(Tiếp theo bài trước)
• Như vậy ở đây Chúa Jesus đã đưa chuẩn mực đạo đức trong Tân Ước lên cao hơn Cựu Ước. Làm sao để người tín hữu có thể thực hiện hay áp dụng lời dạy của Chúa Jesus? Nếu bằng sức riêng con người thì mạng lệnh mà Chúa Jesus đưa ra là bất khả thi. Nhưng với Đức Chúa Trời thì không việc gì là không thể. Chính sự sống của Chúa Jesus bên trong người tín hữu sẽ thực hiện các mạng lệnh “bất khả thi” mà Đức Chúa Trời muốn con cái của Ngài phải đạt đến sự trọn lành. Đây chính là điều mà sứ đồ Phao-lô muốn nói đến trong thư tín Ga-la-ti, “Tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi” (Gal 2:20). Khi Đấng Christ nội trú bên trong tâm hồn, tâm linh của người tín hữu, thì đạo đức Cơ đốc bên trong của người đó được lưu xuất một cách tự nhiên ra bên ngoài. Đây là điểm khác biệt giữa đạo đức Cơ đốc với các giá trị, tiêu chuẩn đạo đức của các nền văn hóa và tôn giáo khác trên thế giới. Đạo đức của các nền văn hóa và tôn giáo là con người nhờ giáo dục, tu thân, tự điều chỉnh bản thân để trở nên tốt đẹp. Nhưng đạo đức Cơ đốc thì khác. Đó là đạo đức của Chúa Jesus đang nội trú bên trong người tín hữu được lưu xuất ra bên ngoài qua hành động. Chính bản thân người tín hữu không có khả năng sống đời sống theo tiêu chuẩn đạo đức Cơ đốc, nhưng sự sống của Chúa Jesus ở bên trong sẽ chi phối, kiểm soát và hướng dẫn người tín hữu vươn tới chuẩn mực của Đức Chúa Trời. Con người không thể làm được. Nhưng với Đức Chúa Trời thì mọi sự đều có thể.
2. Một xã hội không có nền đạo đức Cơ đốc sẽ như thế nào?
Chúng ta không phủ nhận một nền đạo đức theo tiêu chuẩn con người. Từ trong sâu thẳm của lương tâm và trái tim, con người muốn vươn đến chân thiện mỹ để hoàn thiện chính mình, nhưng mọi nỗ lực cá nhân đều thất bại khi con người loại bỏ Chúa Jesus ra khỏi cuộc sống. Một xã hội mà không có nền đạo đức Cơ đốc thì giống như thế giới này không có muối và ánh sáng. Hãy suy gẫm về những lời dạy của Chúa Jesus:
Các ngươi là muối của đất; song nếu mất mặn đi, thì sẽ lấy giống chi mà làm cho mặn lại? Muối ấy không dùng chi được nữa, chỉ phải quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chân. Các ngươi là sự sáng của thế gian; một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được: Cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, song người ta để trên chân đèn, thì nó soi sáng mọi người ở trong nhà. Sự sáng các người hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời (Ma-thi-ơ 5:13-16).
Nền đạo đức Cơ đốc chiếm vai trò chủ đạo và nó phải ảnh hưởng lên các giá trị đạo đức của con người. Nếu nền đạo đức đó không tồn tại trên thế giới, thì thế giới này sẽ rơi vào tình trạng không có muối và ánh sáng. Hậu quả là gì? Người viết không thể hình dung được một thế giới không có muối và ánh sáng!
Khi một xã hội hay một quốc gia loại bỏ những tiêu chuẩn đạo đức theo Kinh Thánh, chắc chắn những cộng đồng đó sẽ sống trong tình trạng xáo trộn. Nơi đó người ta coi việc nói dối hay gian trá với nhau là điều bình thường. Khi Chúa Jesus bị loại bỏ thì con người sẽ thay vào đó những tiêu chí, tiêu chuẩn của họ. Và những điều đó trước mặt Chúa là đáng hổ thẹn. Kinh Thánh nói gì về điều này?
Chúng đều dùng lời dối trá mà nói lẫn nhau,
Lấy môi dua nịnh và hai lòng,
Mà trò chuyện nhau. (Thi 12:2)
Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được? (Giê-rê-mi 17:9)
Một dân tộc hay một quốc gia chỉ có thể vươn lên khỏi vũng bùn lấm về phương diện đạo đức khi mà dân tộc hay quốc gia đó thực sự nhìn biết Đức Chúa Trời.
Một xã hội không có nền đạo đức Cơ đốc sẽ rơi vào những tình huống sau đây:
a. Con người sẽ thay thế đạo đức Cơ đốc bằng đạo đức tự nhiên theo luật lương tâm. Và đôi khi lương tâm này cũng bị chính con người làm cho sai trật. Những cảm nhận của nó không còn đúng nữa. Nền đạo đức của con người có thể tốt trong một chừng mực nào đó, nhưng chắc chắn nó có nhiều khiếm khuyết. Một nền đạo đức đúng nghĩa phải ra từ Đức Chúa Trời và hướng về Đức Chúa Trời nhằm tôn vinh Ngài.
b. Một nền giáo dục tốt như Nhật Bản cũng có thể tạo ra những nhân cách tốt, thế nhưng cái mà con người xem là tốt đẹp thì đôi khi lại trái ngược với cái nhìn của Đức Chúa Trời (10). Nói một cách tổng quát, một xã hội không có nền đạo đức Cơ đốc luôn là một xã hội mà mọi giá trị luân lý của nó được xây dựng theo mô hình của tháp Ba-bên – nghĩa là con người tự tôn cao chính mình, hoặc tôn cao lãnh tụ trần gian, hoặc tôn cao một học thuyết mà bị vua cầm quyền chốn không trung là Sa-tan chi phối. Và cuối cùng của tháp Ba-bên (Sáng 11) là gì? Đó là ngôn ngữ bất đồng, người ta không thể hiểu nhau, ai nói người ấy nghe và họ tự phân tán ra mỗi người một lãnh địa.
c. Khi một xã hội không có đạo đức Cơ đốc chi phối hay gây ảnh hưởng, thì mọi giá trị đạo đức bị xáo trộn và đảo ngược. Tại đó người ta thay thế sự chân thật bằng những điều dối trá, hận thù được kích hoạt và không có chỗ đứng cho tình yêu thương, sự tha thứ hay lòng bao dung. Điều này là một thực tế đau thương cho các quốc gia đã loại bỏ Đức Chúa Trời và Lời của Ngài là Kinh Thánh. Hậu quả của một xã hội phi Cơ đốc chính là bạo lực, hận thù, gian dối và quyền làm người bị loại bỏ, nhân phẩm phụ nữ bị chà đạp. Một hiện tượng gần đây nhất là tổ chức khủng bố IS, nó đã gây nên bao nỗi kinh hoàng trên thế giới. Tại sao? Vì trong tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo IS đó, những người lãnh đạo đã thay thế Đức Chúa Trời và Kinh Thánh bằng học thuyết của họ. Khi Kinh Thánh bị con người loại bỏ sang một bên, thì bất cứ điều gian ác, tệ hại nào cũng có thể xảy ra. Những tội ác của Nhà nước Hồi giáo IS như: giết con tin, bắt cóc, chặt đầu nhà báo, binh lính, và gần đây nhất vào thứ sáu ngày 13 tháng 11 năm 2015 là vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới (11). Tại sao như thế? Vì con người đã loại bỏ đạo đức Cơ đốc và chọn cho mình con đường diệt vong.
3.Làm thế nào để đạo đức Cơ đốc đi vào xã hội?
Đạo đức Cơ đốc chỉ có thể đi vào xã hội khi công tác truyền bá Phúc Âm kết quả lan rộng trong xã hội. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là điều kiện đủ để trả lời cho câu hỏi này. Nếu mỗi môn đồ của Chúa Jesus không sống đúng với Lời dạy của Chúa thì rõ ràng là chúng ta sẽ không có câu trả lời ở đây. Tuy nhiên có một thực tế đáng mừng là đạo đức Cơ đốc đã và đang tiếp tục đi vào các hoạt động trong đời sống. Lúc đầu tiên nó có thể chỉ là một ngọn lửa bé nhỏ từ một que diêm, nhưng khi có hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu người đốt lên những que diêm khác thì đó sẽ là một ánh sáng lớn lan tỏa chung quanh. Trong tác phẩm Nền Đạo đức Tin Lành và tinh thần của Chủ nghĩa tư bản tác giả đã nhận định: “Nền đạo đức Cơ đốc đã có một vai trò rất lớn góp phần trong việc mang đến sự phồn vinh thịnh vượng của Phương Tây và Hoa kỳ.” Một học thuyết đạo đức như vậy nên được áp dụng cho mọi quốc gia. Điều này tùy thuộc vào sự cầu nguyện của Hội thánh, bởi vì khi Hội thánh cầu nguyện thì Đức Chúa Trời hành động. Lòng các vua ở trong tầm kiểm soát của Chúa, Ngài có thể điều khiển họ theo ý Ngài (Châm 21:1). Thực ra chính Hội thánh của Đức Chúa Trời nắm quyền điều khiển dòng lịch sử của mọi quốc gia bằng sự cầu nguyện. Đây là uy quyền mà Chúa đã ban cho Hội thánh, như lời Chúa Jesus đã phán dạy trong Phúc Âm Ma-thi-ơ (12). Khi Hội thánh thực hiện chức năng đóng và mở ở dưới đất, thì trên trời Chúa cũng sẽ đóng và mở. Vì vậy người viết lịch sử không phải là các thể chế đời này mà chính là Hội thánh. Thế nhưng khi Hội thánh đánh mất uy quyền quản trị thế giới của mình vì cớ tội lỗi, thì đó là một bi kịch. Khi ấy Satan dường như thắng thế, nhưng đến cuối cùng nó chắc chắn sẽ bị tiêu diệt (13).
Trong phạm vi bài viết này, người viết xin trình bày một số phương án để đạo đức Cơ đốc đi vào xã hội:
• Các hội thánh Tin lành nên đẩy mạnh sự tham gia và mở rộng các hoạt động xã hội vì cộng đồng. Khi Hội thánh trưởng thành về phương diện thuộc linh thì Hội thánh cũng được Chúa ban phước để có thể tiến hành các chương trình phục vụ cộng đồng.
• Mỗi một Cơ đốc nhân cần được dạy dỗ và ý thức trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nếp sống đạo giữa xã hội. Những người làm công tác mục sư phải làm gương trong điều này, và dạy cho các thành viên trong hội thánh. Không có công tác nào có thể thay thế cho nếp sống đạo của Cơ đốc nhân. Nếu có những công tác tốt nhưng phẩm hạnh của người Cơ đốc không tốt theo tiêu chuẩn của Kinh thánh thì hệ quả theo sau nó là người ta sẽ không tin vào hệ thống hay học thuật đạo đức Cơ đốc. “Các anh dạy cho người ta sống tốt theo gương mẫu Chúa Jesus, nhưng cách sống của các anh thì ngược lại với những gì anh dạy”. Lời phản ánh này sẽ là một bi kịch cho Cơ đốc giáo và nền đạo đức Cơ đốc. Đạo đức Cơ đốc có nghĩa là người môn đồ của Chúa Jesus phải sống giống như thầy mình. Đó là con đường thập tự giá.
• Những nhà lãnh đạo Cơ đốc phải là những người xây dựng chiến lược và kế hoạch để quảng bá đạo đức Cơ đốc ra toàn xã hội. Muốn thực hiện điều này, nhu cầu hiện nay của hội thánh là phải có những người lãnh đạo được học tập và trang bị mọi kiến thức, hiểu biết về nghệ thuật lãnh đạo. Khi chưa xuất hiện những nhà lãnh đạo như vậy, hội thánh chỉ có thể thực hiện những công tác giới hạn theo tầm nhìn của hội thánh. Hãy nhìn xem Hội thánh Saddleback ở miền Nam California do Mục sư Rick Warren quản nhiệm. Đây là một hội thánh có chiến lược quảng bá nền đạo đức Cơ đốc ra bên ngoài xã hội thông qua các chương trình phục vụ cộng đồng (14). Sự thành công của Mục sư Rich Warren được nhà báo Đoàn Thanh Liêm ghi nhận như sau:
“Điều đáng ghi nhận hơn cả về vị mục sư danh tiếng này, chính là việc ông đã tổ chức cho các tín đồ và các bạn hữu thân tín của mình tham gia dấn thân nhập cuộc với các dự án hết sức lớn lao về xã hội, y tế, giáo dục và phát triển có tầm vóc toàn cầu.” (15)
• Như vậy đạo đức Cơ đốc không còn là giáo điều, nhưng là hành động cụ thể vì phúc lợi của cộng đồng. Cộng đồng đó có thể là một quốc gia nghèo đói ở Châu Phi đang cần tình yêu của Chúa Jesus chia sẻ cho họ hay bất kỳ một nhóm người nào trên thế giới đang sống trong những điều kiện thiếu thốn và chưa có cơ hội tiếp xúc với Kinh Thánh.
4. Kết luận.
Đạo đức Cơ đốc là đạo đức của Chúa Jesus Christ. “Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống” (1 Giăng 5:12). “Sự sống” mà câu Kinh Thánh này đề cập đến bao hàm luôn cả đạo đức Chúa Jesus trong đó. Đạo đức Cơ đốc bắt đầu từ khi Chúa Jesus nhập thế làm người, và nó sẽ tiếp diễn cho đến khi Chúa Jesus Christ tái lâm và cả trong cõi đời đời, vì nó chính là đạo đức của Đức Chúa Trời.
Chúng ta với tư cách là những Cơ đốc nhân, chúng ta có Thánh Linh sự sống (Rô-ma 8:2) ở bên trong có thể thoát khỏi những ràng buộc của luật pháp, để có khả năng tái hiện đời sống Chúa Jesus trên đất. Đây chính là đạo đức Cơ đốc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) https://vi.wikipedia.org
(2) Charles E. Curran, Richard A. McComick. Reading in Moral Theology, Volume 7, Nxb Paulist Press, Newyork , 1991, tr 239
(3) Giăng 1:4-5.
(4) Nguyễn Ngọc Long, Giáo trình Đạo đức học, Nxb Chính Trị Quốc gia, H. 2000, tr. 8.
(5) Đặng thị Lan. Về vai trò của đạo đức tôn giáo trong đời sống xã hội. Tạp chí Triết học. http://chungta.com
(6) William Barlay. Ethics in a Permissive Society, Harper & Row, Publisher, Inc, Newyork 1971, p. 13.
(7) Ma-thi-ơ 22:37-39
(8) Max Weber. Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Nxb. Trí thức, 2008, tr. 131-145.
(9) Đạo đức thời kỳ này được Giáo hội Công Giáo ngày nay đánh giá rằng: “nặng về mặt tiêu cực, dạy điều cấm hơn khuyên phải làm, dạy tránh tội hơn là làm phước, sợ hình phạt do phạm tội hơn là mất ân sủng của Chúa ban. Đạo Chúa như là con đường đi qua bãi mìn hơn là con đường thoải mái đưa đến hạnh phúc thật”. Trương Như Vương. Tìm hiểu tư tưởng đạo đức trong Kinh Thánh. Nxb. Tôn giáo. Tr. 2.
(10) 1 Sa-mu-ên 16:7
(11) http://vietdaikynguyen.com/
(12) Ma-thi-ơ 18:18
(13) Khải huyền 20:10
(14) https://vietbao.com/
(15) https://vietbao.com/
TƯỜNG VI
Bài trước:
https://huongdionline.com/2016/03/21/dao-duc-cua-chua-jesus/