Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / THERE IS NO PLAN B

THERE IS NO PLAN B

KHÔNG CÓ KẾ HOẠCH B

khongcob

Là những Cơ đốc nhân chúng ta ủng hộ ý tưởng “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng.” Lời công bố này trích trong Bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ, nó được căn cứ vào những giáo huấn từ Kinh Thánh là mỗi người trên thế giới được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời và vì vậy trong bản chất họ xứng đáng được kể là bình đẳng với nhau. Đó thực sự là một ý tưởng hay.

Tuy nhiên, không khó lắm để nhận ra rằng sự bình đẳng của con người trong ý tưởng có thể khác biệt với thực tế. Đúng là mỗi người đều bình đẳng trong giá trị, vì thế mỗi ý tưởng đều có giá trị pháp lý bình đẳng. Khi chúng ta áp dụng điều này cho đức tin, điều này có nghĩa là trong một thế giới bao gồm nhiều người khác nhau với những quan điểm tôn giáo khác biệt, thế thì tất cả những quan điểm này về cơ bản phải được đối xử cách bình đẳng.

Trong nhận thức đức tin là một vấn đề của trải nghiệm cá nhân, không phải của sự thật. Vấn đề nguyên tội (tội lỗi do di truyền của tổ phụ) khi được công bố ra, nó trở thành lẽ thật của người này nhưng lại là sai lầm cho nhận thức của một số khác.  Lối đi phù hợp là yên nghỉ trên những gì bạn tin và chống lại sự thôi thúc để chia sẻ đức tin bạn cho những người khác?

Ý tưởng này đã lan rộng trong suy nghĩ của nhiều Cơ đốc nhân theo hai phương cách đặc biệt. Một là, nhiều người tự nhận là Cơ đốc nhân đã bảo thủ quan điểm phổ biến cho rằng  tôn giáo chỉ đơn thuần là vấn đề của cái được ưu tiên hay quan điểm cá nhân và rồi cuối cùng tất cả các tôn giáo đều giống nhau về cơ bản. Người ta không cần phải tin vào Chúa Cứu Thế để rồi từ đó sẽ nhận biết Đức Chúa Trời và đi vào thiên đàng. Vì vậy không cần phải khích lệ một ai đó cứ ôm chặt lẽ thật của Cơ đốc giáo.

Ở phương diện thứ hai, trong khi một số người tự nhận là Cơ đốc nhân đã từ chối những lẽ thật  căn bản. Họ công bố rằng Đấng Christ cần thiết cho sự cứu rỗi, tuy nhiên họ sống trong yên lặng y như là những người chung quanh trong thế giới này không cần có Đấng Christ vẫn sẽ ổn hết trong ngày phán xét.

Tôi nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta có khuynh hướng đi theo sự khôn ngoan của tâm trí tự nhiên hoặc  theo khuynh hướng chung của số đông. Bất luận bạn thuộc quan điểm nào, tôi mời bạn cùng nghiên cứu chủ đề này trên căn bản những gì Kinh Thánh dạy.

Chúng ta cũng sẽ không quên những người đang ở trong sự hiểm nguy vì chưa biết Chúa.

f1

Chúng ta biết rằng hơn bốn tỉ người trên thế giới hiện nay  chưa có Đấng Christ. Trong số họ có hơn một tỉ người chưa bao giờ được nghe Phúc Âm – điều này có nghiêm trọng không? Điều gì sẽ đến với họ khi họ chết? Tôi được thuyết phục rằng đây là câu hỏi quan trọng  nhất cho Cơ đốc giáo hiện nay. Nếu người ta được lên thiên đàng chỉ đơn giản dựa vào vị trí ưu tiên địa lý hay chủng tộc của họ, khi đó sẽ không có chuyện chúng ta đem Phúc Âm đến với họ cách khẩn cấp. Nhưng nếu họ không lên thiên đàng bởi vì họ không bao giờ được nghe về Chúa, khi đó chúng ta có một gánh nặng khẩn trương là phải giới thiệu Chúa Jesus cho họ. Nếu người ta đang chết và chuẩn bị đi xuống địa ngục vì chưa từng nghe có một Phúc Âm cứu rỗi, khi đó rõ ràng là chúng ta không nên lãng phí thì giờ của mình cho giấc mơ Mỹ (1) nhưng phải giới thiệu Chúa Jesus cho họ. Kinh Thánh nói gì về những người chưa bao giờ được nghe Phúc Âm của Chúa Jesus?

Tôi mời bạn cùng tóm lược với tôi bảy lẽ thật trong sách Rô-ma nói về những người chưa bao giờ được nghe Phúc Âm của Chúa Jesus. Tôi nài xin bạn hãy cân nhắc nhu cầu khẩn cấp này trước khi chúng ta đặt giấc mơ Mỹ sang một bên để đem nhiều người đến với mục đích của Đấng Christ.

LẼ THẬT 1: TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU CÓ SỰ HIỂU BIẾT VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI.

 

Sau khi Phao-lô kết thúc sự giới thiệu của ông về sách Rô-ma, ông khảo sát tỉ mỉ  phương cách mà con người nhận biết Đức Chúa Trời (ông Trời) là Cha, là Đấng sáng tạo của họ. Trong Rô-ma 1:18, Phao-lô nói rằng Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài cho tất cả mọi người.  Ông phân tích, “Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã bày tỏ  rõ ràng điều đó cho họ rồi.” (câu 19) Ông tiếp tục, “bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được.” (câu 20).

Nói một cách khác Đức Chúa Trời tiếp tục bày tỏ Ngài cách rõ ràng cho mọi người. Phao-lô thừa nhận sự hiểu biết của mọi người về Đức Chúa Trời khi ông nói, “Mặc dù họ biết Đức Chúa Trời….” (câu 21). Mọi người trên trái đất này qua các dòng lịch sử – không loại trừ ai, đều biết ông Trời (hay Đức Chúa Trời)  là Đấng Sáng Tạo, Cội Nguồn, Cha của họ. Những người đàn ông ở trong rừng rậm Phi Châu, phụ nữ trong các vùng nông thôn Á Châu, khách lữ hành trong những sa mạc hoang vắng, người Ét-ki-mô trong những vùng đất bị lãng quên…Tất cả họ dù ở đâu bất luận điều kiện sống và văn hóa đều có một điểm chung: họ đều biết về ông Trời, bởi vì Ngài đã bày tỏ chính Ngài cho họ.

Dĩ nhiên không phải tất cả mọi người trên thế giới này đều tin vào Đức Chúa Trời. Điều này dẫn chúng ta đến sự xác nhận thứ hai.

LẼ THẬT 2: TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU TỪ CHỐI ĐỨC CHÚA TRỜI

 

Phao-lô nói rằng, “vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa.” Tất cả mọi người bao gồm bạn, tôi,  những người ở trong rừng nguyên sinh Phi Châu…đều phủ nhận sự hiểu biết chân thật về Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói rằng chúng ta đều  lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm. Chúng ta thừa hưởng một bản chất tội lỗi và nổi loạn chống lại sự hiểu biết chân thật về vinh hiển Đức Chúa Trời.

Mặc dù đây là lẽ thật căn bản  của Phúc âm, nhưng chúng ta thường không nhận thấy và thảo luận đầy đủ về những gì sẽ xảy ra cho những người chưa bao giờ được nghe nói đến Chúa Jesus. Chúng ta dễ dàng quên tình trạng của họ vốn làm cho tâm  trí chúng ta khó phân tích  và xa hơn nữa sự sùng bái thần tượng của họ  cũng gây cản trở cho tấm lòng chúng ta.

Tôi nhớ đã có lần thảo luận điều này với các sinh viên, một bạn hỏi tôi, “Về những thổ dân Châu Mỹ thì sao? Họ là những người gốc gác ở đây – là một phần của nước Mỹ. Các bộ lạc của họ chắc là chẳng bao giờ được nghe về Chúa Jesus và họ cũng không có Kinh Thánh. Nhưng họ cũng đã thờ phượng các vị thần theo hiểu biết truyền thống của họ, có lẽ họ thờ thần mặt trời hay là một vị thần nào đó…Họ đã làm điều tốt nhất theo nhận thức của họ, điều đó không đủ sao?”

Đó thực sự là một câu hỏi hóc búa, và nó kéo chúng ta trở về với những lẽ thật căn bản, mà chúng ta không thể quên, vứt bỏ hay phớt lờ nó.  Tất cả mọi người bao gồm những người đàn ông, đàn bà, bán khai hay văn minh trong nhiều thế kỷ trước hay hôm nay đều từ chối sự hiểu biết chân thật về Đức Chúa Trời. Căn cứ vào những lời của Phao-lô viết ra, họ đều thích thờ phượng vật thọ tạo hơn là Đấng Tạo Hóa. (câu 25).

Vì vậy sự thờ phượng thần mặt trời có được kể là đủ không? Câu trả lời là không theo sách Rô-ma chương 1. Con người không thể được Đức Chúa Trời thánh khiết chấp nhận khi họ thờ các thần tượng hoặc các hình tượng họ dựng nên. Thần mặt trời, mặt trăng, hay là một hình tượng nào đó…không bao giờ đủ xứng đáng để con người thờ phượng. Chỉ có một mình Đức Chúa Trời xứng đáng để chúng ta thờ phượng. Vì vậy khi chúng ta thờ phượng các thần thay vì Ngài, chúng ta không được Đức Chúa Trời chấp nhận cho những cố gắng tốt nhất của chúng ta. Rõ ràng là các thần tượng của chúng ta không tốt đủ.

Đây không phải là bản cáo trạng đặc trưng cho các bộ tộc thiểu số hay cho bất kỳ nền văn hóa nào trên thế giới. Nó là bản cáo trạng dành cho tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta đều là những người sùng bái thần tượng. Cho dù bạn ở Mỹ, Á Châu hay một nơi nào khác, không có ai thờ phượng Đức Chúa Trời cách đúng đắn, bởi vì tấm lòng của chúng ta từ chối Đức Chúa Trời chân thật. Vì vậy không có quan điểm nào của chúng ta đáng để biện minh.

LẼ THẬT 3: TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU PHẠM TỘI TRƯỚC MẶT ĐỨC CHÚA TRỜI

 

Ba chương đầu tiên của sách Rô-ma chứa đựng một số câu dễ gây ngã lòng nhất trong  toàn bộ Kinh Thánh. Phao-lô đề cập đến sự băng họa của con người, ông dùng những từ  mạnh mẽ, gây sốc như: “tình dục xấu hổ, đầy dẫy mọi sự không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ,  hay mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, trái lời giao ước,  không có lòng thương xót…” để mô tả con người chúng ta.

Từ Rô-ma 1:8 đến 2:16 Phao-lô diễn tả dân ngoại là những người phạm tội chống lại Đức Chúa Trời. Bạn hầu như thấy những độc giả người Do Thái gật đầu đồng ý với vị sứ đồ khi họ nghĩ về tính chất đồi bại của dân ngoại chung quanh họ. Nhưng rồi Phao-lô quay ngược bản cáo trạng của ông đến với người Do Thái trong Rô-ma 2:17 và mũi dùi của ông chỉ ra tội lỗi của tuyển dân. Bản cáo trạng tội lỗi của ông cứ thế tiếp tục sang chương 3, ông kết luận:

Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không.
Chẳng có một người nào hiểu biết,
Chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời.
Chúng nó đều sai lạc cả, thảy cùng nhau ra vô ích;
Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không. (10-12)

Vấn đề này đã được xác lập: tất cả mọi người bất luận thuộc về nền văn hóa nào, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo… đều đã phạm tội trước mặt Đức Chúa  Trời. Hãy nghe Phao-lô nói: “miệng nào cũng phải ngậm lại, cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời.” (3:19)

Giả định là bạn sẽ hỏi tôi: “Điều gì xảy ra cho những người  vô tội ở Trung Phi trong nhiều thế kỷ trước, họ  chết mà không hề được nghe về Phúc Âm bao giờ?” Câu trả lời của tôi trên căn bản uy quyền của Lời Đức Chúa Trời sẽ là: “Tôi tin rằng những người đó chắc chắn sẽ vào thiên đàng. Tôi sẽ không thắc mắc về điều này.”

Như thế, có thể một vài người sẽ gán cho tôi là người theo dị giáo (và những người khác gắn nhãn cho tôi là anh hùng), cần đọc đoạn văn cuối cùng này. Hãy chú ý đặc biệt vào câu hỏi giả thiết: “Điều gì xảy đến cho những người vô tội ở Trung Phi, khi họ chết đi mà chưa bao giờ được nghe về Phúc Âm?” (Đây là câu hỏi điển hình mà nhiều người thường hỏi.)

Thực tế là những người vô tội ở Trung Phi sẽ lên thiên đàng bởi vì họ vô tội. Khi đó họ không có nhu cầu cần đến một Cứu Chúa cứu họ ra khỏi tội lỗi. Như vậy họ không cần đến Phúc âm. Nhưng có một vấn đề rõ ràng ở đây:

Người vô tội không tồn tại ở Phi Châu hay bất cứ một nơi nào khác.

Tôi thường ngạc nhiên trước câu hỏi này của nhiều người. Có ai trên thế giới này là vô tội chăng? Không có ai cả. Không có người vô tội nào trên thế giới chờ đợi để được nghe Phúc Âm. Sự thật là con người ở khắp mọi nơi trên thế giới đều nhận tội trước một Đức Chúa Trời thánh khiết, và đó chính là lý do họ cần đến Phúc Âm.

Tất cả chúng ta rất thường xuyên xem thiên đàng  như là một nơi mà con người thất bại khi muốn vào đó. Một số người Mỹ cho rằng dân tộc Mỹ  ưu việt, xuất sắc trên địa cầu này xứng đáng được về thiên đàng. Nói cách khác họ biện hộ là Đức Chúa Trời dành sẵn thiên đàng cho họ trừ khi họ thực sự làm điều gian ác. Nhưng khi chúng ta đọc sách Rô-ma thì quan điểm này không phải là lẽ thật. Tất cả mọi người đều phạm tội trước mặt Đức Chúa Trời, và như thế thì hậu quả của nó không phải là thiên đàng nhưng là địa ngục. Điều này dẫn chúng ta đến lẽ thật tiếp theo.

LẼ THẬT 4: MỌI NGƯỜI BỊ ĐỊNH TỘI VÌ KHƯỚC TỪ ĐỨC CHÚA TRỜI

 

Phao-lô kết luận sự dạy dỗ về tội lỗi của loài người khi ông nói, “vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi.” (Rô-ma 3:20) (Tôi đã nói với bạn rằng những chương này thì gây chán nản cho người đọc.)

Không chỉ mọi người phạm tội trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng cũng chẳng có thể làm điều gì để thay đổi điều này. Thậm chí sự cố gắng để vâng lời Đức Chúa Trời của chúng ta chỉ là sự che đậy sâu xa hơn sự bất lực của chúng ta để làm điều đó. Điều này áp dụng cho bạn, tôi, và mọi người trên thế giới. Và kết quả là tất cả chúng ta đều bị định tội trước mặt Đức Chúa Trời.

Điều này khiến chúng ta đối mặt với sự hiểu lầm cơ bản vốn xuất hiện trong nhiều câu trả lời cho câu hỏi:  chuyện gì xảy ra với những với những người chưa bao giờ nghe về Chúa Jesus? Nhiều Cơ đốc nhân đi đến kết luận rằng nếu một số người trên thế giới chưa bao giờ có cơ hội nghe về Chúa Jesus, thì điều này làm cho họ tự động được thoát khỏi sự định tội của Đức Chúa Trời. Những người như thế sẽ lên thiên đàng bởi vì  họ chưa bao giờ có cơ hội nghe về  Chúa Jesus.

Lối suy nghĩ này phản ánh cảm xúc tự nhiên của chúng ta. Chúng ta muốn mọi người đều ổn cả khi họ chưa có cơ hội nghe về Phúc âm. Nhưng hãy suy nghĩ với tôi về kết luận lô-gíc này. Một quan điểm như thế sẽ  xác nhận rằng con người sẽ hoàn toàn ở với Đức Chúa Trời trong cõi đời đời bởi vì họ chưa bao giờ được nghe nói về Đấng Christ. Việc họ chưa bao giờ nghe về Đấng Christ cho họ bước vào thiên đàng!

Hãy xem có những bằng chứng nào trong Kinh Thánh hậu thuẫn cho quan điểm này.  Nếu con người sẽ hoàn toàn lên thiên đàng bởi vì họ chưa bao giờ có cơ hội nghe về  Chúa Jesus, thì điều tệ hại nhất mà chúng ta làm vì tình trạng đời đời của họ là đến với họ và nói cho họ về Phúc Âm. Điều này chỉ làm tăng thêm cơ hội cho họ đi xuống địa ngục! Trước khi chúng ta đến với họ, họ sẽ lên thiên đàng;  bây giờ chúng ta nói cho họ nghe về Chúa Jesus, họ có thể sẽ đi xuống địa ngục. Có phải vậy không!

Hãy tưởng tượng bạn gặp một sinh viên quốc tế vừa mới trở về từ một  Trường Đại học Mỹ. Bạn hỏi cô ấy đã từng nghe về Jesus chưa, và với sự ngạc nhiên trên mặt, cô gái đáp, “Chưa.”

Bây giờ, nếu cô gái này hoàn toàn được lên thiên đàng bởi vì cô chưa bao giờ nghe về Chúa Jesus, thì điều tốt nhất bạn có thể nói với cô ấy vì lợi ích đời đời của cô ta, “Nếu có ai cố gắng nói cho bạn về Chúa Jesus, hãy lấy tay che tai bạn lại, rồi la lên thật lớn, và  chạy thật xa.”

Rõ ràng một phép suy luận như thế này thì không có nền tảng trong Kinh Thánh.  Nhưng khi chúng ta bước theo sự lô-gíc của kết luận trên, thì đây là kết quả thực tế.

Tuy nhiên vẫn còn vài điều còn lại phải nói rõ hơn, “Đức Chúa Trời thì công bình trong sự định tội con người vì không tin Chúa Jesus mặc dù họ chưa bao giờ có cơ hội nghe về  Chúa Jesus?” Đây thật sự là câu hỏi tốt, và tôi tin câu trả lời là không. Đức Chúa Trời sẽ không công bình trong việc định tội con người vì không tin vào Đấng Cứu Rỗi mà họ chưa bao giờ nghe. Nhưng đừng quên rằng, con người sau cùng không bị  định tội bởi vì không tin Jesus. Họ sau cùng bị định tội vì khước từ Đức Chúa Trời.

Đây là chìa khóa của vấn đề: không có câu hỏi hàng tỉ người chưa bao giờ nghe về Chúa Jesus có các loại giải trình khác nhau về trách nhiệm của họ trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta cũng vậy. Những người trong chúng ta đã nghe về Chúa Jesus có cơ hội nhận hoặc từ chối Phúc âm, và chúng ta chịu trách nhiệm cho quyết định của chúng ta. Nhưng bất chấp những kiến thức của chúng ta liên quan đến Phúc âm, dựa trên lẽ thật thứ hai mà tôi đã trình bày, mọi người bị định tội trên nền tảng vì khước từ Đức Chúa Trời. (Đây là trường hợp mà Phao-lô nói đến khi ông so sánh người Do Thái và ngoại bang trong Rô-ma 2: 12-16)

Tôi có thể tưởng tượng Phao-lô rơi lệ khi ông viết Rô-ma 3:20. Ông đã vẽ nên một chân dung kinh khủng về tội lỗi loài người. Mọi người biết Đức Chúa Trời, và mọi người bị định tội vì khước từ Đức Chúa Trời. Nhưng tôi cũng có thể thấy Phao-lô lau nước mắt khi ông viết tiếp trong chương tiếp theo.

LẼ THẬT 5: ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ MỞ MỘT CON ĐƯỜNG CỨU RỖI CHO NHỮNG NGƯỜI HƯ MẤT

images (1)

“Nhưng hiện bây giờ, sự công bình của Đức Chúa Trời, đã bày tỏ ra ngoài luật pháp …. tức là sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi sự tin đến Jesus Christ cho mọi kẻ tin.” (Rô-ma 3:21-22) Cuối cùng, tin tốt lành đã đến! Đấng Christ chết trên thập tự giá và sống lại từ mồ mã, và qua Ngài chúng ta có thể được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời và được đảm bảo sự sống đời đời. Đức Chúa Trời đã mở một con đường cứu rỗi cho những người hư mất.

Nói một cách rõ ràng, lẽ thật này không thể coi là hiển nhiên và được chấp nhận trong thế giới của chúng ta và thậm chí trong hội thánh ngày nay. Chủ nghĩa đa nguyên (là chủ thuyết cho rằng nhiều đảng phái cùng tồn tại bình đẳng để theo đuổi một mục đích) thống trị là bức tranh của tôn giáo toàn cầu và ý tưởng phổ biến là nếu có một Đức Chúa Trời, Ngài  phải cung cấp nhiều con đường cứu rỗi cho người hư mất.

Tôi nhớ khi tôi đứng trước lớp học trong tư cách một sinh viên của Trường đại học tiểu bang. Đó là ngày tôi phải thuyết trình, và tôi đã chọn chủ đề Cơ đốc giáo. Tôi trình bày lẽ thật trọng tâm của Phúc âm cho toàn sinh viên trong lớp, hầu hết họ là những người theo chủ nghĩa vô thần và thuyết bất khả tri.

Khi tôi kết thúc bài thuyết trình, vị giáo sư hướng dẫn sinh viên đưa ra  các câu hỏi. Lauren, một sinh viên uy tín và là lãnh đạo phong trào sinh sinh viên khai hỏa đầu tiên. Cô hỏi một cách thẳng thắn, thông minh theo tiêu chuẩn đương thời, “Bạn đang nói với tôi rằng nếu tôi không tin vào Chúa Jesus, tôi sẽ xuống địa ngục khi tôi chết?”

Tôi chưa bao giờ nghe câu hỏi lạ lùng như vậy trước nhiều người. Tôi bắt đầu đổ mồ hôi, cả lớp im lặng chờ tôi trả lời. Tôi nghĩ từng lời một, cẩn thận trong mỗi ý tưởng và nói với cả tấm lòng đầy cảm xúc, “ Tất cả chúng ta đều có tội làm chúng ta xa cách Đức Chúa Trời. Cho dù chúng ta làm gì, chúng ta không thể đắc thắng sự phản loạn của chúng ta. Đó là lý do tại sao  Chúa Jesus chết trên thập tự giá – để cứu chúng ta khỏi tội của chúng ta và khỏi chính chúng ta. Vâng, nếu không tin vào Chúa Jesus, bạn sẽ không lên thiên đàng.”

Cả lớp ồn ào và các đôi mắt tròn xoe trước một Cơ đốc nhân đang cố gắng trình bày lẽ thật từ Kinh Thánh. Lauren đi lên đứng cạnh tôi trước lớp và nói, “Thật là điều buồn cười nhất tôi từng nghe. Bạn là ai mà nói rằng đức tin của bạn là con đường duy nhất đến cùng Đức Chúa Trời và tất cả chúng tôi sẽ đi vào sự chết đời đời?”. Cô ấy đi ra khỏi lớp.

Đáng lẽ ra tôi đã có những  kỷ niệm tốt hơn.

Đó là cuộc đối thoại đầu tiên trong nhiều cuộc đối thoại với Lauren. Những ngày tiếp theo, cô ta hỏi tôi mọi câu hỏi trong Kinh thánh. Sao bạn biết Đức Chúa Trời tồn tại? Jesus khác với các giáo chủ tôn giáo khác như thế nào? Còn những người chưa bao giờ nghe về  Chúa Jesus thì sao? Mỗi lần như thế tôi cố gắng trả lời các câu hỏi của cô ấy, nhưng thông thường tôi có cảm giác là các lời của tôi đang đánh vào bức tường gạch.

Một lần sau cuộc đối thoại,  tôi đi bộ ngang qua trường và bắt đầu suy nghĩ, Tôi thật sự tin như vậy? Tôi không muốn là kẻ ngạo mạn hay có một tâm trí hẹp hòi. Tôi chỉ đang tin vào những gì tôi được nuôi dạy? Đây là lẽ thật? Chúa Jesus thật sự là con đường duy nhất để đến cùng Đức Chúa Trời?

Trong nhiều tháng tiếp theo, tôi vật lộn với mớ câu hỏi mà tôi chưa từng có trước đây. Bị làm nhục bởi trường đại học thế tục này, tôi suy nghĩ mông lung  khi kết thúc năm học cho mùa Hè. Khi mùa Thu trở lại, tôi đi bộ vào lớp trong ngày đầu tiên của khóa học. Lauren ngồi đó trong lớp.

Cô ấy gọi “Hôm nay tôi cần phải nói chuyện với bạn.”

“Được rồi” tôi đáp. Ồ tuyệt quá, tôi nghĩ. Trận chiến lại bắt đầu đây.

Lauren và tôi nói chuyện sau tiết học. Cô ấy nói với tôi rằng suốt cả mùa Hè cô ấy đã hiểu cô ấy đầy tội trước mặt Đức Chúa Trời. Cô ấy cũng hiểu sự đầy đủ của Đấng Christ che phủ tội của cô. “David”, cô nói, “Tôi đã tin Chúa Jesus là Đấng cứu rỗi tôi, và bây giờ tôi biết khi tôi chết, tôi sẽ lên thiên đàng.”

Đức Chúa Trời đã mở một con đường cứu rỗi cho những người hư mất. Không phải một con đường bất định (a way) trong vô số con đường khác, nhưng là con đường duy nhất được xác định (The Way). Và đây  là tin tốt lành – Phúc âm.

Nhưng câu hỏi vẫn còn đó. Những người chưa bao giờ được nghe những gì Lauren nghe thì sao? Điều này dẫn chúng ta đến với hai lẽ thật cuối.

LẼ THẬT 6: CON NGƯỜI KHÔNG THỂ ĐẾN CÙNG ĐỨC CHÚA TRỜI NGOÀI ĐỨC TIN TRONG CHRIST

 

Sau khi viết một trong những đoạn  khó hiểu  và ấn tượng nhất trong cả Kinh thánh (Rô-ma 3:21-26), Phao-lô bắt đầu giải thích làm cách nào sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trở nên thực tế trong đời sống chúng ta.

Người Do thái đang lắng nghe Phao-lô thường vâng theo luật pháp trong nỗ lực cá nhân để biết và làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nhưng  trong Rô-ma 3:27-31, Phao-lô miêu tả đức tin trong Christ là phương cách duy nhất để được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Ông phát triển ý tưởng này sâu hơn trong Rô-ma 4 và Rô-ma 5 với kết luận rằng, “vì chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jesus Christ chúng ta.” (Rô-ma 5:1) Đức tin trong Christ là phương tiện duy nhất để chúng ta được cứu.

Một vài người thắc mắc tại điểm này rằng còn người trong Cựu ước thì làm sao được cứu? Phao-lô luận  giải từ Rô-ma 4 đến Rô-ma 11 rằng Áp-ra-ham và những người khác trong Cựu ước được cứu bởi ân điển thông qua đức tin về sự đến của Đấng Christ. Dầu họ không biết tất cả các chi tiết, họ tin nơi sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời sẽ đến xuyên qua Đấng Christ. Dựa trên những gương mẫu của họ, vài người kết luận rằng ngày nay con người có thể được cứu xuyên qua niềm tin khái quát về Đức Chúa Trời dầu họ chưa bao giờ nghe về Đấng Christ. Nhưng Kinh Thánh không cho bất cứ bằng chứng nào về điều này. Chủ đề của Tân ước là Đấng Christ phải đến và con người phải tin vào Ngài và công tác của Ngài trên thập tự giá cho sự cứu rỗi của họ (Rô-ma 10:9-10).

Bây giờ, rõ ràng là nếu con người không thể đến cùng Đức Chúa Trời ngoại trừ với đức tin trong Đấng  Christ, thì lẽ thật này không không khích lệ những người chưa từng nghe về Đấng Christ. Nhiều người sẽ kết thúc tại điểm này, “Tôi không biết như thế nào, nhưng chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ mở con đường cho hàng triệu người bước vào thiên đàng thậm chí họ chưa từng nghe về Chúa Jesus.” Câu nói này đầy tình cảm, chúng ta mong có một con đường dành cho những ai chưa từng nghe về Chúa Jesus được cứu. Chúng ta chắc rằng Đức Chúa Trời trong tình yêu hoàn hảo của Ngài sẽ không cho phép họ đi vào địa ngục khi họ thậm chí chưa nghe về Jesus.

Lần nữa, chúng ta cần cẩn thận suy xét các chi tiết của một kết luận như thế. Nếu chúng ta kết luận con người có thể bước vào thiên đàng mà không cần đức tin trong Christ, thì nghĩa là có vài điều họ có thể làm để vào thiên đàng. Một sự kết luận như thế thì không chỉ là cắt xén lẽ thật trước mà chúng ta đã thấy trong Rô-ma, nó cũng sẽ chẳng khác gì khi nói với Chúa Jesus rằng, “Cảm ơn vì những điều Ngài đã làm trên thập tự, nhưng chúng tôi có thể đến cùng Đức Chúa Trời qua những con đường khác.”

Rô-ma và toàn bộ Kinh thánh thì hoàn toàn rõ ràng về điều này. Đức tin trong Christ là cần thiết cho sự cứu rỗi.

Sau bốn lẽ thật đầu tiên, chúng ta cuối cùng cũng đến với vài tin tốt lành trong lẽ thật thứ năm. Nhưng với lẽ thật thứ sáu, chúng ta dường như đến với một điểm tệ hại khác. Nếu con người không thể đến với Đức Chúa Trời ngoại trừ với đức tin trong Christ, và nếu hơn hàng tỉ người chưa bao giờ nghe về Christ, thì có một vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại. Vấn đề này dẫn chúng ta đến với sự khẳng định sau cùng trong sách Rô-ma.

LẼ THẬT 7: ĐẤNG CHRIST TRUYỀN CHO HỘI THÁNH PHẢI LÀM CHO PHÚC ÂM ĐƯỢC BÀY TỎ RA CHO MỌI DÂN TỘC

 

Tiến đến Rô-ma chương 10. Phao-lô trích một câu từ sách Giô-ên và luận giải một vài hàm ý.

“Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu.”

Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào?

Những câu này không phải để khoe tài hùng biện của Phao-lô; chúng là một bức tranh rõ ràng về kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Trong ba câu ngắn gọn này, chúng ta thấy sự thiết kế của Đức Chúa Trời là giảng Phúc âm cho mọi dân tộc của thế giới bao gồm cả hàng tỉ người chưa bao giờ nghe về danh Jesus.

Để chúng ta có thể thấy được điều này, hãy lấy vài động từ trong đoạn này trong thứ tự đảo ngược. Bắt đầu với câu cuối cùng, bạn thấy rằng kế hoạch của Đức Chúa Trời bao gồm việc sai đi các đầy tớ của Ngài.

Sau đó, tiếp tục khảo sát phân đoạn này, chúng ta thấy những đầy tớ này làm gì? Họ rao giảng. Các đầy tớ được sai đi để rao giảng Phúc âm. Như chúng ta đã thấy khi chúng ta suy xét việc làm môn đồ, các đầy tớ của Đức Chúa Trời được dự định phải đi và công bố Phúc âm. Đây là kế hoạch của Đức Chúa Trời. Ngài sai đi các đầy tớ, và các đầy tớ rao giảng.

Tiếp tục khảo sát thêm, chúng ta thấy khi các đầy tớ Ngài rao giảng, con người nghe bất chấp họ có chú ý hay không. Nếu chúng ta không rao giảng cho một bức tường, con người sẽ nghe chúng ta khi chúng ta rao giảng. Vậy kế hoạch này là một tiến trình: Đức Chúa Trời sai phái các đầy tớ, các đầy tớ đi ra rao giảng, con người nghe.

Khi họ nghe, Kinh Thánh nói rằng họ sẽ tin. Bây giờ, phân đoạn này không dạy mỗi cá nhân đơn lẻ nghe Phúc âm sẽ tin. Rõ ràng điều này không thật, nhưng phân đoạn này dạy rằng khi chúng ta rao giảng và con người nghe, vài người trong số họ sẽ tin. Chúng ta đã thấy rằng một ngày kia mọi quốc gia, dân tộc, bộ lạc, và mọi ngôn ngữ sẽ ăn năn quanh ngai của Đấng Christ. Điều này nghĩa là mọi nhóm người sẽ nghe Phúc âm được rao giảng, và vài người từ mọi nhóm sẽ tin nhận Đấng Christ cho  sự cứu rỗi của họ. Điều này cho chúng ta một sự tin cậy lớn. Bạn có thể đi đến nơi tận cùng của những nhóm người thù địch chưa từng tiếp xúc nền văn minh trên hành tinh này và rao giảng Phúc âm cho họ, khi đó vài người sẽ tin. Đức Chúa Trời sai các đầy tớ Ngài, các đầy tớ Ngài rao giảng, con người nghe, và  vài người sẽ tin.

Hai bước cuối của kế hoạch Đức Chúa Trời thì rõ ràng. Khi người nghe quyết định tin Phúc âm, họ kêu cầu danh Chúa, và khi họ kêu danh Chúa, họ sẽ được cứu. Vậy bạn có điều này: kế hoạch đơn giản thần thượng để đem Phúc âm đến cho mọi dân tộc trên thế giới.

Đức Chúa Trời sai các đầy tớ Ngài ► Các đầy tớ Ngài rao giảng ►Con người nghe ► Người nghe tin ►Người tin kêu cầu danh Chúa Jesus ► Ai kêu cầu danh Chúa thì được cứu.

Bây giờ nhìn ngược lại tiến trình này và hỏi một câu hỏi khác: Có bất kì điểm nào trong kế hoạch này có thể bị loại trừ không? Hãy suy nghĩ về điều này. Rõ ràng ai kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu. Không thể loại trừ điểm này. Hễ ai tin Chúa sẽ kêu cầu Chúa. Nhiều người nghe (không phải tất cả, nhưng nhiều) sẽ tin. Con người sẽ nghe Phúc âm khi chúng ta rao giảng cho họ. Và Đức Chúa Trời thì chắc chắn vẫn đang làm việc để sai các đầy tớ Ngài đi.

Nhưng ở đây có một  khả năng bị bẻ gãy trong tiến trình này, đó là khi các đầy tớ Ngài không rao giảng Phúc âm cho mọi dân tộc?

Chúng ta là kế hoạch của Đức Chúa Trời, và không có kế hoạch B.

Tất nhiên, Đức Chúa Trời có quyền năng viết Phúc âm bằng chữ trên các đám mây để mọi người có thể đọc về Jesus và tin Ngài. Nhưng trong sự khôn ngoan vô hạn của Ngài, Ngài không chọn con đường này. Thay vào đó Ngài chọn chúng ta như các đại sứ để thực thi Phúc âm cho những ai chưa từng nghe về danh Jesus.

Chúng ta là kế hoạch của Đức Chúa Trời, và không có kế hoạch B.

Ngày nay, có nhiều câu chuyện kể rằng Đức Chúa Trời bày tỏ Christ qua giấc mơ và khải tượng cho nhiều người chưa bao giờ nghe về Chúa Jesus trên khắp thế giới. Do đó, nhiều Cơ đốc nhân bắt đầu nương trên hi vọng rằng Đức Chúa Trời dùng cách khác để làm cho Phúc âm được biết đến cho những người chưa bao giờ nghe về danh Jesus. Nhưng chúng ta cần phải nhớ vài điều: không có bất cứ câu nào trong Công vụ mà Phúc âm được giảng cho người hư mất mà không thông qua người được sai đi. Vài người có thể chỉ ra khải tượng mà Cọt-nây có. Nhưng Đức Chúa Trời đã gọi Phi-e-rơ chỗi dậy và đi đến nhà Cọt-nây để giúp ông hiểu khải tượng của ông và đón nhận Phúc âm. (Công vụ 10) Đức Chúa Trời rõ ràng quyết định dùng hội thánh – và chỉ hội thánh  như là một phương tiện của ân điển, qua nó Phúc âm của Chúa sẽ đến tận cùng trái đất.

KHÔNG CÓ THỜI GIAN ĐỂ LÃNG PHÍ

f2

Vậy, điều này là câu trả lời cho câu hỏi của chúng ta về điều gì sẽ xảy đến cho người chưa bao giờ nghe về  Chúa Jesus. Mọi người biết Đức Chúa Trời, và mọi người khước từ Đức Chúa Trời. Mọi người thì có tội trước mặt Đức Chúa Trời, và mọi người bị định tội vì khước từ Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời mở một con đường cứu rỗi cho những người hư mất, và người ta không thể đến cùng Đức Chúa Trời ngoại trừ đức tin trong Christ. Cuối cùng là Đấng Christ truyền cho Hội thánh phải rao giảng Phúc âm  cho mọi dân tộc.

Nếu điều này là thật, thì nó liên quan đến cuộc sống chúng ta rất nhiều. Nếu hơn một tỉ người ngày nay hướng về một cõi đời đời không có Đấng Christ và chưa bao giờ nghe về Phúc âm, thì chúng ta không có thời gian để lãng phí cuộc sống của chúng ta trên giấc mơ Mỹ. Không phải chúng ta đã được truyền phải giảng Phúc âm cho họ sao? Khuynh hướng  chung trong văn hóa của chúng ta là tranh luận về câu hỏi này, nhưng cuối cùng mục tiêu của chúng ta không phải là cố tìm ra câu trả lời; mục tiêu của chúng ta là làm nhẹ bớt gánh nặng trong lòng chúng ta.

Có hơn năm ngàn nhóm người, tổng số họ khoảng 1,5 tỉ người hiện giờ được xếp loại như “chưa được tiếp xúc” và “chưa được chú ý”. “Chưa được tiếp xúc” nghĩa là nhóm người mà không có một cộng đồng cơ đốc bản địa với nhân lực tương xứng để lan rộng Phúc âm trong nhóm người đó. “Chưa được chú ý” nghĩa là không có hội thánh hay tổ chức nào hoạt động tích cực giữa vòng nhóm đó để lan truyền Phúc âm. Nói cách khác, 1,5 tỉ người này là chưa được tiếp xúc và chưa được chú ý, hầu hết mỗi người giữa vòng họ được sinh ra, sống, và chết mà không được nghe gì về Phúc âm. Thậm chí tệ hơn, không một ai đang cố gắng làm việc gì để thay đổi tình trạng của họ. Không một ai.

Một trong những người bạn tốt của tôi gần đây dành thời gian cho những dân chưa được tiếp xúc và chưa được chú ý ở vùng Đông-Nam Á. Khi anh nói chuyện với dân làng tại một vùng hẻo lánh, anh cố gắng mở ra niềm tin căn bản của họ. Anh hỏi họ, “Chúng ta được tạo dựng như thế nào?”

Họ đáp, “Chúng tôi không biết.”

Anh hỏi, “Ai gửi mưa đến những cánh đồng?”

Họ đáp, “Chúng tôi cũng không biết.”

Sau đó anh hỏi, “Chuyện gì xảy ra khi chúng ta chết?”

Họ nhìn anh và trả lời, “Không một ai đã đến đây và nói cho chúng tôi về điều đó.”

Sau đó anh tìm ra một ngôi làng khác với những người chưa bao giờ nghe về Phúc âm. Họ rất nồng nhiệt và thân thiện, họ mời anh uống chung với họ. Một người đàn ông đi vào một cửa hàng nhỏ và xuất hiện  trở lại sau đó với một thùng Co-ca vỏ hộp màu đỏ trên tay. Công ty nước uống có ga ở Atlanta đã bán thứ nước uống có đường màu nâu này tốt hơn hội thánh của Chúa Jesus Christ trong việc giới thiệu Phúc âm cho họ!

Hãy suy xét chỉ một nhóm dân cụ thể chưa được tiếp xúc với Phúc âm. 1,4 triệu người Ả Rập du cư ở Algeria. Họ sống trong những túp lều được phủ với lông dê. Họ có một ít thức ăn và thường xuyên sống trong điều kiện thiếu chăm sóc sức khỏe. Họ là 100% Hồi giáo. Không có bất kì Cơ đốc nhân nào. Không hội thánh. Không giáo sĩ. Không Phúc âm. Không Chúa Jesus. Trong khi đó, Đức Chúa Trời đã cứu bạn và tôi bởi ân điển Ngài. Ngài không chỉ ban cho chúng ta trí hiểu về Đấng Christ, nhưng Ngài cũng chu cấp cho chúng ta mọi sự chúng ta cần để giảng Phúc âm cho họ. Bây giờ hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta nhìn vào mắt của người Ả Rập du cư kia và giới thiệu Đấng Christ cho người này lần đầu tiên.

Đây là một lý do xứng đáng để chúng ta sống, cũng là lý do xứng đáng để chúng ta chết. Nó là lý do xứng đáng cho sự tiến lên khẩn cấp. Chúng ta có Phúc âm của Đấng Christ bên trong chúng ta, và chúng ta không có thời gian để lãng phí. Vài người thắc mắc, thật bất công khi Đức Chúa Trời cho phép nhiều người không có kiến thức về Phúc âm. Nhưng không có sự bất công trong Đức Chúa Trời. Sự bất công nằm ở giữa vòng Cơ đốc nhân – những người sở hữu Phúc âm và từ chối dâng mạng sống mình để làm Phúc âm được biết đến giữa vòng những người chưa được nghe. Đây thật là sự bất công.

Tôi nhận thấy một trong những câu hỏi thông thường giữa vòng Cơ đốc nhân ngày nay là: “Ý chỉ của Đức Chúa Trời cho đời sống của tôi là gì?” hoặc “Làm sao tôi biết ý chỉ của Đức Chúa Trời cho đời sống tôi?” Nhiều Cơ đốc nhân hầu như thừa nhận quan điểm rằng họ sẽ vâng lời Đức Chúa Trời nếu Ngài chỉ họ những điều họ muốn làm.

Nhiều người hỏi, “Làm cách nào tôi tìm thấy ý chỉ của Đức Chúa Trời cho đời sống tôi?” Tôi mang một tin tốt lành. Ý muốn của  Ngài là không một ai bị hư mất. Với 1,4 triệu người Ả Rập du mục tại Algeria chưa bao giờ nghe về Phúc âm, điều này chỉ làm gợi  lên một ít cảm xúc trong chúng ta, “Ngài muốn con làm gì đây hỡi Chúa?” Câu trả lời thì rõ ràng. Ý chỉ của Đức Chúa Trời cho bạn và tôi là dâng đời sống mình ngay lập tức, liều mạng làm cho Phúc âm và vinh hiển của Đức Chúa Trời được biết đến giữa muôn dân, đặc biệt cho những ai chưa bao giờ nghe về  Chúa Jesus.

Vì vậy câu hỏi thực sự không phải là “Chúng ta có thể biết ý chỉ của Đức Chúa Trời?” nhưng là “Chúng ta sẽ vâng theo ý chỉ của Đức Chúa Trời?”

Chúng ta sẽ từ chối sự kêu gọi phổ thông từ Lời Chúa và chờ đợi một điều gì đó…trước khi chúng ta chỗi dậy và làm những gì chúng ta đã được truyền phải làm?

Chúng ta sẽ liều mọi sự: tiện nghi, tài sản, sự an toàn, sự bảo vệ, mạng sống của chúng ta … để làm cho Phúc âm được biết đến giữa các dân tộc chưa từng nghe về Chúa Jesus?

Một sự chỗi dậy và liều mình như thế là không thể trốn tránh, đáp số khẩn cấp tốt nhất cho đời sống là từ bỏ mọi sự vì Chúa Jesus.

 

Tác giả: David Platt

Translated by Tuong Vi

 

CHÚ THÍCH:

  • Giấc mơ Mỹ là cơ hội chọn lựa của từng cá nhân, không bị hạn chế ràng buộc bởi giai cấptôn giáo hay chủng tộc. Giấc mơ Mỹ là giấc mơ của một vùng đất mà ở đó cuộc sống tốt đẹp hơn, giàu có hơn và đầy đủ hơn cho mọi người. Ở đó mỗi người  đều có cơ hội theo khả năng hoặc thành tựu của mình.

Hình minh họa cho Giấc mơ Mỹ:

american-dream

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn