Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / VĂN HÓA TIN LÀNH

VĂN HÓA TIN LÀNH

worldvision

Văn hóa là một từ khó định nghĩa. Từ nầy mỗi ngành khoa học đều có một định nghĩa khác nhau. Người ta nói rằng Văn hóa có hơn một trăm định nghĩa. Trong bài nầy chữ Văn hóa sẽ được hiểu trong một ý nghĩa bình dân và rộng rãi, trong đó văn hóa như là những giá trị tinh thần và vật chất mà một cộng đồng, hay một dân tộc, đã tạo ra, và rồi sống ở trong đó.

Nếu hiểu theo nghĩa nầy thì văn hóa có liên quan mật thiết đến tín ngưỡng tôn giáo. Nói cho chính xác thì tín ngưỡng tôn giáo hình thành các nền văn hóa.

Điều nầy là rõ ràng. Chúng ta thấy văn hóa Trung hoa rõ ràng là đã được định dạng trước hết bởi Nho giáo Sơ kỳ, có từ thời Chu Công, cách đây hơn ba nghìn năm. Sau đó, văn hóa ấy chịu ảnh hưởng bởi Lão giáo, đến sau khoảng sáu trăm năm, rồi lại chịu ảnh hưởng bởi Phật giáo, du nhập vào Trung quốc sau sáu trăm năm khác, tức là khoảng thế kỷ thứ hai sau Công nguyên; tạo thành một nền văn hóa mà chúng ta vẫn hay gọi là Văn hóa của Tam giáo (Nho, Lão, Phật).

Văn hóa Ấn độ được hình thành chủ yếu bởi đạo Bà-la-môn, hoà trộn với các nhóm tín ngưỡng khác nhau của Bán đảo Ấn độ, mà chúng ta vẫn gọi chung là Ấn độ giáo.

Đạo Phật đã hình thành nên văn hóa tại những nước mà phần đông dân chúng theo đạo Phật, như Campuchia, Lào, Miến điện, Tích lan, Tây tạng; đạo Hồi đã hình thành nên văn hóa tại một số nước theo đạo Hồi như ở Inđônêxia, ở Nam Á, Tây Á, và Bán đảo Á rập. Rõ ràng là những nền văn hóa ấy đều có những nét riêng, những nét đặc thù, định hình từ tín ngưỡng bản địa. Những người Âu Mỹ sống trong văn hóa Cơ đốc giáo trước đây khi đặt chân đến những nước theo Ấn giáo, Phật giáo hay Hồi giáo, họ liền có cảm tưởng như đi vào một thế giới rất khác lạ, mà họ thường gọi là “Đông phương huyền bí”…

Hay là Cơ đốc giáo rõ ràng là đã hình thành nên nền văn hóa Cơ đốc giáo tại những nước mà phần đông dân chúng tin theo Cơ đốc giáo. Ngay tại trong lòng khối quốc gia theo Cơ đốc giáo, tín lý khác nhau cũng tạo nên những nền văn hóa khác nhau ít nhiều. Văn hóa tại các nước Bắc Âu, Trung Âu và Tây Âu theo Tin lành nhiều, cũng hơi khác với văn hóa Nam Âu theo Công giáo, và Đông Âu theo Chính thống giáo. Văn hóa của Hoa kỳ và Canada theo Tin lành nhiều cũng có khác với văn hóa của các nước theo Công giáo nhiều, chạy dài  từ Mễ tây cơ cho đến tận Đảo Phục sinh (Isla de Pascua) ở cực nam của nước Chí lợi.

Tất nhiên không ai có thể nhận định tuyệt đối khách quan về bất cứ một vấn đề gì. Tôi là một người đã tin theo Tin lành hơn bốn mươi năm, tôi yêu mến Kinh Thánh và Văn hóa Tin lành vốn bắt nguồn từ Kinh Thánh. Nhận xét của tôi chắc chắn phải thiên kiến về Tin Lành. Ở đây tôi sẽ cố gắng để khách quan đến chừng mực tối đa mà tôi có thể:

1. Văn hóa Tin lành là văn hóa “dân chủ tự do”. Hoa kỳ là nhà nước dân chủ tự do được thành lập đầu tiên trên thế giới cách đây hơn hai trăm năm (1776). Các “Quốc phụ” của nước Mỹ, đa phần là những người Tin lành, đã xây dựng Nước Mỹ trên nền tảng của Kinh Thánh, là quyển sách giải phóng cho con người được tự do. “Vậy nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do (Giăng 8:36). “Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha, Kẻ mù được sáng, Kẻ bị hà hiếp được tự do; Và để đồn ra năm lành của Chúa” (Luca 4:19). Tổng thống, nhà giải phóng nô lệ Mỹ, Abraham Lincoln, đã xác nhận điều đó khi ông nói: “Tám mươi bảy năm trước đây, tổ tiên chúng ta đã thành lập trên lục địa này một quốc gia mới, được hoài thai  trong Tự do, và cung hiến trong niềm xác tín rằng mọi người sinh ra dưới trời đều bình đẳng” (Bài diễn văn Gettysburg).

lincoln_4_31.7_kienthuc.net_godk

Không phải vô tình mà những người liều chết để đi tìm tự do trong các trại Tỵ nạn, dầu theo bất cứ tôn giáo hay chính kiến nào, phát xuất từ nền văn hóa nào đi nữa, cũng đều đã thường chọn Mỹ, Canada, Úc, Tân tây lan, Thụy điển, Na uy, Đan mạch, Phần lan, Đức, Hà lan, Thụy sĩ… là những nước Tin lành với nền văn hóa Tin lành làm nơi sinh sống. Có lẽ nhiều người không để ý, nhưng đây là sự thực: Đạo Tin lành dầu ở bất cứ nước nào cũng đã tạo nên một nền văn hóa và văn minh Tin lành, là nền văn hóa và văn minh “dễ sống” nhứt. Trong nhiều năm liên tiếp của thế kỷ trước và thế kỷ nầy, các quốc gia Tin lành, đặc biệt là Bắc Âu, như Na uy, Thụy điền, Phần lan, Đan mạch, được xem là những quốc gia có mức sống cao và cuộc sống dễ chịu nhứt thế giới.

2. Văn hóa Tin lành là văn hóa “Nhơn ái  khoan nhượng”. Văn hóa Tin lành được xây dựng trên hai điều răn lớn nhứt của Kinh Thánh, đó là: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình” (Luca 10:27).

Chẳng những yêu người lân cận, Kinh Thánh còn truyền dạy phải yêu thương và cư xử tử tử tế với cả kẻ thù nghịch. Đức Chúa Trời phán: “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Mathiơ 5:44), “Vậy nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống” (Rô-ma 12:20)…

Những nước theo Tin lành nổi tiếng khoan dung và tử tế với những người bất đồng tôn giáo, và thậm chí còn có khi thù nghịch với Tin lành. Những giáo sĩ Tin lành thường gặp khó khăn và bách hại, có khi giết chết, khi vào giảng đạo tại những nước khác tôn giáo, nhưng giáo sĩ của bất cứ tôn giáo nào cũng đều được tự do hành đạo, và cư xử tử tế tại những nước Tin lành, với nền văn hóa, văn minh Tin Lành.

Về chính kiến cũng vậy. Văn hóa Tin lành rất rộng rãi với những kẻ bất đồng chính kiến. Đã từng có người viết rằng: “Nước Mỹ thật sự là thiên đàng của những người chống Mỹ”. Có những người từ bốn phương trời đã đến Mỹ sinh sống và được Nước Mỹ bảo vệ, nuôi dưỡng tử tế, thậm chí có khi được Nước Mỹ làm cho nổi danh, nhờ suốt ngày chỉ làm có mỗi một việc là nói xấu Mỹ.

3. Văn hóa Tin lành là văn hóa “quan tâm ban cho”.  Đức Chúa Trời truyền dạy con cái Ngài phải quan tâm đến nhu cầu người khác và phải thực hành sự ban cho. Kinh Thánh chép: “Người công bình làm ơn, và ban cho (Thi-thiên 37:21), và “chính Đức Chúa Jêsus có phán rằng: Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35). Người Tin lành thực hiện sự ban cho vì vâng lời Chúa dạy, mà cũng vì luôn luôn nhìn biết rằng tất cả những gì mình có đều đến từ sự ban cho của Đấng Tạo Hóa. Kinh Thánh là quyển sách viết về sự ban cho của Thiên Chúa, và lời dạy con người về sự ban cho. Văn hóa ban cho là văn hóa của Tin lành.

Xã hội Tin lành là xã hội mà các tổ chức từ thiện, bất vụ lợi, và công tác thiện nguyện là một sinh hoạt chính của quốc gia, được luật pháp bảo vệ và hỗ trợ. Chúa nhựt tuần qua, một tín hữu Tin lành, là người trở về sau chuyến đi công tác ở Ấn độ, có nhận xét: “Ngày nay tại những nước đang lên cũng có nhiều người giàu, rất giàu, nhưng mục đích sống và lối sống của họ thường khác với những nhà giàu ở các nước Tin lành. Họ sống rất xa hoa cho họ, và rất ít khi ban cho”. Văn hóa của các xã hội đó không phải là văn hóa của sự ban cho.

Các quốc gia Tin lành là những quốc gia viện trợ nhơn đạo nhiều nhứt thế giới. Công cuộc viện trợ nầy có khi bị chính trị lợi dụng, phá hại, song căn bản của nó là tốt đẹp, đã được phát xuất từ những giá trị và niềm tin Cơ đốc. Chính những giá trị và niềm tin nầy, khi ứng dụng vào cuộc sống, đã xây dựng nên, và định hình nền văn hóa quốc gia. Một khi văn hóa ban cho đã trở thành văn hóa quốc gia, quốc gia đó sẽ thành nguồn phước cho thế giới.

Mục sư Dương Đức Hiền

Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Wheaton

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn