MỤC SƯ ƠI!
– SÓNG THẦN, TẠI SAO? CÓ PHẢI?
Báo chí xôn xao về tin tức sau đây:
“9 giờ 30 sáng Chúa nhật. Bãi biển thật đẹp với những hàng dừa xanh ngát đong đưa nhè nhẹ trong làn gió mát dìu dịu, thật dễ chịu. Bầu trời trong vắt, không một gợn mây. Thấp thoáng sau những hàng cây là dãy khách sạn sang trọng được phủ lên mình cái ánh nắng chan hòa của một buổi sáng miền nhiệt đới. Trên con đường dọc theo bờ biển, tấp nập nhộn nhịp người là người; dưới bãi cát, hàng ngàn cây dù đủ màu sắc rực rỡ, lớp lớp người nằm ngồi đủ kiểu phơi làn da nâu sậm cho ánh nắng miên man sưởi ấm. Còn dưới nước cũng đen nghịt người nhấp nhô theo từng đợt sóng trong cái ồn ào náo nhiệt vô tư lự, thật là cảnh thần tiên thiên đàng hạ giới.
Mặt biển vốn hiền hoà, bỗng bất thần vươn mình lên như một con quái vật khổng lồ cực kỳ hung hãn, hộc tốc lao vào bờ rồi ập xuống thật nhanh như một cái mồm vĩ đại nuốt chững mọi vật, lôi ra xa và nhận sâu vào lòng nó như để thoả mãn một cơn thèm khát âm ỉ đã lâu ngày. Đó là toàn cảnh bức tranh của ngày Chúa nhật 26 tháng 12 năm 2004 tại vùng Nam Á.
Một trận động đất rất lớn dưới độ sâu thăm thẳm của mặt biển mênh mông ngoài khơi đảo Sumatra, Indonesia đã gây ra một hiện tượng hiếm thấy gọi là Tsunami, tức sóng thần. Do sự chuyển động mạnh mẽ của các tầng đất đá dưới đại dương đã đẩy hàng tỉ mét khối nước về mọi phía, với vận tốc của một chiếc máy bay phản lực, đã đổ bộ vào bờ biển của 12 nước trong vùng. Khi đến gần bờ gặp phải các bãi cạn, các khối nước vĩ đại đã dồn ép, rồi chồm lên tạo thành một bức tường nước to lớn cở một nhà lầu bốn tầng ập mạnh vào bờ, tiến sâu vào trong đất liền đến một cây số, phá hủy và cuốn đi tất cả gồm rất nhiều làng chài sung túc và vô số người tắm biển, nghỉ mát trong cao điểm của mùa du lịch.
Trên 200,000 người thiệt mạng trong đó có dân địa phương lẫn du khách thuộc đủ các nước Tây Phương. Năm triệu người không còn nhà cửa, thực phẩm. Tết Dương lịch tưng bừng trên toàn cầu nay trở thành một ngày để tang các nạn nhân, nhiều nước đã bỏ hết mọi tị hiềm dồn công sức của cải để cứu giúp các nước bị nạn. Thật là một tai nạn tầm mức thế kỷ gây chấn động toàn cầu…”
Trong những ngày qua mọi người trên thế giới đều tỏ ra quan tâm đến thiên tai to lớn nầy ở vùng Nam Á. Bằng nhiều cách, nhiều người, nhiều nước đã góp phần cưú trợ tài vật, phương tiện, công sức, và đã dâng lời cầu nguyện cho những nạn nhân, những người sống sót… Đời sống ở những nơi trải qua thiên tai dù còn rất nhiều khó khăn, mất mát nhưng rồi cũng sẽ dần dần ổn định. Du khách cũng lại kéo đến nghỉ mát. Cuộc sống vẫn tiếp diễn như xưa.
Tuy nhiên, qua thiên tai và tổn hại nhân mạng to lớn nầy, những câu hỏi to lớn của nhân loại vẫn còn đó, nhất là câu hỏi: Tại sao? Có phải?
Mỗi lần có tai nạn hay thiên tai lớn xảy ra thì những câu hỏi nầy lại được đặt ra và có lẽ không có câu trả lời nào làm cho con người thoả mãn nếu người đó không có niềm tin nơi Đức Chúa Trời.
Trong thời Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất, người ta cũng đem câu hỏi nầy đặt ra với Chúa. Mời bạn cùng xem lời tường thuật về câu chuyện nầy của Bác sĩ Lu-ca.
“Cũng lúc ấy, có mấy người ở đó thuật cho Đức Chúa Jêsus nghe về việc Phi-lát giết mấy người Ga-li-lê, lấy huyết trộn lộn với của lễ họ.
Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Các ngươi tưởng mấy người đó vì chịu khốn nạn dường ấy, có tội lỗi trọng hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Ta nói cùng các ngươi, không phải; song nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất như vậy.
Hay là mười tám người bị tháp Si-lô-ê ngã xuống đè chết kia, các ngươi tưởng họ có tội lỗi trọng hơn mọi kẻ khác ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Ta nói cùng các ngươi, không phải; nhưng nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ bị hư mất như vậy.
Ngài lại phán thí dụ nầy: Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình, đến hái trái mà không thấy; bèn nói cùng kẻ trồng nho rằng: Kìa đã ba năm nay ta đến hái trái nơi cây vả nầy mà không thấy: hãy đốn nó đi; cớ sao nó choán đất vô ích? Kẻ trồng nho rằng: Thưa chúa, xin để lại năm nầy nữa, tôi sẽ đào đất xung quanh nó rồi đổ phân vào. Có lẽ về sau nó sẽ ra trái; bằng không, chúa sẽ đốn.”
Qua câu chuyện Kinh Thánh kể và lời đáp của Chúa Giê-su, tôi thấy chúng ta có thể áp dụng một số bài học cho mỗi người chúng ta ngày nay.
Thứ nhất, tôi thấy trong mỗi khổ nạn chúng ta gặp hoặc người khác gặp đều có một lời CẢNH CÁO ở trong đó. Đức Chúa Trời dùng các khổ nạn để cảnh cáo chúng ta. Ngài nói nhỏ chúng ta không nghe thì Ngài sẽ nói lớn. Các tai nạn nhỏ cảnh cáo sẽ có thể biến thành những thiên tai to lớn. Các thiên tai đều có giá trị nhắc nhở để chúng ta biết Đức Chúa Trời là ai, chúng ta là ai, Ngài muốn nói gì với chúng ta và phản ứng của chúng ta ra sao. Những cái chết bất ngờ của nhiều người xung quanh là lời nhắc nhở với chúng ta về sự mong manh của đời người và chúng ta cần phải chuẩn bị để chầu Trời một ngày nào đó. Trong nghĩa trang không phải chỉ có mộ của ông bà già mà còn có cả mộ của người trẻ và trẻ em nữa. Khi Chúa gọi về chúng ta không thể khước từ.
Chúa Giê-su đang cảnh cáo, “Các ngươi tưởng những người chịu chết vì thiên tai đó có tội lỗi nặng hơn những người khác sao? Ta nói cùng các người, không phải đâu, các ngươi cũng đang mắc tội trọng với Đức Chúa Trời, và nếu các ngươi không ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ bị hư mất như vậy.”
Chúng ta có khuynh hướng hay tìm hiểu về số phận người khác mà quên đi chính số phận của mình. Mỗi người chúng ta đều có tội và tội lớn nhất là không thờ phượng Đức Chúa Trời và không vâng lời Ngài. Đức Chúa Trời muốn cứu vớt loài người khỏi tội và đã ban sai Con Một Ngài đổ huyết đền tội cho nhân loại. Ngài đã ban Kinh Thánh, lập Hội Thánh và sai phái các chứng nhân của Ngài đi khắp thế giới rao giảng Tin Lành tha tội, nhưng ngày nay vẫn có nhiều người không chịu ăn năn tội quay về cùng Chúa để được tha thứ. Hãy suy nghĩ đến các dân tộc ở vùng Nam Á và Đông Nam Á có bao nhiêu người biết Chúa, tin Chúa và thờ Chúa. Tôi nghĩ đây là lời cảnh cáo từ Chúa.
Thứ hai, tôi thấy đây cũng là CƠ HỘI. Cơ hội để loài người tỏ tình yêu thương lẫn nhau và là cơ hội để chúng ta sửa mình, ăn năn tội, thay đổi đời sống, tìm hiểu lý do mọi việc xảy đến và hưởng ứng tích cực với sự nhắc nhở của Đức Chúa Trời. Bạn đừng ngạc nhiên khi Chúa Giê-su đã kể tiếp về quyết định của người chủ vườn định cắt bỏ một cây không kết quả. “Kẻ trồng nho rằng: Thưa chúa, xin để lại năm nầy nữa, tôi sẽ đào đất xung quanh nó rồi đổ phân vào. Có lẽ về sau nó sẽ ra trái; bằng không, chúa sẽ đốn.” Người chủ vườn nho đã đồng ý với lời đề nghị của người làm vườn. Cơ hội vẫn còn. Đức Chúa Trời không dành cơ hội cho những người đã chết nhưng Ngài vẫn còn dành cơ hội cho người còn sống, cho bạn và tôi hôm nay. Bạn có sẵn sàng hạ mình ăn năn tin nhận Chúa Giê-su, trở lại thờ phượng Đức Chúa Trời để được Đức Chúa Trời tha tội ngay hôm nay không?
Đừng để lại ngày mai những gì bạn có thể làm được ngày hôm nay.
Thứ ba, tôi thấy ở đây sự ỨNG NGHIỆM LỜI TIÊN TRI của Chúa đã nói trước trong Kinh Thánh. Kinh Thánh nói trước và nói đúng những gì đang xảy ra và sẽ xảy ra trong tương lai của thế giới. Những biến cố thế giới đang xảy ra đều là những dấu hiệu cho biết Đức Chúa Trời đang thực hiện công việc của Ngài hướng đến mục đích sau cùng. Lịch sử nhân loại và thế giới không phải là những chu kỳ tái diễn không ngừng nhưng là một quá trình tiến đến một mục đích do Đức Chúa Trời đã định về tương lai. Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng và toàn tri, vì thế những lời phán của Ngài về tương lai chắc chắn sẽ ứng nghiệm. Chính Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành những gì Ngài đã tiên báo. Kinh Thánh đầy dẫy những lời tiên tri về tương lai.
Sách Tin Lành Ma-thi-ơ đã chép: “Chúa Giê-su đang ngồi trên núi Ô-li-ve, môn đồ tới riêng cùng Ngài, và nói rằng: Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế.
Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hãy giữ, kẻo có kẻ dỗ dành các ngươi.Vì nhiều người sẽ mạo danh ta đến mà nói rằng: Ta là Đấng Christ; và sẽ dỗ dành nhiều người. Các ngươi sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn về giặc: hãy giữ mình, đừng bối rối, vì những sự ấy phải đến; song chưa là cuối cùng đâu.
Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia; nhiều chỗ sẽ có đói kém và động đất.
Song mọi điều đó chỉ là đầu sự tai hại. Bấy giờ, người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn nạn và giết đi; các ngươi sẽ bị mọi dân ghen ghét vì danh ta. Khi ấy cũng có nhiều kẻ sẽ sa vào chước cám dỗ, phản nghịch nhau, và ghen ghét nhau.
Nhiều tiên tri giả sẽ nổi lên và dỗ dành nhiều người.
Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều thì lòng yêu mến của phần nhiều người sẽ nguội lần. Nhưng kẻ nào bền chí cho đến cuối cùng, thì sẽ được cứu. Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.”
Phải chăng chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng trước khi Chúa đến?
Nhớ đến sóng thần, chúng ta không thể không nhắc đến nạn đại hồng thủy trong thời Nô-ê xưa. Chúa Giê-su cảnh cáo, “Trời đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi. Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi. Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy. Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu, và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy, khi Con người đến cũng như vậy.”
Nếu không ăn năn tội trở lại tin thờ Chúa, chắc chắn nhiều người sẽ đối diện với những chuyện không ngờ còn xảy đến nữa.
Chẳng những nói về thời điểm, Chúa Giê-su cũng nói về một địa điểm. Chúa Giê-su đã nói trước về một nơi ở đời đời do Ngài sắm sẵn cho những người thuộc về Ngài. Đó là một nơi tốt đẹp, vô cùng tốt đẹp hơn hẵn những bờ biển vàng ở Đông Nam Á mà nhiều du khách mong muốn tới. Người tin Chúa sẽ được ở nơi tốt đẹp đó với Chúa. Vì thế một người tin thờ Chúa, thuộc về Chúa, dù có gặp thiên tai, dù trải qua sự chết hay hoàn cảnh nào, vẫn có thể có tấm lòng bình an. Cuối cùng thì dù cho điều gì xảy ra trên thế gian nầy, chúng ta vẫn có ngày sẽ đi về đến nhà Cha an toàn, chắc chắn, hạnh phúc muôn đời. Bạn đã có sự bảo đảm nầy chưa?
Mục Sư Nguyễn Văn Huệ