Thứ Năm , 21 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Hy Vọng Của Người Việt

Hy Vọng Của Người Việt

Hy Vọng Của Người Việt

nguoi-viet-doc-it-nhau-nhieu-675x400

Tôi tự hỏi làm thế nào để người Việt có thể theo kịp người Mỹ trong đời sống? Ở Mỹ có khoảng 2 triệu người Việt sinh sống, gia đình nào cũng đã theo kịp người Mỹ về đời sống kinh tế. Ngày nay người ta hay nói đến quyền lực cứng và quyền lực mềm. Cứng là sức mạnh bên ngoài, mềm là sức mạnh bên trong. Sức mạnh bên trong ảnh hưởng sức mạnh bên ngoài. Bên trong là đời sống tâm linh. Để theo kịp trình độ đời sống tâm linh, tôi nghĩ chúng ta phải bắt đầu một tiến trình biến đổi từ trong mỗi cá nhân cho đến mỗi gia đình. Thay đổi bên trong chắc chắn sẽ dẫn đến thay đổi bên ngoài.

 

Người Việt, nam hay nữ, già hay trẻ, miền Nam hay miền Bắc, ai ai cũng có những đức tính tốt, những khả năng để tiến bộ. Tiềm năng của người Việt thật to lớn, vì người Việt thông minh, ham học và muốn đổi thay. Tôi suy nghĩ đến gia đình. Đối với người Việt, gia đình là quan trọng. Gia đình là một mái ấm, có ông bà, cha mẹ, con cháu sống chung, trên thuận dưới hòa. Gia đình là gia giáo, gia phong, là giọt máu đào, là tình cảm ruột thịt, là sợi dây ràng buộc. Trải qua bao nhiêu năm tháng, từ mùa lạnh qua mùa nóng, từ chiến tranh qua hòa bình, từ thời xưa đến thời nay, qua các giai đoạn lịch sử thăng trầm, từ nghèo đến giàu, từ học ít đến học nhiều, người Việt vẫn duy trì và phát triển được những giá trị quý báu của gia đình. Gia đình là quan trọng. Gia đình tan vỡ là xã hội tan vỡ. Gia đình là dân tộc, gia đình là quê hương. Là di sản. Gia đình là nơi chôn nhau cắt rún. Là cái nôi, là bầu sữa mẹ, là tiếng mẹ đẻ. Là chữ quốc ngữ. Gia đình là mái nhà, là miếng cơm, món ăn, ly nước, đôi đũa, chiếc võng, món quà, quyển vở, cây viết, đôi dép, cái áo, cái quần… nụ hôn.  Gia đình là ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ, tình nghĩa vợ chồng, tình huynh đệ, tình bà con… Tôi thích khái niệm “Kính Lão Đắc Thọ” mà người Việt trân trọng.

Bạn có thấy tình cảm gia đình là quan trọng không? Ai đã ràng buộc bạn như thế?

Chính Đức Chúa Trời đã ban cho tất cả chúng ta những giá trị của gia đình. Chúa truyền chúng ta phải hiếu kính cha mẹ, phải quý trọng người già cả. Phải yêu thương thiếu nhi, nhi đồng. Chúng ta quen thuộc với lời dạy của người xưa: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân.” Nhưng Chúa còn dạy: “Điều các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm điều đó cho họ.” Rõ ràng đạo đức con người là cao nhưng lời dạy của Chúa là cao quý hơn.

Bạn có yêu cha mẹ bạn không? Bạn có đến thăm, có hỏi chuyện, có tặng quà, có nói lời cảm ơn hay lời an ủi khích lệ cha mẹ bạn không? Đối với người Việt, mối liên hệ tốt với cha mẹ là quan trọng bởi vì đây là mối quan hệ ân nghĩa nhất, ích lợi nhất.  Đừng chỉ nghĩ đến bề ngoài, hãy chú ý đến bề trong. Người Việt xưa nay luôn khích lệ con cháu sống có hiếu với cha mẹ, không một ai muốn mang danh là đứa con bất hiểu cả. Hiếu kính cha mẹ là điều hợp ý với Đức Chúa Trời. Ngài đã ban cho nhân loại lời hứa lớn, “Hãy hiếu kính cha mẹ người hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất.”

Người Việt xưa nay ai nấy đều cố giữ tốt truyền thống hiếu kính cha mẹ. Điều nầy rất hợp ý Trời vì đây là một điều răn quan trọng trong Bản Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Người Việt đa số đều muốn bày tỏ lòng hiếu kính cha mẹ y như cách người xưa dạy bảo. Chẳng hạn mỗi nhà dù muốn hay không cũng có lập bàn thờ gia tiên, có nghi thức cúng giỗ ông bà. Cả xã hội đều chấp nhận phong tục nầy, không ai muốn làm khác người ta. Người Việt thích xưa bày nay bắt chước. Nhưng người Việt hay cực đoan vì nghĩ rằng gia đình nào không tỏ lòng hiếu kính cha mẹ như mình, không bày biện cúng kiến như mình, không lập bàn thờ ông bà tổ tiên và không thắp hương khấn vái như mình là bất hiếu, là bỏ ông bỏ bà.

Người Việt quên mất kinh nghiệm xem trái biết cây. Những hình thức thờ cúng cũ có làm cho người Việt yêu kính cha mẹ hơn không? Bạn có tỏ lòng hiếu kính thực sự khi cha mẹ bạn còn sống không? Người Mỹ và các dân tộc khác không tỏ ra hình thức hiếu kính như người Việt, không lẽ họ đều bỏ ông bỏ bà cả sao?

i 5

Giống như các xã hội loài người, ở khắp các nước, chỗ nào cũng có những tập quán cổ truyền. Tập quán nào cũng có cái tốt, có cái không tốt, có cái đúng, có cái không đúng, có cái hợp thời có, cái lỗi thời, chúng ta cần suy nghĩ và phân biệt. Chúng ta phải biết phân biệt giữa truyền thống với đức tin, giữa sự hữu ích và vô ích. Chúng ta cũng phải biết phân biệt giữa cái thật với cái giả. Cái thật nên giữ, cái giả nên bỏ. Đây là những quyết định khó khăn đối với nhiều người Việt, một vấn đề thực tế vẫn còn cho đến ngày nay. Đừng để hình thức tập tục cổ truyền trở thành cái ách mà chính chúng ta và con cháu chúng ta không mang nổi. “Vậy bây giờ, tại sao anh em dám thử Đức Chúa Trời, gán cho các môn đồ cái ách mà tổ phụ chúng ta hoặc chính chúng ta cũng không thể mang nổi?” (Công Vụ 15:10).

Người Việt đang có nhiều cản trở trên đường tiến bộ. 

Nan Đề Chính Của Người Việt

 

Nan đề chính của người Việt là gì?  Tôi muốn nói đến cái nan đề gốc rễ dẫn đến mọi nan đề khác của người Việt chúng ta là gì?

Trong đời sống làm người, mối liên hệ giao thông giữa người với người là quan trọng. Nhưng quan trọng nhất là mối liên hệ giữa người với Trời. Số phận của loài người tùy thuộc vào sự hòa thuận hay sự bất hòa với Đức Chúa Trời. Hãy suy nghĩ đến hình ảnh thập tự giá với cây gỗ có chiều đứng và chiều ngang, tượng trưng cho quan hệ với Trời theo chiều đứng và quan hệ với người theo chiều ngang. Chiều đứng mà vững thì chiều ngang sẽ vững theo.

images (3)

Chúng ta hãy nhận diện sự thật. Bạn đang có mối liên hệ hòa bình với Trời?  Hay bạn đang có mối bất hòa với Trời? Bạn đã có mối liên hệ tốt với Đức Chúa Trời chưa? Người Mỹ hay nói, “Not religion but relationship.” Câu nầy có nghĩa, “Không phải có tôn giáo là đủ, nhưng là có mối liên hệ với Đức Chúa Trời.” Mối liên hệ hòa bình với Đức Chúa Trời là nhu cầu tâm linh quan trọng nhất của mỗi người chúng ta.

Đọc Kinh Thánh tôi thấy có lần Đức Chúa Trời nói, “Dân nầy lấy môi miếng tôn vinh ta nhưng lòng chúng nó cách xa ta lắm!” Một chỗ khác tôi đọc, “Nầy, tay Đức Giê-hô-va chẳng trở nên ngắn mà không cứu được; tai Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được đâu. Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.”

Tại sao Chúa Cứu Thế Giê-su nói: “Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta?”

Khi có một người đàn bà nhận xét: “Phước cho bụng đã mang Ngài và vú đã cho Ngài bú! Chúa Giê-su đã phán, “Những kẻ nghe và giữ lời Đức Chúa Trời còn có phước hơn!”

Tại sao những kẻ nghe và giữ Lời Chúa có phước hơn?

Tôi nghĩ tại vì trước mặt Chúa, mối liên hệ tốt với cha mẹ là quan trọng nhưng mối liên hệ tốt với Đức Chúa Trời là quan trọng hơn. Vì cha mẹ là trăm năm, Chúa Trời là đời đời. Cha mẹ hữu hạn, Chúa Trời vô hạn. Cha mẹ không có khả năng ban phước nhưng Chúa Trời có khả năng ban phước.

Khi người con hoang đàng trở về nhà cha, anh đã cầu nguyện, “Con đã đặng tội với Trời và với cha.” Thứ tự ưu tiên ở đây trước hết là với Trời rồi mới đến với cha. Chúng ta làm trọn bổn phận với cha mẹ nhưng trước hết cũng phải làm trọn bổn phận đối với Trời.

Chúa Giê-su đã từng tuyên bố: “Hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa, hãy trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời.” Chúng ta có bổn phận với nhà cầm quyền dưới đất, chúng ta cũng có bổn phận với nhà cầm quyền trên trời.

Người Việt cần biết thực trạng tâm linh của mình. Thực trạng nầy sẽ dẫn đến phước hay dẫn đến họa. Chúng ta đang có một khoảng cách rất xa, một vực sâu rất lớn trong mối liên hệ đối với Đức Chúa Trời.

Người Việt tin có Ông Trời và mọi sự đều do Ông Trời tiền định nhưng nhiều người Việt không biết mối liên hệ giữa người Việt với Ông Trời đang bị đứt đoạn, phân cách. Người Việt đa số chưa trở lại thờ Trời đúng nghĩa. Nếu có ai trở lại thờ Trời theo sự mách bảo bởi tấm lòng của mình thì hình thức thờ Trời như thế cũng chưa đúng nghĩa. Lời Chúa có phán dạy loài người rằng: “Đức Chúa Trời là Thần nên ai thờ phượng Ngài phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng” (Giăng 4:24). Điều nầy có nghĩa loài người phải thờ Trời bằng tấm lòng dưới sự hướng dẫn của Linh Trời và Lời Trời (tức Đức Thánh Linh và lời Kinh Thánh). Mọi nan đề của người Việt đã nảy sinh từ mối liên hệ bị phân cách với Đức Chúa Trời.

 

Người Việt cần tái lập mối liên hệ với Đức Chúa Trời

Vì chưa biết Đức Chúa Trời là Đấng tối thượng, có một và thật nên người Việt chưa có mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Người Việt đang hài lòng với các hình thức tôn giáo và lầm tưởng đó là đường lối thật của Đức Chúa Trời. Đó cũng là lý do mối liên hệ giữa phần đông người Việt và Đức Chúa Trời đang bị phân cách, gián đoạn.

Bạn có biết mối liên hệ giữa bạn với Đức Chúa Trời đang bị phân cách không? Mọi nan đề của đời sống bạn nẩy sinh từ mối liên hệ phân cách nầy. Hậu quả là dầu có tôn giáo bạn cũng luôn luôn cảm thấy bất an, đau khổ, trống rỗng, cô đơn, lo lắng, sợ chết, không hy vọng… Các tôn giáo nghĩ là họ đã giúp bạn khám phá ra phương pháp thoát khổ. Họ dạy bạn cố gắng tu luyện, tự cứu rỗi. Nhưng dù tu thân tích đức đến bao nhiêu, loài người xưa nay không ai đạt đích. Trong bao nhiêu ngàn năm có tôn giáo đã trôi qua nhưng con người vẫn khổ, vẫn lo. Tôn giáo do con người sáng lập đã không phân biệt được đâu là nguyên nhân, đâu là hậu quả. Họ nghiên cứu hậu quả nhưng không biết nguyên nhân. Vì thế, các giải pháp đề nghị của loài người là không chắc, mãi mãi chỉ là lý thuyết. Phải biết nguyên nhân mới giải quyết được hậu quả. Không triết lý nào giải quyết được nguyên nhân gốc rễ căn bản của loài người. Ít người biết nguyên nhân chính của mọi mối khổ đau con người đang gánh chịu là loài người đã quay lưng với Đức Chúa Trời. Nhiều người đã quên mất Đức Chúa Trời. Họ đang ở dưới cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Người Việt đang có nan đề to lớn nhất. Người Việt đang sống trong tình trạng tội lỗi và phân cách với cội nguồn hạnh phước.

images (4)

Do không có mối liên hệ với Đức Chúa Trời nên người Việt đã miệt mài tìm theo các tôn giáo. Các tôn giáo thì theo các phong tục, phần lớn các phong tục tín ngưỡng dân gian đều do mê tín, hậu quả gây ra là hy vọng giả dối, tốn kém, vô ích, lầm than, sống đã khổ càng thêm đau khổ. Nhiều người Việt đang bị gông cùm xiềng xích của đồng bóng, ma thuật, tối tăm và các tà ma giả làm thiên sứ sáng láng. Một ách nô lệ không lối thoát. Người Việt cần phải mong muốn thoát ách nô lệ để vui hưởng tự do. Thoát được khỏi ách nô lệ của tôn giáo, của mê tín  là sự giải phóng tâm linh to lớn nhất giống y như dân Israel đã được Đức Chúa Trời giải cứu thoát ách nô lệ 400 năm dưới bàn tay sắt của người Ai Cập.

 

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

(Còn nữa)

Bài trước: https://huongdionline.com/2016/05/28/dao-troi-2/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn