Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / THÀNH TÂM VẪN CHƯA ĐỦ

THÀNH TÂM VẪN CHƯA ĐỦ

MICHAEL GREEN

Kinh Thánh dạy chúng ta thành tâm vẫn chưa đủ.

 

images

Hiện tại, bạn có thể hoặc vẫn chưa thể sẵn sàng tin Kinh Thánh là thẩm quyền tối cao của Đức Chúa Trời. Nhưng chí ít bạn cũng phải công nhận rằng đó là quyển sách nổi bật nhất trên thế giới, đã đóng góp vào công cuộc thay đổi thế giới hướng đến điều tốt nhiều hơn bất kỳ quyển sách nào khác. Kinh Thánh đến nay vẫn là quyển sách bán chạy nhất thế giới, và được viết trong thời gian khoảng một ngàn năm trăm năm. Thật ra Kinh Thánh đáng để đọc và chia sẻ. Kinh Thánh cũng phản ánh tốt về quan điểm và sự khôn ngoan, bởi vì nó chứa đựng một khối lượng lớn kiến thức lịch sử và kinh nghiệm của nhân loại. Vậy Kinh Thánh nói gì về việc thành tâm có đủ hay không?

images (5)

Đầu tiên, hãy nói đến Áp-ra-ham, tổ phụ của quốc gia Do Thái. Nếu bạn hỏi ông sự chân thành có đủ hay không? Ông sẽ trả lời: “Hoàn toàn không. Tôi đã sống một cách chân thành khi còn ở U-rơ thuộc xứ Canh Đê. Nhưng Đức Chúa Trời đã kêu gọi tôi ra khỏi đó. Tôi đã tin và vâng phục Ngài. Đức Chúa Trời hứa sẽ nuôi dưỡng gia đình tôi và hơn thế nữa, một dân tộc sẽ ra từ chính dòng dõi của tôi giữa lúc cả tôi và vợ đều đã quá già để sinh con. Tôi tin Ngài – và đây là Y-sác con tôi, bằng chứng cho bạn thấy niềm tin quan trọng đến thế nào. Thế đấy, trọn phần đời còn lại của tôi dựa trên sự tin chắc rằng những gì bạn tin là nền tảng cho những việc bạn làm và bạn là người như thế nào.” Những điều Áp-ra-ham đạt được trong tố chất về niềm tin của ông vào Đức Chúa Trời được tóm tắt một cách sinh động trong Hê-bơ-rơ 11:8-19 (Nếu bạn muốn tìm câu chuyện chi tiết hơn, hãy bắt đầu trong Sáng Thế Ký 14, có quá nhiều vấn đề để đề cập ở đây).

Nô-ê sẽ không bao giờ dễ dàng đồng ý rằng những gì bạn tin không quan trọng, miễn là bạn thành tâm. Chắc chắn những người xung quanh ông đều rất thành tâm tin rằng họ vẫn ổn. Nhưng sự thành tâm của Nô-ê lại là một lĩnh vực khác. Xuất phát niềm tin của Nô-ê đó là Đức Chúa Trời đã kêu gọi ông để xây dựng một con tàu lớn để ai bước vào bên trong con tàu sẽ được an toàn khỏi cơn nước lụt. Niềm tin dẫn đến hành động.

CHIẾC-TÀU-CỦA-NÔ-Ê-VÀ-NƯỚC-LỤT

Na-a-man, vị tướng lãnh của Si-ri, là một người thành tâm cách nghiêm túc. Ông tin một cách thành khẩn rằng tiên tri Ê-li-sê sẽ bước ra với ông, và rồi  “đứng gần đó mà cầu khẩn danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của người, lấy tay đưa qua đưa lại trên chỗ bịnh và chữa lành kẻ phung.” Ông tin một cách chân thành rằng nếu phải tắm ở một dòng sông thì cái mát mẻ và sạch sẽ của sông A-ba-na và Bạt-ba, hai dòng sông ở quê hương ông sẽ tốt hơn dòng sông Giô-đanh đầy bùn lầy của người Do Thái. Ông tin chân thành như vậy, nhưng ông đã sai. Nếu ông không thừa nhận điều đó và thay đổi thái độ, ông sẽ chẳng bao giờ được chữa lành.

Đêm định mệnh của dân Y-sơ-ra-ên khi họ sắp rời khỏi Ai-cập và vĩnh viễn trở thành một quốc gia cũng là một trường hợp minh chứng cho vấn đề này. Bạn sẽ kể lại câu chuyện ấy. Chỉ có những gia đình nào chịu hy sinh một chiên con và bôi huyết của con chiên đó trên thành cửa thì mới được tha khỏi cái chết của người con đầu lòng. Chỉ có họ mới rời khỏi Ai-cập mà không bị nguy hại gì. Nếu một người bố nào đó nói rằng: “Chuyện ngớ ngẩn bôi huyết lên thành cửa đó không quan trọng đâu. Hãy ngủ một giấc ngon lành cho hành trình ngày mai,” ông bố ấy có thể rất chân thành, nhưng ông đã sai, con đầu lòng của ông sẽ chết, và sẽ chẳng có miền đất hứa nào dành cho ông.

new

Quan điểm của Tân Ước cũng giống như vậy. Những người Pha-ri-si là những ví dụ điển hình cho những người sùng đạo nghĩ rằng họ vẫn ổn, nhưng thực ra thì không. Bôn-xơ Phi-lát dường như là một người lãnh đạo khá chân thành cho một tỉnh khó cai trị trong xứ Giu-đê: ông đã tin chắc rằng loại trừ Đức Chúa Giê-su là một việc đem lại lợi ích chung – nhưng ông đã sai. Sau-lơ người thành Tạt-sơ tin rằng ông đã hầu việc Chúa một cách đúng đắn khi vâng giữ luật pháp một cách tỉ mỉ và sốt sắng bắt bớ những người kêu cầu danh Chúa Jesus – nhưng ông đã nhận ra rằng nỗ lực chân thành đó chỉ là sự sai lầm vô phương cứu chữa. Sau-lơ, một kẻ công bình cuồng tín đi bắt bớ đã trở thành Phao-lô, một sứ đồ yêu thương, tận tụy. Đây là một ví dụ tuyệt vời cho sự thật rằng sự chân thành là không đủ. Những gì bạn tin rất quan trọng.

Đức Chúa Giê-su dạy rằng thành tâm vẫn chưa đủ.

Thật khó để tìm ra một người nào thành tâm hơn người trai trẻ giàu có. Nhưng chúng ta đọc thấy rằng anh quay đi một cách buồn bã, bởi vì anh không tin vào Đức Chúa Giê-su đủ để đặt Ngài lên thứ tự ưu tiên cao hơn là tiền bạc của anh.

Không ai từng thành tâm hơn những người Pha-ri-si. Họ rất tỉ mỉ trong sự thờ phượng, khó tính trong việc giữ sạch sẽ khỏi mọi ô uế, và tận tâm tuân giữ Luật pháp của Đức Chúa Trời. Họ rất thành tâm – nhưng họ đã sai. Đức Chúa Giê-xu đã mô tả chính những người Pha-ri-si đó như là một ổ rắn độc. Ngài nhận xét rằng chính họ là những người “không muốn đến cùng ta để được sự sống” (Giăng 5:40). Chân thành trong hành động, nhưng sai lầm trong niềm tin, Đức Chúa Giê-su đã nghiêm khắc kết tội những con người thành tâm và tận tụy này nhiều hơn những kẻ phản bội và các kỵ nữ mà những người Pha-ri-si này coi khinh. Những gì bạn tin thật sự quan trọng. Đến nỗi những người Do Thái với tấm lòng nóng nảy muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng một việc làm nào đó, đã đến hỏi Đức Chúa Giê-su: “Chúng tôi phải làm chi cho được làm công việc của Đức Chúa Trời?” Ngài đáp: “Các ngươi tin Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến, ấy đó là công việc Ngài” (Giăng 6:28).

Sự chân thành và niềm tin.

Không nơi nào trong các sách Phúc Âm, Đức Chúa Giê-su nhấn mạnh về tầm quan trọng tối thượng của niềm tin hơn câu Kinh Thánh nổi tiếng: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Phân đoạn này tiếp tục: “Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu; ai không tin thì đã bị đoán xét rồi, vì không tin đến danh Con một Đức Chúa Trời. Vả, sự đoán xét đó là như vầy: Sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa.” Bạn thấy đấy, chính Đức Chúa Trời chứ không phải sự chân thành là điều thật sự quan trọng nhất. Và Đức Chúa Trời thấy rằng con người đang hư mất, họ đang trên tiến trình bị suy bại hoàn toàn, bởi vì quá dễ để chân thành và sai lầm. Chính vì vậy mà Đức Chúa Trời đã hành động. Ngài đã ban Đức Chúa Giê-su là Đấng ở cùng Ngài nhưng khác biệt với Ngài – Con Một có lẽ là từ ngữ của con người mang tính tương tự tốt nhất để miêu tả. Đức Chúa Giê-xu đã sống và chết vì sự cứu rỗi một lần đủ cả cho chúng ta, và khiến chúng ta vui hưởng một đời sống mới, một đời sống vĩnh hằng.

Chỉ có một điều kiện duy nhất. Chúng ta được kêu gọi để tin! Đức Chúa Giê-su tiếp tục giải thích rằng con người sẽ không bị hư mất vì con đường xấu của họ, là đường mà ở một chừng mực nào đó chúng ta không thể thoát được. Chúng ta sẽ bị hư hoại nếu không tin vào Đấng đã đem đến sự chữa lành cho tình trạng đau yếu của chúng ta. Ánh sáng đã đến thế gian. Chiếc cầu quay về với Thượng Đế đã được lập nên. Tin hay chối bỏ  là tùy thuộc vào chúng ta: chúng ta được chọn lựa, và chúng ta phải chịu trách nhiệm cho quyết định của chính mình. “Ai tin Ngài chẳng bị đoán xét đâu”. Đúng vậy, bởi có một Đấng đã gánh thay sự đoán xét ấy rồi. “Ai không tin thì đã bị đoán xét rồi,” không phải vì anh là một tội nhân (mặc dù anh quả là một tội nhân) nhưng anh bị đoán phạt bởi vì anh quá bảo thủ đến nỗi đã chối bỏ sự cứu giúp. Tôi nài xin quý vị, đừng phạm phải sai lầm dại dột dưới tuyên bố của sự khoan dung này. Nếu chỉ có một thuốc kháng sinh duy nhất cho căn bệnh của quý vị, thì ai nói rằng: “Không quan trọng bạn có dùng nó hay không, miễn là bạn thành tâm” là ngu ngốc chứ không phải là nhân hậu. Chúng ta đều mắc phải căn bệnh này. Nó đã tác động đến quá khứ của chúng ta, bám sát hiện tại và đe dọa đến tương lai của chúng ta.

 

(Còn nữa)

Translated by Le Khac Vinh Hien

BÀI TRƯỚC:

https://huongdionline.com/2016/04/06/ban-tin-gi-khong-quan-trong-mien-la-thanh-tam/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn