Thứ Năm , 16 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / KẺ BÁCH HẠI HỘI THÁNH

KẺ BÁCH HẠI HỘI THÁNH

p

Là một người Do Thái thuộc chi phái Bên-gia-min, nhưng Sau-lơ được sinh ra trong một gia đình trung lưu ở thành phố Tạt-sơ (ngày nay thuộc Thổ nhĩ kỳ). Đây là một thành phố thuộc đế quốc La Mã, vì vậy Sau-lơ có quốc tịch Rô-ma. Lớn lên Sau-lơ được gia đình gởi về Giê-ru-sa-lem và học tập với thầy tế lễ cả Ga-ma-li-ên. Tuy dáng người thấp bé nhưng Sau-lơ cực kỳ thông minh, chàng trai này nhanh chóng lĩnh hội tất cả những tinh hoa của Do Thái Giáo và trở thành một trong những hạt giống xuất sắc của phái Pha-ri-si. Ngoài ra Sau-lơ còn được trang bị những tri thức cao nhất của nền văn hóa Hy lạp và La tinh. Anh ta là một thanh niên sốt sắng và nóng cháy theo truyền thống của giáo hội đương thời, có khả năng đọc thuộc lòng bộ Kinh Thánh Cựu Ước, được xem như  một ngôi sao đang lên của giáo hội truyền thống. Khi sứ đồ Ê-tiên bị ném đá, trở thành người tử đạo đầu tiên của hội thánh vào năm 34 thì Sau-lơ đứng ở phía sau hậu trường im lặng quan sát và khoan khoái mỉm cười, hài lòng về việc này.Khi theo dõi những hoạt động của Chúa Jesus và các sứ đồ trong hơn ba năm ở xứ Pha-lét-tin, Sau-lơ đã âm thầm lên một kế hoạch để chống lại Chúa Jesus và các môn đệ của Ngài. “Đây là một nhóm nguy hiểm cho nền tảng của Do Thái Giáo. Ta phải vận động các trưởng tế để xin một lệnh truy nã đối với bọn chúng”. Sau-lơ đã nghĩ về Chúa Jesus và những người theo Ngài theo cách đó.

Năm 30 Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá. Sau-lơ nghĩ rằng đạo của Chúa rồi cũng sẽ lụi tàn theo năm tháng. Nhưng khác với mong đợi của Sau-lơ, từ tầng trên của một ngôi nhà tại Giê-ru-sa-lem, Phúc Âm của Chúa Jesus Christ đã bùng nổ ra khắp  thế giới.

Hội thánh trong những ngày đầu tiên đã lan ra nhanh chóng sau khi sứ đồ Phi-e-rơ giảng một sứ điệp nẩy lửa trong ngày lễ Ngũ tuần và sau đó Ê-tiên tuận đạo. Sau-lơ cùng với đám tùy tùng của mình đã đến một số ngôi nhà của những người qui đạo trấn áp và tống giam họ vào tù. Ông ta trở thành một trong những kẻ đầu tiên bắt bớ  hội thánh thời các sứ đồ.

Sau một hội nghị đặc biệt của các thầy tế lễ để tìm mọi cách tiêu diệt hội thánh đầu tiên từ trong trứng nước, Sau-lơ đã nhận được một chỉ thị qua một lá thư của thầy tế lễ thượng phẩm tại kinh thành Giê-ru-sa-lem:

“Anh có toàn quyền để truy nã tất cả những kẻ nào tuyên xưng danh Jesus”. Bằng cách đó, các thầy tế lễ đầy quyền uy đã trao cho Sau-lơ một  nhiệm vụ: Bắt và giải về Giê-ru-sa-lem tất cả những ai theo Jesus, người Na-xa-rét. Sau-lơ trở nên một kẻ bách hại đạo Chúa chuyên nghiệp được các quan chức tôn giáo hậu thuẫn!

Sau-lơ lên đường đến Đa mách vào năm 35 để thực hiện sứ mạng được ủy thác. Ra đi với một quyết tâm nóng cháy là phải tiêu diệt cho kỳ được hội thánh trong thời kỳ sơ khai, Sau-lơ nói với nhóm tùy tùng:

– Nếu ta không tiêu diệt những kẻ theo đạo của Jesus, bọn chúng sẽ lan ra như cỏ dại.

Các thành viên trong nhóm phụ họa:

– Xin Thiên Chúa ban sức mạnh cho ông để ông làm được điều lòng mình ao ước.

Không ai có thể ngờ những gì xảy ra sau đó trên chuyến đi tới Đa-mách. Khi đang đi đường Sau-lơ bỗng ngã xuống và ông hoàn toàn không biết việc gì đang xảy ra.

–  Hỡi Sau-lơ, tại sao ngươi bách hại ta? Có một tiếng nói với âm giọng sang sảng uy nghiêm, chung quanh Sau-lơ là một luồng ánh sáng chói lòa từ trên cao như đèn pha công suất lớn.

– Lạy Chúa, Ngài là ai? Sau-lơ hoảng hốt hỏi.

– Ta chính là Jesus mà ngươi đang bắt bớ.

Sau-lơ mắt vẫn mở nhưng trước mặt ông trời đất bỗng tối tăm mù mịt. Ông đã bị mù!

Cả nhóm tùy tùng đi theo nghe tiếng nói nhưng không thấy gì cả. Mọi người bấn loạn tinh thần. Thủ lĩnh của họ đã bị đốn ngã một cách siêu tự nhiên!

Đám tùy tùng miễn cưỡng nắm tay Sau-lơ dắt ông  vào thành phố Đa-mách.

Đức Chúa Trời đang hành động để bày tỏ uy quyền của Ngài trên một kẻ bách hại các cơ đốc nhân.

Trong ba ngày tiếp theo sau, Sau-lơ nhận được một bài học lớn. Ông ta không ăn uống trong thời gian đó mặc cho đám tùy tùng ép ông phải ăn hoặc uống một chút gì.

Sau-lơ bắt đầu cuộc hành trình tìm về cội nguồn của mình. Tâm thức ông vẫn hoạt động trong suốt ba ngày đặc biệt đó. Dường như ông bước vào trong sự kiêng ăn toàn phần để chuẩn bị cho những khải thị thiên thượng. Chỉ có cá nhân ông biết được điều gì đang xảy ra trong tâm trí làm đảo ngược những tri thức cũ kỹ của ông.

Không ai phủ nhận Sau-lơ có một tấm lòng sốt sắng về Đức Chúa Trời, nhưng nhận thức của ông về Ngài cần phải được điều chỉnh.

Là một con người đầy bản lĩnh, một thủ lĩnh xuất sắc của phái Pha-ri-si, có thể nào Sau-lơ bị khuất phục và từ bỏ con đường bắt bớ đạo Chúa?

Đức Chúa Trời quyền năng làm những điều không thể trở thành có thể. Sau-lơ chính là tác phẩm trong bàn tay của Người Thợ Gốm vĩ đại.

Trong ba ngày không ăn uống, tư tưởng Sau-lơ đã được thay đổi cách kỳ diệu. Những đồn lũy và thành trì trong tâm trí của ông bị đốn ngã bởi một quyền năng siêu nhiên!

Sau-lơ nhớ lại tất cả những sự kiện về Chúa Jesus mà ông đã từng theo dõi trong hơn ba năm chức vụ của Chúa. Trong những năm ấy ông là một viên chức tôn giáo im lặng theo dõi những bước chân của Chúa với một tinh thần đố kỵ. Những gì không phù hợp với kiến thức của mình thì Sau-lơ xem đó là phản nghịch, chống lại Đức Chúa Trời và Giáo hội. Giờ đây ánh sáng thiên thượng đã làm cho ông thấy những quan điểm và hành động trước đây của mình thật sai lầm. Ông đã từng bách hại các Cơ đốc nhân trong những ngày đầu tiên. Khi làm như thế ông tưởng rằng mình đang hầu việc Chúa. Còn bây giờ Sau-lơ thấy những việc làm của mình là đáng hổ thẹn.

p 2

Để khuất phục một con người cứng cỏi, luôn bảo thủ gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc, Đức Chúa Trời đã hành động theo cách của Ngài. Không có một công thức nào là cố định được áp dụng cho từng cá nhân, Thiên Chúa đã bày tỏ sự thương xót của Ngài trên một người đứng đầu những kẻ bắt bớ các Cơ đốc nhân.

Khi Chúa hành động thì những hòn đá vô tri cũng trở thành con cháu của Áp-ra-ham! Sau-lơ là ai mà có thể chống lại Chúa? Từ một con sói có thể trở nên một con cừu trong bầy của Chúa. Đó chính là quyền năng của Phúc Âm trong trường hợp Sau-lơ.

Sau-lơ đã được điều chỉnh trong nhận thức về Chúa Jesus Christ và thập tự giá của Ngài. Những năm trước đó ông phủ nhận chức vụ của Chúa Cứu Thế. Còn bây giờ, gió đã xoay chiều: Sau-lơ đã được Chúa Jesus mặc khải chính Ngài cho ông. Ông đã được gặp Chúa cách cá nhân! Những gì về Chúa Jesus mà ông chống đối trước đây lại trở thành ánh sáng chân lý cho cuộc đời ông. Ông đã được thay đổi để công bố Phúc Âm của Chúa Jesus.

Cùng lúc đó, A-na-nia một môn đồ cư trú tại thành Đa mách được thần của Chúa mách bảo trong giấc chiêm bao:

-Thức dậy đi. Hãy đến nhà Giu-đa tại đường phố Ngay Thẳng hỏi thăm về Sau-lơ, người Tạt-sơ. Anh ta đang cầu nguyện tại đó.  Anh ta đã được thông báo từ trong dị tượng là sẽ có ngươi đến đặt tay trên anh ta hầu cho anh ta có thể sáng mắt lại.

A-na-nia biện luận:

– Chúa ôi, theo con biết, người này là một kẻ bắt bớ những ai kêu cầu danh Chúa Jesus. Có lẽ nào con lại đến giúp đỡ nó sao?

Nhưng Chúa phán với A-na-nia:

-Ngươi hãy đi, vì ta đã chọn Sau-lơ để thực thi một sứ mệnh quan trọng: anh ta sẽ trở nên một người rao giảng Phúc Âm cho mọi dân tộc, gồm cả các vua.

A-na-nia vâng lời, đi đến đúng địa chỉ mà Chúa đã hướng dẫn. Ông đặt tay trên Sau-lơ và trịnh trọng tuyên bố:

– Anh Sau-lơ thân yêu, Chúa Jesus đã sai tôi đến đây để anh được sáng mắt và nhận lãnh Đức Thánh Linh.

Phép lạ xảy ra! Sau lơ cảm nhận một vật gì như vảy cá rơi ra khỏi đôi mắt mù lòa của ông. Sau- lơ đã được nhìn thấy trở lại. Ông nhìn A-na-nia và mọi người trong nhà Giu-đa qua một lăng kính hoàn toàn mới.

Khi ánh sáng đến thì bóng tối lùi xa!

Sau-lơ đứng dậy, ăn năn tội lỗi và nhận lãnh phép báp-tem. Một cuộc đời đã được thay đổi! Một kẻ bắt bớ hội thánh được biến đổi để chuẩn bị trở thành một sứ đồ trứ danh.

Không bao lâu sau đó, người ta thấy Sau-lơ xuất hiện trong các nhà hội Do Thái tại Đa-mách. Sau-lơ đứng lên, công bố:

-Chúa Jesus là Con Đức Chúa Trời.

Mọi người đều sững sờ. Họ bị sốc! “Tên này đã từng bắt bớ những ai kêu cầu danh Jesus, mà tại sao hôm nay có cớ sự lạ lùng này?” Đám đông ồn ào hỏi nhau.

Sau-lơ càng rao giảng về Chúa Jesus, ông ta càng trở nên mạnh mẽ, xác quyết, chứng tỏ Jesus là Đấng Mê-si làm cho nhiều người Do Thái không thể bẻ bác được.

Sau-lơ đã khai hỏa cho những sứ điệp về Chúa Jesus bất chấp mọi nghi ngờ về tính chính danh của ông.

Từ một người thuộc hàng ngũ Pha-ri-si bảo vệ truyền thống của Do Thái Giáo, Sau-lơ  đã được Chúa kêu gọi và trở thành sứ đồ của Chúa Jesus Christ. Những lời giảng đầu tiên của Sau-lơ làm cho những người bảo thủ trong giáo hội ở Đa-mách vô cùng tức giận, và họ tìm cách giết ông. Sau-lơ biết được âm mưu đó, ông trốn thoát khỏi thành phố vào ban đêm nhờ sự trợ giúp của các tín hữu. Họ đã cho ông vào một cái thúng rồi thòng ông xuống qua lỗ hổng trong vách thành.

Sau-lơ bắt đầu chức vụ của mình với nhiều khó khăn.

Ông trở về Giê-ru-sa-lem gia nhập với cộng đồng hội thánh, nhưng hầu hết đều e ngại về tư cách của ông. Chuyện này cũng dễ hiểu, vì rõ ràng hồ sơ của ông có vấn đề. Một tên bắt bớ đạo Chúa trở nên môn đồ!  Điều này rất khó thuyết phục các tín hữu khác.

Nhưng Ba-na-ba, một người đầy dẫy Thánh Linh và đức tin đứng ra bảo lãnh cho tư cách và mục vụ của Sau-lơ. Ba-na-ba bênh vực và làm chứng tốt về ông trong cuộc họp chung với các sứ đồ. Nhờ điều này Sau-lơ đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố Giê-ru-sa-lem tiếp tục rao giảng về Chúa Jesus và tham gia tranh luận sôi nổi với những người Do Thái nói tiếng Hy Lạp. Họ thấy Sau-lơ thực sự nguy hiểm, có tiềm năng phá đổ nền tảng của Do Thái Giáo, nên  những người này cũng tìm cách thủ tiêu ông. Các tín hữu thấy tình hình bất lợi cho Sau-lơ nên tìm cách đưa ông rời Giê-ru-sa-lem, trở về ẩn cư ở Tạt-sơ là quê nhà của ông một thời gian.

Đạo Chúa tiếp tục lan rộng qua chức vụ của các sứ đồ  và hội thánh đầu tiên. Sau khi Ê- tiên bị ném đá cho đến chết, hội thánh ở Giê-ru-sa-lem bị bắt bớ và một số thánh đồ chạy tới An-ti-ốt. Tại đây họ làm chứng về danh Jesus và Chúa đã làm cho nhiều người qui đạo. Hội thánh ở Giê-ru-sa-lem nghe tin bèn cử Ba-na-ba đến An-ti-ốt. Ba-na-ba đến nơi tận mắt chứng kiến một làn sóng Phúc Âm đang lan rộng, ông biết nơi này cần đến ân tứ của Sau-lơ. Vì vậy ông đến Tạt-sơ vào năm 43 để mời Sau-lơ đang ẩn cư về An-ti-ốt đồng công với ông cùng giảng dạy giúp đỡ cho các tín hữu mới tại An-ti-ốt. Chức vụ của Sau-lơ bắt đầu khởi sắc từ đây. Ông đã có đất để dụng võ! Ba-na-ba và Sau-lơ là hai sứ đồ đã có những đóng góp rất lớn cho việc hình thành nên hội thánh tại An-ti-ốt. Cũng chính từ thành phố này mà Sau-lơ và Ba-na-ba được Chúa kêu gọi ra đi truyền giáo.

images

Từ khoảng năm 46 cho đến cuối đời vào năm 64 sau Công nguyên, Sau-lơ còn được gọi là Phao-lô đã rao giảng Phúc Âm trên khắp đế quốc La Mã rộng lớn từ Châu Á đến Châu Âu. Ông đã thực hiện ba chuyến hành trình truyền giáo đi vào lịch sử, khai sinh hàng loạt hội thánh và viết mười ba thư tín trong Tân Ước, đặt nền tảng căn bản cho thần học của Cơ Đốc Giáo. Trong các thư tín của ông bao gồm nhiều chủ đề về thần học, các vấn đề trong hội thánh cũng như bên ngoài xã hội. Có thể nói rằng nhờ sự soi dẫn của Chúa Thánh Linh ông trở thành trước giả chính của Tân Ước. Ông không chỉ là một sứ đồ in đậm dấu vết thập tự của Chúa Jesus Christ, nhưng đồng thời cũng là một giáo sư cơ đốc với khả năng văn chương uyên bác. Phao-lô đã góp phần làm cho bộ mặt văn hóa của đế quốc La Mã thay đổi qua công tác truyền giáo và các thư tín của ông trong Tân Ước.

Ông đã đi qua nhiều thử thách khó khăn trong chức vụ như: bị giam cầm, roi vọt, ném đá, đói khát, lạnh, chìm tàu…và suýt thiệt mạng vì những âm mưu sát hại ông. Những sự khổ nạn vì danh Chúa là không kể xiết đối với vị sứ đồ trứ danh này. Đồng thời Chúa cũng đóng dấu ấn của Ngài trên chức vụ đầy dẫy quyền năng và phép lạ của ông.

“Hãy bắt chước tôi như chính tôi đã bắt chước Đấng Christ vậy”. Phao-lô đã viết lời này trong thư tín 1 Cô-rinh-tô 11:1. Ông được nhiều học giả Kinh Thánh công nhận là một trong những người mà sau khi đã gặp Chúa Cứu Thế thì trở nên bản sao của Ngài.

Theo truyền thuyết Phao-lô bị chém đầu vào năm 64 dưới thời hoàng đế Nê-rô vì rao giảng Phúc Âm. Chức vụ trên đất của ông kết thúc, nhưng tầm ảnh hưởng của ông thì vượt qua mọi thời đại và các nền văn hóa khác nhau.

TƯỜNG VI   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn