Thứ Ba , 5 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Con Chồn Nhỏ Phá Hại Vườn Nho

Con Chồn Nhỏ Phá Hại Vườn Nho

images (3)

Trên trời có đám mây xanh,
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng,
Ước gì anh cưới được nàng…
Vườn Nho có chủ sao chàng vấn vương?

Những câu ca quen thuộc này, tôi đã từng nghe. Ba câu đầu là ca dao dân gian Việt Nam. Còn câu sau là bà ngoại tôi tự đặt, để kể cho tôi nghe một câu chuyện rất lý thú lúc tôi khoảng mười bốn tuổi. Câu chuyện: “Vườn Nho và Chú Chồn.”  Ngoại tôi kể rằng…

Ngày xưa, có một người chủ điền giàu có ở Trung Hoa tên là Hứa Thái Vương.  Vị chủ điền này rất khôn ngoan, thông minh và sáng tạo.  Ông có một người vợ đẹp và năm đứa con rất xinh. Ông xây một lâu đài trên đất mình và thiết lập một vườn Nho tuyệt đẹp.

Vườn Nho Đã Có Chủ

Vườn Nho Thái Vương do chính chủ điền Hứa Thái Vương đích thân thiết kế và vun đắp hằng ngày.  Dần dần, người trong làng gọi vườn Nho này là “Vườn Thái Vương” và vì Thái Vương là chủ điền nên người dân nơi đó cũng gọi là “Làng Thái Vương.”

Chủ vườn Nho rất vui vẻ và hạnh phúc trong vườn của mình. Niềm vui và hạnh phúc ấy không phải tự nhiên mà Thái Vương có được, nhưng chính ông đã tự tạo nên và xây dựng nó. Không phải một sớm, một chiều mà Thái Vương trở thành chủ điền, nhưng do chính mồ hôi, nước mắt và công sức ông gầy dựng nên.  Thái Vương từ lúc chín tuổi đã mồ côi.  Cha mẹ của Thái Vương qua đời vì tai nạn chặt cây và bị cây ngã đè chết.  Thái Vương ở với một người chú ruột, lúc lên mười bảy tuổi, thì người chú chẳng may lâm bịnh sốt xuất huyết rồi cũng qua đời.

Thái Vương một mình tần tảo tự lập giữa nông trại do ông cha để lại.  Khoảng mười tám năm sau, vườn Nho tươi mát đã uốn cong mình trong khu đất mênh mông một màu xanh biếc, bao quanh lâu đài Thái Vương.  Lâu đài Thái Vương được kiến trúc ba tầng lộng lẫy, gồm nhiều phòng cho Thái Vương và gia đình ông sinh sống tại đó.  Thái Vương có nhiều người làm việc và ông là chủ vườn.

Vẻ Đẹp Của Vườn Nho

Vườn Nho tuyệt đẹp.  Ai đặt chân đến đất này hay nhìn thấy vườn Nho một lần cũng tấm tắc khen ngợi.  Họ không những khen người chủ vườn mà còn khen những lối đi, đường nét trong khu vườn không có chỗ chê.

Nghệ thuật trồng Nho của Thái Vương rất sáng tạo và lạ thường.  Thái Vương dùng những cây Tùng to lớn trồng theo từng hàng, có khu thẳng, có khu uốn khúc eo cong.  Thái Vương đặt các dây Nho dưới các gốc cây Tùng vững chắc, dẻo dai và dây Nho được lớn lên vòng quanh các cây Tùng cao thấp chập chùng.  Nho càng lớn, cành lá càng sum sê thì những lá Tùng dần dần rụng bớt chừa chỗ cho Nho phát triển.  Những lá Tùng trên ngọn có thể làm mát cả vườn Nho.

Thái Vương dùng Nho ép rượu, dùng hạt Nho ép dầu, dùng vỏ Nho làm thuốc bổ Vitamins…  Thái Vương dùng lá Tùng ủ lại nhiều ngày và làm phân bón cho Nho mỗi ngày được tươi tốt.  Mỗi cây Tùng trở nên một cây Nho cổ thụ to lớn, rợp mát và yên bình. Trái Nho to, nhỏ tùy loại.  Nho thơm, ngon, ngọt từ thiên nhiên, nhiều màu sắc khác nhau, xanh, đỏ, tím, tía…. mỗi chùm nặng trĩu.  Ai đến nơi đây một lần là nhớ mãi… như lạc lối trong cơn mê….

Chung quanh vườn Nho là một dòng suối mát trong không ngừng reo hát ngày đêm, vây quanh khu vườn thơ mộng và tưới mát khắp khu vườn mỗi ngày thêm thịnh vượng.

Giữa vườn Nho là lâu đài ba tầng. Tầng một dành cho những người làm công.  Tầng hai dành cho khách du lịch và tầng ba cao nhất là nơi gia đình Thái Vương sinh sống.

Sân trước và sân sau ngôi lâu đài là các sân thể thao, tennis, phòng tắm hơi, hồ bơi, hồ nuôi cá Koi, trồng rau và cây cảnh…

Bên trái và bên phải lâu đài là hai khu vườn treo, được thiết kế hình chóp như Kim Tự Tháp, nước chảy trong xanh, vòng quanh từ trên xuống dưới tưới khắp khu vườn tươi tốt, đủ loại cây trái, làm tô điểm khu vườn trở thành một vẻ đẹp kỳ quan.

Nơi đây dần dần nổi tiếng và có nhiều khách lạ đến viếng thăm.  Đặc biệt, khách đến thăm không những miễn phí, mà còn được chủ vườn cho thưởng thức nho và rượu ngon tại nơi này.  Khi ăn, uống xong thì họ có thể mua rượu và nho mang về để dùng hay làm quà.  Có những người từ xa nghe đồn và đến thưởng thức kỳ công sáng tạo của Thái Vương. Lại cũng có người muốn được giúp việc tại đó.

Tài Năng Của Chú Chồn

images (4)

Có một người khách lạ đến vườn Nho xin việc làm.  Ông chủ vườn Nho ân cần tiếp đón người khách lạ.

“Chào ông chủ” người khách lạ cúi đầu.

“Chào chú em! Tôi tên Thái Vương họ Hứa.  Ông chủ đưa tay ra bắt tay người khách lạ.

Người khách lạ  tươi cười: “Tôi tên Chồn họ Chu, rất hân hạnh được gặp ông.”

“Xin lỗi chú em vừa nói gì?” Ông chủ hỏi lại.

“Dạ tôi tên Chồn họ Chu, rất hân hạnh được gặp ông.” Người khách lạ lặp lại một lần nữa.

Ông chủ lúng túng như không nghe rõ gì mấy về tên người đối diện.  Ông cười cười, mời chú em ngồi, rồi đưa cho người khách lạ một tờ giấy trắng và bảo anh ta ghi tên, tuổi… của anh vào đấy.

Ông chủ  cầm tờ  giấy hỏi,  “Chú em tên Chồn họ Chu?”

“Vâng  đúng! Tôi lúc còn nhỏ không thích tên này, và cũng thắc mắc hỏi bố mẹ tôi, có nhiều tên hay như Triển Chiêu, hay Chu Bá Thông… sao bố mẹ không đặt cho con?  Nhưng bố mẹ tôi nói, vì tôi lúc mới sanh rất khó nuôi nên bố mẹ tôi đặt tên tôi là Chu Chồn cho dễ nuôi.”

“Chú Chu có thể đổi tên bất cứ lúc nào nếu chú muốn.”  Tuy nhiên, theo quan niệm của tôi tên không quan trọng lắm! Nhân phẩm con người quan trọng hơn.” Ông chủ cười phúc hậu.

“Tôi cũng nghĩ thế, nên tôi sử dụng tên ấy bốn chục năm nay đấy ạ!”  Hai người cười vui vẻ!

Sau khi phỏng vấn, vị chủ vườn nhận ra người khách lạ này có tài năng về âm nhạc.  Anh ta biết rất nhiều loại nhạc khác nhau, từ đàn Độc Huyền Cầm, Trống, Kèn, Piano, Sáo, Violin, đàn Tranh, đàn Guitar, đàn…  Anh ta không những lãng tử, phong trần, qúi phái, lịch sự mà còn là một nhân tài hiếm hoi.

Chủ vườn đang thật sự rất cần một người như thế để làm việc cho ông.  Chủ vườn nhận người khách lạ này và giao cho anh ta công việc đánh đàn ở phòng khách mỗi ngày cho chủ.  Các con trai con gái của Thái Vương cũng quí mến vị khách này và họ muốn học âm nhạc để có thể lập một ban nhạc trong gia đình họ.

Thái Vương cho phép các con và vợ mình học âm nhạc. Vị khách này, dần dần có một chỗ đứng rất vững trong gia đình Thái Vương.  Vì thế, anh ta  được chủ vườn cho lên ở một phòng trên tầng cao nhất và anh ta có thể ăn chung với gia đình chủ như người trong nhà.  Sáu tháng sau đó, gia đình Thái Vương thành lập một ban nhạc, xập xình, khiến du khách thoải mái tâm hồn khi họ đặt chân đến khu vườn sang trọng này. Chú Chồn Chu – người nhạc trưởng, khoái chí đặt ban nhạc tên “Sóng Thần” và có thể đến thăm vườn Nho bất cứ lúc  nào.

Chú Chồn Thăm Vườn Nho

Chú Chồn Chu hằng ngày đến thăm vười Nho.  Vườn Nho trở nên trẻ trung, xao động hơn khi có những tiếng ca-hát du dương, lãng mạn, làm quyến rũ hồn người.  Chú Chồn có thể hái bất cứ trái cây nào trong vườn như người trong nhà họ Hứa.  Gia đình họ Hứa ai cũng tin tưởng nơi chú.

Vườn Nho đẹp mê hồn.  Chú nhìn mọi góc cạnh đều thấy đẹp, nhìn bên nào cũng đẹp, nhìn từ xa đã mát mắt, lại gần càng đẹp hơn.  Chú đi đi, lại lại, bứt vài chút xíu lá cảnh vãi xuống mặt hồ.  Nước hồ đang yên tĩnh bỗng gợn những sóng nhỏ lăn tăn. Những chú cá Koi bơi lội từng đàn như đang chờ đớp mồi khi có cơ hội.

Khung cảnh nơi này thật nên thơ.  Chú Chồn Chu đưa mắt liếc một vòng quanh vườn rồi đứng nhắm mắt lại, hít vào những hơi thở trong lành của ban mai thật thích thú.  Chú bước lại gần chiếc ghế xích-đu bà chủ mỗi buổi sáng vẫn thường đến đây đọc sách.

“Chào bà chị!” Chị đang đọc sách gì thế?

“Chào chú buổi sáng!” Bà chủ nhích cặp mắt kiếng xuống tới lỗ mũi, mặt hơi cúi xuống, mắt nhìn ngược lên.

“À tôi đang đọc Cô Gái Đồ Long.  Đọc một hồi tôi thấy mỏi cả mắt.”  Bà chủ trả lời.

“Vậy chị nhắm mắt lại một lúc để tôi đọc chị nghe.”  Chú Chu vui vẻ trước mặt bà chủ.

“À được! Mời chú ngồi.”  Chú Chu ân cần ngồi cùng nghế, bên cạnh bà chủ, lật từng trang sách đọc cho bà chủ nghe.  Giọng chú thật ấm áp….

“À đến giờ học nhạc rồi chú Chu ạ.”  Bà chủ nhắc.

“Vâng chúng ta đi thôi.” Chú Chu đáp lời, rồi đưa tay ngắt một đóa hoa Hồng bên cạnh tặng bà chủ.  Bà chủ cười chúm chím như tuổi đôi mươi.

Từ sân xích-đu đến phòng học nhạc không xa lắm.  Các con của nhà họ Hứa cũng đã có mặt đông đủ trong phòng.  Thầy giáo Chu đã vào lớp.  Giờ học nhạc bắt đầu…

Chú Chồn Trong Vườn Nho

Chú Chồn Chu đã trở nên như một thành viên của gia đình họ Hứa.  Ngoài những giờ dạy nhạc, chú Chồn Chu thỉnh thoảng cũng làm vườn, dọn dẹp cho chủ và lâu lâu chú Chu cũng đích thân nấu những món ăn của người Tây Tạng đãi gia đình họ Hứa.

Chú Chồn Chu nhẫn nại, ân cần và chịu khó.  Bà chủ cũng là người hiếu học, nên chẳng bao lâu, bà thuộc lòng các nốt nhạc và đàn Violin nghe cũng êm tai.  Vì có thầy trong nhà, nên lúc nào cần thì bà cứ hỏi.  Chú Chu không ngần ngại giúp bà.

Bà chủ tuổi đã trên bốn mươi, mọi công việc gia đình có người làm lo toan.  Bà không đụng đến đầu móng tay, tối ngày bà chỉ đi tới, đi lui trong nhà, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, hít thở không khí trong lành nên bà sở hữu một làn da trắng nõn, mượt mà như thì con gái.

Giờ học nhạc đã trôi qua, nhưng bà chủ còn mãi mê ôm đàn. Các con của bà đã về phòng của chúng nó, chỉ còn một mình bà chủ và chú Chu ở trong phòng học.  Chú Chu vỗ tay khen ngợi bà sau một bản nhạc, rồi đến đứng sau bà nhẹ nhàng đưa tay trái lên nắn nót cung đàn.  Chú để tay phải của chú trên tay phải bà chủ và cả hai cùng kéo cây vĩ Violin như đồng thanh hòa tấu.

Sau một bản nhạc, chú Chu buông tay và bảo bà chủ tự đàn lại.  Chú Chu đứng áp người sát bà như đang mơ ước khung cảnh tình tứ này tự bao giờ.  Chàng nghe thoang thoảng đâu đây một niềm hân hoan vui sướng trong mùi vị lâng lâng của rượu.  Mùi thơm hấp dẫn, ái mộ, quyến rũ của dầu.  Sự hưng phấn của Vitamins đang trào dâng một vườn Nho hấp dẫn của nhà họ Hứa đã cuốn hút chàng Chu ôm sát eo nàng càng gần hơn một cách mùi mẫn.

Vườn Nho Đã Niêm Phong

images (5)

Hứa Thái Vương nhìn thấy tất cả từ cửa sổ phòng học rồi bỏ đi.  Hứa Thái Vương gọi những người làm bếp chuẩn bị một bữa tối thật thịnh soạn.  Sau khi mọi người ăn tối xong,  Hứa Thái Vương trao cho chú Chồn Chu một phong thư và một thùng quà cảm ơn trong thời gian dạy nhạc và yêu cầu chú trả lại chìa khóa phòng mà không cần một lời giải thích.

Chú Chồn Chu một mình bơ vơ, mang hành lý lặng lẽ bước âm thầm giữa đêm vắng… Từ đó, trước cổng vườn Nho đã đặt một bảng niêm phong, nghiêm cấm những người khách lạ đến viếng-thăm vườn.  Những tiếng nhạc hòa tấu vang rền cũng không cần thiết phải có, nếu nó đem lại sự tổn thương cho chủ vườn.

Bà ngoại tôi dặn rằng, khi lớn lên, con cần học hỏi để có thể tự lập, xây dựng, vun đắp và chăm sóc một vườn Nho tươi tốt theo khả năng mình.  Khi con có một vườn Nho của riêng con, thì con là chủ vườn.  Nếu con là chủ vườn Nho, con có thể hái ăn bất cứ trái nào con muốn.  Con đừng tham vườn Nho của người khác, vì điều đó không thuộc về con.  Con chỉ được phép mở chìa khóa vườn Nho của riêng con thôi, vì người cổ xưa đã kinh nghiệm và truyền lại hậu thế câu này:“Em của anh, cô dâu của anh là vườn đóng kín, là vườn khóa chặt, là suối niêm phong” (Nhã-ca 4:12).

 

helen

VHĐ   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn