Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / LỜI CẦU NGUYỆN CỦA MỘT THIẾU NHI DO THÁI

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA MỘT THIẾU NHI DO THÁI

kt

Lời cầu nguyện của đứa trẻ gốc Do Thái.

Từ ngày đến Úc tôi đã tiếp xúc khá nhiều với người gốc Do Thái và quan sát họ từ giới học giả, các chuyên gia trong ngành và cả giới tài phiệt. Khi học trong trường thần học tôi cũng đã tiếp cận những học giả Messianic Jews (người Do Thái tin vào Cứu Chúa Giê-su) Arthur Kat là một điển hình, khi họ đến trường để diễn thuyết.
Cách đây hai năm tôi thành lập ra một điểm nhóm học Thánh Kinh mà thành viên của nhóm đa số là người gốc trung-bắc Châu Phi, và rồi một gia đình gốc Do Thái, đến dự rất thường xuyên.

Năm nay nhóm chúng tôi cùng nhau học toàn bộ Thi Thiên 119 tôi khích lệ mọi thành viên nếu có thể học thuộc lòng Thi Thiên này để rồi thảo luận sâu rộng thêm. Người mẹ trẻ gốc Do Thái quá ấn tượng với cách mà chúng tôi thảo luận trong Thi Thiên, bà cho Jude (không phải là tên thật) cậu con trai rất trẻ cùng học với chúng tôi. Dù họ có bận đến đâu thì cặp vợ chồng Do Thái này cũng không bao giờ quên gửi con đến với nhóm để cháu được học hỏi và được thông công.

Tối hôm vừa rồi chúng tôi thảo luận từ câu 129-144 của Thi Thiên này, và chúng tôi bàn rất nhiều trong câu 130. (Chúng tôi đều dùng bản dịch CEV, Contemporary English Version, Tiếng Anh hiện đại)
“Understanding your word brings light to the minds of ordinary people: Hiểu biết lời của Chúa, sẽ soi sáng vào tâm tư của con người.”
Tôi đọc và gặng hỏi mọi người trong nhóm. “Understanding the word of the Lord brings light… that means our minds is being enlightened by the Word of the Lord isn’t it? How come?”

Khi bị thách thức như vậy thì cả nhóm đều như sáng lên khiến cho cuộc thảo luận sôi nổi hơn bao giờ hết. Từ những nhà thông thái đông phương cho đến kỷ nguyên ánh sáng của Châu Âu trong ba thế kỷ 16-19 đều được nêu lên và tôi không thể viết hết những ý tưởng rất đẹp mà người lớn cùng con trẻ trong nhóm thảo luận với nhau trong đêm đó.

Sau khi học xong tôi hỏi. “Ai sẽ là người cầu nguyện kết thúc cho bài học đêm nay?” Jude cậu trai trẻ nhất giơ tay. “Mục sư cho con được cầu nguyện.” Tôi gật đầu đồng ý và lên tiếng yêu cầu tất cả mọi thành viên trong nhóm đều im lặng để Jude cầu nguyện.

“Dear Lord you are a living God, we invite you to be with us in our garthering. Be with the owner of this house and bless them. Be with our pastor and give him your wisdom so that he can instruct us to know your way in the Psalms. And also, Lord give us your wisdom so that we will ever make right choices and make good decisions… to honour you… Amen!”
“Lạy Chúa là Đấng hằng sống, xin Chúa ở cùng chúng con trong nhóm này. Xin Chúa ban phước cho gia đình này đã cho chúng con đến để thông công. Xin Chúa ban khôn ngoan cho Mục sư để ông hướng dẫn chúng con hiểu rõ Thi Thiên. Xin Ngài sẽ khiến chúng con biết lựa chọn để có những quyết định đúng đắn trong đời  sống… làm sáng danh Ngài. Amen!”

Mọi người ai ai cũng nói Amen rồi ai nấy đều lau tau chuẩn bị cho một bữa tối. Còn tôi thì không quên đứng đó ngắm nhìn Jude thành viên trẻ nhất ấy. Jude tuy rất ít tuổi có mái tóc màu xám tro, đôi tai to và dầy, chiếc mũi cao cân đối nằm giữa đôi mắt màu xanh nhạt, khuôn mặt trẻ thơ ấy toát lên vẻ thông tuệ mà tôi không thể không ngẫm nghĩ. Một đứa trẻ mới có năm sáu tuổi mà đã biết cầu nguyện, để có: “right choices… biết lựa chọn để có những quyết định đúng đắn… để sống và vinh danh Chúa…” Cậu ta chỉ biết cầu nguyện như thế vì chính bố mẹ của cậu ta đã từng cầu nguyện tương tự. Tôi xúc động đứng ngắm mọi thành viên của nhóm và không quên thầm cầu nguyện chúc phước cho họ.

Trong cuộc làm người chắc có lẽ không có gì ảnh hưởng đến ta nhiều hơn là biết lựa chọn đúng đắn và quyết định đúng đắn. Hai điều này vẫn thường là ngưỡng cửa đưa ta đến với những chân trời mới của cuộc đời.

Học giả nổi tiếng của Úc, Graeme Goldswothy trong cuốn The Gospel and Wisdom Literatures đã khẳng định: “Nhân loại tiến hay lùi, sang hay hèn, thành công hay thất bại vẫn nằm trong khả năng biết lưạ chọn để có những quyết định đúng đắn. Decision! Decision! Decision!” Ông nhấn mạnh.
Theo Graeme thì cuộc đời của mỗi con người đều được đánh dấu bởi những quyết định của họ. Khi đến tới một quyết định hệ trọng của đời, người ta phải động não, phải suy nghĩ và đem tất cả những gì thuộc về lý trí, để phân tích kiến thức trên nhiều góc cạnh, nhiều phương diện rồi phải sàng lọc những gì mình biết để đi đến một quyết định cho hướng đi tiếp của mình. Quyết định đúng đắn thường xuất phát từ những con người có tâm hồn khôn ngoan. Những nhà thông thái, những nhận vật để lại dấu ấn trong thế gian là những người phải sử dụng trí não và tâm hồn đúng với vai trò của nó. Cũng theo tiến sỹ Graeme người khôn ngoan nhất là người biết thông qua Cứu Chúa Giê-su để được hoà giải và thiết lập mối quan hệ cùng Cha trên trời.

Có rất nhiều những mối liên quan giữa hiểu biết thần học để đưa con người đến với những quyết định khôn ngoan. Người ta cũng cần phải hỏi là lý do tại sao phần nhiều những người đón giải thưởng Nô-ben thường xuất phát từ những người theo Judeo-Christianity (Thiên Chúa Giáo). Bởi vì muốn có kiến thức sâu rộng người ta thường phải biết quan sát và tự hỏi. Những câu hỏi như: tại sao có vũ trụ ngoài kia? Tại sao ta làm người? Ta làm người để làm gì? Ta có não là trung ương thần kinh để làm gì? Tại sao ta có trí óc và phải sử dụng trí óc? Tại sao ta cần phải có sự khôn ngoan thông sáng khi đem ra những quyết định hệ trọng? Và khi biết hỏi những câu hỏi tối thượng là khi cả cuộc đời của con người đem trí não, tâm hồn, lực học và khả năng suy luận của mình để tìm tòi ra những câu trả lời cho mình và cho đời. Vì con người là sinh linh biết chiêm ngưỡng và biết hỏi. Vì có đầu óc tò mò, biết đòi hỏi và thích chiêm ngưỡng cho nên con người ta mới có thể bước đến với nhiều tiến bộ trên nhiều lĩnh vực. Ý tưởng mang tính mộng mơ hôm nay, sẽ trở thành khoa học một ngày nào đó.

Học thuyết Big Bang không xuất phát từ khoa học mà từ ý tưởng mang tính thi văn của linh mục và cũng là nhà khoa học Georges Lemaitre của nước Bỉ vào những năm 30s của thế kỷ trước, để khi gặp Einstein nó đã thành một khám phá khoa học có tính đột phá của thế kỷ 20.

Al Gore năm xưa khi tranh cử tổng thống Mỹ và được hỏi: “Tại sao ông đi học thần học mà không làm Mục sư?” Ông trả lời. “Tôi học thần học để hỏi những câu hỏi khôn ngoan…” Time 1999. Dù ông không được trúng cử để làm tổng thống Mỹ nhưng do ông biết hỏi những câu hỏi để khám phá và tìm cách trả lời, ông đã nhận được giải Nô-ben cho danh dự của mình.

al

Dag Hammarskjold nhà ngoại giao lẫy lừng của Thụy Điển, sau này làm Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc trong khóa 1953-1962 nhưng sự nghiệp của ông bị cắt ngắn trong tai nạn hàng không năm 1961. Ông cũng là nhân vật nhận giải Nô-ben trong nỗ lực khi làm Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc. Sau khi ông qua đời người bạn thân của ông đã ấn hành những tâm tình của ông ‘Marking’ năm 1963. Trong cuốn Marking ‘Dấu Ấn’ là tâm sự của ông với thách thức của Đức Chúa Trời. Ai đã đọc qua tâm sự này sẽ biết rõ tâm tình của một tín hữu chân thành của Chúa trong công việc và chức vụ của mình. Tất cả, đều xuất phát từ những câu hỏi tối thượng và cả đời ông muốn tập trung để giải quyết.

Tại sao đa số những nhà khoa học, những nhà kinh tế, những văn nhân trong thế gian nhận giải Nô-ben nhiều nhất lại là những người được ảnh hưởng bởi Cơ đốc giáo? Câu trả lời rất đơn giản là vì từ thủa thiếu thời họ đã được hiểu biết Thánh Kinh, thần học và tiếp cận với một môi trường để bị thách thức bởi những câu hỏi hóc búa và phải hướng đời đến với sự khôn ngoan thông sáng. Tác Giả của vũ trụ đã tạo nên con người theo hình thể của Ngài, và cho dù đã sa ngã mà đánh mất đi vinh hiển của mình trong Ngài, nhưng trong mỗi chúng ta vẫn nao nao mong muốn tìm ra câu trả lời cho khát vọng của con tim. Người ta chỉ có thể vươn ra biển lớn khi họ đã vững tâm vào khả năng phân biệt giữa vĩ đại và nhỏ nhen, giữa tính phổ cập và cái lợi ích nhỏ địa phương.

Người ta chỉ có thể vươn ra biển lớn khi họ đã vững tâm vào khả năng phân biệt giữa vĩ đại và nhỏ nhen, giữa tính phổ cập và cái lợi ích nhỏ địa phương.

Những đứa trẻ trong nhóm học Thánh Kinh này cứ tiếp tục biết vui với Chúa, cứ trung tín và cởi mở để tiếp tục học hỏi thì tôi tin rằng hai mươi, hoặc ba mươi năm sau những đứa trẻ này sẽ là những nhà khoa học đầu ngành, sẽ là những nhà giáo dục chân chất, hay sẽ là những luật gia, nhà văn, nhà thơ có tên tuổi và sẽ vươn cao, vươn xa nhiều hơn nữa. Bởi vì khi trong tâm hồn của những đứa trẻ biết rõ cuộc sống phụ thuộc vào sự khôn ngoan thông sáng để đi đến những quyết định có tính cách sáng tạo, sẽ đem ra những bước ngoặt trong đời của các em và sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh. Nhìn thấy đám trẻ và cánh cửa đem họ đến với tương lai tôi bỗng nhiên chạnh lòng.

Ở quê hương mình vẫn ít người nhận biết cái thầm kín bên trong tâm hồn khôn ngoan. Trong câu chuyện của người thân vẫn chỉ chú tâm vào mấy cái rất tầm thường. Cái ‘bằng người của họ’ giỏi lắm thì vẫn là bàn đến những món ăn ngon, thức uống lạ, hoặc là cao hơn một chút là làm sao để có căn nhà, hay có chút kiến thức được phô bày qua bằng cấp… Khi phải đi đến những quyết định hệ trọng thì họ lại dựa vào, một là đám thầy mo, thầy bói hay tìm hỏi ý kiến đối với những con người chả biết khôn ngoan hay thông sáng là gì.

Nhiều người trên quê hương còn mê muội đến đoạn trước khi đến với quyết định hệ trọng, họ hoặc là thắp hương cầu khẩn các vị thần, hoặc là đi xem bói, tệ hơn là xem đến cái chân gà để hướng đời với tương lai. Họ không bao giờ hỏi, cái chân gà kia chỉ dùng để bới giun, bới sâu bọ dưới đất, vùi dập dưới những đống phân hôi hám trong góc vườn thì làm sao có thể đưa ra cái khôn ngoan, thông tuệ đem con người hướng đến với biển lớn ngoài kia? Đám thầy bói, bọn con-phe tâm linh, đám đồng cốt, tất cả những gì họ muốn nói chỉ một mục đích làm cho người ta sợ sệt trong thế giới tâm linh, để họ trục lợi và kiếm tiền.

Niềm tin mà dựa vào sợ hãi sẽ làm đui chột tính sáng tạo. Không dám hỏi những câu hỏi hóc búa và không động não để tìm ra câu trả lời thì không thể nào hướng dẫn đời ta đến với những chân trời mới. Khi không có giá trị phổ cập, không bị động não để áp dụng giá trị bất biến của vũ trụ để rồi phát huy ý chí và cầu nguyện để có sự khôn ngoan giúp ta vượt qua cái thói phàm của thế nhân, thì không dám vươn ra xa? Vì tâm linh bị đóng khung trong vòng luẩn quẩn của đám thầy bói, đồng cốt, chân gà, hàng mã… và họ không biết: giặc dốt, giặc ngu muội đều bắt nguồn từ đây. Đó là lý do khiến cho chúng ta cứ lủi thủi trong cái nhìn vào góc nhỏ rất eo hẹp của mình.

Còn ở đây, những gia đình khôn ngoan hơn trong đó có vợ chồng người Do Thái này thì nhận biết đến sự cần cấp bách cho tương lai của một hậu duệ và hướng cho đám trẻ biết vinh danh Đức Chúa Trời. Họ còn khôn hơn, là luôn luôn để mắt nhìn xem ai trong xã hội có thể tin cậy để làm thầy, để khích lệ và ảnh hưởng cho tương lai của hậu duệ họ.

jew-1

Lời cầu nguyện của đứa trẻ gốc Do Thái đã thôi thúc tôi học thêm để làm tròn trách nhiệm của người hướng dẫn họ trong Hội Thánh. Cậu trẻ người Do Thái này đã làm tôi xúc động và suy nghĩ nhiều hơn trong suốt mấy đêm nay.

 

Mục sư Uông Nguyễn

Bài viết liên quan: https://huongdionline.com/2016/02/22/vi-sao-nguoi-do-thai-thong-minh-nhat-the-gioi/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn