Trong Lu-ca 9:18 khi Đấng Christ đang cầu nguyện, các môn đồ Ngài ở với Ngài. Về những người tự gọi mình là môn đồ, Chúa chúng ta đã có yêu cầu khắt khe nhất (câu 23-24): “Đoạn, Ngài phán cùng mọi người rằng: Nếu ai muốn theo ta [nghĩa là, nếu ai muốn làm môn đồ thật] phải tự bỏ mình đi [nói không với chính mình], mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống, thì sẽ cứu.” Chìa khóa để là môn đồ thật được tìm thấy trong câu 23. Đấng Christ phán, “Nếu ai đã bắt đầu như là một người hiếu kỳ muốn tìm hiểu, thì kết quả của điều này là bị thuyết phục rằng Ta là Đấng Mê-si, Con Đức Chúa Trời, và người đó sẽ phó dâng chính mình trọn vẹn cho Ta, người đó sẽ trở nên môn đồ của Ta. Nhưng không chỉ có vậy, nếu ai muốn trở thành môn đồ Ta, anh ta phải nói không với chính mình và vác thập tự giá mình theo Ta mỗi ngày.”
Điều này được tìm thấy lần nữa trong Lu-ca 14:27: “Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta.” Chúa Jesus đã nói về một việc “tính sổ lớn” hàm ý thập tự giá mà Ngài phải mang khi lên Giê-ru-sa-lem. Ngài đặt nó như là một yêu cầu nghiêm khắc: Nếu người nào không bằng lòng đồng nhất chính mình với Ngài trong sự khước từ chính mình và trong sự chết của Ngài, họ không thể là môn đồ mặc dù họ đã có một số tiến bộ khác. Ngài đã gọi họ là môn đồ trước đây, và bây giờ Ngài phán họ không thể là môn đồ – tại sao có sự thay đổi như thế? Lúc trước họ là người hiếu kỳ, thậm chí có lẽ bị thuyết phục, nhưng không giao phó; và môn đồ hóa thì phụ thuộc vào tất cả điều đó, toàn vẹn giao phó chính mình cho Chúa Jesus Christ. Câu 33 trong cùng chương này nói: “Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta.”
Trở thành môn đồ bao gồm sự giao phó. Nó bao gồm sự đồng nhất với Christ trong sự chết hổ nhục của Ngài. Môn đồ hóa bao gồm sự từ bỏ chính mình, nó bao gồm việc đặt qua một bên mục đích, mục tiêu, tham vọng, khao khát trong cuộc sống cá nhân. Nó cũng bao gồm việc hi sinh vì cớ Chúa Jesus Christ. Nó bao gồm việc đặt qua một bên ý chí và quyền lợi cá nhân về cuộc sống và biết rằng Chúa Jesus Christ có quyền kiểm soát, cai trị tất cả những ước vọng của chúng ta. Chúa Jesus phán nếu ai không sẵn lòng từ bỏ mọi sự mình có, người ấy không thể là môn đồ Ngài.
Điều này được thực hiện như thế nào trong Giăng 6? Chúa Jesus kết thúc bài giảng của Ngài bằng một phép lạ hóa bánh cho năm ngàn người ăn. Ngài đã cho họ bánh thuộc thể, và Ngài nhắc họ rằng Ngài đã đến để cung cấp cho họ với bánh thuộc linh từ trời. Ngài phán cùng họ Ngài là bánh sự sống (câu 48) và Ngài đã từ trời xuống để ban sự sống (câu 51). Ngài phán cùng họ (câu 53) rằng, trừ khi họ ăn thịt và uống huyết Ngài, họ sẽ không có sự sống trong họ. Chúa Jesus thách thức họ đi đến một quyết định. Họ là những người hiếu kỳ bây giờ đã bị thuyết phục, và họ phải đi đến chỗ của sự phó thác. Nhưng chúng ta đọc các câu 60-66: “Có nhiều môn đồ nghe Ngài, thì nói rằng: Lời nầy thật khó; ai nghe được? Nhưng Đức Chúa Jesus tự mình biết môn đồ lằm bằm về việc đó, bèn phán rằng: Điều đó xui các ngươi vấp phạm sao? Vậy, nếu các ngươi thấy Con người lên nơi Ngài vốn ở khi trước thì thể nào? Ấy là thần linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích chi. Những lời ta phán cùng các ngươi đều là thần linh và sự sống. Song trong vòng các ngươi có kẻ không tin. Vì Đức Chúa Jesus biết từ ban đầu, ai là kẻ không tin, ai là kẻ sẽ phản Ngài. Ngài lại phán rằng: Chính vì cớ đó, mà ta đã nói cùng các ngươi rằng nếu Cha chẳng ban cho, thì chẳng ai tới cùng ta được.[Chú ý những lời này] Từ lúc ấy, có nhiều môn đồ Ngài trở lui, không đi với Ngài nữa.”
Ai là những người trở lui? Chắc chắn nhiều người giữa vòng những người hiếu kỳ là những người đến nghe Ngài dạy. Họ thấy rằng những gì Ngài dạy khó chấp nhận được (phải trả một giá cao) và họ từ bỏ Ngài. Một số người bắt đầu là người hiếu kỳ bị thuyết phục rằng Chúa Jesus là Con Đức Chúa Trời – Đấng đã đến để khải thị lẽ thật, để cứu chuộc và cai trị, nhưng khi đến với điểm Chúa Jesus thách thức họ dâng chính mình trọn vẹn cho Đức Chúa Trời thì họ bỏ rơi Chúa và không đi theo Ngài nữa. Những người như vậy dù có danh là môn đồ, nhưng không phải là môn đồ thật trong ý nghĩa của Tân ước (như Chúa phán dạy trong Lu-ca 9 và Lu-ca 14). Môn đồ thật là người có tình yêu bùng cháy đối với thân vị của Đấng Christ, lòng của người ấy hòa hợp với Đấng Christ, người ấy có niềm tin không rúng động trong lời của Chúa và toàn vẹn giao phó chính mình cho Ngài trong công tác phục vụ. Cuộc sống, tâm trí, tấm lòng, ý chí người ấy dành cho lẽ thật, lúc đó người ấy mới có thể được xem là môn đồ của Chúa Jesus Christ.
Với tất cả sự tôn kính Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ phải thừa nhận rằng chúng ta thiếu hụt vài chỗ trong tiêu chuẩn của Tân Ước? Môn đồ của Chúa Jesus có nghĩa là Chúa Jesus Christ có quyền tuyệt đối trên đời sống một người, làm những gì Ngài thấy cần thiết cho người đó. Vì vậy khi chúng ta chỉ dâng cho Ngài một vài điều và để Chúa kiểm soát những phần nào đó của đời sống nhưng không phải là tất cả. Lúc đó chúng ta chưa phải là môn đồ. Môn đồ đúng nghĩa là Chúa Jesus Christ sỡ hữu mọi tài vật tôi có. Tôi chỉ là người quản gia, Chúa mới đích thực là Chủ sở hữu. Tôi có sẵn lòng dâng mọi sự tôi có cho Ngài? Nếu chưa làm vậy tôi không phải là môn đồ của Chúa Jesus Christ. Ngài là một đối tượng cho tình yêu của tôi. Chỉ khi nào Jesus Christ là tối thượng và đầu nhất trong tình yêu của tôi, lúc đó tôi là môn đồ của Ngài. Jesus Christ có quyền đổ đầy tâm trí tôi sự hiểu biết và lẽ thật của chính Ngài. Còn khi tôi kiểm soát và làm chủ ý tưởng của mình, tôi không phải là môn đồ của Chúa Jesus Christ.
Khi Đấng Christ khải thị ý chỉ Ngài cho tôi và tôi cân nhắc sẽ vâng theo hay từ chối, tôi không phải là môn đồ của Ngài. Tôi có thể đã trải qua từ một người hiếu kỳ trở nên bị thuyết phục muốn trở thành môn đồ, nhưng không giao phó mình cho Ngài, tôi chỉ là môn đồ hữu danh vô thực. Chúng ta lập lại lần nữa: một môn đồ thật là người có tình yêu với Đấng Christ, niềm tin vào lời của Đấng Christ, và toàn vẹn giao phó chính mình cho Ngài trong công tác phục vụ.
Theo Giăng 9:28, người mù được Đấng Christ chữa lành bị mắng bởi những đồng bạn Do thái của ông. Họ nói, “chính ngươi là môn đồ người; còn chúng ta là môn đồ của Môi-se.” Môn đồ của Chúa Jesus thì tương phản với môn đồ của Môi-se. Làm thế nào mà những người Do-thái trở nên môn đồ của Môi-se? Nếu bạn nghĩ về kinh nghiệm của của tổ phụ trong đồng vắng, bạn sẽ nhớ lại rằng Đức Chúa Trời đã sai Môi-se đến với Israel và Môi-se đến với họ bằng một sứ điệp từ Đức Chúa Trời. Môi-se chứng minh sứ điệp đó bằng các phép lạ và củng cố cho khải thị Đức Chúa Trời ban cho ông. Tuyển dân tin Môi-se bởi vì lời và các công việc của ông. Tuyển dân thuận phục Môi-se, và khi Môi-se dẫn họ ra khỏi Ai-cập vào đồng vắng, họ theo ông. Họ vâng lời Môi-se. Khi Môi-se bảo họ đi, họ đi; và khi Môi-se bảo họ ở dừng ở đây, họ dừng; và khi Môi-se bảo họ dâng hiến, họ dâng hiến. Môi-se được thừa nhận như là người phát ngôn của Đức Chúa Trời. Con cái Israel trở nên môn đồ của Môi-se bởi vì họ nghe lời Môi-se truyền đạt, họ tin, họ đáp ứng với lời đó và thuận phục uy quyền của Môi-se.
Làm thế nào mà người mù này trở nên môn đồ của Jesus? Ông nghe lời của Đấng Christ, và ông thấy dấu lạ – ông kinh nghiệm phép lại chữa lành trong chính thân thể mình. Sau đó ông đến và sụp xuống nơi chân Chúa Jesus trong sự thuận phục và thờ phượng. Ông trở nên môn đồ của Ngài qua hành động thuận phục.
Chúng ta không trở nên môn đồ bởi vì chúng ta thỏa mãn tính hiếu kỳ và dừng lại ở đó. Chúng ta không phải là môn đồ mặc dù bị thuyết phục về chức vụ của Chúa Jesus nhưng không sẵn sàng đầu phục Ngài. Chúng ta chỉ trở nên môn đồ khi chúng ta bị thuyết phục bởi Lời của Đức Chúa Trời, giao phó chính mình trọn vẹn cho Chúa Jesus Christ để trở nên môn đồ của Ngài.
Khát vọng của chúng ta trong những việc nghiên cứu sự dạy dỗ Tân Ước về môn đồ hóa là làm thay đổi nhận thức một số người về những tiêu chuẩn của một môn đồ. Chúng ta sẽ không ngủ quên hay thỏa mãn với những định nghĩa trước đây về môn đồ của Đấng Christ. Xin Chúa khiến chúng ta trở nên yêu mến và thuận phục Lời Ngài, giao phó mình cho Ngài, là môn đồ đúng nghĩa trong lẽ thật.
(Còn nữa)
Tác giả: J. Dwight Pentecost
Nguyên tác: DESIGN FOR DISCIPLESHIP
Translated by Huong Linh.
Bài trước: