Tình cờ đọc một bài báo ở VN viết về một người từng nói với bà ngoại, “em là cuốn Kinh Thánh của đời anh” khi bà ngoại hỏi anh có đạo không. hahaha. Post bài viết cũ có liên quan tới chuyện xưa cho cả nhà đọc, hen… 🙂
CA DAO TÌNH YÊU
Andy dạy tôi, ra đường, đàn bà luôn luôn phải đi bên phía phải của đàn ông, rồi anh cung tay cho tôi vịn. Tôi đứng chấm bờ vai anh. Nên khi tựa vào anh, trông tôi mỏng manh như chiếc lá tựa vào cành. Andy nói như vậy. Lát sau, anh nắm tay tôi. Bàn tay anh lớn, nhưng mềm và ấm. Trời thành phố Munich âm mười tám độ. Tôi mặc hai ba lớp len dày, áo mũ cẩn thận, mà vẫn thấy gai gai cột sống. Lạnh, nên bất giác tôi đã đưa tay ôm vòng ngang lưng anh như một phản ứng tự nhiên. Andy vòng tay lại trên vai tôi. Chúng tôi đi với nhau hệt một đôi tình nhân. Tôi chợt nhận ra, đấy lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi không cảm thấy lo lắng, sợ người đàn ông sẽ nghĩ ngợi gì về mình. Cũng không sợ thiên hạ quen biết sẽ nhìn thấy và dị nghị như xưa nay.
Ra đến phố, từ dưới tầng hầm xe lửa chui lên mặt đất, tôi đứng trên một bậc thang cao hơn, quay ngược về phía Andy. Andy nắm cả hai tay tôi vì sợ tôi chóng mặt. Chúng tôi nhìn nhau, thật gần. Tôi nhớ tới lời một bài ca không thường nghe, nhưng chẳng hiểu sao lại bật ra trong trí. “Mắt môi đây xin anh đừng chờ, chiếc hôn kia, xin chớ hững hờ…”, và cười thầm một mình. Andy chớp mắt ngó tôi, dùng lưng bàn tay đặt lên má tôi, xoa nhẹ, rồi buông xuống. Cử chỉ anh bao giờ cũng dịu dàng. Nụ cười nở ra trên môi anh cũng nhẹ như hơi gió thoáng.
Tôi bỗng nghĩ, chắc có lẽ là tôi sẽ phải dọn lòng một lúc nào đó, để đi cho đến cùng trời cuối đất với một người đàn ông, với một kẻ làm trái tim tôi xao xuyến.
Và tôi nghĩ tới ca dao, yêu nhau tam tứ núi cũng trèo. Tôi nhìn Andy, hỏi biết câu tam tứ núi hay không. Andy lắc đầu, bảo tôi giải thích, và hỏi tại sao. Tôi đáp không có gì. Chỉ hỏi vậy thôi. Andy than, tiếng Việt của em khó quá, phát âm sai dấu, là sai cả nghĩa, lại còn thêm những danh từ Hán Việt khép kín như những bí mật. Tôi cười lơ mơ. Thỉnh thoảng trong khi trò chuyện bằng tiếng mẹ đẻ của tôi, Andy vẫn thường hay hỏi, chữ nọ chữ kia có dấu gì. Khi anh gặp khó khăn hơn, tôi phải giải thích bằng tiếng Đức, hoặc phải tìm ra chữ đồng nghĩa. Lần này, tôi nhìn anh không nói gì thêm. Andy thắc mắc, có phải tôi đã dùng từ Hán Việt hay không, và nghĩa của những chữ ấy ra làm sao. Tôi gật. Nói thầm với mình, tam tứ núi, thất bát sông, cửu thập đèo…, nhưng bảo Andy, dịch không được.
Tam tứ, thất bát, ba bốn, bảy tám. Tôi trèo lên bậc thang cuối cùng để chui lên lề đường. Quay lưng về phía Andy. Anh dùng hai tay đỡ lưng, đẩy nhẹ tôi đi. Bài học Đức ngữ thứ nhì khi tôi mới đến đây, là bài dạy cách đếm số, một, hai, eins, zwei… Dạy con nít học giáo lý trong nhà thờ, tôi nghe tụi nhỏ hí hố, eins zwei Polizei, drei vier keine hier…, hệt như nghe một ông sáng sao, hai ông sao sáng hồi còn nhỏ. Ba núi bốn núi, bảy sông tám sông. Dịch thế nào đây, cho trọn nghĩa ca dao, và cho ấm áp như ca dao? Tôi than thầm.
Chúng tôi rời nhà ga, lên đứng giữa con đường nhiều người qua lại. Tôi chỉ cho Andy toà hành chính của thành phố. Andy reo lên, đẹp quá, và bảo anh thích kiểu gô tích này vô cùng. Tôi ậm ờ. Lôi kiến thức quèn ra nói với anh. Vùng miền trung và bắc Đức ít kiến trúc gô tích hơn miền nam. Andy gật. Tôi nghĩ trong bụng, nhưng gô tích, rô man, hay quái quỉ đi chăng nữa cũng chẳng ăn thua gì tới tôi. Hình vòm hay hay hình tháp chắc chắn sẽ cùng chung số phận. Bởi vì nếu như cho đến sáng mai, mà tôi vẫn chưa biết, chưa xác định được người đàn ông này có dính dáng gì đến mình trong tương lai hay không, thì mọi kiến trúc, mọi công trình trên đời, trên thế giới, kể như giống hệt nhau. Eiffel hay nhân sư bên Ai Cập cũng sẽ có chung một chiều cao và hình thể.
Tôi níu bàn tay Andy trên vai. Đứng bên cạnh anh, tôi an tâm. Người qua đường nhìn chúng tôi thân thiện. Mắt tôi đeo kính cận, biểu thị cho sự… có học, trăm phần trăm không ai nghĩ tôi là gái Thái Lan, hay Phi Luật Tân lấy chồng ngoại quốc qua phương thức làm thân cô Kiều. Mặt mày Andy thông minh, thân hình thon thả, mỗi ngày jogging mười cây số, chơi thể thao đủ loại, ăn uống cẩn thận, khám sức khỏe đều đặn mỗi năm, chắc chắn không ai dám tưởng tượng ra điều cà chớn. Và khi đứng đực mặt giữa phố xá chỉ để ngắm nghía công trình kiến trúc xây từ vài ba thế kỷ trước, Andy có vẻ học… thiệt, tôi học… giả, kiến thức có vẻ được thể hiện đầy mình!
Đứng một hồi, Andy hỏi tôi đàng kia còn thứ gì để xem không. Tôi xoa nhẹ lên bàn tay anh. Mười năm sống ở thành phố này, tôi chỉ biết cái đồng hồ khổng lồ với những cảnh người, cảnh trí và hoa văn trên tòa nhà cổ dùng làm toà hành chính. Lúc nãy tôi đã kể hết cho Andy nghe, mỗi ngày chuông đồng hồ đổ vào lúc mấy giờ, tượng người và vật hiện ra phía trên ấy ra sao, cử động như thế nào. Khi mới sang, lớ ngớ như mán về thành, chiếc đồng hồ ấy đã là một trong những điểm đặc biệt giúp tôi nhận ra đường về nhà. Mường tượng, dẫn Andy thêm một đoạn, nói năng lung tung xèng, và hoặc có dấu kỹ đến cách gì đi chăng nữa, cũng chỉ tổ giúp anh nhìn thấy cái dốt của mình sớm hơn. Andy của tôi, một người chỉ cần đưa mắt nhìn một tảng đá, là có thể biết tên gọi, và tuổi đời của thứ đá ấy bao nhiêu triệu năm. (Tôi nhớ mới vài giờ đồng hồ trước đó thôi, tôi đã nói bừa với Andy rằng, lớp đá mà anh đứng xem một lúc dưới tầng hầm xe lửa với tôi, tiếng Việt có tên là đá tổ ong. Và tôi đã làm anh ngẩn người rất lâu, trước khi bảo, nếu dịch từ tiếng Đức và tiếng La tinh ra, thì có thể không phải là như vậy. Hoặc nếu là như vậy, đối với anh, xem chừng hơi lạ!!!).
Vì vậy, khi nghe đề nghị của Andy, đi tìm thêm chỗ để ngắm nghía, quan sát, chiêm ngưỡng, tôi đã nghĩ ngay đến chuyện mình không nên… mạo hiểm nữa. Tôi rụt cổ la lạnh quá.
Người đàn ông gật đầu, ừ, lạnh quá. Tôi bảo nên đi bộ một quãng cho ấm người lên, và kéo Andy vòng xuống phía có dãy chợ lộ thiên, bày bán đủ loại thức ngon vật lạ, từ thịt rừng cho đến thức ăn Á châu. Hoa quả, bánh trái, rượu chè đầy đủ. Đây là một trong những địa điểm đặc trưng của thành phố này, cũng vừa là điểm được đánh dấu ấn của tôi ngày xưa, giúp tôi không bị đi lạc. Tôi dẫn dắt Andy tới lui vài chỗ, chỉ cho Andy thấy nơi tôi đi học Đức ngữ ngày trước với một đám bạn Mỹ, Anh, vô lớp chẳng học được chữ nào, mà ngược lại còn làm dịp để cô giáo thực tập tiếng Ăng lê! Andy cười. Tôi nhớ trước đó vài tuần, Andy có nói với tôi, mai mốt, rồi tôi sẽ là cô giáo tiếng Việt của anh một ngày, ngày hôm sau ngược lại anh làm thầy giáo Đức ngữ cho tôi. Tôi đã đồng ý với anh, đã thấy tương lai có vẻ sáng sủa, trăm năm hạnh phúc, sắc cầm hảo hiệp, loan phụng hòa minh, nhưng chừng như tới lúc gặp nhau rồi, bỗng chẳng có đứa nào nghĩ đến chuyện làm thầy, làm cô!
Tôi không hiểu bởi duyên cớ nào mà trên đời này lại có những kẻ đường tình duyên thẳng thớm, trơn tru như xa lộ, phẳng lặng như mặt hồ, trong khi tôi loay hoay mãi, vẫn không tìm ra. Có phải người ta khôn ngoan hơn tôi? May mắn hơn? Hay vì phần số, định mạng của người ta tốt lành hơn?
Chưa bao giờ tôi thử nhờ ai đó coi giùm cho một quẻ bói toán, hay chấm cho một số tử vi, bởi tôi không tin được những chuyện như vậy. Ngày càng già, càng dày dặn kinh nghiệm, càng phải chống chõi và vượt qua nhiều khó khăn hơn, chỉ bằng sự nương tựa vào Chúa của tôi, và bằng chính sức của mình, tôi càng không thể tin, không thể nghe những điều liên quan đến vấn đề ấy. Thường tôi vẫn hay trêu bè bạn, người chung quanh, gặp chuyện nho nhỏ có tính cách dị đoan mà thiên hạ tỏ ra lo lắng hay vui mừng, tôi càng trêu tợn hơn. Thế mà không hiểu sao khi vừa mới đi với Andy một đoạn ngắn, một phần tỉ của cuộc đời, gẫm đến những điều giữa mình và anh, tôi bỗng nghĩ ngay tới câu thiên hạ hay bảo, nói trước bước không khỏi! Tôi nghiệm ra hình như mình và Andy đã tưởng tượng, đã vẽ vời hơi nhiều cho cái tương lai nào đó của hai đứa lúc chưa gặp nhau. Chưa gặp em, anh đã nghĩ rằng… Lúc gặp nhau, không biết Andy nghĩ sao về tôi. Còn tôi, nghĩ về anh, cứ tù mù như kẻ yếu mắt đi trong bóng đêm. Đầu óc tôi đã rối tung như cuộn chỉ bị tháo gỡ không đúng cách, đang dần dà biến thành một đống bùi nhùi.
Thành phố lớn. Đất trời cũng chiều lòng người, thời tiết đang ấm áp như chuẩn bị sang xuân, hôm Andy xuống thăm tôi, bỗng trở lạnh đến buốt cả vai, đến nỗi khi tay vòng, lưng ôm, hai đứa đã chẳng sợ bị dãy nãy từ chối. Tuy nhiên, không hiểu có phải áo khăn nhiều, mũ mão trầm luân nặng trĩu đầu, mà cảm giác của con người ta chừng cũng rơi hụt xuống mặt đường hay chăng. Tôi chắc chắn Andy đã không nhận ra vòng eo tôi thắt đáy. Không biết được tôi chiều chồng, khéo nuôi con. Không hay tôi sẽ tảo tần ven sông xó chợ. Còn phần tôi, hai tay trong găng da, da thú, không da người, nên quờ quạng mãi mà chẳng thấy đâu ra hơi ấm.
Chúng tôi cứ thế co ro lòng vòng một hồi. Tôi nói với Andy tìm chỗ bán rượu Glühwein, một loại rượu nóng như Sakê của Nhật để hai đứa cạn hồ trường với nhau. Nhưng rồi ngơ ngác đi mãi dưới cái rét run của những đợt tuyết cuối đông, chẳng thấy Glühwein, cũng không thấy nóng nảy lên cho dẫu tay trong tay, người tựa vào người, cuối cùng, tôi và Andy phải đẩy nhau vào một cửa tiệm quần áo để tránh cái lạnh phả hắt vào mặt một cách hết sức tàn nhẫn như vậy. Về sau này, tôi cứ tự hỏi, không biết khi có hơi men thâm nhập vào người, tôi và Andy có thể sôi nổi lên, để choáng váng say mà bỗng đâm ra yêu nhau hay không. Nhưng khi rỗng trơn một đầu óc, tỉnh táo một trái tim, cứng ngắt một cảm xúc, hai đứa đã đưa sự lãng mạn lên đoạn đầu đài.
Tôi có cảm giác những điều hai đứa nghĩ suy về một mối tình lẽ ra đã có, đang trên đường đi đến nơi hành quyết. Án tử hình có vẻ như đang được thực hiện. Một nhát trúng vào giữa ngực. Nhát kế tiếp, từ phía sau lưng. Nhát ân huệ vào đầu. Sự gục ngã không thể tránh né vào đâu được, hiện ra lồ lộ như thần đèn của Alibaba. Tôi ngộp thở, dẫn Andy lên tầng một của cửa hiệu quần áo. Đây là nơi em hay đến. Quanh co một đôi chỗ. Đây là gian hàng em qua lại nhiều lần. Tôi nhào đến mớ đồ đạc. Đây là chỗ em mê. Tôi đội một cái béret lên đầu. Nghiêng mặt nghiêng mày làm dáng, lắc qua lắc lại cho Andy ngắm, nhờ chọn dùm. Gật, lắc. Mặt Andy biểu lộ vẻ chán ngán cái thói đàn bà của tôi.
Nhưng rồi lát sau, chính tôi cũng chán, tôi kéo Andy bỏ gian hàng mũ mão, đi tới đi lui chỗ bán CD. Andy hỏi tôi có thích nghe người này người kia hay không. Đến phiên tôi gật, lắc. Nhiều người ca sĩ Mỹ Andy không biết, nhiều loại nhạc Andy nghe, tôi không. Nhưng có hai ca sĩ người Đức chúng tôi nghe giống nhau. Chỉ có điều anh nghe nhạc, nghe lời, tôi nghe melody. Lòng tôi bồn chồn. Lúc tôi nói tôi thích Bach hơn Mozart, Andy bảo tại vì tôi hay nghe nhạc nhà thờ. Tôi ngó lại anh. Nghĩ tới ca dao. Thuyền em xuống bến Thuận An. Thuyền anh lại trẫy lên ngàn, anh ơi!
Người đàn bà đứng trong quầy hàng nghe tôi và Andy đối đáp, hỏi, xin lỗi ông bà nói với nhau bằng ngôn ngữ nào thế. Andy trêu, bằng ngôn ngữ riêng của hai đứa, cộng thêm chút thổ ngữ địa phương. Người đàn bà cười, khen, bà phát âm tiếng Đức nghe hay lắm, mà tôi chắc ông nói ngôn ngữ của bà cũng hay, bởi tôi trông ông bà có vẻ hạnh phúc. Tôi quay nhìn Andy. Anh cười với tôi. Ngập ngừng như muốn nói điều gì đó, nhưng rồi lại thôi. Người đàn bà, không hiểu sao, cứ hớn hở, líu lo. Lòng tôi, lẽ ra cũng muốn hớn hở, lời tôi, lẽ ra, cũng muốn bật lên líu lo như vậy, nhưng không được. Chúng tôi nửa dợm bước, nửa bị níu chân. Cuối cùng đến gần cả mười phút ở quầy hàng mới quay lưng đi được. Tuy nhiên, sau khi buông ra câu chào và chúc buổi cuối ngày tốt đẹp, người đàn bà còn với theo, ông bà đẹp đôi lắm!
Andy đưa tay nắm lấy tay tôi, bóp khẽ. Hai đứa bật cười. Giá mà ở ngay chỗ tôi đứng, là lầu cao, chắc có lẽ tôi sẽ nhảy xuống. Tự tử. Cho xong!
Đã bao nhiêu năm nay, ngày hai buổi, tôi đẩy đưa kiếp người một cách hững hờ, tối tối trước khi vào giường, tôi vẫn thường cầu nguyện xin Chúa cho con sức đi một mình. Thỉnh thoảng, lại thêm lời, xin Chúa sau này cho con được chết sớm, cho con được về với Chúa lúc còn đi đứng nói năng sáng suốt để khỏi làm phiền người thân. Vậy mà, khi người đàn ông xuất hiện, nhảy ầm vào giòng sông phẳng lặng của đời tôi như con sóng thần, tôi bỗng cong cớn gào lên. Lẳng lơ chết cũng ra ma. Chính chuyên thì cũng đi ra cánh đồng!
Đã có nhiều tối, tôi lại nằm vắt tay lên trán. Điểm ra nhiều điều giống nhau giữa mình và Andy, từ sở thích, nhân sinh quan, tình trạng gia cảnh, đến những vụn vặt đời sống, để khổ sở kêu thầm. Chao ơi, là đồng thanh, đồng khí! Chao ơi, là tương ứng, tương cầu!
Nhưng rõ ràng, thật chỉ có Chúa Trời tôi mới hiểu, mới biết tại sao Ngài không kết hợp tôi và anh để loài người không được phân chia! Chỉ có Ngài mới xác định tại sao hai người, như tôi như anh, như người đàn bà bán hàng mới khen, đẹp đôi, đằm thắm, thế mà lại không yêu nhau, không lấy nhau quách cho rồi! Và thật tình, chính bản thân tôi, thì tôi chẳng biết mình đã tìm gì ở Andy. Cũng như anh, chẳng hiểu anh muốn tìm gì ở tôi?
Tự dưng tôi đâm ra mệt ngang. Lại nhớ ca dao. Đôi ta như ruộng năm sào. Cách bờ ở giữa làm sao cho liền. Đôi ta như thể đồng tiền. Đồng sấp đồng ngửa, đồng nghiêng đồng nằm! Đôi ta như bấc non không cháy, như tre xấu không nên cần, duyên đã không, mà nợ cũng chẳng có, thiệt tình là đành đoạn!
Buổi tối, trước khi tôi và Andy ăn bữa chung, hai đứa xách xe chạy lòng vòng tìm chỗ hẹn đi đánh tennis cho hết buổi với nhau ngày mai. Trời vẫn lạnh âm ỉ, lạnh thấu ruột thấu gan. Hai đứa như hai đồ khùng, lăng quăng giữa những cơn gió tuyết, chạy tìm mãi mới ra được một chỗ còn trống. Tôi mệt muốn xỉu. Lúc về đến quán ăn, lại loay hoay lục lọi, kiếm nơi đậu xe, tôi bỗng nhận ra, có nhiều ước muốn nhỏ nhoi, mà đôi khi cũng quá sức khó để thực hiện, huống gì đi cùng trời cuối đất với một con người!
*
Con nhỏ bạn bảo tôi đã sợ bị cảm mà lại ham ra gió.
– Bà chết không ai thương!
Tôi trúng đạn, dẫy đành đạch, tim rớt ra ngoài, con nhỏ lạnh lùng bảo lượm lên, đem nhét vô lại vị trí cũ. Còn bảo nhớ dán thêm lên một mớ băng keo, loại extra dính, phòng ngừa lần sau không rớt… bậy. Con nhỏ bảo nó não lòng vì chuyện đời tôi, nhưng xem chừng đến chuyện này thì không thèm bi lụy thương tôi. Nó gầm gừ, than thở, đã ra công… dạy dỗ, huấn luyện tôi rồi, mà tôi làm như… shit, không được cái tích sự gì hết!
Con nhỏ chửi tôi. Thằng cha hợp với bà mọi lẽ. Đáp ứng đúng nhu cầu của bà mọi lẽ. Thằng cha trí thức, học rộng hiểu nhiều, lịch sự, dễ yêu dễ mến, biết xử dụng cái thứ ngôn ngữ không ai thèm học của bà giỏi hơn bà xử dụng ngôn ngữ của thằng cha, biết ăn ruốc ăn cá, ăn xôi uống sữa đậu nành buổi sáng, biết chấm thịt vịt luộc với nước mắm gừng, biết cả những thứ mà người da trắng nào nghe qua cũng thất kinh. Một con người bà không cần phải rèn luyện, huấn nhục, vân vân và vân vân, cũng có thể hợp với phong thổ, con người và đất nước bà. Vậy mà cuối cùng, bà lại để nó sỗng sàng bay mất!
Con nhỏ chửi. Rồi than như bộng. Hệt như tôi đã làm mất một con mồi béo bở nào đó, chứ không phải tôi đã gặp một con người, đã cố tình tìm đường đi vào trái tim của kẻ ấy, và cũng đã thử mở lòng để kẻ ấy len lỏi vào, mà không được.
Con nhỏ rủa sả tôi quá mạng, nhưng cũng nói nhiều điều hết sức có lý, khiến tôi đến phải ngẩn ngơ. Tôi cũng bỗng nhìn thấy Andy là thứ hiếm, khó tìm được trên đời như con nhỏ đã nhìn thấy. Nên cuối cùng tôi cũng đâm ra hoang mang, tự hỏi, không biết có phải mình… shit thật hay không!
Giữa cơn lơ mơ, tôi bỗng nghĩ thêm tới Kinh Thánh, nhớ có đoạn vua Salomon viết, nếu có kẻ kiếm thế quyến dụ con, chớ khứng theo. Tôi cười với vua Salomon. Tại sao không có đoạn nào tôi tớ Chúa dạy tôi quyến dụ thiên hạ nhỉ? Cũng không có đoạn nào chỉ cách làm sao để trái tim hai con người có hoàn cảnh và ước muốn giống nhau có thể rung động trước nhau?
Lúc xuống thăm tôi, Andy mang theo chai rượu đỏ. Chắc anh đã tưởng tượng ra một cảnh romantic, lãng mạn nào đó, hai đứa cạn lòng, cạn chén với nhau. Không có, anh ra về, tôi đành mở chai ra uống một mình. Thường tôi chỉ thích uống loại trocken, dry, khô. Có nghĩa, chua. Hoặc nửa chua. Andy tặng tôi chai rượu ngọt. Từ vị cho đến hương. Ngửi sơ là đã thấy không thân thuộc tí nào.
Tôi rót ra một ly, lắc lắc trong tay cho rượu thở, suy nghĩ vẩn nghĩ vơ đến anh. Hỏi, có phải chăng đó là điềm… xui xẻo, báo trước cho sự… trật đường rầy?
Rồi chỉ tưởng một ly cho dễ ngủ. Không ngờ, ngồi lâu, tôi cạn hết chai. Đầu óc từ tỉnh táo bỗng lăn quay ra như con vụ. Không biết phương nào để chống đỡ. May mà tôi đã ăn chút ít trước khi nổi hứng tiêu sầu, chứ không chắc đời tàn, chút ruột gan phèo phổi hứa thân tặng cho hội đồng y khoa sau khi ngỏm, chắc cũng không có!
Tôi rống lên một mình trong đêm. Ruộng ai thì nấy đắp bờ. Duyên ai nấy gặp, đợi chờ uổng công! Đường duyên, tôi với Andy xây lên đập xuống mệt xỉu, điện thoại gọi mỗi đêm đến khô môi, máy vi tính gõ đến mòn bàn phím, lòng xót như muối ớt từng cơn trước ngày hò hẹn, vậy mà cuối cùng gặp gỡ, chẳng tao chẳng phùng, đường của ai rồi cũng cứ nấy đi.
Tôi có hứa với Andy, tôi sẽ làm bạn với anh cho tới chừng anh không còn muốn nữa. Và Andy nói sẽ quí mến tôi như người em gái cho tới ngày tôi không cho phép anh còn được liên lạc với tôi. Chao ơi là đời, tôi với Andy, hai đứa nói với nhau như đào kép cải lương, nhưng thực tế, tôi nghĩ mà được như vậy, chắc cũng gọi là hên cho cả hai!
Con gái tôi học tiếng Tàu. Thơ chữ Hán đọc vanh vách. Tôi, trong cơn xỉn tới bến, và chắc sau cơn bão lòng Andy để lại, không biết chút chữ Hán, chữ Nôm nào, mà cũng nhớ đến mấy câu thơ của Lý Bạch. Bài duy nhất. Yên thảo như bích ty, tần tang đệ lục chi, đang quân hoài qui nhật, thị thiếp đoạn trường thì. Andy về đến nhà, gọi điện thoại xuống cho tôi bảo đang ngồi trong phòng khách, nói cũng vừa mới mở ra chai rượu, làm tôi muốn bật lên khóc quá đỗi khi nghĩ, chẳng hiểu có quái gì mà trái tim hai đứa lại không chịu mở ra, hoài qui nhật để đoạn trường thì với nhau.
Tôi thở dài. Lại nhớ ca dao. Vị gì một mảnh tình con. Làm mê tài tử, rút khôn anh hùng. Thà rằng chẳng biết cho xong. Biết ra như xúc, như đong lấy sầu!
Tôi buồn thôi rồi là buồn. Nghĩ, yêu nhau, sau đó chia tay mới đứt dạ, chứ chỉ tưởng yêu nhau mà đến lúc không yêu, thì lẽ ra phải nên mừng bởi vì sẽ không đòi đoạn, không tương tư mới đúng. Chứ ai lại sầu đời, ai lại canh cánh buồn như tôi!
Nhưng rồi nghĩ tới nghĩ lui, ngẫm đi ngẫm lại, chợt thấy cái cảm giác tôi và Andy như vừa từ cung trăng rớt xuống, bàng hoàng y hệt như hai kẻ thất tình cà chớn, bỗng không, tôi lại cứ muốn nổi lên một cơn khùng!
HOÀNG NGA