Bài trước:
https://huongdionline.com/2016/09/28/chet-la-het/
Một câu hỏi có thể trả lời.
Ta chỉ có thể biết được liệu có tồn tại thế giới bên kia hay không chỉ khi có một ai đó trở về đem theo nguồn thông tin đáng tin cậy. Và trên lý thuyết, điều đó là không thể. Người chết không thể sống lại. Khi bạn chết là “hết phim”. Nhưng điều này dẫn chúng ta đến tâm điểm của tuyên bố Cơ Đốc. Tách biệt khỏi mọi tôn giáo khác trên thế giới, Cơ Đốc Giáo mạnh dạng tuyên bố rằng chúng ta có thể biết được về thế giới bên kia, chúng ta có thể biết cách đến đó, chúng ta có thể biết được điều gì đang chờ đợi chúng ta, tất cả bởi một lý do đơn giản và đầy thuyết phục – chính Đức Chúa Giê-xu Christ, Đấng chịu đóng đinh trên thập tự giá, đã sống lại từ phần mộ.
Thoạt tiên, đây là một tuyên bố hết sức phi lý. Không thể nào là sự thật được. Hoặc có thể không? Dĩ nhiên, chỉ có một cách duy nhất để biết được liệu có sự sống sau cái chết hay không. Đó chính là có một ai đó đã chết và sống lại để kể cho chúng ta biết. Tôi nghĩ rằng nó giống như việc du hành vũ trụ vậy. Mặt trăng đã thu hút con người từ thời thượng cổ. Có hay không có sự sống trên mặt trăng đầy huyền bí kia? Có những gì ở phần mặt trăng mà chúng ta không thể nhìn thấy được? Không ai có thể nói được, dù điều đó không ngăn người ta lập ra rất nhiều suy đoán. Không ai nói được điều gì cho đến khi Neil Armstrong, người đầu tiên bước chân lên mặt trăng, đã quay trở lại trái đất để kể cho chúng ta. Không những thế, anh còn mở đường cho những phi hành gia sau này.
Tuyên bố của người Cơ Đốc.
Đó chính là cách xem xét tuyên bố của người Cơ Đốc về sự sống sau cái chết. Chúng tôi chỉ tin duy nhất vào Đức Chúa Giê-xu ở Na-xa-rét, Đấng đã trở lại từ phần mộ để chứng tỏ cho chúng tôi rằng Ngài đã chiến thắng kẻ thù cuối cùng và khiến chúng tôi bước theo dấu chân của Ngài. Dĩ nhiên chúng tôi biết rằng người chết không sống lại khỏi phần mộ của họ. Chúng tôi biết rằng không có một thể loại khoa học nào nói người chết có thể sống lại. Chúng tôi không phải ngây thơ: chúng tôi biết tuyên bố này làm cho sự tưởng tượng bị chùn lại. Nhưng chúng tôi tin vào tuyên bố Cơ Đốc, và dựa trên những bằng chứng thuyết phục. Tôi sẽ trình bày cho các bạn một số bằng chứng sau đây.
Tuy nhiên trước hết hãy làm rõ một điều. Chúng tôi không tuyên bố điều này về bác Tom, bác Dick, hay bác Harry nào cả. Chúng tôi xác nhận đó là sự thật cho một con người duy nhất, một con người rất đặc biệt, là Đấng hơn cả một con người, Đấng chiến đấu với các thế lực sự chết. Chúng ta đã đọc thấy trong Phúc âm Giăng chương 5 những lý do mạnh mẽ chứng minh Đức Chúa Giê-xu không chỉ là con người nhưng Ngài là Đức Chúa Trời. Vậy làm sao chúng ta có thể nghĩ một cách giáo điều rằng Ngài không thể sống lại từ phần mộ? Chúng ta đã thấy rằng Ngài đã sống một đời sống toàn hảo. Vậy làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng một đời sống không bước vào tội lỗi lại không thể chiến thắng sự chết? Chúng ta không có một ai khác để so sánh với Ngài. Đức Chúa Giê-xu đã đặt toàn bộ uy tín của Ngài vào sự khẳng định Ngài sẽ “làm một Giô-na” đối với những người đương thời, nghĩa là giống như Giô-na đã trở lại sau ba ngày “chết” trong bụng cá, chính Ngài cũng sẽ sống lại từ trong tay sự chết (Ma-thi-ơ 12:39-41). Vậy hãy gạt qua một bên định kiến: “Điều đó là không thể” và hãy cân nhắc xem dựa vào tất cả những bằng chứng, điều đó thật đã xảy ra đối với duy nhất một Đức Chúa Giê-xu hay không. Nếu Ngài là người toàn hảo, nếu Ngài hơn cả một con người, thì chúng ta không thể nào không cân nhắc được.
Tôi đã xem xét các bằng chứng về Đức Chúa Giê-xu qua một số thông tin chi tiết trong cuốn sách nhỏ Đấng Sống (Man Alive). Có thể bạn sẽ quan tâm đến những vấn đề trong sách. Tuy nhiên đây là năm điểm cần quan tâm khi ta suy ngẫm về những sự kiện trong ngày Thứ Sáu Thương Khó đầu tiên ấy.
Ngài đã chết.
Một cái chết thật sự. Án tử hình của người La Mã dứt khoát là rõ ràng. Trên thực tế, chính viên quan chịu trách nhiệm thi hành án có thể bị tử hình nếu ông không thực hiện công việc một cách hiệu quả. Trong trường hợp của Đức Chúa Giê-xu, toán lính thi hành án thấy Ngài đã chết rồi nên đã không phiền đánh gãy chân Ngài (một phương pháp man rợ để chắc chắn những con người tội nghiệp bị treo trên thập giá không hồi phục trở lại và không còn thở). Nhưng để chắc chắn lần cuối, họ đã lấy giáo đâm vào sườn Ngài, và theo lời một nhân chứng tại hiện trường đã nói: “máu và nước” chảy ra (Giăng 19:34). Đây là một chi tiết khá thú vị và đáng chú ý bởi vì tác giả không hề biết ý nghĩa y khoa của hiện tượng trên. Tuy nhiên bất kỳ bác sĩ nào ngày nay đều sẽ nói rằng sự phân ly của máu thành cục và huyết thanh là dấu hiệu chắc chắn nhất về sự chết. Đó là những gì sứ đồ Giăng đã thuật lại, mặc dù ông chỉ lấy làm lạ về sự việc đó mà không hiểu đó là gì. Nhưng chi tiết này cho ta một bằng chứng tích cực rằng Đức Chúa Giê-xu đã chết.
Nếu cần thêm thông tin, chúng ta vẫn có được: không chỉ viên quan thi hành án đã báo cáo cho lãnh đạo của mình rằng công việc đã hoàn thành (và ông biết thế nào là người chết – bởi ông đã hành hình rất nhiều người rồi), nhưng chính Phi-lát đã cho phép Giô-sép người A-ri-ma-thê đến lấy xác Ngài (Giăng 19:38). Một chi tiết thú vị khác, theo như nguyên ngữ tiếng Hy Lạp, từ ngữ sử dụng để chỉ về “thân thể” Đức Chúa Giê-xu đó là từ “xác”: một từ không bao giờ được dùng để chỉ một người sống, nó luôn luôn chỉ dùng cho người chết mà thôi.
Vâng, Đức Chúa Giê-xu đã chết. Vậy bất kỳ “thuyết bất tỉnh” nào cho rằng Đức Chúa Giê-xu phục hồi từ thử thách kinh hoàng của Ngài và lẻn ra khỏi phần mộ lạnh giá là hoàn toàn không đáng tin cậy. Đơn giản bởi vì điều đó không thể xảy ra. Dẫu vậy những người không tin có xu hướng chối bỏ sự dạy dỗ rõ ràng của các trước giả Tân Ước (mặc dù chúng đều dựa trên những nhân chứng trực tiếp), họ phải vin vào những giả thuyết cho rằng Đức Chúa Giê-xu không thật sự chết. Các bạn sẽ thấy từ thuở xa xưa đã xuất hiện những giả thuyết này, chẳng hạn như Celsus ở thế kỷ thứ hai. Là một người chống đối mạnh mẽ Cơ Đốc Giáo, ông lý giải sự phục sinh của Đức Chúa Giê-xu bằng cách cho rằng Ngài được Ma-ri Ma-đơ-len chăm sóc và phục hồi sức khỏe trở lại. Bốn mươi ngày sau thì vết thương đã vượt quá sức chịu đựng của Ngài. Ngài đã được chôn một cách bí mật, nhưng sau đó Ngài đã nhóm họp với các môn đồ của mình và biến mất vào một đám mây trên chóp núi!?
Những lý giải nghèo nàn như vậy vẫn còn được dựng lên cho đến ngày nay, cụ thể gần đây trong tác phẩm Âm Mưu Lễ Vượt Qua (The Passover Plot) của Hugh Schonfield. Chúng thất bại ngay từ bằng chứng chắc chắn rằng Đức Chúa Giê-xu thật đã chết. Chúng cũng cực kỳ không chắc chắn ở khía cạnh tâm lý. Nếu các môn đồ biết rằng Đức Chúa Giê-xu không sống lại từ phần mộ nhưng đã chết một cách nhục nhã, liệu họ có đi khắp thế giới công bố Ngài đã sống lại với thái độ vui mừng mà người ngoài tưởng rằng họ đang bị say, và với sự kiên trì dù chịu cảnh tù đày, đau đớn, và sự chết cũng không thể nào ngăn họ lại? Bạn đừng để mình bị lôi kéo vào một trò lừa bịp!
(Còn nữa)
MICHAEL GREEN
Translated by Vinh Hien.