Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / BA XIN LỖI CON

BA XIN LỖI CON

“Khi cha mẹ bỏ tôi đi, thì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp nhận tôi.”
(Thi-thiên 27:10)

ba

Hơn ba mươi lăm năm chờ đợi tôi mới được nghe ba tôi nói: “Ba xin lỗi con… ba đã không tốt với con, nhưng con vẫn tốt với ba.”  Sự việc xảy ra thật là bất ngờ đã làm tôi cũng lúng túng, không biết đáp lại như thế nào, chỉ nhẹ nhàng trả lời: “Không có gì đâu ba!”  Nhưng mà thật sự thì lòng tôi cảm động vô cùng và tự nhiên cảm thấy tội nghiệp cho ông.  Không biết ba tôi đã bị dày vò và hối hận tự bao giờ mà đến ngày hôm đó, đã bảy mươi tuổi rồi, mới có đủ can đảm để thốt lên những lời mà có lẽ ba tôi biết là tôi đã mòn mỏi chờ đợi bao nhiêu năm nay.

Tôi được nghe kể lại nhiều lần từ mẹ tôi và bà con tôi là lúc tôi còn nhỏ thì rất là trắng trẻo, tròn trịa. Tóc thì nâu nâu và oăn oăn, mắt thì nâu nâu, tròn tròn, nhìn rất giống con lai cho nên đi đâu ba tôi cũng cõng tôi trên cổ vì tôi được có nhiều người khen đẹp.  Nhưng trong tiềm thức của tôi thì không có cái hình ảnh đẹp này vì lúc đó tôi còn quá nhỏ, chắc chưa được hai tuổi, cho nên không nhớ gì.  Khi lớn lên lúc nào tôi cũng có suy nghĩ là có thể tôi là con riêng của mẹ tôi cho nên ba tôi không thương tôi và không để ý gì đến tôi hết. Lúc tôi đẹp đẽ thì thương, nhưng khi biết chạy nhảy rồi không còn đẹp nữa thì không thương hay sao? Ba tôi cho tôi là đứa con “không xài được” cho nên không quan tâm gì hết. Trong lúc đó chị Hai tôi thì được ba tôi rất hãnh diện và đi đâu cũng dẫn theo. Mẹ tôi vì bận bịu với đàn con cho nên ít đi giao thiệp với ba tôi thành ra ba tôi lúc nào cũng dẫn chị Hai tôi đi cùng. Tính tình tôi và chị Hai tôi thì khác nhau một trời một vực. Chị mềm mại, tóc dài thướt tha và nói chuyện rất nhỏ nhẹ. Còn tôi thì cộc lốc, thẳng thắn mà tướng tá cũng giống như con trai. Kể ra thì cũng không trách ba tôi được vì có gì để hãnh diện về một đứa con gái như vậy? Bây giờ nghĩ lại thì không biết là tôi đã trở thành một đứa con gái như vậy là vì ba tôi đối xử với tôi như vậy, hay là vì tôi như vậy cho nên ba tôi mới đối xử với tôi như vậy?

Những năm lớn lên, nhất là lúc còn trong tuổi thiếu niên, ba mẹ tôi hay kể cho người ta nghe là tôi hồi nhỏ dữ dằn và hung hăng như thể nào.  Tôi rất là mắc cỡ về những câu chuyện này dầu một số lớn là có thật.  Chuyện tôi bị la bị đòn là chuyện hằng ngày thôi.  Có một câu chuyện mà ba mẹ tôi thường hay kể để cho mọi người thấy là tôi xấu xa cỡ nào.  Thật sự thì tôi không cần ba mẹ tôi kể đi kể lại tôi vẫn nhớ, tôi nhớ rành rành những việc đã xảy ra như mới xảy ra ngày hôm qua…

Ba mẹ tôi con rất đông con, cho nên khi có việc hư hao hay mất mát mà ba mẹ tôi không biết là ai làm, thì thường lôi hết cả đám ra để hạch hỏi và bắt phạt cho đến khi có đứa khai ra. Có một lần, lúc tôi khoảng bảy tuổi, ba mẹ bị mất tiền cho nên lôi cả đám ra tra hỏi. Lúc không ai nhận thì đánh hết luôn. Rồi không biết ba mẹ tôi dựa vào đâu mà chắc chắn là chỉ tôi hoặc là thằng em trai kế của tôi làm thôi, chắc có lẽ vì hai chúng tôi là những đứa nghịch ngợm nhất nhà. Chúng tôi bị đánh đến độ thằng em không chịu nổi nữa nó mới nói là nó đã thấy tôi lấy tiền để nó khỏi bị đánh nữa. Tôi thì chối lên chối xuống vì, thứ nhất, không có làm, và thứ hai, là tôi biết cái tội đó nặng cỡ nào đối với ba mẹ tôi.  Đã mắc cái tội ăn cắp tiền rồi lại thêm cái tội nói dối nữa, thì không có thể nào tha thứ được. Ba mẹ quyết định đánh cho đến khi nào tôi nhận tội mà thôi.  Tôi nhất định là không có làm, cho nên ba tôi đã lấy cây đánh túi bụi. Bị đánh quá cho nên tôi chạy khắp làng xóm, thêm cái tội thứ ba chồng chất lên.  Ba tôi cứ rượt theo mà đánh và đã bắt kịp được tôi.  Ba tôi nhấc bổng tôi lên thiệt là cao và quăng tôi một cái ầm xuống sông, và còn mắng thêm “tao đánh cho mầy chết.”  Lúc đó tôi tưởng là tôi đã chết rồi vì thở không nổi nữa.  Lúc đó mà hàng xóm không ra tay can thiệp hay là sông có những cây gai mọc thì chắc cũng chết thiệt rồi. Hàng xóm mới khuyên tôi nhận tội đi để khỏi bị đánh nữa, thì lúc đó cứng đầu như tôi cũng phải nhận tội thôi.

Khi qua tuổi thiếu niên rồi, tôi tin Chúa và Chúa thay đổi đời sống tôi và không còn dữ dằn như xưa, nhưng cái tính cộc lốc vẫn còn; tôi không thể nào nói ngọt như chị tôi được. Lúc đó tôi lại học giỏi và giúp việc nhà và việc nhà thờ rất nhiều.  Khi mười bốn tuổi, tôi đã bắt đầu đi làm để phụ giúp gia đình trong mùa Hè và may vá tiếp mẹ tôi sau khi tan trường về.  Lúc đó vì chưa có kinh nghiệm cho nên tôi đã phải giúp chùi nhà vệ sinh trong một trường tiểu học.  Tôi mặc cảm vì đã là một đứa con không tốt lúc nhỏ; cho nên lúc đó làm hết sức để bù đắp lại. Một phần khác là để cho ba mẹ tôi thương tôi hơn.  Vì tôi không được đi đâu cho nên ở nhà giúp mẹ nhiều, từ lo cho em út cho đến may vá. Còn tiền làm bao nhiêu thì đưa cho mẹ hết. Từ đó mỗi mùa Hè tôi đều đi làm để kiếm tiền thêm để phụ giúp gia đình cho nên mẹ tôi thương tôi nhiều hơn trước, nhưng sau này thì những công việc nhẹ nhàng hơn vì tôi đánh máy cũng khá cho nên được làm việc văn phòng.  Nhưng làm gì thì làm, ba tôi cũng không để ý đến tôi.

ba xin

Khi ra trường trung học, tôi đã ra trường ưu hạng. Tôi lúc đó đã quyết định vào trường đại học để học làm y tá.  Ba tôi hỏi sao con không đi học bác sĩ hay nha sĩ luôn.  Tôi nói là: “con không thích ăn trên ngồi trước.” (giống những bác sĩ Việt Nam tôi biết).  Ba tôi trả lời một câu mà đau lòng tôi biết bao nhiêu.  Ba tôi nói, “Con không có tham vọng, ba không xài con được.”  Tôi nghĩ tôi đã chứng tỏ cho ba tôi gần cả chục năm là tôi đã thay đổi và bây giờ tôi muốn làm một cái nghề để tự lo bản thân và gia đình và cùng một lúc giúp đỡ người khác, thì cha mẹ nào cũng phải vui lòng, không nói là phải hãnh diện nữa, nhất là một gia đình con cái Chúa, thì tại sao ba tôi lại nói những lời đau lòng đó với tôi?

Có một lần chị tôi cũng tội nghiệp tôi vì ba tôi cứ đem cái chuyện tôi ăn cắp tiền mà kể cho người khác nghe. Lúc đó chúng tôi đã vào đại học, cho nên chị tôi mới nói với ba tôi là:  “Tới bây giờ nó vẫn còn không nhận là mình đã ăn cắp tiền, chắc là không có đâu, ba đừng nhắc đến chuyện này nữa.”  Ba tôi mới hỏi ngược lại, “Nếu nó không làm thì ai làm?”  Chị tôi nói:  “Không biết và mười mấy năm qua rồi, nó sợ gì nữa mà phải tiếp tục chối.”  Ba tôi không trả lời nhưng mà từ đó về sau thì không còn kể câu chuyện đó nữa.  Nhưng tôi thì nghĩ là ba tôi chưa có hối cải vì cách ba tôi đối xử với tôi cũng như xưa.

Bao nhiêu năm qua, tôi đã nhờ ơn Chúa để có thể bỏ hết những sự buồn đau và cay đắng đối với ba tôi.  Tôi mất một thời gian rất lâu, gần hai mươi năm, mới cảm nhận được Đức Chúa Trời là “Cha” của tôi.  Đối với tôi Chúa là Đấng Quyền Năng, Đấng An Ủi, Đấng Thánh Khiết, là Chúa Bình An, v..v… nhưng tôi không bao giờ cảm nhận được Ngài là Cha của tôi vì khi nói đến chữ Cha thì tôi lúc nào cũng liên tưởng đến người cha phần xác của tôi. Làm sao tôi có thể kêu Ngài là Cha được? Lạy Chúa, xin tha lỗi cho con về sự dại khờ này.

Nhìn lại cuộc đời mình bàn tay Chúa đưa dắt tôi một cách nhẹ nhàng qua những khó khăn, thách thức trong cuộc đời. Tôi đã có nhiều lần không muốn sống nữa vì thấy cuộc đời này quá vô vị và bất công.  Cha tôi mà không thương được tôi, thì ai mà có thể thương tôi?  Tôi luôn sống trong mặc cảm vì mình xấu xí và ăn nói vô duyên cho nên không ai thích.  Nhưng đó chỉ là sự lừa dối của lòng mình và từ cha mẹ mình thôi.  Tôi học biết được trong Kinh Thánh là tôi là một con người mà chính Chúa đã tạo dựng nên từ trong lòng mẹ (Thi-thiên 139:13-14).  Tôi có giá trị của một con người và Ngài tạo dựng nên tôi có mục đích và mục đích đó là để sống làm vinh hiển Ngài.  Trong những lúc cô đơn, tuyệt vọng lời của thiên sứ của Đức Chúa Trời đã nói với A-ga “Chớ sợ chi, vì Đức Chúa Trời đã nghe tiếng đứa trẻ ở đâu đó rồi.”  (Sáng thế ký 21:17b) đã nhắc nhở tôi về sự quan phòng của Chúa.  Tôi nắm chặt niềm tin và nhờ cậy Chúa vượt qua những mặc cảm và những lúc tuyệt vọng và cô đơn.  Ngài luôn nắm bàn tay và dắt đưa tôi qua những chặng đường đầy chông gai và những quyết định vô cùng khó khăn.  Chúa yêu tôi và cho tôi lại sự tự tin và niềm hy vọng ở trong Ngài để tôi có thể sống và hầu việc Ngài.

Giờ đây, đến thời điểm mà Ngài đã hàn gắn lại sự cách ngăn giữa tôi và ba tôi.  Ngài làm cho cái hố ngăn cách giữa tôi và ba tôi càng ngày càng nhỏ dần.  Bây giờ ba tôi thấy được Chúa có dùng tôi, dầu ba tôi cho tôi là đứa “không xài được”.  Ba tôi thấy được là Chúa có thể dùng được bất cứ một con người nào, dầu xấu xa hẹn mọn đến đâu, nếu người đó thật sự ăn năn và tiếp nhận sự tha thứ. Tôi cũng nhận ra được rằng ba tôi cũng chỉ là con người, nên rất dễ vấp những sai lầm. Vả lại, tôi nhận ra rằng cha tôi bị ảnh hưởng cái truyền thống văn hóa của người Việt quá lâu đời, về cái quyền gia trưởng, độc tài, độc tôn đã ăn sâu vào trong huyết quản của người chồng, người cha của thời phong kiến.

Tôi biết Ngài đã tha thứ, dẫn dắt và dùng tôi thế nào, thì Ngài cũng đã làm cho ba tôi như vậy, dầu chúng tôi là những người bất toàn.  Chúng ta có ai xứng đáng đâu mà Đức Chúa Trời phải làm những điều đó cho chúng ta?

Dầu đã tha thứ cho ba tôi từ lâu, nhưng khi chính lỗ tai tôi nghe được câu xin lỗi của ba tôi, lúc đó tôi mới thực sự cảm thấy được sự nhẹ nhàng trong tâm hồn mình.  Dầu ba tôi không nói gì thêm nữa, nhưng tôi cảm biết được xâu xa là ba tôi muốn nói nhiều hơn nhưng không biết làm sao nói hơn được.  Có bao nhiêu đó cũng là đủ cho tôi rồi. Có bao nhiêu người cha có thể có đủ can đảm để nói lời xin lỗi đến con mình? Có bao nhiêu người cha vì thể diện của mình, mà không thể mở được cái khoá mà mình đã vô tình giam cầm chính con của mình trong sự tự ti mặc cảm; để không thể nào phát huy được hết khả năng mà Đức Chúa Trời đã phú cho họ?  Tôi mong là sẽ có những người cha có thể bắt chước được ba tôi, nhờ cậy Chúa bỏ đi tự ái và thể diện của mình, để có thể nói, “ba xin lỗi con” với con của mình.  Không có gì mất mặt khi mình làm điều này.  Tôi đã không khinh dể ba tôi mà ngược lại càng kính trọng người hơn; vì nó cho tôi thấy là ba tôi thương tôi đủ, để chịu bỏ đi cái tự ái to lớn của mình để cho con mình có thể xoá đi những vết thương sâu thẳm ở trong lòng tôi.

“Người thiếu thốn sẽ không bị bỏ quên luôn luôn, và kẻ khốn cùng chẳng thất vọng mãi mãi.” (Thi thiên 9:18)

Lần nọ, tôi đã dám bộc bạch câu chuyện này với một vị mục sư mà tôi yêu mến lẫn kính trọng, bởi vì ông rất trẻ so với tuổi đời của ba tôi.  Tuy nhiên, ông rất trưởng thành trong kinh nghiệm sống, một mục sư đầy ân tứ Chúa ban.  Biết ông cởi mở và gần gũi với mọi người nên tôi đã mạnh dạn hỏi:

– Mục sư ơi! Em không hiểu tại sao một người hầu việc Chúa đầy ơn, mở mang nhiều hội thánh, yêu thương những kẻ lầm than, đói rách, thậm chí còn đưa rất nhiều người về gia đình để giúp đỡ nơi ăn chốn ở.  Nói chung là người được tiếng tốt trong cộng đồng con dân Chúa về tình yêu thương; trong khi đó lại đối xử bất công với con ruột của mình sinh ra, có thể nói là hung hăng và lạnh lùng nữa?

Vị Mục sư khẽ thở dài và nhìn sâu vào mắt tôi, giọng ông phảng phất một nỗi buồn sâu kín:

– Cô Nguyên ạ! Thật ra đây là lỗi lầm lớn của những người cha đã thừa kế cái di sản không mấy công bằng từ gia đình, dưới văn hóa phong kiến.   Người cha dường như được xem là “ông vua” độc tài; phán ra điều chi, vợ con phải nghe theo răm rắp. Nhưng, trong lòng người cha luôn luôn yêu thương vợ con của mình bởi vì nơi đó là tổ ấm của họ.  Tính ỷ lại và tự mãn rằng vợ con quá hiểu mình là người cha tốt cho dù nóng nảy.  Nhưng người cha chưa được biến đổi trọn vẹn ấy, đâu biết rằng ông đã bắn một phát súng đại bác làm tan nát trái tim của con gái của mình!   Cô ạ, đây là bài học kinh nghiệm cho những người hầu việc Chúa, bục giảng và gia đình, nói và hành động phải đi đôi với nhau. Bài giảng sống động nhất là nếp sống của mình đối với mọi người chứ không phải chỉ có những lời giảng suông trên bục. Nếu muốn trở nên một đầy tớ Chúa đích thực và xứng đáng trước hội thánh của Đức Chúa trời, thì trước hết người cha đó phải là một mục sư của gia đình.  Lời Chúa phán:

“Vì nếu có ai không biết cai trị nhà riêng mình thì làm sao cai trị hội thánh của Đức Chúa Trời?” (I Ti-mô-thê 3:5)

Tạ ơn Chúa, Ngài đã cho cô tấm lòng biết thứ tha và độ lượng.  Cô đã thực hành đúng lời Chúa dạy. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời luôn ban phước cho cô.  Cô được phước lắm vì sao cô biết không?  Cô có một người cha biết ăn năn về những lỗi lầm trong quá khứ của mình. Thà phạm sai trật mà biết ăn năn còn hơn là những tấm lòng chai cứng, luôn cho mình là đúng mới đáng sợ!

Giờ này đây, tôi tạ ơn Đức Chúa Trời; bởi vì Ngài đã cho tôi lớn lên để nhận ra rằng, người cha của thế gian này không thể nào trọn vẹn được.  Cho dù là con cái của Chúa, nhưng nếu đời sống bên trong chưa hoàn toàn biến đổi, chưa trở nên giống như Chúa thì vẫn là người cha bất toàn trước mặt Ngài.  Tôi cũng ao ước và cầu nguyện cho người cha của những đứa con của mình sẽ không lập lại những bi kịch này. Tôi cảm ơn Chúa vì vết thương trong lòng tôi đã được chữa lành. Ngày hôm nay, ba tôi tuổi cao sức yếu sau những tháng năm dài tận hiến cuộc đời cho Chúa, ông thui thủi sống với niềm vui của mình là kỷ niệm của những ngày phục vụ Đức Chúa Trời.  Mắt ông sáng lên khi hồi tưởng lại những năm tháng đã qua, khi có dịp làm chứng về Ngài ba tôi nói “thao thao bất tuyệt.”

Ngày mai đây, tôi sẽ lái xe đưa ba tôi ra phi trường đón mẹ.  Chắc ông sẽ cười vui hớn hở sau một tháng xa cách người yêu thương nhất của mình.  Tôi bỗng ước ao mình trở nên bé bỏng như những ngày xa xưa ấy, để được ba tôi cõng lên cổ và đùa giỡn với mình. Tôi thầm nhủ, “Ba ơi, trong một góc nhỏ của trái tim ba có hình ảnh của con không?”

Sáng hôm nay trời Virginia đẹp lắm!  Ánh nắng Xuân ấm áp tràn ngập trong lòng. Tôi ngước mắt lên trời và muốn hét to lên, “Chúa ôi! Con xin cảm tạ ơn Ngài.”

ba 2

 

Virginia

THẢO NGUYÊN   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn