Hùng và Minh thanh toán xong lệ phí cho người tổ chức vượt biên. Chúng nó chuẩn bị ra khơi trên một chiếc ghe máy ở Cà Mau. Hôm ấy là một đêm tối trời cuối năm 1981, nhóm người vượt biên đang hồi họp, nôn nao trên một bãi lau sậy cạnh bờ sông trông chờ chiếc ghe đến rước đi trong khi những con muỗi rừng to như ruồi tấn công vào da thịt thật khó chịu. Màn đêm bao phủ chung quanh, tiếng côn trùng rả rích như một khúc nhạc não lòng. Trên những cành cây cao thấp thoáng bóng cú vọ đi săn mồi cất tiếng kêu hu hu nghe đến rợn người. Hùng bất giác cảm thấy lạnh sau gáy, bà nội nó ngày xưa thường nói ở đâu có cú kêu là ở đó có người chết. Không lẽ đây là điềm gở cho chuyến đi này?
Như bao nhiêu thanh niên khác sau năm 1975, Hùng phải tìm đường đến một đất nước khác để sống, vì nơi đất mẹ quê hương không còn phù hợp cho nó nữa. Ba là sĩ quan trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mẹ là nhân viên phục vụ trong trại quân đội Hoa Lư thuộc tiểu khu Quảng Ngãi, Hùng sẽ rất khó khăn khi ở lại Việt Nam. Nó không còn sự chọn lựa nào khác là phải vượt biên để tìm kiếm một tương lai.
Năm ấy Hùng là một chàng trai hai mươi hai tuổi. Bốn năm về trước Hùng thi đậu vào Đại Học Tổng Hợp Huế, nhưng với cái lý lịch “hoành tráng” như thế thì đậu cũng như rớt. Hùng bươn chải đủ việc ngoài đời để tồn tại, trong lúc người cha còn đi tù chưa biết ngày về, mẹ thì tơi tả với gánh hàng rong ở các trường tiểu học trong thị xã Quảng Ngãi kiếm ngày ba bữa cháo cầm hơi. Hùng không vượt biên mới là chuyện lạ.
Hai giờ sáng, có tiếng động cơ lạch cạch trên sông, từ trong bóng đêm một chiếc ghe chở hàng nông sản của vùng sông nước xuất hiện. Đó là một chiếc ghe máy nhỏ được sử dụng để đưa nhóm người trên bờ vượt biển. Ra đi trên chiếc ghe này rõ ràng là một hành động mạo hiểm. Hùng nhìn chiếc ghe mà rùng mình, không biết nó có chạy ra khỏi hải phận Việt Nam để đi vào vùng biển quốc tế hay không. Thôi thì nhắm mắt đưa chân, đường cùng rồi phải liều thôi!
Bốn mươi hai con người lớn bé trên chiếc ghe ra đi trong đêm để tránh công an biên phòng. Hùng và Minh là hai người bạn chí cốt, mỗi đứa trả đủ ba cây vàng cho người chủ ghe để có tên trong danh sách vượt biên lần này. Số vàng này mẹ của Hùng đã đào lên dưới gầm giường trong thùng đạn đại liên từ phòng ngủ ba nó, rồi bà bí mật giao cho nó để mua “một vé vượt biên”. Nếu có nhiều vàng hơn đóng cho chủ ghe thì người tổ chức vượt biên sẽ đứng ra mua bãi, tức là chi tiền cho giới hữu trách địa phương quản lý vùng sông biển để họ bí mật sắp xếp cho một bãi tập hợp an toàn trước khi ra khơi, giá lên đến sáu cây vàng cho mỗi đầu người đi theo cách này. Hùng chọn cách “mua vé vượt biên chui”, nếu bị công an biên phòng bắt giữ thì chấp nhận vào nhà giam bóc lịch. Hùng nhớ lời của Minh nói với nó trước đó, chẳng may bị tù thì tao và mày lại nhờ má nuôi tiếp, còn nếu đi trót lọt thì gởi tiền về nuôi má. Chỉ mong sao hai đứa mình không phải làm mồi nuôi cá.
Sau khi lên ghe Hùng bắt đầu làm quen với những người chung quanh, đó là những người đến từ Pleiku, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Quảng Ngãi và một số nơi khác gom lại. Chiếc ghe lầm lũi chạy ra khỏi cửa sông đi vào vùng biển, đến sáu giờ sáng thì không còn thấy đất liền đâu nữa. Vậy là qua được cửa ải đầu tiên, thật may mắn đêm qua không có ca-nô của công an biên phòng đi tuần! Lần đầu tiên Hùng nhìn thấy cảnh bình minh trên biển đẹp như một bức tranh. Nó nhìn lên bầu trời bao la ở trên cao rồi so sánh với chiếc ghe bé xíu giữa biển khơi. Số phận của nó giống như chiếc bách nhẹ tênh, mong manh giữa biển trời mây nước. Mọi người trên ghe bắt đầu mệt mỏi, nôn mửa, một số say sóng bơ phờ như tàu lá chuối.
Sau một ngày đêm lênh đênh trên biển, chiếc ghe đi vào một vùng biển hoang vắng gần vịnh Thái Lan. Thình lình hai chiếc ca-nô cao tốc lạ xuất hiện từ phía sau, chúng chạy rất nhanh và áp sát vào hai bên chiếc ghe của Hùng. Lúc bấy giờ tài công và một số người trên ghe nhận ra chúng là hải tặc Thái Lan được trang bị súng các-bin, mã tấu, dao. Nhóm hải tặc gồm mười hai thằng mặt mày bặm trợn bắt đầu la hét, bắn súng chỉ thiên hăm dọa rồi tìm cách trèo lên ghe. Tài công và mọi người khiếp đảm. Cảnh cướp bóc, trấn lột bắt đầu. …
Lần đầu tiên Hùng nhìn thấy sự dã man của bọp cướp biển. Chúng dùng mã tấu chém thẳng vào những ai dám chống cự, rồi lột sạch tư trang, tiền bạc, đồng hồ, các món trang sức … và ngay cả những đôi giày còn tốt của mọi người. Chưa hết chúng còn bắt đi hai cô gái trẻ xinh đẹp trên ghe. Những người thân của các cô gái chống cự liền bị chúng dùng mã tấu tấn công. Máu tuôn lai láng trên sàn ghe. Một thanh niên và một người đàn ông lớn tuổi có lẽ là cha và anh của hai cô gái đã bị chém vào mạn sườn. Hai cô gái bị trói bằng dây thừng và quăng xuống ca-nô của bọn chúng.
Trong khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ, bọn cướp biển đã làm xong nhiệm vụ và nhanh chóng rút đi. Không có ai can thiệp giữa biển trời lồng lộng. Mọi người còn lại băng bó vết thương cho những nạn nhân và chỉ biết kêu trời. Một số phụ nữ kinh hãi vẫn còn cầu nguyện và làm dấu thánh giá.
Hùng lặng người khi nhìn thấy những gì đã xảy ra. Nó và Minh là hai thằng thanh niên khỏe mạnh nhưng hoàn toàn thúc thủ trước nhóm hải tặc. Trong lòng nó nhớ lại một câu chuyện trước đây…
Hùng có một người bạn thân học cùng lớp tại Trường Trung học Trần Quốc Tuấn là một Cơ đốc nhân. Người này thường giới thiệu về Chúa Jesus cho Hùng và khuyên nó nên tin Chúa. Những lúc đó Hùng luôn luôn chống cự, vì cho rằng Chúa chỉ là một nhân vật lịch sử như bao nhiêu người khác và không có gì chắc chắn về tiểu sử của Ngài được ghi trong Kinh Thánh. Doãn, tên của người bạn này đã đưa ra một thách thức cho Hùng là nếu một ngày nào đó Hùng gặp nguy hiểm, cụ thể như gặp những tình huống đối diện với cái chết thì hãy cầu nguyện Lạy Chúa Jesus Xin Cứu Tôi, chắc chắn Chúa sẽ cứu. Doãn còn đọc cho Hùng nghe câu Kinh Thánh: Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu. (Rô-ma 10:13). Doãn tìm mọi cách thuyết phục Hùng hãy cầu nguyện đơn giản như thế, lời cầu nguyện ấy chỉ có sáu từ, nhưng đó là một lời cầu nguyện quyền năng. Doãn nhấn mạnh nhiều người đã cầu nguyện như vậy và họ luôn luôn nhận được câu trả lời.
Bây giờ sau khi nhìn thấy cảnh cướp bóc dã man trên đường vượt biên, Hùng chợt nhớ lại lời thách thức của Doãn, nó phân vân không biết có nên cầu nguyện theo cách của người bạn này hay không? Tập tiếp theo của cảnh trấn lột sẽ là gì? Hùng băn khoăn lo nghĩ về những nguy hiểm sắp đến.
Chiếc ghe tiếp tục chạy về hướng Mã Lai, nhóm tài công cho biết đó là hướng đi có thể tìm ra được bến đỗ an toàn cho dù phải chấp nhận một cuộc hải trình xa hơn so với đi về hướng Thái Lan.
Ngày thứ ba trên biển, Hùng nhìn thấy bờ biển Mã Lai từ đường viền cuối chân trời. Cả đoàn người mỏi mệt, bơ phờ đổ mắt về hướng đất liền hy vọng. Nhưng khi chiếc ghe tiến gần đến gần bờ thì tàu cảnh sát biển Mã Lai chạy ra bắn súng chỉ thiên cảnh cáo không được vào. Một loạt đạn bắn xuống nước cách chiếc ghe chừng một trăm mét. Tại sao họ lại bắn chúng ta? Mọi người ồn ào hỏi nhau. Có lẽ vì chính quyền Mã Lai không muốn tiếp nhận thêm các thuyền nhân Việt Nam vượt biên. Các trại tị bạn của họ đã quá tải? Một người đàn ông trên ghe đưa ra lời suy đoán.
Lúc này nhóm tài công gồm ba người nhảy xuống biển, tìm cách lội vào bờ, bỏ mặc đoàn người trên ghe. Họ nói:
-Chúng tôi phải lội vào bờ để xin phép cảnh sát biển Mã Lai cho phép chiếc ghe vào bến.
Lúc bấy giờ trên ghe có anh Quốc, nguyên là lính hải quân biết chút ít về đi biển, anh này vội cầm lái quay ngược chiếc ghe ra khơi trở lại. Vậy là hết hy vọng cập bến Mã Lai, chiếc ghe chạy ra hướng hải phận quốc tế hy vọng sẽ gặp một tàu lớn nào đó cứu vớt.
Ngày thứ tư chiếc ghe chở Hùng tiếp tục đi vào một phương trời vô định. Đến lúc này số lượng dầu máy dự trữ theo ghe đã hết, lương thực, nước uống, thuốc men cũng cạn dần… Hai người đàn ông bị bọn hải tặc tấn công đã chết sau một đêm vì vết thương ra máu quá nhiều. Những người còn lại trên ghe bàn nhau phải quăng hai thi hài xấu số này xuống biển. Chiếc ghe trôi tự do lơ lửng giữa biển trùng xanh biếc. Mọi người trên ghe trông chờ một phép lạ nào đó xuất hiện. Hùng tự nhiên vọt miệng nói: Lạy Chúa Jesus Xin Cứu Tôi. Nó cũng không biết tại sao bỗng dưng nó lại nói như vậy. Có vẻ giống như một phản xạ tự nhiên! Hùng không biết rằng bước đường cùng của con người là khởi điểm để Thiên Chúa hành động.
Một chiếc tàu lớn đi ngang qua nhìn thấy chiếc ghe nhỏ với những người ngồi, nằm la liệt bên trên. Mọi người chồm lên vẫy tay ra hiệu cầu cứu. Những thủy thủ trên tàu lớn không biết thuộc nước nào chỉ quăng cho ghe của Hùng một ít thực phẩm, nước uống rồi đi tiếp. Con người trên biển đối xử với nhau như thế này sao? Hùng thở dài và nó lập lại lời cầu nguyện Lạy Chúa Jesus Xin Cứu Tôi. Khi cùng đường rồi phải bấu víu một cái gì đó để mà hy vọng trông chờ. Cầu nguyện vào lúc này có lẽ tốt hơn là không cầu nguyện. Hùng tiếp tục mặc cả với Chúa Jesus mà nó đã từng nghĩ trước đây Ngài chỉ là một nhân vật của lịch sử: Nếu Chúa Jesus cứu tôi thoát chết phen này, tôi sẽ là môn đồ của Ngài.
Chiếc ghe của Hùng trôi tự do giữa biển khơi qua ngày thứ năm. Bỗng dưng, bầu trời xuất hiện những đám mây đen, rồi những hạt mưa rơi xuống. Biển bắt đầu động dữ dội, từng đợt sóng hung dữ nổi lên, chiếc ghe mong manh đối diện với một thử thách mới. Hùng nhìn chung quanh biển cả với bão tố sóng gầm. Phen này chắc chết thật rồi, không chết vì cướp biển cũng sẽ chết vì bão biển mà thôi. Hùng thầm nghĩ. Thật vậy chỉ chừng ba mươi phút sau chiếc ghe trở nên mất thăng bằng, rung lắc dữ dội, những con sóng đánh thật mạnh vào thành ghe tràn lên tới ca-bin lái hất tung tất cả mọi vật dụng. Chiếc ghe định mệnh bị sóng đánh lật ngang qua một bên, rồi nhanh chóng chìm vào đại dương. Tất cả mọi người rơi xuống biển trộn lẫn với những đợt sóng gào. Thùng phuy, va-li, phao cứu sinh, lốp xe ô-tô và mọi thứ trên tàu nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Ai vớ được cái gì thì bám lấy cái đó. Từng nhóm người nắm chặt tay bấu víu vào nhau trong một cảnh tượng hãi hùng. Hùng bị cuốn theo một đợt sóng trào, nó uống nước biển đầy bụng rồi chìm lơ lửng trong dòng nước xoáy của đại dương.Lúc đầu nó còn nắm tay thằng bạn thân là Minh, sau đó sóng đánh rất mạnh tách hai đứa ra xa. Lạy Chúa Jesus Xin Cứu Tôi, Hùng nói trong tâm trí rồi nhắm mắt xuôi tay chờ đợi đi vào cõi vĩnh hằng. Phen này nếu Chúa không cứu thì chắc nó phải làm mồi cho cá mập!
Khi Hùng mở mắt ra, nó nhìn thấy một cái gốc dừa bên cạnh. Chung quanh nó một số người chết nằm rải rác trên một bờ biển vắng. Nó bị sóng đánh trôi dạt vào bờ, cách đó xa xa còn có hai thanh niên may mắn khác chung một cảnh ngộ cũng vừa lồm cồm ngồi dậy. Minh, bạn đồng hành với nó và những người còn lại có lẽ đã chìm xuống dưới đáy đại dương trong cơn bão tố.
Một tốp lính biên phòng Mã Lai đi ngang qua nhìn thấy nhóm người bị nạn, họ chôn vội vã các thi hài trong một hố cát và đưa nhóm ba người sống sót về một trại tị nạn gần đó.
Vậy là Hùng may mắn thoát chết nhờ lời cầu nguyện đơn sơ chỉ với sáu từ!
Trong thực tế có một số người trở về từ cõi chết trong những tình huống cực kỳ nguy hiểm, và những người như vậy đôi khi không cầu nguyện với một Đấng thiêng liêng nào cả. Nhưng trong trường hợp của Hùng thì hoàn toàn khác. Sau khi thoát chết, trong tâm trí nó đã có một sự chuyển hướng rõ rệt. Lúc vào trại tị nạn nó nhận ra một điều không thể chối cãi, đó là Chúa Jesus đã bảo tồn sinh mạng nó trong một thời khắc cực kỳ nguy hiểm. Trong trại tị nạn nó gặp một nhà truyền giảng Phúc Âm và Hùng được nghe một lần nữa về Phúc Âm của Chúa Jesus, nó nhanh chóng cầu nguyện tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa.
Hùng đã gặp Chúa trên đường vượt biển chỉ nhờ lời cầu nguyện đơn sơ Lạy Chúa Jesus Xin Cứu Tôi.
Sau sáu tháng ở trại tị nạn, Hùng được nhà truyền giảng Phúc Âm làm hồ sơ bảo lãnh với Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn và nó được bay sang định cư ở xứ Cờ Hoa.
Mùa Hè năm 2014 Hùng trở về Việt Nam lần đầu tiên và tìm gặp lại Doãn trong một quán cà-phê trên đường Mạc Đĩnh Chi, Q. 1 Sài Gòn vào một buổi sáng. Nó kể lại câu chuyện của mình:
-Tôi đã được Chúa Jesus cứu trong lúc vượt biên nhờ vào những gì anh đã nói với tôi trước đây. Cám ơn anh đã kiên nhẫn thuyết phục tôi trong thời gian đó. Những lời anh gieo ra với tôi đã không trở nên vô ích, nhưng nó đã làm cho tôi được sống. Bây giờ tôi đang làm chủ của một dãy các tiệm Nail ở Ca-li và tham gia hầu việc Chúa với Hội Thánh người Việt tại đó. Từ khi được Chúa cứu cuộc đời tôi đã thay đổi một trăm tám mươi độ. Trước đây tôi đã từng lý luận với anh rằng Chúa Jesus chỉ là một nhân vật trong lịch sử như bao nhiêu người khác, nhưng sau khi được Ngài cứu, ý nghĩ của tôi về Ngài đã hoàn toàn thay đổi. Bây giờ thì cuộc đời tôi xoay quanh Chúa Jesus, Ngài là trung tâm của đời sống tôi.
Doãn hỏi lại:
-Tôi chưa hiểu lắm khi anh nói rằng Chúa Jesus là trung tâm của đời sống anh?
-À, như thế này, tôi muốn nói là đối với tôi bây giờ Chúa Jesus là số một, rồi những cái khác trong cuộc đời như vợ con, sự nghiệp, tiền bạc… chỉ là những cái thứ yếu theo sau. Chúa đã cứu tôi quá sức kỳ diệu từ lời thách thức của anh. Tôi mắc nợ một món nợ yêu thương lớn với Chúa và tất cả mọi người đặc biệt là anh. Bây giờ tôi sẵn sàng giúp anh những gì nằm trong khả năng của tôi. Anh cần gì xin cho tôi biết?
Doãn trầm ngâm:
-Nhu cầu của tôi rất nhiều, tôi không chuẩn bị để chia sẻ với anh, nhưng vì anh đã hỏi, tôi xin nói như thế này: Quê hương của chúng ta là Quảng Ngãi. Tôi và anh đã lớn lên từ đó, có thể nào quên sông Trà Khúc, Bờ xe nước, bến Tam Thương… của tuổi thơ chúng ta? Riêng tôi được nuôi dưỡng đời sống đức tin tại nhà thờ Tin Lành Quảng Ngãi trong những năm 1970, bây giờ nhà thờ đang được xây dựng trên một khu đất mới. Tôi đề nghị anh hãy dâng hiến tài chánh cho việc xây dựng nhà thờ ở quê hương. Có thể đây là cơ hội để anh đóng góp phần của mình cho việc xây dựng cơ sở nhà Chúa, mặc dù anh chưa từng là thuộc viên của Hội Thánh này.
-Ồ, tôi sẽ ghi nhớ đề nghị này của anh, chắc chắn tôi sẽ góp phần không chỉ ở Quảng Ngãi nhưng cũng sẵn sàng cho những nơi khác nữa. Tiền bạc của tôi bây giờ là của Chúa, tôi chỉ làm người quản lý mà thôi. Nếu tôi có lấy của Chúa mà dâng lại cho Ngài cũng là điều đương nhiên. Tôi sẽ đứng bên cạnh anh trong việc này. Hùng nhanh chóng trả lời.
Nắng sớm ban mai cũng vừa lên sau cơn mưa nhẹ buổi sáng. Thành phố ồn ào tấp nập trước dòng ngựa xe như nước chảy. Hùng chia tay Doãn với nụ cười rạng rỡ:
– Cám ơn anh, tôi sẽ gặp lại anh trong tuần này để xúc tiến những gì chúng ta vừa nói. Trước khi bay về Mỹ tôi muốn đóng góp một điều gì đó thật ý nghĩa cho Hội Thánh quê hương.
THỦY CA-LI