Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / BỊ BẮT BỚ

BỊ BẮT BỚ

Tác giả: Cyril J. Davey

Soạn dịch: Cố Mục sư Trần Như Biên

 

images (1)

Sáng hôm sau, Sher Singh cố tránh đụng chạm với cậu con trai mười bốn tuổi của mình. Ở Ấn độ, sự trung thành với gia đình là một đức tính cao đẹp nhất. Việc Sundar  chống lại cha là việc không ai nghĩ đến, nhưng đối với Sher Singh, lòng trung kiên đối với Khalsa, quốc gia Sikh còn nặng hơn tình phụ tử. Ông hy vọng đứa con trai của mình  đã mơ mộng và chuyện vừa qua chẳng phải là thật. Tại sao con ông không thể vừa là một tín đồ bí mật của Chúa Jesus trong khi đó bên ngoài cậu cứ giữ niềm tin như trong gia đình?  Sher Singh tự nghĩ: mẹ của nó đã chẳng từng tìm kiếm chân lý trong các tôn giáo hay sao?

Gia đình biết rằng không thể nào thuyết phục cậu từ bỏ niềm tin mới nên ngấm ngầm bắt tay với những người bên ngoài đàn áp cậu. Bạn học chơi xỏ cậu như chính cậu đã hành động với các giáo sư ngày trước. Anh cậu chửi rủa cậu từ trong nhà cũng như khi ra ngoài đường. Chuyện vu khống thì không kể hết. Và trên đường phố, người ta nhổ nước miếng khi cậu đi ngang qua.  Cuộc bắt bớ công khai chấm dứt khi Rahmat Ullah, một trong những kẻ thù hung tợn nhất đã chết bởi nạn dịch tả khốc liệt. Thay vào đấy, sự bắt bớ quay sang cộng đồng người Cơ đốc giáo một cách toàn thể. Nhà họ bị phá hư hại, các tài sản tư hữu bị tàn phá. Trong tuyệt vọng, họ trốn đi tìm nhà trọ ở Ropur, nơi đã có một Mục sư Tin lành và một trạm phát thuốc đang hoạt động.

Một bạn học cùng trường được Sundar làm chứng về Chúa bị khó khăn nếu tiếp tục làm tín đồ Tin lành. Cậu học trò người Sikh này bị ngăn cấm không cho trở lại trường, bị đem ra tòa làm chứng chống các thầy giáo và cuối cùng bị bỏ thuốc độc vào thức ăn cho chết để khỏi làm nhục gia đình nữa.

Sundar biết rõ về tình yêu của cha mình. Nhưng nếu cậu tiếp tục làm tín đồ của Chúa Jesus trước mắt ông, sớm muộn cậu cũng chung số phận như người bạn kia vậy. Sher Singh cũng nhận thấy dễ chịu khi con trai mình xa cách và đồng ý cho phép cậu ra đi học trường nội trú tại Ludhiana.  Biết đâu, nhờ khoảng cách này, ông có thể tâm tình và hướng dẫn cậu trở về với truyền thống gia đình.

Tại Ấn độ, thanh niên được kể là trưởng thành vào lúc mười sáu tuổi sớm hơn Tây phương. Nhưng Sundar chỉ mới mười lăm tuổi thôi.  Cậu có thể xác nhận mình là Cơ đốc nhân nhưng cha cậu phải chấp thuận mới được. Cậu có thể nhận phép báp têm miễn sao cậu đủ tuổi.  Sher Singh nghỉ đến cách cưới vợ cho con để ràng buộc nó vào truyền thống gia đình.  Ông viết thư cho Sundar:

“Con yêu dấu của cha! Con là ánh sáng của mắt cha, là sự an ủi của lòng cha! Nguyện xin cho con được sống lâu. Ở nhà ai nấy đều khỏe mạnh và bình an. Mọi người đều mong sao cho con cũng được như vậy.  Cha ra lịnh cho con phải cưới vợ ngay tức khắc! Phải thi hành nhanh và đừng làm cho gia đình thất vọng.  Cơ đốc giáo có dạy con cãi lịnh cha mẹ không?

Con điên rồ rồi. Thử nghĩ xem, ai là người sẽ trông coi tất cả tài sản của chúng ta trong lúc này?  Con định làm ô danh gia đình mình hay sao? Nếu con làm lễ hỏi, cha sẽ làm viết giấy cho con hưởng mọi số tiền trong ba ngân hàng, bằng không con sẽ mất tất cả những gì cha dành cho con….. tốt cho con là con nên về nhà ngay …. cha không được khỏe … ”

Sundar đọc bức thư lần nữa, bỏ vào túi áo, rồi đi chào từ giã Hiệu trưởng, thầy giáo và trở về Rampur.

Khi cậu về đến nhà, ai nấy đều mừng rỡ.  Sher Singh ra ôm vai con dẫn vào nhà: “Con trai của cha” nước mắt ràn rụa chảy ra trên gò má nhăn nheo của ông: “Con trở về để thi hành theo như điều cha bảo con” .

Sundar yên lặng một chốc lát. Khi cậu mở miệng nói vài lời, mọi người cảm thấy giống như bị một nhát dao găm đâm vào.

“Thưa cha, không phải vậy đâu cha. Con không thể làm theo điều cha bảo được. Con là đầy tớ của Chúa Jesus. Con trở về vì những học sinh Cơ đốc tại trường đó không như con tưởng. Có lẽ con tự trọng, nhưng chắc con không thể sinh hoạt chung với họ nữa. Con phải đi theo Chúa Jesus nhưng theo con đường riêng của con và con theo Ngài tại đây, ở Rampur, không phải tại Ludhiana trong vòng những đứa con trai chưa bao giờ biết đến Chúa Jesus.”

Thời gian tiếp theo pha trộn giữa thuyết phục lẫn bắt bớ, và sự bắt bớ này càng ngày càng quyết liệt và lớn mạnh hơn. Cha thì nạt nộ, anh thì chưởi rủa. Chỉ có người cậu thân yêu dịu ngọt đem cậu bé vào phòng riêng dưới nhà, dỗ dành sẵn sàng cho Sundar hết châu báu trong mấy tủ sắt và cậu chỉ cần trả lời một câu thôi.

Người cậu cũng có thể cho cậu trả lời trong một tuần hay trễ hơn khi người anh em cô cậu Spuran Singh mời đến chơi tại nhà ở thành phố Nabha State, nơi Hoàng đế Maharaja Singh của người Sikh đã từng sống tại đây.  Spuran Singh là một viên chức cao cấp dưới hoàng tử.  Ông có ý định đưa Sundar đến gặp người quyền thế số một tại vùng này để may ra sự thuyết phục của bậc lãnh đạo tối cao này của dân tộc cảm kích được cậu em mình.

Sundar được hộ tống vào phòng yết kiến.  Hoàng tử đã chễm chệ ngồi sẵn trên ngai với lễ phục trịnh trọng và cặp mắt đen nhắp nháy như đôi hạt châu treo nơi hai tai trên cổ.

“ Sundar Singh ! Giọng nói sắt bén của Hoàng tử như ra lịnh: “Tại sao con lại làm ô danh cho giống nòi của con? Con mang vòng nơi tay của người Sikh, con để tóc không cắt theo cách của người Sikh, con mang tên của một người Sikh. Tại sao con không hành sử theo như họ? Con là Singh! Con có biết ý nghĩa của cái tên con đang mang do tổ tiên chúng ta ban cho không?”

“Thưa Ngài vâng. Nó có nghĩa là sư tử “.

“Vậy sao con mang danh của sư tử mà hành sử như một con chó rừng, chó nơi sa mạc?”

Sundar không trả lời. Một lát sau cậu bảo người anh họ từ biệt và đưa về nhà. Tiếng nói của Hoàng tử hãy còn vang bên tai của cậu “con mang tên người Sikh, tóc của người Sikh …”.   Cậu phải tỏ cho gia đình biết bằng một cử chỉ khẳng định về sự quyết tâm làm môn đệ của Chúa Jesus.

Ðiều đầu tiên khi cậu bước chân về nhà là đi vào phòng riêng cắt hết tóc mà cậu đã mang theo truyền thống từ thửơ bé. Người cha giận điên lên khi thấy thế. Không những điều này thách thức với gia đình mà còn mang nhục cho nòi giống nữa. Vậy thì hoặc phải đàn áp hay chết hơn là chịu nhục.  Ðây là một hành động bất tuân, không thể tha thứ được.  Cậu bị dẫn tới cửa trước mặt gia đình và tôi tớ trong nhà. Sher Singh la lớn:

“Nhân danh toàn thể gia đình, tất cả từ mầy vĩnh viễn. Mầy không còn xứng đáng là con trai của gia đình. Mầy không có gì với tụi tao nữa. Mọi người sẽ coi như mầy chưa bao giờ được sinh ra. Mầy phải rời khỏi nhà này tay không, trừ bộ áo mầy đang mặc trên người mà thôi. Và bây giờ đi cho khuất mắt!”

Sau những lời này, người ta đưa Sundar ra khỏi làng qua bên kia rừng và ngủ qua đêm dưới gốc cây. Cậu chụp lấy cuốn Kinh Thánh Tân Ước, đó là tất cả tài sản mà cậu có trong tay. Cậu thấy thỏa lòng để đồng chịu khổ cách công khai vì Chúa Jesus, đánh dấu bằng một đêm lạnh ngoài trời với cái bụng đau cồn cào khó chịu.

Sáng đến, Sundar men theo đường rầy xe lửa, định ý trở lại Ludhiana một lần nữa.

Cậu leo lên xe lửa ngồi chưa đầy nửa giờ cơn đau khi chiều hôm nay lại nổi lên càng tệ hại hơn.  Cậu bắt đầu ói mửa và máu đỏ ứa ra từ miệng. Sundar biết rõ sự thật rồi.  Cậu không phải chỉ bị đuổi nhưng trước khi ra đi cậu bị bỏ thuốc độc vào bữa ăn cuối cùng với gia đình.  Sự chết của cậu sẽ xóa đi nỗi nhục nhã của gia đình. Họ nghĩ như thế.

May mắn thay, cậu bé có thể bước ra xe lửa và bò vào làng Ropur, một làng nơi đã có sẵn những tín hữu Tin lành từ Rampur đến đây lánh nạn trong những ngày trước đây. Tại đây, Mục sư Uppal và một nhân viên phụ tá chăm sóc điều trị và bởi phép lạ đã cứu mạng sống Sundar. Nhờ đó sau vài tuần cậu có thể tiếp tục cuộc hành trình đến Ludhiana, nơi đây cậu sống chung với hai Giáo sĩ Hoa kỳ cho đến ngày cậu đủ mười sáu tuổi. Rồi cậu từ giã họ và đi đến một nơi thanh tịch của vùng cao nguyên Simla Hills. Thật ra, cậu trai trẻ này có thể đã bị xiêu lòng mà rời đây một đôi lần trước vì cha cậu chẳng có thể quên đứa con trai.  Ông đã đến Ludhiana để thương thảo với cậu. Ông già tỏ vẻ ân hận, khập khễnh với cây gậy trong tay bước vào khuôn viên chung cư, đến gần để cố gắng thuyết phục cậu con trai của mình.

Bây giờ cậu mới thực sự đi tìm sự bình an, để tĩnh nguyện trong khu rừng thông cao vút trải dài cho đến cửa bịnh viện cùi Sabathu.  Cậu tạm trú tại đây trong một thời gian. Trên đồi thông cao vút này, cậu thấy được đồng bằng Punjab nóng cháy. Những lần hì hạch trèo lên đồi cao, cậu thoáng nhìn lớp tuyết trường cửu trên dãy Hy mã lạp sơn, và bên kia là đất Tây tạng.

Những lần đi lang thang, ngắm nhìn, suy tư, cầu nguyện, một ý tưởng cứ vang dội trong tâm khảm của cậu:

“Khoảng giữa những đồng bằng này, đất cấm ấy, đồi núi ấy là nơi gởi gấm tương lai tôi”

Ðầu tháng 9, cậu leo đường đèo xuyên qua những khu rừng dẫn đến thành phố Simla. Cậu thăm khu phố chợ, văn phòng chính phủ, nhà cửa tư nhân và đứng nhìn ngôi đền thờ Chúa Cứu Thế Jesus sừng sững ngự trị giữa vùng cao nguyên.  Ðàng kia là con đường dẫn ngang qua những vùng đồi núi đưa đến Tây Tạng.

Ngày 3 tháng 9 năm 1905 cậu đúng 16 tuổi

Vào ngày này, sinh nhật thứ 16, Sundar nhận thánh lễ Báp têm do Mục sư J. Redman và Mục sư Canon Chandu Lal cử hành.

Bốn tuần sau đó mục vụ của Sundar trong Chúa bắt đầu.

(Còn nữa)

 

Bài trước:

 

https://huongdionline.com/2016/03/18/su-hien-thay/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn