Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Tính Bất Biến Bao Gồm Sự Đa Dạng

Tính Bất Biến Bao Gồm Sự Đa Dạng

heaven-010

Một bức hình quen thuộc và cho thông tin sai lạc về thiên đàng ngày nay là hình các thánh đồ đang bay lượn xung quanh những đám mây và chơi đàn hạc – suốt cõi đời đời. Không gì làm xao động không gian thiên đàng cực kỳ nhỏ bé của họ, trong khi họ tưởng chừng như cứ ở ngay nơi họ ở – cho đến đời đời ! Có phải đó là sự hình dung của bạn về thiên đàng không? Sự kiện Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi có làm bạn nhàm chán không?

Khi nói về tính bất biến của Chúa, không phải chúng ta nói về sự thiếu đa dạng. Đó là hai việc riêng biệt. Hãy nhìn xem công trình tạo hóa của Chúa. Một con voi và một con muỗi cả hai đều có bốn chân và một cái vòi đằng trước mặt, nhưng ai dám tả con voi và con muỗi là giống nhau? Còn một con chuột và một con cá voi? Cả hai đều có đuôi, có mũi nhọn và có thân hình mượt mịn. Nhưng ôi, chúng khác nhau làm sao!

Tính bất biến và tính sáng tạo cũng không giống nhau. Mặc dầu Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi, nhưng Ngài là Đấng Tạo Hóa Toàn Năng. Hãy nghĩ có bao nhiêu con người khác biệt mà Ngài đã dựng nên trên khắp thế giới. Không một người nào giống y một người nào. Có bao nhiêu loại cây trồng khác nhau mà Ngài đã dựng nên, từ một cây hoa xương rồng cho đến một cây phong lan; từ một cây hồng đào khổng lồ cho đến cây hoa chuông thanh mảnh; từ đám rêu cho đến rong biển, sự sáng tạo của Đức Chúa Trời thật không hề cùng.

gods-plan

Điều không thay đổi chính là các nguyên tắc và bản chất nằm bên dưới sự đa dạng và sự sáng tạo. Các kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta luôn luôn khiến chúng ta trở nên giống như hình ảnh của Con Ngài. Ngài thay đổi cách Ngài thực hiện kế hoạch của Ngài cho phù hợp với những cá tánh của chúng ta, hoàn cảnh của chúng ta và nhu cầu của chúng ta.

Tuy nhiên, đôi khi bản tính không thay đổi của công việc Chúa thật rõ ràng dễ thấy. Bạn còn nhớ câu chuyện Phao-lô và Si-la bị bỏ tù vì giảng Tin lành không ? Việc rao giảng của họ và của những Cơ Đốc Nhân đã đem lại sự tăng trưỏng phi thường trong Hội Thánh đầu tiên. Điều đó cũng đem đến sự bắt bớ vì cớ Đấng Christ, vì lý do đó mà Phao-lô và Si-la phải ở tù. Trong khi họ đang cầu nguyện và hát thánh ca vào lúc nửa đêm, một trận động đất lớn đã làm rung chuyển các nền ngục. Tất cả các cửa ngục đều mở tung ra và xiềng xích rơi ra khỏi chân mọi tù nhân.

Vào thời đó, nếu một cai tù La Mã làm xổng mất các tù nhân, họ phải bị tử hình. Người cai ngục La Mã thức dậy, tưởng rằng tất cả các tù nhân đều bỏ trốn, và ông toan tự tử. Phao-lô la lớn lên: ”Đừng làm vậy. Hết thảy chúng ta đều còn cả đây!” Cai tù, khi thấy các tù nhân không bỏ trốn, đã quỳ xuống trước mặt Phao-lô và Si-la cầu xin làm thế nào để ông được cứu.

Phao-lô và Si-la đã chia sẻ lời Chúa cho ông rồi ông ta và cả nhà mình đã tin Chúa Cứu Thế. Ngày hôm sau các quan chức trong thành phố đã thả Phao-lô và Si-la.

Nhiều thế kỷ về sau, khuôn mẫu nầy đã được lập lại. Vào thập niên 1930, các nhà truyền giáo đã gieo trồng lời Chúa ở tại các vùng núi phía Tây Nam Ê-thi-ô-pi. Khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ, các nhà truyền giáo buộc phải ra đi. Họ để lại một Hội Thánh chỉ có 48 tín hữu. Nhưng trong 5 năm bị người ngoại quốc chiếm đóng xứ sở mình. Hội Thánh Ê-th-iô-pi đã tăng lên 10.000 tín đồ!

Raymond David, là người làm việc sâu trong nội địa Ê-thi-ô-pi thuật lại câu chuyện lạ lùng về công việc Chúa giữa vòng những người Wallamo. Các Cơ Đốc Nhân đã bị bắt bớ dữ dội vì công bố sứ điệp của Chúa, nhưng Hội Thánh của họ đã phát triển lên đến hơn một ngàn người. Chính quyền buộc họ phải phá sập ngôi nhà thờ cũ, là nhà thờ mà họ đã xây dựng với sự hy sinh công sức và tài sản.

Sau đó, họ lại cả gan xây lại ngôi nhà thờ của mình. Hậu quả là, một số những người lãnh đạo Hội Thánh, kể cả một người đàn ông tên là Toro, bị mang ra ngoài chợ, lột trần, và đánh đòn. Sau đó họ bị bỏ vào ngục, là nơi các cai ngục nhạo báng họ vì đã đặt lòng tin nơi Chúa. David viết rằng: Sau đó ít lâu, một nhóm các tín đồ trong tù đang cầu nguyện cùng nhau thì một trận mưa bão dữ dội nổi lên. Toro nói rằng anh chưa bao giờ thấy sấm sét khủng khiếp hoặc sấm rền dữ dội như vậy, trong lúc họ đang cầu nguyện và ca hát, gió thổi với tốc độ dữ dội đến nỗi toàn bộ mái tôn sắt của nhà tù bị giật tung. Trận mưa như trút đổ xuống, các bức tường bằng bùn đất bị phơi trần đều sụp đổ và tan chảy. Các tù nhân được giải thoát!

Nhiều người tù không tin Chúa cũng đã bỏ trốn. Các cai ngục kinh hoàng, họ tin chắc rằng cơn bão ấy chính là sự can thiệp trực tiếp của Đức Chúa Trời vì cớ các tù nhân Cơ Đốc, họ đến cùng Toro và nài nỉ ông cầu nguyện Chúa cho họ để Ngài rút lại cơn giận dữ và thạnh nộ – thì họ sẽ được giải thoát. Các cai ngục đã giữ lời hứa.

Tất nhiên không phải mọi người bị bỏ tù vì đức tin mình đều được tự do bởi sự hành động của Chúa, nhưng hai trường hợp nầy cho thấy Đức Chúa Trời vẫn hành động giống như Ngài đã hành động trong đời sống của các tín hữu trong Thế Kỷ Thứ Nhất. Ngài không hề thay đổi! Bạn có thể tin cậy nơi Ngài!

images

Khi bay từ Chicago đến Los Angeles trên một số các máy bay dân dụng, bạn sẽ bay qua một phần của rặng núi Canyon. Nếu bạn tình cờ được bay ngang rặng núi ấy trong một buổi chiều muộn có nắng, thì những bóng của dãy núi sẽ giúp bạn thấy được chiều sâu và chiều rộng không thể tin được của nó. Nhưng sự thật là những gì bạn đang nhìn thấy chỉ là một phần nhỏ của rặng núi ấy. Bởi vì nó vẫn chạy suốt một ngàn dặm nữa. Bây giờ hãy tưởng tượng là chính bạn đang lượn vòng chung quanh trái đất trong trạm không gian Mir và bạn đi ngang qua rặng núi Canyon. Bấy giờ bạn sẽ thấy bao nhiêu phần của dãy núi? Toàn bộ dãy núi sẽ hiện ra chỉ trong một thoáng nhìn.

Khi chúng ta nhin cuộc đời trên đất, chúng ta chỉ thấy một phần vô cùng nhỏ của nó, một tí xíu của cõi đời đời. Nhưng Đức Chúa Trời nhìn thấy cả cõi đời đời cùng một lúc, Ngài thấy sự kết thúc từ lúc bắt đầu. Đó là lý do vì sao chúng ta cần có cái nhìn của Đức Chúa Trời trong các sự kiện của đời sống – Ngài nhìn thấy nó theo những cách chúng ta không thấy. Kết quả là Ngài có thể ra tay hành động và điều chỉnh để giữ chúng ta khỏi lạc ra khỏi con đường hoặc không bị làm tổn thương chính mình khi chúng ta tiến bước trên con đường đời với những hoàn cảnh và những biến cố.

Chúng ta có một Đức Chúa Trời thật tuyệt vời! Chúng ta có thể tin cậy Ngài không bao giờ làm điều gì bất lợi cho chúng ta, bởi vì tình yêu của Ngài không thay đổi. Chúng ta có thể tin cậy Ngài trong cả đời sau, bởi vì Ngài là Đấng đời đời. Đó là lý do khiến tác giả thư Hê-bơ-rơ nói được rằng: ”Đức Chúa Jêsus Christ hôm qua, ngày nay cho đến đời đời không hề thay đổi.”

Ngài chính là Đức Chúa Trời chúng ta đang thờ phượng và suy tôn – và hầu việc một cách vô điều kiện. Đó chính là Đức Chúa Trời mà chúng ta luôn công bố không hề ngưng nghỉ cho cả thế gian, bởi vì Ngài xứng đáng không chỉ sự thờ phượng của chúng ta mà còn sự vâng phục của chúng ta trước Đại Mạng Lệnh để ra đi và để bày tỏ tình yêu.

Tôi khuyên bạn hãy dành thì giờ để hưởng sự kỳ diệu của các thuộc tính Đức Chúa Trời. Khi bạn học biết nhiều hơn các sự thật về sự lớn lao của Ngài, hãy cảm tạ Ngài, làm sáng danh Ngài và ngợi khen Ngài về tất cả những gì Ngài làm đối với bạn. Hãy để Đức Thánh Linh đầy dẫy tâm trí bạn với tình yêu và ân điển của Ngài, rờ đụng đến những cảm xúc sâu xa nhất của bạn bằng sự an ủi và dịu dàng của Ngài. Càng thờ phượng và suy gẫm về các thuộc tánh của Ngài, bạn càng trở nên giống như Ngài. Hãy thờ phượng Ngài qua sự dâng hiến, sự phục vụ, sự ngợi khen, sự ca hát, và sự cảm tạ. Đó là con đường bảo đảm để dẫn đến một mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời!

BILL BRIGHT (Theo Khám Phá Đặc Tính Của Đức Chúa Trời)

 

http://www.vietchristian.com

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn