc sống, vì vậy anh ta không thể là môn đồ của Chúa.
Có thể lời từ chối của người thứ ba và lời thách thức của Chúa sau đó làm chúng ta cảm thấy rất khó khăn. Mối quan tâm của chúng ta với những người thân yêu trong gia đình bao gồm: cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em sẽ được sắp xếp ra sao khi chúng ta muốn trở nên môn đồ Đấng Christ? Vấn đề nằm ở chỗ này: Mối liên hệ với những người thân trong gia đình chỉ đúng đắn và quân bình khi chúng ta đặt tất cả những mối quan hệ này trong mối liên hệ cá nhân giữa chúng ta với Chúa Jesus.
Một ngày nọ, một người phụ nữ bước vào phòng tôi với đôi mắt đẫm lệ. Tôi chờ đợi lắng nghe. Người phụ nữ nói rằng bà vừa nhận được lá thư của cô con gái thân yêu từ Trường Cao đẳng báo tin cô ấy sẽ từ giã gia đình để đi truyền giáo. Đó là một cú sốc, vì người mẹ này đã đầu tư rất nhiều tiền bạc cho cô con gái trong việc học hành, và một cuộc hôn nhân tươi đẹp cũng đã được chuẩn bị. Thế nhưng giờ đây cô con gái vứt tất cả để làm một nữ giáo sĩ không có tương lai!? Rõ ràng một thái độ như thế làm cho cả thế giới dường như sụp đổ trong đôi mắt của người mẹ đáng thương.
Hãy nhớ bài học ở đây là: Nếu bạn không bạn đặt Chúa Jesus lên trên cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, những người thân yêu và chính sự sống của bạn, bạn không bao giờ là môn đồ Đấng Christ. Đây là vấn đề uy quyền của ai lớn nhất trên đời sống bạn? Theo ý nghĩa ban đầu của hôn nhân trong vườn Ê-đen, người nam phải lìa cha mẹ và dính líu với vợ mình trong một mối quan hệ hiệp nhất. Ý nghĩa ở đây là có sự chuyển đổi phạm vi và vị trí của uy quyền sau hôn nhân. Cũng vậy khi bạn quyết định đi theo Chúa Jesus, bạn phải hiểu rõ vấn đề này. Bạn phải thấy rằng trong các mối quan hệ với gia đình, với xã hội và sự nghiệp đang theo đuổi, Đấng Christ phải có uy quyền tối hậu trên những điều đó. Chỉ khi ấy bạn mới thực sự là môn đồ Đấng Christ.
Chúng ta phải khiêm cung thừa nhận rằng, chúng ta chưa đặt uy quyền của Đấng Christ lên trên các mối quan hệ của chúng ta với gia đình, công việc, tài sản, con cái….Chúng ta muốn ý chí, chương trình của chúng ta được thành tựu hơn là ý chỉ và đường lối của Đức Chúa Trời. Chúng ta rất khó để thừa nhận rằng: chúng ta tin Chúa nhưng chưa phải là môn đồ của Ngài. “Hãy đến cùng ta” Chúa Jesus mời gọi bạn. “Mang lấy ách của ta và thuận phục uy quyền của ta” – Đó là điều kiện. Bạn có thực sự là môn đồ của Chúa Jesus Christ?
J. Dwight Pentecost
Trích từ: DESIGN FOR DISCIPLESHIP
Translated by Huong Linh
(Còn nữa)