Thứ Năm , 19 Tháng Chín 2024
Home / Trang Chủ / HỘI THÁNH ĐƯỢC THÀNH LẬP

HỘI THÁNH ĐƯỢC THÀNH LẬP

Ngôi Mộ Trống

Hội Thánh được thành lập. Trong một nghiên cứu thú vị nhưng không kém phần sắc bén, Hiện Tượng Của Giao Ước Mới (The Phenomenon of the New Testament), Giáo sư C. F. D. Moule đã chỉ ra một điều rất đáng chú ý về Cơ Đốc Giáo. Cơ Đốc Giáo hoàn toàn không thêm gì vào Do Thái Giáo, không thêm bất cứ điều gì – ngoại trừ sự xác quyết rằng Chúa Giê-xu đã sống lại từ cõi chết! Dĩ nhiên tất cả những Cơ Đốc Nhân ban đầu đều là những người Do Thái trung thành. Họ đều đến nhà hội để thờ phượng. Họ đọc và tin vào Kinh Thánh Do Thái. Luân thường đạo lý của họ dựa trên Kinh Thánh Cựu Ước. Duy một điều khiến tôn giáo mới này nổ ra. Đó là sự xác quyết chính Đức Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Rỗi từ Đức Chúa Trời mà người Do Thái hằng chờ đợi, được dự ngôn trong Kinh Thánh Cựu Ước, được thể hiện bằng hình bóng qua tất cả những nghi thức tế lễ của người Do Thái. Ngài chính là Đấng sẽ đến; sự phục sinh của Ngài từ cõi chết đã minh chứng cho điều đó (Rô-ma 1:4). Không ai khác làm được như vậy. Đức Chúa Giê-xu là duy nhất. Chắc chắn ít nhất họ đã gọi Ngài là “CHÚA” danh xưng thường chỉ dành cho Đức Chúa Trời toàn năng trong Kinh Thánh Cựu Ước.

the_martyrs_in_the_catacombs
Với một tuyên bố đầy kỳ lạ, Hội Thánh ấy đã lan rộng qua toàn bộ Đế Quốc La Mã trong ba trăm năm. Đó là một câu chuyện hoàn toàn lý thú về cách mạng hòa bình mà không đâu trong lịch sử nhân loại có trường hợp tương tự. Nó xảy ra bởi vì Cơ Đốc Nhân có thể nói với những người không tin rằng: “Đức Chúa Giê-xu không chỉ chết vì bạn, nhưng Ngài hiện sống. Bạn có thể gặp Ngài và tự mình khám phá lẽ thật mà chúng tôi đang nói đến.” Đã có những người thật sự khám phá cho chính họ. Và Hội Thánh, được sinh ra từ phần mộ của Ngày Phục Sinh, bắt đầu lan tỏa.
Hội Thánh đó có ba đặc điểm. Bạn sẽ bắt gặp những đặc điểm này ở bất cứ nơi đâu. Những Cơ Đốc Nhân này có một ngày đặc biệt: Chúa Nhật; một nghi lễ kết nạp đặc biệt: phép Báp-têm; và một bữa ăn đặc biệt: Tiệc Thánh. Điều thú vị về những điều đó là đây: mỗi một điều trên đều bắt nguồn từ sự phục sinh của Đức Chúa Giê-xu. Chúa Nhật, được gọi là “Ngày của Chúa” trong Khải Huyền 1:10, có một cái tên đáng chú ý bởi vì đây là ngày đầu tiên của tuần lễ, ngày mà Đức Chúa Giê-xu sống lại từ phần mộ. Từ thời thượng cổ, những người Do Thái đã giữ ngày thứ bảy trong tuần lễ là ngày thánh. Nó gợi nhớ về công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời được hoàn thành. Thật vậy, sự tuân giữ này được quy định trong Mười Điều Răn, và vẫn là một trong số những đặc điểm nổi bậc nhất của quốc gia Do Thái. Tuy nhiên, đối với những người Do Thái biết rằng Đức Chúa Giê-xu đã sống lại, họ có đủ lý do để cho rằng tạo vật mới của Đức Chúa Trời trong sự phục sinh của Đấng Christ thậm chí đáng ghi nhớ hơn và quan trọng hơn công cuộc sáng tạo thế giới của Ngài lần đầu tiên. Đó là một điều rất ý nghĩa để thay đổi ngày nghỉ sau hằng ngàn năm. Thật sự phục sinh của Chúa ít nhất đã khơi nguồn nên điều này.

images-2
Tiếp đến là Phép Báp-têm của Cơ Đốc Giáo. Bạn đi xuống một dòng sông, ăn năn tội lỗi của mình và xưng nhận đức tin trong Đức Chúa Giê-xu là Chúa và Đấng Cứu Rỗi. Bạn được nhấn chìm trong nước. Rồi bạn leo lên phía bên kia bờ. Điều đó có nghĩa là gì? Đơn giản là như thế này: bạn là một môn đồ, đã được kết nối với Chúa là Đấng đã đi xuống chỗ tối tăm của dòng sông sự chết và đi lên về phía bên kia. Đây là nghi thức kết nạp mà chúng ta không thể tìm thấy ý nghĩa nếu không có sự phục sinh của Đức Chúa Giê-xu.
Điều tương tự đối với Tiệc Thánh, như tên gọi mà họ đặt cho nghi lễ này. Bữa ăn đơn giản giữa bánh và rượu nho được chia sẻ bởi nhưng Cơ Đốc Nhân để tưởng nhớ về thân thể của Đức Chúa Giê-xu (như chiếc bánh) đã bị tan vỡ vì họ, và huyết của Ngài tuôn ra (như rượu nho) vì họ. Một hình ảnh khá dễ hiểu. Tuy nhiên khi những trước giả Tân Ước nói về bữa ăn này như một cơ hội vui mừng hoan hỉ, chúng ta có thể thấy rằng nó được mô tả hơn cả một bữa ăn để tưởng nhớ một vị anh hùng đã ra đi. Họ tin rằng Chúa là Đấng đã chết và sống lại và là Đấng đang hiện diện giữa vòng họ. Sự chết đã bị chinh phục, và Đấng Chiến Thắng ở cùng họ trong năng quyền phục sinh của Ngài.
Phép Báp-têm, Tiệc Thánh, ngày Chúa Nhật, tất cả đều chỉ về sự phục sinh của Đức Chúa Giê-xu từ phần mộ. Chúng đóng vai trò như một bàn đạp – bàn đạp duy nhất – cho toàn bộ quả tên lửa mang tên Cơ Đốc Giáo được phóng lên trong thế giới cổ xưa.
Chúa hiện ra. Điều hoàn toàn đáng tin cậy. Đối với rất nhiều người. Thánh Phao-lô viết ra danh sách một vài người trong số họ trong I Cô-rinh-tô 15, một bức thư mà ông đã viết trong khoảng hai mươi năm sau khi Chúa sống lại, thời gian mà rất nhiều nhân chứng vẫn còn sống. Điều kỳ lạ đó là ông không đề cập đến việc Đức Chúa Giê-xu hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len, mặc dù tất cả các sách Phúc Âm đều nói rõ rằng bà là người đầu tiên chứng kiến sự phục sinh của Đức Chúa Giê-su. Có lẽ lý do là vì phụ nữ không được xem là một nhân chứng thích hợp cả đối với luật pháp người Do Thái lẫn dân ngoại. Nhân đây, nếu Cơ Đốc Nhân bịa ra câu chuyện ngôi mộ trống, liệu họ có ngu muội đến mức quy sự phát hiện ngôi mộ trống và nhìn thấy Đức Chúa Giê-xu lần đầu tiên cho một người nữ, là người mà lời chứng không có giá trị pháp lý? Riêng sự việc này đã nói lên rất nhiều điều cho tính chân thật của câu chuyện phục sinh. Mặc dù có rất nhiều người nam sau này đã nhìn thấy Chúa, nhưng người đầu tiên Ngài hiện ra lại là một người phụ nữ bị xem thường. Theo một cách nào đó, đây là một nét đặc trưng của Ngài.
Hãy xem qua danh sách mà Phao-lô liệt kê cho chúng ta trong I Cô-rinh-tô 15. Phao-lô nói với các tín hữu thành Cô-rinh-tô: “trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh” – nhân đây việc sử dụng từ “dạy dỗ” và “nhận lãnh” theo nghĩa đen có nghĩa là truyền lại đúng những sự việc được được ủy quyền. Ông đã dạy lại điều gì? “Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh thánh; và Ngài đã hiện ra…” Cho ai? Đầu tiên trong danh sách ông đề cập đến Phi-e-rơ, người đã chối Chúa. Rồi đến mười hai sứ đồ, có thể đoán được ngoại trừ Giu-đa (đã chết) và Thô-ma (vắng mặt). Sau đó trong một lần Ngài hiện ra cho hơn năm trăm Cơ Đốc Nhân, có lẽ tại xứ Ga-li-lê là nơi đa số những người theo Ngài sinh sống. “Phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống,” Phao-lô nói thêm, như thể muốn nói rằng: bạn có thể đi và hỏi về sự phục sinh với những người ấy nếu bạn muốn. Đức Chúa Giê-xu hiện ra với Gia-cơ là em Ngài. Chúa hiện ra cho tất cả những sứ đồ, có lẽ lần này có cả Thô-ma. Ngài cũng hiện ra cho Phao-lô. Vậy cả thảy bao gồm: những người nữ, những người đánh cá, một người anh em đa nghi, một kẻ thù người Pha-ri-si cuồng tín, và năm trăm người bình thường khác.

(Còn nữa)

MICHAEL GREEN

Translated by Vinh Hien.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn