Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / MỘT SỐ NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC CHỮA LÀNH?

MỘT SỐ NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC CHỮA LÀNH?

thi 30

Ban cho người nầy….ân tứ của sự chữa lành trong cùng một Đức Thánh Linh 

(1 Cô-rinh-tô 12:8-9)

 

Mẹ tôi là một phụ nữ đầy đức tin. Từ khi còn bé thơ chúng tôi đã được bà dạy rằng Đức Chúa Trời là bác sĩ của gia đình. Bất cứ khi nào có sự đau ốm đến thì hành động đầu tiên của chúng tôi là cầu nguyện. Dĩ nhiên, cũng có những điều thực hành khác: đắp thuốc lên chỗ viêm, dùng củ hành chống lại chứng xung huyết…Nhưng hễ khi nào chúng tôi có dấu hiệu bệnh, chúng tôi đều để bà cầu nguyện. Chúng tôi được dạy phải đặt niềm tin vào Chúa, Ngài là Đấng chữa lành.

Các con tôi cũng được nuôi dạy trong một môi trường như thế. Chúng được dạy phải tin cậy Chúa là Đấng chữa lành.

Giờ đây tôi không đề kháng các bác sĩ. Đó cũng là một phương cách mà Chúa cung ứng cho chúng ta ngày nay. Chính tôi cũng đi đến phòng mạch bác sĩ. Ngày đó tôi bị đau ruột thừa, tôi dành một tuần cầu nguyện kiêng ăn khẩn thiết xin Chúa chữa lành, nhưng Ngài không trả lời. Sau đó tôi đến bác sĩ để giải phẫu nó.

Tôi tin rằng Chúa có thể dùng các phương tiện y khoa ngày hôm nay. Chúa cho phép các nhà nghiên cứu nhìn thấu được bên trong nội tạng con người, qua đó họ có thể tiến hành các ca phẫu thuật với sự trợ giúp của các dược chất phù hợp. Nếu một người không thể được chữa lành chỉ qua sự cầu nguyện, khi đó Chúa có thể dùng con người với những kỹ năng chẩn đoán và điều trị từ y khoa.

Dĩ nhiên khi một bác sĩ khâu vá vết thương trên cánh tay của bạn bằng những mũi kim. Ông ta đã làm tất cả những gì ông ta có thể làm. Nhưng phần còn lại để bạn được lành là bởi Đức Chúa Trời.Bác sĩ làm hết khả năng, nhưng sự chữa lành đến từ Chúa.

 

NHỮNG ÂN TỨ CHỮA LÀNH, KHÔNG PHẢI CHỈ CÓ MỘT ÂN TỨ CHỮA LÀNH.

Trong 1 Cô-rinh-tô 12:9, Phao lô nói đến các ân tứ của sự chữa lành. Chúa  dường như muốn sử dụng một người nào đó, dể giúp người khác tin rằng Chúa chữa lành họ. Trước đó Phi-e-rơ đã có ân tứ nầy, đến nỗi mà những ngươi bệnh được bóng ông phủ che qua thì cũng được chữa lành. Phi-líp và Phao-lô cũng có ân tứ nầy. Chúng ta được biết rằng nhiều người được chữa lành khi họ chạm đến cái khăn quàng cổ của Phao-lô.

Điều quan trọng phải hiểu: Ân tứ chữa lành được viết trong hình thức số nhiều. Có những ân tứ chữa lành trong những đường lối khác nhau với những con người khác nhau.

Chúa ban cho tôi ân tứ dạy dỗ, tôi không có ân tứ chữa lành. Dầu vậy trải qua nhiều năm, tôi thèm muốn các ân tứ làm phép lạ, đức tin và sự chữa lành. Tôi đi vào đồng vắng của sự cầu nguyện và kiêng ăn trong một thời gian dài, chờ đợi Chúa ban cho những ân tứ nầy. Lúc còn thanh niên, tôi nuôi dưỡng tham vọng trở nên một bác sĩ y khoa. Vì thế tôi thực sự quan tâm đến sự chữa lành người bệnh, tôi có một sự thương cảm dành cho họ.

Khi Chúa kêu gọi tôi vào chức vụ. Tôi hy vọng trong chức vụ của mình tôi có thể giúp đỡ nhiều người nhận được sự chữa lành từ Chúa. Tôi biết rằng các ân tứ Thánh Linh được Chúa phân phát cho mỗi người theo ý Ngài muốn. Nhưng tôi hy vọng là Chúa sẽ ban cho tôi những ân tứ nầy.

Tuy nhiên điều đó không bao giờ xảy đến. Vì thế tôi đầu phục ý muốn Đức Chúa Trời.

Ba mươi năm về trước tôi hướng dẫn một lớp học Kinh Thánh tại nhà cùng với một số anh chị em. Nhóm chúng tôi rất quan tâm đến chủ đề Đức Thánh Linh. Tôi sống ở Corona và chạy xe thường xuyên đến Bờ biển Laguna vào mỗi ngày thứ hai để cùng học tập nghiên cứu với các bạn trong chủ đề nầy.

Vào một buổi tối kia, có hai phụ nữ từ phong trào Thời Đại mới đến trong buổi nhóm nghiên cứu Kinh Thánh của chúng tôi. Tinh thần của hai chị em nầy đang tràn đầy những điều phấn khích. Ngày hôm trước họ đã có mặt trong mặt buổi nhóm thờ phượng có phép lạ được hướng dẫn bởi Kathryn Kuhlman tại một phòng nhóm ở Los Angeles. Họ đã nhìn thấy nhiều người bệnh được chữa lành qua chức vụ của cô ấy. Kết quả là hai chị em nầy được biến đổi quan niệm tôn giáo của họ để quay về với Chúa Jesus. Họ đang rạo rực, nóng cháy trong sự vui mừng của Đức Chúa Trời, và quyền năng của Chúa Jesus Christ mà họ đã tận mắt chứng kiến tại Los Angeles.

Quá xúc động và ấn tượng về lời chứng của hai chị em, tôi lái xe trở về nhà tối hôm đó và cầu nguyện: “Lạy Chúa con ao ước có những ân tứ chữa lành, đức tin. Con đã nghe thấy sự biến đổi kỳ diệu qua lời chứng tối nay”. Từ rất lâu rồi tôi đã không cầu nguyện xin những ân tứ nầy và giờ đây tôi cố gắng thuyết phục Đức Chúa Trời ban cho tôi những điều ấy. Tôi nài nỉ Chúa: “Con hiểu tại sao trước đây Ngài không ban cho con những ân tứ đó, vì con còn non nớt, chưa đủ khả năng để sử dụng nó. Nhưng giờ đây con đã trưởng thành. Con rất muốn có nó!”

Ngay lập tức tôi nghe tiếng Chúa phán trong lòng tôi: “Ta đã kêu gọi con trong chức vụ dạy dỗ Lời Ta.” Ngài phán: “Không phải tất cả đều là giáo sư, không phải tất cả đều có các ân tứ chữa lành”. Và một lần nữa, tôi bằng lòng. Tôi chấp nhận quyết định của Ngài, và xác định tôi phải làm gì trong ơn kêu gọi của Ngài. Trong suốt 10 năm sau đó tôi không bao giờ nhắc lại với Chúa về điều nầy.

Nhưng vào một buổi tối kia, khi tôi còn đang đứng ở bục giảng sau giờ thờ phượng mà quyền năng Đức Thánh Linh đã vận hành trước đó. Tôi nhìn theo những người tiến đến phòng cầu nguyện tiếp nhận Chúa, trong khi những người khác còn ở lại khán phòng tan vỡ khóc lóc trong sự bình an vui mừng. Tôi đứng đó ghì chặt bục giảng, tắm mình trong hiện diện và quyền năng Chúa hành động, vui hưởng sự ngọt ngào tuôn đổ trong sự vận hành của Đức Thánh Linh mà Chúa đã ban cho trong giờ thờ phượng. Tôi tạ ơn Chúa, thưa với Ngài: “Chúa ôi, Ngài đã làm rất nhiều điều kỳ diệu cho Hội Thánh Calvary Chapel. Ở đây, có lẽ chỉ có một khía cạnh trong Hội Thánh ở sách Công vụ bị bỏ qua: các phép lạ và các sự chữa lành. Có nhiều người được chữa lành và chúng con cũng đã nhìn thấy các phép lạ. Mặc dù đây không phải là tất cả những gì con đọc được trong sách Công Vụ. Nhưng bây giờ con khao khát những những ân tứ nầy. Chúa ôi, con muốn có nó”. Ngay lúc đó Đức Chúa Trời lại phán trong lòng tôi, lần nầy Ngài bảo: “Ta đã kêu gọi con bước đi trong một đường lối tốt đẹp hơn.”

Ngài nhắc tôi nhớ lại những lời Phao-lô đã nói trong 1 Cô-rinh-tô 12:31: Hãy ước ao những ân tứ tốt nhất. Tôi nghĩ đây là điều mình đang tìm kiếm. Nhưng Phao lô tiếp tục nói: Tuy nhiên tôi sẽ chỉ cho anh con đường tuyệt hảo hơn ( hơn cả các ân tứ chữa lành và phép lạ). Và con đường tuyệt hảo, ân tứ đó chính là tình yêu. “Mặc dù tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nhưng nếu không có tình yêu thì điều nầy cũng vô nghĩa. Mặc dù tôi có ân tứ tiên tri, hiểu biết mọi sự mầu nhiệm và mọi tri thức, nhưng nếu không có tình yêu, tôi cũng chẳng là gì cả”(1 Cô-rinh-tô 13:1-2).

Chúa hỏi tôi: “Con biết những điều nầy không?” Tôi thưa: “Lạy Chúa cảm ơn Ngài, con biết. Con sẽ tiếp tục bước đi và chia xẻ tình yêu của Ngài.” Tại sao tôi lại có thể từ chối một đường lối tốt hơn mà Ngài dành cho tôi?

Dĩ nhiên tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện cho người đau ốm. Tôi tin sự đặt tay trong danh Jesus, tôi tin sự xức dầu. Đây là những điều thuộc linh. Một số người được chữa lành, một số khác thì không. Tôi giao phó điều nầy cho Chúa. Tôi biết cá nhân tôi không thể chữa lành ai. Tôi biết sự giới hạn của mình. Tôi có sự cảm thông sâu xa với những người bệnh, nhưng tôi không thể chữa lành họ. Khi ấy hãy để họ cho Đức Chúa Trời. Tôi không thể thực hành, bày tỏ đức tin để chữa lành. Nếu Chúa hành động và đức tin có ở đó, hãy ngợi khen Ngài! Nhưng đôi khi Ngài không làm việc trong đường lối nầy.

Tôi tin là khi bạn cầu nguyện tìm kiếm sự chữa lành, bạn nhận được ân tứ chữa lành. Tôi không nhớ mình được chữa lành bao nhiêu lần. Các con tôi cũng thế. Chúng tôi đã nhìn thấy quá nhiều phép lạ chữa lành kỳ diệu. Nhưng riêng tôi thì không có ân tứ nầy. Tuy nhiên Đức Chúa Trời là Đấng chữa lành.

 

CÓ PHẢI CÁC ÂN TỨ ĐÃ DỪNG LẠI?

patient_2435274b

Có một số người cho rằng các phép lạ bày tỏ quyền năng Đức Chúa Trời đã qua rồi sau thời đại các sứ đồ. Họ cho rằng Đức Chúa Trời đã ban cho Hội Thánh đầu tiên các phép lạ siêu nhiên phi thường để giúp Hội Thánh phát triển nhanh chóng trong một thế giới đối nghịch với Chúa Jesus. Những người nầy chủ trương là ngày nay chúng ta không cần các phép lạ siêu nhiên nữa, vì Hội Thánh có những công tác tổ chức, có hệ thống, phương tiện giáo dục tốt có khả năng thuyết phục thế giới ngoại bang trở về với Chúa Jesus.

Điều nầy mới nghe qua có vẻ hợp lý. Nhưng rõ ràng đã không có hiệu quả khi đi theo chủ trương đó. Trong tác phẩm Chức vụ chữa lành của Tiến sĩ G. Gordon, là người khai sinh ra Hội truyền giáo Alliance. Trong quyển sách nầy tác giả nhìn lại lịch sử Hội Thánh từ thời kỳ đầu tiên. Ông chỉ ra rằng  xuyên suốt lịch sử Hội Thánh luôn luôn có rất nhiều phép lạ chữa lành giữa vòng các cộng đồng Cơ đốc. Ngay cả John Wesley cũng đã nhìn thấy nhiều người được chữa lành qua lời cầu nguyện đức tin. Cuối cùng ông đi tới kết luận: các phép lạ chữa lành không mất đi sau thời đại các sứ đồ.

Bên cạnh đó, Kinh Thánh minh chứng từ sách sáng Thế ký đến Khải Huyền Đức Chúa Trời luôn chữa lành người bệnh qua lời cầu nguyện đức tin. Hiển nhiên Kinh Thánh đưa ra câu trả lời Đức Chúa Trời không dừng lại các phép lạ chữa lành sau thời đại các sứ đồ.

Con người có thể nhận được sự chữa lành bởi sự đụng chạm của Chúa vào đời sống họ. Đức Chúa Trời không bị giới hạn và Ngài cũng không tự giới hạn chính Ngài. Những người bệnh vẫn còn được chữa lành qua sự cầu nguyện đức tin.

 

SỰ CHỮA LÀNH TRONG CỰU ƯỚC

Sự chữa lành đầu tiên được ghi lại trong Sáng Thế ký 20. Khi Áp-ra-ham đi đến miền nam, kiều ngụ tại Ghê-ra. Ông giới thiệu Sa-ra với mọi người: Đây là em gái tôi. Khi A bi-mê-léc, vua Ghê-Ra sai người bắt Sa-ra đem vào cung, lập tức Đức Chúa Trời hình phạt A-bi-mê-léc và cả nhà ông đều son sẻ. Một đêm kia Đức Chúa Trời phán với A-bi-mê-léc trong chiêm bao: A-bi-mê-léc , ngươi sẽ chết vì cớ người phụ nữ mà ngươi đem vào cung, vì cô ấy đã có chồng rồi. Vua Ghê-ra trả lời: tôi đã không biết điều đó, vì chính Áp-ra-ham đã nói: Nó là em gái tôi.

A-bi-mê-léc gặp Áp-ra-ham vào sáng hôm sau: Ngươi đã làm gì cho ta vậy? Sa-ra nầy không phải là em gái ngươi, nhưng là vợ ngươi. Áp-ra-ham trả lời: Tôi sợ cho sự sống của tôi, vì cô ta là một phụ nữ xinh đẹp. Họ sẽ vì cớ cô ấy mà giết chết tôi. Vì vậy tôi đã nói cô ấy là em gái tôi. A-bi-mê-léc yêu cầu Áp-ra-ham đem vợ và đoàn tuỳ tùng của mình đi, ông cũng xin Áp-ra-ham cầu nguyện cho ông và cả nhà ông. Vì thế Áp-ra-ham cầu nguyện, Đức Chúa Trời chữa lành cho A-bi-mê-léc, vợ của ông, tất cả các đầy tớ gái trong nhà, và sau đó họ sinh được con cái.(Sáng thế ký 20:17)

Trong Xuất Ê-díp-tô 15:26, Đức Chúa Trời phán với dân Y-sơ-ra-ên : Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng chữa lành ngươi. Ngài bảo nếu họ chăm chỉ nghe Lời Ngài, làm sự ngay thẳng trước mặt Ngài, thì Ngài chẳng giáng cho họ một trong các bệnh nào mà Ngài đã giáng cho Ê-díp-tô. Khi chúng ta nghiên cứu cẩn thận Kinh Thánh, chúng ta thấy nguyên tắc trên đây chính là luật về sức khoẻ cho Hội Thánh. Nó đưa ra nguyên tắc chủ đạo để có một thân thể lành mạnh.

Trong Phục truyền 32:39 , Đức Chúa Trời phán: Bây giờ hãy xem ta là Đức Chúa Trời. Ngoài ta chẳng có Đức Chúa Trời nào khác. Ta khiến cho chết và  cho sống lại. Làm cho bị thương và chữa cho lành. Chẳng có ai giải cứu khỏi tay ta được.  

Trong Thi thiên 30:2, trước giả tuyên bố:  Giê-hô-va là Đức Chúa Trời tôi. Tôi kêu cầu cùng Chúa và Chúa chữa lành tôi. Sau đó trong Thi thiên 103 chúng ta được bảo hãy dâng sự cảm tạ Chúa vì Ngài tha thứ các tội ác, chữa lành mọi bệnh tật chúng ta.

Trong thời trị vì của vua Ê-xê-chia, Đức Chúa Trời sai tiên tri Ê-sai đến cùng ông và nói rằng: Đức Giê-hô-va phán như vầy: Hãy trối lại cho nhà ngươi, vì ngươi chắc sẽ chết, chẳng sống được đâu. Ê-xê-chia bèn quay mặt vào vách tường, cầu nguyện khẩn thiết với Chúa. Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện của vua, Ngài thấy nước mắt của ông. Chúa chữa lành và cho Ê-xê-chia sống thêm mười lăm năm nữa (2 Các vua 20:1-6).

Có lẽ điều  ý nghĩa nhất là khi tiên tri Ê-sai nói tiên tri về sự ngự đến của Đấng Christ: Nhưng người đã vì tội lổi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bệnh (Ê-sai 53:5). Tôi tin Chúa Jesus không chỉ cứu chúng ta khỏi tội lỗi , nhưng Ngài cũng chữa lành chúng ta.

 

SỰ CHỮA LÀNH TRONG TÂN ƯỚC

jesus-heals-a-leper-GoodSalt-dmtas0017

Phúc âm Ma-thi-ơ đã ghi lại Chúa Jesus chữa lành bệnh sốt của bà gia Phi-e-rơ. Vào buổi chiều người ta đem cho Đức Chúa Jesus nhiều kẻ bị quỉ ám, Ngài lấy lời nói mà đuổi quỉ ra, cũng chữa được hết thảy những người bệnh. Vậy cho được ứng nghiệm lời đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng: Chính Ngài đã lấy tật nguyền của chúng ta và gánh bệnh hoạn của chúng ta (Ma-thi-ơ 8:16-17)  

Chữa lành rõ ràng là một phần chính trong chức vụ của Chúa Jesus. Ngài uỷ thác sai phái các môn đồ ra đi, ban cho họ quyền năng đuổi quỉ và chữa lành các tật bệnh. Ngài phán: Hãy chữa lành kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung và trừ các quỉ. Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không (Ma-thi-ơ 10:8). Các chương tiếp theo chúng ta đọc thấy: Có nhiều người đi theo Ngài và Ngài chữa lành tất cả (Ma-thi -ơ 12:15). Trong Ma-thi-ơ 14:14, Ngài ở thuyền bước lên, thấy đoàn dân đông đúc, động lòng thương xót mà chữa cho kẻ bệnh được lành. Và trong Ma-thi-ơ 15:30, Bấy giờ có đoàn dân rất đông đến gần Ngài đem theo những kẻ què, đui, câm, tàn tật và nhiều kẻ đau khác để dưới chân Đức Chúa Jesus thì Ngài chữa cho họ được lành.

Chúa Jesus tuyên bố công việc chữa lành của Ngài nói lên mối liên hệ giữa Ngài và Cha thiên thượng. Ngài với Cha là một. Những việc Ngài làm, bao gồm việc chữa lành đều từ Cha mà đến (Giăng 10:30-32).

Chúa Jesus truyền lệnh cho các môn đồ làm công việc mà Ngài đã làm. Đây là mạng lệnh, không phải là lời đề nghị. Sự chữa lành người bệnh không chỉ là mục vụ của Chúa Jesus, nhưng nó cũng là của Hội Thánh trong thời kỳ đầu tiên.

Trong Công vụ 4:30, Hội Thánh cầu nguyện xin Chúa đưa tay ra chữa lành bệnh, làm các phép lạ. Và Công vụ 5:16, chúng ta đọc thấy những kẻ bị tà ma khuấy hại và những người đau ốm đều được chữa lành. Công vụ 8, mô tả chức vụ truyền giảng và chữa lành của Phi-Líp khi ông xuống Sa-ma-ri. Công vụ 28, nói đến chức vụ chữa lành của Phao lô khi ông ở trên đảo Man-tơ. Những người bệnh trên đảo đến cùng Phao lô và đều được chữa lành.

Sứ đồ Gia-cơ hỏi: Trong anh em có ai đau ốm chăng? Hãy mời các trưởng lão Hội Thánh đến, sau khi nhân danh Chúa xức dầu cho người bệnh, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người. Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu kẻ bệnh. Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy(Gia-cơ 5:14-15).

Xuyên suốt Tân Ước, có rất nhiều trường hợp nhận được sự chữa lành. Điều nầy rất rõ ràng trong Kinh Thánh.

 

TẠI SAO TRONG HỘI THÁNH NGÀY NAY THIẾU VẮNG SỰ CHỮA LÀNH?

Kinh Thánh nhấn mạnh sự chữa lành vật lý như thế. Vậy thì có một câu hỏi được đặt ra: Nếu Đức Chúa Trời chữa lành đáp lời sự cầu nguyện trong Cựu Ước. Việc chữa lành người bệnh là một phần trong chức vụ của Chúa Jesus. Và Hội Thánh đầu tiên đã tiếp tục công tác nầy rất thành công. Nhưng tại sao ngày hôm nay, chúng ta không nhìn thấy được nhiều hơn các phép lạ chữa lành?

Tôi không tin là Đức Chúa Trời đã  không còn chữa lành nữa. Sự thiếu vắng các phép lạ chữa lành hôm nay là do đức tin nơi con người. Chúng ta không nhìn thấy các phép lạ nhiều hơn vì sự nghi ngờ của chúng ta.

Chúng ta biết rằng khi Chúa Jesus trở về Na-xa-rét,quê hương của Ngài. Nơi đó Ngài không làm nhiều phép lạ, vì dân sự vô tín. Họ nghi ngờ Chúa bởi vì họ biết gia đình cha mẹ của Ngài, họ cho rằng Chúa chỉ là con trai của một người thợ mộc (Ma-thi-ơ 13:55-56).

Trong một lần khác, khi các môn đồ không thể đuổi quỉ ra khỏi đứa bé trai. Các môn đồ hỏi thầy mình: Vì sao chúng tôi không thể đuổi quỉ ấy được? Chúa đáp: Ấy là tại các ngươi ít đức tin. Vì ta nói thật cùng các ngươi, nếu các ngươi có đức tin bằng hột cải, sẽ khiến núi nầy rằng hãy dời đây qua đó, thì nó liền dời qua và không có sự gì mà các ngươi chẳng làm được ( Ma-thi-ơ 17:19-21).

Lý do khiến chúng ta không thể nhìn thấy nhiều sự chữa lành ngày hôm nay là do đức tin yếu kém của chúng ta. Lỗi thuộc về chúng ta, không phải lỗi của Đức Chúa Trời.

Một câu hỏi khác liên quan đến câu hỏi trên: Tại sao trong Hội Thánh ngày nay thiếu vắng các ân tứ chữa lành?

Tôi cho rằng lý do của điều nầy là vì ngày hôm nay có nhiều người lợi dụng ân tứ nầy để làm giàu cho chính họ. Họ có được sự nổi tiếng qua các chiến dịch chữa lành. Ân tứ của họ là thật, nhưng họ sử dụng các ân tứ nầy để kiếm tiền. Đây là điều rất nguy hiểm cho bất cứ ai có ân tứ nầy. Rất dễ bị cám dỗ để tôn vinh con người và kiếm lợi từ việc nầy. Ân tứ chữa lành được Chúa ban cho Hội Thánh không phải để làm giàu cho cá nhân nhưng vì phúc lợi của Hội Thánh, và cho những ai bên ngoài Hội Thánh muốn tìm hiểu về quyền năng của Chúa Jesus Christ.

 

TẠI SAO KHÔNG PHẢI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐƯỢC CHỮA LÀNH?

Tại sao có một số người được chữa lành, một số khác thì không? Câu trả lời của tôi là: Tôi không biết. Có nhiều điều tôi chưa hiểu về sự chữa lành thiên thượng.

Chúng ta nhớ lại trường hợp của Phao-lô, sứ đồ có ân tứ chữa lành. Bản thân ông bị bệnh. Ông nói về điều nầy trong Ga-la-ti 4: 13-15: Anh chị em biết rằng qua sự đau yếu trong thân thể mà tôi đã truyền giảng Phúc âm cho anh chị em lần đầu tiên. Mặc dù tình trạng sức khoẻ của tôi là một thử thách cho anh chị em, anh chị em đã không khinh khi, không phỉ nhổ…Vì tôi làm chứng cho anh chị em rằng: Nếu có thể được thì anh chị em cũng móc mắt hiến cho tôi.

Trong 2 Cô-rinh-tô 12, Phao-lô nói đến một cái dằm xóc vào thịt mà ông phải chịu. Và trong 1 Ti-mô-thê 5:23, ông khích lệ Ti-mô-thê, người con trong đức tin phải uống một ít rượu vì có vấn đề về hệ tiêu hoá. Chắc chắn là Phao-lô đã từng cầu nguyện cho Ti-mô-thê. Tôi không tin là Phao-lô đã không đặt tay trên đứa con đức tin của mình và cầu nguyện xin Chúa chữa lành. Nhưng ở đây Chúa đã không trả lời, vì thế vị sứ đồ đã đưa ra một biện pháp chữa trị: Đừng chỉ uống nước luôn, nhưng phải uống một ít rượu.

Hãy nhớ là trong Phi-líp 2: 25-30, Phao-lô nói đến Ép-ba-phô-đích đã bị đau gần chết. Còn trong 2 Ti-mô-thê 4:20, Trô-phim được Phao-lô cho ở lại  Mi-lê vì bệnh.

Tại sao Đức Chúa Trời đáp lời sự cầu nguyện, ban sự chữa lành, nhưng đôi khi Ngài không đáp lời. Tôi không biết. Tôi biết có một số người cho rằng họ có thể đi theo một phương cách đặc biệt nào đó để nhận được sự chữa lành. Họ tổ chức những buổi hội thảo về sự chữa lành. Điều trái ngược là khi họ hướng dẫn những buổi hội thảo như vậy thì chính họ bị bệnh. Khi con người nghĩ rằng họ có tất cả các câu trả lời, thì Đức Chúa Trời chỉ ra rằng họ không có. Sự chữa lành không đến xuyên qua một phương cách.

Cách duy nhất mà tôi có thể giải thích về điều nầy: Đây là công tác của Đức Thánh Linh, Ngài điều khiển, tể trị mọi việc trong việc ban cho ân tứ cũng như trong việc vận hành ân tứ đó. Nếu bạn có ân tứ chữa lành bạn không thể cầu nguyện cho bất cứ ai bạn muốn, đi bất cứ nơi đâu để cầu nguyện và nhìn thấy họ được chữa lành. Khi bạn cầu nguyện cho người bệnh, Chúa sẽ chữa lành cho một số người, và cũng có một số khác không nhận được sự chữa lành. Tôi không tin là chúng ta biết được tại sao một số người được chữa lành và một số khác thì không. Chỉ có Đức Chúa Trời mới biết tại sao!

Sự thật là có một số đời sống tin kính, công nghĩa vẫn bị đau khổ và chết vì ung thư, trong khi những kẻ ác, bất nghĩa sống khoẻ mạnh cho đến cuối đời. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết được mọi đường lối của Đức Chúa Trời. Phép lạ chữa lành là một ví dụ.

Tôi nghĩ những lời chứng như thế nầy rất sâu nhiệm: “Tôi cầu nguyện khẩn xin Đức Chúa Trời chữa lành tôi. Tôi biết rằng Ngài có thể chữa lành tôi. Tôi biết Ngài có một mục đích và một kế hoạch cho bệnh tật của tôi. Vì vậy tôi phó thác chính tôi cho ý muốn và chương trình của Ngài. Ngài biết điều gì là tốt nhất cho tôi, tôi yên nghỉ trong ý muốn Ngài. Tôi sẽ không bối rối hay nổi điên lên vì không được chữa lành. Tôi giao nộp tôi cho Ngài”. Phi-e-rơ đã nói: Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời , hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo hoá thành tín (1 Phi 4:19). Khi bạn đặt niềm tin trọn vẹn vào Chúa, bạn có thể nói: “Tất cả ở trong tay Đức Chúa Trời. Ngài đang làm điều mà Ngài biết là tốt nhất.” Nhiều khi đây lại là một phép lạ lớn hơn.

images

Khi bạn đặt niềm tin trọn vẹn vào Chúa, bạn có thể nói: “Tất cả ở trong tay Đức Chúa Trời. Ngài đang làm điều mà Ngài biết là tốt nhất.” Nhiều khi đây lại là một phép lạ lớn hơn.

HY VỌNG CHO NGƯỜI BỆNH

Tôi cầu nguyện xin Chúa ban các ân tứ chữa lành cho nhiều người trong Hội Thánh. Tôi tin rằng các ân tứ nầy góp phần hoàn thành chức vụ của Đức Thánh Linh trong Hội Thánh. Nó cũng mang lại những phúc lợi cho Hội Thánh từ việc thực hành các ân tứ kỳ diệu nầy.

Nếu bạn bị bệnh, tôi khích lệ bạn cầu nguyện và đặt niềm tin nơi Chúa là Đấng chữa lành bạn. Tôi biết Chúa có thể chữa lành bạn, và khuyên bạn trông đợi nơi Ngài sự chữa lành. Bạn có thể trị liệu bằng các phương pháp y học thông thường, nhưng phải biết rằng nó có giới hạn. Tuy nhiên Đức Chúa Trời thì không hề bị giới hạn. Ngài có thể làm trỗi hơn những gì bạn cầu xin hoặc suy tưởng. Hãy đặt niềm tin nơi Chúa,  Ngài là Đấng chữa lành.

 

PastorChuckSmith_Carousel

CHUCK SMITH

Translated by Tuong Vi

 

Đọc thêm: https://huongdionline.com/2015/08/14/duoc-chua-lanh/

 

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn