-Họ đến để bắn chúng ta sao?
-Có thể lắm, nhìn kìa xe tăng và quân lính đã tấn công.
Cảnh hỗn loạn bắt đầu, nhiều tiếng súng nổ liên hồi, tiếng xích sắt, gầm rú của xe bọc thép xen lẫn với những tiếng thét hãi hùng của đám đông. Phía bên ngoài xe cứu hỏa và máy ủi cũng đã có mặt.
Đó là một đêm định mệnh của nhiều người.
Tử Di, nữ sinh viên Trung Quốc may mắn thoát chết tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Những gì xảy ra trong năm đó là một kỷ niệm khó quên đối với cô và các bạn sinh viên trong nhóm Cánh Chim Bay.
Đang là sinh viên Cao Học tại Trường Đại Học Bắc Kinh với khả năng hùng biện xuất sắc, nữ sinh viên ưu tú Tử Di được nhìn nhận là một nhân tài tiềm năng của đất nước. Trước khi xảy ra biến cố lịch sử vào ngày bốn tháng sáu, Tử Di đã có một cuộc họp bỏ túi với nhóm sinh viên của mình. Cô phát biểu:
-Chúng ta đang có mặt trong một thời điểm lịch sử. Phải nắm lấy cơ hội hôm nay để canh tân đất nước về mọi mặt. Chúng ta không có ý tưởng hay chiến lược bạo động lật đổ nhà cầm quyền, nhưng chúng ta phải tạo ra một sức ép nhất định, thuyết phục những người cai trị đất nước thay đổi. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhớ hành động của thế hệ sinh viên hôm nay.
Trang Đông tiếp lời của Tử Di:
-Một trong những biểu ngữ của chúng ta là quyền lực thuộc về nhân dân (all power belongs to the people). Những nhà cai trị chính danh phải được nhân dân tuyển chọn và bầu lên. Khi chính quyền phủ nhận điều này thì đó là một bi kịch cho quốc gia.
Vương Mạn đồng tình với phát biểu của Trang Đông:
-Tôi đồng ý với các bạn, chúng ta phải tìm cách đối thoại với người đứng đầu chính phủ để trình bày điều này.
Nhiều bạn sinh viên khác có mặt trong cuộc họp cũng lần lượt đứng lên phát biểu sôi nổi thẳng thắn về quan điểm đấu tranh của mình. Lưu Bá bày tỏ tinh thần yêu nước, những gì anh ao ước là có một nhà nước đồng hành với nhân dân trong những vấn đề chung của quốc gia, tệ nạn tham nhũng cần được giải quyết tận gốc rễ của nó, người dân có quyền tự do bày tỏ quan điểm của mình. Thế nhưng lúc bấy giờ những điều này được xem như một món hàng xa xỉ mà người dân không với tới.
Một thế hệ sinh viên Trung Quốc đang lớn lên với những giá trị phổ quát về dân chủ trên khắp hành tinh. Không ai phủ nhận họ là những tinh hoa của một đất nước rộng lớn. Nếu sân chơi, bàn cờ xã hội bình đẳng và minh bạch thì những lớp sinh viên này có thể là những tài năng tương lai của đất nước.
Thế nhưng những gì xảy ra sau đó lại là một bi kịch cho các bạn sinh viên.
Cuộc biểu tình tại Thiên An Môn được giải tán chỉ trong một đêm với xe tăng, quân đội và…..
Lịch sử có những đau thương của nó. Trải qua nhiều năm vết thương đó vẫn chưa được chữa lành!
Các chàng trai và cô gái trong màu áo sinh viên thực ra cũng chỉ là những chú nai tơ trước những biến động xã hội. Những phản ứng và cảm xúc nhất thời của họ chưa được xây dựng trên những nền tảng vững chắc. Có những bài toán hóc búa về thời cuộc mà hầu như không ai giải được. Dòng chảy của lịch sử bình thản trôi qua bất chấp ý chí của con người. Có phải chăng chúng ta đang sống trong một thế giới đầy nghịch lý mà tự chúng ta không thể thoát ra được?
Sau khi quảng trường Thiên An Môn trở lại yên tĩnh, Tử Di trốn qua Hồng Kông trong một container, từ đây cô sang Pháp. Tại Pháp cô nhận được một học bổng toàn phần của Đại Học Princeton cùng với Chai Ling, một lãnh tụ sinh viên Trung Quốc nổi tiếng khác và cô đã sang Mỹ.
Trên đất Mỹ Tử Di được bạn bè dẫn đến một buổi truyền giảng ngoài trời của mục sư Billy Graham vào năm 2005, cô quyết định tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của mình sau khi mục sư diễn giả kêu gọi.
Cuộc đời Tử Di giờ đây bước sang một ngã rẽ mới. Cô tham gia các khóa học Kinh Thánh sau khi tin Chúa, nhãn quan của cô về cuộc đời, thế giới, đấu tranh xã hội…. thay đổi đến không ngờ.
Điều gì đã khiến cho tâm trí Tử Di thay đổi? Chính là ánh sáng của Phúc Âm.
Tử Di thường xuyên trao đổi với Wu-sa-hao, một Mục sư người Mỹ gốc Trung Quốc tại hội thánh mà cô đang sinh hoạt hằng tuần:
-Thưa mục sư, Cơ đốc nhân có nên tham gia vào các hoạt động chính trị không?
-Em đã có một câu hỏi thẳng thắn. Vậy em nghĩ gì về câu hỏi này: Nếu Chúa Jesus ở vào vị trí của em, Ngài có tham gia vào các hoạt động chính trị không?
-Em nghĩ là không.
-Tôi cũng nghĩ như em. Thực ra tách rời những vấn đề của chính trị ra khỏi nếp sống đạo của người Cơ đốc không phải là một việc dễ dàng. Cơ đốc nhân tại Mỹ hay ở những quốc gia khác có thể tham gia vào các tổ chức chính trị, có thể trở thành những chính khách nổi tiếng. Nhưng việc này thì không phù hợp với một Mục sư hay một nhà truyền giáo. Có người nói rằng Giô-sép, Đa-ni-ên trong thời Cựu Ước là những người tham gia vào bộ máy công quyền. Đúng là như vậy nhưng họ không phải là thầy tế lễ. Nếu em được Chúa kêu gọi để trở thành một giáo sĩ, thì tốt nhất em không nên tham gia chính trị. Hãy để công việc đó cho những Cơ đốc nhân khác. Tôi nghĩ rằng một Cơ đốc nhân chân thật thì không thể là một nhà chính trị giỏi, và ngược lại một chính khách thành công thì không thể là một Cơ đốc nhân chân thật trong thế giới đầy biến động hôm nay. Có thể em không đồng ý với tôi về điều này. Vậy thì tôi chúc cho em đi trọn con đường của mình. Dĩ nhiên em phải chịu trách nhiệm về sự chọn lựa, quyết định của em.
Tử Di và mục sư Wu-sa-hao còn trao đổi với nhau nhiều vấn đề liên quan đến đời sống tại Trung Quốc. Cả hai đều đồng ý là người Trung Quốc cần Chúa Jesus. Và chỉ có Chúa Jesus mới đem đến hạnh phước và bình an thật cho mọi người, cho dù họ đang sống trong một thể chế nào. Chúa Jesus là câu trả lời đích thực cho mọi nan đề. Ngay cả tại Mỹ, nếu người ta không có Chúa Jesus, thì mọi giá trị của đời sống cũng chỉ như là lâu đài xây trên cát. Trong lòng mỗi người đều có một khoảng trống. Nếu khoảng trống đó chưa được lấp đầy bởi tình yêu Thiên Chúa thì người ta vẫn còn phải cứ mãi đi tìm một giá trị tạm bợ của thế giới hư hoa.
Tử Di viết những dòng này trong hồi ký của mình và chia sẻ với bạn bè:
“Tôi là một người yêu nước và tham gia các phong trào dân chủ của sinh viên Trung Quốc trong những năm 1980. Tôi hiểu rất rõ tự do, dân chủ không thể van xin mà được, phải đấu tranh mới có. Vì vậy tôi đã từng là một trong những người lãnh đạo sinh viên xuống đường để đòi quyền sống. Sống đúng với tư cách của một con người thì không phải là sống theo một khuôn mẫu mà nhà cầm quyền đề ra. Thật là lố bịch khi một cơ chế tạo ra một khuôn mẫu và dùng sức mạnh ép người ta phải đi theo khuôn mẫu đó. Chỉ có những con cừu mới bị người khác dẫn dắt như vậy. Vì thế chúng tôi đã hình thành một nhóm sinh viên với tên gọi Cánh Chim Bay. Chúng tôi muốn bay vào khoảng trời xanh rộng lớn để khám phá bản thân và những giá trị thật của con người. Thực ra lý tưởng của chúng tôi rất bình thường như bao nhiêu người khác: yêu mến tự do dân chủ, không muốn bị trói buộc bởi bất kỳ một lý thuyết nào. Chúng tôi muốn đi theo những giá trị căn bản mang tính phổ quát của loài người tiến bộ.
Thế nhưng sau khi tôi gặp Chúa, tư tưởng của tôi đã được thay đổi bởi chân lý của Thánh Kinh. Khi tôi đọc qua các sách trong Kinh Thánh và nghiên cứu về cuộc đời của Chúa Jesus, thì tôi ngộ ra điều này: Chúa Jesus đã không đấu tranh để lật đổ ách thống trị của người La Mã, mặc dù lúc đó dân tộc của Ngài đang bị đế quốc La Mã cai trị. Ngài đến thế gian không phải để làm một lãnh tụ lật đổ bạo quyền hay điều ác, Ngài đến để rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật và đuổi quỉ. Phúc Âm của Ngài là một Phúc Âm toàn vẹn – có nghĩa là trong đó giải quyết tất cả mọi nan đề của con người. Không có lĩnh vực nào mà Phúc Âm không có câu trả lời, nó dạy cho con người: “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Một thể chế cầm quyền có thể tôn trọng hoặc bắt bớ Phúc Âm, nhưng Phúc Âm của Đấng Christ vẫn đứng vững muôn đời trước bất kỳ một thế lực nào tìm cách tiêu diệt nó.”
Tử Di không đơn độc trên con đường đi của mình. Một số bạn hữu trong phong trào Thiên An Môn những năm về trước cũng tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa khi làn sóng Phúc Âm mạnh mẽ lan tỏa ở Trung Quốc. Trang Đông bây giờ trở thành giáo sĩ tình nguyện đi truyền giáo ở Nam Phi. Tử Di theo dõi tin tức từ quê nhà và cô biết được là có nhiều bạn sinh viên trước đây bây giờ trở thành những doanh nhân Cơ đốc thành đạt ở những thành phố lớn. Thông qua các phương tiện liên lạc trên mạng Internet, Tử Di hẹn gặp lại các bạn cũ trong một hội chợ giới thiệu các mặt hàng công nghệ mới được tổ chức ở Hồng Kông. Sau hai mươi lăm năm, nhóm Cánh Chim Bay ngày trước lại được gặp nhau ở một quán cà phê trong khu hội chợ vào một buổi sáng mùa Xuân của năm 2014. Chỉ còn lại một phần ba số thành viên ngày trước có mặt, tất cả đã trưởng thành sau một phần tư thế kỷ. Cái nét sinh viên sôi nổi ngày xưa được thay bằng dáng dấp của những khuôn mặt trung niên, chững chạc.
Tử Di bắt đầu câu chuyện:
-Tôi đã thay đổi từ khi trở thành một Cơ đốc nhân. Chúa Jesus chứ không phải tôn giáo hay một người nào khác đã thay đổi tư duy của tôi. Ngày xưa tôi thường khẳng định: Tự do không thể van xin mà được nhưng phải đấu tranh mới có. Dĩ nhiên điều này không sai, nhưng bây giờ tôi đã có một tự do khác: tự do trong Chúa Jesus Christ. Trong Chúa Jesus tôi được tự do, nếu loại bỏ Chúa ra khỏi đời sống tôi luôn luôn là một người nô lệ. Đó là nô lệ cho tội lỗi và những hư hoa của thế giới. Trong Chúa Jesus tôi tìm thấy chân lý cũng như lý tưởng và mục đích sống. Bây giờ những gì tôi tìm kiếm là vinh quang của Thiên Chúa trong mọi kế hoạch của đời sống. Tôi không còn sử dụng sức lực riêng của mình để chống lại những bất công xã hội hay điều ác. Dĩ nhiên tôi không thỏa hiệp với những điều đó, nhưng tôi cho rằng không có một tổ chức nào trên thế giới này có thể đem đến cho con người sự hạnh phúc trọn vẹn ngoại trừ Chúa Jesus.
Vương Mạn đưa ra một câu hỏi cho cả nhóm:
-Chúng ta sẽ làm gì sắp tới, khi chị Tử Di dường như đã không còn lửa đấu tranh như thời sinh viên trước đây?
Lưu Bá lên tiếng:
-Tôi hiểu suy nghĩ của Tử Di vì chính tôi hôm nay cũng là một Cơ đốc nhân. Người Cơ đốc có một lý tưởng sống rõ ràng, đó là sống cho Chúa, sống cho mục đích của Ngài. Một trong những vũ khí của chúng tôi hiện nay là sự cầu nguyện. Kinh Thánh nói rằng: Lòng của vua ở trong tay Đức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy; Ngài làm nghiêng lệch nó bề nào tùy ý Ngài muốn (Châm 21:1). Bây giờ chúng tôi chỉ biết cầu nguyện theo ý Chúa, theo lời của Ngài. Chúa có thể bẻ gãy cánh tay kẻ ác (Thi thiên 10:15). Xin Chúa dấy lên những con người công nghĩa đứng vào hàng ngũ lãnh đạo của bộ máy công quyền. Và chúng tôi tin rằng khi Phúc Âm của Chúa lan rộng trên mặt đất thì chính nó sẽ ảnh hưởng tới quốc gia. Sự cầu nguyện của hội thánh sẽ làm cho cánh tay của Chúa lay động và Ngài làm nghiêng lệch tấm lòng của các vua theo thánh ý Ngài. Đất nước sẽ thay đổi khi hội thánh hạ mình cầu nguyện, tôi tin rằng chìa khóa cho những vấn đề của quốc gia đến từ Chúa. Khi hội thánh cầu nguyện thì Chúa sẽ hành động. “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ điều gì mà các ngươi buộc ở dưới đất thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà các ngươi mở ở dưới đất thì cũng sẽ mở ở trên trời” (Ma-thi-ơ 18:18).
Có thêm nhiều phát biểu khác của các thành viên trong nhóm. Mười lăm người có mặt trong buổi hội ngộ đó thì đã có tới mười hai người là Cơ đốc nhân. Đức Chúa Trời đã điều chỉnh hướng đi và mục đích sống của họ, nên những gì họ trao đổi luôn xoay quanh về Phúc Âm của Đấng Christ. Hội Thánh của Chúa tại Trung Quốc cũng đã phát triển mạnh mẽ mặc dù không còn bóng dáng của các giáo sĩ bên ngoài.
Buổi họp mặt của các cựu thành viên trong nhóm Cánh Chim Bay kết thúc với một thông báo chung: Chúa Jesus là câu trả lời cho mọi nan đề của cá nhân và xã hội. Khi nền tảng vững chắc của Kinh Thánh được kiến tạo thì những thượng tầng kiến trúc xây bên trên sẽ vững vàng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng nền móng văn hóa trên quyển Kinh Thánh – mà cả Kinh Thánh đều làm chứng về Chúa Jesus, khi đó đất nước sẽ ngập tràn ảnh hưởng tốt đẹp của Phúc Âm.
Trở về Mỹ, Tử Di tham gia vào đội cầu nguyện của một hội thánh tại miền Nam California. Tử Di nói với mọi người sự cầu nguyện sẽ làm thay đổi đất nước.
TIỂU LAN