(Câu chuyện của chị Huỳnh Hoa Chi)
“Tôi xin giới thiệu cho mọi người, “Chị Lan nói với cái giọng đặc sệt chất Hải Phòng của mình, nhưng đầy trìu mến và phấn khởi, cánh tay phải của chị vẫn đặt trên vai người phụ nữ khi họ vừa mới vào đến nhà. “Đây nà em Chi, bạn cùng học trong nớp (lớp) tiếng Anh của tôi.” Tất cả mọi khuôn mặt trong nhà đều hướng về phía người phụ nữ tuổi đã qua trung niên đang rất e-dè gật đầu chào đáp mọi người. Với làn da trắng mịn, dáng mảnh mai trong chiếc áo khoác màu ngà, quần Jean trắng và mái tóc đen, quăn tự nhiên xõa xuống ôm lấy bờ vai. Khuôn mặt trái xoan đó được tô điểm bằng cặp mắt to, khá lanh lợi và cân đối làm cho khuôn mặt của chị vốn đã khả ái lại càng thêm thân thương. Với thể hình bên ngoài như vậy người phụ nữ U 50 này đáng ra, phải là một người được yêu chiều trong hạnh phúc gia đình. Nhưng không! Dù là bên ngoài dễ thương ấy vẫn không dấu được một nét buồn buồn, một cái gì đó toát ra sự tổn thất trầm trọng từ bên trong tâm hồn của một người phụ nữ Sài Thành. Trên khoé mắt và cái nhìn có vẻ ngơ ngác của chị tiềm ẩn một nỗi đau mà không ai khác ngoài một Đức Chúa Trời ra mới có thể khơi lên, giải mã, và chữa lành cho chị.
Sau khi được giới thiệu với mọi người, chị Chi bẽn lẽn ngồi xuống trên chiếc ghế mà chị Lan người Hải Phòng đã nhanh tay kéo ra dành riêng cho mình. Trên những chiếc ghế quanh chiếc bàn hình bầu dục, mọi người đã ngồi sẵn an vị, và hôm nay chủ nhà đãi mọi người trong nhóm học món ‘Giò heo giả cầy,’ đây là món xào lăn, thứ đặc sản mà chỉ có người Hải Phòng mới có thể xào và cho gia vị đúng độ chuẩn của nó. Đã đến đúng giờ, và bữa cơm được dọn ra để mọi người trong nhóm cùng dùng bữa trưa thân mật với nhau trước khi họ học Thánh Kinh.
“Nào chúng ta cùng san sẻ với nhau ngắn gọn và xúc tích trong vòng hai ba phút những gì mà ta đã trải nghiệm trong tuần vừa qua!” Người hướng dẫn nhóm học Thánh Kinh là một vị Mục Sư tuổi còn khá trẻ. Ông lên tiếng để mọi người trong nhóm học cùng bắt đầu tập trung tinh thần khi ông nhìn thấy mọi người đều đã ăn xong. Những chiếc dĩa chén đã được dọn đi và trên mặt bàn đó đã bắt đầu được thay vào bằng những cuốn Thánh Kinh được đặt lên ngay ngắn. Khi được cơ hội san xẻ, ai ai trong nhóm cũng kể rôm rả về những câu chuyện đã xảy ra trong cuộc sống của mình. Họ nêu lên những khám phá trong tâm hồn khi đọc và suy gẫm những câu trong Thánh Kinh mà tuần trước họ đã học cho mọi người trong nhóm cùng nghe. Họ cũng không quên nêu ra những nan đề và để mọi người trong nhóm cùng cầu thay cho nhau. Đây là thói quen trong mỗi buổi học Thánh Kinh của họ bởi vì chỉ mỗi kiến thức không thôi thì không đủ để gây dựng Hội Thánh của Chúa mà cả những mối quan hệ, sự tương quan mật thiết với nhau qua những câu chuyện rất thật đã xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của mỗi một con người của Chúa.
Chị Lan Trần thì luôn luôn nhanh nhảu, hăng hái và hôm nay chị say sưa kể về phép lạ đã xảy ra cho đứa cháu ruột của chị trên quê hương Việt Nam. Chị vừa kể, vừa đưa ra những tấm hình mà chị đã chụp được làm bằng chứng sinh động về sự vận hành của Đấng Thánh Linh trong việc khôi phục và chữa lành bệnh cho đứa cháu mà bác sỹ chuyên khoa đã bó tay. “Họ đã quyết định gửi cháu về để chết, nhưng Chúa đã đụng chạm và cứu cháu.” Phép lạ xảy ra khiến chị Lan Trần rưng rưng cảm động nói trong nghẹn ngào của nước mắt. Hết lượt chị Lan Trần thì đến chị Thảo. Trái ngược với cách nói nhanh, lưu loát và năng động của chị Lan, là lối nói chậm rãi nhưng chắc như đinh đóng cột của chị Thảo khi kể về chuyện cuộc đời của chị, nay được Chúa ban cho tự do, được giải thoát ra khỏi ách tôn giáo.
“Khi chưa biết đến Chúa, và chưa tin nhận danh Ngài thì cứ đầu tuần cuối tháng là tôi bận tối mắt… Nhất là trong những dịp tết, dịp rằm đến thì ôi thôi… là bận! Nay đến với Chúa thì những thứ bận rộn vô lợi kia không còn… bận rộn kia đã được Cứu Chúa cất đi…” Anh Trân Phạm, chồng chị Thảo thì nói to và rõ về nguồn vui khi được quay trở về nhà Chúa để hát nhạc thánh và thông công cùng các tín đồ. “Nguồn vui của tôi là hằng tuần được gặp nhau để học và biết ý Chúa trong Thánh Kinh.” Một ông bà họ Lưu mới di dân từ Ý qua cũng san xẻ ngắn gọn nhưng xúc tích về khám phá trong mối quan hệ với Cứu Chúa và Hội Thánh của Ngài. Bà Thuyết Phạm thì lau tau nói liến thoắng về những gì mà bà kinh nghiệm trong Chúa mới đây và những nỗi đau mà bà vẫn đang phải trải qua trong tình cảm của gia đình bà. “Nếu tôi có mối tương giao mật thiết cùng Chúa, chắc chắn tôi không phải trải qua những nỗi đau… mà hôm nay hậu qủa đó không thể được giải quyết trong một sớm, một chiều”. Mọi người đều đã rôm rả nói hết lượt, nhưng riêng chị Chi, thì chị vẫn ngồi im không nói gì. Cặp mắt to, lanh lợi của chị mở ra, chớp chớp khi lắng nghe những câu chuyện sống động của mọi người trong nhóm, nhưng nhiều khi, chị Chi chỉ muốn nhìn xuống chân của chiếc bàn. Khuôn mặt trái xoan của chị khi nhìn xuống, làm lộ ra và tăng thêm những nét đăm chiêu.
“À chị Chi! Mọi người nói hết rồi! Chị có thể san xẻ cùng mọi người trong nhóm để họ biết chị rõ hơn… Chị đến Úc lâu chưa… và bằng cách nào mà chị Lan Hải Phòng có thể dẫn chị đến với nhóm học Thánh Kinh ngày hôm nay được?” Vị Mục Sư trẻ tuổi là người điều khiển nhóm học Thánh Kinh hỏi chị Chi với cách hỏi mở rất khôn khéo mà chị Chi gần như không thể không trả lời.
“Mọi người cho phép tôi quan sát nha…,” chị Chi nói với giọng rất Sài thành và đầy vẻ e thẹn, “vì tôi rất mới, và hôm nay là lần đầu tiên đến với nhóm… tôi… tôi xin được pass.” Vị Mục Sư trẻ, tươi cười gật đầu đồng ý với chị Chi, “Vâng… thế thì chị Chi cứ thoải mái quan sát mọi người trong nhóm nhé… chị có toàn quyền…!” và ông tiếp tục quay sang hướng dẫn mọi người.
“Bài học hôm nay của chúng ta vẫn sẽ là tập trung vào phân đoạn 3 của thư mà Phao-lô đã viết và gửi cho Hội Thánh vùng Cô-lô-se. Nào, chúng ta cùng mở Thánh Kinh ra và đọc kỹ lại những gì mà chúng ta đã đọc tuần trước.” Ông Mục Sư lên tiếng hướng dẫn mọi người để tìm ra địa chỉ của đoạn Thánh Kinh vì đa số những tín đồ trong nhóm đều là những người mới đến với Cứu Chúa Giê-su, cho nên họ chưa quen tìm địa chỉ của Thánh Kinh do đó ông trầm ngâm chờ đợi mọi người. Một vài người xì xào hỏi nhau về đoạn Thánh Kinh và tiếng xột xoạt của những trang Thánh Kinh được mở ra. Chị Chi vì là người mới cho nên chỉ ngồi đó nhìn mọi người truy tìm đoạn và câu trong Kinh Thánh. Chị Lan Trần thì luôn luôn nhanh nhảu và mạnh dạn mở trang Thánh Kinh của mình, sau đó chị với lấy cuốn Thánh Kinh sơ cua ở trên bàn để tìm ra đúng địa chỉ. Chị Lan dùng hai tay nâng và trân trọng chuyển cuốn Thánh Kinh lại cho chị Chi để cả hai cùng đọc, “Đây lày… em đọc đi!” Chị Lan âu yếm khuyên!
Thánh Kinh đã mở ra đúng địa chỉ và mỗi người trong nhóm đọc một câu trong phân đoạn Thánh Kinh đó theo sự hướng dẫn của Mục Sư.
“Chúng ta đã đọc và bây giờ ta cùng thảo luận với nhau… Qúy ông bà anh chị em thấy điểm gì được đề cập và nhấn mạnh trong 17 câu này? Đấng Thánh Linh đã nêu gì trong tâm trí của mỗi chúng ta khi ta đọc những câu Thánh Kinh ấy?” Vị Mục Sư hướng dẫn mọi người trong nhóm và hỏi một cách nhỏ nhẹ nhưng sắc bén, như để nhắc nhở và thúc giục mọi thành viên cùng tìm ra lời và ý Chúa đã động chạm vào lòng họ. Vì là đoạn Thánh Kinh đề cập về một cuộc sống được thay đổi bởi Cứu Chúa Giê-su do đó mọi người trong nhóm đều học và thảo luận sôi nổi và thẳng thắn về những gì mà Phao-lô đã viết và khuyên nhủ các tín hữu tại thành Cô-lô-se về một lối sống mới trong đời sống thuộc linh của mình. Nếu như khi nãy họ san xẻ về những suy tư trong tuần một cách rôm rả, thì bây giờ khi thảo luận về lá thư Phao-lô gửi cho Hội Thánh tại thành Cô-lô-se trong đoạn 3 họ càng bàn sôi nổi hơn,và sức hấp dẫn của những câu, những ý tứ của lời Chúa cũng tăng thêm. Ông Mục Sư trẻ ngồi đó trong nhóm học, ông chăm chú lắng nghe từng ý kiến của từng người và luôn luôn gật đầu để khích lệ mọi người cứ tiếp tục bàn thảo. Bởi vì ông biết rằng, người ta chỉ tìm tòi thêm trong Thánh Kinh và trong tâm tư của họ, khi họ nhận ra ý kiến của họ được lắng nghe và coi trọng. Tỉa sửa trong giáo lý và chỉnh đốn tâm tư của mỗi người theo Chúa là cả một quá trình lâu dài trong suốt cả đời của người bước theo chân Chúa. Biết vậy và ông luôn luôn điềm tĩnh không bao giờ tỏ ra một chút hấp tấp hay vội vàng khi hướng dẫn mọi người mặc dù ông vẫn còn khá trẻ.
” Thế còn chị Chi,” ông gọi tên chị Chi và cười khà khà để giảm thiểu căng thẳng trong tâm trí của chị vì hơn ai hết ông biết rõ, những người mới đến với Hội Thánh thường rất e ngại phải nói lên quan điểm của mình.
“Chị mới đến với nhóm học Thánh Kinh hôm nay, vậy chị có suy nghĩ gì không? Chị có quyền đóng góp ý kiến thoải mái cùng mọi người hôm nay đấy chị! Mọi người sẽ lắng nghe ý kiến của chị.” Ông Mục sư trẻ tuổi quay sang chị Chi khi biết rằng mọi người đã nói hết lượt. Thấy Mục Sư trẻ tuổi hỏi và tỏ thái độ ôn hoà, khiêm nhường và thoải mái, mọi người trong nhóm cũng rất cởi mở bằng những chuỗi cười của họ, nên chị Chi tuy là lần đầu tiên tham dự nhưng cũng phần nào gia tăng tính tự tin. Chị mạnh dạn thêm và nói.
“Chị mới đến với nhóm lần đầu qua sự giới thiệu của chị Lan đây… dzà không biết sẽ phải nói gì… Mọi người cho phép tôi được im lặng nha… biết đâu, vài lần sau tôi sẽ đóng góp ý kiến của mình.” Chi Chi nhoẻn miệng cười giao thiệp.
Ông Mục Sư trẻ ngồi cạnh mọi người trong cùng bàn và hướng dẫn lớp học, họ cùng nhau thảo luận Thánh Kinh và ông luôn luôn quan tâm tới tất cả mọi người. Nhưng bởi lẽ tự nhiên, ông phải chú ý tới những ai mới đến với nhóm bất kể họ là ai, và thuộc da mầu hay tôn giáo gì, nhưng ông không thôi thúc hoặc ép buộc. Ông hiểu rõ, tín đồ có thể mời thân chủ đến Hội Thánh, nhưng chính Đấng Thánh Linh mới là đấng đem thân chủ trở về với Chúa. Ông phải làm trọn vẹn trách nhiệm của một nhịp cầu giữa Chúa và thân chủ.
“Bài học xong rồi… đáng lẽ ra chúng ta sẽ cầu nguyện chung, nhưng hôm nay tôi muốn chị Lan Trần sẽ cầu nguyện kết thúc bài học.” Và chị Lan luôn luôn cầu nguyện cho mọi người, chị không quên cầu nguyện cho sự thăm viếng đặc biệt của Đức Chúa Trời cho những người trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại và Việt Nam quê nhà.
“À chị Chi… Em thật sự chưa làm việc này bao giờ, trong cộng đồng người Việt, nhưng hôm nay em xin phép chị cho em được đặt tay lên vai của chị để cầu nguyện cho chị. Chị không từ chối đấy chứ? Thật ra em cũng chưa đặt tay lên bất kể ai trong nhóm, nhưng hôm nay, em nhận thấy Chúa cảm động và em muốn được đặt tay lên vai của chị trước mặt mọi người ở đây để cầu nguyện.” Ông Mục Sư trẻ xưng hô chị em với chị Chi để cho vẻ gần gũi của những người thân trong gia đình. Khi chị Chi gật đầu đồng ý và vị Mục Sư nói rõ cho mọi người trong nhóm cùng nghe.
“Chị Lan, chị lại đây… Em muốn chị đứng xích lại gần chị Chi và ôm lấy vai chị Chi nhé. Chị cứ ôm vai chị Chi để cho em cầu nguyện.” Vị Mục Sư cầu nguyện ngắn gọn và thỉnh cầu Chúa thăm viếng và chúc phước cho gia đình của chị Chi, nhưng sau khi cầu nguyện ông nói với chị Chi và cũng như nói cùng tất cả mọi người trong nhóm.
“Chị Chị à, em chưa từng gặp chị, nhưng hôm nay trong buổi học này, trước mặt mọi người ở đây, em có thể nói rằng chị đang bị tổn thương cùng cực… Chị đã trải qua những nỗi đau của một người làm vợ… Hôm nay chị đến đây không phải chỉ là do được mời tới, mà Chúa muốn thăm viếng chị cách đặc biệt. Chúa muốn băng bó, Chúa muốn rịt vết thương lòng của chị. Chị có cho phép Chúa làm việc này không?” Chị Chi không nói mà chỉ gật gật cái đầu.
“Khi em cầu nguyện cho chị, chị hãy nhắm mắt… hãy thả lòng… hãy thử cởi mở cõi lòng mà chị đã bao nhiêu năm qua bó chặt lại. Chúa muốn chữa lành cho chị. Chị mở lòng được chứ?” Lại những cái gật đầu tiếp theo vì chị Chi đồng ý. Và trong những lời cầu nguyện sau đó, Chúa đã thăm viếng chị Chi.
Những giọt nước mắt từ từ lăn ra, và từ từ chảy xuống đôi gò má. Giọt nước mắt ấm làm tan ra chất than mà chị đã kẻ trên mi mắt trước khi đi học. Nước mắt ấm chảy ra làm trôi đi chất than và cùng nhau chảy xuống, nước mắt trộn với than nó bỗng nhiên trở thành đôi giòng mầu xám chảy trên khuôn mặt, trên làn da trắng mịn có thoa chút son, khiến khuôn mặt của chị Chi hôm nay như có ai vẽ vào hai vệt chì ngộ nghĩnh.
Chị Chi mím môi cho nước mắt chảy qua khoé miệng và lăn xuống cằm. Chị lấy tay với tờ tít-siu mà chị Lan Trần vừa trao cho chị và cố gắng lau khô đôi dòng nước mắt đang tiếp tục đổ ra.
“Xin lỗi mọi người… tôi thật sự quá xúc động…” Chị Chi nói trong tiếng nấc. “Cuộc đời của tôi là những chuỗi buồn…! Buồn mà không dám nói cho ai biết…! Buồn mà không biết thổ lộ cùng ai! Bấy lâu nay tôi không được ngủ ngon…!” Chị Chi chỉ ngừng lại trong tiếng khịt mũi của nghẹn ngào.
Buổi học Thánh Kinh kết thúc và mọi người ra về, với những lời dặn dò rằng sẽ gặp nhau trong Hội Thánh để cùng nhau thờ phượng vào ngày Chúa Nhật và sẽ tiếp tục gặp nhau để học Thánh Kinh vào thứ Tư tuần tới.
“Mục Sư ơi, tại sao ông cầu nguyện như vậy cho tôi hồi tuần trước?” Chị Chi hỏi và nhìn lại vị Mục Sư trẻ một cách lạ lùng sau một tuần. “Chị không hỏi để tầm ra kiến thức, mà chị hỏi để biết… không hiểu tại sao Chúa lại có thể thăm viếng chị một cách đặc biệt trong nhóm học Thánh Kinh này.”
“Chị Chi à, em chỉ là nhịp cầu giới thiệu Chúa Giê-su cho chị mà thôi… Khi Ngài thăm viếng, Ngài sẽ gây cảm động trong lòng mỗi con người mà Ngài muốn họ thuộc về Ngài. Tất cả mọi người trong nhóm đây toàn là những người được tái sinh qua tay Chúa.” Mục Sư khiêm nhường nói chuyện và giải thích ngắn gọn cho chị Chi.
“Em không biết tại sao… Nhưng em chỉ muốn Chúa của quyền năng là đấng duy nhất có thể làm lành vết thương lòng của chị. Quyền năng thuộc về Chúa, không phải là của em!”
“Lếu, (nếu) Chúa cảm động, vậy… sao Chi không mở lòng ra đón Chúa vào làm chủ cuộc sống của mình ngày hôm nay? Ở đây có Mục Sư… Mở lòng ra đi Chi!” Tiếng chị Lan với giọng đặc sệt của Hải Phòng khích lệ và thúc giục.
Chị Chi đứng đó nhìn mọi người, và chị nhìn Mục Sư lưỡng lự. Ông Mục Sư gật đầu khích lệ chị Chi.
“Tôi sẽ phải làm gì đây?” Chị Chi cất tiếng khàn khàn do vừa bị xúc động hỏi. “Tôi mới đến với nhóm có một lần mà tự nhiên tôi rất muốn được gần gũi với Chúa Giê-su của quý vị.” Chị Chi vừa hỏi vừa cố giấu đi sự bẽn lẽn của mình.
“Chị không phải làm gì hết thảy, chị chỉ mở lòng ra đón mời Chúa Giê-su là Cứu Chúa của mình và cầu nguyện theo em. Chị làm được chứ?” Chị Chi gật đầu và trong căn phòng vừa là phòng khách, vừa là nhà bếp, vừa là phòng ăn của một tín hữu của Chúa đã trở thành nơi mà chị Chi tuyên xưng đức tin của mình với Cứu Chúa của chị.
Sự cứu chuộc của Chúa và ân phúc của Ngài bắt đầu tuôn đổ vào cuộc sống của người phụ nữ cô đơn mà chị luôn luôn chỉ muốn có thêm sự hiện diện ấy của Chúa. Có lẽ sự tuôn đổ đầu tiên làm cho chị Chi cảm thấy phước hạnh và bị bắt phục đó là chị bỗng nhiên cảm thấy mình được yêu thương, được quan tâm và trải nghiệm một sự an bình từ sâu thẳm trong tâm hồn. Có lẽ sách vở và ngôn từ của những nhà văn đại tài cũng không thể nào diễn tả được nguồn vui và sự bình an đó trong chị. Hơn thế nữa, chị Chi bắt đầu càng ngày càng am hiểu lời của Đức Chúa Trời trong Thánh Kinh. Chúa của chị đã dẫn chị qua từng câu trong Thánh Kinh và mỗi lần chị đọc là mỗi lần chị nhận ra sự ngọt ngào của một lá thư của người Cha, của người tình viết cho chị. Chị Chi vui lòng đón nhận lời Chúa trong Thánh Kinh và qua ân điển của Ngài mà chị Chi như người đã ngủ lâu ngày đột nhiên bừng tỉnh và trong cõi lòng chị tự nhiên cảm thấy biết ơn vô cùng với Chúa và lời Ngài mà cách đây bao nhiêu năm chị không bao giờ biết tới.
Cuộc hành trình cùng với Chúa của chị bắt đầu cũng từ đây. Chị Chi cảm thấy phấn chấn khi gặp anh chị em tín hữu khác và cùng nhau hồ hởi khám phá ra những lời Chúa hứa. Hơn bao giờ hết chị Chi nhận ra đến với Chúa là trở về cùng Cha để đón nhận nguồn phước mà Ngài đã ban cho mọi người mà bấy lâu nay chị như người đi mơ mà không biết gì về lời hứa đó”
Tại chị Lan Trần đó… Ngày nào đi học chị ấy cũng nói hoài về Chúa, về phước hạnh của người theo Chúa.” Chị Chi nói và điểm vào đó là một nụ cười rạng ngời. “Nhiều khi chị cảm thấy nhức đầu không chịu được và muốn bịt tai không muốn nghe. ‘Người đàn bà bắc kỳ này hễ khi nào gặp là liến thoắng nói Chúa… Chúa… Chúa’ khi tôi đã bị quá ngấy với tôn giáo.” Chi Chi bật ra tiếng cười khì… khì hiền lành. Nụ cười rạng nở trên môi làm cho chị càng thêm xinh xắn.
“Nhưng rồi khi vắng cái chị Lan Hải phòng thì tôi lại nhớ…” Chị Chi bắt đầu toát ra tính khôi hài của một người phụ nữ mà bao nhiêu năm qua chị đã bỏ tù tính khôi hài, vui tươi đó.
Và sau đó là những ngày học Thánh Kinh với nhau, chị Chi hình như ít khi vắng mặt và trong những buổi học và với sự hiện diện của Đấng Thánh Linh mà chị Chi đã có thể thổ lộ hết nỗi lòng của một bà mẹ với anh chị em trong Hội Thánh Ngài. Cứ mỗi lần nỗi đau được nêu ra, là mỗi lần nỗi tủi hờn và cô đơn bị giảm thiểu và nhường chỗ cho nguồn vui. Nụ cười cứ tuôn theo lòng tự tin như người con khi trở về căn nhà cũ.
“Chị rất thích đọc và nghiên cứu phân đoạn Thánh Kinh mà Mục Sư đã hướng dẫn mọi người khi lần đầu tiên chị đến với HT…” Chị Chi nói. “Chị hơi tò mò đây… Tại sao cậu lại cho lớp học, học bài trong Cô-lô-se 3 và chúng ta phải học và thảo luận trong bài đó hằng mấy tuần ròng rã.” Chị Chi nay không gọi vị Mục Sư trẻ kia là Mục Sư nữa mà là chị và xưng cậu, trong tình cảm của một gia đình.
“Chúng em đã học bài trong Cô-lô-se 3 hằng mấy tuần trước khi chị đến. Mà tại sao chị lại hỏi như vậy?”
“Tại dzì… chị không phải là người của Chúa… nhưng khi đến đây với bài học và chị quan sát… chị nhận ra mọi người đều có hoàn cảnh… Chị bị dẫn dắt đến đây bởi chị Lan… và qua bài học, qua lời cầu nguyện mà chị cảm thấy luôn luôn muốn đến…”
“Trong Cô-lô-se 3 chị hình như bị in trí với câu 4.”
“Vậy à? Câu đó nói gì vậy chị… Chị có thể nói rõ cho em và mọi người ở đây cùng nghe được không?” Mục Sư trẻ hỏi.
“Khi nào đấng Christ, là sự sống của anh em, sẽ hiện ra, bấy giờ anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong sự vinh hiển.”
“Vậy tại sao chị lại bị in trí trong câu này?”
“Cậu sao thích hỏi hoài…? Không bao giờ gặp mà cậu mà không bị hỏi!” Và lại một tràng cười thoải mái toát ra trên khuôn mặt khả ái.
“Bởi vì đây không phải là lời của em hay là lời của ai khác. Đây là lời của Chúa, viết bởi tay người nhưng do sự cảm động của Đấng Thánh Linh… Nếu như chị chỉ đến thăm viếng nhóm học Thánh Kinh vì lịch sự đáp lại lời mời của chị Lan thì là một vấn đề. Nhưng trong quan sát mà chị bị bắt phục bởi lời Chúa và bị in trí với lời này, chắc chắn Chúa muốn nói với chị điều gì đó cho chính cá nhân chị… và để chị thuộc về Ngài. Không phải em từng nói với chị rằng em chỉ là phương tiện, là công cụ của Chúa… và mai này chị cũng sẽ được Chúa đại dụng như vậy.”
“Theo chị hiểu một cách thô thiển,” chị Chi nói trong đắn đo và nhìn về phía Mục Sư, nhưng bắt gặp nụ cười cởi mở và phong cách sẵn sàng lắng nghe của ông cho nên sự đắn đo của chị được giải toả ngay lúc đó.
“Trong câu 4 chương 3 này Chúa bảo, Đấng Christ là sự sống của mọi người… và chỉ khi sự sống của Chúa được hoan nghênh đón nhận, được tồn tại và phát huy trong những con người này. Danh Chúa được hiển vinh, có nghĩa là được ca ngợi… được trân trọng… trong họ, thì những con cái của Ngài cũng bỗng nhiên được vinh hiển… được sáng láng.” Chị Chi nói xong và bẽn lẽn e- thẹn nhìn mọi người như để trắc nghiệm thêm lời của mình có đúng hay không!
“Chị nói hay quá… chí lí quá! Chị là người mới đến trong Chúa mà bỗng nhiên hiểu sâu sắc lời Chúa… Chị đã bị Chúa bắt phục và in trí trong câu này là vậy… Chị hãy lấy câu này là kim chỉ nam cho cuộc đời của mình nhé…!” Được Mục Sư tán dương chân thành, sự bẽn lẽn của chị Chi cũng tan theo. Khuôn mặt của chị sáng lên với sự tự tin trong mình.
“Chị Chi có thể kể cho em nghe cuộc đời của chị được không?” Mục Sư trẻ lại hỏi trong những lần gặp sau này và qua những bài học Thánh Kinh cùng nhau.
“Với ai thì chị sẽ không nói, nhưng với cậu thì chị sẽ kể sơ qua cho cậu nghe…”
“Chồng của chị bảo lãnh gia đình từ Việt Nam qua đây,” Chị Chi nhìn vào ông Mục Sư trẻ và mọi người trong nhóm để tâm sự. “Rời Việt Nam đến Sydney để định cư, chị tưởng rằng đời mình sẽ thăng hoa… Trên một phương diện nào đó thì đây là sự thật, nhưng trên phương diện tình cảm thì hoàn toàn không. Chị bị hụt hẫng đến gần như suy sụp.” Chị Chi dù có tự tin hơn nhưng khi giãi bày nỗi đau của cá nhân mình mà bấy lâu nay bị ấp ủ, chị không thể không để cho những giọt nước mắt lăn ra. Chị Lan Trần, người bạn trân thành và nhậy cảm của chị Chi luôn bên cạnh để như người chị em sẵn sàng chống lưng cho nhau và giúp chị Chi lau đi những giọt tủi hờn ấy.
“Ông xã của chị không phải là người có tính dại gái như những người đàn ông khác… nhưng ông ta lại có một nan đề khá trầm trọng. Ông ta là kẻ dại đạo! Chị không thể ngờ rằng, làm một người con trai mà ta lại có thể đắm đuối với một dị giáo…” Chi Chi ngừng lại trong giây lát để hình như làm cho trôi đi sự u uất trong lòng. “Ông ta đi thờ phượng một người đàn bà, chỉ ăn chay và bỏ bê vợ con… Có lần chị than phiền vì bị bỏ bê… chị hỏi.”
“Anh ơi! Anh bảo lãnh mẹ con em qua đây… Cả ba mẹ con em đang hoàn toàn phụ thuộc vào anh. Vậy tại sao anh lại quá đắm đuối với tôn giáo dị dạng mà đi tôn thờ, cúng dường một người đàn bà thái quá như vậy mà bỏ bê vợ con?” Khi bị chất vấn về vấn đề niềm tin của ông xã, và bị nêu lên đích danh người đàn bà mà ông ta và một số người đang đắm đuối thờ phượng. Ổng nổi đoá và cho rằng chị mạ lị tôn giáo của ổng, khuôn mặt của ổng trở nên hằm hằm dữ tợn và với bàn tay cứng như thép ông ta đã xông vào bóp cổ chị. Nếu không có những đứa con nhìn thấy và kêu khóc, van xin ba của chúng tha cho chị, thì chắc có lẽ ông ta xiết cổ chị cho đến chết luôn.” Chị Chi nói vậy và cái vai của chị thu nhỏ lại trong sự sợ hãi như một người vưa mới thoát qua sự kinh hãi của cái chết. “Khi bỏ tay ra và ông ta nhìn thẳng vào chị và các con mà tuyên bố.”
“Từ nay tao không còn phải là người chồng và người cha trong gia đình… Tao đã bảo lãnh mọi người qua đây… tao đã làm tròn trách nhiệm… vậy tụi bay hãy tự lo lấy mình…” Ông ta còn trừng mắt lên, cặp mắt tuy nhỏ, nhưng hôm nay, cặp mắt nhỏ ấy phơi ra toàn lòng trắng nhìn sắc như dao, rất hung tợn. Chị và các con sợ ông ta hết hồn và từ đó đến nay ông ta đoạn tuyệt.”
“Cuộc sống ở xứ Úc này với trăm ngàn cái tốt nhưng không phải là thiên đường,” Chị Chi tâm sự. “Đến đây nếu không có người thân… cô đơn là một vấn đề và phải vật lộn để sống lại là một vấn đề khác đè nặng lên mọi người.”
“Khi chị là một người mẹ trẻ một nách hai con thơ dại mà không có người chồng làm tròn trách nhiệm của mình mà đắm đuối với tôn giáo đến đoạn không coi gia đình là gì như vậy chắc chắn phải có nan đề… Trong tôn giáo của ông xã cũ của chị, chị nhận ra đa số những người theo giáo phái đó đều không có hạnh phúc gia đình. Chị toàn thấy họ đổ vỡ và muốn can ngăn chồng nhưng không nổi. Điều gì trong tôn giáo của họ xui khiến và khích lệ gia đình biệt ly?”
Mục Sư trẻ chỉ biết gật đầu lắng nghe thổ lộ của chị Chi. Ông biết rõ giáo phái mới nổi lên như cồn trong cộng đồng người Việt hải ngoại nhưng ông không có quyền phỉ báng họ mà chỉ biết khuyên chị Chi vượt qua những nỗi đau của một người làm vợ và làm mẹ ở xứ này.
“Hãy nhìn cây và biết trái nhé chị ạ,” Ông ta nhỏ nhẹ khuyên. “Em nhìn thấy giáo chủ của họ là một người phụ nữ mấy đời chồng và đến nay cũng không có hạnh phúc… Bà ta có thể nói nhiều về vấn đề ăn chay… gìn giữ thế gian… hay gìn giữ tính nguyên thuỷ của trái đất… Bà ta có thể nói nhiều về tâm linh nhưng như chị đã thấy đó, những thứ kia không phải là cốt lõi của sự sống. Thánh Kinh dạy ta là Chúa đến để ta có sự sống dư dật không phải làm cho đời bị lụi bại. Bông trái của mối tình Chúa trao là Galati 5:20.” Ông Mục Sư trẻ nghe và nêu lên tâm điểm của người theo Chúa.
“Như chị và một số người ở đây đã rõ. Đa số những người theo giáo phái đó bị xui khiến đến đổ vỡ trong gia đình. Em cảm ơn Chúa đã mở lòng dẫn chị đến cùng Ngài và cùng Hội Thánh Chúa và cho biết những tổn thất mà giáo phái kia đã gây ra nỗi đau không cần thiết cho gia đình của chị. Em hy vọng chị sẽ theo Chúa và trung tín thờ phượng Ngài. Chúa đến không mang cho ta tôn giáo mà đem về cho ta một mối tình của Cha trên trời.”
Vị Mục Sư trẻ tuổi nói nhưng luôn luôn quan sát để xem chị Chi muốn nói gì. Sự thành công của vị Mục Sư này là ông muốn đối thoại cùng mọi người trong Hội Thánh mà không muốn độc thoại. Ông biết, hằng Chúa Nhật ông đã có thời gian hàng tiếng đồng hồ trên toà giảng để độc thoại qua các bài giảng luận mà không bị chi phối. Còn trong tuần khi đối diện với mọi người ông luôn luôn nhớ rằng đây là cơ hội cho các tín hữu của Chúa đối thoại để nói lên tâm tư, nguyện vọng và những khám phá thuộc linh của họ. Người mới đến với Chúa,với Hội Thánh và cũng có thể do ảnh hưởng của phong tục tập quán cho nên họ ít khi nêu những cảm nghĩ của mình. Khi họ không được nêu lên những suy tư là khi Hội Thánh đánh mất những cơ hội, những nguồn vui của những người mới trở về bên Chúa. Do kinh nghiệm cá nhân của một người được tái sinh trong nhà Chúa do đó đây cũng là lý do ông hay hỏi, và cách hỏi mở của ông là một phong cách mới trong mục vụ của mình để khích lệ con cái của Chúa được bày tỏ.
“Hình như chị Chi đang có gì muốn nói?”
“Đúng vậy! Chị về nhà và đọc thêm trong Cô-lô-se và nhận ra, bình an là sự ban cho của Đức Chúa Trời, Cha chúng ta.” Khuôn mặt của chị Chi thêm rạng ngời, sự rạng ngời của một người đã được Chúa khải ra và chị khám phá ra sự quan trọng lớn lao trong đời.
Vị Mục Sư mỉm cười gật đầu đồng ý. “Vâng chị đã nói đúng… Chị đã trích dẫn phần cuối của câu 2 trong chương một của thơ Phao-lô viết cho Hội Thánh tại Cô-lô-se.
Khi biết rằng chị Chi không nói nữa, vị Mục Sư tiếp tục. “Là tín hữu của Chúa, chúng ta hãy nhìn vào gương Chúa. Ta hãy nhìn vào cách Ngài sống, cách Ngài đối nhân xử thế và ta học theo… Tình cảm của chúng ta là đây, là nhìn vào Chúa khi Ngài trên thập tự giá… nếu trong Ngài có bất kể đắng cay hay hận thù… hay tính cách dân tộc thì ở đây, Ngài sẽ bày tỏ tất cả. Nhưng ở Chúa thì không… Ngài làm ngược lại. Ngài cầu nguyện cho chính kẻ thù của Ngài khi trải qua nỗi đau cùng cực ấy, đây thật sự là bông trái của Đấng Thánh Linh vậy.”
Chị Chi kể từ khi đón nhận Chúa là chủ của cuộc đời mình, cuộc sống và niềm tin của chị trong Chúa thêm tấn tới. Chị đã trưởng thành hằng ngày trước mặt Đúc Chúa Trời.
Vì là người trải qua những đau khổ và đơn côi của một người vợ và một người mẹ mà chị Chi đã tự nhiên có một tấm lòng ưu ái với tất cả những ai cô đơn. Hễ ai trong nhóm khóc vì khổ tủi thì ở đó người ta thấy chị Chi đứng lên và tiến về phía người phụ nữ đó để tặng cho họ một cái ôm của một người bạn, một người mẹ trong Tin Lành.
“Chị đã có an bình trong Chúa và chỉ muốn san sẻ những khổ đau và cô đơn của một người bị ruồng bỏ. Chị cảm ơn Chúa vô cùng và cảm ơn mọi người trong Hội Thánh của Ngài!”
Nghe những dòng tâm sự của một người đã trải qua quá nhiều những thăng trầm, của đời, Mục Sư trẻ về nhà và suy nghĩ mông lung. “Chúa ơi con đã dâng đời con cho Chúa và càng ngày con càng nhìn ra những nỗi đau của mọi người mà chính Ngài kêu gọi họ vào trong Hội Thánh nhưng con không biết sẽ phải làm gì để giúp họ… Xin Chúa cho con sự khôn ngoan. Xin Ngài ban cho con thêm sự thông sáng của Ngài, để hằng ngày con không phải chỉ biết lắng nghe, và thông cảm cho những nỗi đau của những con chiên của Chúa, mà còn có thể làm trung gian, làm cầu nối để qua con, qua chức vụ của con mà chị Chi sẽ được chữa lành.”
Chúa cảm động và từ trong phòng đọc sách, ông tự nhiên đem tâm hồn trở lại với hồn thơ.
Nước mắt chị tôi cứ lăn hoài trên gò má.
Khi chị kể về quãng đời đã trôi qua.
Đời ơi!… Sao cứ phải lặp lại mãi những phong ba!
Và con người ta, cứ vô tình làm khổ nhau đến tàn tạ,
để đời người mãi mãi là những cuộc can qua!
Chúa ơi! Chúa ơi! Ngài đã đến
Vì chúng con Chúa đã chứng tỏ lòng vị tha.
Ngài đã thu gom về những con người cùng khổ,
Chúa đã tận tay trao họ để con phải trông nom gìn giữ
Để trước mặt Ngài họ là những công tử… những tiểu thư.
Xin Chúa cho con nhiều khôn ngoan và đầy ân tứ.
Để làm trọn trách nhiệm của Chúa nhân từ.
Chúa không cảm động Mục Sư để nói, để viết, mà là để biết lắng nghe một cách chân thành để chăm sóc con cái của Chúa theo cách Ngài chỉ dẫn. Và đúng như lời cầu nguyện, ông đã nỗ lực hướng dẫn mọi người.
UÔNG NGUYỄN