Thứ Ba , 5 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / BẠN LÀ MÔN ĐỒ CỦA AI?

BẠN LÀ MÔN ĐỒ CỦA AI?

Bài trước: https://huongdionline.com/2016/09/26/quan-diem-cua-phao-lo/

dau

DẤU HIỆU CỦA MÔN ĐỒ
Khi Đức Chúa Trời hiện ra và kêu gọi Áp-ra-ham tại U-rơ, xứ Canh-đê, Ngài cũng kêu gọi ông giao phó chính mình cho Ngài. Áp-ra-ham đã từ bỏ những mối liên hệ của đời sống vào lúc đó để bước theo Chúa. Từ đây ông là con người của đức tin hành động trên hành trình theo Chúa về miền đất hứa. Sau khi Áp-ra-ham từ giã U-rơ, Đức Chúa Trời ban cho ông dấu hiệu của sự phân rẽ. Ngài hiện ra với Áp-ra-ham và phán: “Phần ngươi cùng dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, sẽ giữ sự giao ước của ta. Mỗi người nam trong vòng các ngươi phải chịu phép cắt bì; ấy là giao ước mà các ngươi phải giữ, tức giao ước lập giữa ta và các ngươi, cùng dòng dõi sau ngươi. Các ngươi phải chịu cắt bì; phép đó sẽ là dấu hiệu của sự giao ước giữa ta cùng các ngươi. Trải qua các đời, mỗi người nam trong vòng các ngươi, hoặc sanh đẻ tại nhà, hoặc đem tiền ra mua nơi người ngoại bang, chẳng thuộc về dòng giống ngươi, hễ lên được tám ngày rồi, đều phải chịu phép cắt bì. Chớ khá bỏ làm phép cắt bì cho ai sanh tại trong nhà ngươi, hay đem tiền ra mua về; sự giao ước của ta sẽ lập đời đời trong xác thịt của các ngươi vậy. Một người nam nào không chịu phép cắt bì nơi xác thịt mình, sẽ bị truất ra khỏi ngoài dân sự mình; người đó là kẻ bội lời giao ước ta.” (Sáng 17:9-14)

Áp-ra-ham đã phân rẽ với đời sống cũ trước đây. Phép cắt bì là dấu hiệu đặc trưng để minh chứng cho mối quan hệ đặc biệt của ông với Đức Chúa Trời. Nó là dấu hiệu của giao ước mà Chúa đã ban cho ông. Từ đây ông sẽ chuẩn bị nhận lãnh vùng đất hứa và trở thành nguồn phước cho nhiều dân tộc. Đức Chúa Trời nhắc cho Áp-ra-ham biết rằng phép cắt bì được duy trì trên dòng dõi ông sau đó. Trong tuyển dân nếu có một bé trai nào không chịu phép cắt bì, thì nó sẽ bị truất khỏi dân sự. Một người nam mà không nhận phép cắt bì được xem như tách ra khỏi cộng đồng tuyển dân. Đây là một luật lệ không thay đổi mà Chúa đã thiết lập cho tuyển dân.
Khi chúng ta nhìn vào lịch sử Israel, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã giải cứu các con trai của Áp-ra-ham tại Ai-cập trong sách Xuất Ê-díp-tô-ký qua một sự giải cứu bằng huyết của chiên con. Tuyển dân đi vào trong đồng vắng và trở thành một dân tộc được biệt riêng ra để thờ phượng Chúa. Khi Áp-ra-ham từ biệt U-rơ, Đức Chúa Trời ban cho ông một dấu hiệu là phép cắt bì mà dòng dõi ông phải có trong thân thể. Nhiều năm sau đó người Israel phân rẽ ra khỏi Ai-cập, Chúa ban cho họ một dấu hiệu trên núi Si-nai. Đây là một dấu hiệu đặc biệt và duy nhất chỉ dành cho tuyển dân. Chúng ta đọc trong Xuất 20:8-10, “Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, đều chớ làm công việc chi hết.” Đến chương 31 của sách Xuất Ê-díp-tô ký chúng ta tìm thấy ý nghĩa của ngày Sa-bát trong câu 12-13, “Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng: phần ngươi hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Nhứt là các ngươi hãy giữ ngày Sa-bát ta, vì là một dấu giữa ta và các ngươi, trải qua mọi đời, để thiên hạ biết rằng ta là Đức Giê-hô-va, làm cho các ngươi nên thánh.” Đức Chúa Trời đã phân rẽ Áp-ra-ham ra khỏi U-rơ và Israel ra khỏi Ai-cập để biệt riêng cho chính Ngài.

Phép cắt bì và giữ ngày Sa-bát là dấu hiệu của sự thánh hóa và phân rẽ mà Đức Chúa Trời đã ban cho dân tộc Israel. Nó rất đặc trưng và riêng biệt cho tuyển dân. Chúng ta đọc thấy trong Sáng thế ký 17 về phép cắt bì. Và trong Xuất 31:14, “Vậy, hãy giữ ngày Sa-bát, vì là một ngày thánh cho các ngươi. Kẻ nào phạm đến ngày đó, phải bị xử tử; kẻ nào làm một việc chi trong ngày đó, cũng sẽ bị truất khỏi vòng dân sự.” và trong câu 16- 17, “Ấy vậy, dân Y-sơ-ra-ên sẽ giữ ngày Sa-bát trải các đời của họ, như một giao ước đời đời. Ấy là một dấu đời đời cho ta cùng dân Y-sơ-ra-ên,” Như vậy phép cắt bì và giữ ngày Sa-bát là dấu hiệu bắt buộc cho từng cá nhân trong tuyển dân. Nếu không tuân giữ, người nam đó sẽ bị truất ra khỏi vòng dân sự.
Tuyển dân từ thời của Áp-ra-ham và từ thời điểm luật pháp được ban trên núi Si-nai phải giữ hai dấu hiệu đặc trưng này. Mỗi người nam Israel phải làm phép cắt bì, và cả dòng dõi tuyển dân phải giữ ngày Sa-bát để họ được biệt riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va. Bây giờ khi Đấng Mê-si là Chúa Jesus đến, hai dấu hiệu này vốn đã được nhận thức rõ ràng và đang tuân giữ từ phía tuyển dân.
Giăng Báp-tít, người mở đường của Chúa Jesus đưa ra một dấu hiệu xác định khác cho tuyển dân. Trong chương đầu của Phúc Âm Giăng, câu 26-28, chúng ta đọc, “Giăng trả lời: Về phần ta, ta làm phép báp-têm bằng nước; nhưng có một Đấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không nhận biết. Ấy là Đấng đến sau ta, ta chẳng đáng mở dây giày Ngài. Những việc đó đã xảy ra tại thành Bê-tha-ni, bên kia sông Giô-đanh, là nơi Giăng làm phép báp-têm.”

images

Chức vụ của Giăng Báp-tít rất mới lạ và duy nhất. Ông tập họp những người Israel – là những người tuân giữ phép cắt bì và ngày Sa-bát của Cựu Ước. Họ là những người tin rằng Đức Chúa Trời sẽ sai Đấng Mê-si đến để cứu chuộc và trị vì. Khi nghe Giăng Báp-tít rao giảng về Đấng Mê-si, họ tin rằng ông là tiên tri từ Đức Chúa Trời đến. Và rồi Giăng đã đưa ra cho họ một dấu hiệu mới – đó là phép báp-tem bằng nước. Họ chấp nhận sứ điệp và phép báp-tem của Giăng. Họ đã giữ hai dấu hiệu trước đó là phép cắt bì và ngày Sa-bát để làm dân biệt riêng cho Đức Chúa Trời. Bây giờ họ tiếp nhận dấu hiệu thứ ba của Giăng (phép báp-tem). Qua dấu hiệu này họ tin vào sứ điệp của Giăng rao giảng là Đấng Mê-si sẽ được Đức Chúa Trời sai đến để làm Đấng Cứu Chuộc và cai trị Israel.
Lịch sử tuyển dân được đánh dấu qua ba sự kiện đầy ý nghĩa: 1/ Sự kêu gọi Áp-ra-ham. 2/ Sự giải phóng ra khỏi Ai-cập. 3/ Đấng Christ đến.

da-2
Khi đọc lại Phúc Âm Giăng 13, chúng ta thấy Chúa Jesus đã phán dạy cho các môn đồ – là những người đã giữ ngày Sa-bát và tiếp nhận phép báp-tem của Giăng Báp-tít. Xa hơn nữa họ tiếp nhận sứ điệp của Giăng giới thiệu một Đấng Mê-si sẽ đến. Trong Giăng 13: 34-35 Chúa Jesus phán, “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới”. Điều răn mới Chúa dạy tương phản với điều răn cũ trước đây. Điều răn cũ là: chịu phép cắt bì, giữ ngày sa-bát, tiếp nhận phép báp-tem của Giăng như là một dấu hiệu xác định mối quan hệ với mục đích của Đức Chúa Trời được hoàn thành trong Đấng Cứu Chuộc. Điều răn mới là: “các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó (nhờ dấu hiệu đó) mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.” Như vậy tình yêu là dấu hiệu để nhận biết môn đồ thật của Chúa. Nếu một người không chịu cắt bì và giữ ngày sa-bát, thì người đó không được nhìn nhận là hậu tự của Áp-ra-ham. Một người từ chối phép báp-tem của Giăng thì không được gọi là môn đồ của Giăng. Theo lô-gíc này, một người không có tình yêu với anh em mình không thể gọi là môn đồ của Chúa Jesus Christ.
Tình yêu mà Đấng Christ đòi hỏi nơi những người theo Ngài là một dấu hiệu để nhận biết mối quan hệ của người đó với Đức Chúa Trời. Đây là dấu hiệu chứng tỏ rằng Đức Thánh Linh làm việc bên trong tín hữu. Một người có thể miễn cưỡng chấp nhận phép cắt bì hay giữ ngày Sa-bát, nhưng chỉ có Đức Thánh Linh mới sản xuất ra tình yêu thương thật sự đúng nghĩa theo lời Chúa dạy. Đó là lý do để nói rằng tình yêu thương là bằng chứng cho một môn đồ thật. Chúng ta đọc lại lần nữa: “…tại điều đó (nhờ dấu hiệu đó) mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.” Câu này rất rõ ràng. Bằng chứng nào để nhận ra một người là con cháu của Áp-ra-ham? – Phép cắt bì. Bằng chứng nào để nhận ra một người là môn đồ của Môi-se? – Giữ ngày Sa-bát. Bằng chứng nào chứng tỏ một người là môn đồ của Giăng? – Qua báp-tem bằng nước. Và Chúa Jesus có ý phán: “Nếu các ngươi muốn chứng tỏ là môn đồ của Ta, các ngươi phải có bằng chứng là yêu mến nhau.”

 

J. Dwight Pentecost

Translated by Huong Linh
(Còn nữa)    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn