Cuộc Phục Hưng Tại Tô Cách Lan (1949-1953)
Khi các núi đều rúng động – Duncan Campell
Lời Nói Đầu
Duncan Campell (1898-1972) được sinh ra tại vùng Cao Nguyên của xứ Tô Cách Lan. Ông đã đến với Chúa và tin nhận Chúa khi còn là một thiếu niên, phục vụ tại nhà thờ “Độc Lập Thống Nhất” (United Free Church) thuộc giáo hội Trưởng
lão, và là một nhà truyền giáo lưu động. Ngoài sự liên quan của ông trong Cuộc Thức Tỉnh Thuộc Linh Lewis (Lewis Awakening), ông còn được mời giảng dạy tại khắp lục địa Anh Quốc.
Tất cả các câu Kinh Thánh trong bài này dựa theo King James: Bài này được soạn thảo theo một bài giảng của ông Duncan cách nay khoảng ba mươi năm cho các sinh viên của trường Kinh Thánh Faith Mission ở Edinburgh, xứ Tô Cách Lan.
Bài này ghi lại một số kinh nghiệm của ông Duncan và những nhận định liên quan đến cuộc phục hưng từ năm 1949-1953 trên các hòn đảo Herbrides về phía tây Bắc chạy ven theo bờ biển của xứ Tô Cách Lan.
*****
“Ôi! ước gì Ngài xé rách các từng trời, Ngài ngự xuống và làm rúng động các núi trước mặt Ngài, như lửa đốt củi khô, như lửa làm sôi nước, hầu cho kẻ thù nghịch biết danh Ngài, các dân tộc run rẩy trước mặt Ngài. Khi Ngài đã làm những sự đáng sợ mà chúng tôi không trông mong, thì Ngài ngự xuống, và các núi đều rúng động trước mặt Ngài.” Ê-sai 64:1-3
Tôi chưa bao giờ đọc câu thứ ba của Ê-sai 64 mà tâm trí tôi không bị tâm tưởng đến những việc đã xảy ra tại vùng xứ đạo ở Barvas trên hòn đảo Lewis, vào khoảng 760 dặm về phía Bắc của Luân Đôn. Thành thật mà nói, cho tôi nói rõ vấn đề, tôi không có đem sự phục hưng đến Herbrides. Tôi chỉ được hân hạnh có mặt tại đó, và chỉ đóng góp một phần nhỏ vào cuộc Phục Hưng ở đó trong vòng ba năm, nhưng chính Chúa đã cảm động xứ đạo Barvas ngay trước khi tôi đặt chân đến đó. Phục Hưng vẫn còn là một dấu hiệu bị nói sai trật, và bạn không thể tin mọi chuyện bạn nghe về cuộc bừng dậy thuộc linh ở quần đảo Lewis. Trải qua nhiều năm, nhiều điều được nói ra không có một chút căn nguyên hay nền tảng gì hết, tuy nhiên, sự thật rõ ràng là điều hào hứng nhất.
Định Nghĩa Phục Hưng
Trước hết cho tôi nói với bạn cái mà tôi muốn nói là sự phục hưng. Một chiến dịch truyền giáo hay một cuộc hội họp đặc biệt không phải là sự phục hưng. Trong một chiến dịch truyền giảng hay truyền giáo thành công, có thể có hàng trăm hay có khi hàng ngàn người tin Chúa Jesus Christ, nhưng tại địa phương đó hầu như không có gì thay đổi hay không có bị đụng chạm gì hết, và các nhà thờ tiếp tục sinh hoạt thường lệ như lúc trước khi truyền giảng. Trong cuộc Phục Hưng, Đức Chúa Trời chuyển động cả một địa phuơng, khắp phố phường ai ai cũng quan tâm về Chúa hay vấn đề thuộc linh.
Thánh Linh của Chúa thu hút cả nam lẫn nữ đến nỗi họ bỏ cả công việc làm ăn thường ngày để dành hết thời giờ tìm kiếm Chúa. Giữa cơn bừng dậy thuộc linh tại Lewis (Lewis Awakening), một mục sư tại Barvas viết, “Thánh Linh của Chúa ngự trị một cách kỳ diệu trên các quận huyện khác nhau của cả vùng. Ngài cũng hiện diện trong những gia đình của dân chúng, trên bãi cỏ, những vùng đất hoang, và ngay cả trên những đường sá công cộng.
Sự hiện diện của Chúa là đặc điểm tối thượng của một cơn phục hưng mà Chúa đem đến. Trong số hàng trăm người tìm gặp Đấng Christ trong thời gian này, bảy mươi lăm phần trăm đã được cứu trước khi họ đến tham dự buổi nhóm hay nghe một sứ điệp do tôi hay một mục sư nào khác truyền giảng tại vùng này. Quyền năng của Chúa, Thánh Linh của Chúa, vận hành trong cơn phục hưng, và sự kính sợ Chúa chiếm lấy tấm lòng mọi người – đây là cơn phục hưng do Chúa đem đến khác với những nỗ lực đặc biệt trong lãnh vực truyền giảng.
Nền Tảng Của Việc Cầu Thay và Khải Tượng
Biến động kỳ diệu này bắt đầu như thế nào? Năm 1949, một nhà thờ đia phương loan ra một tuyên cáo để đọc vào một ngày Chúa Nhật trong khắp các nhà thờ Độc Lập trên hòn đảo Lewis. Tuyên cáo này kêu gọi người dân cứu xét trạng thái quá yếu đuối về tôn giáo trong cuộc sống xảy ra ở khắp nơi, cùng ảnh hưởng của sự gia tăng tính hưởng thụ đang xảy ra giữa vòng thế hệ trẻ. Họ kêu gọi các hội thánh phải xem việc này rất nghiêm trọng, và khẩn thiết nài xin để sự việc này kết thúc nếu không có sự ăn năn.
Chúng tôi kêu gọi mỗi một người, nam cũng như nữ, trước mặt Chúa, cứu xét đời sống của mình theo trách nhiệm mà chính mỗi cá nhân phải chịu về hành động của mình, và mong rằng qua lòng đại từ của Chúa, chúng tôi có thể được Chúa thăm viếng với tinh thần hối cải và quay trở về cùng Chúa, Đấng mà chúng tôi làm buồn rầu. Tôi chưa có nói rằng việc đọc bản tuyên cáo này có ảnh hưởng gì đến các vị mục sư hay hội chúng trên hòn đào nói chung, nhưng tôi biết chắc rằng một số nam nữ của địa phận Barvas rất quan tâm đến vấn đề này, nhất là hai phụ nữ lớn tuổi. Tôi hơi thẹn mà nghĩ rằng – hai người chị em này, một người tám mươi hai tuổi tên là Christine bị chứng bệnh phong thấp, và người kia tám mươi bốn tên là Peggy bị mù. Họ quan tâm tới tình trạng thuộc linh của hải đảo này để Chúa làm điều gì đó, và họ dâng hết tâm lòng nài xin Chúa làm công việc của Ngài trong mái nhà tranh của họ.
Một đêm Chúa cho một trong hai phụ nữ đó một khải tượng. Chúng ta phải hiểu rằng trong cơn phục hưng những điều kỳ lạ xảy ra. Đây là điều siêu nhiên, bạn không thể xét đoán theo nhãn quan của con người, bạn đang cảm nhận trong những chỗ thiên thượng. Trong khải tượng, bà Christine thấy các nhà thờ đều đầy nghẹt những người trẻ và bà ta nói với chị mình rằng, “Em tin rằng cơn phục hưng đang đến vùng đất của mình.” Vào khoảng thời gian đó, không có đến một thanh niên nào tham dự buổi thờ phượng chung, một điều mà không thể chối cãi được. Khi gặp được mục sư James Murray MacKay, bà này kể cho ông nghe những gì bà đã thấy trong khải tượng, và vị mục sư nhớ trong lòng câu chuyên của bà như là tiếng phán của Chúa.
Quay về phía bà ta ông hỏi, “Theo bà, chúng ta phải làm gì? phải làm như thế nào?” Bà ta trả lời, “Phải siêng năng cầu nguyện, phải sốt sắng tìm kiếm Chúa. Phải tụ họp các trưởng lão và các chấp sự lại với nhau và dành ít nhất hai đêm mỗi tuần để tìm kiếm Chúa qua sự cầu nguyện. Nếu mục sư làm như vậy trong khu vực của mục sư, hai chị em chúng tôi sẽ cũng làm như vậy trong khu vực của chúng tôi từ mười giờ tối tới hai hay ba giờ sáng.”
Vì thế, vị mục sư kêu gọi tụ họp các vị lãnh đạo trong hội thánh, và trong suốt vài tháng họ tìm kiếm ý chỉ của Chúa trong một kho thóc giữa những bụi rơm. Trong suốt thời gian đó, họ nài xin dư theo lời hứa của Chúa trong Ê-sai 44:4, “vì ta sẽ rót nước trên kẻ khát, cho suối chảy nơi đất khô. Ta sẽ đổ Thần ta trên dòng dõi ngươi, và phước lành ta trên những kẻ ra từ ngươi.” Việc này liên tục xảy ra trong ít nhất ba tháng, nhưng không có điều gì xảy ra.
Nhưng có một đêm, một người chấp sự trẻ tuổi đứng lên đọc trong Thi Thiên 24:3-5, “Ai sẽ được lên núi Ðức Giê-hô-va? Ai sẽ được đứng nổi trong nơi thánh của Ngài? Ấy là người có tay trong sạch và lòng thanh khiết, Chẳng hướng linh hồn mình về sự hư không, Cũng chẳng thề nguyện giả dối. Người ấy sẽ được phước từ nơi Ðức Giê-hô-va, Và sự công bình từ nơi Ðức Chúa Trời về sự cứu rỗi người.”
Đóng cuốn Kinh thánh lại, anh ta bày tỏ với vị mục sư và các vị lãnh đạo trong hội thánh bằng những lời nói như có vẻ cộc lốc trong Anh ngữ, nhưng không có thô thiển trong ngôn ngữ Gaelic chút nào (tiếng địa phương ở quần đảo Lewis), “Theo tôi dường như có quá nhiều sự phỉnh lừa. Tìm kiếm Chúa như cách chúng ta đang tìm kiếm Chúa, cầu nguyện Chúa như chúng ta đang cầu nguyện, khi chính chúng ta không liên hệ đúng đắn với Chúa.” Rồi, anh ta dơ tay lên trời và cầu nguyện, “Lạy Chúa, bàn tay con có sạch không? tấm lòng con có trong trắng không?” Rồi, anh ta ngã xuống trên hai đầu gối và lăn vào tình trạng hôn mê.
Xin đừng hỏi tôi giải thích biểu thị vật lý của biến động này vì tôi không giải thích được, nhưng tôi biết chắc có điều gì xảy ra trong vựa thóc vào khoảnh khắc đó cho người chấp sự trẻ tuổi này. Có một quyền lực được tung ra làm rung chuyển cả thiên đàng, và một ý thức về Chúa đã kết chặt những người đang tụ họp với nhau.
(Còn nữa)